Tuesday, 23 July 2019

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, Dcct : HÃY MẶC LẤY TÂM TƯ CỦA CHÚA.


Đề tài của bài Tin Mừng tuần này nói về cầu nguyện và được chia ra ba phần: Phần thứ nhất nói về thể thức cầu nguyện của Đức Giêsu mà chúng ta hay gọi là ‘Kinh Lậy Cha’, sau đó là dụ ngôn khuyên chúng ta kiên tâm trong kinh nguyện và sau cùng là hiệu lực của lời cầu nguyện theo đúng ý Chúa.

Trong phần mở đầu của trình thuật, Thánh Luca đã xếp các lời kinh này sau đoạn nói về việc Đức Giêsu cầu nguyện. Chi tiết này có thể giúp chúng ta suy đoán rằng Người đã không có ý muốn dậy chúng ta một công thức để cầu nguyện cho bằng chia sẻ cho các môn đệ biết tâm tư của Người vừa nói với Cha Người. Hẳn nhiên, khi cầu nguyện Đức Giêsu đã làm gương cho các môn đệ, cho nên khi nhìn thấy Người cầu nguyện quá sốt sắng, quá thân mật nên các ông  mới xin Thầy dậy cho họ cách cầu nguyện.

Bản Kinh lậy Cha mà chúng ta vừa nghe hôm nay được ghi lại bởi Thánh Luca. Các nhà chuyên môn về Thánh kinh thường cho rằng các lời cầu nguyện trong bản văn này đã xuất hiện sớm hơn bản văn trong Tin Mừng của Mátthêu. Các cụm từ ngắn và đơn giản trong bản văn này giúp cho chúng ta nhận ra ý của Thánh sử là muốn trình bầy mối quan hệ  giữa Đức Giêsu và Cha Người.  Và khi cầu nguyện, chúng ta cũng được mời gọi có tâm tình như Đức Giêsu đã có. Tuy nhiên, thật là đáng tiếc khi chúng ta có xu hướng dùng thể thức kinh nguyện này hơi nhiều và quá vội vàng vì thế đã làm giảm mất phần lớn ý nghĩa của các lời kinh.

Đây chính là bản toát yếu của toàn bộ Tin Mừng, là bản tóm tắt toàn bộ chương trình của Đức Giêsu. Giống như vậy,  Kinh lậy Cha không chỉ là thể thức mà Đức Giêsu đã dậy chúng ta cách cầu nguyện. Thật ra, các lời kinh này chứa đựng toàn bộ kế hoạch cho đời sống của tín hữu. Vì thế, nếu chúng ta sống theo những gì mà chúng ta cầu thì chúng ta cũng nên một với cuộc sống và sứ vụ của Đức Giê-su, bởi vì đó chính là cách mà Đức Giêsu đã cầu nguyện và đã sống.

Trong bản kinh này, Đức Giêsu đã xưng với Thiên Chúa là ‘Abba’, có nghĩa là ‘Cha, Bố, Ba ơi’. Thời Chúa Giêsu, không mấy người xưng với Thiên Chúa là Abba. Đó là cách gọi của các trẻ em. Như vậy khi dùng danh xưng này để thân thưa với Thiên Chúa, Đức Giêsu cố ý nhấn mạnh đến mối tương quan thân mật, gắn bó, nhất là sự lệ thuộc của Người với Chúa Cha. Khi cầu nguyện bằng Kinh lậy Cha, chúng ta cũng được mời gọi nên một với Đức Giê-su, để như Người lệ thuộc và phó thác vào Chúa Cha thế nào thì chúng ta cũng có tâm tư như thế. 

Với tâm tư như thế, như Đức Giêsu chúng ta cũng không chỉ ước nguyên cho Vương quyền của Thiên Chúa ngự đến, mà cần thể hiện bằng lối sống để làm nhân chứng cho sự hiện diện của Vương quốc nơi bản thân của người môn đệ.

Sau đó là những lời cầu xin xem ra liên quan đến nhu cầu và ước muốn của người môn đệ. Nhưng thật ra những ước nguyện này không quy hướng về bản thân cho bằng nói lên ý muốn xin cho được những điều như thế để những ai là môn đệ sẽ được tự do, không còn bận tâm lo chuyên cơm ăn áo mặc, không bị cám dỗ bởi quyền lực của Satan; rồi thanh thản giống như Đức Giê-su dành trọn thời gian và năng lực cho công cuộc rao giảng Nước Chúa.

Sau đó đến lời nguyện ước mà theo tôi cảm thấy là rất khó thực hiện. Chúng ta xin Chúa tha thứ cho các lỗi phạm của chúng ta không biết bao nhiêu lần; thế mà đã bao giờ chúng ta đã tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình chưa? Làm sao chúng ta dám xin Chúa ban cho chúng ta điều mà mình không thể làm được! 

Như chúng ta hằng tin tưởng, Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của lòng thương xót; Thiên Chúa của sự thứ tha. Như vậy, chúng ta có thể xác tín rằng Thiên Chúa luôn yêu thương và tha thứ cho chúng ta trước khi chúng ta khẩn khoản nài xin Ngài. 

Việc chúng ta xin ơn tha thứ để thứ tha cho kẻ khác là mục tiêu của cuộc sống. Việc xin Chúa tha thứ để thứ tha cho người khác thì giống như việc ăn năn tội mà chúng ta thường làm khi đón nhận bí tích giao hòa. Trong giây phút ‘ăn năn’ đó, chúng ta hết sức thành khẩn để bộc lộ tâm tình thống hối cho các sai phạm của mình, thế mà sau đó chúng ta vẫn tái phạm. Nhưng Thiên Chúa biết và thấu hiểu cõi lòng mình; Chúa cũng biết rõ thân phận yếu đuối của mình. Mỗi lần cầu xin như thế, cho dù sau này sẽ tái phạm, nhưng cũng đủ nói lên sự quyết tâm cải thiện của mình. Chúa muốn chúng ta làm hết sức mình. Sau đó Người cũng sẵn sàng tha thứ nếu chúng ta thất bại.

Sau đó là dụ ngôn ‘người bạn quấy rầy’ mà trong phần cuối, Đức Giê-su đã nói người bị quấy rầy đã không dậy vì tình bạn; nhưng vì sự lỳ lợm và không biết xấu hổ của anh bạn. Thật ra, nếu anh ta không thức dậy thì danh dự của anh ta sẽ bị đánh giá thấp. Vì thế, để bảo toàn cho ‘danh thơm’ này anh phải thức dậy mà thể hiện tấm lòng đại lượng của mình.  

Như vậy, trong thân phận con người, với tất cả giới hạn và yếu đuối mà chúng ta còn biết cư xử với nhau như thế phương chi Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài sẽ bảo vệ ‘DanhThánh’ bằng cách cho chúng ta những gì tốt đẹp nhất, cả sự sống của Người.

Phần cuối của bài Tin Mừng hôm nay quá khó. Bởi vì căn cứ vào kinh nghiệm trong cuộc sống, chúng ta nhận ra rằng không phải mọi lời chúng ta xin đều được, mọi lần chúng ta gõ cửa thì Ngài sẽ mở cho và khi chúng ta tìm kiếm thì Ngài sẽ xuất hiện. 

Thí dụ, chúng ta đã làm gì sai khi cầu nguyện cho người thân được khỏa mạnh và bình an; chúng ta không cầu xin cho bản thân; nhưng cầu xin cho người thân mà. Thế mà họ lại cứ lần lượt ra đi. Già mà ra đi thì còn có thể hiểu được; nhưng nhiều gia đình đã mất những người thân yêu khi còn quá trẻ. Rổi còn bao nhiêu lời cầu xin cho nền hòa bình trên thế giới, thế mà chúng ta vẫn nghe thấy những thảm kịch của chiến tranh, khủng bố, bạo lực, đói khát, bệnh tật và thiên tai.

Nếu Thiên Chúa đã được ví như một bậc cha mẹ luôn yêu thương, mong muốn cho đi những gì tốt đẹp nhất cho con cái mình thì tại sao những lời cầu nguyện chính đáng như thế lại dường như không được trả lời?

Không có câu trả lời đơn giản cho câu hỏi này.
Có những lúc, có lẽ, lời cầu xin của chúng ta chưa phải là lời yêu cầu chính đáng; và Thiên Chúa, vì yêu thương nên đã phải từ chối yêu cầu của chúng ta. Tuy nhiên, lời giải thích này không thể giải thích cho nhiều trường hợp trong đó các yêu cầu của chúng ta chắc chắn phù hợp với ý muốn của Chúa. 

Một lời giải thích khác thường được đưa ra là Chúa có chương trình của Ngài, và việc mà chúng ta xin không được xẩy ra vì kết quả của sự việc sẽ không đem lại lợi ích lâu dài cho người xin. Tuy nhiên, lối giải thích này cũng tạo nhiều rắc rối. Bởi vì, như vậy chúng ta giả thiết mọi sự xẩy ra đều là ý Chúa. Như vậy, con người sẽ phủi tay, và đổ thừa cho Chúa về mọi sự - như bạo lực, tra tấn, chết đói hay chết yểu - là ý muốn của Thiên Chúa hay sao. Trong khi đó, chúng ta cần có can đảm để thừa nhận những việc đó xẩy ra một phần là do tội lỗi của mình.

Thế thì chúng ta có thể nói gì về lời cầu nguyện chưa được trả lời? Chúng ta có thể tin rằng Thiên Chúa toàn năng, nhưng Thiên Chúa không phải là quyền lực duy nhất trên thế giới. Có những sức mạnh khác, sức mạnh của Satan và những quyền lực thuộc về nó, sức mạnh của ác quỷ và cái chết, thường được con người chấp nhận và làm cho nó phát triển.
Mặc dù, chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã chiến thắng trước những quyền lực này qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu; nhưng trận chiến vẫn còn tiếp diễn, chờ ngày chung cục, ngày Đức Kitô ngự đến lần thứ hai trong quang lâm. Vì thế, trong giai đoạn hiện tại, ý định của Thiên Chúa vẫn bị cản trở bởi sự cộng tác của chúng ta với quyền lực của Satan. Chúng ta xử dụng tự do để ngăn trở ý định và chương trình của Thiên Chúa; rồi quì xuống cầu xin cho Nước Cha trị đến thì sao có thể xẩy ra được!

Tại sao phải cầu nguyện? Bởi vì Chúa không bảo chúng ta cầu xin cho bằng được mời vào mối quan hệ với một Thiên Chúa yêu thương. Người muốn chúng ta cộng tác vào chương trình của Người là cứu chuộc chúng ta và đưa mọi tạo vật đến cùng đích trong Người.

Đừng xấu hổ khi chạy đến với Chúa, cũng đừng ngại ngùng khi xin Người. Cứ tiếp tục nói cho Người biết nhu cầu và hy vọng của mình. Nhưng đừng đóng vai ông chủ ra lịnh cho Người làm theo ý TA. Hãy tin vào tình thương của Thiên Chúa. Hãy can đảm phó thác cái ‘TÔI’ của mình cho  Ngài, vì Ngài yêu thương và ý của Ngài thì bao giờ cũng tốt cho chúng ta. Không phải điều gì xẩy ra trong đời cũng đều là ý Chúa cả đâu! Có nhiều điều là ý của mình rồi gán cho ý Chúa, oan cho Ngài quá. Chỉ có một điều mà chúng ta nên biết, đó là Thiên Chúa làm cho mọi sự trở thành ích lợi cho những ai yêu mến Người, tức là chúng ta.

Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT
23/7/2019

No comments: