Thursday, 27 January 2011

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Tản mạn Noel 2001

“Biểu dương hơn 1,000 nữ tu xuất sắc trong phong trào ‘Tự rèn luyện’ (SGGP 14.12.2001)”. Ai biểu dương? Thưa: Hội Liên Hiệp Phụ Nữ thành phố đã tổ chức hội nghị tổng kết cái gọi là Phong trào ‘tự rèn luyện’ được Hội phát động từ năm 1996 đến nay trong giới nữ tu các tôn giáo và phụ nữ có đạo thành phố.


Vẫn cứ là trò khỉ mà càng bài tôn giáo người càng phải bày ra. Để lấy tiếng…! Không một nước nào –nước Pháp chẳng hạn, sẵn cả truyền thống Kitô giáo từ hàng chục thế kỷ lẫn tinh thần chống giáo sĩ như từ thế kỷ XVIII- mà nhà nước lại vưóng bận mặc cảm đến nỗi phải sốt sắng lo việc đạo như thế.

Cũng như trò khỉ vẫn được tái diễn mỗi dịp lễ Giáng Sinh. Năm nay mấy ông kẹ ‘phụ trách tôn giáo’ lại cứ tới các nhà thờ yêu cầu linh mục tổ chức lễ, chăng đèn mặt tiền nhà thờ vv… cho xôm tụ. Cứ y như từ mùa Giáng Sinh năm 1955, một bức thư Hà Nội gửi vào đã cho biết: Đức cha Trịnh Như Khuê chỉ phải khổ sở vì nhà chức trách ngoài đó đi tới đi lui toà tổng giám mục để thúc giục làm sao cho mặt tiền Nhà thờ lớn thật rực rỡ.

Trên SGGPhóng 15.12.2001 lại có thêm một trò khỉ khác. Lần này khỉ làm ảo thuật.

“Uỷ Ban Đoàn Kết Công Giáo VN vừa gửi thư mừng lễ Thiên Chúa Giáng Sinhnăm 2001 tới các bậc giáo phẩm và giáo dân trong cả nước.

Bức thư có đoạn viết: ‘Nhìn lại năm qua, chúng ta vui mừng nhận thấy phong trào thi đua ’Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời, đẹp đạo’ do Uỷ Ban Đoàn Kết Công Giáo VN phát động tiếp tục được triển khai sâu rộng hơn, mang lại những kết quả rất đáng khích lệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vể Tổ quốc. Mặc dù những gì chúng ta làm được là chưa thật nhiều, nhưng chúng ta cũng vui mừng cảm ta Thiên Chúa về những thành tựu nhất định mà chúng ta đã đóng góp cho quê hương như Thư chung của Hội đồng Giám mục VN năm 2001 đã ghi nhận.”

Đàn két muốn gửi thư tới ai thì cứ biệc gửi. Gửi Chủ tịch Giang Trạch Dân, tới Tổng Thống Bush hay tới Bin Laden, tới Ma Cà Rồng cũng cứ việc. Chỉ cần sẵn tem. Nhưng sao lại “chúng ta” được? Không lẽ dốt tiếng Việt hay lú lẫn đến mức không phân biệt nổi ‘chúng tôi’ với ‘chúng ta’? Đúng hơn, đây vẫn là trò ảo thuật, trò bịp quen thuộc. Đàng khác, như “Thư chung của Hội Đồng Giám Mục VN năm 2001” đã ghi nhận’ là thế nào? Thư chung có ‘ghi nhận’ là ghi nhận gì chứ còn phải tới Tết Congo chăng mới ghi nhận những ‘thành tựu’ của UBĐLCG VN. Đàn két vẫn cứ ăn gian nói dối không biết ngượng.

Dân chúng thì đón mừng Noel theo cách của họ. Tối tối, đường phố đã có vẻ nhộn nhịp hơn, trong khi chờ đợi đêm lễ Giáng Sinh hẳn vẫn sẽ là đêm người ta đi lại ngoài đường nhiều nhất trong cả năm. Khắp nơi là các cửa hàng bán thiệp Giáng Sinh, hang đá, đèn ngôi sao, bẵng dĩa nhạc, quà Noel. Tưng bừng nhất là Nhà sách Đức Mẹ hằng Cứu Giúp đường Kỳ Đồng, mở cửa đến 10 giờ đêm. Còn có một dịch vụ Ông Già Noel được quảng cáo trên các báo.

Có người không vui lắm vì cho rằng đó chỉ là sự tục hoá lễ Giáng Sinh. Nhưng tại sao không thấy đó cũng là sự hội nhập của Kitô giáo? Noel trở thành ‘lễ hội’ cho mọi người, bất luận giáo/lương. Có sự tục hoá đi chăng nữa thì vẫn còn hơn là sự thờ ơ, vô tình. Miễn là sự tục hoá ấy không phải là ở ngay trong giời Kitô hữu. Nhưng người Công giáo VN vẫn quan tâm đến việc xưng tội rước lễ không kém gì vào dịp lễ Phục sinh. Trước lễ Giáng sinh cũng như trước Tuần Thánh, nhiều xứ đạo vẫn phải lo thu xếp một buổi tối có hàng chục linh mục cùng tới để ban bí tích hoà giải cho năm bảy trăm người. Anh em Tin Lành hẳn cũng có gì tương tự. Chưa kể là ngay giữa đồng bào bên lương, không hẳn đã chỉ là sự tục hoá hay sự hội nhập chỉ có ý nghĩa văn hoá. Khi, như Xuân Phu ghi lại trong một bài báo, một thanh niên tâm sự:

“Mỗi lần Noel là mình lại nhớ nhà. Nhớ mà không về quê được. Mình không có đạo, nhưng không khí Noel gợi lên nỗi thèm khát sự ấm cúng. Mình đi xa tìm một nhà thờ nào đó, đứng lẫn vào đám đông, rồi qua quận 8 xem hang đá cho đến sáng”.

Hay khi, vẫn theo Xuân Phu, một cô sinh viên băn khoăn:

“Mọi năm lớp tổ chức đi chơi, ăn uống. Năm nay ra trường rồi, mỗi đứa một nơi, chắc là buồn. Noel cũng thấy nao nao, mà thực sự chưa có kế hoạch gì.”

Nhớ nhà, nhớ mà không về quê được, thèm khát sự ấm cúng, thấy nao nao… biết đâu cũng còn là lạc lõng trong sự trần tục, không dừng chân lại được ở một quán trọ nào. Và lòng đã như bắt đầu gần gũi với Maria và Yuse trên đường tìm về Hang Đá?

Hay lòng đã mơ tới một trời sao không phải là trời sao thiên văn học. Hay ngay trong trời sao thiên văn học đã mơ tới một ánh sao lạ… Ánh sao xưa kia đã đưa đẩy bước chân của ba đạo sĩ –có thể cũng là ba nhà thiên văn học- tới một miền đất lạ…

Gs Nguyễn Ngọc Lan

(trích Thư Nhà số 8, tháng 3/2002, tr. 23)

Monday, 24 January 2011

Lm Chân Tín, CSsR: Mùa Giáng Sinh mới của Giáo hội


Mùa Giáng Sinh đã về với chúng ta. Trong các đô thị lớn trên thế giới đã mấy tháng nay người ta thi nhau khai thác Mùa Giáng Sinh. Các cửa tiệm đã trưng bày la liệt những món hàng Giáng Sinh. Người ta tấp nập sắm quà bánh, như chợ Tết. Đối với một số đông, có tín ngưỡng hay không, Mùa Giáng Sinh là một mùa rất nên thơ, một kỳ nghỉ việc với những màu sắc đặc biệt của nó. Nói đến Giáng Sinh là người ta nghĩ ngay đến cái máng cỏ xinh xắn với vài tượng đất tô màu, với những cành thông thi vị, với những chiếc đèn lồng xanh đỏ, làm vui mắt đám trẻ. Người ta tưng bừng đón Giáng Sinh, vì là một đêm vui tươi, nhộn nhịp như hội chợ, có ca nhạc, có vui chơi, có cả một bữa réveillon đặc biệt.

Người ta đã tục hoá Lễ Giáng Sinh. Lể Giáng Sinh đối với một số đông, không còn là một biến cố lạ lùng: Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người, sinh ra cách đây hai ngàn năm trong một đêm giá lạnh, để giải phóng loài người khỏi tối tăm và tội lỗi, để đem trật tự và hoà bình cho trần gian, để hợp nhất loài người trong chân lý và tình thương, để biến con người trở thành con Chúa và ban cho nó được sống hạnh phúc trong tình thương bất diệt của Thiên Chúa Ba Ngôi, Cha, Con và Thánh Thần.

Thế nhưng, với năm 1962 này loài người vẫn còn sống trong tối tăm và tội lỗi, vẫn lăn vào con đường lầm lạc, vẫn chia rẽ nhau trong hận thù và, vẫn mê man trong nhục dục, vẫn sống như Chúa Kitô “Ánh Sáng Thế Gian” chưa bao giờ có mặt trên đất này. Hai phần ba chưa biết Chúa Kitô. Một phần ba biết Chúa Kitô, nhưng chưa sống hoàn toàn tình thương của Ngài.

Trước tình trạng bi đát của nhân loại ngày nay, Đức Giáo Hoàng Hioan XXIII đã băn khoăn lo lắng tìm cách giải quyết. Rồi, dưới sức thúc đẩy của Ơn Trên, ngài đã buột miệng tuyên bố: “Chúng ta sẽ họp công đồng chung”. Trong đêm tối dày đặc đang bao phủ nhân loại, một ánh sáng đã loé lên, ánh sáng của hang Bêlem, ánh sáng của Lể Giáng Sinh, ánh sáng của Chúa Kitô, ánh sáng của Giáo hội của Chúa, ánh sáng của Công Đồng Vatican II. Phải chăng đây là mùa Giáng Sinh của Chúa Kitô?

Đã hai ngàn năm nay, Giáo hội là chính mầu nhiệm Giáng Sinh tiếp tục qua các thời đại. Nhưng mỗi thời đại có những đòi hỏi riêng, những vấn đề riêng. Nhân loại ngày nay đang ở trong khúc quanh của lịch sử và đang băn khoăn tìm một hướng đi. Thì đây, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các nghị phụ của Công Đồng Vaticqan II đang cùng nhau tìm những phương pháp hiệu nghiệm để đem cho mọi dân tộc trên thế giới Tin Mừng giải phóng mà Chúa Giêsu đã thực hiện cho loài người trong mầu nhiệm Giáng Sinh của Ngài.

Công Đồng nhằm mục đích đem lại sự hợp nhất giữa con cái loài người, bằng cách làm sáng tỏ chân lý và tình thương của Chúa Kitô. Trong bài diễn văn khai mạc Công Đồng, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã long trọng tuyên bố:

“Chúa Kitô luôn sáng chói giữa trung tâm lịch sử và đời sống. Nhân loại thuộc về Chúa Kitô và Giáo Hội và như thế sẽ hưởng ánh sáng, tinh thương, trật tự và hoà bình; hoặc sống bất chấp hay phản đối Thiên Chúa và Giáo hội của Người, nhân loại sẽ gây rối loạn và tàn sát nhau. Công Đồng Chung, mỗi lần nhóm họp là một lần long trọng biểu dương sự hợp nhất giữa Chúa Kitô và Giáo hội và nhờ đó làm sáng chói chân lý khắp nơi, hướng dẫn đời sống cá nhân, gia đình, xã hội đi vào con đường ngay chính, củng cố các lực lượng thiêng liêng và nâng chúng lên tới những chân giá trị siêu nhiên…”

Đó là mục tiêu mà Công Đồng chung này đặt ra. Đang khi tập trung những lực lượng dồi dào nhất của Giáo hội, đang khi cố gắng lam cho con người vui mừng tiếp nhận ơn giải phóng của Công Đồng chung, một phương diện nào, sẽ củng cố sự hiệp nhất giữa loài người, một sự hợp nhất căn bản cần thiết để cuộc đời trần gian này giống cuộc sống thiên đàng là nơi chân lý và tình thương đang hiển thị.

Công Đồng Vatican II thật là một mùa Giáng Sinh mới của Giáo Hội. Chúng ta chắc rằng nhờ Công Đồng này ơn giải phóng dồi dào nơi Chúa Kitô và Giáo Hội sẽ tràn đầy trên nhân loại ngày nay để “thu họp mọi sự trong Đức Kitô”.

Lm Chân Tín

12/1962

Thursday, 20 January 2011

Lm Richard Leonard sj: Con mồi của những rẽ chia.

Mới đây, có lần tôi đã phải giật mình khi nghe một nữ lưu đạo dòng tuyên bố là chị chẳng còn thấy có bổn phận phải phục lụy vị giám mục của chị nữa. Chị hết nói về những lỗi phạm mà vị chủ chăn của chị sai phạm, rồi đến những sơ xuất dẫy đầy trong giáo phận chị ở. Theo chị, có những con rận bê bết do vị chủ chiên tạo ra. Thế nhưng, với Đức Gioan Phaolô II của chúng ta, thì chị lại hết lòng ca ngợi. Thật sự, chúng ta cũng chẳng nên tranh cãi với chị về những chuyện có liên quan đến Đức Giáo chủ làm gì. Chỉ nên biết một điều là: tất cả những gì chị bày tỏ cũng đã từng xảy ra với cộng đồng dân Chúa lúc ban sơ ở Côrinthô. Các ngài cũng là những con mồi rơi vào cạm bẫy của một xào sáo, rẽ chia. Vấn đề chị đặt tuy biểu tỏ một lập trường riêng tư, nhưng cũng là nhận định của những người đang ưu tư bức xúc về sự phân rẽ trong hàng ngũ lãnh đạo xưa kia hoặc hiện giờ dù không mang mầu sắc Công giáo chính trực.

Cùng với Hội thánh, chúng ta được mời gọi để cầu nguyện cho Đức Giáo Chủ, luôn hỗ trợ và nghe theo sự chỉ đạo của ngài. Tuy nhiên, bản chất lòng đạo của những người tin theo Đức Chúa chính là nền tảng xuất phát từ việc chúng ta có biết hiệp thông với Hội thánh sở tại hay không, qua vị giám mục địa phận? Để rồi chính ngài, trong cương vị một chủ chăn, cũng sẽ hiệp nhất với Giám mục thành La Mã, tức Đức Giáo chủ của chúng ta làm thành Giáo hội duy nhất, thánh thiện.

Chẳng bao lâu sau ngày Chúa mời gọi các ngư phủ địa phương theo Ngài làm đồ đệ, đã thấy có tranh chấp lớn trong nội bộ của các vị rồi. Theo dõi toàn bộ sách Tân Ước, chúng ta nhận ra là đã có sự bất đồng trầm trọng giữa các vị lãnh đạo của Giáo Hội tiên khởi. Đại để thì thế này: do có khác biệt về tâm tính cũng như phần hành/công vụ, nên đã có những hiểu lầm trong nhiều trường hợp. Hiện tượng mà thánh Phaolô thấy nảy sinh trong cộng đồng dân Chúa ở Côrinthô là sự rạn nứt trong Hội thánh. Sở dĩ có rạn nứt như thế là vì có một số vị vẫn có thói quen tranh giành quyền lực. Có điều trớ trêu là: dù cho sai quấy, vị nào cũng tự hào cho rằng mình thuộc về Giêsu Đức Chúa. Duy nhất chỉ một mình mình mới thuộc hệ chính mạch, mới nên lãnh đạo mà thôi. Thậm chí, có vị còn mang tư tưởng đối kháng lại cả Đức Chúa nữa. Sự việc xảy ra nghiêm trọng đến độ Phaolô đã phải ban huấn từ gửi đến giáo đoàn Côrinthô, dạy cho họ về chức năng/trọng trách của mỗi thành viên trong Hội thánh Chúa. Rõ ràng là: chúng ta phải đoàn kết dưới sự lãnh đạo duy nhất của một Giêsu Đức Chúa. Đấng làm đầu Hội thánh.

Dù có giới hạn trong khuôn thước cổ xưa và rõ nét như thế, Hội thánh vẫn mang tính đa năng đa dạng đến độ tuyệt vời. Cộng đồng dân Chúa vẫn mang tính đa nguyên trong mọi phát biểu, mọi tập trung tư tưởng và mỗi văn hoá riêng tư/đặc thù nữa. Ở mọi nơi, vào mọi khoảnh khắc, chúng ta luôn tỏ ra đa dạng nhưng vẫn hiệp nhất nên một. Có nghĩa là: Hội thánh luôn có trọng trách kiếm tìm Giêsu Đức Chúa ở khắp nơi. Cả với các cộng đoàn riêng lẻ nữa. Nếu chúng ta cứ đào sâu chăm chú vào các tranh chấp giữa giáo hội địa phương mình với giáo hội khác, thì lúc đó chúng ta để mất đi sự hiệp thông thuần nhất gắn chặt chúng ta vào với nhau như các chi thể của cùng một thân mình, có Giêsu Đức Chúa là Đầu.

Qua bài đọc hôm nay, Phaolô khẳng định rằng Thập giá của Đức Chúa chính là sứ vụ của Hội thánh. Thêm vào đó, qua bài Tin Mừng, Chúa cho thấy việc Ngài giáo huấn, rao giảng và chữa lành cho dân chúng là sứ vụ trọng điểm Ngài phải chu toàn. Đó cũng là sứ vụ chung của toàn thể Hội thánh Đức Kitô. Dù các giáo hội địa phương có khác nhau thế nào đi nữa, thì Vị Giám mục thành La Mã luôn xác định với tất cả sự tin tưởng phú ban rằng các Giám mục sở tại đang tiếp tục công cuộc rao giảng về Đức Kitô. Ngài vui lòng chấp nhận đóng đinh vào thập giá/khổ hình. Các giám mục vẫn đã và đang giáo huấn các kẻ tin nhân danh Đức Kitô. Các ngài đang chữa lành mọi người đau yếu và hoà giải những người bị xa cách chia lìa.

Chính do sự việc này mà chúng ta trở thành người Công giáo. Hôm nay, thêm một lần nữa, chúng ta cần nghe lại --và lắng nghe rất kỹ, bằng tất cả sự chăm chú sẵn ban-- nghe Phaolô thánh nhân, vị lãnh đạo Giáo Hội tiên khởi, từng cảnh giác mọi kẻ tin vào Đức Chúa như sau: “Nhân danh Đức Kitô, Chúa chúng ta, tôi khẩn nài các anh các chị, chúng ta hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, đừng để có sự chia rẽ giữa các anh các chị, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau.” Xem như thế, tuỳ mức độ thực hiện, chúng ta hãy sống lời nhủ khuyên ở trên trong hiệp thông với người kế vị các Tông đồ của Đức Chúa. Được như thế, là thành viên của Hội thánh Chúa, chúng ta mới có cơ hội sử dụng nghị lực và quà tặng Đức Chúa đã ban lúc ta chịu thanh tẩy, ngõ hầu thực thi những gì Đức Chúa muốn cho Hội thánh Ngài rat ay thực hiện, đó là: thay đổi toàn bộ thế giới này một lần là mãi mãi; để rồi từ đó trở thành tín hiệu bằng lửa ngọn loan báo quà tặng cứu độ từ Đức Chúa. Nơi đó bao gồm đầy đủ một tin tưởng tuyệt đối, một hy vọng tràn trề và một bác ái quảng đại với hết mọi người. Ở trong cũng như ngoài Đạo Chúa.

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá lược dịch

Monday, 17 January 2011

Lm Mai Văn Thịnh CSsR: Không Phải Chuyện Dễ

Một trong những vấn đề lớn mà hiện nay chúng ta đang phải đối đầu là làm thế nào để liên đới với nhau như anh chị em một nhà. Và, lại là nhà của Đức Chúa.

Nói vậy nghe có hơi quá lời một chút. Nhưng, nếu ta để lòng mình lắng xuống trong vài giây phút mà liếc qua các trang nhật báo hoặc màn ảnh truyền hình, chúng ta sẽ nhận ra rằng giới truyền thông hôm nay suốt ngày chỉ đề cập đến tội ác và hình phạt. Coi như đó là chuyện thường ngày của con người. Thật ra, giữa hai người hoặc hai nhóm người khác nhau vẫn thấy có những điểm khác biệt. Mỗi khi có bạo lực là có kẻ thắng người thua. Rồi sau đó là điều tra. Và cuối cùng là dẫn nhau ra toà để chờ phán quyết luận tội. Ở toà, cũng có kẻ thắng kiện, và có người chịu sự trừng phạt. Những chuyện như thế vẫn cứ xảy ra như cơm bữa trong khuôn khổ một nước, hoặc trên bình diện quốc tế, rộng lớn.

Chiến tranh Iraq chẳng hạn. Thực chất chỉ là một sự trả thù những gì Saddam Hussein đã làm. Việc đánh sập hai toà nhà mậu dịch ở Nữu Ước cũng là hành động bạo lực chống lại những gì mà người Mỹ đã làm cho họ.

Cuộc tranh chấp kéo dài giữa người Do Thái và Palestin vẫn cứ dằng dai tiếp diễn ra như không có ngày chấm dứt. Dằ¨ng dai là vì người Palestin cứ phải đương đầu với bạo lực ngay trên mảnh đất thân thương mình sống. Mảnh đất họ sống tuy nhỏ nhưng đã bị tước khỏi tay cha ông của họ, vào thời kỳ chiến tranh Do Thái-Ả Rập.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng chúng ta cũng được nghe những câu chuyện về sự tha thứ. Tôi vẫn nhớ chuyện của Emmett Till xảy ra tại Mississipi vào tháng 8 năm 1955. Till là cậu bé da đen tuổi chừng 14. Lúc ấy em đã dám huýt gió phụt vào mặt một phụ nữ da trắng đang đứng mua hàng ở siêu thị nọ. Các phụ nữ da trắng đứng gần đó cảm thấy xúc phạm về hành động này. Thế là đêm ấy họ tóm được chú Till, đem về bằm nát khuôn mặt của em bằng những cú đấm thôi sơn ;và, cuối cùng, để phi tang, họ đã thủ tiêu cậu.

Bà mẹ tìm được xác con đau buồn không để đâu cho hết nhưng chỉ biết lẳng lặng đưa xác con mình về Chicago, nơi bà đang ở. Sau nhiều đêm canh thức ngồi nhìn xác con mà lòng đau như cắt. Cuối cùng, lướt qua được cơn đau buồn tình cảm, bà đã bằng lòng cho đem xác con mình đi chôn. Bà nói bà đã tha thứ cho những kẻ hãm hại con mình. Tha thứ thì vẫn tha thứ, nhưng bà muốn cho những kẻ giết người biết là con bà chỉ là một thiếu niên bình thường. Mà,một người bình thường trong xã hội văn minh như thế này không thể bị đối xử một cách bất nhân, tồi tệ như thế được.

Bà nói: ”Cứ để cho mọi người đến mà chứng kiến hình hài của con bà để biết được rằng nhiều người vẫn còn ấp ủ trong lòng đủ mọi thứ hận thù lẫn thành kiến ghét ghen.”

Quả thật, đối với bà mẹ da đen này, việc tha thứ cho kẻ giết con mình là một hành động không mấy dễ làm. Bà không thể tiếp tục cuộc sống mà không biết tha thứ như vẫn được dạy bảo. Thành thử, tha thứ luôn là một việc ai cũng có thể làm được nhưng không dễ thực hiện nếu nó đụng đến chính cuộc sống của mình hay chính người thân của mình. Trong nhiều tình huống, muốn tha thứ phải có động lực thật mạnh thúc đẩy. Như tình thương yêu cao quý, biết bỏ lỗi cho người khác, biết quên đi mọi đau buồn về tinh thần, thể xác mới có thể thực hiện được.

Tha thứ là lệnh truyền mà Chúa vẫn thường nhắc nhở chúng ta trong Kinh thánh. Đức Yêsu đã nhiều lần đưa ra các ví dụ điển hình về bổn phận này. Nhiều hình ảnh và ví dụ đôi khi gây mâu thuẫn đối với bản tính con người. Chẳng hạn như:

“Hãy giơ má phải cho người ta tát”,

“Phúc cho những ai bị bách hại..

“”Hãy làm điều tốt lành cho những ai ghét bỏ và làm nhục ngươi..”

Những chuyện như thế thoạt nghe có vẻ như chỉ xảy ra trên lý thuyết sách vở mà thôi. Và nói chuyện lý thuyết thì hẳn ai cũng đồng ý cả thôi; nhưng nếu áp dụng vào thực tế của cuộc sống đó mới là vấn đề. Và vấn đề tha thứ cho cả những người bách hại mình chắc chắn không phải là chuyện dễ làm. Bản thân tôi, chẳng bao giờ tôi dám nghĩ là mình có thể noi gương bắt chược được bà mẹ của cậu bé da đen kia. Và, tôi nghĩ chắc nhiều người hiện cũng đang mang tâm trạng như tôi.

Thành thử, nghe chuyện và đọc sách thánh khi nói chúng ta phải biết tha thứ cho nhau, tôi vẫn thấy đó như một thôi thúc đòi hỏi chúng ta phải có nhiều cố gắng mới có thể thực hiện được điều Chúa dạy. Nhiều vấn đề thường đặt ra cho mọi người chúng ta như:

-Làm thế nào để thực hiện được điều Chúa dạy là đôi xử tốt với những người ganh ghét và làm hại mình. Ngay với những người không muốn nhìn mặt mình, nói chuyện với mình thôi cũng đã là chuyện khó rồi, huống nữa là chuyện này.

-Khi khuyên dạy chúng ta biết tha thứ cho nhau, Đức Yêsu có lý tưởng hoá mọi chuyện không?

-Là con người bình thường không có đặc tính nổi bật khinh xuất nào, liệu chúng ta có đủ nghị lực để thực hiện các lệnh truyền gay gắt như thế không?

Chắc chắn là tôi không thể trả lời câu hỏi này được trong hiện tại. Nhưng tôi vẫn xác tín rằng điều mà Đức Yêsu muốn là: yêu thương kẻ thù là cách hay nhất giúp chúng ta củng cố tương quan giữa ta với mọi người. Chúng ta không thể hễ gặp bât cứ chuyện gì vẫn cứ nói rằng: chuyện này khó lắm, chẳng ai làm được đâu.. Vậy sao không thử một lần xem nó như thế nào?

Bởi, nếu ta không thực hiện giải pháp Đức Yêsu đề nghị, thì e rằng ta khó có thể đi đến tình trạng khá hơn. Và, dĩ nhiên, nếu không tha thứ, thì tình trạng xung khắc giữa con người với nhau chắc sẽ không mấy sáng sủa. Và, cứ như thế, tương quan giữa ta với người khác càng đi vào tình trạng còn tồi tệ hơn nữa.

Nếu hôm nay, chính Đức Yêsu có mặt bằng xương bằng thịt ở đây, Ngài sẽ lập lại những lời khuyên như thế một cách trực tiếp. Và, tôi nghĩ: Ngài sẽ đáp ứng với các lo ngại hoặc phản ứng của chúng ta mà nói:

“Này con, hãy thôi đừng phàn nàn nữa. Cứ thử tha thứ một lần xem sao. Cuối cùng con sẽ thấy khá hơn.”

Tôi vẫn xác tín như thế. Và, một ngày nào đó, tôi cũng sẽ thử một lần. Và, tôi sẽ cho quý vị biết sự thể sau đó sẽ ra sao. Nhưng vào lúc này đây, tôi mời gọi tất cả quý vị hãy thữ tha thứ người làm hại mình một lần xem sao. Và, chúng ta sẽ cùng nhau chia xẻ kết quả. Riêng tôi, nắm chắc một điều là: kết quả ấy sẽ gây ngạc nhiên không ít.

Lm Mai Văn Thịnh

Nhân chia xẻ với giáo dân quanh Dòng.

Saturday, 15 January 2011

Lm Triệu Minh Anh Thi: Vương quốc Của Chúa

Lời hằng sống: Lc 8:1-3
Chúa Giêsu đến miền thị thành và các vùng thôn quê loan báo tin vui về Nước của Chúa. Nhóm 12 đã theo chân Ngài, có các phụ nữ đã được Chúa giải thoát khỏi tà ma bệnh tật: như Maria Magdalena, người đã được giải thoát khỏi sự dữ; và Joanna, vợ của Chu-da, người hầu của Hêrôđê; Suzanna cùng những người khác…
Suy niệm:
Trước tiên, khi tôi dùng ngôn từ có hơi phân biệt phái tính có lẽ sẽ có một số quý vị nữ lưu ở đây sáng hôm nay sẽ cảm thấy xúc phạm. Nếu quả có thế, thì tôi thành thật xin lỗi. Nhưng, liếc mắt nhìn quanh, tôi khám phá ra một điều là có đến 80% trong số anh chị em hiện diện hôm nay trong cộng đoàn này là phụ nữ. Cho nên, chúng ta có lý để nói rằng là phụ nữ, quý vị sống dai hơn nam giới và chịu khó tham gia phục vụ Chúa qua bí tích Thánh Thể hơn nam giới. Chúng ta hãnh diện với sự tham gia này.
Qua trình thuật ngắn ngủi của Luca thánh sử, ta thấy tác giả đem đến cho chúng ta một thông điệp rất quan trọng. Đó là nhân cách của con người qua nhãn giới của Đức Kitô. Với Ngài, mọi người đều ngang nhau, có quyền lợi đồng đều. Ai ai cũng được uỷ thác việc đem Tin vui đến với người khác.
Nhưng anh chị em thừa biết rằng nhân cách của phụ nữ không được tôn trọng là mấy vào thời Đức Giêsu rao giảng. Dường như thời bấy giờ phụ nữ luôn thuộc thế hạ phong hơn nam giới. Nhưng Đức Kitô mang đến cho ta nhãn giới khác hẳn: Ngài không cho phép bất cứ luật pháp nào ngăn chặn Ngài thực hiện sứ vụ của Ngài. Thành thử, Ngài quyết đánh đổ mọi rào cản và mời gọi phụ nữ tham gia vào sứ vụ của Ngài, sứ vụ mà Ngài và các môn đồ đang thực hiện.
Đã có bao nhiêu phụ nữ được mời vào công việc này? Thời bấy giờ, đã có Maria Magđalêna, là người đàn bà từng có một cuộc sống truỵ lạc trước khi gặp gỡ Chúa. Ngài đã chữa lành và cứu chị thoát khỏi tà thần. Người thứ hai là Joanna, vợ của viên kế toán trưởng thời Hêrôđê. Chúng ta không rõ tại sao và trong hoàn cảnh nào chị lại trở nên môn đồ của Chúa. Tuy nhiên, ta cũng có thể mường tượng rằng chị mắc phải căn bệnh nào đó nên mới đến tìm Chúa để được chữa lành. Gặp Chúa và lại được chữa lành, việc này đã cảm hoá được chị khiến chị thay đổi hẳn cuộc sống. Chị khám phá ra rằng Đức Giêsu còn hơn là người chữa bệnh. Qua các sự kiện trên ta hiểu được rằng vương quốc của Chúa thực sự tồn tại qua cuộc đời rao giảng của Đức Kitô. Trong quá trình tiếp xúc với Chúa, Joanna không chỉ muốn làm cảm tình viên mà thôi, nhưng chị còn muốn tiến xa hơn nữa để trở nên mộn đệ của Ngài. Điều này có nghĩa là chị phải từ bỏ sự giàu sang cung như nếp sống cũ để tham gia làm môn đệ Chúa Kitô.
Về điểm này, ta vẫn thắc mắc điều gì đã đem các chị đến gần nhau, đoàn kết với nhau trong tình huynh đệ, phục vụ và biết ơn Đức Giêsu tựa như đã xảy ra với các môn đệ khác. Việc Chúa chữa lành bệnh chỉ là khởi điểm để người bệnh quay về với Chúa. Chữa lành và mời gọi phải đi đôi với nhau. Được chữa lành là để được mời gọi. Ở đây, còn một điểm rất hay nữa: không như các môn đệ của Chúa chỉ muốn ngồi bên tả hữu Chúa, các phụ nữ trong Kinh thánh không muốn có chức tước gì hoặc trở nên nổi tiếng. Chúa đã đánh động họ một cách sâu đậm đến độ họ quyết tỏ lòng biết ơn Ngài bằng cách làm mọi việc vì Ngài và cho Ngài. Họ trao ban cho Ngài tất cả mọi sự kể cả những chuyện ngoài khả năng họ cũng như những gì họ không có nữa.
Còn chúng ta thì sao? Vốn biết vị thế của mình, chúng ta có giống môn đệ của Chúa không? Chúng ta có muốn giống như các chị kia bằng lòng âm thầm phục vụ nhưng độ lượng?
Trong trường hợp của mình, chúng ta có thói quen là muốn được phục vụ và được đặt vào chỗ cao trọng rồi từ chối phục vụ người khác. Chúng ta không được phép sống ích kỷ. Ta phải học đòi bắt chước Chúa. Ngài là mẫu mực cho chúng ta cũng như các phụ nữ kia vui lòng bắt chước Ngài trong cung cách khiêm tốn phục vụ. Thánh Phaolô nhắc chúng ta phải sống cho người khác hơn là cho chính mình. Thành ra, hãy nhớ rằng Chúa chẳng cần đến ai, nhưng Ngài vẫn chọn lựa làm việc với chúng ta, qua chúng ta để Cha được vinh danh. Trong kế hoạch của Chúa, không ai tầm thường. Không ai là không cần thiết hết. Người thấp hèn nhất trong vương quốc của Chúa vẫn tìm ra nơi nương náu và sứ vụ phải làm cạnh Đức Giêsu.
Lm Mai Van Thịnh

Thursday, 13 January 2011

Lm Mátthêu Vũ Khởi Phụng CSsR: COME BE MY LIGHT, CUỐN SÁCH MỚI VỀ MẸ TÊ-RÊ-SA CALCUTTA ( tiếp theo )


“Như đất hạn, nẻ khô, không nước...” ( Tv 63, 2 )

Và Mẹ Tê-rê-sa đã đi tìm. Dưới sự hướng dẫn của các vị linh hướng, mẹ đi tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng tâm linh của mình. Có một lúc mẹ tưởng đã được giải thoát. Tháng 10 năm 1958, Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII qua đời, khắp nơi trên thế giới người ta dâng lễ cầu hồn và ca ngợi công đức của ngài. Mẹ cầu nguyện với Đức Cố Giáo Hoàng xin Thiên Chúa ban cho một “bằng chứng rằng Ngài hài lòng với Hội Dòng”. Bỗng nhiên Mẹ cảm thấy lòng nhẹ bẫng: “Ngay lúc ấy, cái bóng đen triền miên, những đau khổ kỳ lạ suốt 10 năm vụt biến”. Mẹ cảm thấy thật vui. Nhưng than ôi, niềm vui ngắn ngủi gang tấc, chỉ năm tuần sau, Mẹ lại ở trong “hầm tối”.

Mẹ đi tìm nhiều người dẫn đường. Vị linh hướng có ảnh hưởng quyết định đối với Mẹ có lẽ là cha Joseph Neuner, một nhà thần học có danh tiếng. Mẹ gặp cha Neuner vào cuối thập niên 50. Vào khoảng năm 1961, Mẹ viết cho cha Neuner: “Con không biết lấy lời gì diễn tả lòng biết ơn đối với cha... Nhiều năm rồi, đây là lần đầu tiên con biết yêu sự tăm tối, bởi vì bây giờ con tin rằng đó là một phần rất, rất nhỏ của những khổ đau tăm tối Chúa Giê-su đã phải gánh chịu ở thế gian này. Cha đã dạy con chấp nhận nó là “phương diện tâm linh của công tác” như lời cha viết. Hôm nay con thật sự cảm nhận niềm vui sâu xa rằng Chúa Giê-su không còn kinh qua cơn đau hấp hối nữa – nhưng Chúa vẫn nếm trải nó ở nơi con”.

Cha Neuner đã làm cho Mẹ Tê-rê-sa nhận thức rằng Mẹ cảm giác Chúa xa vắng không có nghĩa là Chúa không ở đấy với Mẹ. Trái lại, sự khát khao cầu cạnh Chúa đến mức bỏng cháy mà vẫn không cảm thấy Chúa đâu chính là một “triệu chứng”, một “dấu chỉ chắc chắn” rằng Thiên Chúa đang “tiềm ẩn” trong Mẹ. Cho nên cảm giác Chúa xa vắng lại chính là phương diện tâm linh của một cuộc đời đã tận hiến để phục vụ Chúa. Về sau cha Neuner viết: ”Khi Mẹ chân nhận được rằng sự tăm tối trong lòng Mẹ chính là phần dành riêng cho Mẹ để Mẹ được tham gia vào cuộc khổ nạn của Chúa, thì đó chính là trải nghiệm về mầu nhiệm cứu chuộc trong đời Mẹ”.

Trong mức độ mà người phàm có thể tìm hiểu phần nào về những linh hồn được Chúa ưu tuyển vào cuộc sống huyền nhiệm và dưới sự chỉ dẩn của cha Neuner, ta bắt đầu “ngộ ” ra rằng Mẹ Tê-rê-sa đã đi vào thế giới tâm linh của một số ít các nhà thần hiệp được sống cái kinh nghiệm được gọi là “đêm đen của linh hồn ”, theo lối dùng từ đã thành kinh điển của một bậc thầy là Thánh Gio-an Thánh Giá ( 1542 – 1591 ).

Thánh Gio-an Thánh Giá ghi rằng: “Những sự thuộc về thiên giới tự thân càng trong sáng hiển nhiên bao nhiêu, thì đối với bản tính tự nhiên của linh hồn ta, những sự ấy lại càng tối tăm tiềm ẩn bấy nhiêu. Cũng giống như ánh sáng tự nhiên vậy, càng sáng thì càng làm cho con ngươi của chim cú quáng quàng chuếnh choáng bấy nhiêu; Ta càng muốn nhìn thẳng vào mặt trời, thì càng bị choáng mắt, càng mất hút ánh sáng; Bởi vì ánh sáng ấy vượt quá sự yếu hèn của con mắt. Cũng vậy khi thiên quang trong cơn chiêm niệm đã vây bọc linh hồn nào còn chưa được soi sáng hoàn toàn, thì khiến cho linh hồn ấy đi vào vùng tăm tối tâm linh, bởi vì thiên quang không chỉ vượt quá sức linh hồn, mà còn làm cho linh hồn mất đi tuệ giác tự nhiên của mình khiến cho mọi sự đều tăm tối. Vì thế nên Thánh Denisyo và các nhà thần học huyền đồng khác gọi sự chiêm niệm là một tia tối ”.

Theo Thánh Gio-an Thánh Giá, sở dĩ linh hồn đi vào tăm tối, vì đã đến lúc linh hồn phải được tách rời ra khỏi mọi khả năng tự nhiên mà con người vẫn dựa vào để nhận thức các sự thiêng liêng. Từ nay những khả năng tự nhiên ấy như bị tước bỏ, duy một mình Thiên Chúa tác động lên linh hồn đang ở thế thụ động, vì thế linh hồn đi qua một chặng đường dài đau khổ và cảm thấy mình bị Thiên Chúa bỏ rơi. Nhưng thật ra cõi tăm tối đó chính là lúc linh hồn được tham gia, được huyền đồng với sự chết của Chúa Ki-tô. Và cũng chính nhờ sự chết đó mà người ta có thể mang tình yêu của Chúa đến cho muôn muôn người khắp thế gian.

Năm 1926, Đức Giáo Hoàng Pi-ô XI đã phong tặng Thánh Gio-an Thánh Giá tước hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh, có nghĩa là những điều Thánh dạy, trong đó có cảm nghiệm của người về đêm tối tâm linh, là những điều có cơ sở vững chắc cho người tín hữu dõi theo nếu được Chúa gọi vào con đường ấy. Thánh Gio-an Thánh Giá nhắc đến “Thánh Denisyo và các nhà thần học huyền đồng khác”, như vậy hiện tượng đêm tối tâm linh vẫn có từ xa xưa, mặc dù không phải là sự dễ hiểu. Hai vị nêu danh tính dưới ở đây là những trường hợp minh họa:

Xin được nhắc tới Thánh Phao-lô Thánh Giá (1694 – 1775 ) là người cũng được Thị Kiến về Chúa Ki-tô Khổ Nạn và được kêu gọi lập Dòng Khổ Nạn ( Passionnistes ) để cổ võ lòng sùng kính cuộc Khổ Nạn của Chúa. Vị Thánh này cũng chìm vào đêm tối tâm linh lâu tới 45 năm. Thánh nhân từng viết: “Những ai yêu mến Đấng chịu đóng đinh sẽ mừng kính Thập Giá bằng sự chịu đựng âm thầm, với sắc mặt vui tươi và bình an sao cho thập giá được giấu kín đối với người đời, và chỉ mình Thiên Chúa tối thiện biết được mà thôi”.

Gần và thân quen với chúng ta hơn có Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su. Người ta cứ tưởng tâm hồn vị Thánh trẻ trung nhí nhảnh này chỉ toàn hoa gấm và mộng đẹp, nhưng thật sự đấy chỉ là phần đầu của con đường thơ ấu thiêng liêng. Từ Lễ Phục Sinh năm 1896 đến khi qua đời ngày 30.9.1897, Thánh Tê-rê-sa cũng rơi vào đêm tối. Trong tự sự gửi mẹ Marie de Gonzague ( giới chuyên môn gọi là Bản Viết Tay C – Manuscrit C ), Tê-rê-sa ghi lại:

“Xưa kia con có được một Đức Tin thật sống động, thật xán lạn, cứ nghĩ đến Thiên Đàng là thấy hạnh phúc tràn đầy, con không thể nào tin rằng có những kẻ vô đạo không có Đức Tin. Con tưởng rằng họ dối lòng khi họ không nhận có Thiên Đàng...

Vào những ngày thật vui của Mùa Phục Sinh, Chúa Giê-su đã cho con cảm thấy rằng quả thật có những tâm hồn không có Đức Tin... Ngài cho phép tâm hồn con ngập tràn bóng tối hết sức dày đặc; Thiên Đàng đối với con trước kia êm đềm là thế, nay chỉ còn là một cuộc đấu tranh quay quắt... Cơn thử thách này kéo dài không chỉ vài ngày, vài tuần; chỉ khi nào đến giờ Thiên Chúa nhân lành đã định thì nó mới tắt lịm đi, mà giờ ấy thì vẫn chưa đến... Con muốn làm sao diễn tả được những điều con cảm, nhưng than ôi, xem ra không sao làm được. Chỉ khi nào đi qua cái đường hầm tối đen đó mới hiểu được nó đen tối tới mức nào. Tuy vậy, con xin thử so sánh để giải thích.

Giả dụ con sinh ra trong một xứ sở sương mù dày đặc bao phủ, chưa bao giờ con được chiêm ngắm cảnh thiên nhiên xinh tươi, nắng sáng chứa chan rực rỡ; thật ra từ ngày còn bé con đã nghe nói về những cảnh kỳ diệu ấy, con biết con đang sống trong một xứ sở không phải là quê hương mình, có một xứ sở khác con luôn phải ngưỡng vọng tìm về...

Con cảm thấy một vùng đất khác mới là nơi một ngày nào đó con sẽ định cư, nhưng đột nhiên sương mù bao quanh thêm dày đặc, nó nhập vào hồn con, bao chặt con lại đến nỗi không sao tìm lại được hình ảnh Quê Hương thân yêu, tất cả đã biến tan rồi ! Khi đã mệt nhoài vì bóng tối, con muốn hoài tưởng quê hương xán lạn mến yêu cho lòng được nghỉ ngơi, thì hình như bóng tối trùng điệp mượn lời của các người tội lỗi để lên tiếng chế nhạo con: Mi mơ tưởng ánh sáng, một tổ quốc ngát hương, mi mơ tưởng sẽ muôn đời có được Đấng Tạo Hóa của những điều kỳ diệu ấy, mi mơ tưởng có ngày sẽ ra khỏi những tầng tầng lớp lớp sương mù, thì mi cứ việc tiến bước, cứ tiến đi, cứ mừng vì sẽ được chết đi, cái chết sẽ cho mi không phải điều mi hy vọng, nhưng là một đêm tối thẳm sâu hơn nữa, đêm tối hư vô...”

Chính đó là lúc Tê-rê-sa Hài Đồng mô phỏng một tứ thơ của Thánh Gio-an Thánh Giá để viết nên câu thơ:

“Dựa vào nơi chẳng có gì để dựa...
Thân tôi tàn tạ trong Tình Yêu...”
( Appuyée sans aucun Appui...
Je vais me consumant d’Amour... )

Nghĩa là lúc ấy chỉ có phó thác trong lòng tin yêu, ngoài ra thì chẳng còn gì để sáng soi, an ủi. Đã mấy ai ngờ Tê-rê-sa Hài Đồng viết văn tình cảm như cô tiểu thư nhà lành chính hiệu, lại cũng là người thích đọc thơ của Thánh Gio-an Thánh Giá !. Và cũng như Gio-an Thánh Giá, Tê-rê-sa Hài Đồng cũng được Hội Thánh phong tặng danh hiệu tiến sĩ. Chị cũng trở nên một bậc thầy cho rất nhiều tâm hồn.

Trong bóng tối Đức Tin kéo dài nửa thế kỷ, Mẹ Tê-rê-sa Calcutta có cảm tưởng mình thật cô quạnh. Là vì bóng tối hãi hùng kia không cho Mẹ nhìn thấy trước Mẹ đã có nhiều vị Thánh đi sâu vào vùng tối lạnh lẽo ấy. Và không chỉ các vị Thánh mà thôi, Thánh Gio-an Thánh Giá đã chỉ ra rằng đó là lúc linh hồn được hòa quyện với sự chết của Chúa Giê-su.

Khi ấy tiếng kêu của Chúa trên thập giá: “Cha ơi, cha ơi, tại sao cha bỏ con ?” không còn là một lời để mình suy niệm nữa, nó đã thành máu thịt của chính mình, đồ đệ của Chúa đã nhập thể vào Lời của Chúa. Và như thế tiếng kêu trên đỉnh cao ấy cũng thu góp nơi nó biết bao nhiêu tiếng kêu khác mà Thánh Kinh đã tiếp nhận, nào là “hồn tôi khao khát Chúa, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hạn khô cằn, không giọt nước” ( Tv 63, Tv 143 ). Nào là “con bị lún sâu xuống hố sình lầy, chẳng biết đứng vào đâu cho vững. Thân chìm ngập trong dòng nước thẳm, mặc cho sóng trào cuốn trôi. Kêu hoài kiệt sức, họng đã ráo khô. Trông chờ Chúa mãi mắt đã mỏi mòn...” ( Tv 69 ). Nào là: “Phải chăng Chúa ruồng bỏ đến muôn đời, chẳng bao giờ còn dủ lòng thương đoái ? Tình yêu Chúa phải chg cạn hẳn, và Thánh Ngôn chấm dứt đời đời ? Hay Thiên Chúa đã quên không thương xót, vì giận hờn mà khép kín từ tâm ? Tôi đau đớn vì Đấng Tối Cao chẳng còn ra tay nữa” ( Tv 77 ), và cả những tiếng than bi ai của ông Gióp v.v...

Người đi vào thần hiệp nên một với Chúa Giê-su Khổ Nạn thì cũng mang trong lòng mình những con người rách nát của muôn phương mà Chúa Ki-tô Khổ Nạn đi tìm. Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su khi đã cầu nguyện cho kẻ tội lỗi và muốn làm thừa sai loan truyền Chúa cho khắp thế giới, thì cảm thấy mình đã mất niềm hy vọng, y như những kẻ quay quắt ở đời mà không có Đức Tin an ủi. Mẹ Tê-rê-sa Calcutta sau khi đến với những người bị bỏ rơi, bị đầy đọa nhất trên đời, thì cũng mất hết mọi cảm giác phấn chấn trong lòng tin. Các Thánh, cũng như Chúa Ki-tô, phải dãi dầu thử thách “nên giống người ta về mọi sự, trừ tội lỗi” ( Dt 4, 15 ).

Và cũng chính từ đấy, Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng mở ra con đường thơ ấu phó thác cho rất nhiều tâm hồn. Mẹ Tê-rê-sa Calcutta thì đến được với người nghèo khắp hành tinh.

Từ khi được cha Neuner hướng dẫn, Mẹ chấp nhận con đường thanh luyện của mình. Nhìn các Nữ Tu của mình lâng lâng hạnh phúc trong đời thánh hiến, mẹ nói với cha Neuner: “Con thì chỉ có mỗi một niềm vui là được chẳng có gì, kể cả cảm thấy Chúa đang hiện diện ( trong Bí Tích Thánh Thể ) cũng không”. Nhưng: “Con đón nhận ý Chúa, không phải trong tình cảm, nhưng trong ý chí của mình – Con xin đón nhận ý Chúa”.

Và Mẹ nói một câu có ý vị rất “bồ tát”: “Nếu có bao giờ tôi làm Thánh, thì chắc chắn tôi sẽ là một vị Thánh của bóng tối. Tôi sẽ luôn ở xa Thiên Đàng, để thắp sáng cho những người đang ở trong bóng tối trần gian”. Đến như lời Mẹ viết: “Tôi muốn đau khổ đời đời kiếp kiếp, nếu có thể được”, thì trong lịch sử Giáo Hội chỉ có một vài vị Thánh đã gần đỉnh cao huyền đồng nói như thế.

Tuần báo Time của Mỹ, trong số ra ngày 3.9.2007, đã cô đọng cuốn sách của cha Kolodiejchuk và đưa chân dung Mẹ Tê-rê-sa lên trang bìa. Đề tài chủ lực của số báo về Mẹ Tê-rê-sa do David van Biema chấp bút là một bài báo rất phong phú và cô đọng, và cho ta nhiều thông tin đậm đà, ngoài những điều cha Kolodiejchuk đã sưu tầm. Có một câu chuyện rất thú vị về Mẹ Tê-rê-sa và nhà văn kiêm đạo diễn người Anh là ông Malcolm Muggeridge.

Muggeridge là người chủ trương thuyết vô tri ( agnostic ) nhưng ông lại tha thiết tìm kiếm những giá trị tâm linh. Năm 1968, ông đến Calcutta làm phim và có ấn tượng sâu sắc về con người và sự nghiệp của Mẹ Tê-rê-sa.

Một hôm Mẹ viết cho ông mấy hàng: “Trong thâm tâm anh khát khao Thiên Chúa rất mực, vậy mà Ngài lại cứ lảng xa anh. Nhưng Ngài phải ép mình mà làm như thế là vì Ngài quá yêu anh – tình yêu Chúa Ki-tô dành cho bản thân anh thì vô biên vô hạn. Còn những khó khăn nho nhỏ anh cảm thấy đối với Giáo Hội thì hữu hạn. Anh hãy lấy cái vô hạn mà khắc phục cái hữu hạn”.

Muggeridge đã trở lại đạo Công Giáo năm 1982. Còn cuốn phim của ông, tựa đề “Something beautiful for God” và cuốn sách cùng một nhan đề do ông viết, đã góp phần làm cho mẹ Tê-rê-sa được khắp nơi ngưỡng mộ. Thì ra ý tưởng “lấy cái vô hạn mà khắc phục cái hữu hạn” không chỉ là một lời khuyên suông, nó phản ảnh kinh nghiệm cả một đời Mẹ, cùng với cái ”thâm tâm khát khao Thiên Chúa rất mực” của Mẹ.

Mẹ Tê-rê-sa lúc sinh thời muốn đốt hết các thư tín của mình, vì như lời Mẹ nói với cha linh hướng ( về sau là Hồng Y ) Picachy, “Con muốn mọi sự đều là việc của một mình chúa thôi”, còn nếu phổ biến các thư ấy thì “người ta sẽ nghĩ đến con nhiều hơn nghĩ đến Chúa Giê-su”.

Tác giả van Biema trong bài viết trên báo Time nhận xét rất hóm hỉnh: “Những người thánh thiện khác thường cũng chỉ như chúng ta thôi, họ cũng thường phán đoán sai về các diễn biến của lịch sử, hoặc cũng có thể nói là về sự Quan Phòng của Thiên Chúa. Tê-rê-sa tưởng rằng bà cảm thấy Thiên Chúa xa vắng thì đó là một chuyện kín đáng hổ thẹn nhất trong đời bà, nhưng rồi ra bà sẽ học biết rằng có thể coi đó là quà tặng để yểm trợ ơn gọi của bà. Nay nếu những điều bà lo ngại về việc công bố câu chuyện đó hóa ra lại là sai lầm nữa – nếu một quyển sách gồm những chuyện ghi chép vội vàng trong tâm trạng bồn chồn bất an hóa ra lại mở đường tâm linh giúp cho hàng ngàn bạn đường Đức Tin, thì cũng chẳng việc gì đáng phải hổ thẹn vì đã sai lầm, mà may thay, thậm chí sai lầm một cách tuyệt diệu, những hai lần”.

Xin được kết thúc câu chuyện về những trăn trở nội tâm của Mẹ Tê-rê-sa bằng vài câu thơ dịch của Thánh Gio-an Thánh Giá:

“Tôi đã biết rồi, dòng suối trào lên, dòng suối vụt xuôi
Nhưng trong đêm tối mịt mù thôi.
Dòng suối vĩnh hằng, ẩn mình khe kín
Tôi đã tìm được dòng nước rồi
Nhưng trong đêm tối mịt mù thôi
Đêm tối mịt mù, lưu đầy khổ ải
Dòng suối mát lòng tin tôi đã biết rồi
Nhưng trong đêm tối mịt mù thôi
Tôi đã biết rồi chẳng gì tốt đẹp sánh bằng
Đã biết trời đất về đây uống nước
Nhưng trong đêm tối mịt mù thôi
Tôi đã biết rồi, chẳng bao giờ ai tìm thấy đáy
Chẳng một chỗ nông cho ai lội qua
Nhưng trong đêm tối mịt mù thôi...”

VŨ, Sài-gòn 13.10.2007

Tuesday, 11 January 2011

Lm Mátthêu Vũ Khởi Phụng, CSsR: COME BE MY LIGHT, CUỐN SÁCH MỚI VỀ MẸ TÊ-RÊ-SA CALCUTTA


Đúng 10 năm sau khi mẹ Tê-rê-sa Calcutta qua đời, cuốn sách do Linh Mục Brian Kolodiejchuk biên soạn về đời sống nội tâm của mẹ khiến dư luận xôn xao. Với ít hay nhiều bàng hoàng, người ta nhận ra sự tương phản giữa ấn tượng xưa nay mình vẫn có về mẹ với tâm hồn thật của một đấng thánh, qua những tự sự và thư tín rất chân thành của mẹ. Trước mắt mọi người mẹ Tê-rê-sa là hiện thân của lòng yêu mến Chúa dạt dào, của niềm vui hồn hậu, khiến cho mẹ có một lòng nhân ái bất tận, thu phục nhân tâm khắp thế giới. Làm sao một người như thế lại trải qua 50 năm nội tâm khô khan như sa mạc, chẳng những không được một chút an ủi nào về tình cảm, mà còn trải qua những cơn cám dỗ bi đát về Đức Tin ? Có phải vì những cam go gánh nặng ấy mà con người mẹ ngày một teo tóp đi, gương mặt ngày một thêm nhăn nheo, lưng càng ngày càng gù và nụ cười rạng rỡ chẳng thể xoá nhoà một nhân dáng rất mực khắc khổ ?

Người đọc có thể lần lượt phản ứng khác nhau. Phản ứng ban đầu, tức thời, vội vã, có thể là: Ôi ! Coi vậy mà không phải vậy ! Hoá ra là đóng kịch hết. Nhưng một tầng phản ứng sâu hơn ( có lẽ đòi hỏi đôi chút quen biết với Lời Mạc Khải, với sử hạnh các thánh chăng ? ) – sẽ tích cực hơn: thôi, thế này thì đúng là thánh rồi ! Quả nhiên cha Kolodiejchuck chính là thỉnh nguyện viên trọng vụ án xin tôn phong Hiển Thánh cho mẹ Tê-rê-sa. Những tài liệu cha công bố là nhằm vận động cho việc phong Thánh.

Giống như khi ta lần chuỗi Mai Khôi từ năm sự vui qua năm sự thương, ở với những mầu nhiệm vui chưa được bao nhiêu thì Đức Mẹ đã lạc mất Chúa, đã quay quắt kiếm tìm, và rồi sau đó mở ra chuỗi mầu nhiệm thập giá, từ ngày Mẹ Tê-rê-sa tìm được ơn gọi của mình, niềm vui xuân đầu đã mau chóng nhường chỗ cho một cõi tâm linh quạnh hiu.

Niềm vui đầu thì có đó. Thời ấy, Mẹ đã được Chúa ban cho thị kiến, Mẹ đã có những lúc nói chuyện đầy yêu đương với Chúa Ki-tô trên thập giá. Mẹ viết: “Chúa Giê-su đã ban tặng chính mình Ngài cho tôi”. Cha giải tội của Mẹ, Linh Mục Celeste Va Exem, tin chắc rằng Mẹ đã gặp Chúa thực sự. Cha nhận định: “Mẹ kết hiệp với Chúa liên lỉ, sâu sắc và nồng nàn, như thể xuất thần đến nơi”. Và chính những lúc đó, Chúa Giê-su có những ước ao cháy bỏng: “Ta muốn những Nữ Tu Ấn Độ, những Thừa Sai của Lòng Mến, họ sẽ thắp bùng lên ngọn lửa tình yêu của Ta giữa những người nghèo, những bệnh nhân, những kẻ hấp hối và những trẻ thơ” ( Mẹ Tê-rê-sa tiết lộ chuyện này cho Đức Cha Périer, tổng Giám Mục Calcutta, tháng giêng, năm 1947 ).

Hoài bão ấy của Chúa, Mẹ Tê-rê-sa sẽ theo đuổi suốt đời. hơn 30 năm sau, 1979, nhận giải Nobel hoà bình, Mẹ vẫn trước sau như một: “Không thể nói: tôi yêu mến Chúa, nhưng tôi không yêu người đồng loại... Nói như thế là bất túc... Chúa đã hoá thành người đói khát, người minh trần, người không nhà mà quý vị và tôi đều phải tìm đến...” Và nhân lễ Giáng Sinh gần đến, Mẹ mong mọi người đều hiểu rằng “niềm vui rạng ngời ấy có thật... Chúa Ki-tô ở trong lòng ta, Chúa Ki-tô ở nơi người nghèo ta gặp, Chúa Ki-tô ở đấy khi ta nở nụ cười với người nghèo, khi người nghèo tặng lại ta nụ cười của họ”.

Vâng, người nghèo vẫn có đó, nụ cười cho đi, nụ cười trao đổi vẫn luôn nở trên môi, chỉ có điều... chỉ có điều... với Mẹ Tê-rê-sa thì “niềm vui rạng ngời” ấy đã tắt ngấm từ lâu lắm rồi. Mẹ nói về “niềm vui rạng ngời” như một người quằn quại trong đêm khuya nói về bên kia trái đất đang nắng đẹp, nhưng riêng mình thì chìm nghỉm trong bóng tối dày đặc.

Mà Mẹ đã cảm nghiệm đêm tối như thế ngay từ những thành công bước đầu. Trước đó, niềm vui được hiến mình cho Chúa khiến cho Mẹ đương đầu với mọi trở ngại, bất chấp sự hoài nghi của mọi người, Mẹ dám chọc trời khuấy nước từ Giám Mục địa phương, đến khâm sứ Toà Thánh, và lên tới tận Đức Giáo Hoàng, chỉ để được làm người nghèo giữa người nghèo. Niềm vui ấy ở với Mẹ cho đến khi Mẹ được phép lập Dòng mới và thu được những kết quả đầu tiên. “Bây giờ tâm hồn tôi hoàn toàn bình an và vui mừng”... Sau đó, Mẹ hăng say trong đời Thừa Sai Bác Ái: “Ông già ấy nằm ngoài đường, chẳng ai đoái hoài, bỏ mặc ông nằm bệnh một mình, chết một mình. Tôi cho ông thuốc carborsone và nước uống và ông già tỏ vẻ biết ơn một cách lạ thường... Rồi chúng tôi đến Taltala Bazaar, có một người đàn bà rất nghèo gần chết, tôi nghĩ bà ấy chết vì đói nhiều hơn là vì ho lao... Tôi cho bà ít thuốc giúp bà ngủ, chả biết bà còn được mấy nỗi”...

Đang làm việc hăng say và liên tiếp đạt kết quả, tự nhiên sao trong lòng mọi sự như tắt ngấm. Chỉ hai tháng sau khi khởi đầu sứ vụ, Mẹ Tê-rê-sa rơi vào một tâm trạng quạnh hiu kỳ lạ: “Sao nỗi cô đơn cứ tra tấn tôi thế này... Không biết tôi có sức chịu đựng được bao lâu...” Thưa Mẹ, Mẹ sẽ phải chịu đựng suốt một nửa thế kỷ đấy. Nhưng lúc đó Mẹ chỉ biết than thở cầu cứu. Năm 1953, Mẹ viết cho Đức Cha Perier: “Xin Đức Cha thương cầu nguyện cách riêng cho con, để con đừng làm hỏng việc của Chúa và để Chúa tỏ mình, bởi vì trong con đang có một cõi tăm tối khủng khiếp, mọi sự như đã chết rồi. Từ ngày con bắt đầu công việc tới giờ, tình trạng đại khái vẫn thế”.

Bây giờ đến lượt vị Giám Mục mới ít lâu trước còn hoài nghi về Ơn Gọi của Mẹ lại phải đứng ra nâng đỡ Mẹ: “Mẹ à, có Chúa hướng dẫn Mẹ, Mẹ không ở trong tăm tối nhiều như Mẹ tưởng đâu. Mọi việc xảy ra bên ngoài đã đủ để thấy rằng Thiên Chúa chúc lành cho công việc của Mẹ... Có cảm xúc gì hay không là sự không cần thiết, có khi cảm xúc còn đưa ta đi lạc đường nữa đó”.

Quả thật lúc đó công trình của Mẹ phát triển rất đẹp. Thành công lớn là đã tìm được nơi mở tu viện, rất nhiều thiếu nữ xin gia nhập Hội Dòng. Nhưng kết quả càng dồi dào thì lòng Mẹ càng buồn bã, cảm giác sầu thảm dằng dặc bất tận. “Tôi càng cần Chúa, Chúa càng không đoái hoài gì đến tôi” ( 1955 ). “Từ đáy lòng con khao khát Chúa vậy mà... con bị ruồng bỏ, trống rỗng, không tin, không yêu... Cứu vớt các linh hồn không còn gì hấp dẫn – Thiên Đàng chả có nghĩa gì – Xin Đức Cha cầu nguyện cho con, để con vẫn tiếp tục tươi cười với Chúa bất chấp mọi sự”.

Một cha giải tội khuyên Mẹ nên viết ra tâm trạng của mình, Mẹ đã viết lời cầu nguyện:

“Chúa ơi, Thiên Chúa của con ơi, con là ai mà Chúa phải hất hủi con thế này ? Con là đưa con của Tình Chúa yêu thương – mà bây giờ trở thành đứa bị Chúa ghét bỏ nhất, đứa bị Chúa vất đi, không cần đến nữa, không yêu nữa. Con kêu, con gọi, con bám vào, con cần quá lắm vậy mà không hề Ai trả lời, không hề Ai cho con bám vào, không, không Ai hết – Một mình con thôi... Đức Tin của con đâu rồi, tận đáy lòng con đây này, không có gì hết, chỉ là trống không và tăm tối. Chúa ơi, đau gì đau quá thế này, xưa nay con không thấy thế bao giờ. Con không dám nói ra thành lời thành ý những điều đang ngổn ngang trong lòng và làm cho con lên cơn hấp hối không lời nào tả xiết.

Bao nhiêu câu hỏi không lời giải đáp mà con sợ không dám nhìn thẳng vào, bởi vì đó sẽ là báng bổ, phạm thánh. Nếu có Chúa thì xin thương tha tội cho con. Khi con cố gắng hướng lòng tin lên Trời, thì chỉ thấy một điều hiển nhiên là sự trống vắng khiến cho những tư tưởng hướng về trời như những lưỡi giao sắc rơi xuống đâm phập vào linh hồn con. Nghe nói Chúa yêu con, vậy mà sự thực chỉ là tối tăm, lạnh giá, trống rỗng mênh mang đến độ không còn gì đụng vào tâm hồn con được nữa. Con đã sai lầm chăng khi mù quáng đi theo tiếng gọi của Thánh Tâm ?” ( Không thấy ghi ngày tháng ).

1959: “Tôi lao nhọc vì cái gì đây ? Nếu không có Thiên Chúa, thì cũng không có linh hồn. Nếu không có linh hồn thì Chúa Giê-su ơi, Chúa cũng không có thật” – “Tôi cũng cất tiếng đọc kinh với chị em trong Cộng Đoàn, tôi gắng hết sức tiêp nhận từng lời êm ái trong câu kinh, nhưng sự cầu nguyện kết hợp với Chúa thì không còn nữa, Tôi không cầu nguyện nữa rồi”.

Đã đến nước này, trầm trọng thế, lâu dài thế, thì không còn là một lúc mệt mỏi rồi sẽ qua đi, không còn là một thoáng cám dỗ, mà là một hiện tượng tâm linh khiến người ta vừa sợ, vừa phát hiện những tầng sâu mới. Phải nhờ đến Thánh Kinh, nhờ đến linh đạo của các Thánh...

VŨ, Sài-gòn thứ sáu 5.10.2007 ( Còn tiếp )

Sunday, 9 January 2011

Lm Trần Sĩ Tín, DCCT: Sứ vụ Jarai


1.Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm” (1Cr 9:16). Có thể có người nhận thức rằng việc rao Tin Mừng là một sự cần thiết cho mình và cho người khác nên vì thế mà họ làm. Còn tôi lại nghĩ có những việc cần thiết, rất cần thiết , cho tôi và cho những người khác mà tôi vẫn không chịu làm. Cho nên việc rao giảng Tin Mừng tuy tôi cũng đã nhận ra là cần thiết cho tôi và cho những người, tôi vẫn thấy cái phần bắt buộc nó mạnh hơn.

Không bắt buộc sao được khi gần 20 năm (1969-1987) hầu như chẳng có ai theo Đạo cả! Cứ đi cuốc đất làm rẫy miết! Nếu được tự do (nghĩa là không bị bắt buộc) thì chúng tôi đã xin hay được yêu cầu đổi đi chỗ khác. Và đúng như vậy, vào những năm 1985-1987, Đức cha Alexis yêu cầu chúng tôi sẵn sàng đi nhận nhiệm sở An Khê (vì cha Thiệp mới qua đời). Giáo phận thiếu linh mục, không lý do gì ở một vùng như Pleikly-Phú Nhơn chỉ có người Jarai theo Đạo (do các Linh mục ở các nơi khác thanh tẩy) với ba bốn trăm người kinh ở rải rác trong vòng 30km, lại có tới hai ông cha! Và không biết tại sao chính quyền lại chấp nhận để cha Tường được đổi đi An Khê, còn tôi (bị bắt buộc) ở lại! Mặc dù cả hai chúng tôi đều có tên trong danh sách đề nghị. Mặc dù cha Tường có thưa với Đức Giám Mục khi được hỏi ý kiến trước đó: “Chỉ vì vâng lời Đức Cha, chứ lòng con không muốn!” Cả hai chúng tôi đều sẵn sàng vâng lời Đức cha, chứ lòng mình không muốn đi xứ (như vậy là bị bắt buộc rồi). Nhưng cha Tường đã ra đi (để chịu khó thay tôi). Nếu cha Tường ở lại, khi hằng ngàn ngưoời Jarai xin theo Đạo thì không biết sẽ ra sao, vì cha Tường hơn tôi về mọi mặt, nhưng lúc đó nhất định thua tôi về tiếng Jarai! Từ đó đến này (2003), riêng trong vùng Pleikly-Chư Sê đã có 9.197 người Jarai lãnh nhận Bí tích nhập Đạo, ở trong 90 buôn làng khác nhau, xa nhau nhất cũng tới cả trăm cây số. Trước khi họ vào Đạo, chúng tôi chẳng biết họ, họ chẳng biết chúng tôi. Chúng tôi chẳng được phép đến với họ... Thế mà họ vẫn cứ tìm Đạo và theo Đạo! Ai cũng hỏi tại sao? Chắc chắn không phải tại chúng tôi (như rất nhiều người trong và ngoài Giáo hội nghĩ như vậy) vì chúng tôi mới biết đến có hai, ba làng, vì chúng tôi không được phép làm gì cả, không được phép đi đâu, chúng tôi lại thiếu thốn trăm bề. Có người đưa ra những giải thích có tính tâm lý, xã hội và cả chính trị nữa. Nhưng những nguyên nhân tâm lý, xã hội, chính trị thì thời nào mà chẳng có. Trong thời kỳ chiến tranh trước đây tưởng cũng có rất nhiều lý do tâm lý, xã hội, chính trị để nhân dân theo Đạo chứ. Riêng dân Jarai đã trải qua hơn 150 năm với sự hiện diện của các thừa sai, vẫn theo Đạo rất ít. Chẳng nhẽ trong hơn 150 năm đó họ không có lý do tâm lý, xã hội, chính trị e rằng có hơi bất công đối với cái thời độc lập, tự do, hạnh phúc này! Chẳng lẽ thời này, nơi tất cả các dân tộc, người ta lại cần đến thứ thuốc phiện tôn giáo đến thế?! (cho dù bây giờ không ít người lại nói rằng đó là thứ thuốc phiện có ích... với điều kiện!). Nhưng dù sao thì lại vẫn còn phải giải thích (không cùng) tại sao càng tiên tiến, càng hiện đại lại càng thấy nhiều thuốc phiện, xì ke, ma túy đến thế (va lần này là những thứ thực sự độc hại!).

Từ 1987 tôi từ giã chài lưới, tôi từ giã rẫy nương, trực tiếp phục vụ Lời (nói theo kiểu Công vụ 6:4). “Lời Thiên Chúa hằng lớn lên... số các môn đệ tăng lên rất nhiều” (Cv 7:7). Chúa chữa lành bệnh tật cho tôi. Chúa ban có nhiều anh chị em tham gia phục vụ Lời mọi nơi, mọi lúc... Nhưng tôi vẫn băn khoăn... Ngay từ những năm 90, tôi than với cha Phán: - “Mình cảm thấy xa dân, ngòai dân...Mình không thích.” Cha Phán la tôi, không sống theo thời điểm Chúa ban...” Cha Phán trước đó cũng tham gia hợp tác xã nông nghiệp với dân Jarai ở Ayun-Pa trong gần 20 năm... Có lần không hiểu tại sao tôi lại than với cả Đức cha Phêrô: “Làm lễ không cũng hết ngày hết giờ...” Đức cha la: “Còn gì quan trọng hơn thánh lễ, mà sao Cha nói thế?” Nói thể để thấy sống và làm việc như hiện tại cũng là phần bắt buộc. Lòng tôi còn ước mơ bao điều khác nữa...

2.”Ngôi Lời đã thành xác phàm và ở cùng chúng tôi” – et habitavit in nobis? (ở giữa, ở trong?) (Yn 1:14). Tuy già rồi, nhưng tôi vẫn ao ước ước làm lại từ đầu: làm lại từ Nazareth. Tôi có nói với Bề Trên của tôi: “Như Cha Alphongsô, tôi thích Scala hơn Nêapôli.” Dĩ nhiên, Bề Trên muốn sai tôi đi đâu thì sai. Nhưng lòng tôi thì luôn luôn thích Scala (thôn dã) hơn Nêapôli (thành phố), thích Nazareth (nhỏ bé, bên lề) hơn Yêrusalem (thủ đô, trung tâm). Tôi không an lòng khi loan báo Tin Mừng từ “bên ngoài”, “từ bên trên”... Chúa Yêsu không làm thế. Ngài đã thành Do thái với Do thái, trở nên yếu với kẻ yếu, đã trở nên tất cả với mọi người...(1Cr 9:19023). Còn bây giờ tất cả anh em trong nhóm Pleikly, vì hoàn cảnh bắt buộc, không được sống như thế nữa! Chắc chắn là phải có người sống thế này, người sống thế kia, tùy đối tượng. Nhưng dẫu sao thì hiện nay mọi người (đại đa số) đều sống thế này chứ không sống thế kia! Thiếu người “ở cùng”, thiếu người “ở trong”. Mà đối tượng mình cần ở cùng lại chiếm tuyệt đại đa số: 99%. Mà cho dù chỉ có 1%, thì chúng ta đã biết Chúa Yêsu cũng chọn đi theo 1% ấy (Lc 15:4). Vào cái thời “không biên giới” này, vào cái thời “không giai cấp” này, có chăng một loan báo Tin Mừng nào đó không phải từ “bên ngòai”, cũng chẳng từ “bên trên”, nhưng từ “bên trong” – và bởi những người từ bên trong? Hiện nay chúng tôi tự an ủi là tuy mình phải ở ngoài dân, nhưng anh chị em giáo dân đang ở trong dân, họ thay mình ở trong dân, họ không phải làm dân với dân như mình, mà họ là dân, họ là Yêsu ở cùng và ở trong dân... Dân nghèo loan báo Tin Mừng cho dân nghèo, người Jarai loan báo Tin Mừng cho người Jarai... Có cái gì đó như thưở ban đầu... Có cái gì đó như Yêsu... Một chút ủi an – tuy vẫn chưa phải chính mình được như thế.

LOAN BÁO TIN MỪNG TỪ BÊN TRONG

Và chúng ta nghĩ ngay là chúng ta nói. Thật ra thì bây giờ chúng tôi noi hơi nhiều! Thưở ban đầu không phải như thế. Chúng tôi đã có gần 20 năm không nói. Yêsu có hơn 30 năm không nói ở Nazareth. Nghĩa là không công khai trực tiếp loan báo Tin Mừng. Thưở ban đầu nhóm Pleikly không phải là một nhóm truyền Đạo (chúng tôi không dùng tiếng truyền giáo ngay từ ban đầu). Từ ban đầu, nhóm Pleikly trước tiên là Nhóm Tầm Đạo. Cho chính mình. “Chúng còn là dòng giống kiếm tìm nhan thánh Chúa”. Mãi mãi đi tìm nhan thánh Chúa. Vốn đã là như thế. Lại càng là như thế khi chúng tôi cận kề thời sau Công Đồng Vaticanô II. Đó là thời Agiornamento (canh tân, cập nhật hóa). Đó là thời đặt lại mọi vấn đề, triết học, thần học, nhất là vấn đề Giáo hội, vấn đề đời tu (cho đến bây giờ chưa chắc chúng ta đã thống nhất được đời tu theo Tin Mừng là gì)... Tôi xin mượn lời cha Maurice Zundel (một người có ảnh hưởng lớn vào thời của ngài –1897-1975- và cả hiện nay – năm 1972 đã được Đức Phaolô VI mời giảng mùa Chay tại Vatican) để mô tả Đạo Công Giáo thời chúng tôi: “Bối cảnh Đạo Công giáo rất là nghi thức. Giới Công giáo là một giới dễ dãi chẳng làm cho người ta dấn thân vào một cái gì cả, chỉ cần nhớ một mớ công thức phụng tự là lấy làm thỏa mãn lắm rồi... Có thể tóm gọn trong việc giữ Đạo mà chẳng cần tới một cảm nghiệm nào về Thiên Chúa cả. Các công thức thì rất chính xác, và như vậy là được chấp nhận, nhưng đó chỉ là những công thức chết. Lo rỗi linh hồn là phụ họa theo một số công thức đã được chọn sẵn”... (Un autre regard sur l’homme-Ed.Le Sarment 1996,p.17)

Tên ban đầu của chúng tôi là Nhóm Ra Đi. Ra đi khỏi một cái gì đó, có khi là chính mình (chí ít cũng để một lần nghiệm ra rằng có thể ra đi rất xa mà vẫn chưa ra khỏi chính mình), ra đi khỏi một Giáo hội nào đó, ra đi khỏi một lối tu nào đó... Ra đi để tìm Chúa. Ra đi tầm Đạo để có thể tu Đạo (mà tu Đạo lại là tầm Đạo không ngừng). Chúng tôi ra đi mà không biết đi về đâu. Lúc đó chúng tôi chưa biết người Jarai là ai. Cứ ra đi cái đã. Vì là Dòng Chúa Cứu Thế nên chúng tôi được kêu gôi gòi đi tìm Chúa nơi những người “cô thân tất bạt” – những người bị bỏ rơi hơn cả”. Vì Tin Mừng được loan báo cho người nghèo hèn (Lc 4:18). Vì Nước Trời là của người nghèo hèn (Mt 5:3). Vì Nước Trời được ưu tiên mạc khải cho người nghèo hèn (Lc 10:21). Phải đến với người nghèo hèn thôi. Chính mình phải trở nên nghèo hèn, phải nhờ đến người nghèo hèn. Khi tiếp xúc với họ rồi chúng tôi càng xác tín rằng Chúa đã có đó, ớ đó với họ trước chúng tôi> Chúa cũng là Đấng Tạo dựng ra họ theo hình ảnh Người. Hình như nơi họ hình ảnh ấy còn trong sáng hơn ở nơi chúng ta, đỡ bị bóp méo hơn, đỡ bị tô vẽ bằng đủ thứ thứ triết thuyết lý luận nào là La Hy, Âu Á, cồ đại hiện đại... đến độ vào một lúc nào đó con người chúng ta có thể nói: không có Chúa! Các dân tộc thiểu số chưa đạt tới độ “văn minh” ấy, một nền văn minh muốn khẳng định chính mình bằng cách phủ nhận chiều kích linh thiêng nhất của mình, chiều kích nối mình với Đấng Linh thiêng, với giới linh thiêng- và như vậy lại là phủ nhận chính mình (chỉ còn phần tro bụi). Các dân tộc còn sống cái chiều kích linh thiêng nhất của trong suốt đời của họ, từ khước khi sinh ra cho đến sau khi chết. Chúa đã ở cùng họ trước chúng tôi. Ngay từ đầu chúng tôi đã nhủ nhau: đi tìm phần Cựu Uớc nơi họ. Vì họ chỉ còn thiếu phần mạc khải của Chúa Yêsu Kitô trong Thần Khí của Ngài. Phần này lắm khi chúng ta cũng thiếu, bởi vì chúng ta vẫn “Đạo Đức Chúa Trời” nhưng không đạo theo Thần khí của Đức Yêsu Kitô.

Năm 1969, cha Antôn Vương Đình tài đang phục vụ một giáo điểm người Kơho trong vùng Phi Yang (Phú sơn-Đàlạt). Tình hình chiến sự những năm 1965-1968 rất ác liệt khiến người dân chạy lọan dồn về vùng Phi Yang (Dà-Mpao, Rơlơm). Các thừa sai cũng bị dồn cục như vậy có cả chục người. Nhiều cơ sở đã bị phá hủy. Công việc không có bao nhiêu. Cha Tài xin Bề Trên cho ra đi tìm một địa điểm mới. Ngài đi tới những giáo điểm ngòai địa phận Đà lạt. Thăm giáo điểm người Chăm của các cha Phanxicô. Đến dòng Biển Đức Ban Mê Thuột để tiếp cận với người Êđê. Vùng này có nhiều bạn bè và họ hàng đồng hương Nghệ Tĩnh có thể hỗ trợ đắc lực. Nhưng Đức cha Mai tỏ vẻ không mặn mà lắmvới Dòng Chúa Cứu Thế. Cha Tài theo đường 14 đi tiếp lên phía Pleiku-Kontum, ghé thăm một người bạn học cũ đang phục vụ giáo điểm cheo reo, cha P. Vũ văn Thiện, xuất thân từ Dòng Chúa Cứu Thế. Lúc đó, chúng tôi mới bắt đầu biết đến người Jarai. Cha Tài lên gâp Đức cha Phaolô Kim, được ngài hoan hỉ đón nhận. Và ngày 10/10/1969, chính Đức cha cùng với cha Vũ Khắc Minh lái xe đưa chúng tôi về Pleikly không nhà, không cửa, không mang theo gì cả. Đức cha đọc đọan Tin Mừng Lc 10:1-12, cầu nguyện và chúc lành cho chúng tôi rồi nói: “Bây giờ các anh có bốn người, nếu Dòng Chúa Cứu Thế đưa lên đây 72 người như trong bài Tin Mừng, tôi cũng nhận” ... Sau đó, ngài lên xe trở lại Kontum. Trời đã về chiều. Không ai dám cho mấy kẻ lạ mặt này trú ngụ cả. Người ta chỉ cho chúng tôi một căn phòng đầu trường làng vốn là nơi trú đêm của đàn dê trong làng. Chúng tôi dành chỗ của chúng và phải quét dọn mọi thứ phế thải của chúng. Thế là chúng tôi bắt đầu được làm dân với dân, được làm Jarai với Jarai. Mãi tới năm 2001, chúng tôi mới biết đếnhai lá thư Đức cha Phaolô Kim viết cho Dòng Chúa Cứu Thế từ năm 1953, lặp lại 1956, kêu gọi Dòng Chúa Cứu Thế lên cộng tác với giáo phận Kontum phục vụ người thiểu số. Vậy ra con đường chúng tôi đi, đâu có phải con đường chúng tôi “tự ý” (1Cr 9:17) lựa chọn: có Ai đó chọn cho chúng tôi tồi (Yn 15:16)!

Tháng 2 năm 1971, tức 17 tháng sau khi tới Pleikly thì có đánh lớn tại vùng Phú Nhơn-Pleikly. Chúng tôi bị quân Cách Mạng bắt đem vào rừng sâu (bây giờ thì chúng tôi biết là ở bên kia biên giới Cam-bốt). Bị cùm hai tháng liền. Bị tra hỏi. Bị sốt rét. Giờ lao động là giờ hạnh phúc vì không bị cùm và không bị tra hỏi. Bốn tháng sau người ta cho chúng tôi về: một cử chỉ “đoàn kết toàn dân chống Mỹ cứu nước”. Thầy Marcô Đàn vĩnh viễn nằm lại trong rừng sâu. Thầy chết vì số rét (lúc 0giờ 5 phút ngày 12/5/1971) sau khi đã cứu chữa cho nhiều người . Thầy được phúc chết trong khi thi hành sứ vụ Tin Mừng và chết như một người nghèo nhất: trên người chỉ có tấm áo dòng, chôn không quan tài. Chỉ có tôi tham gia vào việc đào huyệt chôn Thầy vì lúc đó Cha Mầu cũng sốt rét đang trong cơn hôn mê. Ai trong chúng tôi cũng nghĩ lần lượt mình cũng sẽ nằm xuống như thế. Khi họ thả chúng tôi về cuối tháng 7 , thì cuối tháng 8 cha Tài, cha Phán lại bị bắt . Nhưng chỉ một tuần sau thì được thả. Như thế cũng đủ phá bình địa mấy căn chòi Cha Tài dựng lên tạm bợ sau cuộc chiến tháng 3/1971. Chúng tôi phải kéo nhau về Cheo-reo tạm trú. Trong vòng hơn một năm rưỡi ở Cheo-reo, chúng tôi tổ chức cùng anh chị em Jarai phiên dịch tòan bộ cuốn Tân Ước ra tiếng Jarai. Đó là công việc duy nhất tuy bất tòan nhưng hữu ích còn tồn tại. Khi anh chị em Jarai trở lại theo Chúa thì đó là cuốn sách duy nhấtmà chúng tôi sử dụng. Nếu không có cuốn sách đó thì chúng tôi không biết sẽ làm ăn ra sao. Điều duy nhất Chúa cho chúng tôi làm là chuẩn bị để Dân Chúa nghe Lời CHúa và học cùng Ngài. Năm 1973, chúng tôi trở lại Pleikly, chưa làm được gì thì giải phóng 1975, để lại chỉ làm dân với dân và làm... thinh! Cấm truyền Đạo! Cấm làm lễ ngòai xã phường nơi thừong trú! Lúc đó phía Jarai trong vùng chỉ có 3 gia đình thanh tẩy: gia đình Ami’ H’Mi, gia đình Ami’ H’Dar do cha Tài thanh tẩy tại Pleiklu, gia đình Ami’ H’Xuân do cha Bianchetti thanh tẩy tại Ban Mê Thuột. Thế là cứ rẫy nương và chài lưới! Và nghe akha (chuyện dân gian), nghe cồng chiêng, nghe ca hát, nghe phai-yang (cúng thần), nghe phat-kơđi (xét xử)... Ôi những áng văn chương, nhửng dòng tư tưởng, những điệu nhạc Tây nguyên, gru ama groa ami’ (dấu ấn của cha tinh hoa của mẹ)... cho một mình tôi bây giờ là kẻ “ngọai đạo”! Tôi không có óc khoa học đủ , không có óc nghiên cứu đủ, nhanh nhậy đủ để thu tất cả vào băng, vào giấy! Tiếc ôi là tiếc! Lúc đó tôi đúng là chân lấm tay bùn mất rồi! Tôi đã trở thành một người Jarai thực thụ nghĩa là một người chỉ sống và suy nghĩ bằng cái lỗ tai của mình thôi! Một nền văn minh của lỗ tai !... Cho đến những năm chuẩn bị Năm Thánh 2000: Năm Thánh Đức Mẹ 1985; Năm tấn phong các Thánh Tử đạo Việt Nam 1988. Vào những năm đó bỗng nhiên tất cả các dân tộc ít người trên đất nước Việt Nam đều đứng lên tìm theo Chúa. Tôi nói ở khắp mọi nơi, chứ không riêng gì ở vùng Pleikly chúng tôi. Cho nên xin đừng gán cho chúng tôi công cuộc trở lại này!Người thương thì khen (cũng thích), kẻ ghét thì bực (cũng ngại). Nhưng không phải chúng tôi mà! Chúng tôi chỉ quen biết có hai ba làng ở gần chúng tôi thôi, chứ không phải 90 làng có người đến với chúng tôi bây giờ. Mà những người ở gần chúng tôi lại trở lại chậm và ít hơn những người ở xa! Lại còn phía Cheoreo-Tơlui’ có cả 150 làng, cũng chừng đó phía Pleiklu, Măng Yang, Chư Prong, Chư-Pah... Chúng tôi đâu có biết người Khmer, người Stiêng, Mơnông, Raglai, Churu, Êđê, phía Nam, người Chăm, người Bahnar, Sơđăng, Jeh, Bru... chúng tôi đâu có biết đến người Mường, người Mèo, người Hmông... phía Bắc! Ấy thế mà họ đều đứng lên tìm Chúa, tìm Đạo! Rõ ràng không phải chúng tôi rồi hạch hỏi và đe dọa: tuyên truyền làm sao? dụ dỗ làm sao? bắt tù a! Tụi tôi chẳng có gì để mất cả! Khi người ta xin theo Đạo, chúng tôi bắt buộc phải nhận. Khi nhận thì phải hướng dẫn tối đa. Đã là tín hữu thì người ta đã kêu, là đi, đi tới đâu cũng đi, chết cũng đi! Nhiệm vụ mà!

3.Bây giờ tôi xin nói đến phần HƯỚNG DẪN DỤ TÒNG. Như trên đã nói: chúng tôi là những người cùng đi tìm Chúa. Nên khi người ta đến nhờ chúng tôi thì chúng tôi xin họ cùng chúng tôi tìm Chúa. Họ cùng chúng tôi nói với Chúa nhiều hơn là nói về Chúa, ao ước hơn nữa được nghe Chúa và học cùng Chúa (Yn 6:45). Và cứ làm đúng theo như Lời Thánh Kinh. Bắt chước Chúa Yêsu Phục sinh. Ngài mở lòng cho họ hiểu Sách Thánh (Lc 24:27-45) và căn dặn họ mong chờ CHúa Thánh Thần (Lc 24:49; Cv 1:4t). Phải nói ngay rằng trong phần này, tại vùng Pleikly-Chusê chúng tôi, cũng không phải riêng chúng tôi đã làm được gì. Nhưng là chính Chúa đã làm trực tiếp hay gián tiếp qua những sứ giả mà Ngài gửi đến giúp chúng tôi: cha Tiệu, cha Tài, cha Phán, cha Qui, cha Thượng, thầy Phương S.J. vác chị Phaolô và anh chị em giáo dân Kinh-Thượng. Nếu các linh mục, tu sĩ như những Phêrô, Phaolô ngang qua loan báo Tin Mừng, thì anh chị em giáo dân làm việc lâu bền hơn, với những đặc sủng riêng của họ, không ai thay thế được. Sự cộng tác này “mạc khải” cho chúng tôi một hình thức họat động trong Giáo hội mà chúng tôi mong ước được lặp lại mãi nơi chúng tôi (đây là nói riêng về phần trực tiếp loan báo Tin Mừng, trong những lãnh vực khác, các công tác viên kể ra không xiết-vẫn là vì chúa và do Chúa vì đa số chúng tôi không hề quen biết nhau từ trước).

A. ĐÚNG NHƯ LỜI THÁNH KINH. Khi anh chị em Jarai trở lại xin theo Chúa, lúc đó chúng tôi chỉ có cuốn Tân Ước bằng tiếng Jarai, mà như trên đã nói, là công việc duy nhất từ 1969 đến 1973 Chúa cho phép chúng tôi thực hiện để phục vụ trực tiếp cho sứ vụ loan báo Tin Mừng (chỉ thực sự bắt đầu từ năm 1985 tại vùng Pleikly). Nếu có những tài liệu khác, chúng tôi có sử dụng không? Chắc chắn là có! Mà còn dám sử dụng thay Thánh Kinh nữa! Bởi vì chúng tôi cũng thuộc thế hệ “mì ăn liền” – “fast food”, đã từng chịu một nền đào tạo nhân bản thiên về lý trí, lý luận, đạo đức (luân lý) – thiếu đào tạo Tin Mừng, đào tạo Thần Khí (Ngài dạy mọi sự và dẫn đưa tới tất cả sự thật: Yn 14:26; 16:13 – chủ yếu bằng làm chứng: Yn 15:26). May quá Chúa đặt chúng tôi vào hòan cảnh Jarai nên chúng tôi lấy Lời Chúa làm chính và tham khảoi những tài liệu người đời khi có thể – chứ không lấy tài liệu người đời làm chính và tham khảo Lời chúa khi có thể. Đây là một trong nhiều điều Chúa hóan cải chúng tôi nhờ được sống với những kẻ “hèn mọn”.

Vậy Thánh Kinh nói gì?

Xin đọc Rm 10:6-13 (xem Cv 2:32-36; Ph 2” 6-11; 1Cr 15: 1-4). Vậy là chúng tôi đón nhận và tuyên xưng Mầu Nhiệm Đức Tin : Chúa chết - Chúa Sống lại – Chúa lại đến. Chúng tôi đón nhận và tuyên xưng Đức Kitô Yêsu là Chúa: Đúng theo Lời Thánh Kinh và đúng như Hội Thánh đón nhận, tuyên xưng và cử hành trong phụng vụ từng năm – từng tuần – từng ngày – trong từng Bí tích: Lex orandi lex credendi: Mục đích là gì?

B. ĐÓN NHẬN THẦN KHÍ- Sống nhờ và sống theo Thần Khí. Chúa Yêsu chết và sống lại mục đích là để ban Thần Khí (Yn 16:7). Qua chết và sống lại, Chúa Yêsu được tôn vinh làm Chúa mục đích là để ban Thần KHí (Cv 2:32-36; Yn 7:37-39, 19,30; 20,22; Lc 24:49). Chúa là nguồn Thần Khí. Con người phục sinh, con người mới là con người sống nhờ Thần Khí và sống theo Thần Khí (Rm 8:1-17; Gl 5:25; Ep 4:23) vì “Ađam con người đầu tiên là sinh khí, còn Ađam cuối cùng là Thần Khí tác sinh”(1Cr 15:45; 2Cr 3:17). Đó là hướng tiến hóa, hướng phát triển của con người.

Khi để cho Chúa thực hiện chương trình kế hoạch của Người như thế, khi tin và nhận Chúa Yêsu chết, phục sinh, tôn vinh làm Chúa và để Ngài đổ tràn đầy Thánh Thần đến chìm ngập (Cv 2:37-41; Mt 28:18-20), chúng tôi thấy xuất hiện một cộng đoàn những kẻ tin tưởng tựa như cộng đoàn tiên khởi (Cv 1: 14; Cv 2: 42-47); chúng tôi thấy xuất hiện những con người không có học “ (Cv 4:13) mà lại có ơn thông hiểu , ơn hiểu biết, ơn khôn ngoan, ơn sức mạnh, ơn biết lo liệu, ơn yêu mến, ơn kính sợ” (Ys 11:2t)… ơn thị kiến, ơn báo mộng, ơn phục vụ, ơn dạn dĩ can đảm, ơn rao giảng, ơn tự do thoát khỏi mọi sự ràng buộc hay nô lệ, ơn chữa lành, ơn cầu nguyện, ơn yêu mến Lời Chúa… Nếu với cộng đoàn Corinthô (1Cr 12-14), thì cộng đoàn chúng tôi còn thiếu ơn ngôn sứ, ơn phép lạ…

Dù sao thì chúng tôi cũng nghiệm được “khai ân Thần Khí” (Rm 8:23) trong cộng đoàn Jarai và xác tín rằng cộng đoàn Kitô hữu Jarai (trong toàn giáo hạt Pleiku cổ đã lên tới 30,000 người tân tòng và dự tòng, rải rác ở khoảng 300 làng khác nhau, trong một diện tích rộng cả ngày cây số vuông, mà hỉ có 3 trung tâm dự tòng không hoàn chỉnh, chưa có một Nhà Thờ nào, với chỉ 3 linh mục nói tiếng Jarai – mà cả 3 đều “đã chạy gần hết chặng đường” (2Tm 4:7), dành cho mình: một cộng đoàn hay một cộng đồng như thế mà sống và phát triển được đó hoàn toàn là do quyền năng của Chúa Thánh Thần. “Đó là điều anh chị em nghe và thấy được” (Cv 2:33). Hiện nay công việc của chúng tôi chủ yếu là qui tụ nhau nghe Lời Chúa, thờ phượng tôn vinh và kể cho nhau nghe “những việc Chúa làm” (1P 2:9), để nhận ra những gì Ngài chỉ dạy cho chúng tôi (Yn 6:45).

Lm Trần Sĩ Tín,

Dòng Chúa Cứu Thế.