SỐNG BẤT CẦN CHA SINH MẸ ĐẺ ?
Tôi dễ hiểu và thông cảm với giới trẻ Việt Nam hải ngoại đôi khi, lắm khi, thường khi suy nghĩ và hành động «bất cần thiên hạ». Vì nếu không biết «bất cần», chúng sẽ không sống nổi trong cái môi trường xã hội đầy nghịch lý này. Đi ra đường lúc nào cũng phải hối hả, tranh đua, thích ứng với cuộc sống đầy thử thách, mới lạ; về nhà gặp ông bà bô khệ nệ, lễ mễ, bảo thủ những cái quá khứ không ăn nhằm vào đâu cả. Giới trẻ hải ngoại cảm thấy như bị kẹt ở giữa hai gọng kềm, một bên là gia đình và cộng đồng người Việt và bên kia là xã hội tân tiến mình đang sống và thụ hưởng. Họ cảm thấy bực bội, tức tối, lắm lúc phẫn nộ, và có khi muốn nổi loạn…
Lâu nay, tôi vẫn khâm phục giới trẻ biết nổi loạn. Nổi loạn là chống lại một hành động hay tình trạng được coi là áp bức. Và đó là dấu chỉ của bản lĩnh làm người. Làm người, tối thiểu là phải biết đứng thẳng trên hai chân của mình, biết tự xác nhận mình là mình, và không để mình bị kẻ khác lôi kéo đi theo họ. Dĩ nhiên, đã là con người và là con người bình thường, ai cũng phải có cái lý gì đó để nổi loạn, chớ không thể tự nhiên nổi khùng lên làm xằng lằm bậy. Tôi vẫn cố tìm hiểu cái lý ấy, và bình thường tôi có thấy được cái lý ấy.
Thực vậy, một đứa con nít lên hai đã bắt đầu la hét, dành giựt đồ chơi về mình, vì xét ra đó là quà tặng của ai đó cho nó. Đến khi lên ba, nó đã biết sử dụng ngôn ngữ để xác nhận là nó «được» (=có quyền) giữ món đồ chơi của nó hoặc bằng lòng cho chị nó mượn, «được» ăn miếng bánh vào giờ bữa lỡ và chị nó không có quyền cấm, «được» ngủ với con chó búp bê mà Mẹ nó đã sấm cho nó. Và từ đó trở đi, nếu không bị người lớn chèn ép, nó tiếp tục xác lập nó là người và có quyền làm người theo ý nó chọn lựa. Nếu không được phát triển nếp sống tự lập của mình, đứa trẻ sẽ khó thành công trên đường đời, nhất là ở các nước tây phương. Nhà tâm lý giáo dục thường nhắc nhở rằng đứa trẻ «ngoan» chưa chắc là đứa trẻ «tốt»!
CON CÁI Ở TRỜI TÂY CÓ THÁI ĐỘ «BẤT CẦN CHA MẸ»
Ở bên phương tây, đứa trẻ Việt Nam lớn lên trong một bầu khí khác hẳn với phương đông. Nó được khuyến khích để biết và chọn điều nó muốn. Và trong những điều kiện ưu đãi xã hội dành cho nó, thường thường nó được toại nguyện. Chẳng hạn, câu hỏi thông thường ở cửa miệng cô giáo vườn trẻ là «em muốn gì?». Đáp lại, đứa trẻ nói hay chỉ điều mình muốn: «Em muốn vẽ». Ra ngoài đường, đứa trẻ được mọi thứ ưu tiên như người lớn và có khi hơn cả người lớn. Ví dụ, khi băng qua đường dành cho người đi bộ, tất cả xe cộ phải dừng lại cho nó đi qua, đi xe buýt nó lại được giá ưu đãi, v.v. Về nhà cha mẹ, đứa trẻ được hầu hết mọi sự dễ dãi, vì cha mẹ Việt Nam rất thương con và có đủ điều kiện để chăm sóc con hơn cha mẹ ở VN. Thời gian còn tuổi đi học và ở với cha mẹ, đứa trẻ được cha mẹ nuông chiều và dành mọi thuận lợi cho việc ăn học, vì cha mẹ rất trọng người có học.
Nhưng đến khi lớn khôn, người thanh niên thiếu nữ Việt Nam ở hải ngoại không thấy cần đến sự chăm sóc của cha mẹ nữa. Chúng còn thấy khó chịu khi cha mẹ vẫn tiếp tục đùm bọc, săn đón, nhắn nhủ này nọ. Bạn bè Tây của chúng nó không cần đi thưa về trình, cùng lắm là «thông báo» một tiếng: «Ba, con đi đây!». Ông bô Việt Nam thương con nên quen mồm hỏi lại : «Con đi đâu?». Nhiều lần quá, sinh ra bực bội, thằng nhỏ gắt: «Thì đi đâu làm sao bố biết chứ mà nói? Hỏi chi hỏi hoài!». Thế là ông bố cắn răng chịu trận, lủi thủi, buồn lòng nghĩ rằng thằng con nay lớn khôn rồi, không cần mình nữa.
Có đôi lúc con cái cảm thấy bất mãn, nổi loạn trước những tình huống xem như bị ép buộc, vụt nói tạt vào mặt bố mẹ: «Này, tôi bất cần ông bà nghĩ gì, muốn gì; mặc kệ xác tôi!». Đúng vậy, con cái bên trời tây không thấy cần cha mẹ nữa, nhưng chúng nó đâu có biết cho rằng ông bà bô chúng nó vẫn cần chúng nó, vì ông bà hãy còn là người Việt Nam. Người Việt Nam quen sống trong tình liên đới, gắn bó với người thân như chính tay chân, máu mủ, ruột thịt của mình. Người Việt Nam không thể sống bất cần được! Phải có người có ta, có trên có dưới, có qua có lại mới toại lòng nhau. Người Việt Nam hạnh phúc là hạnh phúc được sống với những người thân thuộc, cảm thấy tự do là khi được sống thoải mái với cộng đồng của mình. Người cha người mẹ gia đình không thấy cần có tự do cá nhân, hạnh phúc riêng tư, nhởn nhơ vui thú một mình, mà thấy cần được những thứ ấy cùng với con cháu. Thế nhưng người Tây ở bên trời tây thì có khác!
CHA MẸ PHẢI BIẾT SỐNG TỰ LẬP VÀ CHẾT TỰ LẬP
Sau đây, xin trích một đoạn thư gởi về Việt Nam vào cuối tháng 8/2003 : «Trời Thụy Sĩ đã bớt nóng rồi. Cơn nóng thiêu đốt Au Châu kéo dài từ đầu tháng đến giữa tháng 8. Có khi lên trên 40 độ C ! Và đã làm chết hằng ngàn- ngàn người tại Au Châu. Súc vật, cá sông, cây cối, mùa màng thiệt hại không biết đâu mà kể. Cháy rừng ở Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi, v.v. thiêu rụi một diện tích cũng rộng lớn cỡ một tỉnh Miền Đông của mình, thiệt hại vật chất lên cả bạc tỷ và thiệt hại nhân mạng cũng đến vài chục.
«Đối với người Việt Nam, cái khốn nạn nhất, đó là ở những nước văn minh tiền tiến (chớ không phải xứ Công Gô nào) mà để cho người chết như rạ vì nóng, thì hết chỗ nói! Riêng ở nước Pháp vĩ đại, khu Paris và lân cận có đến trên hai ngàn mạng chết vì nóng! Cả nước Pháp có đến 10- 15 ngàn người chết vì nóng, nghĩa là do ảnh hưởng của cơn nóng mà ra. Mười ngàn hay 15 ngàn, tức là sau khi đã trừ ra số tử vong thông thường của mùa này. Hạng người nào dễ bị chết vì ảnh hưởng của sức nóng? Đó là những người lớn trên 60 tuổi, mà nhiều nhất là từ 80 trở lên. Đa số người chết do thiếu sự chăm sóc, vì họ ở một mình tại một căn nhà riêng, hay ở trong các nhà dưỡng lão thiếu nhân viên, nhất là y tá, trong những trường hợp hi hữu này. Mùa nghỉ hè, bệnh viện cũng thiếu nhân viên y tế để lo việc cấp cứu quá bề bộn một cách bất ngờ.
«Ở tây phương này, cha mẹ về già không được con cái chăm sóc như ở Việt Nam. Họ đã từng quen sống tự lập, khi con cái khôn lớn và ra riêng; và họ cũng phải liệu mà chết tự lập vậy! Chính vì đó, có trường hợp họ chết sình chết thúi mấy tháng trời trong căn nhà của họ mà không ai hay biết gì hết. Lần có cơn nóng thiêu đốt này, những ông bà già sống riêng rẻ như vậy chết rất nhiều. Trong người thiếu nước mà không biết để uống; mệt nhọc, khó thở mà không biết phải làm sao! Cứ thế mà chết mòn, rồi đi đứt luôn, cứu cấp không kịp nữa! Cái buồn lòng hơn nữa, đối với người Việt Nam, là khi họ chết rồi, cũng không thấy thân nhân đến nhận xác. Ở Paris, nhà nước đành phải giải quyết nạn ứ động xác chết bằng cách dồn xác vào các xe hàng đông lạnh, rồi cho vào một bãi đậu để chờ xem còn có thân nhân đi xa về đến lãnh không. Quá hạn, nhà nước tự động đem đi chôn gần 3 trăm cái xác chết như vậy đó.»
TÂY PHƯƠNG KHÔNG SỐNG MÃI ĐƯỢC VỚI TÌNH NGƯỜI
Lá thư đi tiếp vào lãnh vực suy tư : «Mình nhân vụ này để nói cho ở nhà hiểu rằng đừng tưởng bở ở xứ văn minh là sướng đâu! Càng phát triển kỹ nghệ, càng dùng nhiều máy móc, càng sống đông đúc trong những thành phố lớn, thì con người ta càng lệ thuộc vào GUỒNG MÁY TỔ CHỨC. Càng cố công xây dựng guồng máy, càng dễ lơi là tình người. Tuy xã hội vẫn cần người để điều khiển guồng máy, nhưng họ phải là «người làm việc như máy» để có thể làm việc với guồng máy ngày càng phức tạp và máy móc ngày càng tinh vi. Thế mà, ai cũng biết là đôi khi có «sơ sót» về phía con người (erreur humaine), guồng máy có tinh vi mấy cũng bị liên lụy thôi. Sơ sót vì thường khi con người ta thiếu động lực thúc đẩy, như máy móc thiếu điện để chạy. Động lực ấy lại là tình người, niềm vui sống, mà guồng máy xã hội không đem lại được. Người già ở đây được chăm sóc kỹ lưỡng thật, nhưng trận nóng «thiêu sống» hàng chục ngàn mạng người vừa rồi ở Pháp cho thấy hẳn phải còn thiếu sót điều gì đó trong guồng máy xã hội!
«Bản thân mình thấy rất rõ là người già ở đây phải sống cô độc, vì không có ai rảnh rổi để sống với họ, kể cả khi có lòng với họ! Hơn nữa, ở phương tây, người ở ngay bên cạnh nhà mình vẫn là người xa lạ, chớ không được coi là bà con láng giềng như tục ngữ ta có câu: «Bà con xa không bằng láng giềng gần». Có tốt với nhau là chào hỏi vài câu khi mở cửa bước ra gặp nhau thôi. Không ai để ý chuyện ai cả. Không ai được nhờ cậy ai, cho dù là mượn tạm miếng hành miếng tỏi. Ay thế, tây phương lại có phương tiện để kéo dài tuổi thọ ra. Nhưng để làm gì? Báo chí mỗi ngày cứ bàn tán chuyện lấy tiền đâu ra cấp dưỡng cho người già mà dân số mỗi ngày một tăng, đang khi dân số người trẻ mỗi ngày một giảm đi. Ở Thụy Sĩ chẳng hạn, hiện tính trên 100 người phụ nữ thì có được 125 đứa con. Tính nhẩm sơ qua cho dễ hiểu: một cập vợ chồng có 2 con thì cân bằng giữa hai thế hệ; mà một 100 cập chỉ có 125 con, tức là xã hội coi như thiếu mất đi 75 người trẻ để giữ sự cân bằng.
«Đến tuổi hưu dưỡng (65) mà tiếp tục sống mãi cho đến 80- 90- 100 tuổi, người già trở thành gánh nặng cho xã hội, vì phải sống nhờ vào lớp người còn sức lao động đóng tiền bảo hiểm tuổi thọ để cấp dưỡng cho họ (là người trước đó cũng đã đóng góp để cấp dưỡng cho lớp trước). Nan đề là số người còn tuổi lao động càng ngày lại càng ít đi! Vả lại, càng thọ, người già càng gây tổn phí nhiều hơn, vì cần nhiều chăm sóc và thuốc men hơn. Do đó và nhiều lý do khác nữa, tiền đóng bảo hiểm bệnh tật (bắt buộc cho mọi người ở Thụy Sĩ) cứ thế tăng đều. Thuế má và tiền bảo hiểm này nọ tăng, người dân vẫn phải đóng thôi.
«Mà một khi đã bấm bụng làm nghĩa vụ đóng góp cho xã hội rồi, người ta để mặc cho xã hội lo trở lại cho từng người trong xã hội đúng như qui định, trong đó có người thân của họ. Thực vậy, người ta có xu hướng nghĩ rằng: cứ lý ra, không ai có nhiệm vụ phải lo cho ai nữa cả. Ở đâu có quyền lợi ở đó, cứ thế mà đòi! Do vậy, con cái tây phương dường như không thấy có bổn phận gì với cha mẹ hết. Thực ra, ở đây, ăn ở có tình nghĩa với nhau trước hết là phải biết điều với nhau, sòng phẳng với nhau, tôn trọng quyền lợi của nhau. Cha mẹ về già bán nhà, bán xe lại cho con là chuyện thường tình, để có gì đấp đổi thêm. Con cái cũng không có chuyện gì phải phụng dưỡng cha mẹ cả! Quả vậy, người dân nước kỹ nghệ tiên tiến không có cách nào sống mãi với tình người thênh thang như trời biển, không biết đâu mà cân lường, và cũng không biết sao cho vừa lòng mọi người. Theo họ, xã hội phải được qui hoạch, hệ thống hóa, thể chế hóa, và con người tình cảm cũng đành phải chịu ép thành con người máy vậy.»
ĐÚNG LÀ : «SỐNG MẶC ÁO RÁCH, CHẾT CHÔN ÁO LÀNH»
Lá thư tiếp tục phân tích sự đời : «Khi không trực tiếp nuôi dưỡng cha mẹ già, con cái ở nước giàu mất đi thói quen chịu cực khổ vì người thân, và do đó mà tình liên đới gắn bó cũng dễ vơi đi. Chuyện vợ chồng cũng vậy, càng «bình quyền» thì càng «vô tình» với nhau thôi. Xem nào, ông đi làm thì bà cũng đi làm, công việc nhà lại chia đôi; ông làm ông lớn thì bà cũng làm bà lớn; ông ăn nem thì bà ăn chả; tiền bạc để riêng ra mạnh ai nấy giữ, còn sống với nhau thì còn hùn hạp lại trả sở phí chung, một mai ly thân hay li dị thì mạnh ai nấy sống cũng vừa. Sống như vậy, cái tình vợ chồng cũng rất dễ phôi pha; đến một lúc nào đó chẳng còn biết nó là gì nữa cả! Vì nhiều lý do phức tạp hơn, người Việt lưu vong cũng có số tỷ lệ ly thân, ly dị, xấp xỉ với người bản xứ. Tệ hơn người bản xứ coi chuyện đoạn tuyệt với nhau là bình thường, người Việt Nam lại coi nhau như kẻ thù.
«Trước đây còn ở Việt Nam, người mình chê người Hà Nội không biết nói tiếng cám ơn. Đúng vậy, chế độ cộng sản là con đẻ của tây phương mà. Không ai làm ơn trực tiếp cho ai thì lấy gì để biết ơn mà cám ơn chứ? Ở Việt Nam, Đảng độc quyền ban phát mọi ân huệ cho dân. Đảng dành bao thầu tất cả và để ý nhòm ngó tất cả cho được đúng như ý Đảng. Ở tây phương tự do, tuy không có chuyện nhà nước độc quyền, nhưng vẫn có những hệ thống tổ chức và luật lệ chằng chịt cốt để bảo vệ quyền lợi con người. Chẳng hạn, con nít sinh ra là có đủ mọi điều kiện để ăn học và tiến thân. Học xong các lớp cưỡng bách, đứa trẻ tị nạn Việt Nam ở Thụy Sĩ vẫn có thể học lên với học bổng của nhà nước, nếu cha mẹ không có tiền. Có học thức và tay nghề rồi, giới trẻ đương nhiên được trọng dụng đúng theo khả năng của mình. Tất cả đều thực hiện theo luật định, chớ không theo tình cảm riêng tư gì cả. Đối với xã hội, giới trẻ không có gì bị ràng buộc phải mang ơn. Còn đối với cha sinh mẹ đẻ ra chúng, nói đến công ơn sinh thành dưỡng dục sao nghe nó lạ tai quá! Rằng «Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.» là gì?
«Thực vậy, dạy cho giới trẻ hải ngoại phải «một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con» thì quả là một chuyện hài hước! Ở tây phương, danh từ «hiếu thảo» (piété filiale) chỉ có trong tự điển, mà ở ngoài xã hội không còn ai biết và nói đến nữa. Có nhà xã hội học nào nói đến chăng là cốt để phân tích cho thấy rõ «chữ hiếu» là tàn tích phong kiến, nặng óc tôn ti, phản tiến hóa. Nói đến hiếu thảo là nói đến một quan hệ bất bình đẳng, trong đó cha mẹ phải được coi trọng hơn con cái. Ở tây phương ngày nay, con cái người Việt quen với lối sống phóng khoáng, nên cư xử rất bình đẳng đối với cha mẹ chúng. Xét theo tâm lý người Việt, bình đẳng ở đây cụ thể có cái nghĩa rất thê thảm là: con cái lớn khôn không còn bị ràng buộc với cha mẹ, mỗi người sống tự lập, và nếu cần thì cũng phải biết «ngổ ngáo» một chút, như người tây phương thôi.
«Quả vậy, giới trẻ hải ngoại nào có biết cho rằng ông bà bô miệng vẫn cười cười, nói nói đấy, nhưng lòng dạ thì héo hắt, tàn úa, rách nát như chiếc lá mùa thu trước cơn gió chướng! Rồi đến khi cha mẹ nằm xuống, con cháu cũng xúm nhau làm một đám tang thật linh đình để cho đúng với lễ nghĩa con nhà hiếu thảo. Nhưng lễ nghĩa có bù gì được cho một ấm nước cần đun giúp mẹ hay một tấm chăn phải đắp cho cha, mà con cái đã không làm khi cha mẹ còn sinh tiền. Thì ra, ca dao VN có câu: «Thế gian còn dại chưa khôn, sống mặc áo rách, chết chôn áo lành!». Đám tang người tây phương, trái lại, chỉ có vài người thân quyến đưa tiễn đến nghĩa trang là đủ. Đấy, họ rất hợp lý với họ!» Lá thư kết thúc với nhận xét rằng vì đó mà nhiều ông bà già Việt Nam mong ước có ngày về sống và chết tại Việt Nam.
THỜI NAY LÀ THỜI «CON ĐẶT ĐÂU CHA MẸ NGỒI ĐÓ»
Ở cái xứ tây u này, cha mẹ thường bị coi là quê mùa, chẳng hiểu mô tê ất giáp gì cả. Cho dù có học, họ cũng khó có thể bắt kịp cái nếp sống tây phương cực kỳ khác biệt. Ay thế mà so với các sắc dân Á Châu khác, cha mẹ Việt Nam thường tỏ ra rất cởi mở và dễ thích nghi hơn nhiều. Thật vạy, họ dễ chiều theo ý con cái họ, dễ chấp nhận thay đổi cho hợp thời. Con cái bảo gì, họ làm nấy. Mà không chiều theo cũng không được. Trong một đám cưới nọ của một gia đình rất trí thức ở Thụy Sĩ, các bà bên nhà gái chép miệng bảo nhỏ nhau rằng thời nay «con đặt đâu cha mẹ ngồi đó». Ấy là vì cô dâu quyết liệt tự ý chọn lựa chú rể, trái với lời điều giải và đề nghị thẳng thắn của cha mẹ cô.
Ở các nuớc văn minh tiền tiến, người ta lúc nào cũng nói đến quyền và không hề nói gì đến bổn phận kèm theo với quyền cả. Y như người ta quên hẳn tiếng bổn phận. Trong những gia đình người Việt thì ngược lại, cha mẹ cứ mong được nhắc nhở con cái về bổn phận của mình với xã hội, với bà con người Việt và với người thân quyến. Nhưng con cái không quen với những bổn phận nhặp nhằng rắc rối ấy. Ngay cả việc gọi cho đúng thứ bậc ông bà, chú bác, cô dì, anh chị em, chúng nó cũng làm phứa đi cho xong chuyện. Vả lại, chúng nó thấy có quyền được khác với cha mẹ chúng, và không muốn thấy cha mẹ có quyền được khác với chúng nó là thế hệ đang lên của xã hội văn minh tiên tiến. Đồng ý, cha mẹ có quyền và bổn phận yêu thương chúng nó, nhưng đừng lấy cớ đó mà ràng buộc chúng nó, bởi vì còn phải biết tôn trọng tự do của chúng nó nữa.
Một bà mẹ VN ở đây không thể nào hiểu nổi tại sao bà không có quyền can thiệp vào đời sống đứa con gái của bà, cho dù nó đã trưởng thành. Bà đã từng khiếu nại với hội bảo trợ và với cảnh sát rằng chính bà đẻ ra nó mà, sao bà không được thương con bà và không được cấm con gái bà làm xằng làm bậy. Nó làm mất mặt bà, làm tổn hại đến danh dự nhà bà. Bà đã từng khóc lóc thở than rằng con gái bà không cho bà đến nhà nó và nó đã từng gọi cảnh sát đến đuổi bà ra khỏi nhà nó, chỉ vì bà đến để ngăn cấm nó đi với trai. Bà từng thét với cảnh sát rằng các ông không có quyền đuổi bà ra khỏi nhà con gái bà. Chính bà banh bụng đẻ nó ra mà! Bà phải có quyền làm mẹ nó chứ! Nói gì thì nói, bà vẫn cho rằng không có luật lệ nào dã man đến nỗi không cho bà có quyền và có bổn phận dạy dỗ con gái bà cả.
Mới đây, ở bên nước Đức văn minh tiên tiến, không phải chỉ có người mà thôi, mà chó cũng đi biểu tình để đòi quyền lợi của chó. Đúng vậy, tại các nước dân chủ, người ta, kể cả chó, có quyền biểu tình, vì biểu tình là một quyền được xã hội tôn trọng và là một hình thức để bày tỏ lập trường, quan điểm, nguyện vọng của mình. Riêng với chó là con vật chỉ biết sủa chớ không nói năng được, nên chó đi biểu tình vẫn cần có chủ giúp đỡ. Ba ngàn chú cẩu ăn vạn rất lịch sự, đúng thời trang đắt tiền nhất, đã diễu hành qua trung tâm thủ đô Berlin, có cả sự hộ tống của cảnh sát. Các diễn giả tại cuộc biểu tình hằng năm "Fiffi Parade" lần thứ hai này đã yêu cầu chính quyền dành những khu vực rộng lớn hơn để cho chó có thể đi chơi rong mà không phải bị xích cổ. Gisela Duellberg, một trong những nhà tổ chức cuộc biểu tình, đã nói: "Chúng tôi cần những luật lệ ủng hộ chó, chứ không phải là những luật lệ chống lại chó."
Than ôi! Không riêng gì ở các quốc gia chậm tiến nơi mạng sống con người bị xem như cỏ rác, mà chính ngay như ở nước Đức hay nước Thụy Sĩ tân tiến này, các ông bà già Việt Nam không được ai giúp đi biểu tình để đòi được quyền và bổn phận làm cha làm mẹ theo tinh thần và cung cách của người Việt Nam cả! Nghịch lý là thế đấy! Quả thật, làm chó ở nước giàu sướng hơn làm người ở nước nghèo, và còn sướng hơn cả người tị nạn Việt Nam già nua ở nước giàu nữa! Ông bà còn sống được bao năm với con cháu đâu, mà nếu không có hạnh phúc được yêu thương con cháu cho vừa bụng mình thì quả là điều vô cùng đáng tiếc. Bà mẹ Việt Nam nói trên đây, nếu biết tin có chó đi biểu tình đòi quyền này quyền nọ, chắc không khỏi tức sôi máu lên mà chết tươi đi mất.
ĐÃ SINH RA LÀM NGƯỜI HẲN PHẢI BIẾT CỘI NGUỒN
Ít có người tây phương nào được trực tiếp nhìn thấy và cảm nhận được công lao của người trồng cây ăn trái. Họ mua trái cây ở siêu thị, ở hàng quán, hay ở chợ trời; và lúc nào họ cũng trả tiền sòng phẳng cả. Họ không thấy cần phải biết ơn người làm ra hoa trái cho họ hưởng. Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường mua dưa hấu từ những chiếc gánh nặng trĩu đè trên vai người đàn bà đẫm mồ hôi hột, đi ngang qua nhà trên đường từ nương rẫy xuống phố chợ. Bà gánh dưa và mẹ tôi cứ chị chị em em mặc cả và ngã giá với nhau rất gọn. Trong cung cách mẹ tôi trả những đồng xu bạc cắc cho bà gánh dưa, lúc nào tôi cũng thấy có một cái gì như trìu mến, như biết ơn người đã tự mình nai lưng gánh dưa xuống tận nhà cho mẹ con tôi được hưởng, để rồi có thêm chút tiền mua mắm muối về cho đàn con chắt chiu của bà.
Xưa kia, ca dao VN từng răn dạy con cái với những hình ảnh chúng thấy được trước mắt:
«An quả nhớ kẻ trồng cây,
«Nào ai vun xới cho mầy, mầy ăn?»
và
«An quả nhớ kẻ trồng cây,
«An gạo nhớ kẻ đâm xây giàn sàng.»
Giới trẻ hải ngoại muốn cảm nhận được công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, thì nên bình tâm suy nghĩ về cung cách làm cha mẹ của người VN. Dù bị hiểu lầm gì đi nữa, không có ai chịu từ bỏ bổn phận làm cha làm mẹ đối với con cái họ ở xứ người. Đó là điều vô cùng may mắn cho đứa con. Bởi vì, nhờ có được mối tình ấp ủ, nâng đỡ, khi trìu mến của người mẹ, lúc cứng rắn của người cha người anh trong gia đình, kể từ khi em còn nương náu nơi tổ ấm gia đình, mà đứa trẻ Việt Nam ngoài nước thường được nhìn nhận đã thành đạt xuất sắc trên đường học vấn và trên đường đời mai hậu. Giới trẻ có thể không cảm thấy cần có cha mẹ bên cạnh, đôi khi còn vô tình hất hủi tấm lòng tha thiết gắn bó của cha mẹ đối với chúng. Nhưng các nhà xã hội học đều quả quyết rằng gia đình người gốc Á Đông đã là nhân tố rất quan trọng trong việc thành công của con cái họ.
Quả thật, không có nhân làm sao có quả? Không có cha sinh mẹ đẻ làm sao con người ta có mặt trên đời? Không có tình thương của cha mẹ ấp ủ làm sao con cái nên người? Thân phận của giới trẻ hải ngoại không thể không gắn liền với thân phận cha mẹ chúng là người Việt Nam. Là con dân của một đất nước kiêu hùng, cha mẹ chúng cũng đã một thời anh dũng đáp lại tiếng gọi của hồn thiêng sông núi, đứng lên làm nhiệm vụ công dân, kẻ giữ nước, người dựng nước. Cha mẹ chúng còn là những người đã vào sinh ra tử, cật lực đấu tranh để bảo vệ sự sống còn của gia đình, trong những điều kiện cực cùng gian khổ của chiến tranh và nghèo đói. Hơn nữa, họ lại là mẫu người bất khuất, đã từng liều mình bán sống bán chết quyết tìm đến bến bờ tự do, không riêng gì cho họ, mà trên hết và chủ yếu là cho tương lai của con cái họ. Giờ đây, họ rất mãn nguyện được thấy con cái nên người, nên chức, nên phận, và hằng mong ước rằng chúng nó có làm ông làm cha ai đi nữa thì cũng không bao giờ quên được nguồn gốc của mình. Thực vậy, giới trẻ không thể nào chối bỏ cái thực tại sờ sờ ra đấy, đó là nếu không có cha mẹ chúng thì chúng không có được ngày hôm nay và sẽ không bao giờ có được một tương lai rực rỡ như vậy.
ĐỨNG THẲNG : TỰ XÁC NHẬN MÌNH LÀ NGƯỜI GỐC VIỆT
Một khi đã nhìn nhận thân phận mình là người gốc Việt, giới trẻ hải ngoại không thể an phận với những ưu đãi của xã hội mình đang sống. Làm người, tối thiểu là phải biết đứng thẳng trên hai chân mình, biết tự xác nhận mình là người gốc Việt, và không để mình bị kẻ khác lôi kéo đi, bị bứng gốc, đồng hóa, tha hóa dễ dàng. Thực vậy, thử xét lại xem, không phải tự nhiên mà gia đình mình cứ hay bị xây xát, cha mẹ mình dễ mất niềm vui sống và hằng khắc khoải trông chờ thấy được ngày về lại Việt Nam. Qua những hiện tượng ấy, giới trẻ hải ngoại phải thấy có «vấn đề» và nếu cần thì phải biết nổi loạn. Nổi loạn với chính mình và môi trường tha hóa của mình, vì mình đã vô tình nghĩ và hành động ngược lại với tâm tình gắn bó của cha sinh mẹ đẻ mình. Biết phản tỉnh và nổi loạn, đó là dấu chỉ của bản lĩnh làm người. Hơn nữa, cần sáng suốt nhận định rõ đâu là những điểm xung khắc giữa hai nền văn hóa và tìm cách thích nghi, dung hòa. Thực ra, các đấng bậc cha mẹ lớn tuổi không mong gì hơn là được chút thông cảm và hiểu biết của con cháu.
Thực vậy, càng sống ở cái xứ tây phương lạnh lẽo này càng lâu, cha mẹ Việt Nam lại càng cảm thấy rất cần được sưởi ấm tấm lòng bởi tình thương dành con cháu và được con cháu đền đáp lại. Mỗi khi có chuyện trong nhà, người ta thường nghe con cháu than thở là ông bà hay lầm lì làm theo sở thích của mình, bất cần con cháu có thích hay không? Tại sao con cháu không thử đặt ngược lại vấn đề là chính mình đã tự cho mình cái quyền chọn lựa chuyện này việc nọ cho ông bà già, mà khỏi cần hỏi ý trước? Lớn khôn rồi, con cái tự cho mình có quyền tự động làm thay cho ông bà già quê mùa và dám nghĩ rằng đàng nào ông bà cũng phải vui lòng thôi chăng? Thường thì cha mẹ Việt Nam không có thói bất cần thiên hạ, hoặc từ chối tấm lòng thành của con cháu. Bởi họ rất cần làm vui lòng con cháu, nhưng có điều rất nghịch lý là họ không thể không làm theo cách hiểu biết và sở thích riêng của họ, vì họ còn là người VN.
Cần tránh tình trạng ông nói gà bà nói vịt, để rồi chẳng còn ai hiểu được ai nữa cả. Trong tình huống này, khi mà cha mẹ buộc lòng phải lấy «chữ hiếu» để nhắc nhở con cái, con cái cũng không nên vin vào đó mà sinh chuyện lớn! Quả thế, con cái ngày nay nghĩ rằng ông bô mà hé răng nói đến chữ hiếu trong quan hệ cha con thì y như là ông bô đòi cầm dao ở cán! Theo quan điểm của chúng, quan hệ hiếu thảo là một quan hệ bất bình đẳng, đặt để người nhỏ trong tư thế lép vế, bất lợi ngay từ cơ bản đối với người lớn. Ở cái xứ mà người ta quen sống với nguyên tắc «mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi» (điều 1 Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền), chúng có thể chưa thấu hiểu được thế nào là «bình đẳng» trong tâm tình người Việt đối với cha mẹ chúng.
Hiếu thảo, theo ý nghĩa thông thường, là một cái gì rất tự nhiên đối với kẻ uống nước nhớ nguồn. Đó đơn thuần là thái độ và hành động biết ơn thôi! Biết ơn không có gì là bất bình đẳng hay xấu cả. Ngược lại, nó là hành động rất bình đẳng và rất cao cả, vì chỉ có con người với con người mới biết làm ơn và biết ơn nhau thôi. Nó chỉ trở nên xấu khi người làm ơn ép buộc người chịu ơn phải trả nghĩa và trả nghĩa quá cái mức phải có, tức là phải chịu lép vế, chịu thiệt thòi, bị áp bức này nọ. Khi mong đợi con cái biết ăn ở hiếu thảo với mình, cha mẹ Việt Nam chỉ xin con cái chấp nhận tấm lòng của họ và đền đáp lại. Tấm lòng của họ có một nét rất cá biệt, rất đặc thù, là vì thời cuộc mà họ phải sống lưu vong xứ người với con cháu và cho con cháu! Thực bụng, họ nào dám lấy chữ hiếu ra để bắt ép hay đe dọa con cái đâu, trừ ra họ là người quê mùa quá thôi. Cứ bình thường thì người Việt Nam rất ngại đòi hỏi quyền này quyền nọ. Một câu nhịn chính câu lành mà!
Nhìn nhận thân phận mình là người gốc Việt, có cha sinh mẹ đẻ là người Việt Nam, giới trẻ hải ngoại sẽ biết phải làm gì để đền đáp ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Người có nhân phẩm sẽ biết cư xử cho phải đạo làm người một cách sòng phẳng với cha mẹ mình, nghĩa là có chịu ơn là có biết ơn và trả ơn. Riêng với cha mẹ có tuổi, hiếu thảo không có gì khác hơn là tìm cách làm vui lòng cha mẹ trong những ngày tháng cuối đời người. Cha mẹ VN không muốn ép buộc con cháu phải hy sinh bản thân mình cho họ, mà chỉ mong được một vài cử chỉ tỏ lòng đền đáp lại mối tình nung nấu âm thầm, tha thiết gắn bó với con cháu thôi. Trên hết, cha mẹ mong con cái đừng có thái độ «bất cần» cha sinh mẹ đẻ ra mình.
Trần Ngọc Báu
Fribourg, ngày 22/09/2003
No comments:
Post a Comment