Sunday, 27 December 2009

Lm Vũ Khởi Phụng CSsR: “KHÔNG CƯỠNG LẠI, CŨNG CHẲNG THÁO LUI”



( Is 50, 5 )

Chuyến về thăm quê hương Bavaria của Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI đã kết thúc không được bình an như dự kiến. Lời nói của vị hoàng đế thế kỷ XIV mà Đức Thánh Cha trích dẫn trong khi diễn thuyết ở đại học đã làm cho thế giới Hồi Giáo phẫn nộ. Vài hôm nay ngày nào cũng thấy những bộ mặt giận dữ xuất hiện trên các chương trình thời sự truyền hình với những lời lẽ rất miệt thị đối với Đức Thánh Cha. Vô tình một lời trích dẫn có tính cách rất hàn lâm lại phát động một cơn bão táp lớn trong tương quan giữa Hồi Giáo và Công Giáo. Có thể nói đây là cuộc khủng hoảng lớn đầu tiên trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Benedicto XVI.


Người ta có thể bàn cãi xem khi trích dẫn lời của vị hoàng đế ngày xưa, con người giáo sư đại học Joseph Ratzinger có làm hại ngôi vị Giáo Hoàng của Đức Benedicto XVI hay không ? Nhưng có 3 điều chắc chắn:


1. Đức Thánh Cha cho thấy rõ đó là tư tưởng của vị hoàng đề ấy, chứ không phải tư tưởng của ngài.

2. Chắc chắn Đức Thánh Cha vẫn tôn trọng Hồi Giáo và không hề có ý bôi đen tôn giáo này.

3. Điều ngài kêu gọi mọi người là đừng để Đức Tin tôn giáo làm cớ cho việc sử dụng bạo lực.


Vậy tại sao nhiều tín đồ Hồi Giáo phản ứng dữ dội như vậy ? Ở đây có một vấn đề tế nhị về tâm lý của quần chúng Hồi Giáo ở nhiều nước. Có những điều chỉ là sự phân tích, nghiên cứu học thuật ở mọi nơi khác, thì trong những giới Hồi Giáo ấy lại là sự cấm kỵ, vì nó đụng chạm không chỉ đến một tình cảm tôn giáo, mà cả một cõi u uất sục sôi, được nung nấu bởi hoàn cảnh lịch sử, khiến cho biến thành một thứ chất nổ mà người ngoài không thể dùng những tiêu chuẩn mình cho là khách quan để lý giải được.


Nhìn nét mặt của những người biểu tình, tự nhiên ta cảm thấy mình mắc tội hoài nghi, không biết họ có hiểu Đức Thánh Cha nói gì hay không và mạch tư tưởng của ngài thế nào.


Điều đáng buồn là Đức Thánh Cha có chủ ý cổ võ cho hoà bình, đối thoại, tương thân tương ái, nhưng người ta lại hiểu đó là những lời lăng mạ. Thế mới biết hiểu nhau là chuyện khó đến mức nào. Và để xuyên thủng được trường thành hậm hực và uất hận thì phải trả giá đắt biết bao nhiêu. Ai đã đọc, đã nghe Đức Benedicto XVI, hẳn có ấn tượng về một thế giới tư tưởng cái gì cũng sáng, cũng rõ, cũng trong suốt. Ngày nay thế giới tư tưởng ấy đụng phải một hành tinh khác, không chỉ được cấu tạo bởi ánh sáng bình an của trí tuệ, mà còn ngùn ngụt những hoả nộ xung thiên.


Dĩ nhiên Đức Thánh Cha là người buồn nhất. Xét cho cùng, nếu vì một lời nói tình ngay mà tự ái của người ta bị xúc phạm, nhất là nếu tự ái ấy đã bị xát muối quá nhiều trên dòng lịch sử, thì đưa ra một lời xin lỗi cũng chẳng có gì là quá đáng. Nhưng quan trọng hơn là những hậu quả không đáng có trong một thế giới đã quá nhiều chia rẽ, hận thù, bạo lực và khủng bố.


Khi được bầu lên Tòa Phêrô, Đức Joseph Ratzinger đã chọn danh hiệu Benedicto XVI để kính nhớ Đức Giáo Hoàng Benedicto XV ( 1914 – 1921 ) vị Giáo Hoàng hồi Thế Chiến thứ nhất đã ra sức kêu gọi hoà bình, nhưng chỉ thu được toàn những lời đả kích của cả hai phe lâm chiến, vì phe nào cũng muốn đè bẹp phe kia cho đến cùng. Ngày ấy, các giới chính trị cũng như báo chí Pháp – Đức đã dùng những lời lẽ và luận điệu tệ hại để phỉ báng Đức Thánh Cha. Cả đến các giới Công Giáo của hai nước, thậm chí cả những vị Giáo Phẩm, cũng ra mặt chống đối. Chỉ đến khi cơn cuồng sát qua đi, nhìn lại lịch sử, người ta mới nhận ra chỉ có một Benedicto XV là người trước sau như một, kiên trì yêu mến và vận động hoà bình. Ngày nay, chắc chắn Đức Benedicto XVI nhớ đến thân phận của vị tiền nhiệm.


Sáng nay, Chúa Nhật 24 Quanh Năm B, hẳn là tâm trí Đức Thánh Cha bận bịu nhiều về vụ này. Ta có thể hình dung Đức Benedicto cử hành Phụng Vụ Chúa Nhật, và Lời Chúa trong sách Ngôn Sứ I-sai-a ( bài đọc thứ nhất ) vang lên trong tâm hồn ngài:


“Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi,
còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.
Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn,
giơ má cho người ta giật râu.
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.
Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,
vì thế, tôi đã không hổ thẹn,
vì thế, tôi trơ mặt ra như đá.
Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.
Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên.
Ai tranh tụng với tôi ? Cùng nhau ta hầu toà !
Ai muốn kiện cáo tôi ? Cứ thử đến đây coi !
Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,
ai còn dám kết tộI ?...”
( Is 50, 5 – 9a )


Thiên Chúa là Đấng có thể biến sự dữ thành sự lành. Đức Benedicto XVI chắc chắn sẽ còn nói nhiều về đức tin và hoà bình, nhân ái. Biết đâu những chuyện lộn xộn mấy ngày qua lại chẳng mở đầu cho một chặng đường có phần gian khổ, nhưng là đường đưa người ta đến hiểu nhau và bình an ?


Vũ Khởi Phụng, CSsR

(2006)

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: