Wednesday 24 July 2019

Nguyễn Văn Tạ : Tản mạn về phiếm của Trần Ngọc Mười Hai


Theo Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì phiếm là “bông lông” như bàn phiếm, chơi phiếm, chuyện phiếm. Bàn về nhiều vấn đề một cách thoải mái có  đôi nét hài hước trong đó, ấy là phiếm.
Theo tôi, viết chuyện phiếm không dễ chút nào, lại càng khó hơn khi viết về những điều “nghiêm túc” về cả đạo lẫn đời, nhất là những chuyện của nhà đạo, vì dễ bị nghi ngờ này nọ. Ấy thế mà tác giả Trần Ngọc Mười Hai viết một cách dễ dàng, cái tài tình là ông không mất lòng ai cả, kể cả những vị lão thành đáng kính trong Đạo hay ngoài đời.

Cái lạ của Trần Ngọc Mười Hai, dễ thấy nhất là ông luôn luôn dùng một bản nhạc như một sợi chỉ xuyên suốt từ đầu đến cuối câu chuyện mình viết ra. Người đọc nào mê nhạc sẽ có luôn một tập nhạc qua các bài chuyện phiếm do ông viết.

Khi viết chuyện phiếm, tác giả chắc hẳn phải có một kho kiến thức dồi dào để cung ứng cho người đọc. Rồi còn phải viết sao cho hấp dẫn, gây tò mò, đánh động người đọc, khiến người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Về điều này, Trần Ngọc Mười hai là bậc thượng thừa. Chuyện phiếm của ông không thiếu những chi tiết hấp dẫn và cảm động qua những mẫu chuyện mà ông đã dày công thu thập để cung ứng cho người đọc. Có thể bản tính của ông là người vui vẻ, lạc quan, yêu đời. Nhìn đâu cũng thấy nụ cười, nhìn đâu cũng thấy hạnh phúc, dù trong những cảnh đời đau thương nhất, tuyệt vọng nhất.

Đọc phiếm có một cái thú, theo thiển ý của tôi, là muốn đọc chỗ nào thì đọc, không cần theo thứ tự nào cả. Mệt thì nghỉ, bận đi đâu thì cứ đi, rồi về lại đọc ngấu nghiến như nhai một ổ bánh mì hay khoai tây chiên ròn thơm phức. Không phải văn chương là món ăn tinh thần hay sao?

Đọc các tập chuyện phiếm mới ra đời của ông, ta thấy tác giả còn nhiều e dè với các vấn đề được nói đến. Nhưng càng viết, tác giả càng tỏ ra thông thạo hơn, ý nhị, khôi hài hơn, tự do và bông đùa nhiều hơn.

Bạn đọc để ý, sẽ thấy kể từ tập ‘Chuyện phiếm đạo đời số 7” về sau này, tác giả đã đổi hẳn văn phong của mình, không còn bị hạn chế trong bất kỳ ước lệ nào, phạm trù nào. Lối viết của ông thông thoáng hơn, bát ngát hơn và nhiều “hoa thơm cỏ lạ” hơn. Cái ngẫu hứng của ông khi viết dường như lan truyền sang cả người đọc bài viết của ông.

Một người bạn viết cho một người bạn, thật thân tình và cởi mở. Chúng ta có thể không đồng ý với tác giả về một vấn đề nào đó, điều này cũng  không sao, vì tác giả chỉ gợi ý để đánh động suy nghĩ của  ta mà thôi. Chính người đọc qua câu chuyện, phải tìm cho riêng mình một kết luận, chứ không phải là người viết. Về điểm này thì Trần Ngọc Mười Hai khá thành công. Bởi vì  người đọc, sau khi đọc xong những mẩu chuyện phiếm đạo đời của ông, không thể không suy nghĩ, ray rứt và tìm cho mình thái độ sống thích hợp.

Nếu ta đọc chuyện phiếm với tâm tình của một người cầu tiến thích học, hẳn là chúng ta sẽ gặt hái được nhiều điều bổ ích trong cuộc sống hàng ngày, xứng đáng là người hơn, biết sống yêu thương, tôn trọng người khác hơn. Tôi nghĩ, đó cũng là ước muốn của tác giả Trần Ngọc Mười Hai khi cho ra đời những tập “Chuyện phiếm đạo đời” này.

Nguyễn – Văn –Tạ - ký

Sydney 21-7-2019
Kỷ niệm 50 năm con người đặt chân lên mặt trăng.


No comments: