Monday, 17 January 2011

Lm Mai Văn Thịnh CSsR: Không Phải Chuyện Dễ

Một trong những vấn đề lớn mà hiện nay chúng ta đang phải đối đầu là làm thế nào để liên đới với nhau như anh chị em một nhà. Và, lại là nhà của Đức Chúa.

Nói vậy nghe có hơi quá lời một chút. Nhưng, nếu ta để lòng mình lắng xuống trong vài giây phút mà liếc qua các trang nhật báo hoặc màn ảnh truyền hình, chúng ta sẽ nhận ra rằng giới truyền thông hôm nay suốt ngày chỉ đề cập đến tội ác và hình phạt. Coi như đó là chuyện thường ngày của con người. Thật ra, giữa hai người hoặc hai nhóm người khác nhau vẫn thấy có những điểm khác biệt. Mỗi khi có bạo lực là có kẻ thắng người thua. Rồi sau đó là điều tra. Và cuối cùng là dẫn nhau ra toà để chờ phán quyết luận tội. Ở toà, cũng có kẻ thắng kiện, và có người chịu sự trừng phạt. Những chuyện như thế vẫn cứ xảy ra như cơm bữa trong khuôn khổ một nước, hoặc trên bình diện quốc tế, rộng lớn.

Chiến tranh Iraq chẳng hạn. Thực chất chỉ là một sự trả thù những gì Saddam Hussein đã làm. Việc đánh sập hai toà nhà mậu dịch ở Nữu Ước cũng là hành động bạo lực chống lại những gì mà người Mỹ đã làm cho họ.

Cuộc tranh chấp kéo dài giữa người Do Thái và Palestin vẫn cứ dằng dai tiếp diễn ra như không có ngày chấm dứt. Dằ¨ng dai là vì người Palestin cứ phải đương đầu với bạo lực ngay trên mảnh đất thân thương mình sống. Mảnh đất họ sống tuy nhỏ nhưng đã bị tước khỏi tay cha ông của họ, vào thời kỳ chiến tranh Do Thái-Ả Rập.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng chúng ta cũng được nghe những câu chuyện về sự tha thứ. Tôi vẫn nhớ chuyện của Emmett Till xảy ra tại Mississipi vào tháng 8 năm 1955. Till là cậu bé da đen tuổi chừng 14. Lúc ấy em đã dám huýt gió phụt vào mặt một phụ nữ da trắng đang đứng mua hàng ở siêu thị nọ. Các phụ nữ da trắng đứng gần đó cảm thấy xúc phạm về hành động này. Thế là đêm ấy họ tóm được chú Till, đem về bằm nát khuôn mặt của em bằng những cú đấm thôi sơn ;và, cuối cùng, để phi tang, họ đã thủ tiêu cậu.

Bà mẹ tìm được xác con đau buồn không để đâu cho hết nhưng chỉ biết lẳng lặng đưa xác con mình về Chicago, nơi bà đang ở. Sau nhiều đêm canh thức ngồi nhìn xác con mà lòng đau như cắt. Cuối cùng, lướt qua được cơn đau buồn tình cảm, bà đã bằng lòng cho đem xác con mình đi chôn. Bà nói bà đã tha thứ cho những kẻ hãm hại con mình. Tha thứ thì vẫn tha thứ, nhưng bà muốn cho những kẻ giết người biết là con bà chỉ là một thiếu niên bình thường. Mà,một người bình thường trong xã hội văn minh như thế này không thể bị đối xử một cách bất nhân, tồi tệ như thế được.

Bà nói: ”Cứ để cho mọi người đến mà chứng kiến hình hài của con bà để biết được rằng nhiều người vẫn còn ấp ủ trong lòng đủ mọi thứ hận thù lẫn thành kiến ghét ghen.”

Quả thật, đối với bà mẹ da đen này, việc tha thứ cho kẻ giết con mình là một hành động không mấy dễ làm. Bà không thể tiếp tục cuộc sống mà không biết tha thứ như vẫn được dạy bảo. Thành thử, tha thứ luôn là một việc ai cũng có thể làm được nhưng không dễ thực hiện nếu nó đụng đến chính cuộc sống của mình hay chính người thân của mình. Trong nhiều tình huống, muốn tha thứ phải có động lực thật mạnh thúc đẩy. Như tình thương yêu cao quý, biết bỏ lỗi cho người khác, biết quên đi mọi đau buồn về tinh thần, thể xác mới có thể thực hiện được.

Tha thứ là lệnh truyền mà Chúa vẫn thường nhắc nhở chúng ta trong Kinh thánh. Đức Yêsu đã nhiều lần đưa ra các ví dụ điển hình về bổn phận này. Nhiều hình ảnh và ví dụ đôi khi gây mâu thuẫn đối với bản tính con người. Chẳng hạn như:

“Hãy giơ má phải cho người ta tát”,

“Phúc cho những ai bị bách hại..

“”Hãy làm điều tốt lành cho những ai ghét bỏ và làm nhục ngươi..”

Những chuyện như thế thoạt nghe có vẻ như chỉ xảy ra trên lý thuyết sách vở mà thôi. Và nói chuyện lý thuyết thì hẳn ai cũng đồng ý cả thôi; nhưng nếu áp dụng vào thực tế của cuộc sống đó mới là vấn đề. Và vấn đề tha thứ cho cả những người bách hại mình chắc chắn không phải là chuyện dễ làm. Bản thân tôi, chẳng bao giờ tôi dám nghĩ là mình có thể noi gương bắt chược được bà mẹ của cậu bé da đen kia. Và, tôi nghĩ chắc nhiều người hiện cũng đang mang tâm trạng như tôi.

Thành thử, nghe chuyện và đọc sách thánh khi nói chúng ta phải biết tha thứ cho nhau, tôi vẫn thấy đó như một thôi thúc đòi hỏi chúng ta phải có nhiều cố gắng mới có thể thực hiện được điều Chúa dạy. Nhiều vấn đề thường đặt ra cho mọi người chúng ta như:

-Làm thế nào để thực hiện được điều Chúa dạy là đôi xử tốt với những người ganh ghét và làm hại mình. Ngay với những người không muốn nhìn mặt mình, nói chuyện với mình thôi cũng đã là chuyện khó rồi, huống nữa là chuyện này.

-Khi khuyên dạy chúng ta biết tha thứ cho nhau, Đức Yêsu có lý tưởng hoá mọi chuyện không?

-Là con người bình thường không có đặc tính nổi bật khinh xuất nào, liệu chúng ta có đủ nghị lực để thực hiện các lệnh truyền gay gắt như thế không?

Chắc chắn là tôi không thể trả lời câu hỏi này được trong hiện tại. Nhưng tôi vẫn xác tín rằng điều mà Đức Yêsu muốn là: yêu thương kẻ thù là cách hay nhất giúp chúng ta củng cố tương quan giữa ta với mọi người. Chúng ta không thể hễ gặp bât cứ chuyện gì vẫn cứ nói rằng: chuyện này khó lắm, chẳng ai làm được đâu.. Vậy sao không thử một lần xem nó như thế nào?

Bởi, nếu ta không thực hiện giải pháp Đức Yêsu đề nghị, thì e rằng ta khó có thể đi đến tình trạng khá hơn. Và, dĩ nhiên, nếu không tha thứ, thì tình trạng xung khắc giữa con người với nhau chắc sẽ không mấy sáng sủa. Và, cứ như thế, tương quan giữa ta với người khác càng đi vào tình trạng còn tồi tệ hơn nữa.

Nếu hôm nay, chính Đức Yêsu có mặt bằng xương bằng thịt ở đây, Ngài sẽ lập lại những lời khuyên như thế một cách trực tiếp. Và, tôi nghĩ: Ngài sẽ đáp ứng với các lo ngại hoặc phản ứng của chúng ta mà nói:

“Này con, hãy thôi đừng phàn nàn nữa. Cứ thử tha thứ một lần xem sao. Cuối cùng con sẽ thấy khá hơn.”

Tôi vẫn xác tín như thế. Và, một ngày nào đó, tôi cũng sẽ thử một lần. Và, tôi sẽ cho quý vị biết sự thể sau đó sẽ ra sao. Nhưng vào lúc này đây, tôi mời gọi tất cả quý vị hãy thữ tha thứ người làm hại mình một lần xem sao. Và, chúng ta sẽ cùng nhau chia xẻ kết quả. Riêng tôi, nắm chắc một điều là: kết quả ấy sẽ gây ngạc nhiên không ít.

Lm Mai Văn Thịnh

Nhân chia xẻ với giáo dân quanh Dòng.

No comments: