Hầu hết những người tín hữu đều biết về ý nghĩa của mùa vọng. Đó chính là thời gian chuẩn bị đón mừng sự hiện diện của Chúa Giê-su Ki-tô. Sự hiện diện này đươc diễn tả qua 3 thời điểm: Chúa đã đến trong thân phận con người mà chúng ta mừng vào Lễ Giáng Sinh hàng năm. Chúa sẽ đến trong quang lâm để đón chúng ta đi về nhà Cha và Chúa đang hiện diện giữa lòng thế giới.
Nhìn cách trang hòang tại các trung tâm thương mại và những màn quảng cáo, không cần nhắc, anh chi em cũng biết lễ Giáng Sinh đã gần đến.
Việc Chúa đến lần thứ hai cho dù đã đươc tiên báo, tuy nhiên những lời tiên báo đó cũng chẳng khẳng định chính xác được điều gì. Chúng ta tin ngày đó sẽ đến. Ngày mà trời mới đất mới sẽ thay thế trời cũ đất cũ. (Kh 21:1-5) Thật ra, trời cũ đất cũ đã được biến đổi bởi biến cố phục sinh của Chúa Giêsu; chúng ta chờ đợi việc hòan tất cuộc biến đổi ấy trong ngày Chúa đến lần thứ hai.
Vì không biết ngày đó sẽ xẩy ra khi nào, nên chúng ta chỉ biết chờ đợi. Đợi với niềm hy vọng là chúng ta luôn sẵn sàng để gặp Chúa.
Ai đợi ai? Thóang nhìn lịch sử ơn cứu độ chúng ta nhận biết Chúa luôn đi bước trước đến với con người. Ngay từ ngày đầu tiên con người đã muốn sống tự lập, sống thóat khỏi sự che chở của Thiên Chúa và làm theo ý mình. Nhưng không vì thế mà Chúa bỏ rơi con người. Người đã đến lên tiếng kêu gọi: “Ngươi ở đâu?” Tuy đã nghe được tiếng Chúa, nhưng thay vì đối diện với sự thật để được tha thứ, con người lại lẩn trốn vì sợ hãi. Nhưng tình yêu Thiên Chúa vượt trên mọi công trạng hay việc ‘lẩn trốn’ của con người. Người đã không bỏ mặc con người. Ngòai tin vui loan báo về ơn cứu độ, Thiên Chúa còn làm những chiếc áo bằng da và mặc cho họ. Đó chính là nghĩa cử nói lên lòng quan tâm của Thiên Chúa. (Stk
Cuộc giao chiến giữa con người và Thiên Chúa vẫn tiếp diễn từ đời này qua đời khác. Và ngay lúc chúng ta không còn làm được gì nữa, thì Thiên Chúa lại đi bước trước để viếng thăm và cứu độ dân Người. Và nếu khi xưa con người đã ‘lẩn trốn’ vì sợ hãi, thì nay Đức Kitô, còn được gọi là: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” sẽ giải thóat chúng ta khỏi sợ hãi để sống thánh thiện và phụng thờ Ngài. (Lk 1: 68, 74-75)
Như vậy cuộc đời của chúng ta là một mùa vọng triền miên, vì chúng ta luôn luôn đón chờ Chúa đến. Đã có chờ đợi thì không thoát khỏi những lần nhỡ hẹn: Nhỡ một chuyến đò hay một chuyến tàu, nhỡ một cái hẹn hay nhỡ gửi quà cho nguời thân, v.v... Trong những lần nhỡ nhàng của cuộc sống, cũng có cái nhỡ có thể bù đắp được; cũng có cái nhỡ luôn. Tôi được nghe kể lại, nhiếu người trong anh chị em, chỉ vì nhỡ một lần hẹn mà tình duyên bị trắc trở. Còn nếu “ nhỡ” không lắng nghe tiếng Chúa, không nhận ra Chúa đang chờ đợi mình nơi tha nhân thì chúng ta có thể mất tất cả. Cái nhỡ này nguy hiểm vô cùng, không ai có thể chuộc lại. Bởi vì chúng ta đâu biết có còn cơ hội để bù đắp những ‘lần nhỡ nhàng’ đó hay không? Chẳng ai biết được lúc nào Chúa sẽ đến: Có thể lúc chập tối, hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Vì thế, phương thức tốt nhất là biết mình phải sống thế nào để cuối cùng được nghe những lời này: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung thành, hãy vào hưởng phần hoan lạc với chủ ngươi”.
Tóm lại, tinh thần của mùa vọng là mùa chờ đợi. Chúng ta không chỉ chuẩn bị chờ đợi để mừng lễ Giáng Sinh; hay mong chờ ngày hạnh phúc vĩnh cửu mà hiện tại chúng ta chỉ có thể cảm nghiệm bằng niềm tin. Thật ra từng giây từng phút Chúa đang chờ đợi ta. Sự biến đổi thế giới này trở thành trời mới đất mới là nhiệm vụ của các tín hữu. Và nét nổi bật trong mùa này là "Tỉnh thức đợi chờ". Tỉnh thức không phải là thái độ thụ động như người lính canh đồn, thức trắng đêm để đợi chờ; rồi thời gian chờ đợi quá lâu, họ đâm chểnh mảng rồi ngủ gà ngủ gật; chỉ mất sức mà chẳng được việc gì! Nhưng là người tín hữu, chúng ta tỉnh thức bằng cách chu toàn trách nhiệm hiện tại, biết nhận ra những dấu chỉ thời đại, khám phá ra thánh ý Thiên Chúa, kiên tâm phục vụ trong yêu thương bằng những nỗ lực vào những công việc bác ái, cổ võ hiệp nhất, rộng tay đón tiếp và chia sẻ cho những người nghèo đói, hoạn nạn. Cụ thể hơn cho anh chị em là những người đang sống trong bậc gia đình, anh chị cần tỉnh thức để phục vụ nhau. Đời sống gia đình là môi trường phục vụ lý tưởng nhất. Vợ chồng kitô hữu hiến thân cho nhau, tha thứ cho nhau, biết tận tâm giáo dục con cái, biết dùng của cải Chúa ban để mưu sống gia đình, nhưng đồng thời cũng biết chia cơm sẻ bánh cho người nghèo đói. Tất cả những công việc đó nói lên thái độ tỉnh thức và sẵn sàng đón tiếp Ngày của Chúa.
Thật ra chúng ta có đủ bằng chứng để bị Chúa phạt. Thế nhưng, Ngài không hề quên giao ước mà Ngài đã ký kết với chúng ta. Chúng ta cảm nghiệm được điều này trong tình thương của Đức Giêsu, nhất là trong bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa đã mặc lấy xác thịt trong thân phận loài người, hiện diện giữa chúng ta, rao giảng sự thật cứu rỗi. Cho dù chúng ta tìm đủ cách ‘lẩn trốn’ Ngài. Nhưng Ngài lại có muôn ngàn phương pháp để lôi kéo chúng ta trở về với tư thế sẵn sàng của những người con hân hoan chờ đợi ngày của Chúa. Vậy còn chờ đợi gì nữa, ngay lúc này chúng mình hãy bắt tay vào những công việc nói trên. Tôi nghĩ Chúa sẽ rất hài lòng khi chúng ta chọn thái độ tỉnh thức như thế. Amen
Lm Mai Văn Thịnh, CSsR
(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:
No comments:
Post a Comment