Quốc hội khoá 10, kỳ họp thứ 9, đã ra nghị quyết thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của HIến Pháp năm 1992. Ủy ban dự thảo này quyết định tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, chuẩn bị cho việc trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp 10. Ủy ban dự thảo sẽ tổ chức hai Hội nghị ở Hà Nội và Sàigòn. Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ giữa tháng 8/2001 và kết thúc ngày 30/9/2001. Tại Sàigòn sẽ tổ chức các cuộc lấy ý kiến nhân dân vào ngày 4/9 đến 20/9. Theo hướng dẫn của Đảng, việc góp ý tập trung vào một số điều về tổ chức bộ máy nhà nước, về kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ. Có lệnh ngầm là không được đề cấp đến điều 4 Hiến pháp, áp đặt chủ thuyết Mác Lênin và tư tưởng HCM cho toàn dân, một chủ thuyết chỉ có vài triệu đảng viên theo.
Từ vài năm nay, nhiều nhân vật ngoài Đảng và trong Đảng đã đòi hỏi hủy bỏ điều 4 Hiến Pháp:
-Ngày 5/9/1999 bốn vị lãnh đạo tôn giáo: Hoà thượng Thích Quảng Độ (GHPGVNTN), cụ Lê Quang Liêm (GHPGHH), cụ Trần Quang Châu (GHCĐ) và tôi, linh mục Chân Tín (phản ảnh đòi hỏi của người Công giáo), đã ký một Lời kêu gọi về Tự do Tôn giáo ở Việt Nam, trong đó chúng tôi đòi hỏi huỷ bỏ điều 4 Hiến Pháp áp đặt học thuyết Mác Lênin chủ trương vô thần, nguồn gốc của mọi vi phạm tự do tôn giáo.
-Ngày 21/2/2001, trong “Lời kêu gọi cho dân chủ Việt Nam”, Hoà thượng Thích Quảng Độ cũng đòi hỏi huỷ bỏ điều 4 Hiến pháp.
-Ngày 7/5/2001, hai đảng viên Cộng sản lão thành, cụ Trần Khuê vgà cụ bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, trong thư gửi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý về mấy vấn đề lớn, cách riêng việc hủy bỏ điều 4 trong HIến Pháp hiện nay. Hai cụ nói: “Đây không phải là điều mới lạ, sáng tạo gì của Đảng ta. Chẳng qua là sao chép từ điều 6 của Hiến pháp Liên xô từ năm 1980, nghĩa là 11 năm sau bác Hồ qua đời.”
Ngày nay, đại đa số người Việt trong nước cũng như ở hải ngoại, đòi hỏi không những huỷ bỏ điều 4 Hiến pháp 1992, nhưng còn phải hủy bỏ chính Hiến pháp ấy để soạn thảo một Hiến pháp hoàn toàn mới phản ảnh ý nguyện của toàn dân.
1.Phải hủy bỏ Hiến Pháp 1992 vì nó vô giá trị, không phản ảnh ý muốn của toàn dân. Nó chỉ do sự độc quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam nặn ra và được các dân biểu được Đảng chỉ định chấp thuận làm theo chỉ thị của Đảng.
2.Việc sửa đổi Hiến pháp 1992 mà Đảng đã chỉ thị cho Quốc hội hỏi ý dân, chỉ là một trò dân chủ giả hiệu như bao lần tổ chức hỏi ý dân cho có hình thức.
3.Phải bầu một Quốc hội lập hiến với những dân biểu được nhân dân bỏ phiếu tự do, chứ không phải chỉ là trò chỉ định bỏ phiếu cho đảng viên Cộng sản hay cho người của Đảng như trước đây.
4.Bản Hiến pháo mới phải xác định tính cách độc lập của ba quyền căn bản: quyền lập pháp (Quốc hội), quyền tư pháp (Toà án) và quyền hành pháp (Nhà nước).
5.Thiết lập đa đảng, đa nguyên để mọi người dân được tự do chọn lựa một thể chế chính trị và nổi lên những đòi hỏi chánh đáng của mình.
6.Các quyền căn bản của con người như: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do đi lại, tự do cư trú, cách riêng tự do tôn giáo, phải được Hiến pháp mới xác định rõ ràng và ngăn cấm nhà nước hạn chế hay hủy bỏ như đã xảy ra với Hiến pháp 1992.
7.Ngoài ra, phải hủy bỏ ngay tức khắc Nghị định 31/CP (14.4.1997), Nghị định 26/NĐ-CP về tôn giáo (19.4.1999) và Dự án Pháp lệnh về tôn giáo đang soạn thảo từ nhiều năm nay.
Đó là những đòi hỏi căn bản mà người Việt Nam phải đòi cho được trong bản HIến pháp mới.
Chân Tín, linh mục
Sàigòn 9.9.2001
(trích Nói Cho Con Người, Thư Nhà Australia tr.391-393)
No comments:
Post a Comment