Sunday, 15 May 2011

Lm Chân Tín CSsR: Tôi Không Đi Bầu


Hôm nay, ngày 19/5/2002, Đảng và nhà nước Việt Nam tổ chức cái gọi là bầu cử Quốc hội thứ 11.

Cách đây hơn một tháng, có hai anh công an của Quận 3 và Phường 9 đến “thăm” tôi và đề cập đến việc bầu Quốc hội.

-Tôi cho hai anh biết tôi sẽ không đi bầu –tôi nói ngay với họ- nhân viên phòng phiếu đừng chờ tôi đến hết giờ, tôi biết dân chúng sẽ kết thúc vào khoảng trưa, vì họ muốn đi bầu cho xong chuyện, chẳng có gì phấn khởi như trong các nước tự do dân chủ, ứng cử và bầu cử tự do, họ biết toàn là đảng viên Cộng sản, chẳng có gì mới, chẳng có gì thay đổi.

-Sao linh mục không đi bầu?

Có bầu cử gì đâu, đây chỉ là một trò chơi xổ số cho mấy ông đảng viên Cộng sản, mà Đảng và nhà nước cùng mấy ông Mặt trận đã chọn rồi, một trò xổ số tốn kém, bắt buộc mọi người phải tham gia, trăm phần trăm. Muốn có bầu cử phải có tự do ứng cử và tự do bầu cử. Còn cái đất nước xã hội chủ nghĩa, dân chủ hơn một trăm lần các nước tư bản, thì Đảng và nhà nước đã chọn sẵn rồi, giới thiệu để được bầu theo ý Đảng, nếu có một số nhỏ “tự ứng cử” thỉ cũng là người Đảng chọn qua Mặt trận Tổ quốc, có đi nhiều hay ít cũng vậy thôi. Đàng khác, Quốc hội này không phải là quốc hội của toàn thể 80 triệu dân, đảng viên cộng sản chỉ chừng khoảng hai triệu, mà chiếm kể như trọn quốc hội 500 ghế, còn 78 triệu dân gồm bao nhiêu tài năng đức độ là con số không. Hai triệu đảng viên có được mấy người tài năng đức độ? Đa sô vào Đảng để có chỗ đứng, để có bàn đạp tiến thân, để vinh thân phì gia. Những người được bầu vào Quốc hội không phải là dân biểu, nhưng là “Đảng biểu”, Đảng biểu sao làm vậy. Mấy năm gần đây cũng có cãi cọ, trao đổi, chất vấn người nhà nước thì cũng là trên những chuyện nhỏ, chứ đâu dám đụng đến chuyện lớn của đất nước, như chuyện bỏ điều 4 Hiến pháp, là điều buộc 78 triệu dân không cộng sản phải theo học thuyết Mác Lênin, chuyện xoá bỏ Hiến pháp 1992 là Hiến Pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không phải của toàn dân, chuyện vi phạm dân quyền là nhân quyền và dân quyền vv… Đó là những vấn đề cấm kỵ, Quốc hội không được quyền đề cập tới. Báo chí cũng không được nói. Ngay cả đối với những người phản kháng thực hay hư, hay chỉ là đối lập cuội để có danh, chỉ cần xét xem họ có dám nói, dám phê phán, dám đấu tranh đụng vào vấn đề cốt lõi, chính yếu của chế độ về nhân quyền, dân quyền, tự do tôn giáo… hay không.

Cả năm nay, từ trung ương đến tỉnh thành, quận huyện, phường xã, người ta tổ chức bao nhiêu hội nghị, bao nhiêu cuộc họp mặt giới thiệu ứng cử viên, tất cả là hình thức, vừa tốn kém vừa mất thì giờ. Như trong giới Công giáo thành phố, có một linh mục ứng cử đại biểu quốc hội thay cho đại biểu cũ, số dân Công giáo trên 500 ngàn người giáo dân. Lm Nguyễn Công Danh ấy còn bi bô tự xưng là “đại diện” cho đồng bào Công giáo. Lm Nguyễn Công Danh không biết có háo danh không nhưng chắc chắn ông đã trở thành lơ mơ lờ mờ Nguyễn Mạo Danh rồi và chỉ làm tổn hại cho công danh sự nghiệp linh mục của ông rồi. Chế độ xã hội chủ nghĩa dân chủ hơn cả triệu lần chế độ tư bản là thế đó! Thật mỉa mai. Và tình hình này chung cho các giới.

Mấy ông dân biểu là những bù nhìn, chẳng dám nói những sai trái tày trời của Đảng và Nhà nước, như trong các năm 2000-2001, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lén lút ký tặng 700 cây số vuông lãnh thổ Việt Nam và 9% lãnh hải Bắc Việt cho Trung quốc, thế mà chẳng có dân biểu nào lên tiếng phản đối việc bán nước đó, họ đã ém nhẹm cái nhục nhã ấy đối với nhân dân Việt Nam.

Chỉ nói đến Nhà Nước Cộng sản làm lễ cắm mốc mới, lùi biên giới cho Trung Quốc, không hổ thẹn với Tổ tiên và Dân tộc Việt Nam, khi ngày nay đất nước Việt Nam không còn bắt đầu tại Ải Nam Quan, mà lại bắt đầu từ cục mốc “số không” nhục nhã kia, thế mà có dân biểu nào lên tiếng phản đối? Ông Nông Đức Mạnh, chủ tịch Quốc hội thời bấy giờ đã lén lút ký nhượng đất và biển cho Trung quốc. Để khoả lấp cái nhục nhã đó, Đảng và Nhà nước năm nay ồn ào tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hơn các năm trước, tại Đền Hùng ngoài Bắc cũng như trong Nam. Riêng tại thành phố này, người ta long trọng khởi công xây dựng trơ trẽn, khi họ cam tâm nhường đất của Vua Hùng, tổ tiên ta cho Trung quốc.

Ngày 19-5-2002 là ngày bầu cử Quốc Hội khoá 11, ngày này cũng là ngày Đảng Cộng sản mừng sinh nhựt ông Hồ, đó cũng là ngày buồn của gia đình tôi. Năm 1954, cũng vào ngày này, Việt cộng đã dâng cho ông Hồ một món quà sinh nhật đẫm máu: họ đã cho nổ mìn chiếc tàu chợ Huê-Đà Nẵng, bao nhiêu hành khách vô tội đã chết, trong đó có người anh cả của tôi, ông Nguyễn Văn Quy, đang phục vụ trên chiếc tầu ấy.

Hôm nay ngày 19-5-2002, tôi tưởng nhớ đến anh tôi, đến hàng triệu người đã chết một cách oan trái trong cuộc chiến anh em Nam Bắc tương tàn, để đưa tới một chế độ độc tài đảng trị hôm nay. Quốc hội đã không làm được gì cho dân, thì việc bầu cử hoàn toàn không có ý nghĩa.

Vì vậy, tôi hông đi bầu.

Sàigòn ngày 19/05/2002

Lm Stêphanô Chân Tín CSsR

(trích Thư Nhà số 10 tr. 9-10)

No comments: