[ Ga 6, 54a và 60-69 ]
Phụng vụ Chủ Nhật XXI thường niên, Năm B, công bố Ga 6,60-69 liền ngay sau câu 54a, “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì có sự sống đời đời”, như chỉ muốn nhấn mạnh : xác quyết này của Chúa Yêsu đã khiến có “nhiều người trong các môn đồ của Ngài nói : “Lời chi mà sống sượng thế ! Ai nào có thể nghe nổi” (c. 60). Nhưng Ga 6,60-71 là phần kết cho cả diễn từ về Bánh ban sự sống, Ga 6,22-58. Hơn nữa, ngay trước đó là câu 59 ghi nhận : “Các điều ấy, Ngài đã nói khi giảng dạy trong các hội đường tại Ca-pha-na-um”, cho nên Ga 6,60-71 còn “tổng kết” sứ vụ Chúa Yêsu ở Yuđêa tương tự như Ga 12,37-50 sẽ tổng kết sứ vụ của Ngài tai Yêrusalem.
Bởi thế đoạn này cũng gợi nhớ những sự việc đã được thuật lại đó đây trong các Tin Mừng Nhất Lãm :
Mc 6,1-6 : chính tại quê quán Ngài, người ta kinh ngạc và bị vấp phạm vì Ngài.
Mc 8,29 : Phêrô tuyên tín tại Caisaria.
Mt 14,18 : Lời báo trước Yuđa sẽ bội phản.
“Những sự việc coi như lẻ tẻ đó, Ga 6,60-71 đã đâu kết lại thành một toàn thể trong đó bắt buộc độc giả phải gẫm suy về cách phản ứng của những người đương thời đối với Chúa Yêsu. Không phải là ngẫu nhiên khi người Do Thái không tin hay khi Phêrô xưng đức tin : đây là sự đụng chạm giữa tự do của con người và ơn Thiên Chúa (Nguyễn Thế Thuấn).
“Lời chi mà sống sượng thế”, cách phản ứng này không phải chỉ liên can tới riêng một quả quyết của Chúa Yêsu hay tới riêng diễn từ về Bánh Hằng Sống. Lời của Ngài, Tin Mừng được loan báo, thường xuyên đã là đá vấp. Như chính bản thân Ngài : Đá vấp thách thức sự lựa chọn tự do của con người và khi gặp đá vấp ấy, phải được “Thần Khí mới tác sinh”, ơn Thiên Chúa đỡ nâng, đưa dẫn, người ta mới không vấp ngã, chùn bước, rút lui, “rút lui và không còn đi theo Ngài nữa”.
Lời Cháu vẫn là đá vấp
Từ trong Cựu Ước, chính Thiên Chúa đã “là thánh điện và là đá vấp phạm… Trên đó lắm người sẽ trượt nhào, chúng sẽ lăn ngã mà tan xương…” (Is 8,14-15).
Các ngôn sứ khi được kêu gọi làm phát ngôn viên của Thiên Chúa, cảm nhận điều đó ngay trong thâm tâm họ. Thiên Chúa đến trong họ không phải là chuyện suôn sẻ. Ngài phải dụ dỗ, phải thúc ép và thắng như trong một cuộc đấu tranh kéo dài : “Nơi lòng tôi như lửa bừng bừng, bị dồn ép trong xương cốt tôi. Tôi hết sức nén lại, nhưng không tài nào nén được” đều trải qua những lúc khủng hoảng, suy sụp tinh thần vì như hết chịu nổi sức nặng của sứ vụ được giao cho họ.
Họ đến với thiên hạ thì “Lời Yavê nên mối hổ nhục và chế diễu suốt ngày” (Gr 20,7-9). Thiên Chúa đâu có hứa hẹn nhưng kết quả tốt đẹp gì cho cam. Ngài chỉ sai họ đến với nhà
Hay nói cho đúng hơn, sứ vụ của họ sẽ có kết quả, nhưng kết quả không nằm trong mắt họ. Trước mắt họ là “đao gươm đã ngốn các tiên tri” như sau này Chúa Yêsu còn nhắc lại trong ví dụ tá điền vườn nho (Mt 21,33-36) và hỏi tội Yêrusalem, “kẻ ném đá các tiên tri, và ném đá những người đã được sai đến” .
Tin Mừng theo Thánh Yoan nhấn mạnh về tính chất chướng ngại, đá vấp của chính Tin Mừng.
Tin Mừng luôn xem ra “quá cỡ” đối với chính người loan báo Tin Mừng. Nước Thiên Chúa, sự sống đời đời, sinh lại bởi trên, bánh bởi trời, nhưng người loan báo, hứa hẹn tất cả những sự trọng đại trên trời ấy thì gốc gác, lý lịch tầm thường dưới đất ai cũng biết : “Tự Nazaret thì có nảy ra gì tốt được !”. “Ông ấy không phải là Yêsu con của Yuse đó sao ? Cha mẹ ông ta đều biết ! Làm sao bây giờ ông ấy dám nói : Ta đã từ trời mà xuống ? (Ga 6,42). Hoặc “ông ấy chúng ta biết từ đâu ra, còn Đức Kitô, khi Ngài đến, thì nào ai biết được do lai của Ngài?”.
Nội dung Tin Mừng, đường hướng cứu độ của Chúa Yêsu còn là đá vấp hơn nữa : “Thịt mình Ta, vì sự sống thế gian” làm của lễ hy sinh, chết trên thập giá, hoặc bị mà được “giương cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta” (Ga 12,32, xem tt. 166-167).
Các Tin Mừng Nhất Lãm cũng cho thấy gốc gác. “Ống ấy không phải là bác thợ mộc, con bà Ma-ri-a và anh em với Yacôbê, Yuse, Yuđa và Si-mon ư? Và các chị em ông lại không ở giữa ta đây sao?” (Mc 6,3; Mt 13,55; Lc 4,22).
Con đường cứu độ là đá vấp đặc biệt cho các đồ đệ thân tín của Chúa Yêsu, tuy họ vẫn ở lại với Ngài. Ba lần báo thương khó ba lần họ cứ vướng vấp. Lần thứ nhất, chính Phêrô vấp ngã và phải nghe lời trách mắng năng nề nhất : “Xéo đi sau Ta, hỡi Satan !...” (Mc 8,31-33). Lần thứ hai, các môn đệ vẫn chẳng ai nghe lọt tai nổi (Mc 9,30-32). Lần thứ ba, Yacôbê và Yoan vẫn cứ cầu cạnh để được ngôi hai bên tả, hữu một chiếc ngai vàng nào đó (Mc 10,35-40).
Nhưng cớ vấp phạm chính yếu lại là thái độ ưu ái của Chúa Yêsu đối với tất cả những ai bị đẩy ra hay bị bỏ quên bên lề xã hội. Loan báo Tin Mừng cho mọi người, nhưng trước tiên là “loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó” mọi thứ người nghèo khó trên cõi đời này : cùng cực, bé bỏng, bệnh tật, tội lỗi, ngoại đạo (đặc biệt trong Luca). Bằng cả lời nói lẫn việc làm, cả nếp sống lẫn cách xử sự. “Loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó” như thế mới chính là đá vấp lớn nhất khiến thiên hạ, nhất là “những kẻ tự tin rằng mình là người công chính và khinh miệt kẻ khác” (Lc 18,9) luôn phải gai mắt, bực bội, phẫn nộ, chê trách, chống đối. Chúa Yêsu có “nói bằng nhiều ví dụ” thì một phần quan trọng các ví dụ là để xác nhận Ngài là Đấng Cứu Độ của người tội lỗi và biện minh cho việc “loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó” của Ngài.
Đến với loài người như thế, Chúa Yêsu bắt buộc người ta, một khi gặp Ngài, phải lựa chon tin theo Ngài hay chống lại Ngài. Ngài là đá vấp mà khi gặp thực sự, con người không thể cứ “bình chân như vại” hay còn “lơ lửng con cá vàng” mãi được. Diễn từ Bánh ban sự sống và cả sứ vụ Chúa Yêsu ở Yuđê được Ga 6,60-69 kết lại trong một tình huống tiêu biểu phải xảy ra với đá vấp. Đó là tình huống khủng hoảng đúng nghĩa, tức là tình huống quyết định, cần quyết định và phải quyết định, tình huống đưa tới sự tách bạch- tách biệt, phân định phân cách, sự ngã ngũ : “từ đó, nhiều môn đồ của Ngài đã rút lui và không còn đi theo Ngài nữa”, đồng thời Simon Phêrô lại xác quyết : “Lạy Ngài, chúng tôi sẽ bỏ đi theo ai? Ngài có những lời đem đến sự sống đời đời” (Ga 6,66 và 68).
“Phúc cho những ai không phải vấp ngã vì Ta”. Phúc này không phải là chuyện may rủi. Phúc này là chỗ gặp gỡ mầu nhiệm giữa tự do của con người và ơn huệ của Thiên Chúa. Tự nguyện đến với Ngài mà đồng thời chỉ có thể đến được là vì “đã được Cha ban cho”, được “Thần Khí tác sinh”. Tự do mà vẫn cần ơn huệ. Ơn huệ mà vẫn còn tự do : “Không phải là Ta đã chọn các ngươi tất cả là mười hai sao ? Vậy mà một trong các ngươi vẫn là quỷ sứ”. Chúa Yêsu rồi đây còn phải “xao xuyến tâm thần” khi chứng thực điều ấy trong bữa tiệc ly. Nhưng cũng chính Ngài đã từng hân hoan lạ lùng khi cất tiếng tạ ơn : “Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu các điều ấy với hạng khôn ngoan, thông thái mà đã mặc khải ra cho những kẻ bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là quyết ý của Cha!...
Hội Thánh tiên khởi, không phải là vì đã chứng kiến Chúa sống lại và làm chứng về Chúa sông lại mà không còn phải thấy Ngài là đá vấp. Trái lại! Cộng đoàn tông đồ đã sớm đưa về Chúa Yêsu lời sấm Ysaia 8,14 nói về Thiên Chúa. Từ nay chính Đức Kitô là “Đá vấp ngã và khối thạch chướng ngài”. Đặc biệt vì sự kiện dân Do Thái đối diện với Đức Kitô đã… dội lại, không còn là Dân Chúa trong nhiệm cục cứu độ mới nữa. “Họ đã vấp phải viên đá vấp phạm như đã viết : Này Ta đặt ở Sion viên đá vấp phạm, tảng đá chướng ngại và ai tin vào Người sẽ không phải hổ thẹn” (Rm 9,33).
Sinh thời Chúa Yêsu đã là đá vấp. Sau khi sống lại và lên trời, Ngài vẫn còn là đá vấp. Có khác chăng chỉ là ở trọng tâm của đá vấp : trước kia là “người nghèo khó được loan báo Tin Mừng” (Mt 11,5) còn bây giờ là “rao giảng một vị Kitô đã bị đóng đinh thập giá” (1Cr 1, 23).
Không ai bằng Thánh Phaolô đã cảm nghiệm thế nào là thập giá đá vấp, không chỉ trong thế giới Do Thái mà cả trong thế giới Hy Lạp. Bản thân Phaolô thì tâm hồn đã vấp ngã mãi, sáng mắt tối lòng mãi cho tới khi trên đường Damas thân xác ngã xuống mà tâm hồn được vực dậy, tối mắt nhưng lại sáng lòng (Cv 9,1-9). Trên đường rao giảng Tin Mừng, Phaolô không ngớt thấy sứ vụ của mình quả không giống ai :
Rao giảng “không phải bằng sự khôn ngoan của khoa ngôn ngữ, kẻo thập giá của Đức Yêsu ra hư không , vì chưng lời giảng thập giá, đối với những người đang ở trên đường cứu thoát, lại là quyền năng của Thiên Chúa. Vì chưng một khi thế gian đứng trước sự khôn ngoan của Thiên Chúa, đã không lợi dụng khoa khôn ngoan mà nhìn biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã quyết ý dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu những kẻ tin. Vì chưng trong khi Do Thái đòi có dấu lạ, và Hy Lạp tìm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một vị Kitô bị đóng đinh với dân ngoại, nhưng đối với những ai được kêu lên gọi dù là Do Thái hay Hy Lạp, thì lại là chính Đức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa…” (1Cr 1,17-25).
Tin Mừng vẫn còn là đá vấp
Loan báo Tin Mừng là sứ vụ của Hội Thánh, của từng tín hữu trong Hội Thánh, mỗi người theo vị trí và đặc sủng Chúa dành cho mình. Tâm sự của người tông đồ Phaolô như ở đầu thư 1 gửi tín hữu Corinthô đáng được lấy làm một thứ kim chỉ nam cho việc loan báo Tin Mừng.
Đành rằng loan báo Tin Mừng bao hàm một số cố gắng thích ứng với từng lúc, từng nơi. Tin Mừng đích thực cũng là Tin Mừng như thế. Ngài không bê từ trời xuống một văn bản, nghị quyết nào đã được soạn sẵn, chí ít là như kiểu Môsê từ đỉnh núi Sinai đi xuống với “hai phiến bia chứng tri trên tay”, “những phiến đá viết bằng ngón tay Thiên Chú”. Chúa Yêsu không sẵn những phiến đá như thế. Nhưng chính Ngài là Lời của Cha đã “thành xác phàm và đã lưu trú giữa chúng ta” và cũng thành Tin Mừng bằng và với hoàn cảnh, chất sống hằng ngày của Ngài, trước mắt Ngài, xung quanh Ngài, từng hạt muối ướp, từng ngọn đèn dầu, từng cành hoa dại, từng cánh chim trời. Tin Mừng tuôn tràn bên một bờ giếng. Tin Mừng cho người đàn bà suýt bị ném đá vì tội ngoại tình. Tin Mừng cho anh mù từ thuở bình sinh… Tin Mừng cho cả đám trẻ con quấn quýt bên Chúa Yêsu và có lẽ đã quấy phá lời giảng dạy của Ngài khiến các đồ đệ phải nóng mặt.
Hội Thánh tiên khởi cũng đã tiếp tục loan báo Tin Mừng như thế, nghĩa là không có sẵn một chữ nào để lại. Càng không có một băng nghi âm. Hội Thánh loan báo Tin Mừng trong từng hoàn cảnh cụ thể, cho từng con người cụ thể. Cho nên khi thành chữ nghĩa, không chỉ có một văn bản Tin Mừng. Và Tin Mừng theo Thánh Marcô, Tin Mừng theo thánh Mathêu, Tin Mừng theo thánh Luca… nhất lãm mà không hề nhất khẩu. Nói chi đến Tin Mừng theo Thánh Yoan. Nhưng các Tin Mừng ấy vẫn là Tin Mừng đích thực của Chúa Yêsu sống lại Ngài không để lại “xương thánh” lời Ngài còn đó cũng không phải như xác ướp nhưng vẫn là Lời Hằng Sống, lời sống động trong Hội Thánh.
Ngày hôm nay Tin Mừng vẫn phải được loan báo như thế. Bài giảng ngày Chủ Nhật chẳng hạn mà lễ người lớn, lễ giới trẻ, lễ thiếu nhi đều sao y chính bản và nhất bản thì chưa hẳn là dấu hiệu trung thành với Lời Chúa nhưng chắc chắn là dấu hiệu bất trung với cách Chúa đã loan báo Tin Mừng, với cách Hội Thánh vẫn muốn và phải loan báo Tin Mừng.
Nhưng loan báo Tin Mừng hôm nay vẫn phải là Tin Mừng đích thực của Chúa. Không thể là ngụy thư, như chính trong Hội Thánh tiên khởi đã có ngụy thư còn nhiều hơn số bốn Tin Mừng. Thích ứng với Tin Mừng với hoàn cảnh, với người nghe không phải là cải biên, tân trang Tin Mừng, càng không phải là tự biên tự diễn. Nhất là để hợp khẩu vị Do Thái và Hy Lạp, người giàu, kẻ mạnh nhào nặn Bánh Lời Chúa với “men của Biệt phái và men của Hêrôđê” vẽ vời Tin Mừng theo Xêđa và theo Mammon.
Loan báo Tin Mừng hôm nay vẫn phải là sống chết “giữ kỹ mọi điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong long” (Lc 2,19) và để có được “mọi điều ấy”, tiên vàn phải lắng nghe, học hỏi lời Chúa không bao giờ đủ. Để sống chết, lúc thuận cũng như lúc nghịch, một mực loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó” theo Matthêu, theo Marcô, theo Luca và Yoan, theo “Thần khí của hàng nghĩa tử” chứ không phải theo “Thần khí của hàng nô lệ để mà phải sợ hãi” (Rm 8,14-15) và trong sự hiệp thông với Hội Thánh. Không sợ hãi mà nói lên cả những “lời chi mà sống sượng thế, ai nào có thể nghe nổi” khi là những đòi hỏi của bài giảng trên núi chẳng hạn. Không sợ hãi mà rao giảng Chúa Kitô đá vấp, loan báo Tin Mừng, “một vị Kitô đã bị đóng đinh thập giá, cớ vấp phạm cho Do Thái, sự điên rồ đối với dân ngoại”.
Loan báo Tin Mừng, Hội Thánh và từng tín hữu vẫn mãi mãi phải thức tỉnh và thao thức trước thử thách và thách thức ấy. Cho tới khi Chúa lại đến.
CHỦ NHẬT HỒNG GIỮA MÙA TÍM
Nguyễn Ngọc Lan
No comments:
Post a Comment