Thursday, 29 July 2010

Lm Richard Leonard sj: Nợ đời nặng quá gỡ sao xong


Người ta đi kiếm giàu sang cả

Mình chỉ mơ hoài chuyện viển vông

Em biết giàu sang đâu đến lượt

Nợ đời nặng quá gỡ sao xong.

(thơ Nguyễn Bính)

Mơ hoài giàu sang, đâu có là chuyện viển vông! Viển vông đời thường, là thái độ loanh quanh với ý nghĩ thường tình: “người ta đi kếm giàu sang cả”, hoặc: “nợ đời nặng quá, gỡ sao xong”. Nợ đời/giàu sang, còn là chuyện Chúa nói, qua Tin Mừng thánh Luca hôm nay. Tin Mừng hôm nay, thánh Luca đề cập đến chủ đề giầu sang, được Chúa dẫn giải bằng một dụ ngôn, rất tinh tế. Dụ ngôn Chúa kể, là về những điều quan trọng, trong cuộc đời. Quan trọng, khi Ngài nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa “ta là ai?” với “ta có gì?”

Mở đầu trình thuật, là một bức xúc về sự phân chia gia tài mà người Do Thái thường hay trình lên vị tư tế, chánh thẩm. Nhưng vị Tư Tế hôm nay, không muốn dự phần vào các tranh giành/cãi vã có tính cách thế tục. Ngài nhắn nhủ: “Hãy coi chừng! mạng sống con người không được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Chính vì lòng tham lam của cải, mà nhiều gia đình đã đổ vỡ. Vì, mải lo tranh chấp gia tài, mà nhiều anh em cùng nhà cứ xâu xé nhau. Xâu xé, là để giàu sang.

Giàu sang. Đó là mơ ước của nhiều người. đời. Giàu sang, là chiếc đũa thần giúp người người tạo nên những thứ họ muốn. Nhưng khi đã giàu sang, vẫn không phải là hết chuyện để ưu tư. Đây là ngộ nhận lớn, nơi quan niệm của người đời. Người đời những tưởng: khi đã ổn định tài chánh, đã có nhà có cửa, có xe có tiền rồi, là có tất cả. Mọi sự coi như đã thành công. Thật sự, của cải tiền bạc tuy được coi là dấu hiệu của sự thành công; nhưng, đó vẫn chỉ là quan niệm của người đời. Ở đời thường. Quan niệm của nhà Đạo, khác hẳn.

Bài đọc thứ nhất hôm nay, sách Giảng viên quả quyết:

“Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân!”

(Gv 1: 2).

Ở bài đọc thứ hai, thánh Phaolô thêm:

“Anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới: đam mê, ước muốn xấu và tham lam, thảy đều là ngẫu tượng”. (Cl 3: 5).

Và, ở trình thuật thánh Luca, Đức Kitô khuyên:

“Hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam; không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm, nhờ của cải đâu.” (Lc 12: 15).

Quả thật, khi khẳng định chân lý ấy, Đức Kitô không bắt mọi người phải chịu đau khổ. Ngài chỉ muốn nhắc: mọi người hãy tìm phương thức tốt nhất để tạo an toàn, hạnh phúc cho nhau. An toàn, để có cuộc sống ổn định. Cuộc sống có ý nghĩa đích thực. Nơi đó, mọi người trao cho nhau tình yêu thương, an bình. Mọi người san sẻ với nhau cũng một hạnh phúc chung. Hạnh phúc, chỉ có chỗ đứng, khi mọi người đều cùng hưởng. Hạnh phúc, phải được sẻ san cho nhau.

Với dụ ngôn hôm nay, ta lưu ý: truyện kể cho thấy có mỗi nhân vật chính, là nhà phú hộ. Ông cương quyết biến mình thành trung tâm của vũ trụ, nơi mình sống. Ông dồn tất cả tiền bạc của cải, gom lại để nuôi sống mỗi mình mình. Ông chỉ lo cho mình ông, thôi. Tất cả, chỉ để mình ông ung dung hưởng thụ. Chẳng bận tâm đến ai. Chẳng cho ai, dù một xu lẻ.

Ở đây, Đức Kitô không phản đối chuyện ta có thể trở nên giàu sang, sung túc. Miễn là, sự giàu sang của ta không tạo bất công cho mọi người. Ở đây nữa, Đức Kitô muốn chứng minh cho con dân của Ngài thấy được, là: giàu sang - sung túc đích thực mới tồn tại dài lâu. Và, sự sung mãn hạnh phúc không nằm nơi của cải, tiền bạc. Mà, ở nơi khác. Của cải tiền bạc, chỉ tạo được hạnh phúc tạm bợ, chóng qua. Những “nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã” (Lc 12: 20). Còn hạnh phúc đích thật, lại nằm ở nơi khác

Nhìn vào thực tế, chắc mọi người vẫn còn nhớ nhà tỷ phú Howard Hughes, hôm trước. Ông chết đi, bỏ lại đằng sau đến 2 tỷ Mỹ kim. Giàu sang sung mãn đấy. Nhưng vào cuối đời, ông vẫn sống trong hãi sợ. Hãi sợ, trộn lẫn với cô đơn. Dù chuẩn bị trước mọi thứ, ông vẫn chết trong quên lãng. Chết rất tủi hổ. Và khi chết, ông nào có khác người nghèo? Có khi lại không bằng người nghèo đang chết ở Calcutta. Người nghèo ở Calcutta, họ cũng chết. Nhưng, được chết trong vòng tay yêu thương của Mẹ Têrêxa. Và của các nữ tu hiền hoà, đầy yêu thương chăm sóc.

Mahatma Ghandi, một thời là luật sư trẻ nổi tiếng, có của. Nhưng ông không màng giàu sang, sung túc. Vẫn bỏ hết những gì mình có, chọn lựa cuộc sống giản đơn hơn, không vướng mắc những nào của cải vật chất. Vì thế khi chết đi, ông đã để lại cho hậu thế một di sản thật lớn. Di sản ấy, người giàu và sang như Howard Hughes không tìm thấy. Di sản ấy, chính là: tạo sự bình an hưng phấn cho nhiều người. Di sản ông để, là: biết quan tâm đến người cô thân, cô thế.

Hợp cùng trình thuật hôm nay, thánh Phaolô gợi lên một tư tưởng khác:

“Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới.” (Cl 3: 2).

Nghe thánh Phao-lô đề nghị, hẳn có người cho rằng: lời khuyên của thánh nhân thiếu phần thực tế. Nhưng, thánh nhân đâu có đề nghị ta hãy nhắm mắt làm ngơ trước thực tại, của trần thế. Thánh Phao-lô chỉ khuyên: hãy hy vọng và hướng lòng vào Nước Trời. Hãy “cởi bỏ con người cũ, để mặc lấy người mới”. Con người được thay đổi theo hình ảnh Đấng Tối Cao. Hãy trỗi dậy với Đức Kitô. Để rồi, ta sẽ cùng Ngài hưởng phúc vinh quang, miên trường.

Cởi bỏ con người cũ, là bỏ đi các hành vi mang tính hủy diệt. Những tính hư nét xầu, như: gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu xa và tham lam, vị kỷ. Bởi, những thứ đó là “ngẫu tượng”. Là phàm tục. Cởi bỏ con người cũ, là bỏ đi tính ích kỷ, chỉ muốn thu vén cho riêng mình. Cởi bỏ người cũ, không phải là tự sát/tự hủy, nhưng mặc lấy những gì là mới mẻ. Mới mẻ, với giá trị thăng tiến, hướng thượng. Mới mẻ, trong nhận thức biết rõ mà định hướng cuộc đời. Định hướng, bao gồm một đổi thay toàn bộ con người mình. Thay đổi, để nên giống Đức Kitô hơn. Định hướng và đổi thay, để rồi sẽ lớn mạnh trong Đức Kitô. Cùng với Đức Kitô vào với Nuớc Trời. Ở trần gian.

Với Nước trời đầy tình người này, ta chẳng cần đến những an toàn bằng tài sản. Hoặc kế thừa. Chẳng cần trúng độc đắc, số lô-tô. An toàn đích thực, chỉ có thể đạt được nếu ta chấp nhận là thành viên của cộng đoàn biết chăm nom, và đùm bọc. Chăm nom lẫn nhau. Đùm bọc bên nhau, thì Nước Trời chính là trạng thái sống đang diễn ra trong lòng Hội Thánh, ngay trước mắt.

Nước Trời hôm nay, bao gồm cuộc sống hòa mình với mọi người. Hòa mình với môi trường sinh sống, rất thân thương. Nước Trời đây, không có chỗ cho những kỳ thị, phân biệt. Nước Trời đây, không tách biệt Hy Lạp với Do Thái. Nước Trời đây, chẳng bao giờ rẽ chia giới cắt bì với phường ô uế, không chịu cắt. Nước Trời của Chúa, không ly cách kẻ man di, nô lệ với người tự do. Ở Nước trời của chúa, tất cả vẫn là chi thể cùng một Thân Mình, Đức Kitô yêu dấu ở với ta. Ngài là Tất cả. Ngài ở trong mọi người.

Hiệp thông liên kết với Đức Kitô, ta có tất cả. Có an ninh, an toàn và sự bình an bên trong. An bình trong kết hợp với Chúa, đó là sự giàu sang sung túc, đáng được ta mơ ước. Ước mơ của tất cả mọi người. Giàu sang đích thực, chính là thế. Giàu sang sung mãn, không do của cải/vật chất cung cấp. Nhưng, có được là nhờ biết xác tín hiệp thông, trong Nước Trời. Trong hân hoan xác tín sự bình an đang có ngay trước mắt, ta hân hoan hiệp thông với mọi người, hát lên lời ca sau đây:

Nhịp sống thắm thiết vui

Kìa ánh sáng thắm tươi.

Bốn phương lừng vang cung đàn khắp nơi.

(Xuân Lôi–Nhật Bằng Ánh sáng Miền Nam)

Vui thắm thiết. Sống hạnh phúc vang lừng khắp nơi. Nơi có Ánh sáng Nuớc trời đã và đang hòa nhịp, thắm thiếti. Vui, vì lâu nay ta vẫn giàu sang. Cứ sung túc. Chẳng cần của cải vật chất. Nhưng vẫn sang. Sang và giàu, không là “chuyện viễn vông”, hay “chưa đến lượt”. Nhưng, là sống đích thực lời Ngài dặn dò. Giàu sang, là sống theo lời Đức Kitô dặn. Chính đó là giàu sang miên trường. Giàu sang không hư nát. Nhưng rất bền. Nhiều phấn khởi.

Wednesday, 28 July 2010

Lm Vu Van Thien CSsR: VỀ... “BỐ PAUL SEITZ”


Khi nghĩ về Paul Seitz, bố của tôi, tức Đức Cha Kim – một người ngoại quốc đã sống chết tại Việt Nam và chọn Việt Nam làm quê hương, mà vẫn bị trục xuất tại mảnh đất thân yêu này – thì, với bản thân tôi, một đứa con của Người từ những ngày chim mẹ còn ủ ấp chim non, tôi cứ mường tượng như “bố” còn ẩn hiện đâu đây, bàng bạc trong cái nhộn nhịp của kinh thành Hà Nội, của đô thành Sài-gòn, của hồn sông gió núi, khi chúng tôi đốt lửa trại trên đỉnh núi Ba Vì quây quần bên “bố” mỗi đêm thứ bảy hàng tuần, để hát những bài hát đầy chất liệu “con Rồng cháu Tiên” như “Đây Bạch Đằng Giang”, như “Nước Non Lam Sơn”; và của những con đường đất đỏ cao nguyên miền thượng trải dài từ Kontum đến Buôn Ma Thuột, từ Pleiku xuôi Phú Bổn, trên chiếc Land Rover dã chiến bụi mù để “ta leo đèo vượt suối”…

Vâng bố vẫn ẩn hiện đâu đây, trong khuôn mặt, trong ánh mắt, qua đôi môi, luôn mãi hoa cười oanh hót, một sự ám ảnh khiến tôi cứ nổi da gà.

Bàn tay ấy chư đang xoa đầu tôi, quàng cổ tôi, ôm ghì tôi vào ngực, rồi lên tiếng mà như thủ thỉ qua hơi thở: “Eh oui, ben… mon p’tit, j’suis content de te voir, nous allons parler un peu, bon… viens ici !”… ( “Cha mừng vì được gặp con, nào đến đây ta nói chuyện…” ) Và rồi con mắt đăm chiêu không rõ đang nhìn nơi nào xa lắc, cái xa lắc đó có khi – theo tôi cảm nghĩ – là một ký ức nội tâm của “bố”, hay một thoáng hé mở về tương lai của đứa con yêu !

Tôi còn nhớ như in cái ngày mùa thu năm ấy, đỗ xịch trước Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, Hà Nội, là cái xe Caroline cà tang mà chúng tôi đặt tên cho là “xe đít vịt”, bởi đuôi nó giống con vịt quá.

Hồi ấy, 1945, khoảng 13 tuổi, tôi còn là đứa trẻ bụi đời lang thang trên 36 phố phường các vỉa hè Hà Nội, sau khi bỏ nhà đi hoang, vào thời kỳ đen tối nhất của đất nước, chứng kiến hai triệu con người chết đói tại miền Bắc, đang khi ở miền Nam, vì thiếu mỏ than và thừa ruộng lúa, người ta đã lấy lúa làm than đốt để chuyên chở.

Bước chân phiêu lạc của một đứa trẻ bị bỏ rơi, ngày nào mà không thấy tận mắt chứng kiến cảnh xác người quẳng ra các vỉa hè thành phố… Lợm giọng và xao xuyến thương cho những phận người ! Tôi nghĩ ngay tới cha mẹ, anh chị em dưới quê Nam Định của tôi, chẳng biết giờ này họ ra sao… Mãi nhiều năm sau, tôi mới bíêt gia đình tôi tứ tán, mẹ chết một nơi cô quạnh, cha chết một nẻo đơn chiếc, hai em út tôi một đứa chết trên núi Ba Vì, một đứa chết ở Sơn Tây hay Hà Nội gì đó…, và các anh em khác thì tản mác hết, vì đói khát và loạn lạc.

Sáng hôm ấy, bước chân tôi phiêu lạc tới ấp Thái Hà, Nam Đồng, nơi toạ thị của một Tu Viện đồ sộ của DCCT. Thì ra Cha Thiên Quốc đã an bài mọi sự cho đứa trẻ bụi đời kẻ ngoại này. Tôi nảy ra ý nghĩ ghé vào Tu Viện DCCT xin ăn. Tại đây ngay buổi chiều, từ Nhà Chung Hà Nội, một vị Linh Mục Pháp lái xe đến đón tôi, chiếc Caroline nhiệm màu đã thay đổi đời tôi. Chẳng phải đợi lâu, mọi cái cứ như huyền thoại. Đứa trẻ bụi đời được tắm bằng xà bông và đứng dưới vòi phun, rồi quần áo mới tinh, ăn tại bàn ăn sang với bố…

Và sáng hôm sau thức dậy để khởi đầu ngày mới, tôi ngang nhiên trở thành... thư ký văn phòng cho “bố” tại phòng tiếp khách của cha Phó Nhà Thờ Chính Toà Paul Seitz, vừa đọc sách, vừa thăm nom dọn dẹp, đón và tiễn khách đến thăm “bố”. Bố tiết kiệm và sống nghèo nên có đôi giầy “dôn” ( da màu vàng ) người ta biếu, bố mua thỏi mực tàu bảo tôi mài, rồi bôi đen đôi giầy cho nó ra giầy Giáo Sĩ. Và thỉnh thoảng bố lại đến vuốt đầu tôi, nói với tôi một vài câu tiếng Pháp, bố có vẻ thích thú thấy tôi đã đậu Primaire. Một tuần sau, bố trực tiếp chở tôi lên Ba Vì, gia nhập “Cô Nhi Viện Thánh Nữ Tê-rê-xa”, tên ghi ở cổng vào, với phụ đề “Centre d’ Accueil de l’ enfance abandonnée”...

Tôi xin tạm ngưng câu chuyện Cô Nhi Viện ở đây để bắt sang một khuôn mặt khác cuộc đời của “bố Paul Seitz”.

Như đã thuật ở trên, DCCT cùng với Cô Nhi Viện Thánh Nữ Tê-rê-xa, đã là “địa chỉ đỏ” tiền định cho tôi ngay từ đầu đời. Rửa tội áp lễ Đức Mẹ Lên Trời năm 1945, hè 1946 tôi xin bố cho phép thử nghiệm ơn gọi DCCT. Bố đồng ý, và trực tiếp chở tôi đến Tu Viện “trao lại” cho Bề Trên Dòng; một cuộc hoán đổi nhiệm mầu và kỳ diệu. Vì chỉ hơn tháng sau tôi đã nghiễm nhiên gia nhập Đệ Tử Viện DCCT ở cố đô Huế ! Tôi được xếp vào lớp “đệ lục”, bắt đầu học tiếng La-tinh, nhưng cũng một tháng sau, được đặc cách, cùng một bạn trùng tên ở Hà Nội, chuyển lên “đệ ngũ”. Và cứ thế hai anh em thẳng ro con đường ơn gọi Tu Sĩ Khấn Dòng và Chức Thánh.

Năm 1953, bố được Toà Thánh chọn làm Giám Mục cai quản Giáo Phận Kontum. Thầy DCCT từ Đà Lạt về dự lễ hôm ấy là tôi. Trong Thánh Lễ có mặt đầy đủ các con cái của bố, cộng thêm hai cha và một thầy Salésien ( Don Bosco ), chân ướt chân ráo đến từ hải ngoại. Chúa Quan Phòng thật kỳ diệu: các con sông và dòng suối đều đổ về một biển. Giấc mộng của bố và gia đình Tê-rê-xa ước mơ sự hiện diện tại Việt Nam của Don Bosco, quan thầy giới trẻ sống bên lề xã hội, đã được Toà Thánh đáp ứng đúng giờ đúng lúc. Bố đã có thể thanh thản ra đi… cho một nhiệm vụ mới còn khó khăn gấp bội.

Năm 1957, theo yêu cầu của Bề Trên DCCT, bố về trao chức Phó Tế, rồi sau đó là chức Linh Mục cho lớp anh em chúng tôi, tại Tu Viện DCCT Đà Lạt và tại Nhà Thờ Lớn Đà Lạt. Coi như, qua Paul Thiện, Nhà Dòng cũng được... ăn theo!

Trước đó từ lâu, tức 1955, tôi đến Kontum thăm bố. Bố Paul Seitz lái xe “Land Pover” chở tôi đi thí điểm truyền giáo Cheoreo, Phú Bổn. Ở đây, chúng tôi gặp cha Jacques Dournes, MEP, Thừa Sai Paris. Tiếp bố con tôi trên căn “nhà sàn thượng” của ngài, cha Dournes vẫn cứ mình trần, đóng khố, miệng ngậm tẩu thượng.

Phải công nhận, nhờ tính phóng khoáng khó tưởng của bố, tôi mới chiêm ngưỡng được cảnh tưởng lạ lẫm này. Cha Dournes vốn là bậc thầy, một học giả tự học ngành nhân chủng và dân tộc. Chả thế mà sau này, khi về phép trình luận án tiến sĩ tại Sorbonne, ngài được mời ở lại viện đại học hàng đầu thế giới này, trên bục thỉnh giảng… Ngài đã để lại ở Phú Bổn một phong cách truyền giáo vô cùng hấp dẫn mà ngày nay, các Thừa Sai miền Thượng DCCT vẫn đang vận dụng. Mỗi năm chỉ với ba bốn Linh Mục, các ngài có thể rửa tội bảy tám trăm Dự Tòng Jrai.

Tôi phải nói thêm, đang khi cha Dournes khởi sự đưa Thánh Thần lên Phú Bổn, nhất là các cha MEP, thì rút cuộc, chỉ dựa vào lá chắn độc nhất của Đức Cha Kim, mà công cuộc truyền giáo tại Phú Bổn thành công. Và hôm nay, không nơi nào có một buôn làng Jrai lại không có người Công Giáo.

Phần tôi, sau chuyến đi thăm thú, tôi bén duyên ngay với việc truyền giáo miền Thượng. Bố rất tâm lý… tôi cứ nghĩ lại tủm tỉm cười thầm. Cho nên, một tháng trước khi lãnh chức Linh Mục, tôi lên thăm bố để hỏi chuyện về công việc truyền giáo miền Thượng … Các biến cố thời sự xảy ra, tôi được Nhà Dòng điều động đi dạy học cho Đệ Tử ở Huế, rồi tại Vũng Tàu; bắt đầu từ 1963, tôi đi truyền giáo cho đồng bào miền núi miền sâu ở Quảng Ngãi. Mãi đến năm 1967, với sự chấp thuận của các Bề Trên Dòng, tôi được gia nhập Giáo Phận Kontum. Bố Paul Seitz ôm lấy tôi, mừng quá sức. Đứa con đã về lại dưới mái nhà.

Bố hỏi: “Bây giờ, cha cho con tự ý chọn giữa hai công tác: một là đi giúp Giáo Dân người Kinh tại các Giáo Xứ, hoặc đi truyền giáo cho người Thượng. Bố để con tự do, chọn cái nào cũng được”. Tôi thưa: ”Xin bố cho con đi Thượng !’ Bố ngồi ngửa mình trên ghế fauteuil, gật gù với tẩu thuốc: ”Được, tốt lắm. Nhưng bây giờ, đi Thượng cũng có hai lựa chọn. Một là làm việc với đồng bào Bahnar. Bahnar đã theo Chúa cả một thế kỷ rưỡi rồi, người có đạo đông lắm, và tập trung chủ yếu ở Kontum; cũng có người Sơđăng phía trên Kontum nữa, và họ cũng có đạo kha khá. Còn ở Pleiku, Phú Bổn, đại đa số la Jrai, chưa biết Tin Mừng. Hiện chỉ có một cha Dournes đang làm việc ở Phú Bổn, như con đã biết đó…” Tôi nói ngay, không cần suy nghĩ: “Con muốn đi giảng đạo với cha Dournes nếu Đức Cha cho phép…”

Hình như “bố” đoán biết trước, miếng mồi nhử năm nào, nay cái bẫy đã sập. Và bố nói ngay: “Con ở đây nghỉ chơi vài hôm nữa, bố sẽ đi Phú Bổn… Hai bố con cùng đi… Nếu đến đó, con ở tạm bên xứ Kinh với cha Vượng, giúp cha Vượng, rồi lần lần tiếp xúc với Dournes để xem ý anh ta ra sao, bố con mình sẽ tính...”

Tính tình cha Dournes không giống ai. Khi tôi sang thăm ngài, ngài nói chuyện vui vẻ… và như muốn dò biết ý định của tôi… Tôi xin ngài dạy tiếng Jrai cho tôi. Ngài trả lời cộc lốc: “Cứ làm như tôi, nhào xuống nước, ắt biết bơi !” và cố Dournes lấy cớ mắc việc, không tiếp chuyện tôi nữa. Tôi hiều tại sao các Linh Mục Pháp đều không mấy mặn mà với vị Thừa Sai cấp tiến này. Tục ngữ có câu “có tật có tài” đúng quá!

Và chỉ hai tháng sau, ngài dọn đồ đạc, mua vé máy bay về Pháp, đem tất cả đi theo. Ngài đã tìm ra người kế thừa sứ mạng mà ngài mong đợi…Con mắt ấy, qua tiếp xúc, đã đoán được cái gì ngài mong đợi ở tôi… Và thế là, một mặt trận mới được mở ra tại Giáo Phận Kontum: cuộc đổ bộ vào miền đất đến nay còn trinh nguyên, trước ánh sáng Tin Mừng. Vì tất cả đều bắt đầu từ con số không, trừ những gì cha Dournes để lại.

Bố Paul Seitz đã trao cho tôi toàn quyền hành xử trên miền đất mới. Dịch Phụng Vụ tiếng Jrai, tiếp tục việc dịch Kinh Thánh như cố Dournes đã làm… giảng dạy bằng tiếng Jrai cho Tân Tòng, đi làng, thu thập các bài hát truyền thống của Jrai, ghi âm các truyện cổ tích… làm quen với các buôn ở gần, ở xa, có khi xa cả 40 cây số…nhất là làm thế nào để đồng bào Thượng coi mình như ruột thịt. Đến với họ bằng tình anh em, và sẵn sàng để họ làm thầy dạy mình trước…

Anh em Thượng trực tiếp dạy tôi tiếng Jrai qua các tiếp xúc bè bạn, khi ở nhà, khi ở các buôn làng chung quanh. Ba tháng, tôi đã có thể nói chuyện, giảng dạy và cử hành Thánh Lễ bằng tiếng Thượng. Sáu tháng, tôi ra tập sách nhỏ “Tiếng Jrai huynh đệ”, gồm 40 bài học dạy cách nói tiếng Jrai, mục đích giúp các Thừa Sai nam nữ làm việc tại Pleiku Phú Bổn. Hiện nay cuốn sách vẫn còn giúp ích cho việc truyền giáo tại đây.

Ở Cheoreo, nằm chèo queo một mình trên ngôi nhà sàn rộng thênh thang, cứ độ hai ba tháng, tôi được bố Paul Seitz tìm đến viếng thăm. Mỗi lần thăm viếng, hai cha con cứ nằm bên nhau trên sàn, thủ thỉ với nhau dưới ngọn đèn mờ. Bố hỏi han đủ chuyện về đời sống, về công việc, về tình trạng đồng bào Thượng, về phong cách truyền giáo… và cuối cùng vẫn là những tâm sự hoàn cảnh cuộc đời, tương lai đất nước.

Một điều tôi luôn ghi nhận: bố luôn nói với tôi về xác tín Cộng Sản sẽ thắng cuộc tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa là, Giáo Hội Việt Nam hãy chuận bị sống màu nhiệm thập giá Đức Ki-tô. Tôi hiểu tại sao khẩu hiệu Giám Mục của bố là “Cho con được say mê thập giá”. Cuộc đời của bố hình như luôn luôn bước lên Núi Sọ… cho đến cái ngày định mệnh, trong chiếc xe bịt bùng gọi là “chở ông cụ đi gặp cấp trên” ở tỉnh, xe cứ lao đi biền biệt để đặt bố tại Sài-gòn. Trong trang nhật ký kể lại, bố nói, bố cứ dán mắt vào kính xe, để may ra, đi qua các dãy phố trung tâm có đứa con nào nhận diện ra được khuôn mặt của bố lần cuối hết ở Việt Nam không ? Hình ảnh này sao mà đau nhói trong tim tôi. Quê hương Việt Nam của bố tôi đối xử tệ với bố đến thế sao, tệ với người là đại ân nhân của biết bao thân phận đọa đày cùng khốn như thế sao?

Ôi ! “bố” Seiz, Đức Cha Kim của chúng tôi ! Con người cứ lặp đi lặp lại cái điệp khúc Tin Mừng này mỗi khi gặp gỡ con cái: “Các con hãy yêu mến nhau như Thầy yêu mến các con”.

Lm Vũ Văn Thiện CSsR

24.2.2006,

nhân lễ giỗ thứ 22 của Đức Cha Paul Seitz

Monday, 26 July 2010

Phaol-lô Vũ Văn Thiện CSsR: PHÁC HOẠ CHÂN DUNG ĐỨC CHA PAUL SEITZ


Người cao lớn, không mảnh khảnh, không mập. Tóc húi “cua”, râu quai nón. Luôn mặc xu-tan đen đơn giản dù làm Giám Mục. Đặc điểm của Đức Cha về bộ lót: áo cánh ta kiểu xưa, và quần soọc Ka-ki. Chân luôn xỏ xăng-đan, bình dân, giản dị.

Một khuôn mặt đúng là “tiền định”. Bất cứ ai nhìn vào cũng bị thu hút ngay giây phút đầu tiên: với cặp mắt hiền từ nhưng tinh anh, với nụ cười mời gọi nổi lên giữa bộ râu quai nón được chăm sóc kỹ mỗi ngày. tẩu thuốc vốn là thói quen đi theo cuộc đời, không phải vì nghiện, mà là phương tiện để suy nghĩ mơ tưởng, và cũng để phục vụ cho bầu khí tiếp xúc với người đối thoại. Đức Cha không nghiện thuốc, bằng cớ là suốt cả Mùa Chay, từ hồi nào đến giờ, Người không hề hút thuốc, vì muốn hãm mình kính Chúa chịu nạn, và cũng để làm gương cho con chiên.

Xin trở lại cặp mắt và nụ cười của Đức Cha Kim. Nó là cửa sổ tâm hồn “bố”. Nó là hiện thaân sự mời mọc, lời chào đón và lòng nhân hậu. Ai đến gần “bố”, nụ cười ấy, ánh mắt ấy chỉ qua một lần tiếp xúc, sẽ ở lại với người bạn nào đó suốt đời, gần như một sự ám ảnh. Cả khuôn mặt cuả bố toát lên tình người. Làm như thể cái duyên tiền kiếp của bố, là sứ mạng đem lại hạnh phúc cho mọi người đến với bố, hay do bố gặp giữa đường.

Nhắc đến chuyện gặp giữa đường, hầu như rất nhiều bạn bè hay thân hữu của bố đều kể lại cho nhau nghe, hay cho nhiều người khác, tích truyện sau đây:

Bố Paul Seitz có thói quen, cộng với tài nghệ, “dépanner”, xe cộ bị “ban” dọc đường. Ngày nọ, bố đang lái xe tren một con lộ miền cao, bỗng nhác thấy bên vệ đường một vụ hỏng hóc. Cặp vợ chồng người Pháp lo lắng ra mặt, vì trời đã về chiều, đường xá vắng tanh, biết làm sao đây ? Bố dừng lại, xuống xe trong bộ đồ lót áo cánh quần soọc. Ồ, cái ông Tây này lạ nhỉ, nửa Tây, nửa ta ?

Sau lời hỏi han, bố quyết định lấy dụng cụ sửa xe ra, thăm dò mô-tơ, và cuối cùng chỉ còn cách chui dưới gầm xe để sửa… Với óc thong minh và tay nghề thợ máy lão luyện, chỉ một lát sau là vụ dépannage đã được giải quyết thành công… Cặp vợ chồng kia mừng quá, hỏi địa chỉ để đến thăm và làm quen. Bố không tiết lộ danh tánh, nhưng cho địa chỉ Toà Giám Mục Kontum. Nào ngờ họ thấy bác tài sửa xe kia, xuất hiện dưới bộ áo Giám Mục, đeo Thánh Giá trước ngực…Kinh ngạc, bỡ ngỡ ! cặp vợ chồng nọ từ đây trở lại với Công giáo, và biến thành bạn thân của Đức Cha Paul Seitz, lại là ân nhân trong công cuộc truyền giáo vùng Thượng !

Qua câu chuyện kể, ta thấy rõ hơn dung mạo của bố Seitz, và ta cũng hiểu cụ thể Đức Cha Seitz sao mà lắm ân nhân “dọc đường” thế!

Trong các đức tính nổi bật, khiêm nhường và giản dị trong cuộc sống là hòn đá tảng để xây lên tất cả sự nghiệp vĩ đại của bố. Qua tiếp xúc với vị Linh Mục cũng như Đức Giám Mục, đố ai bao giờ tìm được một tâm tình gì gọi là “ghen tương, huyênh hoang, tự đắc” ( 1 Cr 13 ) mặc dù “bố” được chính phủ Pháp nhiều lần gọi lên khen thưởng và gắn Bắc Đẩu Bội Tinh vì sự cống hiến của Bố dành cho giới thanh thiếu niên và những con người nghèo khổ bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề cuộc sống. Có thể nói “bài ca bác ai” của Thánh Phao-lô ( Cr 13 ) bố thuộc nằm lòng và thể hiện từng chi tiết. Nhất là câu: “Tình yêu thì tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” ( 1 Cr 13, 7 ).

Yêu người và yêu người theo bốn tư cách vừa nói ( 1 Cr 13, 7 ), chỉ có thể tìm được ở một vị dại thánh. Nghĩa là chỉ biết tin tưởng và hy vọng ở con người, cho dầu họ có tệ lậu và đáng tuyệt vọng đến mức nào ! Chỉ biết tha thứ và sẵn sàng chịu đựng tất cả, đối với người mình yêu: “Lạy Cha, xin hãy tha cho họ vì họ không biết việc họ làm !” ( Lc 33, 44 )

Trong số các con cái của bố tại Gia Đình Tê-rê-xa, nhiều người đến từ giới trẻ bụi đời, thanh thiếu niên phạm pháp, kể cả “xã hội đen”. Bố Kim không từ khước một ai, sẵn sàng giang tay đón tiếp… Chẳng những thế, còn tạo điều kiện cho họ làm lại cuộc đời và vươn lên, thành người tử tế, có phẩm giá, có địa vị xã hội. Kết quả quá sức khả quan. Hầu như thành công đến trên 95%. Tất nhiên, trong quá trình đào tạo cũng gặp những ca đào ngũ và phản bội. bố vẫn “tha thứ tất cả” và “chịu đựng tất cả”. Thậm chí vẫn mở rộng hai tay đón chiên lạc về ràn, chẳng những thế còn đưa đi tây du học thành tài, có người làm bác sĩ, có anh làm tổng giám đốc một ngân hàng quốc tế… Không bao giờ bố lắc đầu, tỏ ý thất vọng về bất cứ ai.

