Friday, 5 November 2010

Lm Chân Tín CSsR: Dự án Pháp lệnh về tôn giáo?


“Dự án Dự thảo” của Ban soạn thảo “Pháp lệnh về tôn giáo” đã được gửi đến các tổ chức Mặt Trận Tổ Quốc và các tôn giáo để xin ý kiến. Dự án dự thảo được gửi từ Hà nội, không đề ngày tháng, chỉ có con số 2000 (?).

Cìn nhớ, ngày 26/4/1999, Nhà nước đã ra một nghị định về hoạt động tôn giáo và Ban tôn giáo (mà tôi vẫn gọi là Ban phá tôn giáo) đã ra thông tư 01/99 ban hành ngày 16/6/1999. Hai văn kiện này vẫn vi phạm trầm trọng tự do tôn giáo của người dân trong sinh hoạt tôn giáo, trong việc hạn chế nơi cử hành nghi lễ tôn giáo, trong việc chuyển nhượng đất đai của người dân để xây dựng nơi thờ tự, trong việc buộc phải xin phép để sống đời tu hành, vv…

Trước những vi phạm trắng trợn đó, đã từng có “Lời kêu gọi về tự do tôn giáo ở Việt Nam” được ký ngày 5/9/1999 và chính tôi đã gửi qua bưu điện cho ông Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trần Đức Lương, chủ tịch nước và ông Nông Đức Mạnh, chủ tịch quốc hội. Văn phòng các ông đã báo lại là đã nhận được ba thư bảo đảm của tôi. Trong “Lời kêu gọi…” ấy, chúng tôi đòi Nhà nước hủy bỏ Điều 4 Hiến Pháp áp đặt chủ nghĩa Mác Lê như một thứ Quốc giáo. Nguồn gốc của mọi vi phạm tự do tôn giáo là ở Điều 4 ấy. Chúng tôi cũng đòi Nhà nước hủy bỏ nghị định 26/04/1999 về hoạt đông tôn giáo và thông tư 01/99. Chúng tôi còn đòi Nhà nước phục hồi tư cách pháp lý của các tôn giáo như trước năm 1975 và trả lại đất đai, cơ sở mà Nhà nước đã tịch thu, trưng dụng của các tôn giáo.

Ngoài ra Hội đồng Giám mục Việt Nam trong cuộc họp hàng năm, lần này tại Nha Trang, cũng đã có “Nhận định chung của HĐGMVN về nghị định số 26/1999/NĐ-CP 19/4/1999” nguyên văn như sau:

1. Nhiều thành phần trong các tôn giáo có một cảm nhận chung là Nghị định 26 không phải là một bước mở ra mà là khép lại đối với tự do tôn giáo.

2. Nghị định 26 có nhiều điểm không tạo thuận lợi mà gây thêm phức tạp khó khăn cho các sinh hoạt tôn giáo.

3. Nghị định 26 ngăn chặn việc xác lập cơ sở pháp lý để các tôn giáo có thể góp phần xây dựng đất nước và phát triển dân tộc, đặc biệt về mặt tinh thần và đạo đức.

4. Nghị định 26 thay vì góp phần phát huy tính dân chủ của cơ chế Nhà nước, thì lại củng cố cơ chế “xin” – “cho”, cản trở các cơ quan chính quyền thi hành chức năng của một Nhà nước phục vụ Nhân dân.” (Nha Trang ngày 16 tháng 10 năm 1999)”

Trước sự phản đối mãnh liệt đó, Nhà nước có hứa với Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ tạm ngưng thi hành Thông tư và Nghị định nói trên.

Nay Ban soạn thảo Pháp lệnh về tôn giáo đưa ra một Dự thảo dự án xem ra thoáng hơn nhưng căn bản tình trạng vi phạm tự do tôn giáo, áp chế tôn giáo vẫn còn đó:

1. Dự thảo dự án Pháp lệnh này không đề cập đến việc cần hủy bỏ điều 4 Hiến pháp, nguồn gốc của mọi vi phạm dân quyền, nhân quyền, nhất là tự do tôn giáo.

2. Dự thảo dựa án Pháp lệnh vẫn đòi hỏi các tôn giáo phải đăng ký các cuộc tĩnh tâm của các linh mục, tu sĩ tập trung từ nhiều Dòng tu của Công giáo, các cuộc bồi linh của các mục sư Tin Lành, các kỳ an cư của tăng ni Phật giáo. Đó là những hoạt động tôn giáo thuộc quyền các Giáo hội, đáng lý không phải xin đăng ký, cùng lắm là chỉ cần thông báo cho chính quyền biết. Các đại hội, hội nghị của tín đồ hay chức sắc cũng là những hoạt động tôn giáo bình thường, tại sao phải đăng ký?

3. Dự thảo dự án còn buộc phải xin phép phong chức, bổ nhiệm, thuyên chuyển nhân sự của các tôn giáo. Đó là những công việc nội bộ của các Giáo hội, Nhà nước lại cứ muốn can thiệp vào, để kiểm soát, làm khó dễ, cản trở hay ban bố ân huệ.

4. Đất đai, cơ sở của các tôn giáo mà Nhà nước đã tịch thu hay được “hiến tặng” bất đắc dĩ, phải được trả lại cho Giáo hội. Sự hiến tặng bất đắc dĩ trong thế kềm kẹp, đe doạ của Nhà nước vào một giai đoạn nào đó không có giá trị pháp lý. Đặc biệt phải trả các nhà trường, các bệnh viện của Giáo hội.

5. Phải trả lại cho các Giáo hội quyền mở trường học và quyền làm việc xã hội theo nhu cầu của người dân.

6. Trên Chứng minh Nhân dân, bỏ hai chữ “tôn giáo”… Đây là cách kỳ thị người có tôn giáo, mở đường cho những phân biệt đôi xử đối với họ.

7. Về ngôn ngữ, phải gọi người Công giáo là Công giáo. Từ Thiên Chúa giáo là tên chung của tất cả các tôn giáo thờ Thiên Chúa như Do thái giáo, Kitô giáo (Công giáo, Chính thống, Tin Lành, Anh giáo) và Hồi giáo. Gọi Công giáo là Thiên Chúa giáo thì cũng tương tự như gọi Đảng Cộng sản là đảng Xã hội.

8. Về việc học giáo lý, v.v… đề cương nói đến “cơ sở thờ tự”, tức là nơi htờ tự. Như vậy là hạn chế nơi chốn. Phải nói: trong cơ sở của Giáo hội, gồm nhà thờ (nơi thờ tự), các cơ sở khác trong khuôn viên nhà thờ, nhà xứ và các nơi khác trong họ đạo được giáo xứ chọn để dạy giáo lý. Nói tóm, được dạy giáo lý bất cứ ở đâu như tại tư gia. Chỉ định chỗ nào là quyền của Giáo hội.

9. Chấm dứt việc cưỡng bức học sinh, sinh viên học chủ nghĩa Mác-Lê. Khi mà hầu như không còn nước dân chủ nào để có lớp giáo lý bắt buộc trong các trường công và khi mà ở Sài gòn trước đây ngay ở các trường tư thục Công giáo –có lẽ trừ các trường sư huynh La San đã sẵn truyền thống lâu đời- cũng không có lớp giáo lý, thì trong chế độ này, từ lớp 10 trung học và suốt thời gian đại học, kể cả y khoa, học sinh, sinh viên đều phải học đi học lại “giáo lý” Mác Lê. Một tình trạng phải nói là cưỡng hiếp đầu óc giới trẻ, nhồi sọ sinh viên học sinh. Thực tế lại rõ ràng là việc cưỡng hiếp, nhồi sọ ấy lại chẳng đi tới đâu, chỉ gây bất mãn, dị ứng và giả dối trong học tập: học sinh, sinh viên học như không học và thi cử thì đối phó bằng học vẹt, học tủ đến hoặc đem sao ảnh thu nhỏ vào phòng thi chép lại. Phải nói từ bao nhiêu năm nay môn “giáo dục công dân” từ lớp 10 trung học và môn “chính trị” ở đại học chỉ có tác dụng phản giáo dục.

Dự thảo dự án “Pháp lệnh về tôn giáo” này vẫn chỉ là bình mới rượu cũ. Không lạ gì nếu những người thuộc các tôn giáo khác nhau được hay bị mời đi “góp ý” về Dự thảo dự án đã chỉ có thể nói lên sự thất vọng và bất bình.

Một vị cho biết:

“Nhà nước vẫn tiếp tục bóp cổ và khinh bỉ các tôn giáo qua dự thảo này. Tôi không thể hiểu nổi tại sao cuối năm 2000 rồi mà người ta vẫn có thể soạn ra một dự thảo về chính sách tôn giáo không khác gì đề cương năm 1960. Nhà nước chỉ chơi trò xáo trộn chữ nghĩa, câu cú và gọi là đề cương mới. Khinh bỉ nhân dân đến như vậy là cùng.”

Một vị khác cho biết:

“Cách thức đề cập đến tôn giáo của Nhà nước vẫn tiếp tục theo tư duy cũ của người Cộng sản. Nói đến tôn giáo là lập tức, chỉ sau đó mấy giòng, nói đến mê tín dị đoan. Nói đến quyền của người có tôn giáo là lập tức nói đến quyền không theo đạo, quyền bỏ đạo. Nói đến tự do được làm cái này, cái khác thì lập tức nói “theo những quy quy định hiện hành”. Hãy đọc thử đoạn sau: 6. Tổ chức,cá nhân tôn giáo được phép in, xuất bản các loại kinh sách, xuất bản đồ dùng việc đạo, xuất nhập khẩu văn hoá phẩm về tôn giáo”. Chỉ đọc đến đó thôi thì tốt lắm, hay lắm, tự do rồi. Những điều hloản ấy còn 5 chữ nữa: theo quy định hiện hành.”

Mà quy định hiện hành là gì? Thưa, là ngăn chặn tất cả. Cả nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Công giáo, Cao đài, Hoà hảo, không có một tờ báo. Nếu có, là báo của Mặt trận Tổ quốc, của Đảng, không phải của tôn giáo. Không có nhà xuất bản của mình, không có cả một chỗ bày sách tôn giáo trong các nhà sách, v.v…

Và, cũng không lạ gì nếu nhiều nơi đã có sự tẩy chay không góp ý. Đặc biệt là ngày 5.1.2001, trong giáo phận Huế, khi các linh mục họp theo từng hạt thì hầu hết các hạt đã nhất trí tẩy chay Dự thảo kia. Các linh mục cho rằng góp ý chi cho lắm thì Nhà nước cũng chẳng nghe, có khi còn làm ngược lại. Các văn kiện pháp lý về tôn giáo tại Việt Nam, như thực tế cho thấy, ngày càng thêm trói buộc, vì chính quyền ngày càng tích lũy kinh nghiệm hơn trong việc áp chế các tôn giáo. Có góp cũng chỉ như xin nhét một chút nhung vào cái thòng lọng buộc quanh cổ các tôn giáo. Mà người ta có cho chút nhung đó không? Thành thử, các linh mục ở Huế đã nhất định không góp ý gì, trái lại cương quyết tẩy chay Pháp lệnh. Xin xỏ chỉ thêm nhục nhã, không xứng đáng là con cháu các Thánh Tử đạo, những ngôn sứ của quyền tự do tôn giáo. Tại các nước văn minh dân chủ, chẳng bao giờ có pháp lệnh, nghị định, nghị quyết… về tôn giáo cả (ngoại trừ một số thoả ước ký kết giữa Toà thánh và quốc giađó). Nếu Nhà nước thực sự tôn trọng tự do tôn giáonhư họ nói thì cứ hủy bỏ tất cả những hình thức biến tôn giáo thành công cụ ngoan ngoãn, để các tôn giáo được tự do và độc lập mà góp phần xây dựng đất nước.

Trước sau là vì vẫn còn đó Điều 4 Hiến pháp, cái điều khoản Hiến pháp lạc hậu và lạc lõng không những trong cách suy nghĩ của “toàn thể loài người tiến bộ” mà cả trong Pháp lý Quốc tế ngày nay.

Lm Chân Tín CSsR

(trích Thư Nhà số 2, Năm 2001, tr. 7-8)

No comments: