Tuesday, 31 May 2011

Lm Bill O’Shea : Thắc Mắc Của Người Công Giáo (tiếp theo)


Câu hỏi #7:

Nhưng Chúa Giê-su đã nói là: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy” (Mát-thêu 18:10).

Câu đáp:

Mặc dù tôi không có ý định làm hạ giá niềm tin vào sự hiện hữu của các Thiên Thần Bổn Mạng, nhưng cũng nên nêu rõ ra rằng lời lẽ trong đoạn Mát-thêu 18:10 có lẽ chỉ đơn giản là một cách để nói rằng Thiên Chúa có lòng quan tâm chăm sóc đặc biệt cho những “kẻ bé mọn” đó.

Lm Bill O’Shea, Queesnland Úc

Bản Việt ngữ: Cecilia Mỹ-Hạnh Nguyễn

Monday, 30 May 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi (tiếp theo)


Bàn về ít Tân ước

Các sách Tân ước (coi quyển: Tân ước VII-IX)

Lược sử về việc soạn tác các sách (Tân ước IX-XV)

Sau khi đã biết các sách Qui điền Tân ước, chúng ta thấy các sách đó phức tạp lắm. Chúng ta muốn có một cái nhìn tổng quát từ một trung tâm nào để chúng ta khỏi bị cái nạn một cây làm khuất cả cánh rừng, và vào cái rừng là Tân ước đó chúng ta chỉ bị lạc hướng. Nhưng trung tâm đó, chúng ta muốn nó phát xuất tự chính sự thực của Tân ước, chứ không phải do thị hiếu giản hoá của một nhân vật nào thời sau. Vì nhân vật đó cho dẫu là một thánh tấn sĩ đi nữa,. vẫn là một người học với những chứng tá đầu tiên.

Nghĩa là chúng ta tự hỏi Hội thánh tiên khởi vào thời các thánh Tông đồ đã tin làm sao, họ đã có một Kinh Tin Kính toát yếu cả đạo lý như chúng ta có ngày nay không?

Một toát yếu đạo lý cần thiết cho Hội thánh tiên khởi và cho chúng ta.

a)Cho Hội thánh tiên khởi

Như chúng ta thấy, các sách Tân ước không được viết ra ngay từ đầu –có một thời đạo lý vẫn là truyền khẩu. Bởi là truyền khẩu thì cần thiết phải có một cái gì làm mối hợp nhất giữa các người giảng cũng như giữa các cộng đoàn. Rồi, sau khi các sách Tân ước cùng các sách khác của Hội thánh đuợc viết ra, nếu Đạo Chúa Kitô là đạo của mọi người, thông thái cũng như dốt nát, thì một toát yếu đạo lý cũng là cần thiết: những người mới tin muốn biết cái gì là cốt tử của Đạo Chúa Kitô. Vì giữa các sách phức tạp đó cái gì là lõi tủy, cái gì là diễn tả thêm cho minh bạch, hay là áp dụng tùy thời? Toát yếu đạo lý muốn trả lời cho nhu cầu đó.

b)Cho chúng ta:

Giữa các chương Tân Ước đó, chúng ta cũng muốn biết cái gì là trung tâm, cái gì là bên rìa; cái gì là bất di bất dịch, cái gì là châm chước được vị thuộc một quá khứ văn hoá của nhân loại. Vậy lấy gì mà phân tách, phê phán? Không thể lấy những nhu cầu hiện đại của chúng ta. Chúng ta muốn biết điều gì các tác giả 27 quyển Tân ước đó đã nhận là cốt tủy của các thư tịch họ viết. (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR

(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)

Sunday, 29 May 2011

Lm Chân Tín CSsR: Hãy huỷ bỏ Hiến pháp 1992

Quốc hội khoá 10, kỳ họp thứ 9, đã ra nghị quyết thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của HIến Pháp năm 1992. Ủy ban dự thảo này quyết định tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, chuẩn bị cho việc trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp 10. Ủy ban dự thảo sẽ tổ chức hai Hội nghị ở Hà Nội và Sàigòn. Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ giữa tháng 8/2001 và kết thúc ngày 30/9/2001. Tại Sàigòn sẽ tổ chức các cuộc lấy ý kiến nhân dân vào ngày 4/9 đến 20/9. Theo hướng dẫn của Đảng, việc góp ý tập trung vào một số điều về tổ chức bộ máy nhà nước, về kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ. Có lệnh ngầm là không được đề cấp đến điều 4 Hiến pháp, áp đặt chủ thuyết Mác Lênin và tư tưởng HCM cho toàn dân, một chủ thuyết chỉ có vài triệu đảng viên theo.

Từ vài năm nay, nhiều nhân vật ngoài Đảng và trong Đảng đã đòi hỏi hủy bỏ điều 4 Hiến Pháp:

-Ngày 5/9/1999 bốn vị lãnh đạo tôn giáo: Hoà thượng Thích Quảng Độ (GHPGVNTN), cụ Lê Quang Liêm (GHPGHH), cụ Trần Quang Châu (GHCĐ) và tôi, linh mục Chân Tín (phản ảnh đòi hỏi của người Công giáo), đã ký một Lời kêu gọi về Tự do Tôn giáo ở Việt Nam, trong đó chúng tôi đòi hỏi huỷ bỏ điều 4 Hiến Pháp áp đặt học thuyết Mác Lênin chủ trương vô thần, nguồn gốc của mọi vi phạm tự do tôn giáo.

-Ngày 21/2/2001, trong “Lời kêu gọi cho dân chủ Việt Nam”, Hoà thượng Thích Quảng Độ cũng đòi hỏi huỷ bỏ điều 4 Hiến pháp.

-Ngày 7/5/2001, hai đảng viên Cộng sản lão thành, cụ Trần Khuê vgà cụ bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, trong thư gửi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý về mấy vấn đề lớn, cách riêng việc hủy bỏ điều 4 trong HIến Pháp hiện nay. Hai cụ nói: “Đây không phải là điều mới lạ, sáng tạo gì của Đảng ta. Chẳng qua là sao chép từ điều 6 của Hiến pháp Liên xô từ năm 1980, nghĩa là 11 năm sau bác Hồ qua đời.”

Ngày nay, đại đa số người Việt trong nước cũng như ở hải ngoại, đòi hỏi không những huỷ bỏ điều 4 Hiến pháp 1992, nhưng còn phải hủy bỏ chính Hiến pháp ấy để soạn thảo một Hiến pháp hoàn toàn mới phản ảnh ý nguyện của toàn dân.

1.Phải hủy bỏ Hiến Pháp 1992 vì nó vô giá trị, không phản ảnh ý muốn của toàn dân. Nó chỉ do sự độc quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam nặn ra và được các dân biểu được Đảng chỉ định chấp thuận làm theo chỉ thị của Đảng.

2.Việc sửa đổi Hiến pháp 1992 mà Đảng đã chỉ thị cho Quốc hội hỏi ý dân, chỉ là một trò dân chủ giả hiệu như bao lần tổ chức hỏi ý dân cho có hình thức.

3.Phải bầu một Quốc hội lập hiến với những dân biểu được nhân dân bỏ phiếu tự do, chứ không phải chỉ là trò chỉ định bỏ phiếu cho đảng viên Cộng sản hay cho người của Đảng như trước đây.

4.Bản Hiến pháo mới phải xác định tính cách độc lập của ba quyền căn bản: quyền lập pháp (Quốc hội), quyền tư pháp (Toà án) và quyền hành pháp (Nhà nước).

5.Thiết lập đa đảng, đa nguyên để mọi người dân được tự do chọn lựa một thể chế chính trị và nổi lên những đòi hỏi chánh đáng của mình.

6.Các quyền căn bản của con người như: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do đi lại, tự do cư trú, cách riêng tự do tôn giáo, phải được Hiến pháp mới xác định rõ ràng và ngăn cấm nhà nước hạn chế hay hủy bỏ như đã xảy ra với Hiến pháp 1992.

7.Ngoài ra, phải hủy bỏ ngay tức khắc Nghị định 31/CP (14.4.1997), Nghị định 26/NĐ-CP về tôn giáo (19.4.1999) và Dự án Pháp lệnh về tôn giáo đang soạn thảo từ nhiều năm nay.

Đó là những đòi hỏi căn bản mà người Việt Nam phải đòi cho được trong bản HIến pháp mới.

Chân Tín, linh mục

Sàigòn 9.9.2001

(trích Nói Cho Con Người, Thư Nhà Australia tr.391-393)

Saturday, 28 May 2011

Lm Bill O’Shea : Thắc Mắc Của Người Công Giáo (tiếp theo)


Câu hỏi #6:

Một số người có thể không hài lòng với cách diễn giải của cha về những đoạn thánh kinh này.

Câu đáp:

Nếu như tôi đã làm cho một số người không hài lòng qua cách diễn giải của tôi về những đoạn thánh kinh này, tôi e rằng tôi không có lời tạ lỗi nào vì đã làm như vậy.

Nếu như điều đó khiến cho một số người phải đặt dấu hỏi về cung cách cực đoan mà họ hiểu Sách Thánh, và thúc đẩy họ tìm hiểu những điều mà Giáo Hội đã từ lâu dạy chúng ta nên diễn giải Thánh Kinh như thế nào, thì điều đó rất đáng giá.

Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh rằng những diễn giải của tôi về những đoạn thánh kinh nói về sự xuất hiện hữu hình bằng xương bằng thịt của các thiên thần, và những sứ mạng mà thiên thần thực hiện, đều không có ý chối bỏ sự hiện hữu của các thiên thần.

Lm Bill O'Shea, Queensland Úc

Bản tiếng Việt: Cecilia Mỹ-Hạnh Nguyễn (Úc)


Friday, 27 May 2011

Lm Frank Doyle sj: “Em gọi tên Người, gọi yêu thương”


Ga 14: 15-21

Trình thuật thánh Gio-an hôm nay, không thấy có tiếng “em gọi tên Người, gọi khàn hơi”. Nhưng vẫn thấy tiếng của Thầy Chí Thánh, luôn mời và vẫn gọi dân con đồ đệ “hãy tuân giữ lời Thầy”. Lời răn hay lời Thầy, vẫn là lời “gọi tên người, gọi yêu thương”. Yêu thương, Thầy gọi suốt canh trường, nơi Kinh Sách. Rất Phúc Âm.

Phúc Âm hôm nay, một lần nữa, lại được lồng trong bối cảnh của tiệc Tạ Từ. Ở Tiệc này, Đức Kitô sửa soạn cho môn đệ mình biết chấp nhận thống khổ và nỗi chết, Ngài sắp chịu. Thống khổ Ngài chịu, là để các thánh nhận ra được: Phục Sinh, Ngài sẽ về với Cha.

Anh em sẽ giữ lời răn của Thầy (Ga 14: 15), dặn dò ở đây nhấn mạnh nhiều đến cụm từ “của Thầy”, thật trong sáng. Qua cụm từ này, Đức Kitô không qui chiếu 10 điều giới lệnh, theo truyền thống. Truyền thống, thấy rõ trong Tân Ước của người Do Thái. Đành rằng, các giới lệnh mà người Do Thái chủ trương vẫn hiệu lực. Nhưng, Đức Kitô muốn đi xa hơn thế nữa. Đi xa hơn, như Ngài từng nhấn mạnh nơi Hiến chương Nước Trời, rằng: Ngài không bãi bỏ luật Do Thái, hoặc lời ngôn sứ dẫn giải. Nhưng, Ngài hoàn tất tiềm lực bên trong vẫn có nơi Ngài. Đó chính là nội dung lời dặn, ta vẫn nghe: “Anh em vẫn nghe người xưa nói rằng… còn Tôi, Tôi nói thế này”…

Tôi nói thế này… là “lời răn của Thầy”, thuộc một bình diện khác. Lời răn ấy, là điều người người cần tuân giữ. Một điều Ngài răn dạy, để mọi người biết mà yêu mến. Yêu Chúa hết lòng trí lẫn tâm can. Mến thương mọi người, trọn vẹn như yêu chính mình. Mến và yêu mọi người, như Đức Kitô vẫn yêu và mến, hết chúng ta. Yêu, các tội nhân. Mến, hết kẻ thù.

Có yêu và mến như Chúa răn dạy, là để ta biết mà tìm gặp Chúa nơi mọi người. Nơi kẻ đói khát, nghèo khổ, cho chí người tật bệnh. Cả, những người bị gạt bỏ ra ngoài xã hội, và phạm nhân. Lời Thầy, gồm tóm giới răn chăm nom giùm giúp lẫn cho nhau. Giùm giúp, và đến với nhau để hàn gắn lỗi lầm. Hàn gắn, trong yêu thương phục vụ.

Trình thuật hôm nay, Đức Giê-su còn khẳng định Ngài không bỏ đàn con môn đệ, như vẫn nói: “Thầy sẽ xin Cha. Và, Người sẽ ban cho anh em Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em mãi. Đấng ấy, chính là Thần Khí Sự Thật.” (Ga 14: 16-17). “Đấng Bảo Trợ”, cụm từ dùng ở đây xuất xứ từ tiếng Hy Lạp “parakletos”, mang nhiều ý nghĩa khó dịch. Nói chung, “parakletos” được dùng để chỉ định người nào đó sẽ đến bên ta. Gìn giữ bảo vệ và đem cho ta mọi hỗ trợ. Là, người đem cho ta lòng quả cảm để ta giáp mặt với khó khăn. Người vẫn uỷ lạo ủi an, khi ta ở vào tình cảnh lo lắng, khó chịu.

Những đặc trưng trên đây, có thể áp dụng cho Đấng Thánh của Sự Thật mà Đức Kitô hứa gửi đến đồ đệ. Với Hội thánh. Là Đấng Thánh của Sự Thật, không theo nghĩa hạn hẹp. Mà, theo nghĩa chuyển tải thị kiến về sự sống hài hoà với Chúa. Với Đức Kitô. Đấng Thánh của Sự Thật, hôm nay và mãi mãi không chỉ chuyển đạt cho ta biết, mà còn hướng dẫn rọi soi cho ta, trong mọi quyết định hành động, những tương quan.

Thần Khí Sự Thật, là Đấng mà thế gian không thể đón nhận. Bởi, “thế gian” (dịch từ “Kosmos” bên tiếng Hy Lạp) vẫn cứ mù mờ như không hiểu được Sự Thật. Và, cũng chẳng nhận biết Ngài. Chính vì thế, Chúa nói thêm: “Nhưng anh em vẫn biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14: 17). Và, chỉ những ai có được thị kiến lẫn niềm tin ban cho, mới nhận rõ Đức Chúa của Sự Thật đang hiện diện quanh ta. Và, với ta.

Niềm tin là quà tặng huyền bí Chúa ban. Quà tặng rất đặc biệt. Nhưng, cũng đòi hỏi một trách nhiệm lớn lao. Trách nhiệm được gồm tóm trong vui sống. Sống phù hợp với Lời khuyên răn của Đức Chúa, nói ở trên.

Không thể hiểu điều Chúa nói, vì đồ đệ Ngài đang trong tình cảnh lo lắng, rất ưu tư. Nhưng, cứ để Thầy ra đi về với Cha. Có đi như thế, Thầy mới hiện diện ở nhiều nơi, không bằng thân xác. Hiện diện theo phương cách khác. Rất mới. Ngài hiện diện ngang qua Thần Mình mới mẻ, nơi Hội Thánh. Nơi cộng đoàn đồ đệ, các kẻ tin. Bằng vào hình hài đổi mới, Ngài sẽ có thể hiện diện cùng lúc, ở nhiều nơi. Tựa như, đang ở với chúng ta, trong ta ngay bây giờ. Vào lúc này.

Bằng tình yêu và lòng thương xót, Ngài vẫn hiện diện với mọi dân con, đồ đệ đang cần đến. Tức, cộng đồng nhân loại được Ngài yêu thương và phục vụ, không bỏ sót. Bằng vào sự hiện diện như thế, Ngài chính là Đức Kitô của Kosmos thế gian, như được bảo: “bởi nơi Ngài, vạn vật được tạo thành, chốn trời cao nơi dương thế - mọi sự đã được tạo thành nhờ Ngài và cho Ngài”. (Col 1: 16).

Đó là điều, mà Đức Kitô khẳng định nơi trình thuật hôm nay: “Anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.(Ga 14: 20). Và, Ngài chỉ ở trong dân con đồ đệ, khi mọi người: “có và giữ điều răn của Thầy.”(Ga 14: 21). Có và giữ điều răn, không còn là chuyện đáng chán, chẳng thiết tha. Nhưng, đó chính là nguồn cội của những an vui, sung mãn và giải phóng.

Đồ đệ dân con, nay đều hiểu: tuân giữ Lời Thầy khuyên răn, không là trọng trách khô khan, gò bó; mà là tình trạng giải thoát mọi lỡ lầm dễ phạm, và cố gắng ở lại với thể trạng “đầy ân sủng”, Chúa vẫn ban.

Và khi, dân con đồ đệ trở thành người thân với bạn bè lẫn địch thù, với giòng họ người dưng, ta sẽ nhận ra Đấng Thánh Sự Thật đang sống trong ta và biến đổi con người của ta. Vào lúc đó, như Lời Thầy quyết đoán: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14: 21) chính là lới hứa làm nền. Là, nguyên do để ta được thấy. Nguyên do và cũng là lý lẽ, để ta thực sự sống còn. Sống mãi mãi. Còn ở lại trong tình yêu của Đức Chúa.

Lm Frank Doyle sj

Mai tá lược dịch

Thursday, 26 May 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi (tiếp theo)


Các Tiên Tri

3.Thành quả của các tiên tri trong thánh sử

Công việc của các tiên tri đã làm cho đạo đức của Israel tiến mạnh về tính cách thiêng liêng và tính cách đại đồng của Đạo mặc khải.

a)Về tính cách thiêng liêng

Sự tẩy luyện để hướng giao ước đến ý nghĩa thiêng liêng của nó đã thấy rõ được về 3 điểm:

+Quan niệm Israel như dân của Thiên Chúa

Cho đến thời các tiên tri, người ta coi việc đuợc sinh ra do giòng giống Abraham và các tổ phụ tức là bảo đảm được những chúc lành trong Giao ước. Các tiên tri lại loan báo “ngày của Yavê”: không phải như Ngày toàn thắng của dân, nhưng như ngày phán xét, thanh trừng: chỉ có một số sót mới thoát khỏi, làm mầm giống cho một Israel mới. Như thế có sự phân tách giữa Israel xác thịt (không đáng gọi là Israel nữa) và Israel tinh thần, Israel chân chính, khởi điểm của Dân đích thực của Thiên Chúa. Các tiên tri đã dọn trước đạo lý Tân ước (Rm 9: 6-7), Israel được Thiên Chúa nhìn nhận là dân biết tìm kiếm Thiên Chúa và trung tín với thánh ý Người (Amos), một dân công chính, đạo đức, hiền từ (Ys 56: 3-8; 57: 13; 66: 2; Yr 7: 3-7; Êz 20: 30; So 3: 12t). Yêrêmya nói đến sự cắt bì trong lòng (Yr 4: 4; (: 25), Êzêkiel nói đến Israel sẽ được Thiên Chúa cất lòng đá mà ban cho một lòng thịt (Ez 36).

+Các qui chế đạo đức của Israel như dân của Thiên Chúa

Đó là việc phụng thờ cách riêng: tế lễ, các ngày lễ, chay kiêng, hưu lễ. Các tiên tri sẽ nhấn vào ý nghĩa bên trong của các việc đó: điều Thiên Chúa nhìn đến tức là thái độ bên trong, tinh thần của những người hành đạo.

+Quan niệm về những chúc lành của Giao ước

Sự chúc lành đối với dân hình như chỉ hạn chế nơi Đất Thiên Chúa đã hứa cho Abraham. Lưu đày đến, mà dân vẫn là Dân của Thiên Chúa nơi đất ngoại bang. Rồi sự chúc lành hầu như chỉ được nhìn nhận ra nơi sự thịnh vượng vật chất. Các tiên tri sẽ nói đến sự biết Thiên Chúa, đến sự công chính, đến công bằng, đến sự thánh thiện. Và, dần dần thấy ló hiện quan niệm về Nước Thiên Chúa, mà Chúa Kitô sẽ rao giảng.

b)Về tính cách đại đồng

Không thấy có hạn chế tư cách làm dân Thiên Chúa cho dòng giống Abraham về phần xác, nhưng cho đến thời lưu đày chúng ta không thấy Israel nghĩ đến các dân khác; ơn huệ Giao ước, Israel chưa tin rằng một ngày kia sẽ được mở rộng ra cho mọi dân thiên hạ.

Đến thời xung quanh lưu đày, những lời báo về tính cách đại đồng đó mới thấy rõ rệt. Những lời báo đó liên kết với việc mở rộng nhỡn giới về chính trị và văn hoá; vào thời đó, Israel mới tiếp xúc gần gũi với các văn minh. Nhưng các tiên tri mới giải thích cho dân biến cố đó theo phuơng diện của Thiên Chúa. Dĩ nhiên tính cách đại đồng đó chưa hẳn là tính cách đại đồng của Tân Ước.

Toát yếu lại: Giao ước Israel đã chịu lấy chính nhờ các tiên tri mà đã được thanh lọc dần dần mà mở rộng ra bởi hướng cánh chung các tiên triđem đến, và nhờ đó mà Giao ước đó đã dọn đàng cho sự can thiệp cuối cùng của Thiên Chúa trong Chúa Kitô.

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR

(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)

Wednesday, 25 May 2011

Lm Richard Leonard sj: Lắng nghe cho kỹ, phải chăng là giới lệnh


Phúc âm hôm nay làm nổi bật hai ý tưởng chủ chốt: Tình yêu và giới lệnh. Bằng vài lời ngắn gọn, Đức Kitô đã diễn đạt tương quan sẵn có giữa hai ý tưởng mang tính nghịch thường, tức là: lý và tình. Thoạt nghe, người thính tai lắm cũng thấy có điều gì như không ổn khiến mọi người băn khoăn không ngớt. Băn khoăn, vì đã là người thì từ nhỏ đến lớn, ai mà chẳng có lúc nghĩ rằng lề luật bao giờ cũng là kẻ thù không đội trời chung với tình yêu. Nhiều người vẫn cứ tưởng: chỉ có tự do và vui thú xác thịt mới là hoa quả đầu mùa của tình yêu vốn đã đâm hoa kết trái.

Tuy nhiên, trong một thoáng rất nhanh, liên tưởng đến những người thân thương hoặc đến các dự án hấp dẫn mà ta từng bỏ công sức và thời gian để cống hiến, mới thấy rằng con người chẳng cần nhờ đến luật lệ mới có được những cử chỉ hy sinh rộng lượng với người/việc mình yêu/thích. Có đáp lại yêu cầu của lề luật bằng những tư thế “vượt không gian và thời gian” như nhiều người từng làm, không phải vì luật buộc ta phải làm thế, nhưng đúng hơn, đó chính là do tình yêu thúc đẩy.

Hôm nay, Yêsu Đức Chúa khuyên ta: hãy biết chấp hành giới lệnh của Ngài; có thế, ta mới chứng tỏ được là mình đang có tương quan mật thiết với Ngài. Chấp hành là cụm từ Việt ngữ diễn nghĩa từ động từ oboedire bên tiếng La tinh nhằm mô tả trạng thái “lắng nghe cho kỹ” để rồi chấp nhận và hành động như lời Ngài dạy bảo. Đây là cách thức nhẹ nhàng/hòa nhã nhất khả dĩ giúp ta hiểu được lời mời gọi thiết tha của Chúa. Càng nhẹ nhàng/hoà nhã chấp hành giới lệnh của Đức Kitô, ta càng ở trong tư thế sẵn sàng “lắng nghe cho kỹ” lời mời gọi của Thánh Thần Chúa, trong đời thường.

Có điều là, giới lệnh nào là cần “lắng nghe” hơn cả? Quả thật, Chúa từng nói: “Toàn bộ giới lệnh và các ngôn sứ Thầy ban, có thể tóm tắt vào điều này: Hãy yêu thương Đức Chúa và người đồng loại như thương yêu chính mình”... Nếu bạn thấy giới lệnh này mang dáng dấp “chung chung” chẳng diễn tả được bao nhiêu, thì lời giải thích của thánh Phaolô tông đồ sẽ làm rõ nghĩa hơn. Giống Đức Kitô, thánh Phaolô giải thích: giới lệnh của tình yêu, trước tiên, sẽ không thể hiện ở điều ta nói hay có cảm xúc này khác, nhưng là qua hành động ta làm.

Đối với tín hữu Đức Kitô, tình yêu nhất định phải là chuyện có thực. Mỗi khi ta hiền hoà/nhẫn nại, đối xử tử tế và nhẹ nhàng hòa nhã với người khác, hoặc với nhau, tức là ta đã chấp hành giới lệnh của tình yêu rồi. Cũng vậy, khi ta biết thứ tha và tôn trọng sự thật, thì dù ở vào tình huống nào đi nữa, ta vẫn một lòng chung thủy với người khác và với nhau. Và, đó là lúc ta chú ý “lắng nghe cho kỹ” giới lệnh của Đức Chúa

Thánh Phaolô cũng quả quyết rằng: hoa trái đầu mùa, thành quả của tình yêu đích thực nơi người tín hữu Đức Kitô, còn là biết tự kềm chế chính mình. Hy sinh và tự kềm chế, là giới lệnh của tình yêu đi vào hiện thực. Thế giới hôm nay, tiếp tục rao truyền huyền thoại không-tưởng, khi có nhiều người bảo rằng: cách duy nhất để đạt hạnh phúc dài lâu là biết tỏ bày và phô trương cái hay cái đẹp của con người. Phần đông chúng ta đều cho rằng: lập trường này không mấy thích hợp. Bởi, nếu mọi người đều bộc lộ cảm xúc hoặc phô tương xác thịt, kèm theo các dục vọng hoặc lòng ham muốn được tâng bốc đến mức tối đa, thì thế giới này sẽ không còn đất sống cho loài người dung thân.

Thực tế cuộc đời, lắm lúc khiến ta nghĩ rằng: điều hay/điều tốt không phải là thực hiện được những chuyện như thế. Thử lấy ví dụ: nếu ta tỏ ra bất mãn, nóng giận đối với bạn bè, chòm xóm hoặc nếu ta cứ dùng lời lẽ xấu xa để khích bác hoặc dùng vũ lực để khống chế người khác, thì rồi ra kết cuộc chẳng đi đến đâu. Chẳng giúp ích được ai. Cụ thể hơn, nếu người người cứ hành xử sai trái như dụ dỗ vợ/chồng người khác để lợi dụng tình dục, thì rồi ra cũng đi đến kết cuộc đau thương, sầu hận.

Nói tích cực hơn, ta nên cảnh giác/cảm thông với tình trạng đói/nghèo trên thế giới, mà nhiều người đang cam chịu. Nếu biết rằng, những người nghèo đói bệnh tật đã hy sinh rất nhiều mới sống lây lất được đôi ngày, đó chẳng phải là vì họ không có tài như ta, hoặc đã tước đoạt điều gì từ ta, mới có thể sống.

Tự kềm chế, là bạn đồng hành với tình yêu. Nó giúp ta có thời gian thích hợp để hành động cho hợp lý hợp tình. Đường cong ngõ hẹp, thường dẫn đến hạnh phúc đích thật. Hạnh phúc ấy, chỉ có được nếu con người biết tự kềm chế. Nhưng vấn đề, là: ta không dễ gì làm được việc này nếu không khổ công luyện tập. Luyện tập có bài bản và thường xuyên, mới mong đạt diễm phúc toàn thắng mọi đấu tranh nội tại. Toàn thắng chính mình, trước khi chinh phục người khác. Có biết luyện tập kềm chế, chắc chắn rồi ra ta sẽ đảm trách được cuộc sống, thay vì cứ để cho cuộc sống kềm chế chính mình, mãi.

Cầu mong Tiệc thánh hôm nay, dấy lên được một đổi thay nơi ta. Cầu mong sao, ta biết hy sinh nhiều hơn nữa. Biết tự thắng và chế ngự mọi ham muốn lớn/nhỏ. Có như thế, ta mới thông qua cánh cửa mở rộng đang chờ ta thực hiện được giới lệnh của tình yêu mà Đức Kitô Phục sinh đang mời gọi. Cửa ngõ ấy Đức cố Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã kinh nghiệm suốt 13 năm hy sinh và kềm chế. Ngài đã chia xẻ kinh nghiệm ấy như sau:

“Tôi mơ về một Giáo hội có cửa thánh lúc nào cũng rộng mở để mọi người đi vào ngập tràn tình thương. Giáo hội cảm thông với các đau khổ của nhân lọai bằng những bảo bọc, ủi an; và dìu dắt con cái đến với Người Cha Thân Yêu. Tôi vẫn đeo thập giá và chuỗi này không vì nó nhắc tôi nhớ lại thời gian đau khổ kéo dài, nhưng vì nó biểu hiện niềm xác tín sâu đậm và liên tục bảo tôi: chỉ có tình yêu Đức Kitô mới làm đổi thay tâm can con người.

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá luợc dịch

Tuesday, 24 May 2011

Lm Chân Tín CSsR: Việt Nam ngày nay: Cộng sản làm Tư bản

Trả lời phỏng vấn tạp chí Entwicklungspolitik

Chỉ cần phát biểu bằng nửa điều kinh mục Chân Tín nói thì người khác đã bị chế độ Cộng sản Việt Nam tống giam rồi (…). Vì trung thành xác tín với sứ mạng ngôn sứ của người Kitô hữu nên ông chẳng được phía nào hài lòng, bị coi là đồ chiên ghẻ, như ông vẫn xác nhận. Dưới chế độ ông Thiệu, ông bị bắt vì tranh đấu cho nhân quyền. Cộng sản kìm giữ ông chống đối chính sách cải tạo 40 ngàn người chế độ cũ và giờ đây, vì chỉ trích chủ trương tư bản “rừng rú” không đếm xỉa gì đến vấn đề xã hội mà chỉ kéo dài sự sống còn của Đảng.

-Linh mục nghĩ gì về hiện trạng Việt Nam?

-Như các ông thấy, đã có mở cửa về kinh tế. Nhiều người ngoại quốc đến buôn bán. Có hợp tác kinh doanh, có công trình xây dựng, tắt lại: cửa kinh tế đã mở. Những cởi mở này chỉ có lợi cho giới cầm quyền cấp cao mà thôi, dân đen không được gì cả, đời sống họ không mảy may cải thiện. Về chính trị, cửa vẫn cứ đóng. Dân chủ và nhân quyền vẫn bị chà đạp. Đặc biệt là quyền tự do ăn nói, tự do truyền thông và tự do tôn giáo. Vì thế có thể nói tương lai Việt Nam không sáng sủa. Bình minh đời sống chính trị chưa xuất hiện. Trái lại, nhờ trợ giúp của ngoại quốc, của các nước tư bản lợi dụng mở cửa để buôn bán làm ăn, đám cầm quyền –nắm độc quyền chính trị và kinh tế- tha hồ lợi dụng làm tiền. Nhờ độc tài Cộng sản mà một số ít người đã có thể thâu tóm mọi quyền lợi kinh tế và chính trị vào tay mình và vì vậy biến thành một thứ mafia. Có người đầy tiền của, quyền lực, có thể làm mọi chuyện. Cũng có người chống lại chế độ, đặc biệt chống lại chính sách dẫm đạp nhân quyền. Họ thường xuyên bị theo dõi, bắt bớ, tống ngục. Tương lai Đất nước do đó đen tối.

Chúng tôi ước mong tiến tới một nền dân chủ đúng nghĩa, để mọi người dân Việt có thể chung tay xây dựng đất nước về mọi mặt, cả về kinh tế lẫn xã hội, vật chất và tinh thần. Lúc này chế độ bao thầu mọi quyền hành, cả quyền giáo dục. Họ chủ trương một nền giáo dục thuần vật chất, không giúp dân được một giá trị tinh thần nào cả.

-Chủ nghĩa xã hội ngày nay phải hiểu như thế nào?

-Chủ nghĩa xã hội ngày nay có nghĩa là độc tài, độc quyền cai trị. Chủ nghĩa xã hội còn kéo dài đến ngày nay là vì nó nắm độc quyền. Chẳng có một tí gì là xã hội chủ nghĩa đúng nghĩa gì, vì chủ nghĩa xã hội trên đất nước này có nghĩa là Nhà nước độc chiếm mọi thứ. Những người Cộng sản hôm nay đang làm kinh tế thị trường, đang làm tư bản.

-Có những người khác chống đối như linh mục không?

-Nhiều người Vbiệt Nam, Công giáo và cả Cộng sản, cũng suy nghĩ như tôi, nhưng sợ không dám phát biểu công khai. Giữa chúng tôi với nhau, chúng tôi nói cùng một ngôn ngữ, nhưng công khai, ai nấy đều phải ca ngợi chế độ hoặc phải ngâm miệng. Tôi tin rằng giới trí thức, giới làm báo đều nghĩ suy như chúng tôi, như tôi, song họ không dám nói. Đã có nhiều người dám nói, nhưng phải nói mạnh hơn nữa.

-Theo linh mục, tương lai sẽ về đâu?

-Chắc chắn có những ảnh hưởng, những thay đổi và nhiều người giàu có hơn. Đất nước có nhu cầu mở cửa ra thế giới, và điều đó không thể xảy ra nếu không có dân chủ. Người ta đi bằng hai chân: chính trị và kinh tế và chính trị có nghĩa là dân chủ. Với độc tài, không thể có phát triển, là vì người ta bao che, dấu nhẹm tai tiếng cho nhau.

-Một Thiên An Môn có thể xảy ra ở Việt Nam?

-Ở đây cũng có một phong trào đòi dân chủ, nhưng cái sợ nó ngăn cản người ta cất tiếng. Tôi tin rằng phong trào đó đã bắt đầu, nhưng không bằng máu mà bằng lời. Và quan điểm này lớn mạnh trong dân và cả nơi những người Cộng sản.

-Linh mục có cảm thất chút gì bực tức khi nghĩ về cuộc đời tranh đấu đã qua, về giấc mơ, lý tưởng của mình?

-Có bực tức trong dân chúng. Nhưng dân tộc Việt Nam đã chiến thắng ngoại xâm phương Bắc, phương Đông và từ mọi nơi đến. Dân tộc này anh hùng. Chỉ là vì thời điểm chưa tới đó thôi.

-Còn chính linh mục?

-Không. Tôi vẫn luôn tiếp tục chiến đấu, bằng cách này hay cách khác cho dân tộc và đất nước. Chế độ cũ hay mới, tôi vẫn là một con chiên ghẻ. Trước kia người ta muốn bỏ tù tôi cũng như cách đây ba mươi năm người ta đày tôi. Người ta muốn bịt miệng tôi, nhưng làm thế nào được, tôi vẫn cất tiếng, qua đài RFIParis, VOA ở Mỹ hoặc BBC ở Anh, Veritas Manila hoặc đài Radio Vatican. Nay là thời đại của truyền thông đại chúng.

Heinz Kotte – Rudiger Siebert

(trích tạp chí Entwicklungpolitik số 7/1996 tháng 3;

bản tiếng Việt: Tin Nhà số 24, tháng 6 năm 1996)

Monday, 23 May 2011

LmEmmet Costello SJ; Lm Karl Rahner - nhà thần học nhấn mạnh tình yêu đối với Đức Giê-su trong bản tính loài người


Là tác giả của hơn 4000 quyển sách và các bài báo với nội dung uyên bác vô song và có tính khai phá đặc biệt, Cha Karl Rahner SJ được mô tả là “nhà thần học phong phú nhất và lỗi lạc nhất trong thế kỷ này và có thể nói là trong cả nhiều thế kỷ qua.”

Lời khen ngợi đó là của nhà thần học luân lý lẫy lừng người Mỹ, linh mục Richard McCormick, SJ dành cho Cha Karl Rahner. Lời khen ngợi đó cũng được sự đồng tình của Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, người đã gọi Cha Rahner là một nhà thần học “quý giá”. Cha Rahner cũng đã từng được tặng 15 bằng tiến sĩ danh dự.

Do tính uyên thâm sâu sắc, các tác phẩm của Cha Rahner không dễ gì mà được thấu hiểu, nhưng may thay một trong các môn sinh giỏi nhất của ngài, linh mục Harvey Egan, SJ, đã dành nhiều công sức để “quảng bá rộng rãi” về Cha Rahner qua hai quyển sách, “Nội dung Đức Tin” (viết chung với hai thần học gia khác), và đặc biệt hơn trong quyển “Karl Rahner, Nhà Thần Bí trong Đời Sống Thường Ngày”. Quyển sách thứ hai này là một quyển cổ điển chứa đựng những điều chính xác, rõ ràng; và tôi sẽ trích dẫn thật nhiều từ quyển sách này, với sự cho phép của nhà xuất bản Crossroad Publishing Company, New York.

Lòng thiết tha yêu mến Đức Giê-su Ki-tô phải được ghi dấu trong mỗi một cuộc đời Ki-tô hữu. Đối với Cha Rahner, Đức Giê-su không phải là một lý tưởng tôn giáo trừu tượng, mà là một con người thật sự, một con người bằng xương bằng thịt. Hữu thể Thiên Chúa / Nhân Loại đó không phải chỉ là một hữu thể nhân loại đầy sức thu phục, mà chính là bản tính nhân loại của Thiên Chúa ở thế gian. Thiên Chúa hóa thành nhục thể chính là để chia sẻ sự sống của Người với chúng ta. Nhưng do bởi tội lỗi của chúng ta, sự tự hiến của Thiên Chúa cũng phải mang thêm mục đích tha thứ, hàn gắn, và cứu chuộc chúng ta.

Đức Ki-tô gần gũi với chúng ta biết bao. Sự bình thường của cuộc đời Đức Giê-su đã đánh động Cha Rahner một cách sâu sắc. Cuộc đời Đức Giê-su gói trọn trong mô hình của cuộc sống thường nhật bình thường – chúng ta thậm chí có thể nói rằng nơi Đức Giê-su, sự hiện hữu rõ rệt của một con người được thấy trong hình thức căn bản nhất và cấp tiến nhất. Nơi Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã sống và thực hiện những công việc thường nhật trong đời sống một con người.

Theo Cha Rahner, lòng yêu mến Đức Giê-su Ki-tô và lòng yêu mến những người xung quanh ta không bao giờ có thể được cạnh tranh với nhau. Chúng ta phải yêu mến mọi người xung quanh mình – những người mà ta có thể nhìn thấy, nếu như ta có thể yêu mến Đức Giê-su – người mà ta không thể trông thấy. Lòng tôn sùng Thánh Tâm Đức Giê-su đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống tâm linh và thần học của Cha Rahner. Chỉ một năm trước khi qua đời, Cha Rahner đã viết một bài báo than phiền về sự suy thoái việc tôn kính Thánh Tâm trong thế giới Tây phương.

Trong những lúc vinh quang cũng như những giây phút tối tăm nhất của cuộc đời, chúng ta phải cố gắng mà cầu nguyện rằng: “Lạy Thánh Tâm Chúa Giê-su, xin thương xót chúng con” … và cố gắng để nhận ra rằng Thiên Chúa, mặc dù ta không hiểu được Người, nhưng Thiên Chúa thật sự thương yêu chúng ta, và rằng nơi Thánh Tâm Chúa Giê-su tình yêu đó đã trở nên bất diệt.

Những lời cầu nguyện cụ thể và sự chiêm nghiệm thần học sâu sắc về lời cầu nguyện – những điều này luôn luôn nổi bật trong suốt cả cuộc đời Cha Rahner. Khi một ký giả gặng hỏi về niềm tin vững chắc của ngài mặc cho sự khủng khiếp của chủ nghĩa Nazi, Cha Rahner đã trả lời: “Tôi tin bởi vì tôi cầu nguyện”. Và ngài thêm rằng: “người ta có thể nói một cách đúng đắn rằng ít nhất thì một số những người đáng thương đó đã đi vào lò hơi ngạt mà trong lòng vẫn cầu nguyện và tin tưởng vào Thiên Chúa.”

Theo Cha Rahner, khía cạnh quan trọng nhất của phẩm giá nhân loại là “con người có thể thưa chuyện cùng Thiên Chúa trong bất cứ chuyện gì, có thể kêu cầu cùng Thiên Chúa, và trong khi kêu cầu Thiên Chúa thì tìm đến với Người … trong ơn phúc như một chốn cầu nguyện – có nghĩa là ở khắp mọi nơi. Tạo vật con người đó là một thực thể không tan biến vào hư không khi đối diện với Đấng Tạo Hóa.” Việc thưa tiếng “xin vâng” với Thiên Chúa bằng toàn bộ bản thể của một con người, với sự trợ giúp của ơn Chúa, sẽ biến “những tiềm năng to lớn nhất” của người đó thành hiện thực. Và cũng xin lưu ý điều này – người ta sẽ vô cùng hiểu lầm quan điểm Thiên Chúa huyền bí của Cha Rahner nếu họ không hiểu rằng Thiên Chúa là tình yêu mật thiết không thể tưởng tượng nổi.

Cha Rahner nhấn mạnh việc cầu nguyện liên lỉ và xác quyết là lời cầu xin đó bao giờ cũng thấu tới Thiên Chúa. Do mối liên hệ con-và-Chúa giữa một con người với Thiên Chúa, con người đó phải luôn phó thác với tâm tình yêu thương sự hiện hữu thường nhật của bản thân mình vào Thiên Chúa. Vì lý do đó Cha Rahner khuyến khích mọi người nên cầu nguyện “trong mọi sự thường nhật” … xung quanh những hoàn cảnh trong cuộc đời nhiều khi rất máy móc của chúng ta. Ngài nói rằng: “Tất cả mọi sự đều tùy thuộc vào cách chúng ta sống cuộc sống thường nhật này. Cuộc sống đó có thể biến chúng ta thành những kẻ tầm thường, vô vị, nhưng cuộc sống đó cũng có thể khiến chúng ta được tự do thoát khỏi chính mình mà không điều gì khác có thể làm được.

“Ngay cả khi một người chỉ nói một cách đơn giản là: ‘Lạy Chúa, xin giúp con!’ thì đó đã là một điều rất tốt đẹp.” Và một lần nữa, ý tưởng đơn giản này: “Qua việc cầu nguyện, người ta học cách cầu nguyện”.

Cha Rahner có lần nói với người bạn đồng nghiệp thân thiết, linh mục Harvey Egan, SJ, như sau: “Hãy coi chừng người nào không có lòng tôn kính gì cả và người nào không cầu nguyện gì cả.” Cha Rahner rất không hài lòng về sự suy giảm những việc tôn kính Thánh Thể chẳng hạn như việc quỳ chầu cung kính trước cung thánh, hay việc dành một khoảng thời gian thinh lặng tạ ơn sau khi rước lễ.

Và ngài không ngại ngần gì khi nhắc nhở chúng ta: “ngọn đèn nơi cung thánh ở các nhà thờ Công Giáo vẫn luôn tiếp tục mời gọi chúng ta lưu lại trong thinh lặng để chiêm ngắm mầu nhiệm ơn cứu chuộc dành cho chúng ta.” Và vai trò của tình yêu trong lời cầu nguyện: “Chỉ có những ai yêu mến người khác và yêu thương đón nhận người khác vào đời họ thì mới có thể thật sự đạt được sự hiệp thông với Thiên Chúa.”

Việc Cha Rahner luôn thường nhấn mạnh tình yêu không đổi dời của Thiên Chúa dành cho chúng ta thông qua công trình của Đức Ki-tô chắc hẳn phải là một động lực mạnh mẽ thúc giục chúng ta cầu nguyện và kiên tâm cầu nguyện – mặc cho những trở ngại và những nỗi u ám trong tâm hồn. Cha Rahner tin tưởng rằng một trong những thành công to lớn của Công Đồng Vatican II chính là niềm lạc quan hy vọng của Công Đồng vào ơn cứu độ.

“Đó là một trong những điều trớ trêu trong lịch sử,” linh mục Harvey Egan viết, “khi ngay từ thưở ban đầu của Ki-tô Giáo cho đến tận thế kỷ của chúng ta, người ta cứ băn khoăn với một câu hỏi cốt yếu là: ‘ai sẽ được cứu độ?’ Kể từ Công Đồng Vatican II thì câu hỏi đó là ‘có bất cứ ai sẽ bị hư mất hay chăng?’ ”

Cha Rahner nhấn mạnh là ngài không gia nhập Dòng Tên để trở thành một vị học giả hay một bậc giáo sư vị vọng, nhưng để trở thành một “chủ chiên cho mọi người”. Cha đã rao giảng đạo hầu như mỗi ngày trong suốt 52 năm sống đời linh mục của ngài. Người linh mục, đối với ngài không phải chủ yếu là một nhà thần học, mà là một người được thánh hiến để giảng đạo. Cha Rahner hiểu một cách nghiêm túc về lời của Đức Ki-tô rằng thông điệp của Người thật sự là “tin mừng”, một tin mừng được loan báo cho người nghèo (Mát-thêu 11:5).

Trong ngữ cảnh này người nghèo có nghĩa là người tự thấy mình là kẻ có tội. Với người đó Đức Giê-su nói rằng vương quốc Thiên Chúa giờ đây đã hiện diện và đã được tỏ lộ qua Đức Ki-tô. Ở mức độ sâu thẳm, Ki-tô Giáo rao giảng một niềm vui viên mãn, một hiện thực vô hạn, trọn vẹn – thật sự là “tin mừng”.

Cha Rahner viết: “Ơn phúc của Thiên Chúa và sự hiệp thông vĩnh viễn của Thiên Chúa với chúng ta đã xuất hiện một cách rõ ràng, một cách vĩnh viễn, một cách bằng xương bằng thịt nơi Đức Giê-su Na-da-rét, người đã bị đóng đinh và đã sống lại từ cõi chết. Tin mừng này phải được loan truyền.” Và nhấn mạnh thêm: “chúng ta đã cảm nghiệm được tình yêu vĩnh cửu và bất diệt của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su Ki-tô, và điều đó đã phá bỏ hết tất cả những giới hạn của chúng ta.”

Cha Rahner nhấn mạnh việc chuẩn bị những bài giảng chu đáo có nội dung sâu sắc, và lấy làm tiếc cho những linh mục chỉ biết lặp đi lặp lại những bài giảng nhàm chán theo kiểu dạy giáo lý; ngài kêu gọi hãy “luôn luôn nhắm đến việc làm thế nào để Thánh Kinh được rao giảng trong một cách có thể đánh thức và gieo đức tin vào lòng người.”

Người linh mục phải rao giảng những chân lý cổ xưa qua một phương thức mới mẻ, sống động.

Linh mục phải giảng giải điều xưa cổ bằng một cách mới mẻ. Phải có một nỗ lực loan báo tin mừng trong Thánh Kinh cho những người của thời hiện đại qua một cách có thể chạm thấu tâm hồn họ.

Giảng dạy về mầu nhiệm của nhân loại – Lạc Quan và Bi Quan trong Ki-tô Giáo: Chúng ta phải hiểu chính mình bằng cách nào? Giáo Hội phải giảng dạy sự lạc quan và bi quan trong Ki-tô Giáo vì theo Giáo Hội thì con người là một tội nhân đã được cứu chuộc. Tội lỗi của ông A-đam và sự tự hiến vinh quang của Thiên Chúa cho nhân loại qua Đức Ki-tô như một tình yêu bất diệt – cả hai việc này đều thấm vào bản thể của chúng ta.

Việc giảng dạy sự bi quan Ki-tô Giáo phải đánh động Ki-tô hữu về một sự thật không thể chối cãi – là họ được sinh ra trong một thế giới được hình thành một phần do các quyết định tự do và tội lỗi của những người đi trước họ … Một thế giới chìm đắm trong tội lỗi. Nhưng sự bi quan này không thể là một lý do để không làm gì cả trong việc biến đổi thế giới cho tốt đẹp hơn. Thánh Phao-lô đã giảng dạy một sự bi quan và lạc quan Ki-tô Giáo khi ngài nói: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng.” (2 Cr 4:8) Trong những từ ngữ đó cha Rahner thấy không những chỉ hoàn cảnh của thánh Phao-lô như một người tông đồ, mà còn là “một nét của đời sống Ki-tô hữu trong mọi nơi và mọi lúc.”

Giảng dạy niềm bi quan Ki-tô Giáo, theo cha Rahner, “là một việc thật hợp lệ bởi vì niềm tin Ki-tô Giáo tin tưởng rằng, nói cho cùng thì, việc nhìn nhận tội lỗi cũng giống như việc nhìn nhận sự đau khổ.” Cha Rahner nhấn mạnh điểm này.

Lạc Quan Ki-tô Giáo: bởi vì cha Rahner không bao giờ rời mắt khỏi chiến thắng vinh quang và vĩnh cửu của Thiên Chúa đối với tội lỗi và sự chết, cho nên ngài nhấn mạnh việc giảng dạy niềm lạc quan Ki-tô Giáo. Theo Cha Rahner, hai lời cầu nguyện của Đức Giê-su trên thập giá đã diễn tả quan điểm của cha về sự bi quan Ki-tô Giáo và niềm lạc quan Ki-tô Giáo. Đức Giê-su không chỉ cầu nguyện “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài nỡ bỏ rơi con?” mà còn: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha.” Đấng Thiên Chúa không-thể-hiểu-được của sự hàn gắn, của tình yêu thương tha thứ đó, chính là quá khứ, hiện tại, và tương lai của chúng ta. “Tôi tin là Thiên Chúa sẽ chiến thắng sự ngu xuẩn trong bản tính tội lỗi của nhân loại. Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta.”

Nguồn:

Theologian who stressed love of Jesus the person

By Fr Emmet Costello SJ

The Catholic Weekly 20.Mar.2011

Bản Việt ngữ: Cecilia Mỹ-Hạnh nguyễn

Sunday, 22 May 2011

Lm Mai Văn Thịnh CSsR: CHÚA LÀ ĐƯỜNG CHO AI?


Thế giới của chúng ta đang sống thay đổi quá nhanh, nhanh đến mức độ khiến chúng ta cũng bị quay theo, và dễ bị mất phương hướng nếu không biết dừng chân đế luợng định. Lần nào cũng vậy, mỗi khi tôi có dịp trở lại Hong Kong tôi đều nhận ra điều đó. Những ngôi nhà trọc trời được mọc lên như nấm. Những con đường ‘siêu tốc’ được xây dựng giúp cho việc di chuyển được mau chóng và dễ dàng hơn.

Như vậy, con đường là một phương tiện giao thông để chúng ta có thể đến được với nhau. Nếu không có con đường thì không ai đến được với ai, hoặc nếu con đường nào bị hư hỏng hay bị tắc nghẽn thì việc đến với nhau cũng gặp nhiều gian truân, trắc trở. Tuy nhiên con đường càng thênh thang thì cạm bẫy càng nhiều. Bạn không tin cứ nhấn hết chân ga trên những con đường siêu tốc, bạn sẽ thấy hiệu quả!

Dĩ nhiên khi nói đến con đường thì không phải chỉ là những con đường bằng đất, nhựa, xi măng hay bê tông cốt sắt. Cũng không phải chỉ là những con đường trên mặt đất, trên sông biển, trên vòm trời… Mà còn phải kể đến những con đường quan trọng hơn như: đường tình, đường thiêng liêng. Như anh chị em đã biết, trên con đường tình các bạn cũng cần vượt qua những trở ngại; các gian nan để đến với nhau; và chúng ta thường hay được nghe: "Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua". Trái lại, khi con đường tình đã bị cách trở là lúc đôi tình nhân cùng an ủi nhau qua khúc ca ‘tình chỉ đẹp khi còn dang dở’.

Đường đời có những chỗ quẹo, khúc quanh bất ngờ mà ít ai trong chúng ta lại mong nó xẩy đến. Đó có thể là những thất bại trong việc làm ăn. Con cái tự nhiên nổi chứng: đứa này hư, đứa kia nghiện, đứa khác bỏ học. Đối diện với sự phản bội hay lừa dối của người thân. Hay người thân bị mang chứng bịnh hiểm nghèo, v.v.. Những trắc trở, khó khăn này dù xẩy ra trong thời gian ngắn hay dài, nhưng tầm phá hoại của nó rất lớn. Nó làm ta mất niềm tin và trong tình huống đó, chúng ta có thể đi tìm những phương thế nhanh và gọn để giải quyết: như tìm quên trong men rượu, dùng thuốc- drug hay cờ bạc; tệ hại hơn là dùng thú vui của thân xác để giải sầu và chạy trốn những khó khăn. Nhưng cuối cùng tất cả những phương thức tắt đó đều dẫn họ đến ngõ cụt và để lại những hậu quả có sức tàn phá thật đậm sâu và lâu dài trên cuộc sống của chúng ta.

Dĩ nhiên, đối diện và tìm những phương thể để san cho bằng những chỗ gồ ghề đó không là việêc dễ. Chúng ta thường được nghe nói “phúc bất trùng lai họa vô đơn chí’; hết chuớng ngại này lại đến trắc trở khác. Nếu chỉ biết ngồi đó mà than thân trách phận thì cũng chẳng giải quyết được điều gì?!?

Vì thế, sứ điệp của Tin Mừng mà Giáo Hội gửi đến cho chúng ta vào ngày chủ nhật hôm nay cần được lắng nghe. Muốn nghe được tiếng Chúa, chúng ta cần có tâm hồn thanh tịnh như lời Chúa: “Lòng các con đừng xao xuyến”. Một cuộc sống với đầy lo toan thì làm gì còn chỗ cho Chúa. Dựa theo kinh nghiệm của các bậc chuyên môn về đời sống thiêng liêng thì cho dù chúng ta có thể gặp Chúa ở khắp nơi: trong nhà tạm, nơi những người thân… Nhưng nếu tâm hồn mà bất an thì dù tại các nơi đó chúng ta cũng chỉ thấy chính mình. Vì thế cần vào ‘sa mạc’. Tại đó chúng ta sẽ được hạnh phúc nhìn thấy Thiên Chúa, không bằng con mắt xác thịt, nhưng bằng vào chính niềm tin. Trong thanh tịnh của sa mạc, chúng ta trút bỏ các mặt nạ của mình, trút bỏ kiêu ngạo, quên đi những xao xuyến và lo toan để lắng nghe Chúa. Nếu chúng ta còn đeo những mặt nạ nói trên thì không thể có cơ hội nhìn thấy Ngài. Vì thế, mời anh chị em chúng ta cùng vào sa mạc để tâm hồn thanh tịnh và lắng nghe tiếng Chúa hôm nay.

Chúng ta đươc mời gọi cùng đi con đường của Chúa. Đó là bài học Chúa dậy. Ngài là đường là sự thật và là sự sống. Ngài là con đường duy nhất dẫn chúng ta đi về nhà Cha. Ai muốn đến với Cha phải đi qua Ngài. Trước thách đố quyết liệt của Tin Mừng như thế, Philiphê cũng không hơn gì Tôma, dù đã ở với Đức Giêsu nhưng các ông vẫn chưa nhìn thấy Chúa là con đường sư sống dẫn ta vào sự sống viên mãn của Thiên Chúa. Ai thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha. (Gioan 14: 5-14)

Qua những lời đối thọai giữa Chúa Giêsu và các tông đồ, chúng ta nhận biết rằng chỉ có một con đường duy nhất dẫn đưa con người đến sự sống sung mãn nơi Chúa Cha là đi con đường của Chúa.

Đó chính là:

  • Con đường từ bỏ, con đường thập giá như lời thánh Phaolô: “Đức Giê-su Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa…. Nhưng đã hòan tòan trút bỏ vinh quang… trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá….” (Phi-lip-phê 2:6-11)

  • Con đường yêu thương: Ngài đã yêu thương ngay khi chúng ta đang là tội nhân; giờ đây nhờ Ngài chúng ta được trở nên công chính. Tình yêu của Ngài không bút mực hay ngôn từ nào có thể diễn tả hết. Ngài yêu thương chúng ta và yêu thuơng đến cùng, hạ mình xuống rửa chân như dấu chỉ phục vụ hết mình. Trong Tình yêu của Chúa Giêsu thì không có biên cương, không còn nô lệ hay tự do… không còn kẻ giàu người nghèo, kẻ sang người hèn; tất cả đều nên một trong lòng mến của Ngài. Tất cả mọi luật lệ trên trần gian, ngay cả những khỏan luật của Giào Hội cũng không ngăn cản được tình yêu của Ngài: như việc Ngài chữa lành các bịnh nhân trong ngày hưu lễ. Lề luật chỉ là phương tiện để phục vụ con người. Con nguời không thể vịn vào lề luật để bóp nghẹt tình yêu hay ngăn chận người ta đến với tình yêu.

  • Con đường mở lòng ra đón nhận nguời khác. Tất cả những ai đến với Ngài đều không bị khuớc từ. Ngài đã thu phục muôn dân muôn nuớc qui phục về một mối.
  • Con đường tha thứ không phải chỉ tha 7 lần nhưng là đến 70 lần 7; có nghĩa là tha liên tục và tha đến cùng như trên thập giá Chúa đã tha cho cả những kẻ làm hại mình; Lậy cha xin tha cho chúng…

Vì thế, theo tinh thần của bài Tin mừng hôm nay, chúng ta được mời gọi cùng đi con đuờng của Chúa. Và như anh chị em đã biết, chúng ta không thể cùng đồng hành với Chúa mà quên đi tha nhân. Chúng ta không thể đến với Thiên Chúa bằng một con đường khác với con đường đến với tha nhân. Ngược lại, không thể đến với tha nhân bằng con đường khác với con đường đến với Thiên Chúa. Chủ trương chỉ yêu tha nhân không cần đếm xỉa gì đến Thiên Chúa, hay ngược lại, chỉ yêu Thiên Chúa mà không đếm xỉa gì đến tha nhân đều là những tình yêu giả tạo, không thực tế. Do đó, muốn đến và gặp gỡ với Thiên Chúa không gì tốt đẹp và chắc chắn bằng đến hay gặp gỡ Ngài nơi tha nhân. Và muốn đến và gặp gỡ tha nhân không gì bảo đảm và tạo hạnh phúc cho họ bằng đến và gặp gỡ họ trong Thiên Chúa. Vì khi Ta đói, Ta khát… các con đã cho Ta ăn…

Đường của Chúa là thế. Không phải là một mớ tín điều, cũng không dựa vào những khoản luật này, lệ kia để trói buộc nhau. Đường của Chúa là một lối sống: tự do để yêu thương. Nào chúng ta cùng nắm tay nhau bước đi trên con đường của Chúa. Nơi đó, chúng ta sẽ thấy sự thật và sự sống. Và chỉ có ai sống trong sự thật mới cảm nhận được sự giải thoát (Gioan 8: 32) và sống yên hàn trong sự sống thật mà Chúa đã hứa ban. Như lời Đức Gioan Phaolô II đã trả lời một phóng viên là câu tin mừng mà Ngài thích nhất là câu “Sự thật sẽ giải thoát anh em”. Và sự thật về Chúa thì có liên hệ mật thiết với sự thật về con người. Đó chính là chúng ta được Chúa yêu thương hơn mức độ mình nghĩ rất nhiều, rất nhiều và nhiều vô tận. Amen

Dòng Oblate, Hong Kong

22/05/2011

Tb. Như anh chị em đã biết về khả năng hát hỏng của tôi. Câu xướng của kinh vinh danh còn hát không xong. Lúc hát cung này. Ngày mai cung khác. Nói chung là khi hát thì tôi lộn xộn lắm. Nhưng khi dọn bài suy niệm này, miệng cứ lẩm bẩm hát ‘Chúa là con đường’.

Vì thế, gửi đến anh chi em bài hát đó để hát thay nhé. Cảm ơn.

Saturday, 21 May 2011

Tin Nhà: Toà án Nhân dân đấu tố Linh mục Chân Tín

Ngày 13.04.2000, một Toà án Nhân dân được gọi là “Cuộc họp Nhân dân” được tổ chức từ 7g30 đến 10giờ, có khoảng năm mươi người tham dự đã được chọn lựa kỹ, trong đó có vài giáo dân. Không kể những người chủ sự (Chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân phường 9, quận 3, Bí thư phường, pường đội), các tham dự viên đều là những người “được” mời.

Cũng có mặt ông Ba Phương, Công an Thành phố, đặc trách tôn giáo.

Mở đầu “Toà án Nhân dân”, bà Nguyễn Thị Liêm, Chủ tịch UBND phường 9, đọc cáo trạng của Công an Thành phố. Cáo trạng quy cho Chân Tín bốn tội chính sau đây:

1.Chân Tín đã lợi dụng vị đại diện Cao Đài tuổi cao, mắt kém không nhìn rõ, để lừa vị này ký tên vào “Lời kêu gọi “ của các tôn giáo về tự do tôn giáo ở Việt Nam. (Bản cáo trạng này tố Chân Tín trình bày với vị đại diện Cao Đài và xin vị này ký tên một bản văn khác liên quan đến việc đòi lại đất, chứ không phải là một bản văn có nội dung chính trị).

2.Tội phản động (“cực kỳ phản động”, từ được dùng đi dùng lại nhiều lần trong bản cáo trạng). Vì Chân Tín đòi hủy bỏ điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa VIệt Nam, nghĩa là huỷ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN trên đất nước này. Như vậy Chân Tín đã chối bỏ mọi công lao to lớn của Đảng Cộng sản đối với Đất nước và Nhân dân VIệt Nam.

3.Tội gây chia rẽ giữa Nhà nước và các tôn giáo. Chân Tín đã cấu kết với các phần tử phản động trong các tôn giáo, làm những việc phi pháp, nhất là việc in ấn và phát tán các tài liệu dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là phát tán các tài liệu liên quan đến các tôn giáo khác trên mạng lưới Internet khi chưa có sự đồng ý của các tôn giáo này.

4.Tội không vâng phục các giám mục Việt Nam. Chân Tín đã tự cho mình quyền đại diện các giám mục Công giáo Việt Nam ký tên vào “Lời kêu gọi”. Chân Tín cũng đã hành động trái ngược với điều mà Thư Chung của HĐGMVN năm 1980 đã quyết nghị là “Công giáo sống giữa lòng dân tộc”.

Sau bà Chủ tịch đọc xong bản cáo trạng của Công an, một số tham dự viên được phát biểu ý kiến. Khoảng 14 người phát biểu. Bắt đầu là chủ tịch MTTQVN phường 9, quận 3. Ông này gọi là ông Tây, phần lớn đều coi bản cáo trạng như là một phán quyết của Toà án buộc tội linh mục Chân Tín về các tội nói trên và đề nghị:

-Hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

-Hoặc giáo dục cải tạo tại địa phương trong một thời gian để đương sự ý thức được lầm lỗi.

-Đề cao thái độ có tình có lý của chính quyền trong việc không muốn làm quá mạnh tay đối với linh mục Chân Tín.

Có một ông tên là Thân (?) nói: “Rất lấy làm ngạc nhiên khi được nghe những tội trạng cực kỳ phản động của Chân Tín qua bản cáo trạng.” Nhưng tiếp theo thì ông rút ra đọc một bản dài vài ba trang viết sẵn! Như vậy là không phải ông vừa được nghe, cũng chẳng phải ông “bất ngờ”. Có một ông giáo dân tên Tới, cũng được mời “đọc” phát biểu. Phát biểu của ông này cũng được mớm theo bản cáo trạng của Công an, nhưng nồng độ nhẹ hơn.

Một số ý kiến phát biểu nói rằng hôm nay Chân Tín không đến dự buổi họp nhân dân này là vì Chân Tín sợ, có tội nên sợ không dám đến.

Cha Bề Trên Phạm Huy Lãm cũng được mời phát biểu. Sau đây là lời phát biểu của linh mục Phạm Huy Lãm (khoảng thứ 10 hay 11):

Kính thưa bà Chủ tịch và quý ông quý bà,

Vì có vị đã cho rằng linh mục Chân Tín do sợ hãi, nhát gan mà không dám hiện diện ở trong buổi họp này, nên tôi xin hỏi bà Chủ tịch, bà có mời linh mục Chân Tín đến dự buổi họp này không? Tôi đã hỏi linh mục Chân Tín về điều ấy, thì ông nói là ông đã không nhận được giấy mời (một lúc sau bà Chủ tịch nhận là đã không mời). Nếu đã không được mời thì thì linh mục Chân Tín không có mặt ở đây là dĩ nhiên.

Tôi đề nghị đưa linh mục Chân Tín ra toà để xét xử công khai về những tội danh đã được nêu lên trong bản cáo trạng. Bản cáo trạng này sẽ là nền tảng cho công tố viên. Linh mục Chân Tín có quyền có luật sư biện hộ; bao lâu chưa có phán quyết của toà án, thì các nghi phạm chưa được kề là có tội (vì lẽ dĩ nhiên ta không có quyền coi họ là tội nhân để mà lên án nọ kia). Tôi đã đứng nói chuyện với linh mục Chân Tín và ông cho biết như thế này: ‘Tôi (linh mục Chân Tín) không nô lệ chế độ nào cả. Tôi chỉ tranh đấu cho công lý và nhân quyền. Ở dưới chế độ cũ, tôi đã tranh đấu chống bất công nên đã bị án 5 năm cấm cố.”

Có người đề nghi tu viện Dòng Chúa Cứu Thế phải có biện pháp đối với linh mục Chân Tín. Tôi xin thanh minh như sau: về mặt ý kiến chính trị, thì ở chế độ nào cũng thế, Nhà Dòng coi các linh mục của mình là những người trưởng thành, có trách nhiệm về các hành vi và lời nói của mình. Nếu Nhà nước thấy cá nhân nào vi phạm pháp luật thì xin cứ xử lý theo pháp luật…”

Kết thúc “Toà án Nhân dân”, bà Chủ tịch tóm kết và đưa ra hai hướng giải quyết:

1.Truy tố trách nhiệm hình sự.

2.Cải tạo tại địa phương, chính quyền địa phương theo dõi Chân Tín và Dòng Chúa Cứu Thế có trách nhiệm giáo dục Chân Tín.

Đa số nghiêng về giải pháp thứ hai, riêng cha Bề Trên Phạm Huy Lãm phản đối thẳng thừng. Người ta cho rằng giải pháp này có lý có tình, nhưng cha Bề Trên bào “Tình ấy là tình bậy”.

Toà án Nhân dân giải tán vào lúc 10giờ, cha Bề Trên Phạm Huy Lãm đứng tại sân UBND nói chuyện tiếp với bà Chủ tịch và ông Bí thư. Ông tiếp tục bảo vệ lập trường phải đưa linh mục Chân Tín cho toà xét xử trước khi có quyết định gì về hình sự, hành chánh hay tôn giáo liên quan đến linh mục Chân Tín. Nghe cha Bề Trên nói, ông Bí thự gật gật, bà Chủ tịch mắt lim dim, cả hai im lặng. Bài học thuộc lòng đã được đọc hết trong buổi họp rồi.

Paris 16.04.2000

(trích Tin Nhà số 43 – năm 2000)