Thursday, 12 January 2012

“Cho thêm ý, nguồn hương thêm đầy dẫy.”


Suy Niệm Chúa Nhật Thứ 2 Thường niên Năm B

“Cho thêm ý, nguồn hương thêm đầy dẫy.”
Màu như ru, sóng âm thanh xô đẩy .
Bao hương thơm trong lời nguyện chiều nay,
Lên bốc lên và ân huệ dường bay .
Ôi! khí hậu lọc bao nguồn ánh sáng.
(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Yn 1: 35-42

            Sóng âm thanh – nguồn hương thơm, như màu ru xô đẩy, nơi lời nguyện. Lời nguyện hôm nay, là nguyện và cầu theo ý Chúa, có lời mời. Ngài mời dân con nhà Đạo mỗi người mỗi cách, như đã ghi giữ trong trình thuật.

            Trình thuật hôm nay, thánh Gio-an ghi giữ lời gọi mời Chúa gửi đến, với mọi người. Chúa gọi mời mọi người làm dân con đồ đệ, nay uỷ thác. Ngài uỷ thác, lối sống thân thương giùm giúp, bằng quà tặng rất trân quý.

            Bài đọc 1, Chúa đã gọi mời người trẻ, tên Samuel, những ba lần. Còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm về gọi mời, nên Samuel cứ ngỡ tiếng Ngài gọi là tiếng từ thày mình là Êlya. Thế nên, Chúa gọi hai lần đầu Samuel đều đi ngủ. Cả hai lần đến với Elya, cứ hỏi han. Mãi lần ba, người thanh niên trẻ Samuel mới dám nghe lời thày mách bảo: “lần sau, hễ có ai gọi thì con nhớ thưa: "Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe." 

            Rồi từ đó, “Samuel đã lớn lên. Và, Đức Chúa ở với ông. Người không để rơi xuống đất một lời nào Người đã phán với ông.” (1S 3: 19) Như thế là, anh vẫn tiếp tục lắng tai nghe rất cẩn trọng. Nghe những gì Đức Chúa nói với ông. Lắng nghe tiếng Người gọi mời. Và đổi lại, ông đã chuyển đến với mọi người, những gì mình đã nghe. Bởi, Lời Chúa không là Lời để ta giữ lại, cho riêng mình. Cũng giống như người tôi tớ lĩnh nhận đồng tiền vàng, rồi đem chôn.

            Và vì thế, mỗi lần Lời Chúa nói, mọi người cần lắng nghe. Lắng nghe, là: để tai ra mà nghe. Là, thông hiểu. Là, chấp nhận, thấm nhập  và đồng hoá thành như của mình vậy. Để rồi, san sẻ với người khác bằng lời lẽ và hành vi. Thành thử, nếu Chúa gọi ta hôm nay, Ngài sẽ nói gì? Ta có sẵn sàng lắng tai để nghe không?

            Trình thuật nay cũng nói về một gọi mời. Gọi mời, là lời gọi đến hai lần. Lời gọi hôm nay, là về hai người đã trở thành đồ đệ của Gio-an Tẩy Giả. Thánh nhân chỉ cho họ thấy Đức Giê-su rồi bảo: “Này, là Chiên Thiên Chúa!”. Thánh Gio-an còn biết rằng: vai trò thủ lĩnh của ông chỉ ngắn hạn và tạm thời thôi. Và, ông tập trung nhấn mạnh đến vai trò chỉ đạo của Đức Chúa. “Chiên Thiên Chúa”, là danh xưng mà thánh Gio-an thánh sử tặng cho Đức Giê-su, ngay chương đầu. Chương này, thánh nhân nối kết Chúa vào với lịch sử cứu độ, dân Do Thái. Và thánh nhân nói: Chúa hy sinh cả cuộc sống vì Ngài thương yêu chúng ta.

            Đồ đệ Chúa, thoạt nghe lời gọi mời, chẳng tỏ bày một ngạc nhiên, nhưng đã bước theo Chúa. Thấy thế, Chúa quay lại hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Câu hỏi này, Chúa cũng đang gửi đến mỗi người, ngày hôm nay. Thông thường, ta cứ nghĩ mình là người hỏi Chúa: “Ngài tìm ai thế?”  Không phải vậy. Ở đây, Chúa chỉ muốn hỏi: ta muốn điều gì? Trả lời câu Chúa hỏi, không phải để trả lời Ngài, mà cốt ý làm lợi cho ta. Câu trả lời, sẽ cho ta biết: đâu là ưu tiên số một, ta có thực sự dành cho Chúa, cho mọi người chung quanh không?

            Chúa hỏi là để biết xem ta thực sự muốn cho cuộc sống mình ra như thế nào? Muốn Chúa làm gì cho ta? Và đây chính là câu hỏi không dễ gì có câu trả lời ngay tức khắc. Trả lời Ngài, có thể cũng chỉ lớt phớt, thoáng qua. Nhưng câu trả lời sẽ cho thấy ta như thế nào. Và, đây là câu hỏi buộc ta phải phản hồi, theo từng giai đoạn, trong cuộc sống và tuỳ hoàn cảnh.

            Và, dù đồ đệ chưa  trả lời câu hỏi “anh tìm gì?” là thế nào? nhưng đồ đệ Chúa, lại cứ hỏi: Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Hỏi như thế, có nghĩa: “Thưa Thầy, Thầy ở nơi nào để con tìm đến? Chúng con đi đâu mới tìm ra được Thầy? Trong cuộc sống, chúng con làm thế nào để giáp mặt cùng Thầy?” Thật phúc thay, nếu ngày nay mọi người chúng ta cũng có câu trả lời như thế.

            Và câu đáp trả của Chúa, vẫn là: “Hãy đến mà xem.”  Đến mà xem, trước tiên không phải là một hiểu biết về Đức Kitô và biết được nơi Ngài lưu lại. Cũng không là vấn đề truyền thông tin tức. Cũng chẳng phải là chuyện có liên quan đến mọi ý nghĩa thần học, tín lý hoặc tu đức. Cũng chẳng phải là vấn đề phải có chuyên môn về giáo huấn và luật lệ của Hội thánh mà nhóm Pharisêu thuộc mọi thời đại đều rất giỏi chuyện này.

            Hiểu biết Chúa, là vấn đề của kinh nghiệm. Người người đều có thể hiểu và biết Giáo lý mới của Hội thánh, dầy những 700 trang. Và, có khi còn thuộc lòng nhiều đoạn. Nhưng vẫn chưa biết Chúa. Biết Chúa, theo nghĩa của trình thuật hôm nay, là biết đi tìm, gặp gỡ và đáp trả sự hiện diện đầy yêu thương của Ngài, trong cuộc sống. 

            Biết đến Chúa, là dám lao mình tìm hiểu giáo huấn của Ngài. Tìm và hiểu, cả vào khi xem ra mình cứ phải đối đầu với những người khác nghĩ. Là, yêu thương không điều kiện. Là, thứ tha, đưa má kia cho người tát. Là, vác thập giá nặng theo sau Đức Chúa. Là, chịu đựng mọi sỉ vả, chê bai và hành hình. Hãy đến mà xem, chính là theo chân bước vào con đường Chúa đã đi. Không có cách nào khác.

            Hai đồ đệ được nói đến trong trình thuật, đều đã chấp nhận lời gọi mời. Các ngài đã thực sự ra đi và lưu lại nơi Chúa từng dừng chân vào cuối ngày. Và, kết quả của quyết tâm lưu lại với Chúa, sẽ ra sao? Một trong hai đồ đệ ấy, là thánh Anrê, không chỉ quyết tâm theo Chúa mà thôi, nhưng còn là người rao giảng Tin Mừng, không xa Chúa. Chính thánh nhân là người đã đến kể với anh em mình : “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia!”  Cũng từ đó, Simôn đã trở thành Phêrô, một đồ đệ rất gần gũi. Một lĩnh tụ của cộng đoàn mới.

            Cũng nên nhớ, thánh Phêrô, dù đảm trách vai trò quan trọng trong tương lai, lúc đầu vẫn không là người được Chúa đích danh, trực tiếp gọi mời. Mà, qua người em của thánh nhân. Và, chuyện như thế vẫn xảy đến rất nhiều lần. Hôm nay cũng giống thế, mọi người chúng ta, kể cả các thánh, đều do người khác, những người yếu kém hơn mình, dẫn đưa đến Chúa. Ngay như ta cũng đều do người nào khác đem đến với Chúa.

            Bởi thế nên, cũng hãy nên hỏi:
            *Chúa đang gọi ta hôm nay, bây giờ để làm gì?
             Và, ta có thực sự để tai mà lắng nghe những điều Ngài muốn nói với tôi, không?
*Có ai đang chờ người như ta để nhờ dẫn dắt, đến cùng Chúa, không?
              Và, ai là người đang đợi chờ lời gọi mời rất vang vọng: “Hãy đến mà xem”?
            Hỏi, tức đã trả lời. Và, câu trả lời của ta, có là câu đáp trả rất tích cực?

           Lm Frank Doyle sj
           Mai Tá lược dịch 

No comments: