Wednesday, 18 May 2011

Lm Eric Hodgens: Cơn Hạn Linh Mục Nay Đã 40 Năm


Con số chủng sinh gia nhập chủng viện Sydney ở tiểu bang New South Wales đã gia tăng một cách đáng kể – theo như một bài báo được đăng vào tháng 2 năm nay trong trang CatholicNewsAgency.com – một trang mạng đặt trụ sở tại Denver, Hoa Kỳ. Bài này được đăng tải trên báo chí ở Úc Châu và trong trang CathNews.com

Đây là một điều KHÔNG đúng sự thật. Hơn nữa, không hề có một sự gia tăng nào trong suốt 40 năm qua.

Con số ghi danh của chủng sinh vào các chủng việc Công Giáo ở Úc Châu vẫn tiếp tục cơn hạn linh mục – một cơn hạn bắt đầu 40 năm về trước vào năm 1970. Sydney có 60 chủng sinh ghi danh mỗi năm vào những năm đầu thập niên sáu mươi; giảm xuống còn 8 chủng sinh vào năm 1990. Melbourne có 35 chủng sinh ghi danh mỗi năm trong thập niên sáu mươi; giảm xuống còn 9 vào năm 1990. Năm 1970 là điểm ngoặt. Kết quả: một cơn hạn 40 năm. Kể từ năm 1970 cả hai tiểu bang này đều có con số ghi danh chỉ bằng một phần ba số lượng cần thiết. Tỷ lệ đó cũng đúng ở tiểu bang Queensland.

Tác hại của cơn hạn này đã khiến các vị giám mục phải chen nhau tranh giành bất cứ linh mục nào họ có thể giành từ ngoại quốc. Nhưng tình thế sẽ trở nên tệ hại hơn rất nhiều. Con số chủng sinh ghi danh trước năm 1970 đủ cao để sản sinh một mùa gặt dồi dào các linh mục – những người đến nay vẫn còn đang phục vụ giáo hội. Những vị linh mục lớn tuổi này giúp giữ vững tỷ số một linh mục cho mỗi 5000 tín hữu Công Giáo. Nhưng họ đều đang ở lứa tuổi 60 và 70. Khi mà tất cả những linh mục này ngưng hoạt động vì tuổi tác trong vòng mười năm tới thì hậu quả của cơn hạn 40 năm sẽ phát huy toàn bộ công lực. Tỷ số lúc đó cao lắm cũng chỉ là một linh mục cho 12.000 tín hữu.

Linh mục ngoại quốc không phải là cách giải quyết vấn đề. Nếu chúng ta tìm linh mục ở Phi Châu hay ở Philippines thì chúng ta đang giành giật từ những chỗ thiếu hụt linh mục còn trầm trọng hơn chúng ta nữa. Những linh mục này không hiểu biết phong tục tập quán của giáo hội địa phương ở Úc Châu. Nói cách chung, chúng ta cũng khó mà hiểu được họ. Và cuối cùng, chính họ cũng thuộc loại khan hiếm.

Đó là lỗi của ai?

Đó không phải là lỗi của ai cả về việc sút giảm số lượng chủng sinh ghi danh vào chủng viện. Tất cả các ngành chuyên về phục vụ đều đang vất vả tìm kiếm nhân sự. Y tá, nhân viên xã hội, bác sĩ, tu sĩ của các tôn giáo khác cũng đều khan hiếm. Những ngành nghề này đã hầu như mất hết địa vị cao trọng từng có trong xã hội. Chúng đã trở thành những loại công việc bình thường cạnh tranh với hàng loạt những ngành nghề khác hấp dẫn hơn, lôi cuốn hơn, và lương cao hơn. Cộng thêm với những điều kiện tiên quyết khác để trở thành linh mục là phải là nam giới, phải làm linh mục toàn thời, suốt đời, và phải độc thân, thì con số ứng sinh lại càng bị giới hạn nhiều hơn.

Giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Mặc cho việc thiếu hụt linh mục, nhiều giáo xứ vẫn đang hoạt động đều đặn, cung cấp lòng phục vụ ân cần, sự chăm sóc mục vụ chu đáo, nền giáo dục đúng đắn và những thánh lễ sốt sắng. Những giáo xứ hoạt động tốt nhất đều có những nhà lãnh đạo thuộc hàng giáo dân nắm những vai trò chủ chốt, trong khi linh mục đóng vai điều hợp và quản lý. Loại linh mục này trở lại vai trò tư tế – hướng dẫn một giàn nhạc giáo dân – một số làm việc toàn thời, một số làm thiện nguyện viên bán thời.

Không có sự gia tăng nào trong tương lai gần.

Trong vòng mười năm qua số lượng chủng sinh ghi danh ở Sydney gia giảm từ 7 đến 10 người. Năm nay có 10 chủng sinh ghi danh: không có sự gia tăng nào cả. Tiểu bang New South Wales cần 40 chủng sinh mỗi năm mới đủ cung cấp số lượng linh mục cần thiết. Mỗi năm cần phải có ít nhất 14 linh mục chịu chức, thay vì con số trung bình hiện tại là 5 linh mục. Và bởi vì đây là tỷ lệ đều đặn trong suốt 40 năm qua cho nên đó là điều không hợp lý nếu muốn con số đó tăng gấp ba trong tương lai gần.

Gia tăng con số thật sự là đi ngược lại với sự thật và làm cản trở việc hoạch định cho một phương hướng giải quyết khác.

17.May.2011

mh

* Như một lời cầu cho các linh mục, và cho ơn gọi linh mục được gia tăng.

Nguồn:

Priestly Drought now 40 Years On

By Fr Eric Hodgens

http://www.catholica.com.au/gc3/eh/002_eh_210310.php

Bản Việt ngữ: Cecilia Mỹ-Hạnh Nguyễn

No comments: