Saturday, 21 May 2011

Tin Nhà: Toà án Nhân dân đấu tố Linh mục Chân Tín

Ngày 13.04.2000, một Toà án Nhân dân được gọi là “Cuộc họp Nhân dân” được tổ chức từ 7g30 đến 10giờ, có khoảng năm mươi người tham dự đã được chọn lựa kỹ, trong đó có vài giáo dân. Không kể những người chủ sự (Chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân phường 9, quận 3, Bí thư phường, pường đội), các tham dự viên đều là những người “được” mời.

Cũng có mặt ông Ba Phương, Công an Thành phố, đặc trách tôn giáo.

Mở đầu “Toà án Nhân dân”, bà Nguyễn Thị Liêm, Chủ tịch UBND phường 9, đọc cáo trạng của Công an Thành phố. Cáo trạng quy cho Chân Tín bốn tội chính sau đây:

1.Chân Tín đã lợi dụng vị đại diện Cao Đài tuổi cao, mắt kém không nhìn rõ, để lừa vị này ký tên vào “Lời kêu gọi “ của các tôn giáo về tự do tôn giáo ở Việt Nam. (Bản cáo trạng này tố Chân Tín trình bày với vị đại diện Cao Đài và xin vị này ký tên một bản văn khác liên quan đến việc đòi lại đất, chứ không phải là một bản văn có nội dung chính trị).

2.Tội phản động (“cực kỳ phản động”, từ được dùng đi dùng lại nhiều lần trong bản cáo trạng). Vì Chân Tín đòi hủy bỏ điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa VIệt Nam, nghĩa là huỷ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN trên đất nước này. Như vậy Chân Tín đã chối bỏ mọi công lao to lớn của Đảng Cộng sản đối với Đất nước và Nhân dân VIệt Nam.

3.Tội gây chia rẽ giữa Nhà nước và các tôn giáo. Chân Tín đã cấu kết với các phần tử phản động trong các tôn giáo, làm những việc phi pháp, nhất là việc in ấn và phát tán các tài liệu dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là phát tán các tài liệu liên quan đến các tôn giáo khác trên mạng lưới Internet khi chưa có sự đồng ý của các tôn giáo này.

4.Tội không vâng phục các giám mục Việt Nam. Chân Tín đã tự cho mình quyền đại diện các giám mục Công giáo Việt Nam ký tên vào “Lời kêu gọi”. Chân Tín cũng đã hành động trái ngược với điều mà Thư Chung của HĐGMVN năm 1980 đã quyết nghị là “Công giáo sống giữa lòng dân tộc”.

Sau bà Chủ tịch đọc xong bản cáo trạng của Công an, một số tham dự viên được phát biểu ý kiến. Khoảng 14 người phát biểu. Bắt đầu là chủ tịch MTTQVN phường 9, quận 3. Ông này gọi là ông Tây, phần lớn đều coi bản cáo trạng như là một phán quyết của Toà án buộc tội linh mục Chân Tín về các tội nói trên và đề nghị:

-Hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

-Hoặc giáo dục cải tạo tại địa phương trong một thời gian để đương sự ý thức được lầm lỗi.

-Đề cao thái độ có tình có lý của chính quyền trong việc không muốn làm quá mạnh tay đối với linh mục Chân Tín.

Có một ông tên là Thân (?) nói: “Rất lấy làm ngạc nhiên khi được nghe những tội trạng cực kỳ phản động của Chân Tín qua bản cáo trạng.” Nhưng tiếp theo thì ông rút ra đọc một bản dài vài ba trang viết sẵn! Như vậy là không phải ông vừa được nghe, cũng chẳng phải ông “bất ngờ”. Có một ông giáo dân tên Tới, cũng được mời “đọc” phát biểu. Phát biểu của ông này cũng được mớm theo bản cáo trạng của Công an, nhưng nồng độ nhẹ hơn.

Một số ý kiến phát biểu nói rằng hôm nay Chân Tín không đến dự buổi họp nhân dân này là vì Chân Tín sợ, có tội nên sợ không dám đến.

Cha Bề Trên Phạm Huy Lãm cũng được mời phát biểu. Sau đây là lời phát biểu của linh mục Phạm Huy Lãm (khoảng thứ 10 hay 11):

Kính thưa bà Chủ tịch và quý ông quý bà,

Vì có vị đã cho rằng linh mục Chân Tín do sợ hãi, nhát gan mà không dám hiện diện ở trong buổi họp này, nên tôi xin hỏi bà Chủ tịch, bà có mời linh mục Chân Tín đến dự buổi họp này không? Tôi đã hỏi linh mục Chân Tín về điều ấy, thì ông nói là ông đã không nhận được giấy mời (một lúc sau bà Chủ tịch nhận là đã không mời). Nếu đã không được mời thì thì linh mục Chân Tín không có mặt ở đây là dĩ nhiên.

Tôi đề nghị đưa linh mục Chân Tín ra toà để xét xử công khai về những tội danh đã được nêu lên trong bản cáo trạng. Bản cáo trạng này sẽ là nền tảng cho công tố viên. Linh mục Chân Tín có quyền có luật sư biện hộ; bao lâu chưa có phán quyết của toà án, thì các nghi phạm chưa được kề là có tội (vì lẽ dĩ nhiên ta không có quyền coi họ là tội nhân để mà lên án nọ kia). Tôi đã đứng nói chuyện với linh mục Chân Tín và ông cho biết như thế này: ‘Tôi (linh mục Chân Tín) không nô lệ chế độ nào cả. Tôi chỉ tranh đấu cho công lý và nhân quyền. Ở dưới chế độ cũ, tôi đã tranh đấu chống bất công nên đã bị án 5 năm cấm cố.”

Có người đề nghi tu viện Dòng Chúa Cứu Thế phải có biện pháp đối với linh mục Chân Tín. Tôi xin thanh minh như sau: về mặt ý kiến chính trị, thì ở chế độ nào cũng thế, Nhà Dòng coi các linh mục của mình là những người trưởng thành, có trách nhiệm về các hành vi và lời nói của mình. Nếu Nhà nước thấy cá nhân nào vi phạm pháp luật thì xin cứ xử lý theo pháp luật…”

Kết thúc “Toà án Nhân dân”, bà Chủ tịch tóm kết và đưa ra hai hướng giải quyết:

1.Truy tố trách nhiệm hình sự.

2.Cải tạo tại địa phương, chính quyền địa phương theo dõi Chân Tín và Dòng Chúa Cứu Thế có trách nhiệm giáo dục Chân Tín.

Đa số nghiêng về giải pháp thứ hai, riêng cha Bề Trên Phạm Huy Lãm phản đối thẳng thừng. Người ta cho rằng giải pháp này có lý có tình, nhưng cha Bề Trên bào “Tình ấy là tình bậy”.

Toà án Nhân dân giải tán vào lúc 10giờ, cha Bề Trên Phạm Huy Lãm đứng tại sân UBND nói chuyện tiếp với bà Chủ tịch và ông Bí thư. Ông tiếp tục bảo vệ lập trường phải đưa linh mục Chân Tín cho toà xét xử trước khi có quyết định gì về hình sự, hành chánh hay tôn giáo liên quan đến linh mục Chân Tín. Nghe cha Bề Trên nói, ông Bí thự gật gật, bà Chủ tịch mắt lim dim, cả hai im lặng. Bài học thuộc lòng đã được đọc hết trong buổi họp rồi.

Paris 16.04.2000

(trích Tin Nhà số 43 – năm 2000)

No comments: