Tuesday, 29 December 2009

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Chúa Thánh Thần Đấng thường trực


[Cv 2,1-11]


“ Thoạt tiếng ấy vang ra, thì cả đám đông cùng nhau tuôn đến (…). Mọi người đều chưng hửng, ngơ ngác, người này nói với người nọ : “thế nghĩa là gì ?” (Cv 2, 6-12).

Hôm nay cùng với toàn thể Hội Thánh mừng Mầu nhiệm Hiện xuống có lẽ mỗi Kitô hữu cũng cần tự hỏi lòng tin như vậy : “thế nghĩa là gì ?”

Chúa Thánh Thần có lẽ còn là một kẻ xa lạ trong tâm tư chúng ta, hay có khi trong não trạng của cả một giáo đoàn. Chúng ta đã học quá vội vàng một chương sách giáo lý về Chúa Thánh Thần ngày chúng ta chịu phép Thêm Sức. Rồi từ đó có lẽ Chúa Thánh Thần đã thành một ông khách quý ghé thăm một lần xa xưa mà không để lại địa chỉ. Thậm chí còn có thể tưởng tượng là Chúa Thánh Thần đã đến có một lần rồi đi trong Hội Thánh. (Ngoài những kinh phụng vụ, mấy khi lời giảng dạy nhắc tới Chúa Thánh Thần ?!).

Nhưng lịch sử Hội Thánh từ những ngày đầu đời Chúa Yêsu cho đến những tháng năm hào hứng nhất của các tín hữu buổi sơ khai là một chuỗi dài những tác động Chúa Thánh Thần.

Dưới ngòi bút thánh sử Luca chẳng hạn, mấy chữ “đầy Thánh Thần” đã thành như một điệp khúc trở đi trở lại mãi từ đầu Tin Mừng cho đến Cuối Công Vụ Các Tông Đồ.

Ngay từ trong lòng mẹ, Yoan Tẩy Giả đã nhảy mừng vì con được đầy Thánh Thần mà mẹ cũng được đầy Thánh Thần (Lc 1,15; 1,41). Zacharia, thân phụ của Yoan cũng vì bỗng chốc được đầy Thánh Thần, nên đang câm mà cất tiếng ca chuyện ngàn đời của Thiên Chúa (Lc 1,67). Trinh Nữ Maria thụ thai cách nhiệm lạ cũng là bởi “Thánh Thần sẽ đến trên người và quyền năng Đấng Tối Cao trên Người rợp bóng” (Lc 1,35). Về sau, khi bước lên đường rao giảng Tin Mừng, chính Chúa Yêsu cũng đã đầy Thánh Thần (Lc 4,1).

Sau khi về Trời, Ngài đã thực hiện lời hứa trọng đại nhất, nên ngày Hiện Xuống cũng như vào một dịp họp kinh khác, tất cả các Tông Đồ đã được đầy Thánh Thần (Cv 2,4 và 4,31). Khi cần chọn các phụ tế, Hội Thánh lúc bấy giờ đã tìm được bảy người “đầy Thánh Thần” (Cv 6,4). Phêro, “vô học thức và thuộc lê dân” (Cv 4,13) nhưng “được đầy Thánh Thần” (Cv 4,8) đã lên tiếng trước công nghị, tuyên xưng Chúa Kitô rồi bất chấp mọi lời đe dọa, quả quyết là sẽ tiếp tục vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời ai khác : “Chúng tôi không thể không nói!” (Cv 4,16-20). Đến lượt Stêphanô, một trong bảy phụ tế kia cũng là vị tử đạo đầu tiên, đã được đầy Thánh Thần, trự thị nhìn lên trời, làm chứng về vinh quang Chúa Kitô để rồi bị lôi ra ngoài thánh ném đá đến chết (Cv 7,55-60). Ở Đama, Hananya được sai đến với Phaolô là để Phaolô “lại được thấy và được đầy Thánh Thần” (Cv 9,17). Rồi “người ta đã sai Barnaba đi Antinôkia… ông là một người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin” (Cv 11,24). Nhưng lòng tin, niềm vui không ai giật mất được (Ga 16,22) cũng gắn liền với ơn được đầy Thánh Thần. Trong công cuộc rao giảng Tin Mừng tại Antiôkia, khi Phaolô và Barnaba bị trục xuất do âm mưu sách động của người Do Thái, hai ông đã “rũ bụi phủi chân trả lại, rồi đi đến Ikonium” mà vẫn cứ “đầy niềm vui và Thánh Thần” (Cv 13,52).

Đầy Thánh Thần phải kể là toàn thể Hội Thánh như khi Công Vụ ghi nhận : “Hội Thánh đã được bình an trong toàn cõi Giuđê, Galilê và Samari, được tài bồi thêm mãi, được tiến đi trong sự kính sợ Chúa và tràn trề sự an ủi của Thánh Thần” (Cv 13,52).

Thậm chí Thánh Thần còn bất chấp mọi thứ qui định thói quen, thủ tục, lễ nghi mà tràn cả ra… lòng lề đường của Hội Thánh : “Phêrô còn đang nói các điều ấy, thì Thánh Thần đã xuống trên mọi kẻ đang nghe lời” (lần đầu tiên !). “Các tín hữu thuộc giới cắt bì, những người đã đến làm một với Phêrô đều kinh ngạc, vì ơn Thánh Thần đã đổ xuống trên cả dân ngoại : bởi họ nghe những điều ấy nói bằng các thứ tiếng. : “Nào ai có thể ngăn cấm những người này chịu thanh tẩy, những kẻ đã chịu lấy Thánh Thần một thể như chúng ta ? và ông ra lệnh thanh tẩy họ nhân danh Đức Yêsu Kitô” (Cv 10,44-88).

Như vậy Thánh Thần đã luôn có mặt và tác động trong cuộc đời Chúa Yêsu rồi trong đời sống Hội Thánh. Ngài là Đấng thường trực. Là Đấng quá quen thuộc trong sinh hoạt của Hội Thánh. Là sức sống của Hội Thánh. Ngày Hiện Xuống hôm nay, Ngài đến, ai có quyền hỏi tên hỏi tuổi của Ngài? Có phải hỏi, có phải ngạc nhiên là phải tự hỏi tại sao lần này Ngài lại đến như cuồng phong, như lửa cháy, như động đất động trời và phi thường như thế ? Và tại sao thánh sử Luca rồi Hội Thánh đã đề cao cách đặc biệt tầm quan trọng như có một không hai của lần Thánh Thần hiện xuống này?

Phải chăng vì hôm nay là ngày Thánh Thần công khai đảm trách đoàn người theo Chúa Kitô, ban cho họ quyền năng, sức mạnh của Ngài để họ làm thành Hội Thánh và tung Hội Thánh ra giữa loài người?

Có chiêm ngưỡng mầu nhiệm hôm nay, mới thấy được chân tướng của Hội Thánh như Thánh Thần đã và vẫn còn muốn đưa ra giữa lòng đời chứ không như sự thiếu lòng tin và óc thế gian của các Tông Đồ trước đó và của các Kitô hữu về sau vẫn dễ bề uốn quanh, bẻ ngược lúc này, lúc khác.

Ngài đến công khai đảm trách đoàn người tin ở Chúa Kitô, để thực hiện lời hứa : “Ta ra đi thì ích lợi hơn cho các ngươi; và nếu ta không trẩy đi, thì Đấng bầu chữa không đến cùng các ngươi. Còn nếu Ta đi, Ta sẽ sai Ngài đến cùng các ngươi” (Ga 16, 7)

Chúa Yêsu cần phải ra đi, Thánh Thần mới đến được, đó là một điều kỳ lạ, một trong những mầu nhiệm của lịch trình Cứu rỗi. Chúa Yêsu lại rõ rang muốn nhấn mạnh điều đó : Ta đi “thì ưu phiền tràn ngập lòng các ngươi. Song Ta nói thật với các ngươi …”

Điều đó thật lạ lùng, nhưng một phần nào có thể hiểu được là Chúa Yêsu có ra đi thì mới rảnh chỗ cho Thánh Thần, rảnh chỗ trong lòng Hội Thánh. Vì thật mỉa mai, bao lâu còn thầy được Chúa Yêsu, đoàn người theo Ngài đã còn tiếp tục mân mê, nuôi dưỡng cái mộng quyền hành thế lực chính trị, làm vua làm chúa thiên hạ. Trong đoạn Công vụ đọc trong lễ Chúa Yêsu lên Trời, vẫn lại có cái câu hỏi khốn khổ cho đến phút cuối cùng kia còn trở lại đầu môi các Tông đồ như bởi một chứng ngứa miệng kinh niên : “Lạy Chúa, có phải thời này là lúc Ngài khôi phục lại vương quyền cho Israel không?” (Cv 1,6). Các ông quả là phi thường : sau bao nhiêu chuyện các ông đã nghe, đã thấy, đã tham dự, nhất là sau khi Chúa sống lại, cho đến phút cuối cùng ấy các ông vẫn tỏ ra sẵn ham muốn làm quan hơn là đủ lòng tin vào Chúa Kitô. (Như thế thì ai còn dám tự hào là không bao giờ bị cám dỗ như các Tông Đồ mà lạm dụng danh Chúa, đầu cơ đạo để cũng cố địa vị, để ăn to làm lớn?). Dẫu sao để đáp lại câu hỏi khốn khổ kia, Chúa Yêsu đã rất dứt khoát : không phải quyền thế trần gian sẽ được ban cho họ mà là “quyền năng Thánh Thần đến trên” họ.

Chính quyền năng ấy là quyền năng ngày hôm nay, ngày Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần đã đem đến cho Hội Thánh và chỉ đem đến quyền năng duy nhất ấy, với sức lay động và chuyển thông.

Sức lay động vì Chúa Thánh Thần đã đến “như thể cuồng phong thổi đến, vang dậy đầy cả nhà”. Ghế bàn không bay bổng, tường mái vẫn nằm yên, nhưng lòng người đã được lay động. Người tín hữu đầy Thánh Thần không nhất thiết phải hoàn hảo trong một lúc như thánh nhân đã thành tượng trên bàn thờ. Bảo là các Tông Đồ ngày Hiện Xuống được thay đổi từ đâu đến chân là một chuyện hoang đường. Năm ba năm sau ngày Hiện Xuống, Thánh Phêrô vẫn chứng nào tật nấy, còn có dịp tỏ ra hèn nhát sợ dư luận, khiến Thánh Phaolô đã phải nặng lời chê trách “trước mặt mọi ngươi” (và còn kể lại trong GL 2,14) : “Nếu ông, một người Do Thái, ông còn sống như người ngoại…”. Quyền năng Thánh Thần không phải là để phân phát hào quang trên đầu chúng ta. Quyền năng ấy như cuồng phong đã lay chuyển, xô đổ được thái độ cố thủ của các Tông Đồ, cái óc ăn trên ngồi trước của họ, cái mộng thế lục chính trị của họ. Quyền năng ấy như cuồng phong đã làm bật các ổ khóa, các cửa to cửa nhỏ của ngôi nhà các Tông Đồ ẩn náu, tung họ ra ngoài cái thứ lô cốt hay pháo đài ấy, để họ hai tay không, không gươm giáo (không cả máy khuếch âm, loa phóng thanh) đi vào giữa đại chúng loài người.

Ngày nay vẫn thế, tín hữu đầy Thánh Thần là con người được lay động. Họ có thể mang nặng những thành kiến, yếu đuối, ngờ vực và cả những hèn nhát nữa. Nhưng họ sẽ làm chứng cho quyền năng Chúa Thánh Thần tùy theo mức độ họ chịu để Ngài lay động mà không tự mãn nằm ỳ trong những thành kiến, yếu đuối, ngờ vực, hèn nhát kia.

Họ để lòng mình được Thánh Thần lay động, cảnh tỉnh ngay trong Đức Tin để không thỏa mãn với một Đức Tin hình thức, tiện lợi, làm bằng nhiều công thức, danh từ kêu vang hơn là bằng những mầu nhiệm ăn nhập vào trong đời sống, nhào trộn với mồ hôi nước mắt. Ngay cả trong Đức Cậy để biết cắn răn mà trông cậy vào cuộc đời, khi thời cuộc dồn vào những cảnh tuyệt vọng. Ngay cả trong Đức Mến để không tự ru ngủ mình bằng một thứ tình thương có lề lối công tác vạch sẵn và tính giờ được.

Sức chuyển thông vì như lửa nổ tung tóe trong ngày Hiện Xuống. Lủa không bao giờ thành một món đầu cơ hay độc quyền. Lửa tự phân phát, tự hiến bao nhiêu cũng được mà không phải thiệt thòi gì. Trái lại lửa có lan ra, có tự hiến, tự phân phát mới khỏi tắc nghẹt. Vì thế ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn, đóng hộp Đức Tin không phải là thượng sách để bảo vệ Đức Tin. Đã mang lấy lửa Ngày Hiện Xuống thì bất kỳ giáo đoàn nào, cũ hay mới, đông hay ít, hễ cứ đóng chặt cửa lại, làm thành khối ở trong lô cốt là chỉ có việc chờ ngày tắt thở nếu không phải là đã phản bội bản chất Tin Mừng ngay từ đầu rồi. Chẳng cần đợi bị ai bắt bớ. Vì nói cho ngay, chỉ từ khi Hội Thánh sơ khởi được Chúa Thánh Thần đẩy ra ngoài đường (sống giữa lòng đời, “trong thế giới ngày nay” như được khẳng định từ đầu Hiến chế Mục vụ của Công đồng Vatican II, chứ không phải chỉ giữa lòng Đế quốc Rôma hay giữa lòng dân tộc Do Thái) thì Hội Thánh mới thực sự khiến cho quyền lực thế gian từ công nghị Do Thái đến đế quốc Rôma nghi kỵ và bách hại.

Mãi mãi Hội Thánh vẫn sống động như Ngày Hiện Xuống, và còn làm chứng cho quyền năng Chúa Thánh Thần bao lâu còn có người tín hữu biết rằng mình chỉ được cứu rỗi bằng cách được cứu rỗi với người khác, họ đạo mình chỉ được cứu rỗi bằng cách được cứu rỗi với các làng mạc khu phố xung quanh, cả một Giáo Hội chỉ được cứu rỗi khi nào thoát ra khỏi thái độ tự vệ của một khối, một phe đảng để hòa mình vào đại đồng nhân loại, đón nhận, mời gọi tha nhân không trừ một ai, một hạng người nào vì Nước Chúa giữa trần gian không hề chấp nhận một biên giới nào ngoài não trạng biệt phái của chính những người gọi là có đạo.

Chính vì sức lay động và chuyển thông vô hạn ấy mà Ngày Hiện Xuống đã có cảnh chân thật, đẹp đẽ nhất của Hội Thánh : các Tông đồ, chị một nhúm người vô nghĩa mà đã dám ra đứng giữa “cả đám đông cùng nhau tuôn đến” để làm chứng cho Tin Mừng Chúa Kitô. Được lay động, được đầy lửa Thánh Thần , Phêrô, Yoan, Yacôbê, Anrê, Philip, Tôma, Mát-thêu… tất cả cùng lên tiếng “cao rào những kỳ công của Thiên Chúa”. Đã trở thành cỗ lỗ, đã xa rồi cái cảnh Phêrô tưởng bảo vệ Chúa, bảo vệ nước trời bằng cách hùng hùng hổ hổ rút gươm “chặt phăng mất tai” một tên trong bọn người đến bắt Chúa Yêsu (Mt 26,51 ; Ga 18,10)

Ngày nay Hội Thánh vẫn chỉ có một sức mạnh đặc biệt ấy của mình, tức là “quyền năng Thánh Thần”, vẫn còn được ban từng ngày và mãi mãi cho Hội Thánh. Những cá nhân Kitô hữu cần bảo vệ miếng đất, mảnh vườn của mình, quyền lợi nọ quyền lợi kia của mình, thậm chí mạng sống của mình bằng những phương tiện chính trị, bằng thế lực, lực lượng chính trị đó là chuyện riêng của họ. Nhưng đừng ai nỡ hạ giá Hội Thánh xuống hàng một công ty, một đồn điền cao su và đòi bảo vệ Hội Thánh bằng một sức mạnh nào ngoài quyền năng của Thánh Thần. Ngày mừng Mầu Nhiệm Hiện Xuống hôm nay, lòng tin phải chọn lựa giữa Lời của Chúa, tinh thần Tin Mừng của Chúa và những tính toán của con người, cái chứng ngứa ngáy “vương quyền trên Israel”.

Quyền năng Chúa Thánh Thần là giữa một trần gian điêu đứng vì tội lỗi, chia năm sẻ bảy vì những tư lợi ích kỷ, có một dân vô biên giới đứng lên tuyên xưng hồng ân tha thứ của Thiên Chúa và sống chết trong ơn huệ ấy. Quyền năng Chúa Thánh Thần là giữa thế gian đầy tranh chấp hận thù làm nặng gánh tuyệt vọng của loài người, có một dân vô biên giới đứng lên tuyên xưng Thiên Chúa là Cha và làm chứng cho tình thương của Ngài đối với tất cả mọi người.

Quyền năng của Thánh Thần là một Hội Thánh không bao giờ chịu đóng chặt cửa lại để an hưởng hay cố thủ nhưng ra khỏi mọi tháp ngà, mọi lô cốt để rao truyền Tin Mừng trong tất cả ngôn ngữ Anh, Nga, Trung Hoa, Pháp, Nhật, cho tất cả mọi người. Là một Hội Thánh có thể bị ghét bỏ mà không ghét bỏ ai, có thể bị coi là kẻ thù mà không coi ai là kẻ thù, và nhất là một Hôi Thánh biết tin cậy ở Chúa Thánh Thần, không rụt rè trùm chăn mà dám lăn xả vào giữa cuộc sống muôn mặt của thời đại và thích ứng, tiến tới với thời đại, sống thực sự “trong thế giới ngày nay”.

Quyền năng Chúa Thánh Thần, ngày hôm nay, giờ phút này, vẫn còn được ban cho Hội Thánh, vẫn còn làm sức sống của Hội Thánh. Với những điềm thiêng, dâu lạ, những kỳ công mới mẻ mãi của Thiên Chúa. Không phải là chuyện chuyển núi dời song. Chuyện này từ xưa các Pha-ra-ông của Ai-cập chẳng hạn đã làm được khi trưng dụng hàng vạn nô lệ vào việc phá núi, chuyển đá, dựng lên các Kim tự tháp. Và ngày nay mìn nổ, máy xúc đất, máy hút bùn, cần trục thừa sức làm hơn các Pha-ra-ông. Nhưng không một sức mạnh nào của khoa học kỹ thuật, của quyền lực thế gian làm mềm được trái tim con người đã thành sắt đá, chuyển dời lòng dạ con người từ cõi âm u lạnh nhạt hay hận thù qua miền ánh sang của tình nghĩa, của yêu thương.

Chỉ quyền năng Chúa Thánh Thần, chỉ sức mạnh của lòng tin bằng hạt cát ngày hôm qua cũng như ngày hôm nay có thể khiến một Pha-xi-cô sau khi trút bỏ tất cả chạy nhảy tung tăng khắp các đường phố. Có thể đẩy một cha Kolbe bước lên được mấy bước để lãnh cái chết thay cho một người bạn tù. Có thể đưa một bà cụ trên 80 tuổi như mẹ Tê-rê-sa Calcutta tiếp tục đi hết nước này đến nước khác kể cả Việt Nam, Tp, Hồ Chí Minh này như hồi đầu tháng Tư 1994 để phục vụ những con người khốn khổ nhất. Có thể khiến một Dì Hai Bến Sắn chỉ nắm lấy tay nói một lời là đưa được anh người phong nào đó, “dữ lắm, không vừa ý ai anh cắn, ngay cả đến cảnh sát cũng chịu thua anh” từ chợ Bến Thành trở về trại Bến Sắn. Sau ngày Hiện Xuống, Phêrô “cầm lấy tay phải (người nọ què từ lòng mẹ sinh ra), cho nó chỗi dậy nhảy vùng lên và đi lại được” (Cv 3,1-9) thì cũng đã không làm phép lạ lớn hơn!

Chỉ quyền năng Chúa Thánh Thần, chỉ sức mạnh của lòng tin bằng hạt cát, ngày hôm nay mới có thể khiến từng em bé bẻ đôi chiếc bánh ngọt chia cho bạn mình ở sân trường, từng người hàng xóm vượt qua được khoảng đường hẻm, có khi chỉ rộng một hai mét nhưng sẵn tỵ hiềm cao hơn núi nghi kỵ sâu hơn song, để chào hỏi người hàng xóm ở căn nhà đối diện mình. v.v…

Chúa Thánh Thần cũng là ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Không chỉ là khách quý một Ngày Hiện Xuống mà là đấng thường trực trong Hội Thánh, điều kiện cần và đủ để Hội Thánh mãi mãi còn là Hội Thánh Chúa Kitô :

“Nếu không được Thánh Thần giúp sức cho, không ai có thể nòi rằng : Đức Yêsu là Đức Chúa. Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Thần… Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thánh Thần duy nhất” (1Cr 12,3b-13).

Gs Nguyễn Ngọc Lan

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: