Tiên tri là gì (tiếp theo)?
1)Tiên tri tỏ bày ý định của Thiên Chúa
Thiên Chúa hằng sống là Đấng điều khiển lịch sử đến một hướng Nguời đã định. Tiên tri phục vụ Người, sẽ nói lời của Thiên Chúa về ý định Người muốn thực hiện.
a)Trong lịch sử
Cứ xét việc các tiên tri hoạt động làm sao, thì ta luôn luôn nhận thấy các ngài là những người ưu thời mãn thế. Các ngài dấn mình hẳn vào chính sinh hoạt của dân, theo dõi từng biến chuyển, can thiệp vào chính sinh hoạt chính trị: khuyên can, chấn chỉnh, cảnhg cáo, ngăm đe. Làm thế, các ngài soi dọi lịch sử, cho thấy phán đoán của Thiên Chúa trên biến cố. Các ngài đứng về phía Thiên Chúa, nên thường xảy ra bi kịch, là mâu thuẫn giữa các ngài và dân chúng. Một dân ung dung tự mãn, lặn vào tội, ỷ thị vào tài lực của mình hay những mưu mẹo trần tục như liên minh hiệp ước, thì các ngài lại báo hình phạt và tàn phá. Nhưng trong khi dân ai oán dưới ách nô lệ, run sợ kinh hoàng, thì các ngài lại báo ơn cứu giúp và giải phóng. Một nố điển hình là đời Yêrêmya, sống cả cơn hấp hối của Israel trước khi khánh tận. Như vậy sống trong lịch sử, lịch sử trần tục trong đó Israel bị lôi cuốn vào thời cuộc với các dân khác. Nhưng ngay trong điều này, duy lý sẽ bảo là hão huyền: các tiên tri chủ trương tất cả thời cuộc của những đế quốc bao la, của bao nhiêu dân nước, đều được Yavê điều khiển, chỉ vì dân bé tí là Israel. Đó là cả một vấn đề: ngay lịch sử Israel cũng là một lời tiên tri vĩ đại. Vấn đề đáng chết và tha cho sống dần dần được các tiên tri dẫn đến đạo lý “số sót” (Am 3: 12; 9: 8; Is 1: 9; 4: 2; 10: 20-23; 11: 11-26; Yr 24; Ez 9). Một đạo lý quan hệ, hé rạng một phần mầu nhiệm Hội thánh và mầu nhiệm Chúa Kitô. Mầu nhiệm Hội thánh: ý niệm Dân của Thiên Chúa đuợc thanh luyện, nên thiêng liêng đất đai, chủng tộc mà vẫn thực sự là chóp đỉnh chung sống nên một Thân mình. Mầu nhiệm Chúa Kitô: vì cuối cùng chỉ có Ngài mới là số sót, là mầm giống, là người Tôi Tớ Yavê. Nơi Ngài, mới thực sự có mầu Chết và Sống lại, mà dân Israel mới sống những gì theo nghĩa bóng là chết và sống lại, nghĩa là tàn phá, khánh tận và phục hưng. Theo lời thánh Phaolô, “các điều đó đã xảy ra cho họ mà ngụ một nghĩa bóng” (1C 10: 11), “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi ta theo lời Kinh thánh… Ngài đã sống lại ngày thứ ba theo lời Kinh thánh” (1C 15: 3-4).
b)Ý định siêu lịch sử
Thiên Chúa hoạt động trong lịch sử, nhưng Ngài lại chi phối toàn thể lịch sử, Người là đầu hết và là cùng tận. Ý định của Người thực hiện mỗi khi mỗi phần, nhưng như đối với kiến trúc sư, bức tường cái cửa, không có gì cả, nếu không có trong hoạ đồ trù tính của Thiên Chúa, tức là ý định về Mêsia của Thiên Chúa: ngang qua mọi thời gian, Thiên Chúa hằng hoạt động để thực hiện lời hứa, nhưng hoàn thành thì vẫn xa lắc trong tương lai. Nói theo ví dụ xây nhà trên kia, tiên tri báo cả kế đồ, nhưng chỉ biết “cái tường”, “cái cửa”. Đây chỉ nói đến tính cách khiếm khuyết chứ muốn hội ý nghĩa thì phải chuyển sang chiều thời gian, chứ đừng hiểu theo chiều không gian. Lời tiên tri hướng đến tương lai: họ báo những điều dọn đàng, những hàng nhắm tới đích, tức là sự viên thành cánh chung. Điều Thiên Chúa muốn dùng họ nói ra là sự dọn đàng tất đem tới đích: nhưng giữa việc dọn đàng và đích kia “còn bao nhiêu đồi non trùng điệp”. Loan báo rằng: công việc của Thiên Chúa đang hướng tới đích, và các lời của Người sẽ thành tựu, sẽ ứng nghiệm, các tiên tri thấy như thế cũng nơi một mặt, một bối cảnh, một biến cố gần (một sự thực hiện của một phần của kế đồ) và biến cố còn xa (mới phác hoạ ra nơi việc thực hiện thứ nhất): các biến cố như thể lồng vào nhau. Nhưng, một điều như vậy, không có gì là trái nghịch với thần hứng của tiên tri: lời họ kéo dân của họ khỏi nhỡn giới hiện tại mà vào tương lai trong tay Thiên Chúa, chứ họ không phải là những sử gia viết trước những điều Thiên Chúa sẽ làm qua hết các thời đại. (còn tiếp)
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng dạy phổ biến nội bộ)
No comments:
Post a Comment