Thursday, 30 July 2009

CHA GIÀ HÓA

MicrosoftInternetExplorer4

CHA GIÀ HÓA

Lm Vũ Khởi Phụng, DCCT

Cha già Hóa lẩy bẩy từ trong phòng bước ra. Tôi chào: “Chúng con ở thành phố mới lên đây, xin đến chào cây cổ thụ” – “Cây cổ thụ, a ha ha, cây cổ thụ mục rỗng hết rồi, ha ha”. Chị tu hội đứng đó bảo: “Cha con mỗi tuần vẫn đi 17 cây số vào Đại Bình làm lễ cho bà con Thượng” – Tôi nói: “Chúa Nhật nào cũng đi 17 cây số vào rừng vào núi, thế thì cổ thụ chưa mục đâu” – “A ha ha, nhớ ngày xưa chịu chức 5 anh em ở Thanh Hóa, Chúa gọi đi hết rồi, còn lại mỗi một mình, ha ha”. Tôi lại hỏi: “Thế cha già đi theo người Thượng từ bao giờ” – “1958 đấy, Đức Cha Hiền bảo đi lo cho người ta” – “Thế sang năm cha già phải ăn mừng 50 năm sống với bà con Thượng” – “A ha, có tiền đâu mà tiệc tùng” – “Không ạ, không ăn tiệc, cha à. Nhưng bà con về đây, nổi cồng nổi chiêng lên, nấu cơm lam trong ống tre ăn với nhau”.

Anh Tiến, cộng tác viên mấy chục năm của cha, góp ý: “Ngày xưa, nấu cơm trong ống tre là sự thường, bây giờ rừng phá rồi, khó lòng giữ được phong tục cổ đó. Nhưng không sao, mừng cha già, bà con sẵn sàng đi mấy ngày đường vào rừng sâu, có cơm lam ngay” – “A ha ha, ngày xưa vào buôn, ăn ngủ với bà con, vui quá, ha ha. Từ 1975 đến giờ, không vào được nữa, a ha. Nhưng bà con ra đây, ngay bây giờ cũng có một buôn 4 hoặc 5 trăm người xin học đạo, chưa biết tính thế nào, a ha” – Chị tu hội không tin: “Trong sổ rửa tội của cha con, danh sách là mười một ngàn người đấy” – “Ngày trước tôi lo hết, a ha ha. Bây giờ Đức Cha mới phân chia về các xứ đạo, ha ha. Nhưng Đức Cha bảo tôi, a ha ha, gặp người Thượng đâu cứ lo. Tôi hỏi: thế con làm cha phó hay phụ tá, a ha. Đức Cha bảo: chẳng làm cha phó hay phụ gì hết, a ha ha, gặp đâu cứ lo, ha ha”.

Cha già nói chuyện cứ luôn chêm vào những tiếng cười a ha, ô hô, ê hê. Không hẳn là chuyện vui, mà người kể chuyện cứ vui, những tiếng cười a ha, ơ hơ cứ đều đặn xen vào như sóng gợn. Những ngày xa xưa khỏe mạnh lao vào các buôn làng cho đến bây giờ già lụm khụm, tóc bạc, lưng gù, tay chân run rẩy, mọi sự như còn lại một nỗi vui chẳng cần một cớ sự gì, vui cười cứ chảy xuôi như một dòng suối.

87 tuổi mà được như cha là khỏe. Nhất là đối với một người ăn uống kham khổ như cha. Cái tính kham khổ ấy không phải tự nhiên. Một người giúp việc cho cha từ những năm đầu kể lại: từ ngày đi với người dân tộc, cha đâm ra dị ứng với của ngon vật lạ. Đi chợ mua về những thứ gì có vẻ thịnh soạn thì cha tỏ ý không bằng lòng. Cha bảo người ta nghèo khổ thế mà mình ăn sang được à. Từ đó cha thường ăn cơm với muối và cá khô. Vậy mà đến tuổi này còn hoạt động, còn tỉnh táo, còn từng chuỗi cười a ha. Bây giờ thì không thuần muối và cá khô nữa. Cha lập được một tu hội lấy tên “Gia đình Chứng nhân” mười mấy chị người Kinh và người Thượng. Có hai chị lo bữa ăn cho cha, cũng đạm bạc thôi, khoai lang, đậu phụ...

Có một nhà viết sử truyền giáo nói về các vị thừa sai nước ngoài ở Việt Nam mấy thế kỷ trước rằng nhiều vị chỉ vài năm là sức khỏe bị hủy hoại, chết sớm. Trái lại thỉnh thoảng có vị như có duyên thế nào với môi trường truyền giáo, cứ thế sống rất lâu thoải mái. Ngày nay đã tiến bộ hơn nhiều. Chúng ta không mấy lo các nhà truyền giáo miền rừng núi phải chết non. Nhưng nhìn cha Hóa già nua và thanh đạm, lụ khụ mà cứ nói nói cười cười tôi cũng có cảm tưởng cha có duyên với xứ Thượng, với bà con Thượng và nếp sống nghèo khổ của họ.

Cha già nói: “Bà con Thượng người ta đơn sơ lắm, a ha ha, đến với Chúa dễ hơn người Kinh mình, a ha”; một giây sau, cha lại tư lự: “Nhưng bây giờ cũng khác rồi, ở với người Kinh một hồi cũng sinh chứng ra. Bây giờ cũng biết gian dối, mấy cô gái cũng bầu bì tum lum. Không phải ngày xưa không có, nhưng cái thứ ấy không phát triển như bây giờ. Lại còn phá thai nữa chứ. Có một cô phá thai đến mười mấy lần. Bây giờ nằm mơ cứ thấy một lũ trẻ con nó lôi kéo mình ra ngoài đường”. Tôi nói: “Thưa cha già, bây giờ dưới thành phố có những nhóm chuyên khuyên người ta đừng phá thai đấy, có lẽ hôm nào xin lên đây trình diện cha già” – “A ha ha a ha”.

Có một thời xa xưa rừng rú còn như ôm lấy con người, nhà cửa, xóm làng của những người Kinh mới tới đây lập nghiệp. Ngày ấy sáng sớm đi Sài-gòn, qua khỏi trại Tân Bùi một lát, còn nghe vượn hú tưng bừng trên cây. Bây giờ hết rừng rồi, vượn đi xa rồi, hay là chết rồi, chỉ còn vài con nhốt trong cũi. Chim rừng cũng nhốt trong lồng. Ngày ấy ở Sài-gòn lên đây, đến Dầu Giây là đã thấy bà con dân tộc mình trần đen đúa, đeo gù, ngậm tẩu thuốc, bước đi từng hàng lầm lũi, bây giờ các anh các chị cũng quần xanh áo đỏ, phóng xe máy như bay.

Ở điểm nào là tiến bộ ? Và ở điểm nào là thoái bộ ? Có lẽ tất cả những tiềm năng để “tiến” và để “thoái” trong loài người rồi ra lịch sử và xã hội sẽ cho lộ ra hết. Lộ hết mọi điểm sáng và điểm tối, văn minh sự sống và văn minh sự chết. Những bước tiến bị ô nhiễm ra sao, và từ trong cái đục ngầu tội lỗi, con đường nào để khắc phục, để khôi phục...

Mỗi nhà thừa sai, Hội Thánh thừa sai nổi trôi trên cái dòng chảy vô tận đó. Cha Hóa đi hết một chặng 50 năm thì đã thành đại lão rồi. Và đã đưa được 11 ngàn người cùng đi một hướng với mình. Thiết tưởng không có mấy cuộc đời đẹp và trước sau như một đến vậy.

Tiếng xe máy xịch đến trước cửa. Một chị “chứng nhân” đón cha đi làm lễ chiều cho bà con Thượng ở Đại Bình. Đại Bình thì tôi biết. Con đường từ cửa ngõ Bảo Lộc mở xuống Phan Thiết cát nóng cách đây chừng 150 cây. Nhưng đi được chừng 10 cây thì lại đâm ngang vào núi, quanh co ngược dốc xuôi dốc hồi lâu. Khu Nhà Thờ Đại Bình gồm mấy cái nhà dài dài ọp ẹp không ra thứ tự hàng lối nào cả. Cái sự linh tinh đó có lý do của nó. Ngày trước bà con ở đây, Kinh và Thượng, có nhu cầu sinh hoạt đạo, nhưng không có phép xây dựng. Tức nước vỡ bờ. Túng thì làm liều. Một đêm nào đó bỗng mọc lên một cái lán gạch giữa bãi hoang, tường gạch mỏng dính với một mái tôn. Cha xứ trẻ tuổi của Đại Bình vừa dẫn tôi đi xem “lán trại” vừa cười: “Ba năm đầu cứ chịu phạt suốt”. Tại vì cứ ít lâu lại mọc lên một cái lán như thế. Nhưng hết ba năm chịu phạt thì đã chứng minh được rằng ở đây quả có một cộng đoàn đang cần đất sinh hoạt. Thế là Giáo Xứ Đại Bình được công nhận. Nhà Thờ tạm dựng lên, cũng chỉ ván gỗ lợp tôn thôi, nhưng còn rộng rãi hơn mấy cái lán ngang ngang dọc dọc. Bà con còn khoe rằng ca đoàn Thượng hát lễ chiều cho cha Hóa là ca đoàn hát hay nhất vùng. Đang chuẩn bị xây Nhà Thờ đẹp đẽ thì cha xứ được Chúa gọi về. Mọi sự lại dang dở. Nay cha xứ trẻ mới về, vẫn còn đang chuẩn bị, lên kế hoạch.

Cha xứ chỉ tay về mái tôn dài ở một góc xa xa: “Nhiều người đến đây cứ tưởng đó là chỗ nuôi heo, nuôi bò gì, nhưng là lớp học giáo lý đấy”. Chết thật. Chính tôi cũng tưởng thế. Tại vì tường xây chỉ đến ngang thắt lưng. Lại gần thấy bên trong có một dẫy bàn ghế gỗ mốc meo. Chị “chứng nhân” đứng đó cười xòa: “Nhưng xin bảo đảm với các bác, sang năm các bác đến đây sẽ có trường lớp khang trang”. Tôi hỏi: “Thế các chị dạy giáo lý thì phải biết tiếng K’ Ho chứ” – “Vâng, chúng con đi thăm viếng bà con trong các buôn, và phải nói nhiều với các em chứ” – “Nói được như cha già Hóa không ? – “Oái, đời thuở nào chúng con mới nói được như cha già. Cha già cầm bất cứ giấy tờ sách vở gì tiếng Việt trong tay cũng cứ dịch băng băng tiếng dân tộc”.

Cũng chị “chứng nhân” này đưa xe honda đến đón cha già đi làm lễ. Chị này người nhỏ nhắn, nhưng mặc áo gió nai nịt gọn ghẽ, lại đội thêm chiếc mũ bảo hiểm to, trông cứ như người ngoài hành tinh. Chị giải thích rằng từ đây tới Đại Bình có mấy khúc quanh đường núi hay xảy ra tai nạn, luật buộc phải đội mũ bảo hiểm – “Thế mũ bảo hiểm của cha già đâu ?” – “Luật chỉ bắt người ngồi trước đội mũ bảo hiểm thôi. Cha già không đội đâu”.

Cha già khoác chiếc áo thâm chùng lòa xòa từ trong phòng đi ra, cái lưng gù cộm lên, đầu bạc đội mũ nỉ chúi ra phía trước, bước đi lắc lư. Suốt đời làm việc cho người Thượng cứ đi hết chỗ này đến chỗ khác. Ngay cả cái trạm dừng chân cuối đời này cũng phải đổi di đổi lại chứ có đơn giản đâu. “Nhà Thờ này ngày trước ở bên quốc lộ cơ. Về sau đổi chỗ, a ha, mới đến chỗ này đấy chứ. Chỗ Nhà Thờ cũ bây giờ là cơ sở dâu tằm tơ, a ha ha”.

Xe chở cha già Hóa lăn bánh. Cha còn đang cười a ha một chuyện gì đó. Tôi nhìn theo dáng cha ngồi nghiêng nghiêng lưng bám chặt lấy yên xe.

Trên đường về thành phố, tôi cứ nghĩ về cái vui gì đó ở nơi cụ già, khiến cho lúc nào cũng bật ra tiếng cười a ha, ơ hơ. Rồi tôi chợt nhớ ra một phiên khúc ngày xưa một cha Dòng dạy tôi. Cha này bây giờ cũng già rồi. Đó là một bài hát của Pháp, nhưng giai điệu lại ngũ cung, lâu rồi tôi cũng chẳng biết tác giả là ai, nhưng có câu hát về niềm vui của những người đã cho đi tất cả, đã tận hiến tất cả:

“Frémissante source au creux du sable épais,
Joie de ceux qui ont tout donné
Répands quand nos coeurs auront pu l’oublier,
La Fraicheur des jeunes années”

( Suối trôi róc rách giữa lòng cát dầy,
Niềm vui của những ai đã cho đi tất cả,
Hãy tràn lan, khi nào lòng ta có quên lãng
Hãy tràn lan sự tươi mát của những năm trẻ trung )

Tôi đánh bạo phỏng dịch:

“Nước trong róc rách
Lòng suối cát dầy
Cho ai tận hiến
Nguồn vui dâng đầy
Mai sau tấm trí dạn dầy,
Lãng quên quên lãng vui này trinh trong,
Thì xin suối mát tinh nhuần
Gội ta về chốn vô ngần ngày xanh”.

Có ai dịch hộ tôi ra tiếng K’ho để tôi tặng cha già Hoá

Lm VŨ KHỞI PHỤNG DCCT

No comments: