Cứ mỗi mùa lễ Phục Sinh chúng ta lại phải nhớ tới cái ông Tôma. Như cơ thể cứ phải biết là còn có mẩu ruột thừa, không biết để làm gì mà vẫn có đó, có danh xưng hẳn hoi và có khi làm nhức nhối cho tất cả. Vừa mừng Chúa sống lại Chủ Nhật trước, qua Chủ Nhật sau là đã phải thấy Tôma đi đâu biệt tăm trong những ngày sôi nổi nhất, rồi xuất hiện giờ chót để đặt lại vấn đề như từ đầu và làm phiền mọi người.
Nổi bật quá trong đoạn Tin Mừng Ga 20,19-31 được Hội Thánh công bố Chủ nhật II Phục Sinh, Tôma vẫn chỉ dễ nổi tiếng là “kẻ cứng tin”. Đại diên cho một thứ chủ nghĩa thực chứng (positivisme) ngay cả 19 thế kỷ trước khi chủ nghĩa này ra đời : “Nếu nơi tay Ngài tôi không thấy các dấu đinh, và tra tay tôi vào các lỗ đinh, cùng tra bàn tay tôi vào cạnh sườn Ngài, tôi sẽ không tin”. Kỹ quá. Câu nói đó đáng làm mẫu mực cho cả Auguste Comte.
Tôma là kẻ cứng tin cũng như Phêrô anh chối Thầy. Gán nhãn hiệu thật gọn cho cả các vị thánh âu cũng là chuyện thuận tiện. Chỉ còn thiếu đường dán vào lưng mỗi vị một con số như các cầu thủ bóng đá. Phêrô anh chối Thầy, cầu cho chúng tôi. Thánh số 9 cầu may cho chúng tôi.
Thật oan cho Tôma. Thiên hạ chỉ mau quên. Không dễ tin, “cứng lòng tin” đâu phải là độc quyền của Tôma. Không một ai trong số những người thân cận Đức Yêsu ngoại trừ Đức Mẹ, Maria là “kẻ đã tin” (Lc 1,45) tự thuở nào – không một ai đã dễ tin hơn Tôma, đã không “cứng tin” như Tôma. Kể cả quý bà quý cô. Họ đem hương liệu đến xức xác Ngài. Họ chỉ đi tìm kẻ chết, không hề đi đón Người Sống. Thấy mồ trống thì cho dầu có được người thanh niên nào ngồi ở đó trấn an và cho biết : “Ngài đã sống lại, chớ có kinh hoàng”, họ đâu có tin. “Họ ra khỏi mồ mà chạy trốn, vì họ run rẩy và sợ ngất người ra” (Mc 16,1-8). Khá lắm thì cũng chỉ được như Maria Magđala : đi tìm một xác chết bị đánh cắp mà thôi, đến nỗi khi “trông thấy Đức Yêsu đứng đó” mà vẫn cứ tưởng là người làm vườn (Ga 20,11-18)
Nói gì đến hai môn đệ trên đường Emmau. Họ đã nghe nói chuyện mồ trống, thiên thần hiện ra báo tin, nhưng “trí lòng chậm tin”, họ cứ vác mãi theo trên đường một “bộ mặt ảo não”. Gặp Đức Yêsu, đi cả buổi bên cạnh Ngài, nghe Ngài diễn giải đầu đuôi gốc ngọn toàn bộ Kinh Thánh họ vẫn không nhận ra Chúa. Phải đợi Chúa mở mắt tâm hồn như đã mở mắt cho Maria Magđala lần này bằng cử chỉ bẻ bánh như lần nọ bằng tiếng gọi “Maria” ! họ mới “nhận biết Ngài” (Lc 24, 13-35). Cũng như Maria Magđala, họ không dễ tin khi không thấy tận mắt, mà thấy tận mắt rồi lại chưa đủ để tin. Chủ nghĩa thực chứng có khi là điều kiện cần, không bao giờ là điều kiện đủ để tin Chúa sống lại.
Tất cả các tông đồ khác cũng vậy thôi. Nghe một bà như Maria Magđala nói là đã thấy Ngài, họ không tin. Nghe hai đấng nam nhi đi Emmau về báo tin cho biết họ cũng không tin. Phải đợi “sau cùng Ngài tỏ mình ra cho chính nhóm Mười Một đang khi họ dùng bữa”, họ mới mở mắt ra được. Và nếu Đấng Sống lại chỉ kê nhẹ Tôma là “đừng ở như kẻ cứng tin” (Ga 20,27) thì rõ ràng Ngài đã không nhẹ nhàng với các tông đồ khác : “Ngài quở mắng sự cứng tin, lòng chai đá của họ, bởi họ không tin những kẻ được thấy Ngài đã sống lại” (Mc 16,9-14).
Rốt cuộc, nếu chỉ là chuyện “cứng tin” thì Tôma không đáng được chú ý tới làm gì, chỉ tôi nghiệp. Nhưng chính sự kiện tất cả mọi người thân cận Chúa Yêsu đều chậm tin hay cứng tin, chính sự kiện này lại rất ý nghĩa:
1. Tiên và mọi sự, TIN LÀ TIN CHÚA SỐNG LẠI (1Cr 15,1-8, xem lại tt. 194-195).
2. Các kẻ tin đầu tiên đã không hề là loại người mù quáng, dễ tin, “tin đại”. Họ vừa không dễ mường tượng, mong chờ Chúa Sống lại, vừa không dễ đón nhận Tin Mừng Chúa sống lại.
3. Họ đều đã cần (hay đòi) thấy tận mắt mới tin. Nhưng thấy tận mắt vẫn chưa đủ để nhận ra Chúa, tin Ngài đã sống lại. Còn phải được Chúa mở mắt lòng tin, họ mới tin được Chúa sống lại. Chúa nói : “Phúc cho những ai không thấy mà tin” không phải là để khuyến khích sự nhắm mắt tin đại, nhưng là để nhấn mạnh về ơn mở mắt lòng tin. Vì xét cho cùng, mọi kẻ tin, thấy hay không thấy, sáng mắt hay không sáng mắt mà tin, thì đều đã được sáng lòng, được phúc sáng lòng, đều có phúc.
Tôma “cứng tin” không phải là chuyện mới mẻ và đáng chú ý. Nhưng chính vì Tôma chỉ là anh cầm đèn đỏ trong vụ chậm tin và cứng tin, chuyện Tôma lại là chuyện tuyệt vời.
Bất kỳ kẻ cứng tin nào, cho dầu là ở giờ thứ 25, cho dẫu là kẻ cuối cùng thì vẫn là có một không hai đối với Đấng Sống Lại và cũng được Ngài chiếu cố. Không có vấn đề đa số thắng thiểu số ở đây. Chúa không vì 99% đã tin mà bắt 1% còn lại phải tự động tin theo. Cũng không phải vì 99% đã tin mà coi như không đáng kẻ, “coi như pha”, “cho qua luôn” 1% hay một anh Tôma nào đó còn sót lại.
Không một đa số nào, cho dẫu là 99% là điều kiện đủ để rút ra từ ruột gan chúng ta kêu lên : “Lạy Chúa tôi và là Thiên Chúa của tôi” (Ga 20,28). Chúa Kitô có thể trách chúng ta chậm tin, cứng tin, thậm chí “lòng chai dạ đá”. Nhưng Ngài vẫn quý trọng đòi hỏi thâm sâu của mỗi chúng ta là được đích thân, chính mình, gặp gỡ Ngài, cách này hay cách khác, chứ không phải chỉ qua trung gian, đại diện.
Không một Tôma nào là không đáng kể. Thiên Chúa không hề giỏi kế toán và con người không bao giờ chỉ là số lượng đối với Ngài. Chỉ một “Noe đã được nghĩa trước mắt Yavê” là đã đủ cho Lòng thương xót của Ngài bỏ ý định “xóa sạch loài người khỏi mặt đất” (St 6,7-8). Abraham đã có thể thoải mái tự ý đề nghị con số 50 người lành rồi vút dần xuống chỉ còn 10 người lành thôi, mà vẫn cứ được Yavê thỏa thuận sẽ không hủy diệt Sôđôm vì mười người ấy. Chỉ tiếc là Abraham không bạo phổi hơn để rút xuống… chỉ một người lành. Chay ra khỏi Sôđôm, Lot ngỏ ý muốn “thoát thân” vào một thành gần bên, thì chỉ một mình Lot đã đủ để Yavê “nể nang” mà “không vùi đi thành đó”, thậm chí còn hứa “không thể làm gì trước khi (Lot) đến đó” (St 18,22-32; 19,17-26). Tôma có là kẻ còn sót lại, kẻ cuối cùng của thiểu số nhỏ nhoi cuối cùng, người thứ 1001 của giờ thứ 25 thì Đấng Sống Lại vẫn muốn dành phần cho Tôma, gặp gỡ Tôma trước khi có thể “ra đi” mà hết phải bận tâm.
Nói cho ngay, có bao giờ mà Chúa Kitô hết phải bận tâm được. Vì đâu đó, đây đó trên cõi đời này vẫn còn có một kẻ cứng tin cuối cùng, một Tôma, nhiều Tôma. Vẫn còn đâu đó trong lòng dạ chúng ta, đây đó trong cuộc sống chúng ta một góc, một phần ngờ vực, hoảng sợ, chưa tin, cứng tin sót lại. Không ai bằng Thánh Phaolô dư biết điều đó và làm chứng cho điều đó. Chúa đã “đi về trời” (Cv 1,11) từ hồi nào rồi, nhưng “cuối hết, Ngài cũng đã hiện ra cho tôi nữa, đứa con ranh” (1Cr 15,8). Tôma chỉ sau mươi tông đồ, còn Phaolô là sau cả “hơn năm trăm anh em” (1Cr 15,6). Người thứ 501 vẫn được Chúa Sống lại chiếu cố như là kẻ độc nhất vô nhị và chiếu cố một cách độc nhất vô nhị.
Và Chúa Sống lại đã ra đi mà cứ vẫn còn đó, “ở với (chúng ta) mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Để chiếu cố. Sẽ không bao giờ Ngài hết phải chiếu cố đến những Tôma cuối cùng, đến những Saulô còn sót lại. Ngài cứ còn phải chịu hiền, bận tâm vì họ cho đến ngày cuối cùng. Để chiếu cố bằng một “cú” ngoạn mục như trên đường đi Đama hay vào một lúc nào đó trong cuộc đời một Augustinô, một Phanxicô Assisi, một Pascal, một Anphonsô Ligori, một Claudel, một Charles de Foucauld vv…
Hay thông thường hơn, chiếu cố bằng những cái nháy mắt, những “dấu chỉ” kín đáo hơn, nhẹ nhàng hơn nhưng cũng có thật không kém và không kém ý nghĩa “mặc khải”. Những cái nháy mắt, những “dấu chỉ” của Chúa vẫn xuất hiện đây đó trong cuộc đời mỗi con người.
Có như vậy mới là “gặp gỡ Đức Kitô, biến đổi cuộc đời mình”, sống đức tin và làm chứng cho lòng tin. Tin, “tiên vàn mọi sự” là TIN CHÚA SỐNG LẠI. Tin đích thực, “không thấy mà tin” nhưng cũng không phải nhắm mắt mà tin, không phải tin “ăn theo”, không phải tin bằng lòng tin tầm gửi. Tin đích thực vì đích thân được “gặp gỡ Đức Kitô” một cách nào đó. Và nói về lòng tin, nói về Chúa Sống lại, loan báo Tin Mừng cho đúng đắn và đích thực vẫn là LÀM CHỨNG.
Sunday, 12 July 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment