Thursday, 5 January 2012

“Vui đời mãi bên nhau, xây mộng ước”


Suy Niệm Lễ Chúa Chịu Phép rửa năm B

“Vui đời mãi bên nhau, xây mộng ước”
Cám ơn em ... những đêm dài thao thức
Để nghe lòng chan chứa một niềm vui
Vần thơ yêu, ta trao hết về người
Anh sẽ giữ, trang tình thơ yêu dấu ...
(dẫn từ thơ Nguyễn Vạn Thắng)

Mt 3: 3-17

            Thơ văn hôm nay, thi sĩ viết những giòng thơ cảm tạ, để gửi em. Giòng cảm tạ, có những đêm dài từng thao thức. Để, nghe lòng chan chứa một niềm vui. Nghiệm sinh niềm vui, người nhà Đạo cũng có đôi lời trìu mến, để dâng lên với tấm lòng biết ơn và cảm mến. Với, tâm tình ngày Ngài Chúa nhận Thanh tẩy, ở bờ sông. Như được diễn tả ở trình thuật, hôm nay.

            Trình thuật hôm nay, thánh Matthêu cho thấy Chúa hiển hiện nhiều lần để ta nhớ rằng: Ngài vẫn ở với ta, theo cách thức đặc biệt. Lần đầu hạ giáng làm người, Ngài sống cho kẻ lỗi phạm, nghèo hèn, bị bỏ rơi. Hiển hiện lần sau, Ngài mặc khải Hiển Linh để ta thấy: giáng hạ của Ngài không dành riêng cho dân được chọn, mà cho mọi dân nước, sắc tộc. Cả hai hiển hiện, đều thấy có ở Tin Mừng thánh Matthêu và Luca. Hiển hiện lần cuối, được cả bốn Tin Mừng ghi chú. Ở đây, Chúa tỏ bầy cho thấy Ngài hiện diện với mọi người, khi Ngài bắt đầu cuộc đời giảng rao. 
      
            Giống như thánh Gio-an, có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc, rằng: Chúa đâu cần đến phép rửa! Rửa, là rửa những gì? Rửa làm gì, khi Ngài chẳng bao giờ nhuốm tội? Và câu ứng đáp, sẽ là: Ngài làm thế, để kết hợp thâm giao với loài người, mà Ngài là thành viên. Ngài đồng hoá với con người, không theo tư cách phạm nhân, nhưng như một người bạn, cùng bản thể. Kết hợp, là ưu tiên Ngài thực hiện, ngõ hầu gần gũi các phạm nhân nào biết cải hối. Điều này, có lẽ là một khẳng định về đức tính và tăm tiếng Ngài từng có là tính Nhân Hiền.

            Để hiểu rõ việc Chúa hiển hiện bên bờ Gióc-đan cho đúng, điều cần hiểu: đây là việc được Cha công nhận. Đây cũng xác định sứ vụ Cha giao, đã bắt đầu. Và Cha hoàn toàn hỗ trợ sứ vụ cứu độ ấy.

            Thoạt vào lúc Ngài bước ra khỏi giòng sông, Thần Khí Chúa phủ tràn trên Ngài. Và nơi Ngài, đã có trọn vẹn tính Thần Thiêng của Đức Chúa: “Này, Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người." Con Yêu dấu, xuất từ tiếng Hy Lạp “agapetos”, là đối tượng lòng mến của Chúa, tức tình yêu Người xuống tràn. Có thể nói, đây là Một Hiện Xuống, riêng cho Ngài. Là, ý nghĩa của việc Thanh tẩy Đức Chúa, trên sông Gio-đan. Là, những gì ta chỉ thấy bằng con mắt của niềm tin. Và, cũng là ý nghĩa của mọi thanh tẩy cho ta.

            Bài đọc sách Công vụ, thánh Phêrô giải thích cho Conêliô, người dân ngoại tiên khởi được Tông đồ Chúa thanh tẩy: Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người” (Cv 10: 38). 

            Trường hợp, nay xức dầu bằng nước, chứ không bằng dầu. Và, xức dầu là để chỉ: Đức Giê-su được phong Vua các vua và Chúa các chúa. Tước hiệu “Kitô” (tiếng Hy Lạp là Christos) là Đấng “đã được xức dầu”. Theo tiếng Do thái, từ ngữ này mang ý nghĩa là: Ngài là Đấng “Mêsia”. Như đã nói, bối cảnh thanh tẩy Đức Chúa còn là nghi thức khởi đầu “sứ vụ tông đồ” dành cho Chúa, khi Ngài bắt đầu cuộc đời giảng rao, ơn cứu độ.

            Bài đọc 1, sấm của tiên tri Isaya vọng lại điều mà thánh sử Matthêu mô tả về hôm Thanh Tẩy Đức Chúa: “Này đây, người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho Thần Khí Ta ngự trên nó.” (Is 42: 1). Sứ vụ của Chúa, được các tác giả Kinh thánh diễn tả bằng nhiều cách, nhờ đó ta có dịp suy niệm những điều, như sau:    

·         Ngài không la hét, thổn thức, hoặc ỉ ôi.
·         Ngài không dẫm đạp bụi sậy bên sông. Cũng chẳng dập tắt lửa thiêng, đang lấp lánh.
·         Ngài đem đến cho mọi người sự công minh chính trực. Và, Ngài không hề bị dẫm đạp cho đến khi công lý được thiết lập, trên trái đất.
·         Ta gọi Con, để thực hiện công việc đại sự, có chính nghĩa.
·         Ta cử Con, như Giao ước trao phó cho mọi người. Như ánh sáng chiếu soi muôn dân nước. Con đến, mở rộng thị kiến cho kẻ mù loà. Giải thoát người bị cầm giữ, nơi lao tù. Con cứu thoát những người sống trong mê muội, giúp họ thoát khỏi ngục tù của tăm tối.

Các câu trên, được Chúa ban ngay nơi hội đường ở Nazarét, như sứ vụ của Ngài (Lc 4: 18-20). Suy niệm hôm nay còn là suy tư về ý nghĩa của mọi thanh tẩy cho ta nữa. Hãy thử suy nghĩ, thanh tẩy nơi ta có điều gì liên quan với Thanh tẩy của Đức Chúa, ở Gio-đan không?. Xưa nay, ta đã nghe lời giải thích đơn giản: Thanh tẩy là “cất đi tội tổ tông truyền và biến ta trở thành con cái Chúa”. Nhiều người, nhất là các vị được thanh tẩy khi còn bé, có thể có khuynh hướng coi việc ấy như một nghi tiết, chỉ một lần là xong. Một lần cho tất cả, do cha mẹ áp đặt như lối sống đã định sẵn, con cái không được quyền có ý kiến, dù cả về sau này nữa.

            Có người còn quả quyết rằng: “Kiếp sau có làm người, xin đừng cho tôi làm Công giáo!” nếu nói thế thì sao không thấy ai suy nghĩ kỹ lại là tại sao dám từ bỏ niềm tin nơi Chúa; tức, niềm tin đem lại cho họ ý nghĩa của cuộc sống. 

Nếu ta thực sự am hiểu ý nghĩa đầy đủ của Thanh tẩy, chắc chắn phải hiểu rằng việc từ bỏ như thế sẽ không hề xảy ra. Thanh tẩy, không là nghi thức biệt lập, dù mọi Bí tích đều như thế. Thanh tẩy, luôn nằm trong bối cảnh toàn bộ cuộc đời. Dù có là thanh tẩy hồi còn bé hay lúc lớn khôn, điều tiên quyết chính là: ta được tháp nhập chung vào một khối, vào một thân mình và một cộng đoàn của Chúa.

            Lĩnh nhận thanh tẩy, tức là ta đã trở nên cùng thân mình với Chúa. Không có gì áp đặt lên ta mà trái ý muốn ta cả. Vì thế, với người trưởng thành, nay có tiến trình khai tâm dẫn mọi người về với Bí tích Thanh tẩy. Qua tiến trình này, cộng đoàn tình thương sẽ luôn hỗ trợ cho những người mới gia nhập, khi thanh tẩy.

            Chính vì thế, mỗi khi có người lĩnh nhận ơn thanh tẩy ở tuổi trưởng thành, Hội thánh vẫn thực hiện nghi thức này trước mặt cộng đoàn giáo xứ, vào đêm Phục Sinh. “Tội nguyên tổ” không được lấy đi do bàn tay phù thuỷ, hoặc do thầm thì câu thần chú. Nhưng đúng hơn, nhờ có thanh tẩy, hối nhân mới được tháp nhập vào cộng đoàn Đức Kitô. Và khi ấy, mọi ảnh hưởng của tội lỗi từng khuấy nhiễu thế gian, nay bị đẩy lùi. Và, mọi người đều đặt mình trong thị kiến của Chúa. Và từ đó, kinh nghiệm sống trải dàn trong cộng đoàn dựa vào tình thương, công bình và sẻ san.       
 
            Ơn thanh tẩy, không là và cũng không thể là máy hút khổng lồ, từ xã hội. Vì vậy, Hội thánh sẽ không thanh tẩy cho ai không có kinh nghiệm về cộng đoàn tình thương, của Đức Chúa. 

            Từ đó, cũng như Đức Giê-su, ơn thanh tẩy đem đến cho ta những ràng buộc nghiêm túc, để ta san sẻ niềm tin với người đồng Đạo, qua lời nói. Bằng gương lành. Tiến trình này lôi kéo theo nhiều thứ chứ không chỉ mỗi chuyện kêu gọi “S.O.S. giúp tôi với”. Cũng chẳng phải để ta có cuộc sống ít lỗi phạm.

            Khi thanh tẩy, ta được mời sống chứng nhân cho Tin Mừng. Mời, làm muối cho thế gian. Làm ánh sáng thị thành, ở đồi cao. Làm cây nến, toả sáng các vùng còn tăm tối. Nói tóm lại, ta được gọi mời để kết hiệp với người anh/người chị trong cộng đoàn tình thương, ngõ hầu dựng xây Nước Trời. Chính vì không hiểu rõ ý nghĩa ấy, nên nhiều vị vẫn hành xử với nhau như người dưng khách lạ ngay cả vào lúc cử hành Tiệc thánh trong ngày của Chúa. 

            Lời sấm trên, áp dụng cho Đức Giê-su, còn cho cả mỗi người chúng ta. Ơn thanh tẩy, không đơn giản chỉ là chi tiết về một sự kiện trong quá khứ, được ghi chép trong sổ bộ lấm đầy bụi, ở nhà thờ. Nhưng, là thực tại sống động thâm sâu và ngày càng phong phú.

            Cử hành Lễ Thanh Tẩy Đức Chúa hôm nay, hãy để Chúa Cha nói với ta như Ngài từng nói về Con: “Này đây, con của Ta. Ta hài lòng con lắm.”
            Lm Frank Doyle sj
            Mai Tá lược dịch  

No comments: