Friday, 25 December 2009

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Dấu hiệu, biểu tượng rõ rệt nhất của tình thương Thiên Chúa



Nói đến Rất Thánh Trái Tim Chúa Yêsu thì có lẽ điều đầu tiên đáng nói lại là trái tim không nhất thiết là dấu hiệu, biểu tượng của yêu thương. Đã xưa rồi cái thời viết thư tình là cứ vẽ thêm một hay hai quả tim. Còn hiện giờ không gì rởm bằng câu hát… “một trái tim mùa đông” ồn ào nhất của nhạc kẹo kéo. Người ta chứng tỏ và bày tỏ tình thương bằng trăm ngàn cách đích thực hơn là đem trái tim ra bày hàng.


Người Việt Nam lại không quen gửi gắm gì cho tim vì tất cả đều nằm sẵn cả trong… bụng.


Bụng dạ. Bụng bảo dạ rằng : tốt xấu đều là tốt bụng hay xấu bụng, to gan lớn mật, cả gan, gan dạ, gan lì, gan sắt, gan đất hay nhát gan, rộng bụng hay hẹp bụng, bụng dạ nhỏ nhen, tất cả đều là bụng với dạ, cho nên bụng làm dạ chịu. Vui trong bụng hay phỉ dạ mà cũng buồn trong bụng hay xót dạ. Chắc dạ hay non dạ để cứ vững dạ hay dễ chột dạ. Tức mà không lộn ruột thì cũng lộn gan. Còn giận thì bầm gan tím ruột. Mát ruột, nóng ruột hay sốt ruột đến đâu đều không tính được bằng mấy độ C. Ruột gan rối bời hay ruột gan đau từng hồi như trong câu ca dao thì hoàn toàn không phải là chuyện cần đến thầy lang, bác sĩ. Thậm chí trí tuệ cũng không nằm trên đầu mà trong bụng luôn : sáng dạ, tối dạ, cho nên tính trong bụng mà cũng nghĩ trong bụng, nghĩ bụng và suy bụng ta ra bụng người. Yêu thầm nhớ trộm đều là giữ bụng, để bụng. Tất cả những thứ không cần đo đong đếm thì người Việt mình đều giữ bụng, để bụng được hết, đồ ăn thức uống thì lại không.


Từ ‘lòng’ ngày càng được dùng nhiều hơn, thay cho bụng và dạ. Được dùng mãi ‘lòng’ hóa ra thanh nhã hơn, có vẻ như không còn dính dấp gì đến bụng dạ, thể xác. Nhưng chỉ cần nghĩ đến ‘bộ đồ lòng’, chỉ sửa soạn thưởng thức một ‘tô cháo lòng’ là dễ nhớ ngay lòng với bụng dạ cứ là một. Không phải ở ngoài đường mà thôi, ngay cả trong nhà thờ cũng dễ nhớ như thế : “Cong lòng Bà gồm phúc lạ” (kinh Kính Mừng). Lc 1,42 : “hoa quả lòng người” [1976], “người con em đang cưu mang” [1995], “đứa con trong bụng” [1995]. Lòng, bụng, dạ quả là một. Cũng đáng chú ý là riêng trong trường hợp này, kinh Kính Mừng tiếng Pháp lại đặc biệt… gây ấn tượng : “le fruit de vos entrailles”!). Vừa bụng hay vừa lòng cũng vậy thôi. Có khác chăng chỉ là ở chỗ ‘lòng’ thường gồm cả tim nhưng vẫn không phải là phần đáng kể nhất của lòng. Cho nên có ngại nói đến ‘bụng dạ’ thì người ta vẫn vui vẻ nói về ‘lòng dạ’ hoặc cho ‘lòng’ đi đôi với ‘dạ’ mà vững lòng chắc dạ và ghi lòng tạc dạ. An lòng, bền lòng, cầm lòng, có lòng vv… rồi lòng sắt, lòng son, từ tấm lòng vàng cho đến vết thương lòng, từ lòng mẹ, lòng trinh đến lòng muông dạ thú, chữ nghĩa với ‘lòng’ thật khó kể ra hết được. Điều này chỉ càng chứng tỏ đời sống tâm linh, tình cảm, trí tuệ được người Việt mình tập trung hầu như cả vào trong bụng chứ không hẳn là trong tim hay trong đầu (cũng như người J’rai quy tất cả về tai ?).


Chúng ta có nói đến ‘tim’ như ‘nói trúng tim đen’ nhưng quả thật là rất hiếm khi và có khi lại là… theo tây : ‘tiếng nói con tim’ hoặc ‘chiếm được quả tim vàng của người đẹp’. Thường hơn một chút thì ‘tim’ không riêng lẻ mà phải là tim gan, tim lòng, ruột đau tim xót, tim cứ phải được kéo xuống bụng. Chữ ‘tâm’ thông dụng hơn hẳn nhưng lại là từ Hán Việt. Và thật ý nghĩa, thật thú vị khi thấy Việt Nam Tự điển của Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trụ định nghĩ ‘tâm’ là tim rồi cho biết ‘nghĩa bóng’ lại là… ‘lòng dạ, bụng dạ’.


Khi Kinh Thánh nói đến ‘tim’


Tim vừa là cơ quan tập trung không chỉ riêng sức sống thể lý mà trọn cả con người (người Do Thái nhìn xác hồn một cách thống nhất hơn, không xé lẻ như Platon, nhất là trong Phédon). ‘Tim’ là nguồn gốc, cơ sở của mọi thái độ, cách cư xử của con người. Lối suy nghĩ Do Thái đặc biệt không chỉ quy về ‘tim’ đời sống tình cảm mà cả trí tuệ và ý chí nữa. Cho nên ‘tim’ là chỗ con người định đoạt về bản thân mình, đối thoại với chính mình, quan hệ vời tha nhân, đón tiếp Thiên Chúa. Chỉ ở trong tim mới phân định dứt khoát tính chất thực hư, chân thật hay giả dối của thái độ, hành động con người.


Như thế, trong ngôn ngữ Kinh Thánh, ‘tim’ không chỉ đơn thuần là hình ảnh, biểu tượng, càng không phải chỉ là hinh ảnh, biểu tượng của riêng tình cảm (như ‘tim’ trong lối suy nghĩ và diễn tả của người Âu Tây bây giờ chẳng hạn). Nói đến tim là “nói về chính con người trọn vẹn, con người từ căn cơ, cốt lõi hữu thể, nơi mà thực tại con người muôn mặt còn giữ được tính đơn nhất”. ‘Tim’, như Karl Rahner nói, là con người “ở chỗ chưa rõ nét những phân biệt xác hồn, hành động ý định, bề trong, bề ngoài” chính là trọng điểm thâm sâu này của mình mà con người còn có những quyết định, tự cởi mở hay tự khép kín”. Tim, như Karl Rahner còn nói, “chính là điểm ở đó con người, ngay tại nguồn mạch nhân cách của mình, tiếp cận với mầu nhiệm Thiên Chúa” (F. Hoffmann, Coeur, E1tude biblique, trong Encyclopedie de la Foi, 1967).


Xét chung người Do Thái khi nói đến ‘tim’ thì lại ăn ý với người Việt mình khi nói đến bụng, dạ, long, bụng dạ, lòng dạ, hơn là với người Pháp khi cũng nói đến tim. Hẳn chính vì thế mà Nguyễn Thế Tuấn đã dịch lòng hay lòng dạ hầu hết những chỗ các bản Kinh Thánh tiếng Pháp viết là Coeur, tim, mặc dù bản tiếng Việt Tân ước năm 1969 hay Kinh Thánh năm 1976 không cần phải tự xếp hạng là ‘tương đương năng động’ hay ‘tương đương hình thức’ gì hết. Tân Ước xuất bản năm 1995 cũng không làm khác. Trong cả hai bản tiếng Việt chỉ có vài ngoại lệ. Như Lc 1,66 : “mọi ngừoi nghe biết đều để tâm” [1976], “ai nghe cũng để tâm” [1995] thay vì “giữ bụng”. Hoặc Rm 8,27 : “Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can” [1995] thay vì “nhưng Đấng dò thấu lòng dạ” [1976]. Càng đáng chú ý là khi không viết lòng hay lòng dạ thì cả hai bản tiếng Việt vẫn không dùng từ Tim mà phải dùng từ Hán Việt tâm hoặc tâm cam (tim gan. Giả sử có viết : “Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tim gan” thì cũng ổn hơn là “Đấng thấu suốt trái tim”).


Kinh Thánh Cựu Ứơc và Tân Ước có hang sáu bảy trăm lần nói đến tim. Nhưng hầu hết là về con người.


Cựu Ước chỉ có vỏn vẹn 9 chỗ nói đến trái tim của Thiên Chúa : St 6,6 (“Ngài đã phải đau phiền trong lòng Ngài”); 8,21 (“Và Yavê đã nói trong lòng”); 2Sm 7,21; 1V 9,3; G 9,4; Hs 11,8 và 3 chỗ trong Gr : 15,1; 31,20 và 32,41 (Bible de Jérusalem chỉ giữ ‘coeur’ ở 32,41, diễn dịch bằng pitie ở 15,11 và đặc biệt lại thay thế bằng entrails bột lòng, lòng ở 31,20. Phải chăng nguyên cách dịch 3 chỗ này trong Gr đủ cho thấy các dịch giả pháp vẫn lúng túng với Coeur của họ? Sẵn tính khoa học từ Harvey hay giàu chất lãng mạng của thế kỷ XIX, Coeur không ăn nhằm gì mấu với tim của người Do Thái trong Kinh Thánh. Dùng từ Coeur là cứ phải giải thích rườm rà thêm.


Tân Ứơc không hề dùng từ trái tim để nói về Thiên Chúa. Có nói một lần duy nhất về Đức Maria (Lc 2,19 : “Còn Maria thì bà giữ kỹ mọi điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng”). Nhưng cũng tuyệt nhiên không chỗ nào nói đến ‘trái tim’ Chúa Yêsu. Kể cả trong Tin Mừng theo Thánh Yoan cũng vậy ngay trong biến cố có thể khiến nghĩ tới trái tim hơn cả. “Một ngừơi lính lấy dòng đâm cạnh sườn Ngài, và lập tức có nước và máu chảy ra”. Tác giả coi sự kiện này đặc biệt quan trọng nên mới nhấn mạnh một cách đặc biệt long trọng : “Người trông thấy đã làm chứng và chứng của người là chứng xác thực ngõ hầu cả anh em nữa cũng tin.” (Ga 19,34-35). Nhưng làm chứng và nhấn mạnh là về “nước và máu chảy ra” thế thôi, không phải chú ý đến gì khác. Vì như Nguyễn Thế Tuấn ghi chú cũng đặc biệt kỹ lưỡng : “Máu nhắc đến lễ tế của Chiên Thiên Chúa đã thi hành cách rất xác thực (Ga 1,29;6,51), có lẽ đáp lại những kẻ thông tin vào ơn cứu chuộc bằng sự chết của Chúa Yêsu. Nước chỉ sự phong phú thiêng liêng (4,7), tóm tắt trong ơn huệ của Thánh Thần (7,38t). Chúa Yêsu chết là Tảng đá Môsê đã đập và nước đã trào ra duy trì sự sống cho dân trong sa mạc. Tất cả nhiệm cục thiêng liêng mới đều xuất phát từ thân xác Chúa Yêsu đã chết và được tôn vinh. Các bí tích (cách riêng Thanh Tẩy và Thánh Thể) đều khơi nguồn từ Chúa Kitô chết thập giá (Rm 6,4; 1C 11,23).” Người “trông thấy và làm chứng” đã không chú ý đến gì khác thì người đọc Tin Mừng cũng không nên suy diễn hay tưởng tượng mà cho rằng lưỡi đòng kia đã phải đâm thâu trái tim, máu và nước mới chảy ra : “Theo truyền thống các Ráp-bi, nơi thân xác con người có máu và nước; hai yếu tố này trào ra khỏi con người : đó là dấu con người đã thực sự chết.” ([1995], t.480,s. Phần tiếp theo của ghi chú s này tương tự như ghi chú trên).


Tân Ước nói chung , các Tin Mừng nói riêng, đặc biệt Tin Mừng ‘theo’ Thánh Yoan, “người môn đồ Đức Yêsu yêu mến”, không cần phải chỉ riêng vào Trái Tim Chúa Yêsu để loan báo tình thương của Thiên Chúa. “Vì Thiên Chúa đã yêu mến thế gian như thế, đến nỗi đã ban Con Một của Người, ngõ hầu phàm ai tin vào Ngài thì khỏi phải hư đi, nhưng được sự sống đời đời.” (Ga 3,16). Chính Chúa Yêsu, Con Một Thiên Chúa làm người , trọn cả bản thân Ngài với trọn cả cuộc đời Ngài là quà tặng có một không hai, đầy đủ nhất, dứt khoác nhất của Tình Thương Thiên Chúa.


Suốt thánh sử trước đó, thiên Chúa đã không ngớt ban cho thế gian, nhất là cho Dân Chúa những ơn huệ còn có thể gọi là dấu hiệu và biểu tượng của Tình Thương của Ngài. Nhưng chính Chúa Yêsu thì không phải chỉ là một ơn huệ trong hay như những ơn huệ khác, càng không phải chỉ là một dấu hiệu, một biểu tượng, một ‘hình ảnh’ nhưng là hiện thân của Tình Thương Thiên Chúa. Tin Mừng về Chúa Yêsu, về Cứu Thế Ngôn Hành (hồi các bản Tin mừng tiếng Việt chưa được phổ biến, một cuốn sách tóm lược cuộc đời Chúa Yêsu đã mang tựa đề như vậy) là Tin Mừng về chính Tình thương này. Toàn thân Chúa Yêsu đích thị là Tình thương này. Từng lời nói, từng thái độ, từng cử chỉ, từng hành động, trọn đời Chúa Yêsu đích thị là Tình Thương này, Lòng Thiên Chúa yêu mến thế gian, yêu mến loài người. Và “như Môsê giương cao con rằn trong sa mạc, con Người cũng phải bị giương cao như vậy, ngõ hầu kẻ nào tin thì nhờ Ngài mà được sự sống đời đời” (Ga 3,14-15). Chúa Yêsu chết trên thập giá, bị mà được giương cao cũng là sự mặc khải, tỏ bày Tình Thương Cứu Độ của Thiên Chúa trọn vẹn nhất, đầy đủ nhất, thấu đáo, triệt để nhất. Không còn có thể có sự mặc khải, tỏ bày nào hơn được nữa. Không còn có cách mặc khải, tỏ bày nào hơn được nữa.


Trong một hoàn cảnh, một giai đoạn nào đó của lịch sử Hội Thánh, Chúa Yêsu có hiện ra để tỏ bày Tình Thương của Thiên Chúa thì sự hiện tỏ này chỉ mang một ý nghĩa và giá trị nhất định nhưng không thể so sánh được với sự tỏ bày mặc khải trên thập giá, càng không thể thay thế được sự tỏ bày mặc khải trên thập giá.


Ai dám nghĩ rằng những Kitô hữu sống chui rúc dưới các hầm mộ xưa kia với hình ảnh người mục tử vác con chiên lạc trên vai được khắc, vẽ bằng những nét thô sơ, vụng về trên các vách đá đã không hiểu biết sâu đậm và thấm thía về Tin Mừng, về Chúa Yêsu, về Tình Thương của Thiên Chúa hơn những Kitô hữu thế kỷ thứ XVII (hay từ thế kỷ XVII) phải đợi Chúa Yêsu chỉ vào Rất Thánh Trái Tim mới biết, mới nhớ được rằng “Thiên Chúa là Lòng Mến” (1Ga 4,8)?


Mãi mãi quan trọng và thiết nhất vẫn là “Nơi điều này đã hiện tỏ giữa ta lòng mến của Thiên Chúa, là Thiên Chúa đã sai Con Một Người đến trong thế gian (…) làm hy sinh đền tạ tội lỗi ta.” (1Ga 4,9-10).


Cho đến ngày hôm nay


Chúa Yêsu, Con Một Thiên Chúa làm người là hiện thân của lòng Thiên Chúa thương yêu loài người. Ngài còn làm chứng và cho thấy Cha yêu mến Con : “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy yêu mến anh em, Hãy lưu lại trong lòng yêu mến của Thầy.” và “Đây là lệnh truyền của Thầy : anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em.” (Ga 15,9.12). Kitô hữu sống và làm theo lệnh truyền của Chúa Yêsu mà yêu thương – với lòng mến “không có lòng mến nào lớn hơn” – được chừng nào thì đương nhiên cũng là tỏ bày được chừng ấy cho thế gian biết Ngài yêu mến mình như thế nào, Cha yêu mến Ngài như thế nào, Thiên Chúa đã yêu mến thế gian như thế nào.


Người ta nhìn vào một Kitô hữu thì cần được phúc thấy không phải mẫu ảnh Thánh Tâm Chúa Yêsu bằng vàng hay bằng bạc trên ngực họ nhưng là chính tấm lòng của họ yêu thương ít nhiều như Lòng Chúa. Người ta nhìn vào một gia đình công giáo thì không phải tìm xem tượng Thánh Tâm được đặt ở đâu nhưng cần thấy vợ chồng, cha mẹ con cái, anh chị em hòa thuận , thương yêu nhau và cùng nhau ‘có lòng’ với bạn bè, bà con lối xóm, với mọi người như thế nào. Người ta nhìn vào một họ đạo thì điều cho họ thấy hay thoáng thấy phần nào tình thương của Thiên Chúa không phải là những cuộc rước kiệu Rất Thánh Trái Tim Chúa Yêsu linh đình đến đâu mà là sự hiệp thông, tình huynh đệ đồng tâm nhất trí như những cộng đoàn tín hữu tiên khởi, khi mà “đoàn lũ những kẻ tin chỉ có một tấm lòng, một linh hồn” (Cv 2,42-47 và 4,32-35). Người ta nhìn vào một giáo phận, nhìn vào Hội Thánh ở một nước hay trên toàn thế giới thì cũng tương tự.


Tình thương của Thiên Chúa … Với toàn thân Ngài, bằng trọn cuộc sống Ngài, nhất là khi bị mà được giương lên trên thập giá, “máu và nước chảy ra”, Chúa Yêsu là hiện thân của Tình Thương ấy. Và lệnh truyền của Ngài là Hội Thánh, từng cộng đoàn những kẻ tin, từng Kitô hữu hôm nay cũng như hôm qua cũng như ngày mai, mãi mãi phải là hình ảnh sống động của Tình Thương ấy.


Lời Hằng Sống 1.1996, t.3 có kể lại câu chuyện một mục sư bị giam cầm trong trại tập trung hồi Đệ Nhị Thế Chiến. Bị hành hạ ngược đãi nhưng ông luôn vui vẻ tìm cách giúp đỡ các tù nhân khác. Trong số này có một thiếu niên vốn lớn lên ở đường phố, vào tù cũng vẫn ngang bướng, quấy phá. Từng bước mốt, lòng thương của vị mục sư đã hoán cải em. Được tin mình được đưa đế trại Auchwitch gấp, ông vội vã chia tay với các bạn tù. “Gặp em thiếu niên, ông rất muốn cho em hiểu biết về Chúa, nên ông hỏi : “Cháu có tin vào Chúa Yêsu không?” Cậu ta liền hỏi : “Thưa bác Đức Yêsu là ai để cháu tin?”. Biết mình không còn thời gian để cắt nghĩa nhiều, ông yên lặng một lát, rồi nói: “Người đó giống như bác”. Cậu ta nhìn ông rồi nói : “Thưa bác cháu tin”.


Ai dám nghĩ rằng như thế chưa phải là Đức Tin? Dẫu sao vẫn còn có Chúa Thánh Thần để lo cái phần chưa đúng hoặc chưa đủ bài bản thần học, mục vụ và để cho một thiếu niên như thế, cùng với biết bao nhiêu ‘kẻ Thiên Chúa thương’ (Lc 2,14) khác, thực sự “tin vào Ngài thì nhờ Ngài mà được sống đời đời”.


Gs Nguyễn Ngọc Lan


(1) [1976] : Kinh Thánh , bản dịch của Lm Nguyễn Thế Thuấn, dòng Chúa Cứu Thế xuát bản, 1976; Thánh Kinh Tân Ước, dịch theo các cổ bản Hy lạp do Lm Nguyễn Thế Thuấn, Nhà sách Đức Mẹ xuất bản, 1969.

[1995] : Kinh Thánh Tân Ước, do nhóm phiên dịch các giờ kinh Phụng Vụ thực hiện, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, 1995.



(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: