Monday, 20 July 2009

Người chăn chiên tốt lành

Người chăn chiên tốt lành
[ Ga 10,11-18]

Gs Nguyễn Ngọc Lan
Mục tử, người chăn chiên, là một hình ảnh quen thuộc đối với dân Do Thái cũng như các dân tộc lân cận. Tổ tiên họ vốn là dân du mục. Từ khi định cư, họ vẫn còn chăn nuôi nhiều. Các vị thần được thiên hạ coi như những đấng chăn dắt dân. Mục tử cũng là một tước hiệu vương đế. Đặc biệt dân Do Thái có thể hoàn toàn tin cậy vào Thiên Chúa của mình vì Ngài là Đấng Chăn Chiên tốt lành và trung tín : Ngài tập họp và chăn dắt, yêu thương và chăm sóc tận tình, bênh đỡ họ trước mọi thứ mục tử ác ôn.

a. Thánh vịnh 23 “Yavê chăn dắt tôi”, chẳng qua là lời tuyên tín đáp lại lời Thiên Chúa xác quyết với dân của Ngài qua tiên tri Êzêkiel ( 34,11-16) :

“Chính Ta sẽ tìm kiếm chiên của Ta, và Ta sẽ chăm nom đến chúng. Như người mục tử chăm nom đàn chiên của mình vào ngày ở giữa chiên phiêu bạt thế nào, cũng vậy Ta sẽ chăm nom chiên của Ta. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng tán loạn và ngày mây đen mù tối. Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân. Ta sẽ thâu họp chúng lại từ các xứ. Ta sẽ dẫn chúng về lại thửa đất của chúng, và Ta sẽ chăn nuôi chúng trên núi Israel, nơi các dòng suối, nơi các chốn ở quê nhà. Ta sẽ chăn nuôi chúng trên bãi cõ tốt (…). Chiên thất lạc Ta sẽ tìm kiếm. Tản mác, Ta sẽ lùa về. Xây xát, Ta sẽ băng bó. Bịnh hoạn Ta sẽ bổ sức…”

Không phải đợi đến trong Tân Ước, ngay từ trong Cựu Ước như qua Êzêkiel 34, Yôna chương cuối, Thánh vịnh 23, Thiên Chúa đã tỏ mình là Thiên Chúa nhân lành, là Đấng Chăn Chiên tốt lành.

Một mặt Thiên Chúa, Đấng Chăn Chiên tốt lành đã không ngừng vạch tội bọn mục tử ác ôn, “những kẻ chỉ chăn nuôi lấy mình”, vừa lợi dụng, vừa bỏ mặc đàn chiên, “thống trị bằng bạo lực, bằng bạo ngược”. Ngài cảnh báo : “Này Ta chống lại các mục tử, Ta sẽ đòi lại chiên Ta nơi tay chúng. Ta sẽ không để chúng chăn chiên nữa (…). Ta sẽ giựt lấy chiên khỏi mồm chúng, khiến chiên Ta không còn là mồi ngon cho chúng ăn thịt nữa” (Ed 34,1-10). Mặt khác, Ngài hứa : “trên chúng, Ta sẽ cho chỗi dậy một mục tử duy nhất : Đavít, tôi tớ của Ta. Chính Ngài sẽ chăn dắt chúng… Ta sẽ kết giao ước bình an với chúng… Và Ta, Yavê, Thiên Chúa của chúng, Ta ở với chúng” (Ed 34,20-31).

b. Tất cả chương 10 Tin Mừng Theo Thánh Yoan về Chúa chiên lành như phụ họa cho Êdêkiel 34, đây đó còn chung cả từ ngữ nữa. Cũng lên án những kẻ đánh cắp, sát hại, hủy diệt đàn chiên, quân đầu trộm đuôi cướp “không ngang qua cửa mà vào đàn chiên nhưng đến từ chỗ nào khác” (Ga 10, 1 và 10). Hay những kẻ chỉ biết làm thuê, thương tiền không thương chiên cho nên “vừa thấy sói đến là bỏ chiên mà chạy trốn” (Ga 10,12). Cũng là triển vọng đàn chiên được cứu, được tập họp lại, được chăn dắt (Ga 10, 9 và 16). Nhưng triển vọng này bây giờ được gắn liền và thành tựu dứt khoát với chính Chúa Yêsu : “Người chăn chiên tốt chính là Ta”. Chúa Yêsu gồm tóm nơi mình sứ mạng của Đavít và cả công việc của Thiên Chúa nữa.

Theo Êzêkiel, Yavê sẽ dẫn dắt đàn chiên, tìm chỗ cho chiên ăn, dẫn về ràn lại những chiên lạc đường, cứu khỏi thú dữ, tra tay cứu thoát. Tất cả các công việc đó bây giờ được quy tụ về dung mạo người chăn chiên tốt lành là Chúa Yêsu. Sự thật còn vượt xa hình bóng : sự sống Chúa Yêsu ban cho đoàn chiên “một cách dồi dào” (Ga 10,10) lại là “sự sống đời đời”.

Chẳng những thế Chúa Yêsu là “người chăn chiên tốt thí mạng sống mình vì chiên”, “vì đàn chiên”, “thí mạng sống”, “tự thí mạng sống”, “vì chiên”, “vì đàn chiên”. Việc thí mạng sống này được quả quyết đi quả quyết lại đến năm lần trong một đoạn văn ngắn (11, 15, 17, 18) vì như là “căn cước” của Chúa Yêsu. Chính vì lẽ này mà Cha yêu mến Ngài. Và cũng bởi thí ban chình mình mà Ngài ban sự sống đời đời cho đàn chiên. “Giờ” của Ngài, thương khó chết sống lại là Chúa Yêsu tự nguyện đi đến cái chết khi không vì thấy sói mà chạy, trái lại đối đầu với giới lãnh đạo Do Thái. Nhưng “có quyền thí mạng sống”, Ngài “cũng có quyền lấy lại”. Chết cũng là sống lại, cứu sống đàn chiên, tập hợp đàn chiên (Ga 12,32), ban cho đàn chiên “sự sống đời đời” để chiên của Ngài theo Ngài thì “không bao giờ bị diệt vong, không ai giựt khỏi tay Ngài được” (Ga 10,28).

Có thể nói cùng với sứ vụ loan báo Tin Mừng, Hội Thánh không có sứ vụ nào khác ngoài sứ vụ mục tử, mục vụ. Bắt đầu từ sứ vụ của Phêrô. Theo Matthêu, đáp lại tuyên tín của Phêrô, Chúa Yêsu giao cho Phêrô sứ mệnh làm đá nền trong kiến trúc Hội Thánh (Mt 16,18). Theo Yoan, đáp lại lời “tỏ tình” ba lần của Phêrô, Chúa Yêsu giao cho Phêrô trách nhiêm chăn chiên trong đời sống Hội Thánh (Ga 21, 15-17)). Sứ vụ và trách nhiệm chăn chiên của Phêrô và các đấng kế vị là sứ vụ đặc biệt đối với toàn thể Hội Thánh. Nhưng dưới sự chăn dắt chung ấy, các giám mục, linh mục với ấn tín truyền chức, thậm chí từng tín hữu, với ấn tín rửa tội đều có phần sứ vụ và trách nhiệm mục tử. Giám mục linh mục chăn dắt đoàn chiên trong giáo phận, họ đạo đã đành mà cha mẹ cũng là “mục tử” trong gia đình mình, thầy giáo, cô giáo cũng là “mục tử” trong lớp học trong trường mình dạy. v.v… không một tín hưu nào, cho dầu có vị trí khiêm nhường, nhỏ bé đến đâu trong cuộc sống, mà không được Chúa giao cho trách nhiệm chăn dắt một ai đó trong đoàn chiên hay đưa một ai đó vào hoặc về lại đàn chiên của Ngài. Nói cách khác không ai trong Hội Thánh có thể hay có quyền trả lời như Cain về A-bel : “Tôi không biết tôi có phải là người canh giữ em tôi ư ?” (St 4, 9) khi được Chúa hỏi về một ai đó liên hệ : “Em ngươi đâu “”. Và Chúa không đợi khi chúng ta sát hại nhau rồi mới hỏi. Vì vô tình lãnh đạm với nhau, “không biết” đến nhau đã là tội lỗi rồi. Người giàu trong Lc 16,19-31 có đụng chạm, xúc phạm gì đến Lazarô đâu? Nhưng tội của hắn chính là ở chỗ bầy chó hoang còn biết tới sự có mặt của người ăn mày chứ hắn thì không (Francoise Dolto, nhà phân tâm học chuyên về tâm lý thiếu nhi, về cuối đời bà đã có thể quả quyết : “Điều trái ngược với tình thương chưa hẳn là thù ghét mà là lãnh đạm”).

Mục vụ là sứ mệnh của Hội Thánh, và mỗi tín hữu đều có phần của mình trong sứ mệnh ấy : vừa được chăn dắt, vừa có trách nhiệm chăn dắt.

Nhưng chăn dắt thế nào, phải thế nào trong Hội Thánh? Chúa Yêsu đã quan tâm nhiều đến tính chất và cách thức chăn dắt này. Hơn ai hết, Ngài thấu rõ tính chất tai ác của quyền lực thương tình. Vượt thắng chước cám dỗ quyền lực từ Sa-tan trong sa mạc trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Ngài đã trở thành nạn nhân của quyền lực và chết trên thập giá.

Theo Tin Mừng Nhất Lãm, Ngài kêu gọi những ai theo Ngài mà cầm đầu thì không ăn trên ngồi trốc, bắt kẻ thuộc quyền phải “phục quyền trên đầu họ” như thói đời, nhưng trái lại “hãy hầu hạ”, “hãy làm tôi tớ” anh em mình (Mt 20,24-28; Mc10,41-45; Lc 22,25-27). Còn ở đây, trong Tin Mừng theo Thánh Yoan, chăn chiên không phải là từ ngoài không qua cửa mà vào ràn chiên quấy phá như quân trộm cướp đã đành, cũng không phải chăn thuê giữ mướn như kẻ làm công đã đành, nhưng một cách tích cực, là chăn dắt với Chúa Chiên Lành, như Chúa Chiên Lành và chăn dắt đàn chiên của Chúa.

a. Trong Mùa Phục Sinh hơn bao giờ hết, Hội Thánh ý thức rằng “Chúa Chiên Lành” là hôm qua mà cũng là hôm nay, ngày mai. Đức Kitô, chính Đức Kitô hiện vẫn là và đang là người chăn chiên tốt lành. Trong hiện tại và mãi mãi Chúa Kitô vẫn còn đó, có đó để quả quyết : “Người chăn chiên tốt chính là Ta” (Ga 10,14). “Chủ chăn” vẫn chỉ có một. độc nhất vô nhị, không ai thay thế được, là chính Chúa Kitô, không thể là ai khác.

Ngay cả Đức Giáo Chủ chỉ “kế vị” Phêrô chứ không “kế vị” Chúa Kitô được (Ngài có một danh hiệu là : “Đại diện”, “Phụ tá” Đức Kitô, “Vicaire du Christ”). Làm mục tử trong Hội Thánh ở bất cứ cương vị nào vẫn chỉ là thay mặt hơn là thay thế Chúa Kitô mà chăn chiên, chia sẻ công việc chăn chiên của chính Chúa Kitô, phụ giúp Chúa Kitô người chăn chiên tốt lành. Làm mục tử là chăn dắt với Chú Kitô, “phụ một tay” cho Chúa Kitô.

Hơn nữa chính mục tử vẫn là chiên của Chúa Kitô. Chỉ dẫn chăn dắt đúng đắn được là khi chính mình được Chúa Kitô hướng dẫn. Thánh vịnh 23 “Yavê chăn dắt tôi”, vẫn là lời tuyên tín chung của Hội Thánh, của Đức Giáo Chủ, các giám mục, linh mục cũng như của từng bề trên tu viện, giám đốc chủng viện, cha linh hướng, của từng người cha, người mẹ, từng thầy cô giáo, từng người anh người chị vv… Thậm chí càng có trách nhiệm mục tử cao trong Hội Thánh lại càng cần được Chúa Kitô dẫn dắt. Càng là chủ chăn trong Hội Thánh càng phải là chiên ngoan của Chúa Kitô. Chăn dắt mà không theo Chúa Kitô thì chỉ là tiếm quyền, lạm quyền nếu không phải là đã nộp chiên cho sói.

b. “Chăn chiên” còn là chăn chiên của Chúa, không phải của mình hay của ai khác. Chẳng những thế, quan hệ giữa Chúa và chiên thông qua các mục tử trong Hội Thánh lời giảng dạy và các bí tích là cần thiết nhưng không phải là tất cả. Chúa giao chiên của mình cho các mục tử nhưng không hề giao khoán. Chúa vẫn giữ quan hệ trực tiếp với từng con chiên của Ngài. “Người chăn chiên tốt lành chính là Ta ! Ta biết chiên của Ta và chiên của Ta biết Ta” và biết la “như Cha biết Ta và Ta biết Cha Ta” (Ga 10,14-15). Chiên nghe tiếng Chúa và Chúa “ gọi tên từng con và dẫn đi” (Ga 10,3). Có nghe tiếng Chúa, được biết Chúa, chiên mới theo Chúa (Ga 10,27) và theo các mục tử của Chúa.

Do đó mỗi mục tử trong Hội Thánh chăn dắt đàn chiên Chúa chẳng qua là giúp cho chiên nghe tiếng Chúa, không phải tiếng mình, trở về với Chúa, không phải trở về với mình và đi theo Chúa, không phải đi theo mình. Chỉ có một lời giảng dạy đích thực trong Hội Thánh là lời giảng dạy truyền đạt lời Chúa để chiên nghe được, nghe rõ hơn, đầy đủ hơn tiếng người chủ chăn tốt lành là Đức Kitô. Các bí tích đều không nhằm hiệu quả cuối cùng nào khác ngoài việc gắn bó, kết hợp chiên với Chúa, để chiên thuộc về Chúa hơn.

Được Chúa biết, có quan hệ trực tiếp với Chúa Kitô nhờ bởi Thần Khí của Ngài, chính vì thế mà có sự “tự do của con cái Chúa”. Chiên của Chúa vâng phục mà không lệ thuộc, đi theo các mục tử trong Hội Thánh với lòng Tin-Cậy-Mến chứ không do bởi sợ hãi (1Ga 4,17.18), đầu luôn có thể ngẩng lên nhìn thẳng về phía người chăn chiên tốt lành là Chúa Kitô chú không phải cứ lui cui dán mắt vào đuôi nhau. Đàn chiên của Chùa là “đoàn lũ những kẻ tin chỉ có một tấm lòng, một linh hồn” (Cv 4,32) nhưng không phải một bầy cừu.

c. Thế gian khong thể nào hiểu nổi tính chất như thế của sự chăn dắt trong Hội Thánh. Họ chỉ quen với quyền đời mà không hiểu “quyền đạo” thuộc về một phạm trù khác hẳn. Vua quan nào cũng tưởng mình ở chót vót trên chín bậc cửu trùng, không có ai nào khác trên họ, thần dân hoàn toàn thuộc về họ. Cho nên : “thủ lĩnh các dân tộc thì làm Chúa trên họ” (Mt 20,25). Làm Chúa thì không có Chúa và để thay thế Chúa. Và dưới họ chỉ còn là một bầy cừu.

“Nơi các ngươi thì không như thế” (Mt 20,26). Với chút ý thức đức tin người tín hữu phải thấy “làm lớn” trong Hội Thánh là chuyện không béo bở gì, là chuyện vạn bất đắc dĩ lạy Chúa xin buông tha cho ! còn hơn cả xưa kia ơn kêu gọi ngôn sứ đối với Yêrêmia (Gr 1,6) hay Yôna (1,3). Đã phải nhận trách nhiệm mục tử rồi thì trước mắt là đường lối của “Con Người không đến để được hầu hạ, nhưng hầu hạ và thí mạng sống mình…” (Mt 20,28). Và đeo theo cũng là chước cám dỗ đến từ Sa-tan như Chúa Yêsu đã phải gặp trong sa mạc và thật ra là suốt đời Ngài : dân chúng tôn vương, môn đồ tranh cãi nhau về ngôi thứ, theo đuổi mộng “vương quyền cho Israel” mãi cho đến trước khi Ngài “đi khuất mắt họ” lên trời (Cv 1,6 và 9). Chước cám dỗ quyền lực : thay vì “không như thế” thì lại cũng y “như thế” hoặc gần “như thế”, làm chú trên đàn chiên của Chúa, coi đàn chiên chỉ như một bầy cừu vv… Chúa Yêsu đã vượt thắng được cơn cám dỗ và đã chấp nhận trở thành nạn nhân của “quyền lực” như thế. Nhưng Ngài lại không hề bảo đảm là suốt dòng lịch sử Hội Thánh những ai được Ngài chia sẻ trách nhiệm mục tử sẽ không sa chước cám dỗ và chiên của Ngài không là nạn nhân ít hay nhiều như Ngài.

“Người chăn chiên tốt chính là Ta”. Dáng dấp vị mục tử với con chiên vác trên vai đã là những nét vẽ Chúa Yêsu đầu tiên trong lịch sử Hội Thánh. Mỗi tín hữu vừa với một tư cách mục tử nào đó, vừa với tư cách con chiên vẫn có thể nhìn lên “Người chăn chiên tốt lành”. Với tư cách là mục tử để không khỏi giật mình, để giận mình nếu mình đã “như thế”, như “thủ lĩnh các dân tộc”, và để giữ mình mà “không như thế”. Với tư cách con chiên (ai cũng là con chiên của Chúa) để vững lòng tin cậy dầu sao đi nữa, mình được Chúa biết, Chúa gọi đích danh mình, mình “có phải qua ghềnh ưu tối (…) đã có Chúa ở với mình” (Tv 23), mình đã được phúc nghe tiếng Chúa và theo Chúa thì cũng được Chúa ban cho sự sống đời đời, không bao giờ sẽ bị diệt vong, không ai giật mình khỏi tay Chúa được (Ga 10,27-28)

CHỦ NHẬT HỒNG GIỮA MÙA TÍM
Nguyễn Ngọc Lan

No comments: