Monday, 8 July 2019

MỌI NGƯỜI ĐỀU LÀ NGƯỜI THÂN CỦA TÔI.


MỌI NGƯỜI ĐỀU LÀ NGƯỜI THÂN CỦA TÔI.
_____________________________________
Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT

Câu hỏi của người thông luật “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” mở đầu bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay. “Sự sống đời đời” là một thực tại mà hầu hết mỗi người tín hữu đều nhắm đến. “Tôi phải làm gì?” là vấn nạn nhắc nhở đến bổn phận và trách nhiệm mà chúng ta cần thực hiện ngay bây giờ. 

Nếu chúng ta không có niềm tin vào sự sống đời đời thì quả thực chúng ta sẽ sống buông thả và thiếu trách nhiệm với Thiên Chúa và tha nhân. Vì thế, cho dù sự sống đời đời thuộc về Thiên Chúa và chúng ta chưa nắm trọn vẹn được; nhưng ngay bây giờ chúng ta cần thực hiện các việc làm để thể hiện lòng mến Chúa và yêu người thì sẽ được sống.

Giả như ông luật sĩ đừng tranh luận thêm và cố gắng thực thi những khoản luật mà ông đã được dậy bảo thì chúng ta không còn gì để tìm hiểu thêm. Nhưng ngay từ đầu của bài tường thuật, người luật sĩ đã không có lòng thành để tìm kiếm, ông đặt câu hỏi nhằm thử Đức Giê-su cho nên giờ này ông nghĩ là tiếp tục bắt bí Người bằng một vấn nạn khác, đó là: “Ai là người thân của tôi?”
 
Có người cho rằng người thân của họ là những người cùng một huyết thống trong gia tộc: ông bà, cha mẹ, vợ chồng con cái, cháu chắt, v.v… Đúng vậy, và nếu người nhà mình mà mình không yêu, không sống tử tế thì làm sao yêu người khác được. Nhưng, trong thân phận của người tín hữu, chúng ta được mời gọi sống và vượt lên trên tiêu chuẩn nói trên. Và câu trả lời cho câu hỏi “Ai là người thân của tôi?” đã được Đức Giêsu diễn tả thật sống động qua truyện ngắn mà chúng ta hay gọi là dụ ngôn “Người Sa-ma-ri-a nhân hậu.” mà chúng ta vừ nghe trong phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay.

Truyện ấy như thế này: Mọi người cùng thời với Đức Giêu đều biết rằng con đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô là một đoạn đường đầy nguy hiểm, thường xuyên xẩy ra các nạn cướp của và giết người. Xẩy ra là có một người mà chúng ta không hề biết gốc tích, gia thế hay địa vị, nói chung là một người vô danh, không hề có bất cứ một chút quan hệ gì với mỗi người chúng ta. Ông đi ngang qua đó và đã rơi vào tay bọn cướp. Chúng cướp hết tiền bạc, đánh ông nhừ tử, thừa sống thiếu chết rồi quăng ông bên vệ đường. Tình trạng của ông cần được cứu cấp. 

Cùng vào thời gian đó, có một ông tư tế mà chúng ta hay gọi là ông cha, cũng đi trên con đường đó. Cha nhìn thấy cảnh tượng của người bị nạn bèn quay mặt làm như không thấy gì rồi đi sang lối bên kia để đi. Lại có một ông luật sĩ, thông thạo và giảng dậy cho dân chúng biết về đạo lý, cũng đi qua, cũng nhìn thấy rồi cũng ngoảnh mặt làm ngơ và rẽ sang lối khác để đi. 

Tuy trong bản văn chúng ta không hề hay biết lý do tại sao họ lại làm như thế! Nhưng cũng có một số lý lẽ được đưa ra để bảo vệ cho hai vị trọng vọng nói trên, đó là các ngài có chuyện gấp cần phải đi hay sợ bị trở thành ô uế khi đụng chạm vào nạn nhân. Nói chung chúng ta có thể coi họ là người ‘vô cảm’.

Tình cờ, lại là truyện tình cờ. Nhưng lần tình cờ này đáng cho chúng ta phải suy nghĩ. Số là, cùng vào lúc đó, có một người thuộc dòng giống Sa-ma-ri-a mà người Do Thái coi họ là kẻ thù; vì họ đã dám phế bỏ truyền thồng của tiền nhân, thu nhập các thói tục ngoại giáo và luôn sống trong tình trạng bị ô uế. Họ bị coi như là kẻ thù của người Do Thái. Anh chị em thử thay cụm từ ‘người Samaria’ bằng một tên nào đó thuộc nhóm khủng bố IS (Hồi Giáo cực đoan) hay là bất cứ nhân vật nào hay nhóm người nào mà bị anh chị coi họ như kẻ thù thì chắc hẳn chúng ta sẽ đọc trình thuật này với ý nghĩ khác. Và, ngày nay khi nghe thấy chữ ‘Samaria‘ tức khắc chúng ta sẽ nghĩ đến các cụm từ ‘tốt lành hay nhân hậu’ để gán cho người đó. Nhưng, trong trình thuật, Đức Giêsu chỉ gọi ông là người Samaria mà thôi. 

Giống như vị tư tế và ông kinh sư, người Samaria cũng đang đi trên đường, ông cũng nhìn thấy nạn nhân nửa sống nửa chết, nằm thoi thóp bên vệ đường. Ông cảm thấy như có lưỡi dao đâm vào tim ông. Bỏ hết mọi sự mà ông dự tính thực hiện sang một bên. Ông dừng lại, tiến lại gần, dùng tất cả khả năng và dụng cụ cứu thương sẵn có để cứu giúp nạn nhân. Chưa xong, ông cảm thấy không thể để người bị cướp này nằm ở lề đường. Ông đưa nạn nhân, người mà ông không hề quen biết đến quán trọ và xin chủ quán săn sóc cẩn thận và mọi chi phí sẽ được bồi hòan khi ông trở lại. 

Sau đó, thay vì tiếp tục cuộc tranh luận và đưa cho nhà thông luật câu trả lời thì Đức Giê-su đã hỏi ý kiến ông ta rằng: 

Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?" Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy". Ðức Giêsu bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy". (Luca 10: 30-37)

Người thông luật trả lời thật là chí lý. Kẻ thực thi lòng thương xót, thực hiện việc bác ái là người thân cận của kẻ đang sống dở chết dở. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây không phải là chuyện lý lẽ. Lời xác định của Đức Giêsu làm cho chúng ta suy nghĩ. Ông hãy đi và làm như vậy.

Người thông luật dĩ nhiên là người có học và thông hiểu giáo lý trong đạo. Nhưng hiểu mà làm gì nếu không biết đem ra thực hành. Đó là điều Đức Giêsu nhấn mạnh ở đây. Quả thật theo trình tự của văn mạch. Sau khi nghe câu trả lời của người thông luật thì, dù muốn hay không, Đức Giêsu cũng cần có ý kiến về câu trả lời của ông ấy. 
Nhưng Người lại nói “hãy đi và làm như vậy”. Khi nói thế Đức Giêsu muốn cho chúng ta biết ý muốn của Người. Việc xác định ai là người thân của tôi không nằm trong phạm vi tìm kiếm về mặt lý thuyết. Nhưng điểm quan trọng là thái độ và cách sống của chúng ta. Đây không phải là tiêu chuẩn để xác định ai là người thân của mình; nhưng đúng hơn đó là tiêu chuẩn để xác định mình có là người thân của người khác hay không? 
Người thân cận là người có lòng thuơng xót, biết động lòng thương, biết rung động trước nhu cầu của người khác. Một khi mà hành trang trong cuộc sống của chúng ta còn thiếu những khí cụ như tình yêu, lòng thương xót, thông cảm và tha thứ cho nhau, … thì mình vẫn xa lạ với chính mình và chưa là người thân của ai hết.
Việc áp dụng lời mời gọi “hãy đi và làm như vậy” của Đức Giêsu hôm nay không phải là điều dễ thực hiện. Nhất là trong những năm gần đây, các hành động thể hiện sự quan tâm và săn sóc của chúng ta dành cho những người bị nạn cũng có thể bị coi là các hành vi lạm dụng. 
Cho nên, để phòng hờ, chúng ta lại nghiêng về một thái độ cực đoan khác. Đó là nếu thấy ai té ngã trên đường mà chúng ta không có bổn phận thì cũng nên thận trọng trong việc giúp đỡ khi cần đụng chạm đến người đó, nhất là người bị nạn là trẻ em, chúng ta dễ dàng bị vu cáo là vi phạm vào các tiêu chuẩn chức nghiệp làm tổn hại đến người khác.
Quả thật không biết đường nào để ứng xử. Gần gũi quá cũng bị hiểu lầm. Không gần gũi thì làm sao thể hiện sự quan tâm đây! Đúng là vàng thau lẫn lộn… Tuy chúng ta cần đến sự khôn ngoan để thẩm định. Nhưng xét cho cùng, nếu chúng ta chẳng còn biết tin vào ai thì việc xác định ‘người thân’ lại càng khó khăn hơn.
Người Samaria vốn bị liệt vào hàng ngoại giáo, sống ngoài luồng. Hầu hết những người Samaria đều bị coi là những người xấu. Vậy các cụm từ ‘tốt lành, nhân hậu’ trong tiêu đề của dụ ngôn này ở đâu mà ra. Phải chăng, chúng ta tặng cho họ danh hiệc đó vì các việc làm nhân hậu phát sinh từ một trái tim biết rung cảm trước những khổ đau của tha nhân, biết ‘động lòng thương’ nên ông ta đã trở thành mẫu mực cho những ai tự nhận mình là môn đệ của Đức Giêsu?
Trong vuơng quốc của Đức Giêsu thì tất cả đều bình đẳng, không phân biệt giai cấp. Không ai bị lên án. Tất cả đều có chỗ đứng và không ai bị loại ra ngoài. Họ có chung một mẫu số là ‘động lòng thương’. Đó là nền tảng duy trì các mối tương quan và là sợi dây nối kết họ thành cộng đoàn. Đối tượng của họ không hạn hẹp trong mối quan hệ huyết thống, nhưng được mở ra cho tất cả mọi người. Thế giới của họ rất rộng, vì đối với họ thì ai cũng là người thân.

Người thân cận nhất của họ lại là chính bản thân họ. Thay vì sầu não, buồn phiền và cứ bị dằn vặt về những lỗi phạm được xét dựa vào tính khắc kỷ và những tiêu chuẩn khắt khe của lề luật. Họ nên mở ra để đón nhận tình thương yêu của Thiên Chúa để sống vui tươi hơn. Chúa rất hài lòng đồng bước với những yếu hèn phát sinh từ sự mỏng dòn của thân phận làm người và Người sẽ dìu chúng ta bước đi.

Vẫn biết yêu thương mình đã khó. Nhưng được làm môn đệ của Chúa là một hồng ân, và sống trong kho tàng của nguồn suối yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi ra khỏi chính mình để yêu thương người khác. Đây chính là mẫu mực Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi trao đổi lòng mến cho nhau và cho nhân loại. Tình yêu chỉ trở nên sung mãn khi chúng ta dám ra khỏi mình. Và cũng chỉ trong tình trạng sống như thế thì Thiên Chúa mới có cơ hội ‘bơm’ tình thương của Người vào trong ta. 

Ra khỏi mình để đến với người khác là khởi điểm của hành trình ‘hãy đi và làm như vậy’. Đó là con đường duy nhất để tôi làm chứng cho nhân loại biết tất cả đều là người thân của tôi. 

Chúng ta hãy trở lại với trình thuật của dụ ngôn. Người thân cận không phải là người nửa sống nửa chết, nằm bên vệ đường, đang cần được chăm sóc. Nhưng là người Sa-ma-ri-a biết ‘động lòng’ trước cảnh khốn cùng của kẻ bị (cuộc đời) cướp đi gần như tất cả những gì ông có. 

            Không chỉ là người Samaria mà thôi. Ngay cả chúng ta nữa. Nếu ai ai cũng có tấm lòng như thế thì dù bất cứ ai coi họ là kẻ thù, nhưng với họ thì chẳng ai là kẻ thù hết. Tất cả đều là người thân của họ. Tất cả những người mà họ gặp trên hành trình sống đều là đối tượng để họ ban phát và ‘động lòng thương’. Đây chính là khoản luật cao trọng mà Đức Giêsu đã dạy 

Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn thứ nhất, là: ngươi phải yêu người như chính mình”. (Mt 22,37-39)

Và qua việc ‘động lòng thương’ chúng ta không chỉ hàn gắn và chữa lành các vết đau của tha nhân mà là chính Chúa, như Lời Chúa phán: 

“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. (Mt 25: 40)

Vì vậy, hãy ra đi và ‘động lòng thương’ bởi vì ai cũng là người thân của mình. Tất cả chúng ta, không phân biệt giới tính, chủng tộc, địa vị, mầu da hay tín ngưỡng... đều là hình ảnh và thành viên của gia đình mà người Cha chung là Thiên Chúa. Tất cả đều xứng đáng thừa hưởng sự kính trọng và yêu thương của chúng ta. Giữa chúng ta không có định kiến hay thù ghét, chỉ có thông cảm và yêu thương. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta vẫn chưa thực hiện trọn vẹn những yêu cầu của Chúa hôm nay. Với ân sủng của Chúa, chúng ta có thể tiến lại gần các nạn nhân, với niềm kính trọng, như người Samaria đã làm. 

Hãy đi và làm như Chúa đã làm là điều Chúa muốn chúng ta thực hiện hôm nay rồi chúng ta sẽ đạt được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT
_____________________________________________________________________________________

No comments: