Có lẽ rồi chúng ta sẽ thành chai sạn với chuyện thời sự, ngày nào cũng đánh bom khủng bố, đánh bom tự sát ở Iraq. Ngày nào cũng Israel với Palestine, Hamas với Fatah. Các lãnh tụ thế giới tuyên bố điều gì thì không mấy khi họ nói sao ta tin vậy. Bao giờ cũng cứ phải tự hỏi đàng sau những lời ấy là những toan tính gì, những tương quan lực lượng gì, những tình cảnh thê thảm nào được mặc cho bộ áo ngôn từ lịch sự, văn minh, tốt lành. Nhìn vào trong nước thì ôi thôi là những tệ đoan, tệ nạn, tham nhũng, vô trách nhiệm, bất nhân, v.v…Riết rồi nếu chỉ chú ý đến thời sự trên báo đài và các phương tiện truyềân thông không, thì thời sự chỉ là một cuộc tranh đấu tàn nhẫn liên miên không ngơi nghỉ giữa những quyền lợi mâu thuẫn, những hận thù truyền đời, những mưu mô tráo trở, lật lọng. Bộ mặt người biến mất đàng sau những con số, hay tệ hơn nữa, đàng sau những thống kê xác chết. Ván cờ thế sự cứ thế kéo dài mãi đến mức thừa mứa, nhàm chán mà vẫn không chịu ngã ngũ. Càng đi càng mệt nhoài mà lại càng dấn mình sâu vào những mê hồn trận.
Giữa cái chuỗi lê thê vừa bi đát, và tàn bạo, vừa chán ngắt ấy, vụ các con tim Hàn Quốc ở Afganistan nổ ra như để nhắc nhở ta rằng bên dưới bộ mặt lì lợm của thời sự, có một cõi tâm hồn. 21 người trẻ của một dân tộc Á Đông đã mang niềm tin của mình vào tình yêu cứu độ của Đức Ki-tô để lên đường tìm đến với những con người đang bị dày xéo trong máu lửa. Thế rồi chính 21 người ấy cũng biến thành những con chiên vô tội bị tàn sát cho một thế gian trầm luân. Hai người đã bị tế sát theo nghĩa đen, số còn lại đang mấp mé bên nguy cơ bị sát hại. Không ngờ mầu nhiệm thập giá lại hiện thực tới mức kinh hoàng như thế đối với 21 đồ đệ trẻ của Chúa. Họ mới đến Afganistan được mấy ngày, đâu có nghĩ chuyến công tác của mình lại kết thúc như thế. Là đồ đệ, khi lên đường, họ đã mặc nhiên chấp nhận những gian nan, hiểm nguy. Nhưng từ sự chấp nhận về nguyên tắc đến bước đối mặt với thực tại thế gian là cả một thử thách mà Chúa ban thế nào, ban cho ai thì người ấy được biết.
Vào lúc này ( 6/8/2007 ), chưa biết những anh chi em còn sống sót chung cuộc sẽ ra sao. Chỉ biết rằng họ được kêu gọi chia phần khổ giá của Chúa một cách hết sức cụ thể. Bấy nhiêu là đủ để cộng đoàn dân Chúa hiệp thông và cầu nguyện cho họ. Và bấy nhiêu cũng đủ để ta hướng về họ với lòng biết ơn dành cho những người đã được trở nên “người tôi tá đau khổ”. Bóng của những con chiên này từ nay thấp thoáng đâu đó chung quanh một con chiên khác mà ta vẫn kêu cầu hằng ngày:
“Lạy Chiên Thiên Chúa,
đấng gánh tội trần gian,
xin thương xót chúng con.
Lạy Chiên Thiên Chúa,
đấng gánh tội trân gian,
xin ban bình an cho chúng con.”
Và cũng như bên thập giá của Chúa Giê-su, có Mẹ và các người thân của Chúa, bên cạnh cuộc thử lửa của các con tin Hàn Quốc, có niềm đau của người cha mất con, của người vợ mất chồng, của đứa con gái mất cha, và của tất cả những gia đình đang bồn chồn, âu sầu, lo sợ. Nỗi đau chung lớn lao ấy tạo nên một cuộc đột phá trong dòng thời sự. Tới khởi điểm ấy, không chỉ còn những tính toán chiến lược và chính trị. Cả chính phủ lẫn toàn xã hội Hàn Quốc, Liên Hiệp Quốc, Cộng Đồng Quốc Tế, trong đó có đông đảo những người và tổ chức Hồi Giáo, cùng nhau vào cuộc với nỗi lo làm sao phải cứu các con tin còn sống.
Từ mấy năm nay, bán đảo Triều Tiên, thỉnh thoảng vẫn cho ta những hình ảnh ấn tượng về nhân ái. Ví dụ như những lần mà những gia đình bị ly cách bởi hai miền Nam Bắc được có dịp đoàn tụ trong vài giờ ngắn ngủi. Những niềm xúc động đến mức bàng hoàng trong giờ phút tái ngộ ruột thịt đó cũng là những thời điểm đặc biệt để phần tâm hồn bị chôn vùi được nổi lên được xuất hiện trên bộ mặt thời sự tưởng như không có tâm hồn.
Rồi ra những tình cảm đối với con tin và những khao khát hội ngộ có lẽ sẽ lại chìm sâu, nhường chỗ cho những quy luật sắt vẫn thống trị những cơ cấu và tổ chức hiện đại của xã hội. Người ta có thể nói rằng không thể để cho tinh cảm chi phối việc trị quốc và việc bình thiên hạ. Cụ thể là dù các con tin có bị giết hết cũng không thể nhượng bộ phe Taliban. Pháp bất vị thân thì chính trị cũng bất vị thân.
Nhưng vấn đề là với bấy nhiêu sắt thép, công việc bình trị vẫn không thành. Khi tổng thống Bush chuẩn bị xua quân chiếm Iraq, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II gửi một vị Hồng Y đặc sứ sang Mỹ để yêu cầu tổng thống đừng phát động cuộc chiến. Ông Bush nói rằng ông đã và sẽ suy nghĩ, cầu nguyện, cân nhắc đủ đường. Cuối cùng ông vẫn ra lệnh đánh. Tới bây giờ cuộc chiến ấy vẫn chưa chấm dứt, mà hình như ngày một ác liệt hơn.
Nhiều người cho rằng đức Gio-an Phao-lô II làm thế bởi vì là Giáo Hoàng thì Ngài không thể làm khác, nhất định phải cỗ võ hoà bình; nhưng chính trị có những quy luật riêng, những thực tế riêng của nó. Nói cách khác, Đức Giáo Hoàng thi hành nhiệm vụ của Ngài cho phải đạo, nhưng những định hướng và ý kiến của Ngài chẳng dính dàng gì đến thực tế.
Sức mạnh quân sự của Mỹ và nhiều nước phương Tây đã ào ạt đổ vào Iraq, như đã từng ào ạt đổ vào Afganistan trước đó. Chỉ vài ngày là lật đổ được chế độ ở Kabul, đánh sập Saddam Hussein. Chiến thắng thần tốc. Nhưng đến bây giờ mới thấy rằng Afganistan cũng như Iraq là nhưng nơi đến dễ khó về. Chiến thắng vang dội vậy mà đến bây giờ vẫn không đưa quân về nước được, chết chóc vẫn chồng chất, khiến cho đi thì dỡ mà ở thì không xong.
Đến đấy người ta mới nhìn nhận tầm nhìn của Đức Giáo Hoàng. Vấn đề là không phải chỉ là chiến thắng vài đội quân lạc hậu hay hạ bệ một vài bạo chúa. Vấn đề là thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tinh thần. Cái gì gây ra những chia rẽ, hận thù ghê gớm thế. Cuộc sống chung giữa người với người đã lạc bước từ đâu, và vì cái gì. Làm thế nào để tìm lại những giá trị chung. Đứng trước những vẫn đề lớn lao ấy, những giải pháp chính trị quân sự chỉ là những chắp vá tạm thời, có khi càng vá càng rách như Chúa đã nói.
Cho nên ở bên kia những tình huống chính trị quân sự tạm thời, đã đến lúc các Giáo Hội phải cố gắng tìm cách bắc cầu vượt qua những chia rẽ cuồng sát. Các con tin Hàn Quốc là những thương binh liệt sĩ của chiến dịch bắc cầu ấy.
Lm Vũ Khởi Phụng, CSsR
Friday, 16 July 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment