“Hôm nay có thể dùng màu hồng và được sử dụng phong cầm cũng như các nhạc cụ khác” (Những ngày lễ công giáo 1995 – 1996, tt 55-56)
“Hôm nay” là Chủ Nhật IV Mùa Chay, đúng ba tuần sau Chủ Nhật đầu Mùa Chay và đúng ba tuần trước Chủ Nhật Phục Sinh, nghĩa là ngay chính giữa Mùa Chay Thánh. Hội Thánh bỗng muốn hôm nay là một Chủ Nhật tưng bừng sớm. Không phải chỉ với màu hồng lễ phục và tiếng đàn phong cầm. Từ đầu lễ, Hội Thánh cho vang lên lời mời gọi của ngôn sứ Ysaia như một nhật lệnh : “Mừng vui lên, Yêrusalem hỡi… và hân hoan hưởng nguồn an ủi chứa chan” (Is 66,10-11). Lời nguyện nhập lễ lại nêu rõ lý do : “Xin ban cho toàn thể Dân Chúa khắp hoàn cầu được lòng tin sống động để hăm hở đón mừng lễ Vượt Qua sắp tới”.
Mùa Chay là thời gian sám hối, đền tội đặc biệt vì tưởng niệm cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Yêsu. Nhưng không phải chỉ có thế. Mùa Chay chủ yếu là Mùa Vọng Phục Sinh. Người tín hữu không cứ phải chỉ nhớ mình là tro bụi và tối tăm mặt mũi trong tro bụi mịt mù. Trái lại. tâm hồn còn phải “được bừng sáng huy hoàng” (Lời nguyện hiệp lễ) và có “lòng tin sống động” là “hăm hở đón mừng lễ Vượt Qua sắp tới”, đón mừng Chúa Kitô sống lại từ cõi chết và trông mong “xác loài người ngày sau sống lại”. Chủ Nhật giữa Mùa Chay này được phụng vụ gọi là “Chủ Nhật mừng vui lên”.
Niềm-vui-tuy-vậy
Mừng vui là chuyện thường tình trong cuộc sống. Mừng một đám cưới, vui vì một trẻ thơ chào đời, đầy tháng, thôi nôi. Vui vì gia đình trên thuận dưới hòa, mừng vì làm ăn phát đạt hoặc thăng tiến trong nghề nghiệp. Niềm vui của kẻ đã khá giả còn trúng số độc đắc hay niềm vui của người ăn mày không dám đòi hỏi chi hết mà bỗng dưng được đãi xôi gấc hay một tô phở nóng sốt. Vui lớn, vui nhỏ, niềm vui cũng nhiều, cũng đa dạng như những nỗi buồn, nỗi khổ trong cõi người ta.
Nhưng “mừng vui lên” như lời Hội Thánh mời gọi kẻ tin hôm nay không phải là chuyện thường tình. “mừng vui lên” ngay giữa Mùa Chay là thời gian người tín hữu được kêu gọi phải nhìn thẳng vào cái phần sự dữ mang trong mình : tội lỗi, khổ đau và nỗi chết. Đồng thời cũng phải đối diện với tất cả sự dữ trần gian mà Chúa Yêsu đã phải gánh hết, lãnh đủ cho chính mình Ngài, vì chúng ta và thay cho chúng ta. Tóm lại “mừng vui lên” giữa lúc người tín hữu đứng trước tất cả nỗi bất hạnh của loài người và cuộc thụ nạn của Chúa Yêsu.
Nỗi bất hạnh không phải chỉ là văn chương trừu tượng nhưng là những gì rất thật đã từng bấu vào tim gan chúng ta. Nỗi bất hạnh đã từng là nước mắt, từng là xương máu. Nỗi bất hạnh mang một khuôn mặt cụ thể, thân quen của người bạn, người yêu, của vợ, của chồng, của một đứa con, một người mẹ hay của chính mình, khi “nghĩ mình, mình lại thêm thương nỗi mình”. Hoặc mang hàng triệu khuôn mặt của cả một dân tộc này, đất nước họ đang lâm vào cảnh nghèo đói, chiến tranh hay của cả một xã hội đang mất phương hướng, đang băng hoại tinh thần đạo đức. Thậm chí cả khuôn mặt chung của thế giới hôm nay, tuy văn minh tiến bộ hơn bao giờ hết nhưng không sao xóa hết được những vết hằn cũ mà còn để lộ ra thêm những vết thương, những nét dị dạng mới.
Cuộc thụ nạn không chỉ có chiến tranh, cho dẫu là trên những bức danh họa thời Trung Cổ. Cuộc thụ nạn hiện thực và tàn khốc đến nỗi khi chưa nếm thử, Chúa Yêsu chỉ nghĩ tới đã “buồn phiền quá đỗi”, “mồ hôi Ngài như máu nặng giọt rỏ xuống đất” (Mt 26,36-46 và Lc 22,39-46) và khi đã cạn chén, Ngài đã phải kêu lên tiếng kêu như tuyệt vọng nhất của tác giả Thánh Vịnh mà cũng là tiếng kêu tuyệt vọng nhất của loài người : “Êli, Êli lama sabakthani, tức là : Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi ! Nhân sao người lại bỏ tôi ?” (Tv 22,2; Mt 27,46).
Tuy vậy, cứ “mừng vui lên, hỡi Yêrusalem…”. Tuy vậy, hôm nay vẫn “có thể dùng các màu hồng và được sử dụng phong cầm và các nhạc cụ khác”.
Tuy vậy mà niềm vui cứ hồng lên, cứ trổi nhạc quả là nghịch lý, là chướng tai gai mắt nhưng cũng lại là đặc biệt Kitô giáo. Niềm vui Kitô giáo không phải là chuyện thường tình chính vì là niềm-vui-tuy-vậy. Niềm vui Hội Thánh mời gọi phải có ngay giữa Mùa Chay này không phải là thứ niềm vui dễ dãi như loại hạnh phúc tuyệt vời Coca-Cola hoặc hạnh phúc đắm say như Tiger trên màn ảnh truyền hình, lại càng không hề là “thuốc phiện của nhân dân”. Nhưng cứ là Chủ Nhật Hồng giữa Mùa Tím.
Nói cách khác, đây là niềm vui mà chỉ có lòng tin vào Chúa Kitô Sống lại có thể đem đến cho chúng ta, có thể biện minh được mà thôi. Một niềm vui không hề lãng quên mồ hôi nước mắt nhân loại nhưng đảm nhận tất cả mồ hôi nước mắt ấy trong Chúa Yêsu Kitô đã chết mà sống lại.
Chúa trên thập giá cũng là niềm vui
Kitô hữu là Kitô hữu không phải để mà buồn nhưng là để mà vui. Đức Kitô là Chúa trên thập giá nhưng lại là Chúa Niềm Vui. Ngài không xuất hiện như chim báo bão. Ngài không hề là chuyên viên nói gở. Trái lại tất cả những gì Ngài đem lại cho đời, tất cả những gì Ngài nói với đời đều được tóm trong hai chữ : Tin Mừng. Ngài đã chỉ sống để Niềm Vui được công bố, loan báo. Từ lời truyền tin của Thiên sứ Gabriel, từ tiếng ca của thiên thần, thiên binh trong đêm Bêlem cho đến tiếng nói của người thanh niên áo trắng ngồi đợi trong mồ đá. Ngài công bố Niềm Vui của Thiên Chúa : “Trên trời sẽ có vui mừng vì một người tội lỗi hối cải, hơn là vì chín mươi người công chính… “ (Lc 15,6 và Mt 18,3). Và Niềm Vui cho con người : Phúc cho kẻ có tinh thần khó nghèo. Phúc cho kẻ hiền lành, Phúc cho kẻ có ưu phiền, Phúc cho kẻ đói khát công chính, Phúc cho kẻ biết thương xót, Phúc cho kẻ tinh sạch trong lòng, Phúc cho kẻ tác tạo hòa bình, Phúc cho kẻ bị bắt bớ. Những Phúc và Phúc, không biết bao nhiêu là Niềm Vui. Cũng cứ như là những Niềm-Vui-Tuy-Vậy. Vẫn cứ là những Chủ Nhật Hồng giữa Mùa Tím.
Chúa Yêsu không chỉ loan báo, công bố mà còn luôn sống Niềm Vui ấy trong đủ mọi sắc thái, ở đủ mọi mức độ, không đơn điệu. Hãy đến mà xem Ngài đã làm gì tại tiệc cưới Ca-na : Ngài chỉ làm … rượu và rượu hảo hạng cho niềm vui rất thường tình cũng được tràn đầy. Hãy theo Ngài trên những nẻo đường Ngài đi : như các môn đồ của Yoan Tẩy Giả, ai cũng “tai nghe mắt thấy” Ngài cho “mù được sáng mắt và què đi được, phung hủi được sạch, và điếc được nghe cùng kẻ chết sống lại, và người nghèo khó được nghe báo Tin Mừng”. Ngài đi đến đâu là đem Niềm Vui đến đó, nhất là những kẻ bất hạnh nhất, những kẻ “vô phúc” nhất.
Gặp gỡ Ngài, người phụ nữ Samari (Ga 4,1-30), người đàn bà ngoại tình (Ga 8,1-11), “đứa tội lỗi” sa nước mắt đẫm ướt chân Ngài rồi xõa tóc trên đầu cố lau cho sạch (Lc 7,36-50), bà góa thành Naim (Lc 7,11-15), người phụ nữ Canaan (Mt 15,21-28), người phụ nữ bệnh tật từ mười hai năm (Lc 8,43-48) ôi những người phụ nữ tầm thường nhất của cái thời ở phương trời nào thân phận đàn bà con gái đều chẳng đáng là bao hoặc người mù từ thuở bình sinh như trong bài Tin Mừng hôm nay (Ga 9,1-38), hoặc viên ty Trưởng quan thuế thấp bé Zakkhê, nói chi đến những Maria và Martha, những Phêrô, Yoan và Yacôbê, gặp gỡ Ngài ai cũng được biết ngày vui nhất đời họ. Ngày Chủ Nhật Hồng.
Tại sao có Tin Mừng thường xuyên ấy ? Tại sao có niềm vui tỏa lan ấy? Hoàn toàn không phải vì Ngài là một kẻ mộng mơ xa rời cuộc sống thực tế, nhưng chính vì làm người trọn vẹn với con người, giữa lòng thực tại nhân sinh, chia sẻ đắng cay còn hơn ngọt bùi trần thế, Ngài vẫn loan báo nước Thiên Chúa và sự sống lại của Ngài.
Nước Thiên Chúa không còn là một hứa hẹn xa vời nữa. Nước Thiên Chúa đã đến cùng với Ngài. Ngài là Thiên Chúa được ban luôn - không bao giờ đòi lại – cho loài người.
Cả cuộc đời Ngài hướng về sự sống lại. Ngay cả trong giờ phút kề cận cuộc tử nạn và thập giá : “Quả thật, quả thật, Ta bảo anh em : anh em sẽ khóc, sẽ than; còn thế gian sẽ mừng rỡ; anh em sẽ ưu phiền, nhưng sự ưu phiền của anh em sẽ trở thành niềm vui. Đàn bà sinh con thì ưu phiền, vì giờ của bà đã đến; nhưng sinh con rồi thì không còn nhớ cơn khốn quẫn, vì niềm vui là đã có một người sinh ra trên thế gian. Anh em cũng vậy,bây giờ anh em phải ưu phiền nhưng Ta sẽ gặp lại anh em và nỗi vui mừng của anh em không ai giật mất được” (Ga 16,20-22).
Hội Thánh sống và làm chứng cho Niềm Vui
Chính Niềm-Vui-Tuy-Vậy này, Niềm Vui không ai giật mất được nữa là niềm Hội Thánh mời gọi chúng ta tham dự hôm nay. Hội Thánh vẫn sống và làm chứng cho Niềm Vui này một cách kỳ diệu, đặc biệt là thuở ban đầu.
Sách Công Vụ Tông Đồ cũng có thể gọi là sách “Niềm Vui Tông Đồ” hoặc “Hoan Ca Hội Thanh”. Cuộc sống không dễ dàng, không êm ả gì. Các tín hữu thuở ấy thường bị nghi kỵ, bị lùng bắt, bị bách hại, chí ít thì cũng bị gạt ra bên lền xã hội khi chưa phải sống chui rúc dưới các hầm mộ. Họ không có thánh đường cao rộng, không rước sách đình đám. Nhưng họ đã có Niềm Vui không ai giật mất được và không hề giấu diếm Niềm Vui ấy. Niềm Vui ngày Hiện Xuống đã đẩy tất cả ra đường để nói say sưa về Chúa tuy chưa phải là giờ để có thể say rượu (Cv 2,1tt). Niềm Vui “bẻ bánh ở nhà, cùng nhau chia sẻ của nuôi thân, lòng hân hoan dạ đơn thành… “ (Cv 2,46). Niềm Vui của các Tông đồ bị tống vào tù, bị đánh đòn rồi được thả cho về, lai “hân hoan mà bước ra khỏi Công nghị vì đã thấy mình đáng được chịu sỉ nhục vì Danh” (Cv 5,17-41), Niềm Vui của Stêphanô một thân một mình đứng trước đám đông đang “tức uất lên và nghiến răng chống lại ông” thì lại được đầy Thánh Thần mà hào hứng nói : “Này tôi thấy các tầng trời mở ra và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa” (Cv 7,54-56). Rồi Niềm Vui trong một thành xứ Samari, khi “được nghe và thấy các dấu lạ Philip làm” mà “người người vui mừng, hớn hở” (Cv 8,6-8). Cũng như ở Antiôkia xứ Pasidia, được nghe Phaolô rao giảng Tin Mừng cho họ, “người ngoại mừng rỡ và ca tụng Lời Chúa” (Cv 13,13-49). Viên hoạn quan sau khi được Philip rửa tội bên đường, “không còn thấy ông đã tiếp tục hành trình lòng vui sướng” : hẳn Niềm Vui sẽ còn theo viên hoạn quan mãi trong hành trình cuộc sống vì ông sẽ mãi mãi được “thấy” Chúa Kitô là Ai (Cv 8,6-39). Trong cả đế quốc Rôma ngạo nghễ kiêu xa, đã có một chõ “bừng sáng huy hoàng” nhất thì cũng là một chỗ bất ngờ nhất : ngục giam Phaolô và Sila ở thành Philip vào lối nửa đêm. Động đất các cửa mở toang, viên cai ngục run lẩy bẩy nhưng rồi lại cùng mọi người trong nhà ông đón nhận Tin Mừng, chiu thanh tẩy. Thế là ông đưa Phaolô và Sila “lên nhà ông, cho dọn bàn ăn, và hân hoan với cả nhà vì đã được tin vào Chúa” (Cv 14,15-34).
Cũng có thể “lần chuỗi” Niềm Vui như vậy trong cuộc đời và các thư của Thánh Phaolô. Không mấy ai có thể làm chứng cho Niềm Vui bất khuất và bất tận như Phaolô. Lời tâm sự trong Thư gửi các tín hữu Philip như đã đủ để tóm lại tất cả : “Mà nếu phải đổ máu hòa dâng với hy sinh lễ tế của lòng tin nơi anh em, thì tôi vui mừng và cùng vui với anh em hết thảy. Cả anh em nữa cũng vậy, hãy vui mừng và hãy cùng vui mừng làm một với tôi” (Pl 2,17-18).
Tin cũng là vui
“Cả anh em nữa cũng vậy…” Nhưng “hãy vui mừng” thôi chưa đủ. Niềm Vui tín hữu không phải là niềm vui đột xuất, niềm vui xuân thu nhị kỳ, niềm vui theo thời vụ. Niềm Vui “hoa quả của Thần Khí” (Gl 6,22) cũng là niềm vui trường kỳ, gắn liền với Đức Tin. Tin từ Chúa Yêsu Kitô luôn là Tin Mừng. Đón nhận Tin Mừng, Kitô hữu tin cũng là vui, không thể nào khác được, và trong bất cứ cảnh ngộ nào, không gì, không ai giật mất được Niềm Vui ấy. Cho nên Phaolô còn nhấn mạnh thêm trong thư gửi tín hữu Philip : “Anh em hãy luôn vui trong chúa ! Tôi xin lập lại, hãy vui mừng ! “ (Pl 4,4).
Chúng ta có thể không cần kêu tên cực trọng hay làm dấu Thánh Giá liên hồi để chứng tỏ mình là Kitô hữu. Nhưng không thể không luôn luôn đánh dấu đời sống đức tin của mình bằng Niềm Vui. Thế kỷ trước, một triết gia vô tín đã thách thức cả một thế hệ Kitô Giáo có lẽ phần nào đã lây nhiễm bệnh buồn lãng mạn mênh mang xung quanh : “Ít nữa là các người, các người là những kẻ tin mình được sống lại, các người hãy cho chúng tôi thấy mặt mũi sống lại của các người đi chứ”. Ngày nay thế giới tiến bộ vượt bực về khoa học kỹ thuật nhưng loài người vẫn cứ phải đương đầu với những bi kịch tầm vóc hành tinh, chiến tranh, thiếu đói, mù chữ, dịch bệnh. Từng người vẫn cứ phải đối diện với cô đơn đau khổ, nỗi chết. Dán mắt suốt ngày vào màn ảnh truyền hình hay máy vi tính, người ta có thể lấy làm thú vị, được khuây khỏa giải trí, nhưng đâu đã được gì hơn sự giải trí đào thoát mà Pascal đã thấy rõ từ thế kỷ XVII. Niềm Vui đích thực không xuất hiện trên màn ảnh máy vi tính cũng như thời Pascal đã không thể gặp được trong rừng khi triều đình tổ chức đi săn. Xung quanh chúng ta, trong khu xóm, tại chỗ làm việc, ở ngoài đường, thiên hạ không thách thức chúng ta như triết gia vô tín nọ, nhưng người người vẫn có quyền tìm nơi ánh mắt chúng ta chút gì của Anh Sáng Phục Sinh, và trên môi chúng ta nụ cười kín đáo mà bất tận của lòng tin Chúa Kitô sống lại.
Cuộc sống người tín hữu có là Mùa Tím triền miên thế nào đi nữa thì ngày nay - tuy vậy - vẫn phải là Chủ Nhật Hồng. Trong bất cứ cảnh ngộ nào, Niềm Vui cũng phải phản ánh Lòng Tin. Niềm Vui thuộc về căn cước, cốt cách Kitô hữu. Niềm Vui còn thuộc về sứ vụ của Hội Thánh. Hẳn không phải là tình cờ mà hiến chế mục vụ của Công Đồng Vatican II bắt đầu và được gọi bằng hai chữ Gaudium et Spes, Vui mừng và Hy vọng. Loan báo Tin Mừng, Hội Thánh cũng trực giữ Niềm Vui cho thế gian năm chìm bảy nổi mà vẫn được Thiên Chúa yêu thương. Cho tới khi Chúa lại đến
CHỦ NHẬT HỒNG GIỮA MÙA TÍM
Nguyễn Ngọc Lan
(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:
www.suyniemloingai.blogspot.com
www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )
No comments:
Post a Comment