Câu hỏi #5:
Vậy thì, phải chăng cha đang nói rằng trình thuật về việc “sứ thần của Thiên Chúa” truyền tin cho Đức Ma-ri-a (Lu-ca 1:26-38) đã không thật sự xảy ra?
Câu đáp:
Những cuộc thăm viếng bởi một “sứ thần của Thiên Chúa” và việc “truyền tin thụ thai” là hai hình thức văn thể thánh kinh tiêu chuẩn.
Cuộc truyền tin từ một thiên sứ cho Đức Ma-ri-a về việc thụ thai Đức Giê-su có khá nhiều văn thể tương tự trong các trình thuật Cựu Ước trước đó.
Thường thì trong Cựu Ước, ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt cũng được lặp lại: sự xuất hiện của một sứ thần trong hình thể nhân loại; sự báo tin về ý định của Thiên Chúa; sự ngạc nhiên và phản ứng bối rối của người nhận tin; sự trấn an từ vị sứ thần của Thiên Chúa, đôi khi bằng một dấu chỉ (như việc ông Da-ca-ri-a bị câm); sau hết là sự bằng lòng chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa.
Trong nhiều đoạn Cựu Ước, những thông tin do thiên thần loan báo đó đều nói về cuộc hạ sinh sắp xảy ra trong tương lai của một nhân vật nổi bật trong lịch sử thánh.
Trong trường hợp trình thuật Truyền Tin, sự kiện này mang tính lịch sử theo nghĩa Thiên Chúa đã mặc khải cho Đức Ma-ri-a vai trò thiết yếu của Mẹ trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, rằng Mẹ là người được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ của Chúa Con, người sẽ là Vị Cứu Tinh mà nhân loại hằng mong đợi trong bao lâu qua.
Nhưng bản chất của sự thật thánh kinh không đòi buộc chúng ta phải chấp nhận theo nghĩa đen trình thuật của thánh Lu-ca về việc Thiên Chúa đã mặc khải thánh ý của Người cho Đức Ma-ri-a bằng cách nào.
Việc có nhiều trình thuật về những cuộc thăm viếng của thiên sứ trong Thánh Kinh không tạo ra được bất cứ một lập luận nào nghiêng về phía các trình thuật đó là chân lý lịch sử theo nghĩa đen. Trái lại chúng chứng minh rằng hình thức văn thể kiểu này đã thịnh hành như thế nào trong lối suy nghĩ về tôn giáo của người Do-thái.
Tương tự, việc nêu đích danh các thiên sứ, như Ra-pha-en, Gáp-ri-en, hay Mi-ca-e (tất cả những tên này đều có nguồn gốc từ tên thánh El) cũng không làm cho các trình thuật đó có thêm chút tính chất lịch sử xác thật theo nghĩa đen nào cả.
Cũng vậy, việc tường thuật rằng vị thiên sứ đã “cất tiếng nói” cũng không vi phạm nguyên tắc hình thức văn thể trong bất cứ khía cạnh nào cả.
Chứ còn có cách nào khác để trình bày việc truyền đạt ý chỉ của Thiên Chúa, ngoài cách dùng những từ ngữ của loài người – loại từ ngữ mà loài người có thể đọc và hiểu?
Một sự so sánh giữa hai chương đầu tiên của các bộ Tin Mừng theo thánh Mát-thêu và thánh Lu-ca sẽ minh họa việc các tác giả thánh kinh khác nhau đã sử dụng những hình thức văn thể khác nhau ra sao để tường thuật việc Thiên Chúa loan báo ý định của Người cho nhân loại.
Thánh Lu-ca sử dụng mô hình thánh kinh tiêu chuẩn của một cuộc viếng thăm của thiên sứ: “Bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông” (1:11), vị thiên sứ này sau đó đã xưng mình là “Tôi là Gáp-ri-en, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa” (1:19); và cũng “chính vị thiên sứ Gáp-ri-en đó được Thiên Chúa sai đến … gặp một trinh nữ … trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. Và sứ thần vào nhà trinh nữ và nói …” (1:26-28).
Còn thánh Mát-thêu thì chọn một hình thức văn thể khác – một giấc mộng – để làm phương tiện báo tin, mà đôi khi một thiên thần (không được nêu rõ tên) là sứ giả báo mộng. “… sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông [Giu-se] rằng” (1:20); “Sau đó, họ [các nhà chiêm tinh] được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình” (2:12); “… sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: ‘Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập” (2:13); “Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, báo mộng cho ông rằng: …” (2:19).
Hình thức văn thể tuy có khác nhau, nhưng sự thật thì giống nhau. Thiên Chúa mặc khải thiên ý cho cô Ma-ri-a (Lu-ca) và cho ông Giu-se (Mát-thêu). Thật ra thì chính trong tâm trí của cô Ma-ri-a và ông Giu-se mà những việc truyền tin thánh thiêng này đã được đón nhận.
No comments:
Post a Comment