Wednesday, 5 January 2011

Lm Mátthêu Vũ Khởi Phụng CSsR: TRUYỆN “MẬT MÃ DA VINCI”


Trong làng sách báo Việt Nam, gần đây có hai vụ việc hay hay: một là cuốn tiểu thuyết “The Da Vinci Code” của Dan Brown sau mấy năm làm mưa làm gió ở nhiều nước, cuối cùng đã được dịch ra tiếng Việt; hai là: những tiếng ỳ xèo về bản dịch này.

“The Da Vinci Code” quả là một hiện tượng về tiểu thuyết. Nó đứng trong danh sách “Best seller” ( nghĩa là danh mục những sách bán chạy nhất ) suốt 132 tuần liền ở
New York. Nó đã được dịch ra 44 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, và bán được trên 36 triệu bản. Báo chí, truyền thông, truyền hình, các thông tin và diễn đàn trên Internet ở các nước Âu Mỹ đều bàn tán xôn xao về nó. Nhiều công trình nghiên cứu về nó cũng đã ra mắt công chúng.

Xin được nói qua về nội dung cuốn tiểu thuyết cho những bạn nào chưa có dịp đọc hoặc nghe nói về nó: một vụ án mạng xảy ra trong viện bảo tàng Louvre ở
Paris. Nạn nhân chính là viên quản thủ viện bảo tàng, tức là một nhân vật trọng yếu trong giới văn hóa. Hai nhân vật chính đã giải mã bí mật này là Robert Langdon, giáo sư về lịch sử nghệ thuật và biểu tượng tôn giáo của Đại Học Harvard, và cô cháu gái xinh đẹp, sôi nổi và thông minh của người bị giết, Sophie Neveu, chuyên viên giải mật mã.

Lạ thay, những vết tích giúp cho hai người truy tìm manh mối của vụ việc lại nằm trong những kiệt tác nghệ thuật của danh họa Leonardo da Vinci ( do đó tiểu thuyết mang tên “Mật Mã da Vinci” ), từ bức “La Joconde” ( nàng Mona Lisa ) đến bức “Tiệc Ly”, hoặc trong những Nhà Thờ cổ kính như Saint Sulpice ở Paris, v.v...

Tại sao những sáng tác nghệ thuật lừng danh hay những kiến trúc tôn giáo từ lâu đời lại khiến người ta phát hiện nguyên nhân của một vụ án mạng vừa xảy ra hôm nay ? Thưa, vì cái nguyên nhân ấy không mới mẻ gì. Vị quản thủ bảo tàng Louvre bị giết vì một vụ việc đã kéo dài hai ngàn năm nay. Robert và Sophie đi ngược dòng lịch sử với một tốc độ chóng mặt. Sự thật là từ buổi sơ khai, cánh Giáo Sĩ đàn ông đã chiếm trọn quyền bính trong Giáo Hội Công Giáo, và họ đã triệt để xóa nhòa nữ tính của Đạo và của Giáo Hội, cách riêng họ đã giấu nhẹm một sự thật rất lớn: Chúa Giê-su có vợ, vợ của Chúa là Ma-ri-a Magdala, hai người đã có con với nhau và dòng dõi vẫn truyền lại cho đến ngày nay. Nhưng dòng dõi của hai Đấng ( vì Ma-ri-a Magdala cũng là một đấng lập đạo với Chúa Giê-su ) phải sống và lưu truyền sự thật trong vòng bí mật. Trong dòng dõi ấy có những thiên tài như Da Vinci, nhà nghệ sĩ vĩ đại ( 1452 – 1519 ) thời Phục Hưng, hoặc những người đã xây dựng các đền đài, Nhà Thờ có danh tiếng. Họ đều để lại trong sáng tạo của mình những mật mã, những chỉ dẫn để cho người thời sau phát hiện sự thực. Thì ra cô Sophie Neveu chính là hậu duệ của Chúa Giê-su và bà Magdala.

Cuộc đấu tranh chung quanh bí mật ấy chính là nguyên nhân đưa đến những vụ ám sát khủng khiếp; nhúng tay vào những việc đẫm máu đó có cả tổ chức “Opus Dei” của cha de Balaguer mà Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II mới phong Thánh cùng một thời điểm Dan Brown viết và xuất bản quyển tiểu thuyết.

Đây không phải là lần đầu tiên Dan Brown lấy cả Giáo Hội Công Giáo làm nguyên cớ cho những vụ án mạng. Trước cuốn “The Da Vinci Code”, ông đã viết cuốn “Angels and Demons” ( Thiên Thần và Ác Quỷ ). Xét về mặt cấu trúc và tình tiết, hai quyển giống nhau như hai giọt nước, và cả hai đều rất ly kỳ.

Trong “Thiên Thần và Ác Quỷ”, người bị giết là một ông Linh Mục bác học, sắp khám phá một điều gì đó khiến cho khoa học và Đức Tin sẽ hòa đồng với nhau. Ông Linh Mục chết thảm, trên xác ông có mấy chữ bí hiểm: “Illuminati”. Robert Langdon đã xuất hiện ngay từ lúc này. Anh cùng với cô con gái nuôi của ông Linh Mục, một người rất giống Sophie Neveu, lao vào điều tra nội vụ.

Họ từ Genève về Roma, đến
Vatican trong một tình thế vô cùng khẩn cấp: Ở Vatican đang chuẩn bị bầu Giáo Hoàng mới, hai người biết chắc sẽ còn nhiều án mạng xảy ra mà lúc đầu không thể chứng minh hoặc thuyết phục các viên chức ở Vatican. Lần lượt bốn vị Hồng Y nhiều khả năng làm Giáo Hoàng nhất bị giết. Bao giờ Robert và cô bạn cũng đến hiện trường chậm vài giây, không chặn được bàn tay kẻ ác. Trong khi đó thì một thứ khí giới bí mật, mạnh hơn cả bom nguyên tử, đang được chôn vùi đâu đó ở Vatican và sắp nổ đến nơi.

Do đâu mà họ tìm ra dấu vết ? Vẫn là nhờ các tác phẩm nghệ thuật ( như bức tượng “Thánh Teresa Avila xuất thần” của Bernini ) và kiến trúc của những người như Bramante, người đã xây dựng quảng trường Thánh Phê-rô, những chỉ dẫn của các nhà bác học như Newton, thậm chí đến cả nghệ sĩ Walt Disney cũng được đưa vào cuộc.

Vì sao phải đi suốt chiều dài lịch sử như thế ? Vì đây là một cuộc chiến đấu lâu dài giữa tôn giáo và khoa học. Các nhà bác học đã bị Giáo Hội áp bức, phải rút vào vòng bí mật, truyền đạt sứ điệp của mình cho đời sau bằng những ký hiệu, lồ lộ nơi những tác phẩm nghệ thuật nhưng ý nghĩa thì chỉ những ai đã được nhập mật mới hiểu được.

Mãi cho tới ngày nay, trong Giáo Hội vẫn có ai đó vẫn muốn hủy tiêu khoa học, bởi khoa học chỉ có xác mà không có hồn. Đấu tranh tư tưởng với những biến cố lạ thường xen lẫn với nhau ở Roma tạo nên một bầu khí nóng bỏng. Khi sự căng thẳng đã lên đến cực độ thì tác giả cho vụ việc ngã ngũ bằng những biến động xét ra hết sức phi lý nhưng làm cho người đọc hổn hển vì hồi hộp. Chính kẻ thủ ác, một Linh Mục, lại là người cho thứ khí giới bí mật nổ trên thượng tầng không trung, cứu cả Roma lẫn Vatican; y là một kẻ cuồng tín nhưng được mọi người coi như đấng thánh và đưa lên ngôi Giáo Hoàng. Nhưng Giáo Hoàng này chỉ ở ngôi có một phút rồi lăn ra chết, nhường chỗ cho một vị Hồng Y xứng đáng hơn, vì đầy kinh nghiệm và trắc ẩn.

Phải công nhận Dan Brown rất có tài kể chuyện. Những diễn biến nối tiếp nhau mỗi lúc một thêm gay cấn. Cách ông mô tả các đền đài, các tác phẩm nghệ thuật về hội họa, điêu khắc, những nơi danh thắng nổi tiếng ở Phương Tây tạo ra một khung cảnh rất hiện thực. Rồi những gì ông nói về thời cổ, về các biến cố và danh nhân lịch sử khiến người đọc có ấn tượng ông đã nghiên cứu vấn đề rất tường tận, ( và quả nhiên D. Brown đã nghiên cứu và biết rất nhiều ). Thế rồi đang khi người đọc có cảm tưởng về những bối cảnh “hiện thực” như thế, Brown pha vào những chuyện không có thực, những yếu tố do ông đổi trắng thay đen, thậm chí hoàn toàn bịa đặt. Một khi đã được cảm giác “hiện thực” lôi cuốn, người đọc mất cảnh giác, và không còn lưu ý bắt đầu từ chỗ nào Brown đã nối cái không có thực vào cái có thực. Vả chăng, muốn nhận ra được cái quá độ giữa thực và không thực đó, cũng cần một mức độ uyên bác mà những người không chuyên môn khó lòng đạt tới. Cho nên ở Mỹ và ở Âu Châu sau khi tác phẩm của D. Brown trở thành nổi tiếng, các chuyên gia đã phải viết hàng tá sách vở và rất nhiều bài báo, để phân biệt những “thông tin thật” với những “thông tin giả” trong hai cuốn tiểu thuyết của ông...

Đã nhiều lần chúng tôi muốn giới thiệu với bạn đọc Ephata về hai quyển tiểu thuyết đang gây chuyện ầm ỹ này nhưng lại nghĩ những chuyện có thật, dù không ly kỳ hấp dẫn, vẫn đẹp gấp mấy mươi lần, thì hơi sức đâu mà bàn những chuyện hư cấu. Nhưng nay, “Mật Mã Da Vinci” đã dịch sang tiếng Việt, đã có mặt trong những hiệu sách, mai mốt sẽ có phim, ( và dĩ nhiên cả “Mật Mã Da Vinci” lẫn “Thiên Thần và Ác Quỷ” nếu được chuyển thể sang điện ảnh sẽ hết sức ngoạn mục và hoành tráng ), thiết tưởng đã đến lúc dành một ít giấy mực cho nó.

Lần này, chỉ xin giới thiệu so lược với bạn đọc về nội dung cuốn tiểu thuyết và thủ thuật của tác giả. Lần sau xin chia sẻ với bạn đọc một vài cảm nghĩ về hiện tượng “Mật Mã Da Vinci”.

VŨ, Chúa Nhật 13.11.2005

No comments: