Wednesday, 18 January 2012

Lm Vũ Khởi Phụng CSsR: Thông điệp Hoà Bình (Phần 2)


THÔNG ÐIỆP HÒA BÌNH 2012
PHẦN 2: ÐI TÌM CHÂN LÝ
Ðã bao nhiêu lần và bao nhiêu người hăng say hát Quốc Tế Ca “Vùng lên, hỡi các nô lệ ở thế gian… Ðấu tranh nay là trận cuối cùng…” Ca từ này được sáng tác tháng 6 năm 1871, vào những ngày khốc liệt cuối cùng của Công Xã Paris, ( “các nô lệ”, nguyên văn ca từ bằng tiếng Pháp “les damnés”, tác giả Eugène Pottier dùng một từ có âm hưởng tôn giáo, có nghĩa là những người bị trầm luân hỏa ngục, đã vĩnh viễn mất Chúa  ). Bài ca thúc giục mọi kẻ đau khổ, nhục nhằn, mọi kẻ bị bóc lột trầm luân đọa đày, hãy vùng dậy.
Sở dĩ “đấu tranh này là trận cuối cùng”, là vì người ta tin rằng sau khi đã đập tan gông cùm của những giai cấp bóc lột, thì công lý đại đồng sẽ được thiết lập, và xã hội sẽ an hưởng thái hòa. Tìm ra được cái then để mở cánh cửa giải phóng nhân loại, mở ra kỷ nguyên con người sống xứng đáng là người, đúng là một lúc “mặt trời chân lý chiếu qua tim”. Thành thực mà nói, đó là một lý tưởng đẹp. Và nhiều người đã sẵn lòng hy sinh đời mình vì nó. Chỉ có một điều cần phải cảnh giác, ấy là “trận cuối cùng” này dài lắm. Tới nay đã gần một thế kỷ rưỡi rồi, chúng ta vẫn ở trong một trận đồ mù mịt, chưa thấy hồi kết cuộc. Và cũng đã đủ kinh nghiệm để hiểu rằng chưa thể chiến thắng vào sáng mai. Ta học được cái nét bền gan nhẫn nại trường kỳ. Mỗi nơi, mỗi lúc là một cuộc chiến mới.
Năm 1940, Quốc Tế Ca vẫn đang là quốc ca của Liên Xô, văn hào người Nga Mikhail Bulgakov qua đời, để lại cuốn: tiểu thuyết “Nghệ Nhân và Margarita” ngày nay được nhìn nhận như một kiệt tác của văn học Xô Viết và văn học thế giới. Tác giả cho hai nhân vật chính của mình cùng đấu tranh gian khổ và từng trải đủ thứ đọa đày ( kể cả hiểu theo nghĩa tôn giáo của “les damnés”, bởi Bulgakov cho Satan xuất hiện ngờ ngờ giữa đời thường  ).
Cuối cùng ông cho họ ra khỏi thế gian này, ở trong thế giới bên kia đó, họ gặp một người ngồi ngủ thiu thiu đã hai ngàn năm không sao thức dậy được: đó là Philatô. Philatô đã hôn mê như thế từ hôm ông hỏi một tội nhân bị người ta muốn kết án tử hình một câu hết sức mỉa mai khinh bạc: “Chân lý là cái gì ?” ( Ga 18, 38  ), rồi ông quay đi không thèm nghe tù nhân trả lời vì còn mải lo việc quan trọng khác, từ đó không những tù nhân kia chết khốn khổ, mà vô vàn con người khác, kể cả các nhân vật của Bulgakov, cũng cứ bị đọa đày trong “trận cuối cùng”.
Nàng Margarita bỗng cảm thấy lòng mình tan nát, nàng hét lên “Giải thoát cho người ta”. Tâm thành của nàng động đến trời. Tiếng kêu vang vọng làm sập một vách núi đá, ánh trăng chiếu qua khoảng trống, và người tù năm xưa, Giêsu Nazareth từ trong ánh trăng bước ra, Philatô choàng dậy, để nói tiếp câu chuyện ngày xưa: “Chân lý là cái gì ?”
Ðầu năm 2012 này tôi vừa ôn Quốc Tế Ca vừa tụng niệm ông Bulgakov khi đọc Thông Ðiệp Ngày Hòa Bình Thế Giới của Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Nói về câu chuyện "Công Lý và Hòa Bình" không bao giờ chấm dứt, nhưng trước đó Ngài lại nói về nhu cầu của người trẻ đi tìm chân lý. Là vì cái khó trong sự đeo đuổi công lý và hòa bình không phải chỉ vì trên đời có kẻ xấu, có hôn quân bạo chúa, có bạo lực, có kẻ tham nhũng đầu trộm đuôi cướp, có sự vô cảm trơ trẽn. Cái khó còn vì người ta có những quan niệm khác nhau, ưu tiên khác nhau. Xã hội càng văn minh phát triển, cuộc sống càng mở rộng phức tạp, người ta càng dễ từ những góc cạnh khác nhau, đi đến không hiểu nhau. Ðấy cũng là nguyên nhân khiến cho trong lịch sử loài người không đời nào là không có mâu thuẫn. Và giải quyết mâu thuẫn từng làm cho nhiều người bị bóc lột, bị đau khổ hàm oan. Cho nên có một cơ sở chung để gặp nhau, nói chuyện với nhau là cần thiết. Cùng nhau nhìn nhận chân lý sẽ tạo ra cái cơ sở quý báu đó.
Ngay cả tội lỗi cũng là một dạng của sự lạc mất chân lý. Người ta bị cái ác làm cho mù quáng, không tìm ra cái chân lý của đời mình, đúng là “ma đưa lối, quỷ đưa đường” cho nên gây ra điều ác cho người khác và cho chính mình. Ví dụ chúng ta phàn nàn về nhiều người giàu hiện nay ham xa hoa khoe của, từ anh công chức tham nhũng đến những đại gia tài phiệt, rồi những sao lớn sao nhỏ, đang đua nhau xài sang đến nỗi những nhà giàu quốc tế phải lắc đầu, hình như trong xã hội ta có những người giàu mà không có văn hóa của người giàu, không thấy sự ăn xài của mình là vô liêm sỉ với xã hội và với người nghèo, xét ra đó cũng là vì không tìm ra được chân lý của tâm hồn mình, họ vội vã xử dụng tiền của một cách vô luân vì không tìm được một mục đích nào khác. Nhưng khi họ làm như vậy xã hội trở nên hỗn loạn và vô tâm.
Tóm lại là từ sự vô tri về chân lý, đến sự gian tà cũng là một dạng vô tri về chân lý, tất cả đều đưa nhân loại đi xa giấc mộng cánh chung của Ngôn Sứ Isaia, khi Ðức Chúa “làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc.”
Khi ấy, người ta sẽ…
“Đúc gươm đao thành cuốc thành cầy,
rèn giáo mác nên liềm nên hái.
Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau
và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến…
Hãy đến đây…
ta cùng đi, nhờ ánh sáng Ðức Chúa soi đường” ( Is 2, 4 – 5 ).
Vài trang sau, Isaia lại thấu thị về một cõi thái hòa:
“…Sói ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ…
Bé con dẫn chúng đi chăn”…
bởi vì…
Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá
trên khắp núi thánh của ta,
vì sự hiểu biết Ðức Chúa sẽ tràn ngập đất này
như nước lấp đầy lòng biển” ( Is. 11, 6 – 9 ).
Vị Ngôn Sứ nhìn thấy cảnh tượng đó có nghĩa là lịch sử loài người không tuyệt vọng, công lý và hòa bình tuyệt đối là có thực, thời gian có định hướng, nhưng đó là “trong tương lai” ( 2, 2  ); còn trong hiện tại người ta phải lận đận mà tiến, phải có mồ hôi nước mắt. Thông Ðiệp Hòa Bình 2012 của Ðức Bênêđictô tìm đến với con người hiện tại, cho nên Ngài không trích dẫn Isaia, Ngài chỉ trích dẫn Thánh Augustinô thôi: “Người ta còn ước ao gì hơn ước ao chân lý ?”
Thánh Augustinô là một khuôn mặt ưu tú của nhân loại. Ngài có những tư duy của thành phần ưu tú. Và quả thật, trong nhân loại có rất nhiều người luôn luôn thao thức kiếm tìm chân lý, đây là cái phần đẹp đẽ thanh cao nhất của thế giới loài người. Nhưng cũng phải công nhận rằng thành phần ưu tú không mấy khi là số đông. Vẫn có những người như quan Philatô đấy thôi. Trong dụ ngôn, Chúa Giêsu bảo là họ còn đang bận đi thăm đồng, buôn chuyến, tậu bò, cưới vợ, thậm chí còn đang bận sỉ nhục và giết người ( Mt 22, 5 – 6; Lc 14, 18 – 20  ). Chỗ khác Chúa lại than rằng có nhiều người “khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời thì vấp ngã ngay”, nhiều người khác nữa thì vì “những nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý mà Lời bị bóp nghẹt, không sinh hoa kết quả gì” ( Mt 13, 21 – 22  ). Hóa ra chân lý bị người ta đem đào sâu chôn chặt như đã chôn nén bạc làm vốn, đến nỗi những cái đang có cũng bị mất đi ( Mt 25, 24 – 29; Lc 19, 20 – 26  ).
Xét ra, những thời văn minh thịnh trị là những giai đoạn sự yếu đuối của con người được một nến tảng các giá trị đạo đức nâng đỡ, mọi người đều quy phục những giá trị ấy, do đó tạo ra được đạo lý và văn hóa tỏa sáng nhân văn. Trái lại có những thời khủng hoảng, người ta không còn biết tin tưởng vào đâu, tinh thần rệu rã, tội ác nẩy nở lan tràn. Khi nhìn lại cuộc sống ngày nay, nhiều lúc chúng ta hoảng sợ vì xã hội, về phương diện tinh thần, tỏ ra đang lâm vào khủng hoảng chứ không được hưởng một nền văn hóa đạo đức thịnh trị.
Mới ngày nào chúng ta rất hãnh diện vì nền đạo đức cổ truyền. Vậy làm sao giải thích được hiện nay chúng ta lại đang ở trong tóp dẫn đầu thế giới về tỷ lệ phá thai, các nhóm Bảo Vệ Sự Sống báo cáo có những thai nhi đã 8, 9 tháng vẫn bị giết, có những số thống kê cho thấy ở một vài nơi số thai nhi bị giết đông hơn số trẻ sơ sinh. Sự sống bị rẻ rúng từ trong trứng nước thì làm sao nói chuyện yêu hòa bình ? Và làm sao giải thích được nạn tham nhũng gian giảo lan tràn, xã hội hỗn loạn và những sát thủ máu lạnh tuổi đời non mà tội ác già dặn ? Làm sao giải thích tệ nạn ma túy v.v… Trong cuộc họp của các nhóm Bảo Vệ Sự Sống miền Bắc ở Bắc Ninh vừa qua, Ðức Giám Mục Bắc Ninh đưa ra những nhận định về mục vụ cho thấy những tệ nạn đó lan tràn vào cả các Xứ Đạo. Ðúng là một thách thức mục vụ vô cùng to lớn cho Giáo Hội ngày nay. Liệu chúng ta có thụ động quá không ?
Tiến Sĩ Dương Ngọc Dũng mấy năm trước trong một bài báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần có đề cập đến một tình trạng mà ông gọi là “phi chuẩn”, có ý nói nhiều người ngày nay, đặc biệt là trong giới trẻ, không còn những chuẩn mực để phân biệt thiện ác, chỉ còn phân biệt làm được với không làm được, có lợi hay không có lợi, an toàn hay không an toàn. Thiện ác không thành vấn đề. Khi một tâm lý như thế lan tràn, thì xã hội và đạo đức đi vào khủng hoảng. Ðó chính là cái đang đe dọa chúng ta. Ðó chính là nguồn của áp bức và bạo động.
Chính vì thế cho nên trước khi nói đến giáo dục về Công Lý và Hòa Bình cho giới trẻ, Ðức Bênêđictô nói đến nhu cầu tìm gặp chân lý: “Giáo dục nhắm đến đào tạo con người toàn diện, kể cả chiều kích đạo đức và tâm linh của hiện hữu, hướng về cứu cánh tối hậu của con người và sự tốt lành cho xã hội… Ðã thế thì để giáo dục về chân lý…, vấn đề căn bản phải đặt ra là: con người là ai ?” Ðức Thánh Cha đặt vấn đề về cái chân tâm của con người, cái chân tâm thường bị vùi dập dưới tầng sâu như ta đã thấy. Và Ngài tỏ lộ: “Con người là kẻ mang trong lòng mình một nỗi khao khát sự vô hạn, một nỗi khao khát chân lý, không phải một chân lý phiến diện, nhưng là một chân lý khả dĩ giải thích được ý nghĩa của cuộc đời”
Cái nỗi khát khao lạ lùng đó, mạc khải cho ta biết uyên nguyên của nó: “Bởi con người đã được tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, giống như Ngài”. Ðã nhận ra chân tướng tâm linh của con người, lại được Mạc Khải ban tặng một nền tảng sâu đậm cho cõi tâm linh ấy, thì ta sẽ “có niềm kính trọng sâu sắc đối với mọi con người và sẽ giúp đỡ để người đồng loại có một cuộc sống xứng hợp với phẩm giá cao vời đó”.
Tóm lại, cái bí quyết cần tìm được, ấy là nhận ra con người có một “chiều kích siêu việt”. Tính siêu việt đó làm cho con người luôn luôn là một mục đích để ta phục vụ, chứ không thể là phương tiện để ta xử dụng. Ðạo là thế. “Con người không thể bị hy sinh cho một lợi ích cục bộ nào, dù đó là kinh tế hay xã hội, cá thể hay tập thể”.
Năm 2011 và năm 2012, Giáo Hội có hai kỷ niệm. Năm 2011 là kỷ niệm 120 năm Thông Ðiệp Thời Mới ( Rerum Novarum  ) của Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII về các vấn đề kinh tế và xã hội. Ðây là bức thông điệp mở đường khai phóng cho người tín hữu có một kim chỉ nam trong lúc xã hội đi vào một kỷ nguyên phát triển cực kỳ to lớn về lực lượng sản xuất, tư liệu sản xuất, quan hệ sản xuất, cùng với tất cả những hệ lụy về nhân sinh, nhân phẩm, chính trị, văn hóa v.v…
Giáo Hội không đưa ra một lý thuyết có tham vọng bao trùm lịch sử, cũng không đề nghị một kế hoạch chính trị, kinh tế nào, nhưng đưa ra một định hướng cho tín hữu đi vào cuộc sống muôn mặt phức tạp, định hướng đó chính là điều Ðức Bênêđictô vừa nói: kinh tế là để phục vụ con người, chứ con người không phải là nô lệ phục vụ cho kinh tế. Người Công Giáo có ý thức thì lấy đó xác định hướng đi cho mình mỗi khi gặp phải những khó khăn kinh tế và xã hội, xoay xở cách nào đó để giải quyết nhờ vào định hướng ấy. Từ đó, những năm kỷ niệm bức thông điệp này, các Ðức Giáo Hoàng thường công bố các văn kiện về các vấn đề kinh tế và xã hội. Nội dung có thay đổi tùy vào những giai đoạn biến chuyển và những bước phát triển trong lịch sử, nhưng sợi chỉ đỏ xuyên suốt vẫn là: con người là mục đích chứ không phải phương tiện.
Sang năm 2012, Dân Chúa lại có một kỷ niệm khác: 50 năm khai mạc Công Ðồng Vatican II. Một chương trình lớn đang được chuẩn bị để tháng 10 năm nay sẽ mở đầu năm Kim Khánh, và Hội Thánh sẽ ôn lại những gì là men là muối đã kết tinh từ Công Ðồng. Trong số các văn kiện Công Ðồng truyền lại, quan trọng vào bậc nhất và cũng đã gây sự chú ý của toàn thế giới vào bậc nhất là Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, nhan đề Vui Mừng và Hy Vọng ( Gaudium et Spes ). 3 chương đầu về định mệnh con người, về cộng đồng nhân loại và về hoạt động của con người đều có cấu trúc giống nhau, Công Ðồng chú mục vào từng góc cạnh của nhân sinh rồi bao giờ kết thúc cũng gợi lên mầu nhiệm Chúa Kitô ( xem chương 1, số 6; chương 2, số 32; chương 3, số 45 ), tìm thấy ở đó cảm hứng cao sâu để giải đáp những vấn đề bí hiểm mà loài người phải đối mặt. Nói tóm lại, gắn nhân sinh với siêu việt.
Vậy là trong vòng 120 năm nay, giáo huấn của Hội Thánh luôn nhắc nhở chúng ta: con người tìm ra chân lý của mình trong cõi siêu việt, và cũng vì thế, phẩm giá của con người là tối thượng trong các mối quan hệ trần thế. Khi Ðức Bênêđictô XVI nhấn mạnh đến chân lý siêu việt và phẩm giá siêu việt của con người, là Ngài phát xuất từ truyền thống ấy và Ngài mong nó tác động mạnh lên trong dòng chảy không ngưng nghỉ của sự sống, xuyên qua mọi cảnh huống lịch sử và những thách thức luôn mới mẻ đặt ra cho Công Lý và Hòa Bình.
Xem ra Giáo Hội còn rất nhiều việc phải làm, vì thế giới liên tục biến động với đủ màu sáng tối, có những chân trời rạng rỡ nhưng cũng không ít hiểm họa, sa sẩy trong đường đi nước bước đã tạo ra và sẽ tạo ra không biết bao nhiêu thảm kịch mà các thế hệ trẻ của chúng ta thì đang tầng tầng lớp lớp dồn dập tiến vào trường đời. Chúng ta sẽ làm gì đây ? Mục vụ thế nào đây ? Sứ mạng nặng nề, sứ mạng sáng ngời !
Lm. VŨ KHỞI PHỤNG – Đón xem Phần 3. Đi tìm tự do

No comments: