Mt 13: 1-13
Ở đời thường, nhà thơ cứ mải gieo đôi vần tuyệt kỹ, với học trò. Nơi nhà Đạo, vị thánh sử luôn viết dụ ngôn kỳ bí, cho muôn người. Dụ ngôn “người gieo giống” hôm nay có những lời dạy, rất nên thơ. Không kỳ bí. Vẫn rất thực. Thơ hay thực, đều nói lên tình Chúa rắc gieo cho muôn dân. Nơi cuộc đời. Trình thuật hôm nay cũng nói đến vãi gieo, gói ghém cả một dặn dò đầy ý nhị, từ Đức Chúa.
Thánh Mat-thêu hôm nay ghi rõ một tình tự. Tình tự thẩm thấu tin – yêu, khi Thầy dạy dỗ bằng dụ ngôn. Dụ ngôn Thầy dạy hôm ấy, gồm tóm những 3 điểm: lời ẩn dụ, thời giải khuây và ý quảng diễn. Ý quảng bá lời diễn giải hôm nay Thầy nhấn mạnh, là về thành quả Lời được gieo vãi, cho mọi người.
Lời Thầy dạy, kết nối với vần thơ Isaya-ngôn-sứ, nói hôm trước. Ở cả hai Lời, người đọc đều biết rõ: Đức Chúa vẫn san sẻ sự viên mãn của Ngài gửi đến với mọi người chúng ta. Lời, không làm ai thất vọng. Lời, là chính công việc Ngài làm, được so và sánh: “như mưa sa cùng tuyết xuống, sẽ không trở về nếu chưa thấm xuống đất.” (Is 55: 10).
Với Tin Mừng Mátthêu- thánh-sử, cả chương đoạn 13 thần thiêng thánh hoá đều hàm ngụ “Dụ Ngôn Nước Trời” bằng nhiều hình thức. Có hình thức qua đó Chúa nói ngay từ ban đầu, Nước Trời tựa như “kho tàng giấu dưới ruộng” (Mt 13: 44), hoặc như “ngọc quý đắt giá, thương gia tìm..” (Mt 13: 45). Khi phát hiện đuợc ngọc quý là Lời, người người sẽ bỏ tất cả, để ra đi trở nên thành phần của “Nước Chúa”. Thành phần, của Nước Trời thể hiện nơi cộng đoàn của Chúa, ở trần gian.
Có thể bảo, toàn bộ Lời kinh sách rất thánh của Chúa không chỉ mỗi Lời xuất từ miệng Ngài mà thôi. Nhưng Lời luôn viên mãn ở nơi hành động. Có sáng thế. Có tạo dựng. Chính đó là Lời sống động. Lời, tựa hạt mầm của sự sống. Lời, nay hiện diện trong kinh nghiệm ở cuộc đời. Kinh nghiệm của mỗi người. Dù, kinh nghiệm ấy có là vui sống, hay đời buồn. Dù thành công hay thất bại. Dù mang sắc mầu hài hoà viên mãn hay khổ tâm. Vẫn là Lời.
Rõ ràng, ta chỉ có thể sống với Lời qua Đức Chúa. Bởi, Ngài là Lời đã nên xác phàm. Lời nhập thể (Yn 1: 14). Nhập, cả nơi nào Lời được nói ra. Vào, những gì Lời đã làm. Tất cả, đều chuyển tải chính bản thể Thiên Chúa đến với ta, qua Đức Kitô. Chuyển tải, không chỉ nhờ giáo huấn của Ngài, mà thôi. Nhưng, vào cả cuộc sống trọn vẹn của Ngài. Trọn vẹn, cả vào năm tháng Ngài ẩn dật ở làng xã Na-da-rét. Trọn vẹn, đời công khai rao giảng. Công khai rao Lời, cho đến chết. Để rồi, Lời cũng đã sống lại.
“Hạt rơi trên sỏi đá” nói ở đây, chính là đá-sỏi-cát-sạn ở đầu óc của dân con, đồ đệ. Những người từng nghe biết cuộc sống và sứ vụ Thầy cưu mang, cả vào những lúc tưởng chừng như Ngài đã thất bại, rất suy sụp. Cả vào khi, Lời tưởng như bị ngộp, rất chết ngạt. Chẳng thể đâm hoa kết trái. Chẳng làm sao trực chỉ tâm can con người. Chính cả vào lúc đó, Lời vẫn như hạt lúa được “gieo xuống đất để rồi chết đi!” (Yn 12: 24), Lời đã bén rễ, nơi lòng người. Khởi đầu như mầm hạt nhỏ bé, như dúm men trong bột, Lời đã tăng trưởng mạnh, bất chấp mọi xung đột - trở ngại. Tranh chấp.
Ở bài đọc 1, ngôn sứ Isaya có nói trước: “Lời Ta cũng vậy, khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta trao”. (Is 55: 11). Kết hợp lại, ý và Lời của Isaya-ngôn-sứ nói tiên tri, thì “Nước Thiên Chúa” không hề thất bại, nhưng đã thành công. Vì, được thiết lập trên nền tảng vững chãi. Chính vì thế, Ngài đã nói thêm: “Ai có tai, hãy nghe.” và: “Nhiều người công chính đã mong được thấy điều anh em đang thấy, mà không được; muốn nghe điều anh em đang nghe, mà chẳng được nghe.” (Mt 13: 17).
Trong bối cảnh cộng đoàn tiên khởi, Tin Mừng thánh Mát-thêu chừng như ám chỉ riêng về các vị trong Hội thánh ban sơ từng chối bỏ Đức Chúa. Thật sự, Tin Mừng áp dụng cho tất cả các vị nào từng bịt mắt che tai, để không nghe không thấy, vì có sẵn thành kiến. Đã biết sợ.
Chỉ thẳng vào môn đệ và những người theo Ngài, Đức Giê-su nói: “Phúc cho mắt của anh em vì được thấy, tai của anh em vì đã nghe!” Nhiều người cùng sống vào thời của Chúa, cũng từng thấy và nghe nhưng chẳng khi nào có được vinh dự của người theo Chúa. Ngày nay, động từ chính yếu là “nghe” trong Kinh Thánh chứa đựng đến 4 yếu tố rất quan trọng:
*nghe bằng tâm tư rộng mở, vô điều kiện (“phúc cho ai có lòng trong sách, vì họ sẽ được thấy Chúa”).
*hiểu những gì mình nghe biết.
*chấp nhận và thích ứng những gì mình đã hiểu
*Đi ngay vào hành xử, khi đã chấp nhận và thích ứng.
Tựu trung, con người chúng ta có thể lắng tai nghe, nhưng không hiểu. Có thể hiểu, nhưng không chấp nhận. Rất dễ chấp nhận, nhưng lại chẳng thực thi. Cả bốn tác động, đều là bốn trạng thái cần thiết. Rất trọn vẹn.
Những điều ở trên, dẫn thẳng đến phần thứ ba của trình thuật. Tức, phần dẫn giải dụ ngôn ở mức độ nghe nhìn khác nhau.
*Có hạt rơi xuống vệ đường, tức nơi không có đất. Hạt mầm rơi như thế, không có triển vọng bắt rễ. Bởi, cả tai lẫn mắt đều đóng lại. Chẳng đón nhận Lời.
*Có những hạt rơi trên sỏi đá, chỉ một lớp đất phủ bên trên. Hạt mầm có thể bén rễ, và tăng trưởng. Nhưng sẽ cháy rụi vị thiếu nước, với sức nóng mặt trời. Tình huống này, chẳng khác nào tâm trạng người theo chân Chúa đã thanh tẩy, có tĩnh tâm, nhiều linh đạo. Cũng phấn khởi chạy đến với Chúa đấy, nhưng vẫn chịu sức ép của ai đó, kiệt dần hơi. Rồi vỡ nát. Nghe thật đấy, nhưng thật tình chẳng mấy lắng nghe. Cũng chẳng hiểu. Chẳng có quyết tâm. Chẳng thật tình.
*Có hạt rơi nơi bụi gại, cỏ dại. Tức, có cạnh tranh. Đây, như giải pháp: “hãy cầm lấy mà ăn”. Nghĩa là, những muốn làm người công chính, nhưng lại vẫn muốn sở hữu đủ mọi thứ mà thế giới coi là điều quan trọng hơn cả. Nhất là, vào khi những thứ ấy nghịch chống lại tinh thần của Phúc Âm. Như thế không được. Ta không thể, vừa muốn phục vụ Đức Chúa. Lại vừa có chủ trương hưởng thụ tiền bạc/vất chất. Chừng như, nhiều người trong chúng ta thuộc nhóm này. Và vì thế, Hội thánh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trong nỗ lực dựng xây Nước Trời.
*Có những hạt rơi vào nơi đất mầu, đầy triển vọng. Đất mầu ngày nay, là như “người nghe và hiểu được Lời”. Những người đã thành công trong gieo và vãi. Nay, hưởng huê lợi vụ gặt.
Về lâu về dài, tác động Lời của Đức Chúa không thể bị hư mất vì những đe nẹt hù doạ, từ phía xã hội hoặc cộng đoàn. Và vấn đề cuối cùng đặt ra, là: bản thân chúng ta đáp ứng thế nào với Lời? Chối từ đất mầu triển vọng Ngài đã gieo? Hoặc không bén rễ sâu nơi lòng đất mẹ?
Đáp trả thế nào đi nữa, thì kế hoạch về Lời phải trọn vẹn thành đạt, tùy mỗi người. Tùy quyết tâm. Ta có muốn trở nên thành phần của kế hoạch “bén rễ sâu” trong đất mầu đầy viên mãn, của Đức Chúa?. Tuỳ thái độ biết nói tiếng xin vâng; hoặc do dự, hay vẫn chối từ. Thái độ của ta, có ra sao đi nữa cũng đừng như các kẻ hiện đang chống lại mọi đổi thay. Những đổi thay tận gốc rễ. Đổi và thay rất cần thiết, để rồi sẽ không luột mất cơ hội để Chúa đến với cuộc sống mình, mang theo ý nghĩa của giải thoát. Bình an. Hạnh phúc.
Lm Frank Doyle sj
MaiTá lược dịch
No comments:
Post a Comment