Lòng trắc ẩn của bố trước những phận người bị bỏ rơi làm ta xúc động. Có vị Linh Mục nào đi nhặt những đứa trẻ bị vất ra giữa đường, lang thang, vất vưởng, đêm tối không chỗ nằm, ngày mai không điểm hẹn, để rồi một ngày tấm thân cong queo trên vỉa hè thành phố, ốm o, lở lói, tuyệt vọng… ? Tự tay vị Linh Mục ôm về tắm rửa, kỳ cọ, xức thuốc, vổ về an ủi; khác nào đống xương khô giữa bãi tha ma được thần khí tuồn vào sự sống mới, phục sinh trỗi dậy.

Có một Giám Mục nào là tài xế lái xe chở một thai phụ miền sơn cước đến trạm y tế ? Hiềm một nỗi, bà mẹ xấu số ấy đã trở dạ doc đường, khiến ông Giám Mục lái xe phải dừng lại, đỡ đẻ ngay tại hiện trường, giữa đêm đen dày đặc ? Để nuôi hàng trăm đứa con không còn hạt gạo trong kho, bố chỉ còn lại một vài vật quí trong phòng và chiếc nhẫn ai tặng, cởi ra đem bán… và còn rất nhiều giai thoại như thế để chứng minh bố Kim luôn mãi vẫn là tình yêu mặc thể, “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”.

Nói đến đây, tôi sực nhớ đến trường hợp cá nhân của mình. Khi tôi bỏ hàng ngũ Giáo Sĩ ra lập gia đình, bố tìm cách nhắn người tìm tôi cho bằng được. Tiếp tôi, bố không hề ngỏ lời trách móc. Bằng một giọng xúc động, sau cái bắt tay ôm hôn thắm thiết, bố mở đầu:

“Paul, mon fils… !” ( tạm dịch ): “Phao-lô, con !... Trước cũng như sau, con mãi mãi là con của bố. Không hề có thay đổi mảy may giữa bố con mình. Nếu phải đấm ngực lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng, thì bố không đấm ngực con, mà đấm ngực bố và đấm ngực các Đấng Bề Trên của con… Vì dầu sao bố đã không theo dõi con, chúng tôi đã không biết cách đào tạo con người, không chăm sóc con cái mình cho đủ, mới nên nông nỗi này. Dầu sao bố vẫn tin tưởng ở sự an bài của Cha Quan Phòng. Có khi đây là điều có lợi cho đời con vì “có Chúa sắp xếp mọi sự trở thành hữu ích cho những ai yêu mến Người ( Rm 8, 28 ). Cho nên bố vẫn tin tưởng ở con, dầu con ở cương vị nào… Hãy liên lạc với bố, vì con vẫn là con của Bố, và bố vẫn có thể giúp con”.

Và để có một nét sau cùng về bức chân dung của Đức Cha Kim Paul Seitz, tôi xin kể lại ở đây câu chuyện thầy Thoại đã kể năm nào.

Biết rằng bố mình đã gần ngày rời bỏ quê hương trần gian để về Nhà Cha, bác sĩ Tường, con của bố hiện sống tại Pháp, đến gặp bố xin phép được đổi tên họ, lấy họ Seitz của bố làm họ của mình để dòng dõi của bố còn tồn tại trên cõi thế, thì được bố trả lời:

“Cám ơn con đã có sáng kiến con thảo đối với bố, người bố sắp về họp mặt Nhà Cha, nhưng con phải giữ lấy tên họ Việt Nam của con, vì quê hương của bố là Việt Nam chứ không phải Pháp…” Tôi chắc chắn bố đã nghẹn ngào khi nói câu đó: “Quê hương của bố ở Việt Nam chứ không phải ở Pháp”.

Chân dung của bố, theo cách tôi vừa phác họa, là chân dung của một con người rất khiêm tốn bình dị, nhưng lại là chân dung một vị đại thánh. Bài ca đức ái cuả Thánh Phao-lô, bố đã đem ra ngâm nga ca hát suốt cả cuộc đời, từng câu từng chữ, đến nỗi nó đã biến thành xương thịt, máu huyết của bố đến từng tế bào. Phép lạ con người ấy đã xảy ra ngay tại Việt Nam, và chúng tôi, những kẻ đã từng là những trẻ bụi đời, cả hàng ngàn đứa, trong đó có tên tôi, đã từng chứng kiến và ghi nhận, và suốt đời luôn mãi bị ám ảnh bởi cái tên: “Đức Cha Kim”.

Phao-lô VŨ VĂN THIỆN, CSsR

24.2.2006,

nhân lễ giỗ thứ 22 của bố Kim Paul Seitz

Saturday, 24 July 2010

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mạc Khải Cứu Rỗi


DO LAI CỦA VŨ TRỤ VÀ NHÂN LOẠI

Nên để ý cái khoảng cách giữa tâm não của ta ngày nay và tâm não những người đã viết ra những chương Sáng Thế này. Chúng ta tạm giả thiết là dùng biến ngôn có thể không nghịch với đạo lý thần hứng về Sách thánh (Mythes). Và chúng ta tạm nhận rằng các chương tiên khởi này đã có dùng biến ngôn thật.

Biến ngôn là một thứ vũ trụ quan thuộc triết lý thô sơ của các dân cổ thời: một cách cắt nghĩa về vũ trụ, về loài người bằng cách vượt quá những điều sờ sờ trước mắt.

Khi dùng biến ngôn: tác giả không làm một ngụ ngôn (làm ngụ ngôn như Chúa Yêsu làm: tức là đã giả thiết các điều mình nói chỉ là truyện để ngụ ý, chứ thực sự mình chắc chắn đều xảy ra không như thế khi viết những biến ngôn này, không thể quả quyết được là tác giả đó đã phân biệt đành rành được thực hư, nhưng điều mà thần hứng bảo đảm là tác giả muốn dạy gì –còn ngoài ra, tác giả có thể tư tưởng về các tài liệu viết ra như những người đồng thời của mình).

Nhưng chúng ta biết là sách thánh có thay đổi kiểu hiểu về các hình ảnh, các biến ngôn cùng đây. Nhưng điều đó cần phải học riêng sau.

1/Do lai vũ trụ

Hiện bây giờ chúng ta có một thi ca của Babylon về do lai vũ trụ gọi là Enuma elish (coi ANET 60-72): hỗn hợp nhiều biến ngôn để cắt nghĩa vũ trụ. So bài thi ca đó với những chương Sáng thế thư ta thấy được: nhiều kiểu nói, quan niệm vũ trụ giống nhau, tinh thần tôn giáo khác hẳn.

2/Do lai nhân loại

Về phần này cũng thế.

Nhưng Kinh thánh nhấn đến nguồn gốc chung của nhân loại: nhưng chú trọng đến những ý niệm: duy nhất, liên đới, phổ cập vì gốc chung đó.

Chung chung: những chân lý cốt tử: độc thần, Thiên Chúa yêu thương nhân loại, tạo thành ex nihilo; một tạo thành riêng về loài người địa vị siêu việt của người ta bởi hồn thiêng liêng, nhân loại duy nhất bình đẳng giữa nam nữ; lý tưởng hôn nhân một vợ một chồng.

3/Do lai các dân tộc

Thực hiện lịnh Thiên Chúa truyền sinh sôi nẩy nở.

Làm theo kiểu gia phả như thường thấy trong các truyền thống các dân.

Nhưng ý nghĩa đạo đức: tội bành trướng giữa các con cái loài người.

Mục đích dẫn đến: Tổ tiên dân Chúa

Lý do tại sao Thiên Chúa lựa chọn như vậy.

Một lần nữa, Sách thánh: sách nhân loại (sự đung chạm nhiều khi làm kinh ngạc giữa các chương này và các áng văn chương các dân láng giềng: Sách thánh sách của một hoàn cảnh lịch sử), Sách thánh của Thiên Chúa (nội dung tôn giáo đổi hẳn).

Lm Nguyễn Thế Thuấn, CSsR

Thursday, 22 July 2010

Lm Richard Leonard sj: Hồn bất diệt với Hà sa.


Ta sống mãi với muôn xuân đầm ấm

Trong mây kinh và trong gió nguyện cầu

Nào trân châu, nào thanh sắc cho mau

Dâng hết cả! thanh âm dường tu khí

Hồn ta đây bất diệt với Hà Sa.

(thơ Hàn Mặc Tử)

“Xuân đầm ấm” – “Gió nguyện cầu” – “Thanh âm dường tu khí”, tất cả khiến hồn người thành bất diệt. Hồn bất diệt, để sống mãi với muôn Xuân. Có gió. Có mây. Có lời kinh nguyện cầu như Chúa dạy, rất hôm nay.


Trình thuật, nay Chúa dạy dân con nhà Đạo khi dấn bước theo Ngài, phải biết cách nguyện cầu với Cha. Nguyện những gì? Cầu ra sao? Mong ngóng điều gì cho mai sau, khi đã nguyện, và đã cầu? Vì thế, môn đệ đã hỏi Ngài: nên cầu nguyện thế nào cho phải cách? Nói những gì trong lời kinh? Và từ đó, ta có lời kinh “Lạy Cha”, rất hợp ý.


Lời kinh hợp ý, thánh Luca ghi, thường gọn ngắn. Chỉ 38 chữ. Ít hơn nội dung trình thuật thánh Mat-thêu. Ta hẳn biết, hai bản văn của thánh Luca và Mat-thêu về nguyện cầu, cùng xuất từ một bản gốc. Nhưng, mỗi thánh sử diễn tả “lời cầu hợp ý Cha”, theo cung cách khác nhau mà vẫn đáp ứng nhu cầu của cộng đoàn mình rao giảng. Tựu trung, văn bản thánh Luca ghi vẫn sớm hơn và sâu sát hơn với thời Chúa sống.


Từ đó đến nay, dân con nhà Đạo vẫn cứ nguyện cầu theo lời dặn của Đức Chúa, vào thánh lễ. Cả vào khi lần chuỗi Mân Côi. Tuy nhiên, điều Chúa dạy hôm nay, không đặt nặng nơi lời kinh; mà, vào thực tế của lời cầu.


Lời cầu “Lạy Cha”, nay không là lời thưa gửi ta có với Chúa. Với Thầy. Hoặc, với vị chánh án, ngồi ở toà. Cũng không là bái lạy/bẩm thưa dâng lên Đấng Hóa Công. Mà, là lời gửi đến người Cha mà ta được phép gọi là “Abba”, Tức, Ba hay Bố. Nguyện cầu đây, là lời trần tình đệ trình lên Cha, như tâm tình của đàn con yêu dấu ngỏ lời cùng đấng bậc sinh thành không chỉ thuộc riêng ai, nhưng hết mọi người. Tức, những người con cùng chung một cha, một bố. Để kêu lên: “Lạy Cha chúng con”, như thế.


Với người Do Thái, tên gọi mỗi người không chỉ đơn thuần nói lên căn cước/lý lịch của một người, thôi. Nhưng, toàn bộ nhân vị của người ấy, nữa. Ngày xưa, khi trò chuyện thưa gửi với Giavê Thiên Chúa, Môsê đã gạn hỏi danh xưng/tên gọi của Chúa để biết “Người là ai”? Hôm nay cũng thế, khi ghi lại trình thuật thật rõ nét, các thánh sử muốn xác định tính thần thiêng linh thánh của Chúa, nơi Đức Kitô.


Xin cho Triều Đại của Cha mau đến”, là muốn cho Vương Quốc của Chúa mau trở thành hiện thực đối với mọi người. Mong, niềm tin vào Chúa đặt nền tảng trên chân lý. Trên tình thương yêu, đùm bọc. Trên công lý. Lẫn tự do. Chú trọng đến phẩm giá. Bình an. Và sự hài hoà. Cầu, là cầu cho Vương Quốc Nước Trời mau thể hiện. Cầu, là muốn cho thế giới biết cách mà sẻ san sự sống. Sống, cho trung thực. Sống, hợp tác sao cho yêu cầu của mọi người thành hiện thực.


Xin cho Triều Đại Cha mau đến”, là mau thực hiện nơi cộng đoàn. Nhưng, các khiếm khuyết vẫn còn xảy đến với nhiều cộng đoàn yếu kém. Thành thử, nguyện cầu là để “Nước Chúa” đi vào hiện thực nơi cuộc sống của tất cả cộng đoàn, dân nước. Không chỉ một vài cộng đoàn, rất ít oi.


Xin cho chúng con lương thực hằng ngày”, là lời cầu mong được Chúa phú ban “vừa đủ” mọi thứ vật chất, ta cần có hằng ngày. Vật chất ta xin, từ nhu cầu cơm - bánh, cho chí thực phẩm nuôi sống bản thân, rất cần thiết. Lời cầu như thế tuy mang tính vật chất, nhưng là để ta “quẳng gánh lo đi”. Đặt ưu tư cho tương lai mai ngày, ở với Chúa. Để rồi, sẽ đạt trọn “mùa xuân đầm ấm”, sống ngày mai.


Nguyện cầu như thế, là đặt tương lai trong tay Chúa. Là, dành mọi chuyện để Chúa lo liệu. Nguyện cầu, còn là chấp nhận mọi thử thách gửi đến. Thử thách hàm ngụ một nhắn nhủ: hãy cứ lo cho ngày hôm nay, thôi. Tương lai, để Chúa lo.


“Xin thứ tha mọi lỗi lầm của chúng con”, ý là mong được Cha xóa bỏ mọi hệ lụy, quanh lỗi phạm mọi người mắc phải, thời đã qua. Nguyện cầu, là lời cầu rất đích thật, nhưng kết quả chỉ đạt, nếu người người biết thứ tha mọi lầm lỡ mà người khác đã trót phạm, với mình. Lầm lỡ, không chỉ ở những điều mà ta làm cho người khác phiền lòng, mà thôi.


“Xin chớ để chúng con sa cơn cám dỗ”, là cầu cùng Chúa biện hộ cho ta vào giờ xét xử, lúc về sau. Tức, những hệ lụy làm ta ngã gục hoặc trệch ý hướng. Tức, không dấn bước theo chân Chúa được.


Khi dạy dân con đồ đệ biết cách mà nguyện cầu cho đích đáng, Đức Kitô nhắc mọi người, một chân lý. Chân lý ấy, tóm gọn nơi lời khuyên:


“Anh em cứ xin thì sẽ được,

cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.”

Và:

“Ai trong anh em là người cha, mà khi con xin cá,

thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó ư?”

(Lc 9-10)

Thoạt nghe, ta tưởng chừng như có nghịch lý, khác thường ở lời Ngài. Nếu Cha trên trời đã chăm lo cho ta đủ mọi điều, thì sao ta lại cứ phải liên tục xin xỏ mãi như thế? Cầu nguyện, như Đức Kitô dạy, không phải là cứ lải nhải như người ở ngoài. Hẳn mọi người đều nắm chắc: Cha chỉ phú ban những gì ta cần, chứ không phải những gì ta muốn. Hoặc, ưa thích. Bởi, điều mọi người ưa thích chỉ là vật chất tạm bợ. Chỉ tập trung cho riêng mình, mà thôi.


Cách hay nhất để nguyện cầu, là: hãy tìm hiểu xem mình đang ở vị trí nào trong tương quan với Chúa. Với mọi người. Với thế giới quanh ta. Liên lỉ nguyện cầu -nhưng không phải cứ ê a sớm tối- sẽ giúp ta định ra được những gì mình cần. Cần xin gì. Cần làm gì. Và, liên lỉ nguyện cầu, còn giúp ta biết lọc lựa, cả lời kinh. Nguyện cầu, giúp ta làm sáng tỏ giá trị nội tại cũng như hy vọng mình đang có. Có nguyện cầu như thế, ta mới chú tâm đến những gì mình thực cần thiết, để được cứu rỗi. Nguyện cầu, là mong Chúa thực hiện điều mà Ngài muốn ta làm. Làm, đúng ý Ngài.


Nói tóm lại, mục đích tối hậu của nguyện cầu, là biết đầm mình trong tương quan với Chúa. Với mọi người quanh ta.


Vào với tiệc lòng mến hôm nay, ta sẽ cùng với người anh/người chị trong Hội thánh chung vai sát cánh mà nguyện cầu cho mọi người sẽ mãi mãi ở lại trong tương quan với Cha. Để rồi, cùng với Đức Kitô, ta sẽ thực hiện thánh ý Cha trong mọi hoàn cảnh. Của đời thường.


Trong tinh thần ấy, ta hân hoan bày tỏ lòng vui sướng hiệp thông với mọi người anh, người chị trong cộng đồng dân Chúa, thật phấn chấn hát rằng:


“Hỡi những người thân yêu ơi

Đây mùa xuân đầm ấm chờ mong một đời

Cố níu lại ngày yên vui

Cho nụ cười mặn mà tươi thắm trên môi

Ta đã có mùa xuân ta chờ đợi

Muôn tấm lòng rộn vui như nắng mai

Từ bao năm ta nghe trong diệu vợi

Ôi ngờ đâu xuân đã đến hôm nay!

(Trầm Tử Thiêng & Nhật Ngân – Ta Đã Gặp Mùa Xuân)


Quả là xuân đầm ấm, ở trước mắt. Hãy cứ vui. Vì, đã có Xuân Bất Diệt ở với ta. Và vì, “ta sống mãi với muôn Xuân đầm ấm”. Rất miên trường. Hoan lạc. Xuân của nguyện cầu và thương yêu. Rất thần thánh.


Lm Richard Leonard sj

Monday, 19 July 2010

Mễ Duy: Vẻ đẹp quanh ta

Những ngày nước lên cao mà nắng thật đẹp thì biển hồ đầy ắp ánh sáng lỏng hôn tận tới bờ đường. Chạy xe sát bờ tưởng chừng ánh sáng lỏng đó sắp như vỡ bờ. Mình đi đến đâu nó theo sát mình, một khối mênh mông vừa đẹp vừa « rễ sợ».

Những ngày trời không quang lắm thì từ một khoảng trời không mây: một thân áo dài của mặt trời xõa xuống sườn núi phủ lên cảnh vật một thứ pha lê trong như suối mát xứ thần tiên sáng như ánh mắt trẻ thơ. Vạt áo lạ lùng đó chìm xuống biển, nổi lên mặt nước, một phao nhẹ như lông chim, rộng như đồng lúa. Khó lòng mà phân biệt được đâu là nước, đâu là áo mặt trời, vì hai bên riềm tà áo không ngừng bị xé vụn, tan thành sao sáng, lá hoa phiêu dạt, xác pháo cháy mắt, mảnh gương bể vụn, kim cương mỏng…vội sáng lên, rồi chìm mất, nhường chỗ cho trăm ngàn tinh tú khác đáp xuống, mọc lên, từ đâu? Nước là gì? Ánh sáng là gì? Mặt trời là gì? Tôi ước ao, cho tôi cho người, chúng cứ còn là những vần thơ bí-nhiệm, những lời ca huyền-ảo, đưa hồn bay bổng đến mộng ước được chiêm ngưỡng chính cái đẹp của trọn vẹn vũ trụ.

Những ngày nước xuống như sáng nay, khi tôi ra đến nơi, thì ô hay đã biến mất cái đầy ắp nguy nga, no căng sáng chói, bù lại trải rộng ra trước mắt một cánh đồng cát bùn. A ha bụng dạ phơi ra hết như thế này! Nhớ hồi ở quê, đồng lúa vàng nâu hôm trước, hôm sau dần dà bị cắt trụi, để cho nổi lên từng mảnh ruộng trống trải, chằng chịt đường nẻ với những hàng gốc rạ nhạt trắng chen nhau như mắc cửi, trên đó mình có thể chạy nhảy. Một sự đổi thay thật lạ, trước đó mình chỉ được ngắm nhìn cho thích mắt, nay có thể nhảy vào chạy chơi. Những trẻ em Do Thái, khi bố mẹ giắt qua lòng biển khô ráo, hai bên nước tự vén lên như thấy được trong phim Mười điều răn chắc hẳn đã tung tăng chạy nhảy trong lòng biển. Xa cỡ trăm thước, khối nước mỏng lại như một lớp vải mỏng. Một giải đăng-ten, mép môi của khối nước, nở hoa trắng tua tủa dật dờ trên da thịt cát bùn. Hai ba người rảo bộ hay canh chừng mấy cô chú bé đang nghịch cát. Ba bốn con chó lững thững hoặc rượt bắt nhau. Những sinh hoạt thư giãn đó quả là vui mắt mà không ồn ào đến độ làm mất cái thơ mộng của cảnh vật, chỉ thêm phần linh động cho đồi núi, biển trời, gió mây. Xa hơn nữa, mấy cù lao màu lá trầm mình. Xa nữa là ngọn núi phía sau thật lớn, đồ sộ, vạm vỡ, một loại cổ thụ, một loại bành tổ, sáng nay nước xuống lại bành trướng hẳn ra, khiến thấy được cả những mái nhà trắng lác đác dưới chân núi, nổi bật lên như những bông hoa rừng bên vệ đường.

Hai chân trong đôi giầy vải thô kệch, tôi bước xuống bụng biển, dẵm lên vô vàn những dãy núi li ti trùng điệp, tượng khắc tỉ mẩn những con sóng lăn tăn dịu êm để lại, bước lên những mô cát phồng nhẹ, mịn màng, in dấu chân mình rõ nét trên cát bùn tinh tuyền…Những động tác của cơ thể tôi như muốn hít hết gió vào lồng ngực, muốn phóng mình bay cao tới mây, muốn gửi giọng đến trời xanh…

Nếu bạn là du khách sành điệu, trước khi đi thì tra cứu, đến nơi thì «biết» phải đi những đâu, máy chụp hình đeo lủng lẳng trước ngực, hay cầm sẵn nhẹ bẫng trong tay, tốí tân mà, chụp lia lịa, nheo mắt không biết mỏi, quay mình tứ phía không thấy chóng mặt, đem về rửa thật nhanh, tải vào vi tính, ngắm nhìn, cho mẹ con nó xem, chờ đợi khen tụng, mở tiệc mời bè bạn đến coi, viết bài tường thuật, chưa xong đã vội vẽ kế hoạch cho kỳ sắp tới…mà tôi đem bạn đến «thăm viếng» cái bãi biển đó thì thể nào bạn cũng «giết» tôi. Nếu bạn dư dả tài chánh chỉ «quen» ở khách sạn 5 sao thì chắc chắn bạn sẽ «xé xác» tôi. Quả thế bãi biển tôi thường lui tới đó thật là tầm thường, nếu không nói là «tồi tệ». Cát không vàng nhưng màu bùn, không xoai xoải để có thể nằm như trên ghế bành, chưa thấy một cặp tuổi trẻ cặp kè, không một «Vệ nữ» tắm nắng. Có bồn cỏ xanh, nhưng người «văn miêng» ra đó dắt theo chó làm những sự không đẹp mắt. Mỗi sáng thứ hai tôi thấy loong, chai, rác rết la liệt trên cỏ, dưới gốc cây, di tích của những buổi «canh thức» li bì, phải đợi cơ quan thị xã quét dọn mới «coi được». Nhưng đó là nơi tôi, -đã về hưu non từ mấy tháng nay- ngày thường nào cũng «phải» ghé thăm kẻo trong ngày nhớ cảnh đẹp. Tại sao ? Tôi đã tìm ra ba đặc điểm để giải thích sự việc này.

Thứ nhất nơi đó miễn phí. Nếu phải tốn tiền chắc chắn là tôi đã không đến. Chẳng phải là vấn đề tài chánh, nhưng vì cái đẹp trong thiên nhiên là quà tặng, cho không biếu không, cho bất cứ ai muốn mở mắt ra đón nhận. Trong thành phố tôi ở, có một khách sạn đồ sộ được xây cất ngay trên bãi biển, có thể vào vừa uống nước vừa nhìn nước, nhưng gần đây khách sạn đó sau khi biến thành trại nghỉ mát trong một thời gian, đã đóng cửa, người ta không biết phải làm gì với nó, phần tôi chỉ biết nó làm dơ mắt. Kể ra như vậy để muốn nói với bạn là người ta không thể mua thiên nhiên, vẻ đẹp thiên nhiên đuợc ban cho nhưng không, ngành du lịch chỉ có thể cung cấp các dịch vụ giúp khách đến gần thiên nhiên chứ không thể cung cấp cái đẹp trong trời đất.

Đặc điểm thứ hai, nơi đó thanh vắng. Trong thành phố tôi ở cũng có những bãi biển đẹp, được lên hình trên bưu thiệp, có vệ đường lót gạch hồng, có hàng dừa thơ mộng, nhưng đông người lui tới, xe cộ chạy khá ồn ào sát bờ. Riêng tôi cảm thấy là trước cái đẹp của trời đất, của thiên nhiên, của biển trời mây nước, ta cần phải làm thinh để cảm nhận cái đẹp trong thiên nhiên vốn thuộc về thế giới tâm linh, chứ không thuộc về địa hạt hưởng thụ.

Đặc điểm thứ ba, là nơi đó tương đốí còn hoang dại. Đúng thế, thiên nhiên chỉ thực sự đẹp khi còn hoang dại. Khi người ta bắt đầu khai thác quá mức thì thiên nhiên trở thành một nguồn lợi, mất đi cái tính chất siêu phàm, tính chất tâm linh, biếu không mà thành một thứ xa xỉ để tiêu thụ. Bao nhiên người dầy công đi tìm cái đẹp của thiên nhiên, một mình một thuyền ngoài khơi gió bão, leo núi tuyết thật nguy hiểm, đi tìm hiểu những bộ tộc trong rừng sâu , hoặc làm phi hành gia… Những tu viện bao giờ cũng «ẩn mình» trong thiên nhiên chứ không bao giờ lấn át thiên nhiên.

Vài đặc điểm như vừa kể ra cho tôi thấy vẻ đẹp trong thiên nhiên vượt hẳn lên trên những tính toán và khả năng phát triển của con người. Nơi thiên nhiên, ta chiêm ngắm cái bao la, cái «tài tình» vượt quá sức tưởng tượng của con người. Thiên nhiên là một cửa mở, một tiếng gọi cho ta hướng về những gì là vô hạn.

Thế nhưng chúng ta vẫn có thể đặt câu hỏi là tại sao xem ra cảnh đẹp đánh động người này mà không lay chuyển sự nhạy cảm nơi người khác. Có tác giả tâm lý học viết rằng nhân loại chia ra làm hai loại, một số ít thật nhạy cảm và số còn lại nhạy cảm sơ sơ hoặc gần như không nhạy cảm. Số người thật nhạy cảm sinh ra để làm nghệ sĩ, triết gia, lãnh đạo tâm linh….đại đa số còn lại thích hợp cho những sinh hoạt hiếu động. Không dám bàn rộng về điểm này, dễ gây «đụng chạm», nhưng xin bàn về khả năng cảm nghiệm nơi chúng ta.Trong văn chương Việt Nam có câu: «người buồn cảnh có vui đâu bao giờ…», cho thấy tâm trạng có thể cấm cản cảm nghiệm vẻ đẹp quanh ta. Về mặt tâm lý, đây là một điều quan trọng.Về mặt tâm linh cũng thế. Trong Kinh thánh Thiên Chúa giáo, thật nhiều lần Thiên Chúa khuyên bảo con người không được sợ hãi hay lo lắng. Đặc biệt trong Tân Ước, Đức Cứu Thế dạy chúng ta phải biết nhìn hoa huệ ngoài đồng, chim trên trời rồi từ đó nghiệm ra sự chở che của Cha trên trời mà đừng quá lo vật chất nhưng hãy lo những gì là chính yếu, chăm sóc sự sống và niềm vui nội tâm.

Kể từ ngày tôi về hưu, lợi tức tóp teo, nếp sống thật bình dị, nhờ đó tôi hiểu thấu đáo hơn lời nói của Đức Cứu Thế: «Phúc cho kẻ nghèo». Kẻ nghèo ở đây cần hiểu là kẻ có tâm hồn khó nghèo, biết rằng mọi sự, ngay đến mạng sống mình, đều là do Thiên Chúa cách này cách khác ban cho. Kẻ giàu có là kẻ lệ thuộc vật chất, hoặc vênh váo hoặc mất ăn mất ngủ vì nó. Chính vì không có gì để vênh váo nên tôi nhạy cảm đón nhận bao nhiêu cái đẹp quanh tôi.

Nếu không cảm nghiệm cảnh đẹp trong thiên nhiên thì làm sao con người có an ủi, có niềm vui, có hứng khởi để tranh đấu cho những giá trị nhân bản. Được nhìn cảnh đẹp, nhìn hoa lá, nghe chim hót, nghe tiếng nhạc, được đi đứng, cử động, nói tóm lại sự kiện mình là một cơ thể tuyệt diệu mở ra với thiên nhiên nhất định là một niềm vui vô giá, mà tiền rừng bạc bể không mua nổi. Nên đó là niềm vui chính của tôi về mặt thể chất. Xin nhấn mạnh một lần nữa là tiền bạc (cần thiết để có phương tiện sống) không mua nổi niềm vui đó. Nếu được nhìn, được nghe, được ngửi, được nếm, sờ, mà chưa vui thì làm sao vui khi nghĩ đến thiên đường? Nếu được sống với đầy đủ 5 giác quan mà chưa vui thì làm sao thương người tàn tật, người bệnh hoạn? Nếu được nếm, được ăn, được uống mà chưa vui thì làm sao thương người thiếu ăn, thiếu uống, thiếu mặc? Nếu được nhìn, được nghe…mà chưa vui thì làm sao yêu chuộng học hành, suy luận…sẽ là những niềm vui khác? Nếu nhìn cảnh đẹp trong thiên nhiên, nghe chim hót, mà chưa vui thì làm sao mường tượng được cái vui khi ta tĩnh tâm hầu gặp Tuyệt đối? Mà nếu chưa vui, không vui thì làm sao khát khao làm điều hữu ích cho tha nhân?

Chúng ta thấy ngày nay con người sau khi đã phát minh ra những tiến bộ đáng kể (như Internet) lại có một tâm thần ủ rũ. Chỉ cần nghĩ đến con số đáng kể thiếu niên tự vận trong các xã hội đã phát triển về kinh tế, những trường hợp người già chỉ mong được chết, những vụ sinh viên hạ sát bè bạn rồi quay súng tự tử. Mỗi năm xảy ra 40, 50 triệu vụ phá thai. Toàn là những chuyện quá sức tưởng nhưng cũng không lay động các giới chức hữu trách. Tôi không có ý xét đoán chỉ muốn nói là chúng ta không có quyền chạy theo cái «văn minh (phục vụ) sự chết» này. Chúng ta phải can đảm cho giới trẻ hiểu rằng cái vẻ thỏa mãn thỏa thuê bên ngoài dựa vào mức sống cao, vào hưởng thụ, vào no nê vật chất như thấy được trong quảng cáo, trong phim ảnh, chỉ là một sự giả dối, một sự lừa bịp bản thân và các thế hệ trẻ, đánh lừa người vô học, người không suy nghĩ. Xin đừng nghĩ tôi đả phá phát triển kinh tế, nhưng tôi thấy cần thiết phải tâm linh hoá toàn diện các sinh hoạt, đặc biệt kinh tế. Tâm linh là gì Là tất cả những gì đưa chúng ta đến vui sống, sống có ý nghĩa, là làm thiện cho bản thân và cho người khác.

Gần đây tôi đọc một bài viết về sự trưởng thành về tâm linh, tác giả cho tôi hiểu rằng trình độ tiên khởi trên đường phát huy tâm linh là quý trọng sự sống, từ cây cỏ cho đến con người. Nhờ thế tôi hiểu rằng tâm thần thê thảm của nhân loại hiện nay là do sức sống tâm linh đang bị bóp chết. Con người đã giết đi đứa bé trong tâm hồn mình, giết đi cái hồn thơ trong mình, giết đi cái bản chất tự nhiên trong mình… giết đi cái phần tâm linh trong mình. Giải pháp theo tôi là định tâm lại, tổ chức lại cuộc sống, cải tổ nền giáo dục...

Một vị thừa sai Công giáo được gửi đi giảng đạo trong một bộ tộc người pygmée/pygmy ở rừng Phi châu, ông đến nơi thấy họ có một cuộc sống mật thiết với thiên nhiên quanh họ nhất là đối với rừng cây, ông bèn ở lại với họ mấy chục năm mà chả bao giờ đả động đến «Chúa». Quả thế tôn giáo đáng lý phải đưa con người đến chỗ sống vui, yêu mến sự sống, trưởng thành về mặt tự do nội tâm, giúp phát huy cái phần tâm linh trong con người, thay vì đào tạo ra những người giữ đạo vì sợ.

Trong một cuốn sách, Nhất Hạnh kể kinh nghiệm sau đây. Ở làng hồng (village des prûniers) của ông, nằm ở miền Nam nước Pháp, có một cây cổ thụ tỏa bóng mát, nơi đó sau bữa ăn bà con ra uống trà trò truyện. Một cơn bão lớn ấp đến, sấm sét chẻ cây từ trên xuống dưới, phang đi cái cành lớn nhất. Sáng hôm sau ra thăm cây ông chứng kiến cảnh tượng ôm cây mà khóc. Vì ông thương cây nên nhờ một người bạn trong ngành lâm chăm sóc cho cây. Một thời gian sau cây trở lại tốt tươi còn hơn trước.

Trong cách cư xử với cỏ cây, với sự sống quanh mình, với đồng loại, một bậc hành đạo chứng tỏ mình đã trên đường gặp Thiên Chúa đến mức độ nào, chứ không phải vì một sự gì khác, kể cả chức tước, vai vế «vị vọng». Tìm gặp được một vị như Nhất Hạnh quả là hiếm có.

Mễ duy

Nouméa, 01 11 2007