Friday, 7 January 2011

Lm Mátthêu Vũ Khởi Phụng CSsR: VÀI CẢM NGHĨ NHÂN “MẬT MÃ DA VINCI”

Cùng với mấy chục triệu người đọc, tôi cũng đã được hai cuốn tiểu thuyết của Dan Brown hấp dẫn. Cũng hộc tốc chạy theo hai nhân vật chính của ông, đi hết tốc độ qua những nơi danh thắng và những tác phẩm nghệ thuật kiệt xuất của thế giới phương Tây. Thỉnh thoảng cũng buột miệng kêu: “Anh chàng Dan Brown này lếu láo !”. Nhưng tiểu thuyết ấy mà ! Chính Dan Brown là người đầu tiên công nhận cốt chuyện của ông là hư cấu, có điều sau khi công nhận như thế rồi, ông bắt đầu kể chuyện, đề cập đến nhiều danh nhân trong lịch sử, giảng giải, trưng dẫn này nọ y như thể đó là những sự kiện có thực. Thôi thì sau những lúc mệt mỏi, hãy đi vào thế giới tưởng tượng cho nó thư giãn.

Nhưng thay vì thư giãn, cuối cùng tôi lại mệt mỏi thêm. Chuyện hồi hộp quá, nên không dừng lại được, cứ phải đọc một mạch cho đến khi những điều bí ẩn ngã ngũ. Nhức cả đầu. Rồi đến khi gấp sách lại, thấy một cảm giác trống vắng, không phải chỉ do mệt mỏi vì đọc sách quá lâu. Cảm giác gì vậy ? Định thần nghĩ ngợi một chút, tôi phát hiện đó là cảm giác mất mát.

Để dựng nên một câu chuyện ly kỳ, để đọc được một câu chuyện ly kỳ, tác giả cũng như người đọc phải trả giá bằng cách lôi những sự thánh thiêng ra làm trò hề để rồi kết cục cũng vẫn lửng lơ, chẳng ra sao cả... Qua cầu gió bay, đi qua câu chuyện đã bay mất ít nhiều ấm cúng của tâm hồn, mọi sự như nhuốm mầu băng giá, hoang tàn, mặc cho chàng Langdon và cô Sophie cười rạng rỡ, hò hẹn nhau những cuộc vui nào nữa.

Quái lạ, ngày trước ở Việt Nam có mấy ông tự nhận mình là học giả, lôi ở đâu ra được mấy chuyện hoang đường, nhan đề là “Tây Dương Gia-Tô Bí lục”, như thể đó là một phát hiện gì ghê gớm lắm. Cuối cùng vẻ trịnh trọng học giả của các ông chỉ làm cho thiên hạ chê cười, đến nỗi có vị giám mục muốn mua rất nhiều “Tây Dương Gia-tô” phát cho con chiên để “củng cố đức tin”, vì nó cho thấy mấy vị chống đạo này thực chất “nhảm quá”. Còn ông Dan Brown này lúc nào cũng nhận là mình hư cấu, vừa kể chuyện vừa cười cợt, vậy mà lại thành vấn đề.

Chả trách mới đây có một Đức Hồng Y ở nước Ý công khai lên án nặng nề hai cuốn tiểu thuyết của Dan Brown. Tác giả đáp lại một cách rất lịch sự, lễ độ và tỏ lòng tôn kính Đức Hồng Y. Môi miệng ông ta trơn như mỡ. Ông ta có cần gì phải cãi cọ hay tranh luận gay gắt đâu, sách của ông vẫn bán chạy vèo vèo !

Âu là trong quá khứ, người Công Giáo và nhiều đấng bậc đã có những nhận định không chính xác có thể làm nhiều người đau khổ: chẳng hạn thái độ quá tiêu cực đối với tình yêu đôi lứa và phụ nữ, hoặc bảo thủ hẹp hòi trong lãnh vực khoa học và tư tưởng. Sống trong bóng tối của đức tin, mò tìm đường của mình mà đi giữa cuộc đời muôn mặt, nếu có chệch sang phía này hay phía khác cũng là chuyện thường tình. Năm Thánh mừng Thiên Niên Kỷ, nhìn lại hai ngàn năm lích sử của mình, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã thay mặt toàn dân Chúa tự kiểm điểm và sám hối trước mặt Chúa và trước mặt nhân loại. Nhưng ngay cả khi sửa sai những lỗi lầm có thực, cũng vẫn nên cẩn thận kẻo, như người ta nói, “muốn đánh con chuột mà làm bể chiếc bình quý”. Trong truyện của Dan Brown, thậm chí không có con chuột để đánh, bởi ông toàn kể chuyện giả tưởng, vậy mà vẫn bể chiếc bình quý. Thế mới tài !

Nghĩ đi nghĩ lại, từ nay nếu cần đi vào cõi tưởng tượng để thư giãn, tôi sẽ xin đi “Tiếu ngạo giang hồ” với Kim Dung Tiên Sinh. Trong Võ Lâm đầy dẫy những nhân vật kỳ quặc, những chuyện dở điên dở khùng, những giấy phút nghẹt thở. Không phải đấy là thế giới thần tiên, người chết rất nhiều và máu đổ cũng rất nhiều, nhưng rõ ràng đó là một cõi mộng, và lúc nào cũng có như một không gian bát ngát thoáng đãng chứ không ngột ngạt như thế giới Dan Brown. Và bao trùm lên mọi biến cố sôi động, vẫn có tơ vương của tình yêu chân thành, có sự ngậm ngùi cho phận người và có những gẫm suy triết lý về cõi đời.

Hoặc là tôi sẽ đi theo chú bé phù thủy Harry Potter của bà Rowling. Trong thế giới phù thủy cũng có hắc bạch đôi đường, có đấu tranh chính tà, có sự cứu độ nhờ tình yêu hy sinh, có những sinh vật lý thú. Nhưng bao trùm lên đó là một bầu khí trẻ thơ ngộ nghĩnh. ( Và bản dịch tiếng Việt của Lý Lan rất có duyên, chứ không lủng củng và sai be bét như bản dịch Mật Mã Da Vinci của nhà xuất bản Văn Hóa – Thông Tin ).

Nhân nói về Harry Potter, thì theo tin mới nhận, cuốn “The Da Vinci Code” đã vượt qua Harry Potter cả về số lượng người đọc lẫn doanh thu, vì Da Vinci đã đoạt doanh số 76 triệu đô la, trong khi Harry Potter chỉ đạt 59 triệu. Trong cuộc đua giữa hai thế giới giả tưởng, Dan Brown đã đẩy bà J.K.Rowling xuống hàng thứ nhì. Tin này khiến tôi buồn mất mấy phút. Làm sao cái thế giới hồn nhiên của Harry Potter lại phải thua cái bầu khí ly kỳ mà thiếu phần hồn của Da Vinci Code ? Nhưng xét ra như vậy cũng là công bình. Người lớn mới đọc Da Vinci Code, và người lớn tất nhiên là nhiều tiền hơn trẻ con là những người ái mộ Harry Potter nhất; vậy mà chẳng có gì bảo đảm là món ăn tinh thần cho người lớn giầu chất dinh dưỡng hơn món ăn tinh thần cho trẻ con. Sâu xa hơn, vị trí số một của “The Da Vinci Code” phản ánh đúng thế giới ngày nay đầy khủng bố, lọc lừa và những âm mưu chết người được che đậy, được ngụy trang. Trong cái thế giới ấy, chuyện của những đứa trẻ con bị gạt xuống hàng thứ yếu là phải rồi. Riêng thực tế ở nước ta bây giờ, số tiền xây khách sạn, nơi vui chơi ăn nhậu v.v... vượt xa tiền xã hội lo cho thiếu nhi. Ấy là chưa nói đến nạn phá thai. Tự nhiên nhớ một câu hát của Quang Uy và Văn Khoa ( một bạn tân tòng ), lấy cảm hứng nơi lời ca trong Lễ Suy Tôn Thánh Giá ngày thứ Sáu Tuần Thánh: “Hỡi dân Ta, Ta đã làm gì cho ngươi”:

“Đàn em bé thơ ngây, Ta cho chúng những nụ cười xinh, Hỡi Dân Ta,
Mà ngươi biến địa cầu nên nơi tối tăm buồn đau, Hỡi Dân Ta...”
Chúa ơi, thứ tha đoàn con”.
* * *
Sau hết, xin có vài lời về bản dịch tiếng Việt “Mật mã Da Vinci”. Tác phẩm nổi tiếng vừa được bầy bán ở các hiệu sách thì dư luận khắp nơi đã kêu la ầm ĩ. Bởi vì bản dịch sai quá tệ. Có những tờ báo như Nhân Dân làm một bản danh sách dài kê khai những chỗ dịch sai không thể nào chấp nhận nổi, và là những lỗi “vô cùng sơ đẳng”. Và những bản kê khai đó cũng chỉ để minh họa chứ không thể nào nêu hết các chỗ sai kỳ cục.

Nhà văn Hồ Anh Thái phê: “bản dịch hỏng hoàn toàn”. Trên tạp chí “Người Đại biểu nhân dân”, tác giả Trần Tiễn Cao Đăng viết: “Bản dịch Mật Mã Da Vinci là một thảm họa dịch thuật”. Dịch giả Đỗ Thu Hà gọi đây là sự kiện dịch thuật “vô tiền khoáng hậu”. Hầu hết các nhà văn và dịch giả đều nói rằng không thể sửa sai một bản dịch hết sức cẩu thả, tùy tiện và vô trách nhiệm như thế ( theo Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật ). Riêng ông Trần Tiễn Cao Đăng còn kêu gọi Nhà Xuất Bản Văn Hóa – Thông Tin “xin lỗi độc giả, xin lỗi tác giả, hủy bỏ lập tức bản dịch đã có”, và hoàn lại tiền mua sách cho những ai đã lỡ mua. Không biết ông giám đốc Nhà Xuất Bản Văn Hóa – Thông Tin không đọc, chưa đọc cuốn sách do mình xuất bản, hay có đọc mà không hiểu, nhưng ông lại lên tiếng, thắc mắc “chẳng lẽ bản dịch hỏng ?” và vẫn tin: “không đến nỗi như vậy”. Mọi người than trời mà Nhà Xuất bản vẫn còn đang cân nhắc việc lập “hội đồng đánh giá bản dịch”với sự giúp đỡ của “các chuyên gia tiếng Anh có tên tuổi” ( Báo Thể Thao – Văn Hóa ).

Thôi thì xin nhờ sự nổi tiếng của tác phẩm để lôi cuốn sự chú ý của dư luận về một tệ nạn thông thường: một số Nhà Xuất bản của ta hễ thấy vấn đề gì có sức thu hút độc giả thì hấp tấp dịch để tung ra thị trường, bất chấp khả năng của người dịch. Rất nhiều lần đọc bản dịch có cảm tưởng người đọc chẳng hiểu gì nguyên tác, mà cũng không biết cả tiếng Việt. Dịch một ngoại ngữ mình không hiểu sang tiếng Việ mà mình cũng không biết nói, biết viết, âu cũng là một hiện tượng “Văn học” của thời đại ta.

Như trên đã thưa, muốn thưởng thức The Da Vinci Code, cũng nên có kiến thức về văn hóa, nghệ thuật, tư tưởng, lịch sử phương Tây. Bạn đọc Việt Nam, nếu thiếu những kiến thức đó, kể cả với một bản dịch đúng, sẽ cảm thấy rối bời. Nay bản dịch lại ấm ớ hỡi ơi như vậy, không biết còn rối bời tới đâu. Cuối cùng chỉ còn lại cảm giác lơ mơ về một Giáo Hội âm u, giấu diếm nhiều điều bí mật, một thứ mê cung đầy dẫy những mưu mô hắc ám. Bạn đọc trẻ Công Giáo đâm ra thắc mắc, bạn đọc ngoài Công Giáo càng lạc hướng hơn.
Tin Mừng nói: “Nước Trời giống như kho báu chôn giấu ngoài ruộng”. Vấn đề là làm sao tìm ra đường, ra điểm chôn giấu trong khi chung quanh ruộng mọc lên những tấm biển kiểu như “Mật Mã Da Vinci”.

VŨ, Chúa Nhật 20.11.2005

No comments: