Hồ Công Hưng
Kể từ ngày (28.12.1853) Giuse H’mur, người dân tộc trưởng thành đầu tiên được cha thừa sai Combes rửa tội tại làng Bahnar Kon K’Xâm bên bờ sông Đakbla (Kontum), số Kitô hữu người bản địa Tây Nguyên không ngừng gia tăng. Năm 1932, khi Giáo phận Kontum được thành lập bao gồm các tỉnh Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột và Attopeu (Lào), số tín hữu người dân tộc đã gần 19.000 so với khoảng 6.000 giáo dân Kinh (1) và đến nay con số đó đã lên hàng trăm ngàn ở riêng hai tỉnh Kontum và Gia Lai, chưa kể các tỉnh khác của Tây Nguyên và các vùng có người dân tộc sinh sống, và không kể con số đông Kitô hữu Tin Lành cũng tăng lên nhanh chóng những năm gần đây. Theo lời linh mục Trần Sĩ Tín, trong Sứ vụ Gia Rai, vào thập niên cuối của thế kỷ qua, nghĩa là từ năm tấn phong các thánh tử đạo VN 1988, “bổng nhiên tất cả các dân tộc ít người trên đất nước VN đều đứng lên tìm theo Chúa” (2). Hành trình đi tìm Chúa của bà con vùng cao nầy đã gặp muôn vàn khó khăn thử thách do những xáo trộn xã hội phát sinh từ sự đột biến dân số cũng như do sự e ngại và đố kị của quyền lực. Con số đông tín hữu người dân tộc thiểu số không những đã làm cho giáo hội VN phát triển mà còn đem lại sức sống tươi trẻ và sắc thái độc đáo cho đức tin Kitô giáo của chúng ta. Những ai từng tiếp cận các tín hữu người dân tộc và tìm hiểu đời sống đức tin của họ, đều cảm nhận được những giá trị Tin Mừng trong môi trường văn hoá đặc thù như một sự chuẩn bị của Chúa Thánh Thần cho những con người hèn mọn nghèo khổ đón nhận Ơn Cứu độ. Và thiết nghĩ đã đến lúc phải trả lại sự thật và công bằng cho những người anh em thấp cổ bé miệng này.
1. “Hạt giống Cựu ước” đã được gieo từ lâu trong lịch sử và văn hoá Tây Nguyên
Cách đây trên 150 năm, những người giáo dân Kinh từ duyên hải miền Trung được thầy Sáu Nguyễn Do (1823-1872) đưa lên Kontum cùng các vị thừa sai là cộng đồng người Việt đầu tiên sống giữa rừng núi hoang vu và giữa đa số đồng bào các dân tộc Bahnar, Jarai, Xêđang…còn bán khai. Và một khi đã đặt chân lên xứ Thượng, họ cũng không bao giờ có cơ hội trở lại quê cũ do giao thông quá cách trở. Vì thế nổi lo đánh mất bản sắc dân tộc của mình đã làm cho họ cố giữ những phong tục tập quán của tổ tiên, đồng thời có thái độ tự tôn của những người “văn minh” đi khai hóa và đem “đạo thật” cho những kẻ man di mọi rợ. Tiếc rằng, sau Công đồng Vatican II nửa thế kỷ, thái độ coi thường thậm chí miệt thị đối với những người anh em đồng đạo người dân tộc vẫn tồn tại nơi một số giáo dân Kinh. Thật ra, từ lâu lắm rồi Thiên Chúa đã hiện diện với cư dân bản địa Tây Nguyên trong nền văn hóa ngàn đời của họ và Người đã yêu thương họ (3), chuẩn bị cho họ đón nhận Tin Mừng Cứu độ.. Bản chất người dân tộc là con người tôn giáo, luôn cảm nhận quyền lực của Thần linh (Yang): Thần linh có mặt khắp nơi, thấu hiểu mọi sự, có khả năng chi phối đời sống con người và vạn vật.
Đầu tháng 8 năm 1955, linh mục Jacques Dournes, vị thừa sai đầu tiên được gửi đến miền Jarai tại một làng dân tộc giữa rừng già Cheo Reo. Khi tự mày mò học tiếng nói và tìm hiểu phong tục tập quán ở đây, nhà truyền giáo người Pháp này đã khám phá ra trong nền văn hoá bản địa độc đáo nhiều nét gợi lại việc Thiên Chúa chuẩn bị cho người Do Thái trong Cựu Ước đón nhận Ơn Cứu độ. Trong cuốn sách nổi tiếng “Thiên Chúa yêu thương dân ngoại”, ông đã thừa nhận: “Càng tìm hiểu môi trường nầy, tôi càng cảm thấy bất lực không thay đổi được gì. Đưa họ trở lại đạo là việc của Chúa còn việc của tôi là để cho Người rộng đường hành động” (4). Các vị thừa sai sau nầy cũng đã ví lịch sử và văn hoá của đồng bào Tây Nguyên như thời Cựu ước của dân Do Thái xưa.
Cô Nguyễn Thị Diễm Ly, một giáo dân gốc Huế, từng sống cùng với cộng đồng Jarai ở Chư Sê (Gia Lai) một thời gian dài trên 10 năm, đã nghiên cứu và trình bày mối liên hệ giữa một số phong tục của đồng bào Jarai với các phép bí tích của đạo công giáo (như Thanh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể, Hoà Giải, Truyền Chức v.v…) trong luận văn thạc sĩ của mình tại Viện Xã hội học Á châu, Manila, Philippine (5). Chỉ xin đơn cử mối tương đồng về ý nghĩa giữa “Phép Dìm” (xuống nước) với Bí tích Thanh Tẩy: Người Jarai “dìm nước” để xoá bỏ tội lỗi, để tẩy uế và để minh oan. Do mối tương đồng đó mà các thừa sai miền Jarai giữ lại nghi thức “dìm nước” khi cử hành lễ Nhập đạo cho các tín hữu người dân tộc Tây Nguyên để giúp cho họ cảm nhận được dễ đàng Ơn tái sinh làm con cái Chúa, có thể nói hơn cha ông người Kinh chúng ta xưa kia.
Chính nền văn hóa do cha ông để lại là con đường dẫn dắt đồng bào dân tộc đến gặp Chúa và đón nhận Chúa là người Cha từng yêu thương họ mà họ chưa được biết. Và khi gặp Chúa, họ thêm lòng tự hào về nền văn hoá của mình và tìm được hạnh phúc trong niềm tin mới dù cuộc mưu sinh hằng ngày có vất vả trăm bề.
2. Sức mạnh tiềm ẩn của con người tâm linh khi ngọn bếp lửa bùng lên
“Những con người tưởng chừng chỉ hành động vì miếng ăn thường nhật này, còn có những mối lo toan và một tư tưởng cao lớn hơn nhiều, khi ngọn lửa trong bếp bùng cháy” (6).
Nhìn cảnh các em bé Thượng đeo chiếc gùi nặng trĩu từ tờ mờ sáng lủi thủi đi theo mẹ ra chợ bán từng bó rau má, đọt bí ngô để kiếm 5, 10 ngàn hay người thanh niên đen đủi lưng trần đứng trên chiếc thuyền độc mộc vãi lưới cả buổi trời trên khắp mặt sông Đak Bla để bắt chút ít cá tép cho bữa cơm đạm bạc hằng ngày…, nhiều người nghĩ đơn giản đồng bào Tây Nguyên chỉ biết vất vả với cái ăn cái mặt tầm thường, có lẽ không khác bao nhiêu con gà bươi móc trong vườn tìm hạt đậu hạt lúa để sống. Nhưng những kẻ đó lại trở thành con người khác khi màn đêm buông xuống, khi ngọn lửa bếp bùng lên, lúc mà công việc nương rẫy đã chấm dứt, trâu bò về chuồng, trẻ con đã ngon giấc… và bên ngoài căn nhà sàn là bóng đêm đen bao phủ núi rừng, nơi dường như đang có những thế lực rình rập hảm hại con người. Còn bên trong nhà sàn, ngọn lửa bếp bùng cháy rọi những bóng người chập chờn trên vách phên. Chính trong không gian nầy, một con người khác nơi đồng bào dân tộc, con người tâm linh đã trổi dậy khi già trẻ nam nữ quây quần quanh bếp lửa nghe kể khàn, một thứ sử thi đầy huyền thoại của cái thời u u minh minh xa xưa. Nói đúng hơn, họ không chỉ nghe mà còn sống kết hợp thật sự với nội dung của câu chuyện được một người già kể bằng một giọng đều đều từ đêm nầy qua đêm khác…
Trong môi trường tâm linh như thế và với cuộc sống an phận, không bon chen, tranh giành lợi lộc thế gian, khi được đón nhận Lời Chúa, những người anh em dân tộc cũng dễ dàng tin và sống Lời Chúa hơn người văn minh chúng ta nhiều. Cũng như đối những con người hoàn toàn vô sản này thì mầu nhiệm Nước Trời của Tin Mừng có một ý nghĩa rất sâu sắc và đem lại cho họ niềm hy vọng vô cùng lớn lao. “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ vì Cha anh em đã vui lòng ban nước của Người cho anh em” (Lc 12,32).
Từ đó chúng ta mới hiểu được vì sao những anh chị em tín hữu ở các làng xa trong rừng núi vẫn có thể giữ vững niềm tin của mình, dù có gặp rất nhiều khó khăn trở ngại. Đặc biệt đồng bào dân tộc theo đạo Tin Lành, trong mấy mươi năm không thấy bóng dáng vị mục sư nào, nhưng vẫn một lòng tin Chúa và luôn tuân thủ các lề luật khắt khe đôi khi trái với tập quán lâu năm của minh như không hút thuốc, uống rượu v.v…
3. Những hình ảnh gợi nhớ các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên trong lịch sử Giáo hội
Tại Tây Nguyên, trong một thời gian dài, người dân bản địa chỉ biết có cộng đồng làng (plei, buôn). Vì thế giữa những thành viên cùng một làng, luôn có mối quan hệ gắn kết hầu như huyết thống. Khi có ai đó mổ thịt một con dê, con heo hay con bò thì người ta chia thịt thành từng phần đủ cho tất cả dân làng, còn phần người chủ không lớn hơn bao nhiêu. “Không ai bị quên trong cuộc chia phần thân ái đó và, từ đứa trẻ còn bú vú mẹ cho đến người già đáng kính nhất đều có phần bằng nhau” (7). Các trẻ em ngay từ nhỏ cũng đã được rèn luyện theo tinh thần cộng đồng như thế..
Phải chăng đó là lòng bác ái của cộng đoàn tín hữu Kitô giáo đầu tiên trong lịch sử Giáo hội? Khi dân làng theo đạo Chúa thì lòng bác ái đó được nâng lên cao hơn theo đúng Tin Mừng của Chúa. Trong các làng nầy, đặc biệt ở vùng dân tộc Bahnar, đến mùa giáp hạt, khi thấy nhà nào sáng sớm không có người giã gạo trên hiên nhà sàn, có nghĩa là nhà đó đã hết gạo ăn, thế là các gia đình khác đem chia sẻ phần gạo của mình.
Trong công cuộc truyền giáo tại Tây Nguyên, số linh mục, tu sĩ quá ít như các tông đồ và môn đệ của Chúa xưa kia, nên từ cộng đoàn xuất hiện nhiều người, nam hay nữ, tham gia công việc chung một cách tự nhiên, không mang danh nghĩa nào, cũng không được ai chỉ định hay bầu bán. Họ là những người mù chữ, cảm nghiệm được Lời Chúa nên đứng lên hướng dẫn cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa, có người còn sáng tác những bài thánh ca theo âm điệu Tây Nguyên bằng những lời tâm tình làm kinh ngạc các thừa sai từng giảng dạy họ. Họ sống như những tín hữu thời sơ khai của Giáo hội, luôn sẵn sàng can đảm làm chứng cho đức tin của mình. Còn tại các làng theo đạo lâu năm, nằm sâu trong rừng núi, linh mục không được phép lui tới, bà con vẫn tiếp tục giữ vững đức tin cũng nhờ các giáo dân được cộng đoàn tín nhiệm để hướng dẫn mọi sinh hoạt tôn giáo trong làng.
Trong những năm khó khăn, trước những ngày lễ trọng như Giáng Sinh, Phục Sinh, Hiện Xuống v.v…, từ các làng ở xa không thể có lễ, bà con tín hữu, vợ chồng con cái, già trẻ lớn bé, từng đoàn kéo nhau đi bộ về nhà thờ chính toà như đi trẩy hội, mặc cho sự đe doạ, ngăn cản của quyền lực. Họ thực hiện cuộc hành hương về nhà Cha chung để xứng tội, tham dự canh thức và thánh lễ, tương tự hình ảnh những người Do Thái xưa cùng đi về đền thánh Jerusalem, được ghi lại trong Kinh Thánh.
Còn trong những dịp lễ đặc biệt, các tín hữu thuộc mọi dân tộc từ nhiều buôn làng tề tựu về tham dự thánh lễ bằng 4 thứ tiếng (Kinh, Bahnar, Jarai, Xơđang) với tiếng cồng chiêng, một thánh lễ gợi nhớ Ngày Chúa Thánh thần Hiện Xuống trong Công Vụ Tông Đồ.
4. Thiên Chúa đã làm nhiều việc lạ lùng chứng tỏ lòng yêu thương của Người
“Lạy Cha là Chúa tể Trời Đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25).
Trong “Sự vụ Jarai, khi nhắc đến hiện tượng người dân tộc ít người đứng lên tìm Chúa, linh mục Trần Sỹ Tín khiêm tốn thừa nhận: “Xin đừng gán cho chúng tôi công cuộc trở lại nầy! Chúng tôi chỉ quen biết có hai ba làng ở gần chúng tôi thôi, chứ không phải 89 làng có người đến với chúng tôi như bây giờ. Mà những người ở gần chúng tôi lại trở lại chậm và ít hơn những người ở xa! Lại còn phía Chereo-Tơlui có cả 150 làng, cũng chừng đó phía Pleiku, Măng Yang, Chư Prong, Chư Pah… Chúng tôi đâu có biết người Khơmer, người Stiêng, Mơnông, Raglai, Churu, Eđê phía Nam, người Chăm, người Bahnar, Xơđang, Jẽh, Bru… Chúng tôi đâu có biết người Mường, người Hơmông… phía Bắc! Ấy thế mà họ đều đứng lên tìm Chúa, tìm đạo!” (8).
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Số linh mục ở Tây Nguyên quá ít, các làng lại rải rác trên một diện tích quá rộng và đường giao thông lại rất khó khăn, đặc biệt trong mùa mưa, công việc truyền giáo đã được sự tiếp sức nhiệt tình của các tân tòng người dân tộc. Những người anh em tín hữu nghèo khổ ít học này đã trở nên công cụ tuyệt vời của Chúa Thánh thần là Đấng được Giáo Hội tôn vinh là “Cha những kẻ nghèo hèn” (Pater pauperum). Người đã chọn dùng những kẻ nghèo hèn để làm một việc lớn là loan báo Tin Mừng Cứu độ cho những kẻ nghèo hèn.
Cũng như cách đây hơn một thế kỷ, để có người tiếp tay phục vụ dân Chúa, linh mục Martial Jannin, sau này trở thành vị Giám mục tiên khởi (1933-1940) Giáo phận Kontum, đã có sáng kiến thành lập trường đào tạo các Yao Phu. Đây là một mô hình độc đáo của miền truyền giáo Tây Nguyên và công trình của Chúa Thánh Thần. Lý do cha Jannin đưa ra là công cuộc truyền giáo ở đây cần có một đội ngũ cộng tác viên người dân tộc: họ dễ dàng gần gũi và giao tiếp với đồng bào họ hơn các thừa sai ngoại quốc hay người Kinh (9).
Sáng kiến đó đã gặp nhiều sự phản đối vì cho là không tưởng. Làm sao đưa con em người dân tộc vốn thích sống tự do từ trong rừng sâu đem về “nhốt” trong một trường nội trú với đủ thứ luật lệ gò bó và thúc ép phải học hành? Rồi trường Kuénot đã được hình thành năm 1905 và cho đến năm 1975, đã đào tạo hàng ngàn Yao Phu,. Sau khi tốt nghiệp, họ trở về làng cũ, lập gia đình và sống giữa bà con như môt người dân bình thường. Trong những năm chiến tranh ác liệt cũng như trong thời gian khó khăn nhất, hàng giáo sĩ mới thấy được đội ngũ Yao phu nhiệt thành và trung kiên là một hồng ân lớn lao Chúa ban cho miền Tây Nguyên để giữ gìn đức tin của những đồng bào dân tộc hèn mọn nghèo khổ.
Nghe hay đọc các chứng từ rất mộc mạc mà sống động của nhiều tín hữu người dân tộc (10), chúng ta thấy Thiên Chúa tiếp tục làm những điều lạ lùng để chứng tỏ Người yêu thương con cái của Người. Đức tin của người Kinh chúng ta thường quá duy lý, coi những phép lạ Chúa làm như là những chuyện của thời xa xưa trong Kinh Thánh mà quên rằng quyền năng của Chúa luôn thể hiện cho những kẻ thật sự tin Người. Bởi vì đối với người dân tộc đơn sơ chất phát, tin theo Chúa là ký thác hoàn toàn vào lòng yêu thương của Chúa. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn tuyệt vọng (đau yếu bệnh tật, thiếu thốn…) họ đều trông cậy nơi Chúa bằng lời cầu nguyện: cả nhà cầu nguyện, cả xóm cầu nguyện, cả làng cầu nguyện và Chúa đã ra tay ban cho họ nhiều ơn lạ lùng. Họ “có phúc vì tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người nói” (Lc 1.4)
5. “Chúng mình đều là con cái Chúa hết mà!”
Trong cuộc hội thảo “Sống đạo theo cung cách Việt Nam” do Ủy Ban Giám Mục đặc trách giáo dân tổ chức tại Huế tháng 4/2004, đoàn Giáo phận Kontum giới thiệu chứng từ của một số tín hữu người dân tộc, trong đó có ông Pêtrô Tơch, xuất thân từ trường Cuénot, Yao phu làng Mang La, xã Ngọc Bày (Kontum). Khi biết ông có đứa con trai đầu lòng lên là Pierre Tis đang là linh mục phụ trách một giáo xứ ở ngoại ô Paris (Pháp), nhiều sơ đến chào và chúc mừng “Ông cố”. Ông Tếch đã đáp lại theo kiểu người dân tộc: “Cố, cố, cái gì? Chúng mình là con cái Chúa hết mà!”. Âu cũng là bài học cho nhiều “ông cố”, “bà cố” thích được tôn vinh trước người đời mà không nghĩ rằng ơn được gọi làm linh mục, tu sĩ chỉ có thể là hồng ân Chúa ban cho.
Theo tín ngưỡng cổ truyền của hầu hết các cư dân bản địa Tây Nguyên, có một Đấng tối cao, nhân từ, vĩnh hằng, là tinh thần thuần túy, đứng trên các Yang (Thần), được gọi là Ndu hay Ae Die… Con người không được phép kêu tên Ngài, không thể trực tiếp cầu khấn với Ngài (11). Đồng thời, các dân tộc Tây Nguyên cũng đều có tập tục “kết nghĩa cha (mẹ) con” (krao bă (mẽ) kon) được thực hiện bằng nhiều nghi thức khác nhau tùy theo bộ tộc nhưng bao giờ cũng có rượu và máu của con vật hiến tế (heo, dê, gà...). Đó là một giao ước liên kết hai người một cách bền vững như huyết thống. Khi trở thành Kitô hữu, người dân tộc hiểu rằng nhờ Máu Cứu chuộc của Chúa Kitô con Thiên Chúa mà mình được kết nghĩa Cha con với Người, cũng là Đấng tối cao, nhân từ, vĩnh hằng. Nhờ sự kết nghĩa đó con người dù hèn mọn nghèo khổ cũng được gọi Người là Cha và cầu xin với Người điều mình cần giúp. Vì thế các tín hữu người dân tộc cảm nhận một cách sâu sắc ân huệ lớn lao được làm con cái Chúa và mọi người thuộc các dân tộc đều là anh em một Cha trên Trời, kể cả người Kinh (der Yoan) là những kẻ mà người dân tộc thường rất e ngại. Kinh Lạy cha mà họ đọc “Ớ Bă nhôn mă oei tơ plẽnh”, là nguồn động lực củng cố niềm tin của họ, đặc biệt trong các thánh lễ có nhiều đoàn tín hữu từ khắp nơi tham dự.
Trước đây, đồi núi và sông suối ngăn cách làng nầy với làng khác khiến các bộ tộc sống gần như cô lập, tạo nên nhiều phương ngữ đa tạp, có khi dân hai làng cùng một bộ tộc nhưng lại không hiểu nhau. Ngày nay, đường giao thông dễ dàng giúp tạo nên sự giao tiếp rộng rải giữa nhiều thành phần dân tộc. Các cuộc hành hương hay đại hội như La Vang, Thánh Thể…qui tụ đông đảo giáo dân từ nhiều miền của đất nước là dịp rất tốt thể hiện tình hiệp thông giữa đoàn con cái Chúa, có tác động mạnh mẽ đối với đức tin của những tín hữu người dân tộc tham dự và có ảnh hưởng đến cả các cộng đoàn trong các buôn làng xa xôi hẻo lánh.
6. “Thuốc phiện” của đồng bào dân tộc hay sự nhẫn nhục cam chịu vì Nước Trời?
Theo Karl Marx, “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” vì tôn giáo ru ngủ các tín đồ bằng cách dạy họ phải biết cam chịu những bất công ở đời nầy để được hưởng hạnh phúc đời sau. Thiết nghĩ điều nầy cũng đúng một phần đối với đa số đồng bào dân tộc Tây Nguyên, bởi vì hơn bao giờ hết, người bản địa Tây Nguyên đang phải chịu thân phận nghèo khổ, nạn nhân của nhiều bất công xã hội. Người dân Jarai ngày nay thường than thở: “Lon ta abih rai, dlai ta abih ram, gơnam-tam abih rơngă!” (Đất tàn, rừng nát, của cải tiêu tan). Rừng, nguồn cung ứng cho mọi nhu cầu vật chất cũng như tinh thần, bị tàn phá vô tội vạ, đất đai màu mỡ bị thu hẹp do việc mở rộng các nông trường, quyền sở hữu của cộng đồng làng không được thừa nhận (12). Chưa hết, buồng chuối, luống khoai hay rẫy bắp của bà con đến ngày thu hoạch có thể bị đám người di dân từ đâu đến lấy mất ban đêm mà không biết kêu ca kiện cáo với ai được. Con bò nuôi thả ven rừng, cũng có thể bị kẻ xấu dắt vào rừng xẻ thịt bỏ bao chở đi bán không biết chừng. Đó là chưa kể đến nhiều vụ trao đổi mua bán lừa đảo lớn nhỏ mà người dân tộc bao giờ cũng là nạn nhân.
Thân phận thấp cổ bé miệng đó đã làm cho đồng bào dân tộc đành phải sống cam chịu. Chính trong hoàn cảnh đó, người dân tộc tin theo Chúa, cảm nhận được tình thương của Chúa, dù mình nhỏ bé hèn mọn bị bỏ rơi. Những người dân tộc mắc bệnh cùi bị đuổi vào rừng sâu, nắm co rút trơ trọi trong căn chòi lá rách nát, cũng tìm được niềm an ủi vì tin rằng Chúa yêu thương mình và sẽ thực hiện lời Người hứa: “Phúc thay ai hiển lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Phúc thay ai sầu khổ vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an… Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của ho…” (Mat 5,1)
Hoàng đế Napoléon từng coi tôn giáo là phương tiện giúp ổn định xã hội, vì người dân luôn sợ làm điều ác trái với đạo, cũng giống như ở phương Đông gian dân có quan niệm sống ăn ngay ở lành làm phước để đức cho con cháu. Còn đồng bào dân tộc tin Chúa nên nhẫn nhục cam chịu mọi bất công vì nước Trời. Vì thế cho rằng tôn giáo là nguyên nhân gây ra những biến động xã hội ở Tây Nguyên là luận điệu tuyên truyền dường như không thuyết phục được ai. Thiết nghĩ các kẻ không tin tưởng gì hết vào đời sau mới là những người đang đục khoét phá hoại đất nước nầy hơn ai hết.
Thay lời kết: Xin trả lại sự thật và công bằng cho niềm tin của các dân tộc Tây Nguyên
Trên đây chỉ là vài nét phát họa sơ sài về đời sống đức tin của những anh chị em dân tộc Tây Nguyên, nhưng có lẽ cũng đủ cho những người giáo dân Kinh chúng ta suy nghĩ về niềm tin của bản thân mình. Nói theo từ ngữ dễ hiểu của người dân tộc, “trong trường học của Chúa Kitô”, theo “thang chấm điểm” (barème) của Ngài, khác xa cách đánh giá của loài người chúng ta, có lẽ các tín hữu người dân tộc đứng trên chúng ta một hai bậc, là đàn anh đàn chị của chúng ta về mặt đức tin. Theo ghi nhận của các thừa sai miền Jarai, trong các buổi chia sẻ Lời chúa, có cả giáo dân Kinh tham dự, người hướng dẫn tự phát thường không phải là ông bà “đạo gốc”, “đạo dòng”, mà là một tân tòng Jarai nghèo khổ ít học. Trong tinh thần đó, chúng ta không ngạc nhiên khi một thánh nữ ít tuổi đời và học hành không bao nhiêu như Têrêsa Hài Đồng, lại được tôn vinh là Tiến sĩ Hội thánh và Bổn mạng các nhà truyền gíáo.
Đối với những người cầm quyền cai trị, thiết nghĩ cũng đến lúc trả lại sự thật và công bằng cho niềm tin tôn giáo của đồng bào dân tộc chúng ta ở miền rừng núi. Niềm tin đó không thể mua chuộc bằng của cải vật chất, lại càng không thể áp đặt bằng quyền lực, bởi vì thứ đức tin như thể không thể bền vững lâu dài. Ai cũng biết, niềm tin tôn giáo là quyền thiêng liêng của mỗi người mà pháp luật ở đâu cũng phải tôn trọng và bảo vệ. Và kẻ đáng bảo vệ trước nhất phải là những người yếu đuối bị thiệt thòi hơn hết. Hy vọng đã qua rồi cái thời mà trong dịp lễ Giáng sinh, các nhà thờ ở các thành phố lớn được khuyến khích trang hoàng đèn hoa rực rỡ trong khi tại các làng hẻo lánh trong rừng núi, tín hữu người dân tộc lại bị ngăn chặn cấm cản không cho đi dự lễ.
Xin đừng quên, trong tâm thức đơn sơ chất phát của người dân tộc, chỉ có ma quỷ mới tìm mọi cách ngăn chặn họ theo đạo Chúa, một đạo giúp họ sống kết hợp với Thần thánh, ăn ở tốt hơn với đồng loại, biết nhớ ơn ông bà tổ tiên, từ bỏ các hủ tục mê tín dị đoan cũng như luôn cố gắng giữ gìn và truyền lại cho con cháu tinh hoa văn hóa cha ông để lại.
Chúng ta đã có Viện Nghiên cứu Tôn giáo, các học giả ở đó có thừa khả năng và đầy đủ phương tiện tìm hiểu thấu đáo và trung thực đức tin của đồng bào dân tộc cũng như công cuộc truyền giáo Tây Nguyên để trước hết không còn có những cuốn sách viết về Tây Nguyên với cách suy diễn vô căn cứ xúc phạm nặng nề đến niềm tin của đồng bào dân tộc. Thứ đến và quan trọng hơn, để giúp cho những người hoạch định chính sách tôn giáo đối với miền Tây Nguyên có được cái nhìn công bằng và hợp với sự thật hơn.
__________________________
(1) Theo số liệu trong tập “Đường truyền giáo Tây Nguyên, 1848-1998”, Giáo phận Kontum phát hành 1998
(2) 35 năm Sứ vụ Gia Rai, DCCT-VN, 10/1969-10/2004, tr. 7
(3) Xem Jacques Dournes, Dieu aime les paiens (Thiên Chúa yêu thương dân ngoại), NXB Aubier, Paris 1963
(4) Sách nói trên, tr. 59-62
(5) “Cultural Recovery and Development Work as a Process of Self-Empowerment among Jarai people in Chưsê”. Manila 7/2003
(6) Jacques Dournes, Populations montagnardes du Sud-Indochinois (1950), bản dịch “Miền đất huyền ảo” của Nguyên Ngọc, NXB Hội Nhà Văn, 2003, tr. 410.
(7) Sách vừa dẫn, tr. 78
(8) Sứ vụ Jarai, tr. 7-8
(9) Xem tham luận của Lm Nguyễn Văn Thượng “Bôl Yao phu Giáo phận Kontum, Công trình của Chúa Thánh Thần” trong Hội thảo “Sống đạo theo cung cách Việt Nam”, 2004 tại Huế.
(10) Tài liệu hội thảo “Sống đạo theo cung cách Việt Nam”, 2004, tr.177-196
(11) Miền đất huyền ảo”, tr. 317-318
(12) Sứ vụ Jarai, tr. 121
Wednesday, 8 July 2009
VÀI CẢM NHẬN VỀ ĐỨC TIN KITÔ GIÁO
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment