Friday, 4 June 2010

Lm Nguyễn Thế Thuấn, CSsR: Sách Thánh và Mạc Khải Cứu Rỗi


Ý định cứu rỗi

Không cân nhắc tiếng nào đúng hay không đúng: (ơn) rỗi, rỗi linh hồn, (ơn) tế độ, (ơn) cứu chuộc, (ơn) cứu thoát, giải thoát: hết thảy là những tiếng đồng nghĩa:

-Giả thiết một đàng có 2 điểm:

Tiêu cực (nguy cơ muốn thoát khỏi): ta gọi là Hoạ

Tiêu cực (điều muốn đạt thấu): ta gọi lá Phú.

(Xét về thực tế 2 điểm tiêu cực và tích cực đó là gì trong sức hoẻ, của cải, danh giá, liên lạc người

với người!!)

-Giả thiết có biến đổi được từ điểm tiêu cực đến điểm tích cực đó là phương kế, là đàng, là giải pháp.

I. QUAN NIỆM CỨU RỖI CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Muốn rõ, ta phải đối chọi với những đạo lý giải thoát khác.

1) Đạo lý giải thoát trong các tôn giáo ngoài Kitô giáo.

a/ Tôn giáo của người Hy Lạp.

Về tôn giáo này: quan hệ để hiểu Hội thánh tiên khởi đã phải đối chọi với đạo lý nào khi mới phát sinh. Nhưng lại không thực tế cho chúng ta, và chung chung cho nước ta, nó quá trừu tượng, nên chỉ nói qua thế này:

Cái “HOẠ” của người ta là phải ở trong thể xác (nên để ý đến kiểu chơi chữ Hy Lạp: Sôma (thể xác) –(là) –Sêma (cái mồ).

Hồn linh thiêng bị cầm tù trong thể xác như cái mồ.

Cái “PHÚC” là trường sinh bất tử của hồn.

Đàng giải thoát có nhiều kiểu tuỳ theo môn phái (chiêm vọng theo triết lý hiền nhân đại diện và là tị tổ: Platô – hay là: tĩnh túc của môn phái khắc kỷ - hay là nghi tiết nhập huyền, hay là giác ngộ) nhưng hoàn toàn do sức lực người ta – và thoát tục: nghĩa là ra ngoài lịch sử trần gian, ra ngoài thời gian (thời gian là sa đoạ).

b/ Việc giải thoát trong Phật giáo

Mục đích Phật giáo là giải khổ.

-Cái khổ hay hoạ đây là gì? Tức là điều kiện sinh sống xiết chặt người ta với đau khổ, không chỉ trong sinh hoạt hiện tại, nhưng là trong biến hoá không ngừng của “luân hồi”. Vấn đề cốt thiết là thoát vòng luân hồi.

-Để đạt đến Niết Bàn (Nirvana: chân không): một sự xuất trần vĩnh viễn làm thoát hẳn biến dịch.

-Phương pháp: nói chung là diệt dục: tiêu diệt hẳn “dục” đi, nghĩa là ước muốn là căn nguyên làm người ta bám vào vũ trủ ảo tưởng, tức là trần gian này. Thoát ước muốn, tức là thoát nghiệp báo (karma).

Tất nhiên phương pháp giải thoát này không cần thần linh, Thiên Chúa gì cả. Đó là một phương pháp khôn ngoan nhân loại: mọi người tự lực, cầm đuốc của mình mà đi. Phương pháp này dẫn đến cực đoan là “vô vị”, tức là ngay trong thời gian đã cố gắng toạ thiền nhập định để thoát thời gian. Lịch sử không còn có ý nghĩa gì cho giải thoát.

2/ Quan niệm “cứu rỗi” của Kitô giáo.

-Cái HOẠ muốn thoát khỏi là gì?

Thiên Chúa tốt lành. Con người ta là một cái gì duy nhất gồm cả xác lẫn hồn. Cái hoạ bởi đâu mà đến: bởi TỘI. Tội đã khởi đầu ngay với tiên tổ thứ nhất (nguyên tội là một yếu tố căn bản trong quan niệm “cứu rỗi”: nghĩa là một cái gì đã huỷ đi dự định phúc lạc Thiên Chúa đã ban “nhưng không” ngay từ đầu cho nhân loại).

-Cái PHÚC sẽ đạt đến là gì? Nói ngay ra là sự thông chia sự SỐNG Thiên Chúa. Và mạc khải cuối cùng cho ta biết đó là được đạt thấu sự sống thân mật của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Mà sự sống của Thiên Chúa là riêng của Thiên Chúa. Không ai mong cướp giựt lấy để mà sống. Chỉ có Thiên Chúa tự ý muốn thông ban: Thiên Chúa là Đấng cứu thoát mạc khải cứu rỗi: tức là tỏ bày ra ý định siêu việt của Thiên Chúa đón rước con người về mọi phương diện để dẫn đến sự sống phúc lạc của Thiên Chúa. Ý định bao quát mọi thời và mọi người: vì trước tiên là ơn huệ của Thiên Chúa, cho những ai vằng lòng đón nhận lấy.

-Hai điểm Hoạ / Phúc khi nói chung như thế có thể mặc những nét đại đồng ở phương trời nào cũng gặp. Và đó có thể là khởi điểm làm bàn đạp để người ta đi đến mạc khải. Điều làm cho ơn cứu rỗi trong đạo Chúa Kitô khác hẳn mọi con đường giải thoát khác đó là “cách hay đường giải thoát”: trong hết thảy các tôn giáo ngoài mạc khải, giải thoát là thoát trần: trần tức là điều thuộc thời gian, trong khu vực của những gì giác quan nhận ra được; thoát trần: nhảy ra ngoài lịch sử.

Trong mạc khải Kinh thánh (Cựu ước và Tân ước): ơn cứu rỗi là do tự ý định Thiên Chúa dùng lịch sử, những biến cố lịch sử để ban ơn cứu rỗi của Người. Không kéo chúng ta khỏi thể xác, xã hội, biến hoá trái lại ngay trong biến hoá, nhờ một xã hội loài người (cuối cùng là Hội thánh: Mình Chúa Kitô), Thiên Chúa thực hiện những điều cụ thể nhờ đó chúng ta được cứu thoát cả hồn lẫn xác, cá nhân và xã hội. Như thế, công việc cứu rỗi lan đến cả vũ trụ vật chất, thời gian và lịch sử. Đường giải thoát cho mỗi một người là đi vào mầu nhiệm đó trong lòng tin sống động.

Bởi đó, chúng ta phải nói đến ý định cứu rỗi và thánh sử: ơn cứu rỗi được làm thành trong những biến cố lịch sử.

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR

(Xem thêm các bài khác, xin mời vào

www.suyniemloingai.blogspot.com,

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: