Tuesday, 11 January 2011

Lm Mátthêu Vũ Khởi Phụng, CSsR: COME BE MY LIGHT, CUỐN SÁCH MỚI VỀ MẸ TÊ-RÊ-SA CALCUTTA


Đúng 10 năm sau khi mẹ Tê-rê-sa Calcutta qua đời, cuốn sách do Linh Mục Brian Kolodiejchuk biên soạn về đời sống nội tâm của mẹ khiến dư luận xôn xao. Với ít hay nhiều bàng hoàng, người ta nhận ra sự tương phản giữa ấn tượng xưa nay mình vẫn có về mẹ với tâm hồn thật của một đấng thánh, qua những tự sự và thư tín rất chân thành của mẹ. Trước mắt mọi người mẹ Tê-rê-sa là hiện thân của lòng yêu mến Chúa dạt dào, của niềm vui hồn hậu, khiến cho mẹ có một lòng nhân ái bất tận, thu phục nhân tâm khắp thế giới. Làm sao một người như thế lại trải qua 50 năm nội tâm khô khan như sa mạc, chẳng những không được một chút an ủi nào về tình cảm, mà còn trải qua những cơn cám dỗ bi đát về Đức Tin ? Có phải vì những cam go gánh nặng ấy mà con người mẹ ngày một teo tóp đi, gương mặt ngày một thêm nhăn nheo, lưng càng ngày càng gù và nụ cười rạng rỡ chẳng thể xoá nhoà một nhân dáng rất mực khắc khổ ?

Người đọc có thể lần lượt phản ứng khác nhau. Phản ứng ban đầu, tức thời, vội vã, có thể là: Ôi ! Coi vậy mà không phải vậy ! Hoá ra là đóng kịch hết. Nhưng một tầng phản ứng sâu hơn ( có lẽ đòi hỏi đôi chút quen biết với Lời Mạc Khải, với sử hạnh các thánh chăng ? ) – sẽ tích cực hơn: thôi, thế này thì đúng là thánh rồi ! Quả nhiên cha Kolodiejchuck chính là thỉnh nguyện viên trọng vụ án xin tôn phong Hiển Thánh cho mẹ Tê-rê-sa. Những tài liệu cha công bố là nhằm vận động cho việc phong Thánh.

Giống như khi ta lần chuỗi Mai Khôi từ năm sự vui qua năm sự thương, ở với những mầu nhiệm vui chưa được bao nhiêu thì Đức Mẹ đã lạc mất Chúa, đã quay quắt kiếm tìm, và rồi sau đó mở ra chuỗi mầu nhiệm thập giá, từ ngày Mẹ Tê-rê-sa tìm được ơn gọi của mình, niềm vui xuân đầu đã mau chóng nhường chỗ cho một cõi tâm linh quạnh hiu.

Niềm vui đầu thì có đó. Thời ấy, Mẹ đã được Chúa ban cho thị kiến, Mẹ đã có những lúc nói chuyện đầy yêu đương với Chúa Ki-tô trên thập giá. Mẹ viết: “Chúa Giê-su đã ban tặng chính mình Ngài cho tôi”. Cha giải tội của Mẹ, Linh Mục Celeste Va Exem, tin chắc rằng Mẹ đã gặp Chúa thực sự. Cha nhận định: “Mẹ kết hiệp với Chúa liên lỉ, sâu sắc và nồng nàn, như thể xuất thần đến nơi”. Và chính những lúc đó, Chúa Giê-su có những ước ao cháy bỏng: “Ta muốn những Nữ Tu Ấn Độ, những Thừa Sai của Lòng Mến, họ sẽ thắp bùng lên ngọn lửa tình yêu của Ta giữa những người nghèo, những bệnh nhân, những kẻ hấp hối và những trẻ thơ” ( Mẹ Tê-rê-sa tiết lộ chuyện này cho Đức Cha Périer, tổng Giám Mục Calcutta, tháng giêng, năm 1947 ).

Hoài bão ấy của Chúa, Mẹ Tê-rê-sa sẽ theo đuổi suốt đời. hơn 30 năm sau, 1979, nhận giải Nobel hoà bình, Mẹ vẫn trước sau như một: “Không thể nói: tôi yêu mến Chúa, nhưng tôi không yêu người đồng loại... Nói như thế là bất túc... Chúa đã hoá thành người đói khát, người minh trần, người không nhà mà quý vị và tôi đều phải tìm đến...” Và nhân lễ Giáng Sinh gần đến, Mẹ mong mọi người đều hiểu rằng “niềm vui rạng ngời ấy có thật... Chúa Ki-tô ở trong lòng ta, Chúa Ki-tô ở nơi người nghèo ta gặp, Chúa Ki-tô ở đấy khi ta nở nụ cười với người nghèo, khi người nghèo tặng lại ta nụ cười của họ”.

Vâng, người nghèo vẫn có đó, nụ cười cho đi, nụ cười trao đổi vẫn luôn nở trên môi, chỉ có điều... chỉ có điều... với Mẹ Tê-rê-sa thì “niềm vui rạng ngời” ấy đã tắt ngấm từ lâu lắm rồi. Mẹ nói về “niềm vui rạng ngời” như một người quằn quại trong đêm khuya nói về bên kia trái đất đang nắng đẹp, nhưng riêng mình thì chìm nghỉm trong bóng tối dày đặc.

Mà Mẹ đã cảm nghiệm đêm tối như thế ngay từ những thành công bước đầu. Trước đó, niềm vui được hiến mình cho Chúa khiến cho Mẹ đương đầu với mọi trở ngại, bất chấp sự hoài nghi của mọi người, Mẹ dám chọc trời khuấy nước từ Giám Mục địa phương, đến khâm sứ Toà Thánh, và lên tới tận Đức Giáo Hoàng, chỉ để được làm người nghèo giữa người nghèo. Niềm vui ấy ở với Mẹ cho đến khi Mẹ được phép lập Dòng mới và thu được những kết quả đầu tiên. “Bây giờ tâm hồn tôi hoàn toàn bình an và vui mừng”... Sau đó, Mẹ hăng say trong đời Thừa Sai Bác Ái: “Ông già ấy nằm ngoài đường, chẳng ai đoái hoài, bỏ mặc ông nằm bệnh một mình, chết một mình. Tôi cho ông thuốc carborsone và nước uống và ông già tỏ vẻ biết ơn một cách lạ thường... Rồi chúng tôi đến Taltala Bazaar, có một người đàn bà rất nghèo gần chết, tôi nghĩ bà ấy chết vì đói nhiều hơn là vì ho lao... Tôi cho bà ít thuốc giúp bà ngủ, chả biết bà còn được mấy nỗi”...

Đang làm việc hăng say và liên tiếp đạt kết quả, tự nhiên sao trong lòng mọi sự như tắt ngấm. Chỉ hai tháng sau khi khởi đầu sứ vụ, Mẹ Tê-rê-sa rơi vào một tâm trạng quạnh hiu kỳ lạ: “Sao nỗi cô đơn cứ tra tấn tôi thế này... Không biết tôi có sức chịu đựng được bao lâu...” Thưa Mẹ, Mẹ sẽ phải chịu đựng suốt một nửa thế kỷ đấy. Nhưng lúc đó Mẹ chỉ biết than thở cầu cứu. Năm 1953, Mẹ viết cho Đức Cha Perier: “Xin Đức Cha thương cầu nguyện cách riêng cho con, để con đừng làm hỏng việc của Chúa và để Chúa tỏ mình, bởi vì trong con đang có một cõi tăm tối khủng khiếp, mọi sự như đã chết rồi. Từ ngày con bắt đầu công việc tới giờ, tình trạng đại khái vẫn thế”.

Bây giờ đến lượt vị Giám Mục mới ít lâu trước còn hoài nghi về Ơn Gọi của Mẹ lại phải đứng ra nâng đỡ Mẹ: “Mẹ à, có Chúa hướng dẫn Mẹ, Mẹ không ở trong tăm tối nhiều như Mẹ tưởng đâu. Mọi việc xảy ra bên ngoài đã đủ để thấy rằng Thiên Chúa chúc lành cho công việc của Mẹ... Có cảm xúc gì hay không là sự không cần thiết, có khi cảm xúc còn đưa ta đi lạc đường nữa đó”.

Quả thật lúc đó công trình của Mẹ phát triển rất đẹp. Thành công lớn là đã tìm được nơi mở tu viện, rất nhiều thiếu nữ xin gia nhập Hội Dòng. Nhưng kết quả càng dồi dào thì lòng Mẹ càng buồn bã, cảm giác sầu thảm dằng dặc bất tận. “Tôi càng cần Chúa, Chúa càng không đoái hoài gì đến tôi” ( 1955 ). “Từ đáy lòng con khao khát Chúa vậy mà... con bị ruồng bỏ, trống rỗng, không tin, không yêu... Cứu vớt các linh hồn không còn gì hấp dẫn – Thiên Đàng chả có nghĩa gì – Xin Đức Cha cầu nguyện cho con, để con vẫn tiếp tục tươi cười với Chúa bất chấp mọi sự”.

Một cha giải tội khuyên Mẹ nên viết ra tâm trạng của mình, Mẹ đã viết lời cầu nguyện:

“Chúa ơi, Thiên Chúa của con ơi, con là ai mà Chúa phải hất hủi con thế này ? Con là đưa con của Tình Chúa yêu thương – mà bây giờ trở thành đứa bị Chúa ghét bỏ nhất, đứa bị Chúa vất đi, không cần đến nữa, không yêu nữa. Con kêu, con gọi, con bám vào, con cần quá lắm vậy mà không hề Ai trả lời, không hề Ai cho con bám vào, không, không Ai hết – Một mình con thôi... Đức Tin của con đâu rồi, tận đáy lòng con đây này, không có gì hết, chỉ là trống không và tăm tối. Chúa ơi, đau gì đau quá thế này, xưa nay con không thấy thế bao giờ. Con không dám nói ra thành lời thành ý những điều đang ngổn ngang trong lòng và làm cho con lên cơn hấp hối không lời nào tả xiết.

Bao nhiêu câu hỏi không lời giải đáp mà con sợ không dám nhìn thẳng vào, bởi vì đó sẽ là báng bổ, phạm thánh. Nếu có Chúa thì xin thương tha tội cho con. Khi con cố gắng hướng lòng tin lên Trời, thì chỉ thấy một điều hiển nhiên là sự trống vắng khiến cho những tư tưởng hướng về trời như những lưỡi giao sắc rơi xuống đâm phập vào linh hồn con. Nghe nói Chúa yêu con, vậy mà sự thực chỉ là tối tăm, lạnh giá, trống rỗng mênh mang đến độ không còn gì đụng vào tâm hồn con được nữa. Con đã sai lầm chăng khi mù quáng đi theo tiếng gọi của Thánh Tâm ?” ( Không thấy ghi ngày tháng ).

1959: “Tôi lao nhọc vì cái gì đây ? Nếu không có Thiên Chúa, thì cũng không có linh hồn. Nếu không có linh hồn thì Chúa Giê-su ơi, Chúa cũng không có thật” – “Tôi cũng cất tiếng đọc kinh với chị em trong Cộng Đoàn, tôi gắng hết sức tiêp nhận từng lời êm ái trong câu kinh, nhưng sự cầu nguyện kết hợp với Chúa thì không còn nữa, Tôi không cầu nguyện nữa rồi”.

Đã đến nước này, trầm trọng thế, lâu dài thế, thì không còn là một lúc mệt mỏi rồi sẽ qua đi, không còn là một thoáng cám dỗ, mà là một hiện tượng tâm linh khiến người ta vừa sợ, vừa phát hiện những tầng sâu mới. Phải nhờ đến Thánh Kinh, nhờ đến linh đạo của các Thánh...

VŨ, Sài-gòn thứ sáu 5.10.2007 ( Còn tiếp )

No comments: