Wednesday, 15 July 2009

CON NGƯỜI KHÔNG PHẢI LÀ THẦN THÁNH

Trần Ngọc Báu
LỜI NÓI ĐẦU :
Đó đây, thỉnh thoảng, khi gặp chuyện tréo cẳng ngỗng, có người nói, tôi nói, bạn nói: «Ừ, người mà! Con người đâu phải là thần thánh!» Tôi biết chắc, trong vài trường hợp đặc biệt, không ít người đồng ý với câu nói đầu môi ấy. Tuy nhiên, trong đời sống hôm nay và trong suốt lịch sử nhân loại, người ta vẫn tỏ ra rất ái ngại, ngượng ngùng phải chấp nhận câu nhận xét thông thường trên. Đối với nhiều người, có khi nó trở nên chói tai gai mắt, khinh miệt, sỉ nhục nữa là khác.
Hôm nay, tôi xin phép lạm bàn về vấn đề khó khăn và tế nhị này, một vấn đề thoạt tiên trông có vẻ hiển nhiên, nhưng lại nhức nhối đối với người lớn và khó nghe với người đạo hạnh. Riêng với người công giáo, có đúng là người con Chúa cũng phải làm người như mọi người, hay nhất thiết phải làm thần thánh? Để giúp làm sáng tỏ vấn đề, tôi sẽ bàn đến những chuyện được mọi người biết và gọi thẳng thừng con mèo là con mèo, mỗi khi cần.
MỘT PHONG TRÀO THỜI THƯỢNG: TÔ HỒNG NHŨ HOA
Ta thử lấy một trường hợp có thật, cho dù có vẻ «thô tục», để làm đề tài phân tích và trao đổi cho dễ. Số là vào đầu tháng 8 năm nay, tờ báo Tiếp Thị Việt Nam (do tờ Người Việt ghi lại) cho thấy các bà các cô Sàigòn bây giờ cũng biết rỉ tai nhau về một dịch vụ làm đẹp “thời thượng”: tô hồng nhũ hoa! Báo này kể rằng khi biết chồng mình gần đây đã “lập thiếp” (có «bồ nhí») ở bên ngoài, chị K.L. (Quận Tân Bình) không ghen tuông “ồn ào” như những “nhi nữ thường tình” khác. Chị tâm niệm: muốn “bách chiến bách thắng” thì phải “tri kỷ tri bỉ” (biết mình biết người). Thế là những ngày cuối tuần, khi chồng còn đang giao du bên ngoài thì chị đến các thẩm mỹ viện để làm một cuộc cách mạng “chỉnh đốn” nhan sắc, trong đó có việc “tô son” cho “điểm nhấn” của đôi gò bồng đảo. Chị muốn nhắn khéo chồng chị về sự “lo lắng thầm lặng” của mình trước nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc gia đình.
Còn cô Mai H., một nhân viên tiếp thị, chỉ đơn giản muốn “nó” tươi tắn thêm một chút để thấy... tự tin hơn trước người chồng sắp cưới. Vì cô nghe nói không ít các ông chồng còn dựa vào màu sắc của “nó” để đánh giá... thời con gái của người vợ. Thì ra, chuyện làm hồng núm vú tưởng chừng chỉ có bên Tàu, nay bỗng nhiên phát triển “rầm rộ” tại các mỹ viện, đặc biệt ở Sài Gòn. Theo tờ báo Tiếp Thị Việt Nam, có thể với một số người, đó là điều kém tế nhị hoặc chẳng ích gì. Nhưng, với những ai có nguy cơ bị thất sủng trong quan hệ vợ chồng, chuyện “nó”... không được hồng hào cũng là một vấn đề thực sự đáng lưu tâm. Các ông chồng đâu phải là thần thánh, họ cũng là người như ai mà!
CÁC ÔNG CHỒNG CŨNG LÀ NGƯỜI NHƯ AI, NHƯNG…
Trước cung cách các bà đối xử với đức ông chồng mình, hay với đàn ông con trai, như nói trên, ta có thể thấy ít ra có 3 cách định mức về «phẩm giá làm người» rất khác nhau. Thứ nhất, người đạo đức thì rất lấy làm buồn cho cái thời «toàn cầu hóa» đưa đẩy một số người phụ nữ VN ngày nay đua đòi ăn diện, đánh mất những đức tính nền nếp cổ truyền của người con gái Việt Nam. Thật vậy, tục ngữ ta có câu : «tốt gỗ hơn tốt nước sơn», «đẹp nết hơn đẹp người». Hơn nữa, «cái nết đánh chết cái đẹp» nữa là khác! Các nhà mô phạm ấy nghĩ rằng các bà này «no cơm dửng mỡ», đú đa đú đởn làm đẹp, để rồi chính cái đẹp đĩ thõa ấy cũng chẳng làm cho người phụ nữ ra cái thể thống gì hơn. Theo họ, các bà quá lố lăng khi chỉ nghĩ đến việc dùng tấm thân ngọc ngà của họ làm cái mồi để quyến rũ đàn ông con trai. Theo họ, cái phận đàn bà là phải giữ cốt cách của người con gái có «công dung ngôn hạnh». Chồng có bị bùa mê lú lẩn, đi lang chạ đây đó, rồi thì trước sau gì cũng sẽ trở về với người vợ đức hạnh của mình. Bởi vì, theo họ, dù là ông hay bà, làm người trước tiên phải là người đức hạnh và biết yêu quí đức hạnh. Cứ gì phải làm dáng, sửa sắc đẹp, tô hồng nhũ hoa, thì mới thu hút được đức ông chồng!
Cách đánh giá thứ hai là của hạng người được xem là kinh nghiệm già dặn, sành sõi ở đời. Hạng người này nói thẳng thừng rằng không có người đàn ông nào là không mê nhan sắc, như tục ngữ có câu: «hoa đâu, bướm đấy» , «của chua ai thấy chẳng thèm». Do đó, họ cho rằng người phụ nữ có quyền làm cho tấm thân mình nên đẹp, hấp dẫn, để thu hút đức ông chồng và cầm chân ông khỏi đi lang chạ. Vâng, người đàn bà cũng là người như ai, đâu phải là thần thánh! Không lẽ mỗi lần có chuyện, bà cứ lồng lộn xắn quần xắn váy lên chửi cha «cái con đĩ ngựa nào đó dám chim chồng ba, liệu hồn có ngày bà tạt ác-xít vô mặt cho biết chừng»! Chẳng lẽ tối tối bà cứ lại toe toét hăm he, bâm dầm, đay nghiến, chửi rủa đức ông chồng cho hàng xóm biết tay bà, rằng «cái con đĩ ngựa ấy là cái thớ gì mà ông ăn dầm nằm dề, chết mê chết mệt với nó chớ; này, có giỏi thì xách đồ tới ở với nó luôn đi, đừng vác cái mặt u mê đần độn lú lẩn ấy về cái nhà này nữa!». Quả vậy, theo những kẻ sành đời nói đây, ghen tuông ồn ào kiểu này bị coi là hạ cấp, chẳng lợi lộc gì, cũng chẳng giải quyết được gì, trái lại, còn có thể làm tan nát hạnh phúc gia đình. Thượng sách là các bà cứ nhởn nhơ làm đẹp cho nghiêng nước nghiêng thành, cho bạn bè hàng xóm lé mắt lộn tròng hết đi, và rồi ngang nhiên khôi phục lại địa vị làm vợ của mình. Theo họ, đó là hạng đàn bà siêu đẳng, sành điệu, thức thời, bảo đảm được hạnh phúc gia đình, mà còn được tiếng là cao sang, rộng lượng, bao dung đối với đức ông chồng của mình nữa. Đúng vậy, chồng bà cũng là người như ai thôi, đạo hạnh cũng có mà bê tha cũng là chuyện thường tình!
Thứ ba, những người tin vào đặc tính siêu việt của con người thì cho rằng cái thứ đàn bà chỉ biết chú trọng đến những quyến rũ của xác thịt thì không bao giờ giúp chồng con sống cho ra nguời có lý tuởng, và giúp cho gia đình có được hạnh phúc thanh cao, siêu thoát, sung mãn về tinh thần được. Bởi bao nhiêu tiền bạc và thì giờ của họ đều dành cho những thú vui thấp hèn, những cái đẹp chóng qua, và cứ thế mà lao hút vào cái vòng lẩn quẩn của kiếp người trầm luân không lối thoát. Chính cái xu huớng đề cao những quyến rũ xác thịt của các bà ấy sẽ đưa đẩy đức ông chồng của họ trước sau gì rồi cũng lại đi tìm những lạc thú mới, những cảm giác lạ, những «bồ nhí» có tấm thân nõn nà hấp dẫn hơn hẳn các bà. Thay vì chạy chữa căn bệnh tận gốc, các bà ấy chỉ xoa xoa bóp bóp ở ngoài da thôi. Những người chủ trương nói trên cho rằng mỗi người sinh ra không phải để hưởng lạc thú, mà để thực hiện một sứ mệnh cao cả của mình trên đời này. Thực vậy, theo họ, con người có sứ mệnh thánh thiên là giúp mình và kẻ khác xây dựng một xã hội loài người đáng sống xứng với phẩm giá làm người cao cả của mình, để rồi sau khi qua khỏi đời tạm này thì sẽ được hưởng phúc lạc ở đời sau. Vì thế, họ đánh giá các bà đua nhau sửa sắc đẹp và tô hồng núm vú là hạng người chưa biết sống cho ra nguời… Dĩ nhiên, theo họ, đàn ông con trai hẳn nhiên cũng là người như ai, chớ đâu phải là cái thứ súc vật như các bà tưởng!
CON NGƯỜI LÀ MỘT CON VẬT CÓ KHẢ NĂNG TỰ TẠO
Như ta thấy đấy, đối với một trường hợp cụ thể như việc «tô hồng nhũ hoa» của các bà, mỗi người có thể nhìn theo quan điểm của mình và ít ra đã có đến 3 cách đánh giá rất khác nhau. Theo người này, làm người là phải có tâm hồn siêu việt; theo người kia, làm người là phải đạo đức. Còn theo người nọ, làm người là phải biết sống với thực tế của đời người: «ăn theo thuở, ở theo thì», «một trăm con lợn cũng chung một lòng» thôi.
Có điều là tất cả những phản ứng ấy đều có đặt cơ sở trên quan niệm về «phẩm giá làm người» của họ. Thực ra, tuy không nói ra, ai cũng nhìn nhận đời sống con người rất gần với đời sống con vật. Cũng sinh ra, bệnh tật, già yếu và chết đi như mọi con vật. Như vậy, suy cho cùng, con người cũng gần bằng con vật; có hơn chăng là hơn về cái «phẩm cách» làm người, tuy cách thẩm định có khác nhau. Dù sao, ngay trên bình diện «phẩm cách», cái trớ trêu là có khi con người còn tồi tệ hơn cả con thú nữa. Chẳng hạn, khi muốn mạt sát ai, thì người ta sẵn sàng hạ người đó xuống hàng súc vật : «Cái đồ chó đẻ, đĩ ngựa!». Và khi cần cạnh tranh với tình địch của mình, người ta không ngần ngại dùng đến bạo lực, như tạt ác-xít vào mặt, vào thân người ấy để họ phải thân bại danh liệt suốt đời. Nhìn qua nhìn lại, trong suốt lịch sử nhân loại, người ta thấy, nơi con người, cái qui luật mạnh được yếu thua, ăn miếng trả miếng, dùng đòn vũ phu hiểm độc để hại nhau, hay dùng khủng bố, chiến tranh để tiêu diệt nhau còn ác độc gấp triệu lần cầm thú. Trong trường hợp ấy, con người tự hạ mình xuống dưới hàng cầm thú, và tệ hơn nữa là dưới hàng ác thú vậy.
Đến đây, ta có thể quả quyết một cách chắn chắn rằng độc nhất chỉ có con người mới là con vật biết đặt vấn đề «phẩm giá». Mà cái gọi là «phẩm giá» ấy hoàn toàn tùy thuộc vào chính con người. Nói cách khác, chính con người có tự do xây dựng hay hủy hoại phẩm giá đời mình. Đó là cái phẩm giá mà mình tự tạo ra cho mình, chớ không vay mượn, chấp vá từ ngoài. Chẳng hạn, người lực sĩ chỉ có giá khi tự mình cố công tập luyện để thành đạt một kỷ lục thể thao nào đó. Bằng nếu vay mượn một sức lực bên ngoài, như uống một liều thuốc cường kích («doping»), để lập công, thì cái công ấy coi như không có vậy. Chính vì vậy, cái điều quan trọng trên hết, đó không phải là cái bực thang «phẩm giá» cao thấp con người tự đề ra cho mình hoặc được ai đó trao ban, mà chính là cái quyết tâm sử dụng sự tự do định đoạt đời mình để tự tay xây dựng cho mình một đời sống có phẩm giá, vượt lên trên những định luật thiên nhiên có sẵn trong thân phận mình. Khả năng tự tạo này nằm trong bản tính đặc thù của con người, mà không một con vật nào khác có được!…
Trở lại trường hợp «tô hồng nhũ hoa» ở trên, ta thấy quan niệm con người ta «phải biết sống với thực tế đời người» không sai, nhưng khiếm diện. Thực vậy, các bà làm cho người ta có cảm giác rằng sắc đẹp của các bà là lá bùa hộ mạng duy nhất, và son phấn là liều thuốc cường kích có hiệu nghiệm tuyệt đối trên đức ông chồng! Thực ra, không ai cấm các bà làm đẹp, nhưng nhan sắc chỉ là một trong những yếu tố làm người. Có quyết tâm làm chủ và xây dựng đời mình, các bà sẽ không cần phải đi vay mượn đâu cả, nhưng tự mình khai thác những yếu tố tự tại nơi mình thuộc lãnh vực tình cảm, hiểu biết, đạo đức hay tâm linh vô cùng phong phú, mà các bà không biết hay không muốn biết để dùng đương đầu với các thử thách sáng tạo đời mình. Cũng vậy, các nhà chủ trương lấy đạo đức và tâm linh làm trọng, thì thật là quá đẹp; nhưng làm như quên rằng những yếu tố cao trọng ấy, nếu không được chứng nghiệm trong cuộc sống hiện thực của bản thân, thì cũng chỉ là những thứ trang sức hoa hòe, mồ mả tô vôi, tiếng trống tiếng kèn inh ỏi thôi… Họ sẵn sàng chê các bà làm đẹp, nhưng có biết rằng kẻ khác cũng chê họ sống trên mây, hay làm con đà điểu chui đầu xuống cát, hoặc ngoan cố bám víu vào một số giá trị đã lỗi thời?
Tóm lại, «phẩm giá làm người» không là một cái gì bẫm sinh, cố định, hay tự nhiên thành, như có người lầm tưởng. Quả thế, con người sinh ra tất nhiên là người và có quyền làm người như ai, nhưng chưa có gì bảo đảm con người ấy có «phẩm giá làm người»! Cái phẩm giá này cũng chưa hẵn tùy thuộc ở cấp bực hơn kém có sẵn trong xã hội, xét về mặt quyền lực, danh vọng, tiền bạc, tài trí, đạo đức, sang hèn, tốt xấu, v.v., bởi những cái có sẵn ấy vẫn có thể là những thứ vay mượn, như tấm áo nhà tu khoác vào thân, hay như một thứ thuốc cường kích rẻ tiền. Như vậy, «phẩm giá làm người» cốt yếu ở tại cái khả năng sáng tạo chính mình, khả năng tự tạo cho mình một chỗ đứng làm người trong thiên hạ từ cái thân phận long đong của mình. Chỗ đứng ấy là của mình, mang sắc thái riêng của mình, chớ không «đứng chung» một «chỗ đứng» với người khác (điều này không thể xảy ra, theo luật vật lý) hoặc mượn sắc thái của người khác làm của mình.
THỰC RA, CÓ THÂN THÌ KHỔ, CÓ KHỔ MỚI NÊN THÂN
Đến đây, ta thử trở về kho tàng văn học dân gian để tìm hiểu xem ông bà ta xưa nay nghĩ gì về con người và phẩm giá làm người. Được biết, tục ngữ ca dao Việt Nam nhận xét dài dài trên rất nhiều lãnh vực cụ thể rằng con người rất đa dạng, rất khác nhau về tính khí, như nói «bá nhân bá tính» (trăm người, trăm tánh). Còn khi nhận xét về cái «gốc» của con người, hay nói cách khác là cái «thân phận làm người», thì dân gian chỉ thấy đơn thuần có một, và xác nhận một cách rất hồn nhiên, mộc mạc, không mặc cảm hay úp mở, nghe rất dễ thương:
Làm người có miệng có môi,
Khi buồn thì khóc, khi vui thì cuời.
Theo kinh nghiệm ngàn đời của dân gian, cái thân phận làm người ấy rất «long đong» và tùy thuộc rất nhiều yếu tố, có khi cố định có khi bất định:
Đói rụng râu, sầu rụng tóc.
Người có lúc vinh lúc nhục,
Nước có lúc đục lúc trong.
Thế thì, theo quan niệm dân gian, cái gì thực sự làm cho con người nên người và có phẩm giá, nếu chẳng phải là cái việc chấp nhận thân phận làm người «long đong» như mọi người, và từ đó mà cố công kiên trì xây dựng lên mãi cái «thân» mỏng giòn của mình. Tục ngữ có câu :
Có thân thì khổ,
Có khổ mới nên thân.
Từ khi dám đứng thẳng trên hai chân mình, dám nhìn thẳng và chấp nhận cái «thân phận làm người» ba chìm bảy nổi của mình và chịu lận đận lao đao làm cho nó «nên thân», con người ta mới thật sự có quyền ngửng mặt lên trong trời đất với cuộc sống do mình làm ra cùng với những con người khác có cùng thân phận như mình. Từ đó, người ta mới có thể thông cảm sâu xa thắm thía cái thân phận của bà con láng giềng, đồng hương, đồng bào, đồng loại cũng là những người «đồng hội đồng thuyền» với mình, như mình. Tự nhiên, người ta dễ hiểu và chấp nhận câu phương châm:
Thương người như thể thương thân.
Quả vậy, cái gọi là «người ta» không phải là kẻ nào xa lạ với ta, mà chính là kẻ có cùng một thân phận làm người đầu đen máu đỏ như ta, giống ta, và cũng phấn đấu để làm người như ta. Như thế, theo ông bà ta, thương người không nhất thiết là một hành động cao cả, vĩ đại, vượt quá tầm sức con người, mà thực ra là một hành động đầy «tính người», đầy «nhân đạo», vì rốt cuộc thương người cũng giống như thể thương thân thôi. «Máu chảy ruột mềm», đó chính là «lòng nhân», một tấm lòng xem ra rất có giá đối với người dân Việt. Cái «lòng nhân» này mới đáng giá hơn tất cả những phẩm giá làm người nào khác, vì nó là kết quả của một quá trình đấu tranh gian khổ để làm người…cùng với mọi người.
CON NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC TẠO DỰNG LÀ THẦN THÁNH
Đến đây, ta thử xét xem Đạo Chúa dạy gì về con người và về phẩm giá làm người. Theo cách nhìn của người tín hữu kitô-giáo, thân phận con người xem ra rất là bi thảm, còn bi thảm hơn rất nhiều so với cách nhìn dân gian của người Việt Nam. Thực vậy, trước mặt Chúa, con người sinh ra là cát bụi, đốn hèn, tội lỗi, và phải chịu án phạt đời đời nếu không biết sám hối, trở lại thần phục Chúa, và được Chúa tha thứ và đón nhận lại trong tình thương bao la của Người. Số là, theo niềm tin kitô-giáo, vào thuở tạo thiên lập địa, Thiên Chúa đã tạo dựng con người từ cát bụi «theo hình ảnh Chúa», chớ không hề tạo dựng một vị thần thánh nào ở vào chỗ con người. Trái lại, nguyên tổ loài người đã không muốn làm người mà lại muốn làm thần thánh, ngang bằng với Chúa, nên tự đầy đọa trong thân phận phản nghịch, nô lệ tội lỗi của mình, và tất nhiên đã đánh mất cùng một lúc cái địa vị nguyên thủy làm người và làm con Chúa, để rồi trở về với thân phận cát bụi. --Từ cái thuở ban đầu nổi loạn ấy, xu hướng muốn làm thần thánh vẫn cứ ấm ức đeo đuổi và ám ảnh con người.--Nhưng phúc thay, về phía Thiên Chúa, Người không bỏ rơi con người trong thân phận tôi đòi, mà đã đi bước trước, tự hạ mình đến làm hòa lại với con người ngỗ nghịch, bằng cách sai chính Con Một Chúa xuống thế làm người, «sinh ra bởi một người nữ » (Gal 4,4)[1], «mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế» (Pl 2,7). Thực vậy, để cho con người dễ cảm nhận được lòng mình, Thiên Chúa tỏ lộ tình thương của Người một cách cụ thể đối với con người, trong một «thân phận làm người» có xác thân và chịu mọi điều kiện thử thách của người có xác thân, để có thể xót thương, cảm thông, chia sẻ với mọi thân phận gian truân của con người tội lỗi, đồng hóa một cách thiết thân với loài người tội lỗi, và vì đó phải bị xử chết nhục nhã trên thập giá bởi bàn tay độc ác của chính kẻ Người thương yêu và muốn cải hóa. Qua nếp sống trần thế của Con Một Chúa là Chúa Giêsu Kitô, con người có thể thấy được, hiểu được, tin và cảm nhận được «lòng nhân» của Thiên Chúa, và được mời gọi dùng chính «lòng nhân» mình có để đền đáp lại. Ngôn ngữ nhà đạo gọi việc Thiên Chúa đến làm người để cải hóa lòng người cứng cỏi là một «Ơn Cứu Độ» đối với nhân loại, đặc biệt với những ai cảm nhận, tin theo và đền đáp lại.
Có điều đáng chú ý là chính Thiên Chúa đã không dùng quyền phép vạn năng của Người để áp lực con người phải cải hóa, hay biến hóa con người thành con Chúa. Người đã không làm điều đó từ trời cao. Con Chúa giáng thế cũng không phải để làm điều đó. Quả vậy, Con Chúa giáng thế làm người không phải để dùng quyền năng của Người lôi kéo con người ra khỏi «thân phận làm người» của mình. Chính Chúa Cha cũng không dùng quyền năng để vực Chúa Giêsu ra khỏi thân phận làm người, khi mà Người chịu đói tả tơi trong 40 ngày ăn chay trong sa mạc chẳng hạn, hay chịu kinh hãi đến toát mồi hôi máu trong Vườn Cây Dầu đang khi run rẩy van xin Chúa Cha nếu được thì cất chén đắng khổ nạn này đi, hoặc đau khổ đến mức kêu lên thảm thiết «Lạy Cha, nhân sao Cha bỏ con» trước khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá.
Trái lại, Chúa tôn trọng con người đến mức để cho con người tự giác ngộ và tự tạo lấy cuộc sống mới bắt đầu từ việc chấp nhận thân phận làm người của mình và vui lòng «vác thánh giá» như Chúa Giêsu và theo gương xả thân vì lòng yêu thương như Chúa. Đúng vậy, «có thân thì khổ, có khổ mới nên thân.» Chính vì người tín hữu vẫn phải làm người như mọi người và vẫn phải tự mình xây dựng đời mình trong quá trình «thương người như thể thương thân» , thì mới đáng gọi là đồ đệ của Chúa Giêsu, kẻ đã chấp nhận làm người và cùng chia sẻ mọi khổ hạnh với người đói khổ, bệnh tật, tội lỗi, v.v.
LÀ NGƯỜI, CON NGƯỜI MỚI ĐƯỢC MỜI GỌI «NÊN THÁNH»
Dù sao, Đạo Chúa còn đi xa hơn cái mức «thương người như thể thương thân» . Bởi có một Niềm hy vọng lớn lao mà Đạo Chúa đem lại cho con người là, từ nay, với Lòng Tin Yêu nơi Chúa Giêsu, con người tin chắc được chia sẻ cùng một thân phận với Con Chúa, là được quyền làm con cái của một Cha Chung trên trời, bất chấp con người đó là kẻ sang người hèn, kẻ đạo đức người tội lỗi, kẻ cao siêu người hạ cấp, kẻ nam người nữ, kẻ da trắng người da màu. Tuy nhiên, để được thật sự làm người con Chúa, Chúa Giêsu đòi buộc mọi người phải nỗ lực tự mình xây dựng cái «phẩm giá làm người» của mình theo tiêu chuẩn Chúa đề ra là «yêu người như mình vậy». Yêu mọi người như mình, như Chúa đã làm, để có thể nguyện cầu Thiên Chúa như Người dạy là «Lạy Cha chúng con ở trên trời».
Thực vậy, cần phải nhớ nằm lòng là Con Chúa làm người không phải để hóa phép biến con người thành «thần thánh», nhưng để tha thiết mời gọi con người «nên thánh ». «Nên thánh » như chính Chúa giêsu đã dạy: «Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.» (Mt 5,48). Sự «hoàn thiện» mà Chúa Giêsu nói đây chủ yếu có nghĩa là có lòng nhân từ thương yêu đối với mọi người, như mới dạy trước đó rằng: Anh em hãy yêu thương hết mọi người, kể cả kẻ thù mình, thì «như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.» (Mt 5,45). Như thế, theo quan niệm kitô-giáo, lòng yêu người («lòng nhân») được nâng lên thành một điều kiện tiên quyết để con người được thật sự trở nên người con Chúa, hay nói cách khác được «nên thánh».
Trở lại với quan niệm dân gian của người dân Việt, ta thấy người ta có lập bàn thờ trong nhà để thờ kính ông bà tổ tiên, và có lập bàn thờ trong đình làng để thờ kính đấng thánh sáng lập thôn làng. Việc thờ kính này nhằm tỏ lòng biết ơn, hiếu thảo, hơn là nhằm tôn sùng các bậc tiền bối như là một đấng siêu quần, thần thánh. Cũng vậy, trong dân gian có nói đến những vị anh hùng, nhưng không coi họ là xuất chúng đến mức thành thần thánh như chuyện thần thoại về Thánh Gióng . Tựu trung, người anh hùng, theo quan niệm dân gian, cũng là người và là người biết chấp nhận những truân chuyên ở đời để giữ trọn nhân nghĩa:
Gừng già, gừng rụi, gừng cay;
Anh hùng càng cực càng đầy nghĩa nhân.
Còn trong kitô-giáo, có những vị được chính thức nhìn nhận là thánh nhân sau khi chết, cốt là để dùng làm gương sống đạo cho người sau noi theo. Ở Việt Nam cũng có 117 vị được phong thánh tử vì đạo. Nói như vậy, trong Giáo Hội Công Giáo không chỉ có chừng đó thánh nhân mà thôi. Theo lòng tin của người tín hữu, mọi kẻ chết trong ơn nghĩa Chúa đều được Chúa đón nhận vào Nước Trời, tức là thành thánh. Thánh Phaolô cũng từng gọi những tín hữu còn sống (người chính thức lãnh nhận quyền làm con cái Chúa bằng phép Rửa) là những thánh nhân. Như vậy, xin nói cho rõ, «thánh nhân» trong kitô-giáo có nghĩa là người đã «nên thánh», hoặc đang đi trên đường «nên thánh», theo tiêu chuẩn đặt ra bởi Chúa Giêsu nói trên, chớ không phải là người đã trở nên «thần thánh».
ƠN PHÙ TRỢ CỦA CHÚA KHÔNG PHẢI LÀ BÙA PHÉP
Khi các vị thừa sai ngoại quốc đến truyền đạo tại Việt Nam, các vua chúa ta lúc bấy giờ cứ tưởng rằng các Ngài đem bùa phép đến dụ dỗ, quyến rũ, mê hoặc con dân đi theo tà đạo của người Tây Dương, làm hư đi con người lương thiện và làm hạ phẩm giá làm người của con dân. Rồi cứ thế mà vua quan nhà ta cấm đạo, bắt đạo. Hằng ngàn, hằng chục ngàn, hằng trăm ngàn người có đạo đã bị kỳ thị, cấm cách, bách hại. Trong tình thế ấy, cái gì làm cho những người tín hữu lúc bấy giờ vẫn một lòng trung thành với đạo? Theo đạo để được no ấm, bao che, an ninh, huởng nhiều lợi lộc này khác chăng? Không, trái lại là khác, suốt mấy thế kỷ, từng từng lớp lớp người theo đạo… để rồi chịu mọi nỗi gian khổ không bút nào tả xiết. Họ chấp nhận «có thân thì khổ, có khổ mới nên thân», và họ sẵn sàng chịu khổ «vác thánh giá» như Chúa, theo Chúa. Họ chịu khổ được vì họ tin ở Chúa Trời, chính là Ông Trời cao xa mà dân gian đã có truyền thống tin tưởng từ lâu đời rồi, nay họ mới được biết là rất gần gũi và có «lòng nhân» đối với loài người. Như vậy, ông bà ta tin Chúa không phải là do bùa phép, mà là do ơn phù trợ của Chúa đến hỗ trợ lòng tin có sẵn ấy.
Có chắc là ơn phù trợ của Chúa không phải là bùa phép có sức cải hóa con người? Thế thì tại sao lúc nào trong đạo người ta cũng nghe nói đến chữ «phép»: «làm phép», «phép rửa», «phép giải», «phép giao», «phép thánh», y như có cái gì như bùa phép vậy? Thực ra, «làm phép» là một «danh từ nhà đạo» có nghĩa là làm một dấu chỉ bề ngoài để ám chỉ một ơn sủng nhận được bên trong con người. Chẳng hạn như «phép hôn phối» được làm cho thành tựu, khi người nam và người nữ ra trước bàn thờ Chúa và có sự chứng giám của cộng đồng tín hữu (hay giáo hội) để thề thốt thật lòng muốn dấn thân kết nghĩa với nhau trọn đời và xin sự chúc lành của Chúa. Như vậy là, khi đôi nam nữ làm cử chỉ bề ngoài ấy, thì chắc chắn có được ơn phù trợ của Chúa trong tâm hồn của đôi tân hôn.
Tựu trung, «phép» này không có gì là bùa phép giống như thể cầu trời cầu phật úm ba la biến hai người nam nữ bỗng dưng thành vợ thành chồng, bất chấp họ có muốn hay không. Trái lại, chính vì hai người này có công khai tuyên bố muốn thành vợ chồng trước mặt Giáo Hội mà Chúa mới chấp nhận và ban phúc lành trên họ. Nếu hai người này không có ý muốn dấn thân cam kết thành vợ thành chồng, chắc chắn «phép hôn phối» nếu có làm thì cũng coi như không có, nghĩa là không thể nào thành tựu. Các «phép bí tích» khác cũng đều có một ý nghĩa và điều kiện phải có sự tự do tham dự của con người thì mới thành tựu. Hơn nữa, cho dù «phép hôn phối» đã thành, thì không có gì bảo đảm là đôi vợ chồng sẽ sống đời với nhau, nếu họ không tiếp tục dấn thân thực hiện những điều họ cam kết.
Bởi vì ơn phù trợ của Chúa không phải là một cái gì từ bên ngoài ghép vào, như một thứ thuốc cường kích có sức áp đặt sự thay đổi nơi con người, nhưng là một sự hiện diện thân thương trong lòng người như một sinh lực mới, mà không thay đổi gì bản tính con người và nhất là vẫn không ảnh hưởng quyết định vào sự tự do định đoạt của con người. Bằng chứng là người tín hữu kitô-giáo (giáo sĩ, tu sĩ, cũng như giáo dân) chịu hằng hà «phép bí tích» mà vẫn còn là người với thân phận làm người mỏng giòn, yếu kém, long đong như mọi người, và vẫn có thể vi phạm (hay tái phạm) nhiều điều bất nhân, thất đức như ai, kể cả khi đã nỗ lực phấn đấu để tránh vấp phạm những điều ấy. Nên nhớ, một đàng là họ có muốn «nên thánh» hay không; và đàng khác, dù họ có muốn đi nữa, họ vẫn còn là người yếu đuối như mọi người phàm. Bởi thế, chỉ có Chúa mới có thẩm quyền xét đoán và bắt tội thôi. Nếu lúc còn hiện diện bằng xác thân nơi trần thế, Chúa Giêsu Kitô không loại bỏ những người thâu thuế, những kẻ tội lỗi ra khỏi vòng giao du thân mật và lòng yêu thương của Người, thì chuyện gì người tín hữu kitô ngày nay lên án những kẻ vấp phạm chung quanh mình chớ. Hóa ra họ muốn những con nhà có đạo phải sống giả dối với mình, với người anh em và với Chúa hay sao? Tục ngữ VN có câu: «Ăn mặn nói ngay, hơn ăn chay nói dối».
Cái đáng buồn là nhiều người có đạo vẫn vỗ ngực tuyên xưng rằng Chúa đã làm người, đang khi, ngược lại, chính họ lại muốn làm thần thánh, hoặc muốn khoác cho được cái áo thần thánh vào người! Và, vì thế, khi sợ bẽ mặt về trách nhiệm của mình, người ta cứ lôi Chúa ra làm «bia đỡ đạn» cho mình. Chẳng hạn, ăn thì tôi được vinh quang, còn thua thì rằng Chúa muốn như vậy; con hư, thì bảo là Chúa gởi thánh giá; làm ăn thất bại, thì nói Chúa chưa cho mình làm giàu; thi rớt, thì cho rằng Chúa không nhận lời cầu xin; nhắm mắt làm liều, bảo rằng đã có Chúa lo liệu! Cái não trạng này cho thấy nhiều người tín hữu kitô-giáo có xu hướng hoặc sống ươn hèn và ỷ lại vào quyền lực thần thánh của Chúa, hoặc coi thường thân phận làm người mỏng giòn của mình để rồi không dùng những biện pháp thích ứng để hướng dẫn đời mình.

DƯ LUẬN HAY NÓI ĐẾN NHỮNG VẤP PHẠM CỦA GIÁO SĨ
Trong thời gian gần đây, tôi mang nhiều cái tang trong lòng, do những tin buồn nhận được gần nhà cũng như từ khắp nơi đến, thúc đẩy tôi viết bài này. Cái đáng buồn là có người lợi dụng thị hiếu «ham biết» của người ta để loan tin về những vấp phạm của giáo sĩ. Điều này cho thấy lâu nay người ta có xu hướng coi giáo sĩ là bậc «thần thánh». Tại Mỹ và nhiều nước khác chẳng hạn, tới tấp có tin nhiều linh mục đó đây có lạm dụng tính dục với trẻ con nơi xứ đạo của mình, mà các Tòa Giám Mục trước đó đã cố tình bưng bít để tránh gây xì-căng-đan bất lợi cho Giáo Hội. Rồi mới đây, có tin các chủng sinh một giáo phận công giáo bên Áo đã có truy cập những hình ảnh con nít khiêu dâm cũng như vi phạm về chuyện đồng tính luyến ái. Nói ngay, trong lịch sử Giáo Hội, không thiếu gì những trường hợp vấp phạm động trời hay thầm kín trong số hàng giáo phẩm, tu sĩ hay giáo dân. Chính giáo dân mới là những người vi phạm nhiều nhất những điều cấm đoán và gấp bội lần hàng giáo phẩm và tu sĩ, mà dư luận gần như không hề nói đến họ với tư cách là giáo dân.
Tuy nhiên, trong cái đáng buồn này có cái may là giúp ta xét lại xu hướng thần thánh hóa trong Giáo Hội. Mới đây, trên trang nhất báo La Liberté của Thụy Sĩ, số ra ngày thứ sáu 17/09/2004, có chạy hàng tít lớn : «Luật giữ kín miệng là một gánh nặng đối với các bà bị các linh mục lạm dụng». Báo này thuật lại một cuộc điều tra (trong vòng 6 tháng trên 15 nạn nhân tự động thổ lộ nơi phòng khám bệnh) của bà bác sĩ sản phụ M-M Zufferey-Sudan làm việc tại Lausanne cho biết nhiều em gái bị các linh mục lạm dụng tính dục mà không ai hay biết, do các em giữ câm nín hoàn toàn cho đến khi lớn tuổi mà vẫn chưa nói ra. Vì mặc cảm tội lỗi. Và vì sợ người ta khó tin kẻ lạm dụng lại là người thuộc hàng giáo phẩm, kẻ hay được coi là bậc «thần thánh». Được hỏi, Đức Giám mục Genoud tỏ ra rất lo lắng về tình trạng này và mong muốn các bà các cô đã bị lạm dụng phải lên tiếng và thưa kiện nơi pháp đình. Theo tôi, đó là biện pháp tối thiểu để giải tỏa những bức chế tâm thần, trả lại sự công bình cho người bị lạm dụng, và cũng là dịp để tín hữu chia sẻ những đau buồn với giáo sĩ khi được biết họ cũng chịu thử thách làm người và làm con Chúa như mọi người.
Quả vậy, theo sự điều tra nói trên, có thể có một lý do tiềm ẩn giải thích tình trạng câm nín xót xa này là các em gái dễ bị bấn loạn trước sự thật phũ phàng, ngược lại với hình ảnh người linh mục là «hiện thân của Chúa» (bậc thần thánh). Theo bà Zufferey-Sudan, trong giới công giáo càng mộ đạo và khép kín (tức có xu hướng thần thánh hóa các linh mục), tình trạng câm nín càng nặng nề cho kẻ bị lạm dụng và càng có thể gây ra những triệu chứng «tự vệ ngược chiều», như bỏ đạo, xa lánh các linh mục, mất lòng tin nơi Chúa, ghét những kẻ sùng đạo trong chỗ thân quyến, nhất là người mẹ đẻ của họ là kẻ khó lòng chấp nhận sự thật phũ phàng ấy. Một số người này cần phải trải qua một cuộc điều trị tâm thần.
Được hỏi, Đức Giám Mục Genoud cho rằng các bà ấy bỏ đạo là chuyện bình thường và dễ hiểu thôi. Ngài không hề thần thánh hóa giáo dân, cũng không thần thánh hóa giáo sĩ. Ngài tuyên bố không hề muốn bao che các linh mục lạm dụng tính dục, nếu Ngài biết rõ. Theo Ngài, một linh mục lạm dụng tính dục với con nít phải được coi là một trường hợp bệnh hoạn, cần được chữa trị. Ngài nhận xét, trước kia, người ta không hề tìm đến bác sĩ tâm thần, trừ ra là người có bệnh nặng, vì coi đó là một điều sỉ nhục nếu phải khám loại bệnh này. Bây giờ, Đức Giám Mục cho biết, ngay từ đầu, không có người chủng sinh nào mà không đến bác sĩ tâm thần, để kiểm tra tư cách làm người, mức độ lành mạnh về tâm thần và quân bình về tâm lý của họ. Nếu gặp trường hợp «đèn đỏ» thì chủng viện không nhận họ vào; nếu là «đèn cam», thì phải chữa chạy thường xuyên hơn; bằng nếu là «đèn xanh» thì cũng phải tái kiểm tra theo định kỳ. Đã 3 năm rồi, Đức Giám Mục xác nhận, không có một chủng sinh nào chịu chức linh mục mà không có một bản kiểm tra tốt về tư cách làm người. Thực vậy, con người không phải là thần thánh, nên cần phải dùng những biện pháp thích ứng để giúp nhau sống cho ra người. Đặc biệt đối với chủng sinh là người chuẩn bị nhận tác vụ linh mục trong tương lai, người ta càng phải chú trọng hơn nữa về tình trạng tâm-sinh-lý của họ để ngăn chặn những rủi ro về sau. Bởi thực ra, trong những rủi ro xảy ra đã được biết, rất nhiều trường hợp là do bệnh hoạn tâm thần mà ra.
Riêng trường hợp những kytô-hữu Việt Nam (giáo sĩ, tu sĩ cũng như giáo dân) sống tha hương nơi đất khách quê người, cần phải chú trọng hơn nữa về sức khỏe tâm thần của mình. Thực ra, không có gì xấu hổ khi phải nhìn nhận là mình bị khủng hoảng tâm thần, bị trầm cảm, do những chấn thương lúc va chạm văn hóa với người địa phương. Chẳng hạn, trên xe buýt vào giờ cao điểm, nhiều người gốc Việt phải gồng mình chịu trận trước việc các bà các cô dí cả thớt lưng trần trụi hay cả gang bụng chành bành hở hang vào cái lỗ mũi ngột ngạt của mình. Đi đường thường thấy nhột nhạt trước cảnh trai gái nhan nhản ôm nhau hôn chùn chụt, mê mẩn. Vào xí nghiệp, thì cứ y như là lúc nào mình cũng bị bắt nạt chỉ vì ít nói. Đối với Giáo Hội Thụy Sĩ, việc quản lý giáo xứ hay địa phận y như lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện tài chánh, hội họp, bàn cãi, báo cáo liên miên. Thực vậy, có thực hiện nhiều điều tốt lành trong giáo xứ, mà nếu không viết ra trên giấy trắng mực đen trong một tờ tường trình, thì người ta cũng coi như không có. Sống rất đạo đức theo cung cách của người mình, mà cứ bị người ta hiểu lầm hoài! Người ta hiểu lầm mình cũng có, mà mình cũng có hiểu lầm người ta nữa! Theo một hai bản thống kê trước đây, tại hầu hết các nước Âu Châu, có hơn 40 phần trăm người tị nạn VN bị khủng hoảng tâm thần, trong số đó có không ít người mắc bệnh tâm thần, từ trung bình đến trầm trọng.

Tóm lại, khi gặp những chuyện buồn như những vấp phạm hay bệnh hoạn nói trên, tôi mong người mình không bị xì-căng-đan vô ích, vì những chuyện ấy lẽ ra không đáng coi là nhục nhã, quái gở. Vâng, có đạo đức tốt, rồi cũng có thể có ngày bị bệnh này bệnh nọ, con người già cỗi đi, tâm thần mòn mõi, có khi mất tự chủ và làm những chuyện xằng bậy, rồi cũng có thể sợ bị thiên hạ cười chê. Người mà, con người đâu có phải là thần thánh! Mà có là người thì mới «nên thánh» được, chớ nếu đã là thần thánh rồi thì nói làm gì! Giáo Hội Công Giáo lâu nay vẫn nói như thánh Gioan Bosco: «Muốn trở thành thánh nhân, trước hết phải thành nhân.» Văn hào Pascal nói : Ai muốn làm thần thánh sẽ làm thú vật!
Trần Ngọc Báu
Fribourg, Switzerland 2004


[1] Bộ Tân Ước năm 1994 dịch câu này của thánh Phaolô là: «sinh ra làm con một người đàn bà».

No comments: