Thursday, 28 July 2011

Frank Doyle sj: “Ghềnh đá nhỏ lặng ngồi hồn mơ mộng”



Mt 14: 13-21

Có những lúc, ta cũng được kêu mời ra ghềnh đá lặng ngồi, hồn mơ mộng. Giống nhà thơ. Ở nhà Đạo, cũng nhiều lần, có những ới gọi ngồi lặng thinh, không để mộng mơ nhưng để đọng lắng tâm tư, suy niệm về chuyện lạ Chúa làm cho mọi người. Như trình thuật hôm nay, còn ghi đậm

Trình thuật hôm nay, thánh Mát-thêu ghi rõ về một sự lạ. Sự lạ thánh nhân ghi, là ý nghĩa việc Chúa làm vào thời ấy. Rất lạ. Sự việc thánh sử ghi, thấy cũng lạ: “Nghe tin ấy, Ngài lánh khỏi nơi đó”. (Mt 14: 13). Ngài tránh, không phải để chối từ mọi nghịch chống, đối kháng. Hoặc khổ đau. Mà là: “đi thuyền đến nơi hoang vắng, riêng biệt” (cạnh hồ) (Mt 14: 13b). Và, “ra khỏi thuyền Ngài nhìn đoàn người đông đảo, thấy mà thương.” Chạnh lòng thương, Ngài đã chữa lành cho họ.

Với Tin Mừng thánh Mác-cô, việc chạnh lòng thương khiến Chúa “lên tiếng dạy họ nhiều điều” (Mc 6: 33). Chúa chữa lành, được hiểu như việc Ngài dạy cho dân biết mục tiêu Ngài nhắm, là: tái tạo mọi người thành một tổng thể, xác và hồn. Là, tỏ rõ công trình cứu độ, Ngài thực hiện.

Vấn nạn đặt ra hôm nay: chúng ta đáp ứng thế nào với lời gọi mời “chạnh lòng thương”/“giùm giúp chữa lành”, Chúa gửi đến? Vấn nạn, không chỉ nơi hành động của thầy Lêvi - tư tế, trên đường Giê-ri-khô, hôm trước. Hành động quên cả người bị nạn, “sõng soài trên vũng máu”. Vấn nạn, nay còn là mời gọi mọi người, lạ cũng như quen, biết đáp ứng tinh thần “chạnh lòng thương”. Biết chuyển biến tinh thần ấy thành hành động.

Đáp ứng lời mời gọi thương yêu giùm giúp, thật không dễ. Vì tính chất đa dạng, khó khăn khi đáp ứng. Có người đặt mọi trọng tâm vào chính mình, trước đã. Đặt trọng tâm nơi mình, sẽ chẳng làm sao có được đức tính “chạnh lòng thương”, những người khác. Không đáp ứng. Bởi,biết là nếu đáp ứng, sẽ gây ảnh hưởng gián đoạn mọi chương trình, mình đã tính. Có người cũng đáp ứng đấy, nhưng miễn cưỡng. Sơ sài. Vì kiệt sức. Hoặc, không quen. Tóm lại mọi điều, đều thấy khó. Khó thực hiện. Khó thích nghi, với thói lệ thông thường. Của mỗi người. Trong cuộc sống hằng ngày.

Có người, nhất định chối từ tỏ bày “lòng thương yêu/giùm giúp”, vì nghĩ mình chẳng có gì để cho,chẳng có gì đáng giá, để giùm giúp. Hoặc, vẫn nói: “đã muộn rồi”, “con chỉ vỏn vẹn có năm cái bánh và hai con cá”, làm sao cho. Chúa khác hẳn, Ngài vẫn dạy đồ đệ Ngài hãy tự tin. Ngài cứ hối thúc các thánh biết sẻ san, dù một chút. Chính nhờ thế, “ai nấy đều ăn và được no nê” (Mt 14: 20).

Ngước nhìn trời, Ngài dâng lời chúc tụng, là cử chỉ Chúa hướng về Cha Ngài. Là, động tác chúc tụng ngợi khen. Ban phép lành trên của ăn. Là, thực hiện động tác san sẻ bẻ bánh, cho môn đệ. Bảo ban các thánh, hãy dấn bước mà cho đi. Phân phát.

Người ta thu lại được 12 giỏ đầy, khi đã no nê tràn đầy. Ai cũng no. 12, là con số ám chỉ số lượng chi tộc Israel. 12, là con số các chi tộc được 12 thánh tông đồ luôn chăm sóc. Chăm nom - săn sóc, như thành phần công tác cho Israel, dân rất mới. 12 nguồn chăm sóc, xuất phát từ lòng độ lượng Chúa ban. Ban cho hết mọi người, không riêng gì Israel, thôi.

Số người ăn, có tới năm ngàn, không kể đàn bà và trẻ con, theo các nhà chú giải, số người được ban cho của ăn hôm ấy, có thể lên đến hai ba chục ngàn. Số người đây, phản ánh cảnh tình Do Thái vào các năm lưu lạc, nơi sa mạc.

Thức ăn Chúa ban, tượng trưng cho việc Ngài ban phát gửi đến dân con nhà Đạo được no đầy, ơn giùm giúp. Sự lạ “được no đầy ơn giùm giúp”, tự thân, tượng trưng cho Tiệc Thánh thể, ta mừng kính. Tiệc thánh Thể, là tiệc sẻ san đoàn kết, qua bẻ bánh. Sẻ san ân huệ Chúa ban, gửi đến cộng đoàn tình thương, vào buổi tiệc. Tiếc một điều, là: ở nhiều nơi, Tiệc Lòng Mến Thánh Thể chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, khá trống rỗng về thực tại ta đang có.

Cũng có câu hỏi rằng nếu Chúa quan tâm đến mọi người, thì tại sao trên thực tế, nhiều người vẫn chưa thực thi điều Ngài mong muốn? Sao vẫn còn, nhiều kẻ đơn côi, đói khát, vô gia cư, không tìm được nơi bảo bọc, giùm giúp? Như ở bài đọc 1, sao vẫn có vần thơ đầy khuyến khích, từ vị ngôn sứ: “Hãy đến cả đi, hỡi những người đang khao khát, nước sẵn đây! Dù không tiền, cứ đến lấy mà dùng. Cứ mua rượu mua sữa, chẳng cần mất đồng xu.” (Is 55: 1).

Đáp ứng cho vấn nạn trên, cộng thêm nơi đây lời ngôn sứ: “Sao phung phí bạc tiền vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng chắc dạ, no lòng?´(Is 55: 2). Lời ngôn sứ, ở đây muốn nói: hãy chi tiêu bạc tiền cách nào để ta có thể nuôi dưỡng người túng thiếu, kẻ nghèo hèn khiến họ no nê, đầy ắp. Đáp ứng nhu cầu, không chỉ những đáp và ứng cho riêng mình. Để mọi người hiểu rõ, ngôn sứ còn thêm: “Hãy chăm chú nghe lời ta, các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị.” (Is 55: 2).

Bài đọc 2, Phao-lô thánh-nhân nhắc giáo đoàn ở Rôma, nhớ thật rõ: “Không gì có thể tách ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Dù, có là gian khổ, đói rách, hiểm nguy bắt bớ, lẫn giáo gươm? Trong mọi thử thách, ta toàn thắng là nhờ Đấng đã yêu mến ta.” (Rm 8: 35).

Nói chung, 3 bài đọc hôm nay, đều qui về mấy điểm, sau đây:

*Chúa thực sự quan tâm chăm sóc dân Người. Ngài ban đủ mọi thứ. Cho mọi người.

*Thăng trầm cuộc sống, dù có là cảm xúc, linh đạo, xác thể hay vật chất; dù cuộc sống trở thành bi hài kịch nhiều màn, dù cho đó là thiên tai không thoát khỏi, cũng không nên cản ngăn/kình chống tình thương yêu Chúa đùm bọc. Mọi việc xảy đến với cuộc đời, là để ta tăng trưởng trong cảm nghiệm. Tăng trưởng và nhận thức được đâu là hạnh phúc đích thực. Đâu là bình an, cần phải có.

*Quan tâm chăm sóc Chúa phó ban, là để ta thực hiện như một trọng trách khẩn thiết. Khổ đau nơi con người, là do đồng loại mình tạo nên. Chúa nuôi sống mọi người, Ngài không trực tiếp để dân ăn uống, những no say. Nhưng làm thế, Ngài vẫn dùng bàn tay hợp tác của mọi dân con đồ đệ. Ngài vẫn làm và chỉ làm, mỗi việc thiện. Ngài làm mỗi việc thiện, thế mà vẫn có nhiều người hằng than trách. Than và phiền, rồi đổ lỗi cho Ngài. Cho người khác. Thật ra, gán đổ mọi khó khăn/phiền trách cho người khác, là việc dễ làm. Bởi, người người vẫn quan niệm: khó khăn kia, là của người khác. Do anh. Do chị mà có. Nào phải do tôi?.

Và, trình thuật việc lạ “Chúa ban phát” hôm nay, còn là ý nghĩa đích thực của Tiệc Lòng Mến Thánh thể, ta cử hành hằng tuần. Rất thân thương. Trang trọng. Cử hành Tiệc, để ta sẻ san tình thân thương như Chúa. Với Chúa. Với người anh người chị, ở gần quanh. Ngõ hầu, ta có thể chuyển tải lòng thương xót Chúa, đến mọi người. Là Thiên Chúa của tình thương yêu đùm bọc, bao giờ Ngài cũng mong mỏi ta sẻ san hợp tác, để làm chứng cho mọi người thấy rằng Ngài vẫn hằng thương yêu ta. Thương rất mực. Yêu không mệt mỏi.

Lm Frank Doyle sj

MaiTá lược dịch

No comments: