Monday, 28 June 2010

Lm Chân Tín CSsR: Giáo hội của mọi người


Từ khi thế chiến thứ hai kết liễu, lịch sử thế giơi bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn quật khởi của các nước chậm tiến, sau một hai thế kỷ bị kiềm toả trong vòng ngoại trị. Sự chỗi dậy vĩ đại của các dân tộc Á Phi, chỗi dậy chống sự đo hộ của đế quốc, chỗi dậy để yêu sách được hưởng một mức sống xứng đáng với tư cách làm người, là sự kiện lịch sử quan trọng bậc nhất ở hậu bán thế kỷ hai mươi.

Các cường quốc Tây phương dù không muốn, đều phải rút lui khỏi các xứ đã bị họ thống trị. Các xứ chậm tiến Á Phi đã lần lượt thu hổi được chủ quyền.

Nhưng muốn kiện toàn độc lập đã được thu hồi, các nước chậm tiến cần phải phát triển kinh tế, cải tiến xã hội, ngõ hầu nâng cao mức sống của nhân dân từ mấy trăm năm chìm đắm trong vòng cơ cực, nghèo nàn.

Trước tình trạng bất bình đẳng về kinh tế ngày càng trầm trọng giữa cường quốc và nhược tiểu, giữa một thiểu số người sung mãn và đại đa số đến 2/3 nhân loại ăn không đủ no mặc không đủ ấm, Giáo hội đã biết bao lần lên tiếng cảnh cáo những quốc gia cũng như cá nhân giàu có phải tích cực góp phần vào việc chống nạn đói trên thế giới.

Hơn thế nữa, nhân dịp Công đồng Vatican II, Giáo hội muốn toàn thể con cái mình tư kiểm thảo về điểm đó để Giáo hội thật sự là Giáo hội của mọi người, cách riêng của những người nghèo khó. Chúng ta chỉ nhắc lại vài lời tuyên bố của những vị cao cấp trong Giáo hội cũng đủ để nhận định nỗi bận tâm của Giáo hội muốn đỡ đần những người nghèo khổ và trở về với tinh thần khó nghèo của Phúc Âm, vì chính Ngôi Con Thiên Chúa đã mặc lấy sự khó nghèo để đến giữa chúng ta và chết một cách nghèo nàn, tủi nhục, đau thương như một kẻ khốn nạn nhất trần gian này. Đức Gioan XXIII, một tháng trước lễ khai mạc Công đồng, đã long trọng tuyên bố qua làn sóng truyền thanh khắp thế giới:

“Trước mắt các quốc gia chậm tiến, Giáo hội tỏ mình và muốn tỏ mình là Giáo hội của hết mọi người và cách riêng của những người nghèo khó.”

Chính ngày khai mạc Công đồng, Đức Thánh Cha đã nghiêm nghị cảnh cáo những tín hữu giàu có đừng nhắm mắt trước đau khổ của nhân loại:

“Bổn phận của con người, bổn phận cấp bách của người tín hữu Chúa Kitô là phải nhìn của cải dư thừa của mình trong nhãn giới các nhu cầu của anh em đồng loại và phải ra sức lo sao để công cuộc khai thác và phân phối các tài nguyên đã được dựng nên song đôi với quyền lợi của mọi người.”

Cũng trong một tinh thần ấy, các nghị phụ của Công đồng đã gửi toàn thế giới một bức thông điệp biểu dương tinh thần liên đới huynh đệ nhằm phục vụ hết mọi người, cách riêng những người bần cùng, cô thế:

“Chúng tôi xin hiến toàn thân phục vụ anh chị em, chúng tôi theo gương Thầy đáng tôn thờ là Đấng đã đến không phải để thống trị mà để phục vụ. Chúng tôi muốn chú trọng đặc biệt đến những người hèn mọn nhất, bần cùng nhất, yếu đuối nhất. Như Chúa Kitô, chúng tôi cảm thấy động lòng trắc ẩn trước đoàn lũ dân chúng phải chịu cảnh đói khổ cùng quẫn, dốt nát. Chúng tôi tự thấy mình phải liên đới với tất cả những ai, vì thiếu sự giúp đỡ thoả đáng, vẫn chưa có thể phát triển tới mức nhân phẩm của mình.”

Trong một phiên họp khoáng đại, toàn thể nghị phụ đã vỗ tay hoan nghênh Đức Hồng Y Lercaro, sau khi ngài phát biểu về tinh thần nghèo khó của Giáo hội, ngài nói:

“Bản chất và hành động của Giáo hội phải được thấm nhuần tinh thần nghèo khó. Nghèo khó là đặc tính của mầu nhiệm Thiên Chúa làm người: các vị tiên tri rao giảng mầu nhiệm đó, Trinh Nữ Maria, dụng cụ của mầu nhiệm đó, cả hang đá Bê Lem nơi xảy ra mầu nhiệm đó, tất cả đều mang ấn triệu sự khó nghèo. Mặt khác, thế giới ngày nay đang chà đạp thân phận khó nghèo của 2/3 nhân loại. Công đồng không thể nào trốn tránh câu hỏi của hàng trăm triệu người nghèo đang đặt ra cho Giáo hội. Bởi thế, tôi mong rằng lược đồ về Giáo hội sẽ trình bày đạo lý sự khó nghèo trong Giáo hội, nhấn mạnh địa vị ưu tiên của người nghèo. Bởi vì chính giữa hàng ngũ họ, Thiên Chúa đã che giấu vinh quang của Ngài. Trong các lược đồ khác, nên biểu dương mối giây liên hệ giữa sự hiện diện của Chúa Kitô trong kẻ nghèo và hành động của Ngài trong phép Thánh Thể cũng như trong giáo quyền. Lẽ dĩ nhiên, trong cuộc canh tân này, phải hành động thận trọng, nhưng đừng sợ sệt hoặc tìm cách sắp xếp mập mờ. Bởi thế, cần phải hạn chế việc sử dụng của cải vật chất trong Giáo hội, làm sao cho Giáo hội có thể nói luôn được rằng: “Tôi không có vàng bạc gì hết, song tôi cho anh điều tôi có.”

Các giám mục phần đông không giàu lắm song, ước mong các Ngài tỏ ra bề ngoài điều đó, để khỏi nên cớ vấp phạm cho người nghèo. Lại phải thực hiện một sự khó nghèo thực thụ trong hàng linh mục, một sự khó nghèo thiết thực trong dòng tu đã tuyên khấn đức khó nghèo. Nếu Giáo hội biết trung thành với đức khó nghèo, Giáo hội sẽ tìm thấy trong đó ánh sáng và phương pháp công hiệu nhất để rao giảng Tin Mừng toàn diện, Tin Mừng của một vị Thiên Chúa thương ta đến nỗi trở nên nghèo khó, tuy dù Ngài vốn giàu sang.

Một nghị phụ khác, Đức Hồng Y Gerlier, cũng muốn Công đồng cải tân Giáo hội trong tinh thần nghèo khó, ngài nói:

“Trong thời đại chúng ta, Giáo hội có bổn phận thích ứng một cách hết sức cụ thể với tình tạng mới: tình trạng tạo nên do sự khổ cực của bao nhiêu con người va do một vài yếu tố bên ngoài làm cho người ta càng ngàn càng lầm tưởng rằng Giáo hội không đặc biệt chú trọng đến những người đau khổ đó, Vấn đề này xuất hiện dưới nhiều khía cạnh, nhưng tựu trung chỉ là một vấn đề: tình trạng thê thảm của bao nhiêu con người nguyên chỉ vì tài sản không được phân phối đồng đều. Tại sao Giáo hội lại không cảm thấy trách nhiệm phải chỉnh đốn tình trạng ấy, trong tư tưởng cũng như trong hành động?... Giáo hội không muốn giàu có nên cần phải giải toả Giáo hội khỏi những bề mặt gợi sự giàu có.”

Những lời cảnh cáo nghiêm trọng trên đây của Đức Gioan XXIII và những mối lo âu của các nghị phụ tại Công đồng trước cảnh đói khổ của 2/3 nhân loại, thúc giục chúng ta kiểm thảo lại đời sống của chúng ta, giáo sĩ cũng như giáo dân, trong phương diện cá nhân cũng như tập thể.

Trên phương diện tập thể, Giáo hội cần từ bỏ những gì là hào nhoáng bên ngoài gợi sự giàu có hầu trở về với tinh thần khó nghèo của Phúc Âm.

Trên phương diện cá nhân, mỗi một tín hữu phải quan tâm đế kẻ nghèo đói và thực hiện công bằng xã hội và bác ái hầu chống nạn đói khổ trên thế giới và tạo nên một mức sống xứng đáng với phẩm giá con người và con Chúa.

Công đồng là cơ hội thuận tiện để cho người Công giáo nói chung, và người Công giáo Việt Nam nói riêng:

duyệt lại lối sống. Duyệt lại lối phát biểu. Duyện lại lối hành động, duyệt lại tất cả sinh hoạt Công giáo cá nhân và tập thể trên quan điểm đức khó nghèo của Tin Mừng.

Lm Chân Tín CSsR

1963

Saturday, 26 June 2010

Gs Nguyễn NgọcLan: Nói chuyện “Tử Đạo” với ông Nguyễn Khắc Viện (tiếp theo và hết)


Vẫn chỉ một chuyện đồi bại Đại Ngu.


Lý do bắt đạo đạo vì đạo: Nho giáo trị


Bắt đạo chỉ nguyên vì lý do tôn giáo, đó là một sự kiện lịch sử. Sự kiện lịch sử này lại không phải là chuyện ngẫu nhiên. Nó có lý do của nó, nó có cả cái “lôgích” nội tại của nó.


Điều đó, một người không xa lạ với ông là ông Nguyễn Khắc Dương đã từng nói lên trên tờ Làm Dân, một tờ báo lá cải do một nhóm sinh viên công giáo chúng tôi cho ra ở Paris năm 1963. Trong số 6, tháng 8 năm 1963, ‘Số đặc biệt: vụ Lễ Phật Đản’, ông Nguyễn Khắc Dương viết:


“Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy rằng tại Việt Nam không bao giờ có một sự xung đột giữa Công giáo và Phật Giáo. Quả vậy, lúc Công Giáo bén rễ vào Việt Nam, Phật giáo không còn nữa cái địa vị ưu thắng ở hai đời Lý, Trần, vì từ đời hậu Lê, Nho giáo đã nghiễm nhiên chiếm địa vị độc tôn. Sức cản trở mãnh liệt nhất mà Công giáo đã gặp tại Việt Nam là ở lớp sĩ phu của sân Trình của Khổng, chứ không phải là ở đoàn thể tăng ni cửa Thiền. Và nhìn kỹ hơn ta sẽ thấy rằng thái độ cả nhà Nho triều Nguyễn đối với Công giáo có một cái gì tương tự với thái độ của nhà Nho đời Trần đối với Phật giáo. Có phải chăng tương tự ở chỗ này: đối với các nhà Nho, các tôn giáo bàn đến vấn đề cứu cánh siêu thể và thoát tục của nhân sinh đều bị xem là có ảnh hưởng tai hại cho trật tự kỷ cương xã hội. Thái tử Tất Đạt Đa rời bỏ vợ con và vua cha đi tìm đường giải thoát, cũng như người thợ một Giêsu rao giảng sự nghèo khó, nhẫn nhục, lẽ tất nhiên đều không vừa ý những kẻ đặt lý tưởng nhân sinh vào khuôn khổ con hiếu tôi trung. Những kẻ có thái độ ‘kính nhi viễn chi’ với quỷ thần, tất không ưa gì những lễ bái của Phật giáo cũng như phụng vụ của Công giáo. Những kẻ cho kình là quân tử tự tu than mà nên, tất không thể chịu đựng được ơn tiếp dẫn cứu độ của chư Phật cũng như ơn Thánh sủng của Thiên Chúa… Đối với những học thuyết cục hạn nhân sinh vào cuộc sống hiện tại, hoặc chỉ nhắm vào lý tưởng chính trị xã hội, thì các tôn giáo nói đến một cuộc lai sinh đều bị xem là bùa mê thuốc phiện”


Nhận định như thế, không biết có phải vì ông Nguyễn Khắc Dương đã đọc ông Nguyễn Khắc Viện năm 1962 hay không. Trong bài “Confucianisme et Marxisme au Viêt Nam” (Nho giáo và chủ thuyết Mác xít ở Việt Nam) đăng trên báo La Pensée số 105 tháng 10 năm 1962, khi bàn về ‘Cuộc đấu tranh của các nhà Nho chống lại Phật giáo’ (một phụ đề thật ý nghĩa đối với vấn đề của chúng ta hôm nay!), ông khẳng định ngay:


“Từ thế kỷ X đến XIV, các nhà Nho và các quan lại theo Khổng giáo đã phải đeo đuổi một cuộc đấu tranh kiên trì để loại trừ Phật giáo ra khỏi vai trò lãnh đạo ý thức hệ trong nước. Đối diện với Phật giáo là đạo quả quyết mọi sự ở thế giới này đều hư ảo, thậm chí không thực, chủ trương diệt ngã, và hướng tâm trí người ta về những hy vọng diêu thế, Khổng giáo lại dạy rằng con người trước tiên có tính xã hội và bị rang buộc bởi những nghĩa vụ xã hội.”


Sau đó ông trình bày những nét chính của Khổng giáo mà chủ yếu là sự tập trung vào việc xây dựng xã hội tái thế rồi kết luận cho điểm này:


“Cầu nguyện, kêu cầu Thiên Chúa, các bí tích (‘sacrements’), tất cả những cái đó đều không có trong Khổng giáo.”


Vẫn là chuyện các nhà Nho đấu tranh chống Phật giáo, nhưng những khái niệm ‘cầu nguyện, kêu cầu Thiên Chúa, bí tích’ lại là những khái niệm Kitô giáo. Như vậy nghĩa là làm sao nếu không phải là vô tình hay hữu ý chuyện nhà Nho chống Phật giáo hay nhà Nho chống Kitô giáo đều có mẫu số chung và mẫu số chung đó là nhân sinh quan Nho giáo chứ không phải là một mối bận tâm lịch sử nào hết. Đến phần cuối bài thì đã rõ:


“Các nhà Nho đã phản ứng một cách mạnh mẽ hơn nhiều chống lại Kitô giáo, không phải chỉ (non seulement) vì các thừa sai Công giáo đã nhiều khi (souvent) đóng vai trò mở đường (fourriers) cho chủ nghĩa thực dân, mà cũng (mais aussi) vì những khái niệm ơn Chúa, bí tích, Thiên Chúa nhập thể đều xa lạ với tư tưởng Không giáo.”


Thì ra thế đó. Ít nữa nói với Tây, cho dù là trên một tạp chí cộng sản Pháp,ông đã biết phải chăng hơn là nói với đồng bào Công giáo của ông trên tờ Công giáo và Dân tộc. Trong bài đăng trên tờ báo này, ông trình bày kiểu tùy tiện một cái mốc Cha Cả, ông điển hình hoá cái chuyện cha Sáu (giai đoạn xảy ra chuyện này cũng như cái mốc Văn Thân lại không ăn nhằm gì với 117 Chân Phúc Tử Đạo sắp được phong thánh) và không còn gì tương tự như những ‘non seulement’, ‘souvent’, ‘mais aussi’ kia nữa (14)!


Vô sản mạt hạng


Nói cho ngay, hồi còn ở Pháp, tôi đã không được dịp đọc bài ông viết trên báo La Pensée. Mười năm sau tôi mới được hân hạnh đọc khi nó được in lại trong cuốn “Tradition et Révolution au Viêt Nam”, Paris 1971. Cuốn này tập họp lại những bài của mười hai cây viết Mác-xít hay khuynh tả, trong số đó có bài “Le comportment pratique des institutions catholiques au Viêt Nam’ của Jean-Raoul Clémentin vốn được đăng trên Les Temps Modernes, 1953 là liên quan đến vấn đề của chúng ta hơn cả. Từ 1953, Clémentin lại đã nhận xét thật gãy gọn mà đầy đủ:


Trước tiên, có mặt những nhà truyền giáo dính dấp nhiều hay ít với các công ty hàng hải lớn. Họ thành lập hay góp phần vào việc thành lập những thương quán cho nhà buôn chính hiệu tới làm ăn. Tại Việt Nam công việc buôn bán và sự hiện diện của các thương gia không làm bận lòng Nhà Nước. Nhà nước sẵn sàng khuyến khích họ (15). Còn hoạt động của các thừa sai thì không được như thế, vì hai lý do: quốc gia Việt Nam dựa trên một cấu trúc xã hội rất tôn ti, trật tự và sự thống nhất quốc gia được bảo đảm bới cái được gọi là ‘đạo’ Khổng, nền tảng đạo đức và chính trị của Nhà nước Việt Nam. Đưa vào Việt Nam một tôn giáo xa lạ đúng là phá hoại căn bản luân lý quốc gia, đánh vào nền tảng Nhà Nước.


Sau nữa, các thừa sai lại đi tới với một thứ quần chúng nhất định mà ngày nay chúng ta sẽ kể là ‘tầng lớp vô sản mạt hạng’ (16). Giới sĩ phu cũng như đa số lớn lao những người dân nội tịch (inscrit) tức là thành phần có của ở các làng xã, đều không theo đạo Công giáo; nhưng những người bỏ làng bỏ xứ, những người làm thuê trong nông nghiệp vẫn sinh sống trong một tình trạng gần như nô lệ, những người ấy lại ham đón nghe nhà truyền giáo bởi vì, ngoài chuyện ông này thường sẵn quà phân phát cho họ, ông ta truyền giảng cho những kẻ trắng tay ấy một chủ thuyết bình đẳng cũng mang chất cách mạng ở Đông Á Châu thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII như đã có thể mang chất cách mạng dưới thời Nero hay Diocletianus. Người ta hiểu được những phản ứng của triều đình, của giới sĩ phu, tầng lớp cốt cán đó của quốc gia, và phản ứng của các giai cấp có của.”


Lý do thứ nhất mà Clémentin đưa ra, chúng ta đã biết rồi. Còn cái lý do thứ hai xem ra đáng cho ông là người Mác-xít đào sâu bàn rộng hơn để khỏi lẩn quẩn mãi mà lạc hướng với cái chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khép kín và đẫm máu của đại bộ phận tầng lớp sĩ phu nhà Nguyễn.


Phần tôi, thú thật với ông, tôi không khỏi tâm đắc với Clémentin về cái lý do thứ hai đó, tuy là tâm đắc theo lối cảm nhận và suy nghĩ của một Kitô hữu.


Cũng còn có cái mộng ‘Constantinus’


Bảo là các nhà truyền giáo đã đi tới với riêng ‘tầng lớp vô sản mạt hạng’ thì thật ra không đúng hẳn. ‘Non seulement’… thì đúng hơn…


Là vì cũng từng có các thừa sai mon men vào các phủ chúa Trịnh, chúa nguyễn. Đem tặng đồng hồ quả lắc như Jean Rhodes năm 1626 cho chúa Trịnh (17) hay trổ tài sửa đồng hồ, sửa máy móc không phải chỉ để lấy lòng rồi được đi giảng đạo tư do cho bàn dân, mà còn với cái mộng rửa tội… cho chúa Trịnh, chúa Nguyễn. Là vì cũng có Pigneau de Béhaine, đúng là một cái mốc, và tôi đâu dám quên, nhưng cái mốc cắm trên đường hướng truyền giáo này mới thật ‘phải đạo’. Là vì sau này còn có những cố thừa sai se giây tơ hồng để đưa một người đẹp Công giáo lên làm Nam Phương Hoàng Hậu bên cạnh Bảo đại vv…


Một hướng đi -đúng hơn: một cám dỗ- có thật và có thường xuyên trong lịch sử Giáo hội Công giáo là thế đó: người ta vẫn mơ mộng đạt thành tích nhanh, gọn như đã từng đạt với Constantinus, Clovis, Charlemagne… Nobili và Ricci, hai nhà truyền giáo lỗi lạc về mọi mặt đã cứ lẩn quẩn ở triều đình Trung Hoa, chẳng đi đâu mà cũng chẳng đi được tới đâu là vì cái mộng đó: Rửa tội cho được một Constantinus ở xứ truyền giáo để cả nước theo vua đua nhau vào đạo! Tôi xin mở một dấu ngoặc. Của đáng tội cái khuynh hướng đó không riêng gì của người Công giáo. Trước mắt chúng ta thiếu gì ông bà cán bộ thay vì kiên trì, chịu khó tranh thủ từng người dân Công giáo lại ham tranh thủ mội một mình ông cha xừ cho nhanh cho gọn: cứ y như rằng hễ ông cha xứ hoan hô đả đảo thế nào thì toàn dân Công giáo trong xứ cũng hoan hô đả đảo cả ngoài miệng lẫn trong lòng như thế; hay cứ y như rằng một giám mục Bùi Tuần đã lên tiếng như thế nào thì mấy triệu đồng bào Công giáo Việt Nam chỉ còn biết đồng loạt hô Amen. Đây cũng là một chỗ để đổi mới tư duy là vừa. Tôi xin đóng dấu ngoặc.


Khuynh hướng truyền giáo kia quả là đáng phê phán -trước tiên là trong quan điểm thần học- và vẫn bị phê phán trong Giáo hội. Đạo Kitô chủ yếu là ‘Tin Mừng’ chứ không phải là khẩu hiệu. Tin Mừng phải được gửi đến từng con người ý thức và tự do. Giáo hội có thể được ví von là một ‘đàn chiên’, nhưng không bao giờ nên là một bầy cừu. Khuynh hướng tạo một Constantinus cùng lắm chỉ đưa tới được những bầy cừu mà thôi.


Cha ông chúng tôi vô sản mạt rệp


Đều may mắn cho Giáo hội chúng tôi là suốt lịch sử của mình, vẫn tồn tại một đường hướng truyền giáo khác, đúng theo lời dạy của Đức Yêsu hơn: Rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, đến với từng người mù, kẻ què, người phung hủi, kẻ bệnh tật, vv… Và đây là chỗ một Kitô hữu như tôi có thể thật vui và thật hiên ngang trước nhận xét của Clémentin. Ở Việt Nam, cái khuynh hướng tạo một Constantinus đã hoàn toàn thất bại, chẳng đi tới đâu. Cha ông chúng tôi trong đức tin hầu hết là ‘tầng lớp vô sản mạt hạng’, thành phần cùng khổ, thất học, trắng tay, không quyền lực, không của cải trên đất nước này. Tin Mừng quả đã được rao giảng cho người nghèo khó, đúng ý Chúa. Và chính tầng lớp ‘vô sản mạt hạng’ đó đã chết vì đạo (chứ như những ‘đạo trưởng’ đã ôm đồng hồ quả lắc vào triều hay như Pigneau de Béhaine thì đã dễ gì được chết vì đạo!). 117 Tử đạo được gạn lọc trong hàng vạn người khác để được phong Thánh là họ.


Văn Thân và vong thân


Thưa ông,


Đáng lý ra tôi còn phải thưa chuyện với ông riêng về Văn Thân, và một số đề tài chung quanh vấn đề ấy. Đại khái như:


Văn Thân, thực chất và huyền thoại?

Minh Mạng và Minh Trị. Nguyễn Văn Tường hay Nguyễn Trường Tộ?

Vua quan nhà Nho và sĩ phu triều Nguyễn làm mất nước hay người theo ‘tà đạo Hoa lang’ đã làm mất nước? (18)

Chịu tội với đất nước mà tử tiết như Phan Thahh Giản (1867), Nguyễn Tri Phương (1873), Hoàng Diệu (1882) vv… ‘đáng tôn kính‘ hơn (ít nữa tương đối mà xét) hay đổ tội cho một con dê tế thần, giận cá chém thớt, tạo nên hang trăm nấm mồ tập thể?

Giận cá chém thớt, Văn Thân hay vong thân? (tuy chỉ biết lõm bõm các phạm trù Mác xít, tôi mạo muội nghĩ rằng đây là một đề tài khá hấp dẫn cho một phó tiến sĩ triết học tương lai)..

Văn Thân miền Trung và miền Bắc ‘Bình Tây Sát Tả’ nhưng phải chăng chỉ ‘Sát Tả’ là đạt (!!) còn ‘Bình Tây’ thì đã không làm phiền cho Tây bằng cả mấy ông đồng minh của họ là…giặc Cờ Đen!

Có phải chính vì chủ trương ‘Bình Tây’ thôi mà ở miền Nam phong trào kháng Pháp từ Trương Công Định đã ‘có tính quần chúng cực kỳ sâu sắc’, có thực chất hơn, có độ chắc, độ bền hơn, đáng Pháp nể hơn? (19)

Tôn Thất Thuyết, tác giả của hịch Cần Vương (1885), ông là ai? Ai đã từng đuổi Phan Đình Phùng về vườn? Ông cõng vua Hàm Nghi đi rồi bỏ vua Hàm Nghi ở mô rồi? Bản thân ông tại sao lại đi lạc về Tầu mà kết thúc cuộc đời ở đó? Tìm về nguồn chăng?


Thật ra còn nhiều chuyện. Nhưng những trang này đã dài rồi. Vấn đề Văn Thân, như tôi đã trình bày lúc đầu, không liên can đến 117 vị Thánh Tử đạo. Trong vấn đề này lại khó có một ngôn ngữ chung giữa chúng ta. Ông thì ông đã ra nghị quyết: “Không thể không tôn kính những chiến sĩ Văn Thân yêu nước và anh hùng”. Phần tôi, với tư cách là người Công giáo, từ trong một thứ vô thức tập thể của chúng tôi, Văn Thân là ác mộng, nhắc tới chỉ là hãi hùng và đau xót, chúng tôi sợ lắm, thưa ông. Còn với tư cách là người Việt Nam, thì cứ tìm hiểu Văn Thân một chút là phải đặt ra không biết bao nhiêu vấn đề nhức đầu và không mấy đẹp đẽ như tôi vừa nêu qua trên đây!


Chuyện ngày, chuyện tháng, chuyện năm


Từ đầu đến giớ, tôi đã chỉ chú ý đến vấn đề ông đặt ra: ‘Chết vì đạo? Chết cho ai?’

Tôi không quan tâm lắm đến ‘Lễ Phong Thánh’. Từ những năm đầu thế kỷ và từ 1951, Giáo hội đã công nhận 117 Tử đạo Việt Nam là Chân Phúc nghĩa là cho phép “tôn vinh họ nơi công cộng, nhưng chỉ ở một địa phương hay trong một khuôn khổ nhất định”, trong trưòng hợp này là khuôn khổ Việt Nam. Do đó từ bao nhiêu năm nay chúng tôi, người Công giáo Việt Nam đã được Giáo hội cho phép mừng Lễ các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam, vẫn có những nhà thờ dâng kính các Chân Phúc Tử Đạo như nhà thờ Cửa Bắc ở Hà Nội (20) và nhà thờ kể như duy nhất được xây lên ở Tp HCM từ năm 1975 mà lại đã mang danh quá sớm là Nhà Thờ các Thánh Tử đạo Việt Nam. Với Lễ Phong Thánh, theo luật của Giáo hội, các Tử đạo Việt Nam được tôn vinh rộng rãi hơn: trước toàn thể Giáo hội Công giáo trên thế giới (21). Người Công giáo Việt Nam chúng tôi chỉ được thêm một niềm hãnh diện là thấy những người Việt Nam cha ông mình, đứng giữa hàng ngũ các thánh được tôn kính trên khắp thế giới, không lâu sau các Thánh Tử đạo Nhật, các Thánh Tử đạo Triều Tiên, Phi Luật Tân, Uganda (Phi Châu) vv…


Vấn đề nội dung đã sáng tỏ từ lâu rồi. Những lời qua tiếng lại nếu có, chỉ khuyến khích chúng tôi nhân dịp này tìm hiểu kỹ hơn lịch sử cha ông của mình trong đức tin, thấy thêm cơ sở cho niềm tự hào về cái tầng lớp vô sản mạt rệp đã dám sống dám chết cho lòng tin chung của chúng tôi như thế.


Còn những vấn đề nặng về hình thức, xin thú thật với ông, tôi vừa không quan tâm lắm vì đất nước chúng ta đang không thiếu chuyện quan trọng hơn để quan tâm –từ lâu nay và cả ngoài khuôn khổ chuyện ‘Lễ Phong Thánh’, tôi vẫn băn khoăn tự hỏi: phải chăng từ một cấp nào đó, vẫn có-những-chuyện-cố-làm-um là để-làm-ngơ-những-việc-cần-làm-ngay”--, tôi vừa không hiểu nổi những ‘vấn đề’ mà người nọ người kia cho là có. Chẳng hạn chuyện giám mục Bùi Lan –tôi tạm giấu tên ông vì còn thương ông ấy-- , phải, chuyện giám mục Bùi Lan, bạn giờ chót của các ông Công giáo ‘yêu nước’ Vũ Như Cẫn và Nguyễn Y Vân, đã hoảng lên về “có nhiều điểm thực sự (ông) chưa nghĩ tới. Như về thời điểm của bốn lần Á Thánh 1900, 1906, 1909 và 1951. Theo người ta nói thì những năm 1900-1909 là những năm phong trào yêu nước với cụ Phan Bội Châu đã thực sự thâm nhập vào trong đồng bào Công giáo…” Có lẽ giám mục Bùi Lan ‘chưa nghĩ tới’ thiệt, nhưng điều chắc chắn là ông ‘nghĩ chưa tới’: Nếu Toà thánh ‘có ý gì’, thì tại sao không phong thêm Chân Phúc vào những thời điểm 1930, 1945, 1975 chẳng hạn. Đối tượng xứng đáng hơn cụ Phan Bội Châu, và đâu có thiếu người để đưa ra phong Chân Phúc trong số 100.000 hay 10.000 chết vì đạo hay 1285 đã được đề nghị?


Còn cái ngày 19.6.? Trời đất ơi, nhờ thiên hạ quá sốt sắng lôi nó ra mổ xẻ, bây giờ tôi mới biết hay mới nhớ nó là cái ngày quỷ ngày ma gì. Bình thường thì phải hỏi xem Giáo chủ Gioan Phaolô II có vì vướng vụ đi đâu mà phải dời lui từ ngày 26.6 về 19.6? Còn moi móc ý tứ (procès d’intention) thì chúng ta lại đi vào một chuyện vô cùng tận. Nếu có ‘thâm ý’, và Toà Thánh có hỏi ý tối tăm cố vấn Nguyễn Ngọc Lan trước, thì thiếu gì ngày ‘ý nghĩa’ hơn cái ngày mà hẳn ngay cả các tướng tá chế độ cũ cũng chẳng còn ai muốn nhắc tới làm gì. Cứ ‘hoãn’ thêm vài tháng và chọn ngày… Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu bị giết năm 1963 chẳng han. Không thú vị và ‘kích thích’ hơn sao? Trăm ngàn lần hơn sao? Nói ra hay không nói ra, trong trường hợp này sẽ có những 117 + 2 = 119 ‘thánh tử đạo’ cơ đấy!


Nói chuyện trùng hợp ngày tháng thật là không cùng. Từ bao nhiêu năm nay rồi, Giáo hội Công giáo Việt Nam vẫn có lệ lấy ngày Chủ Nhật đầu tháng Chín hàng năm làm ngày lễ các Chân Phúc Tử đạo Việt Nam. Thế mà năm 1945, phải, đúng năm 1945, ngày 2.9, ngày Hồ chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày Quốc khánh đầu tiên, lại đã là ngày Chủ nhật đầu tháng Chín, ngày người Công giáo Việt Nam mừng lễ các Chân Phúc Tử đạo Việt Nam! Trường hợp ngẫu nhiên? Hay một nhã ý của Hồ chủ tịch đối với đồng bào Công giáo? Hay xa xôi hơn nữa một gợi ý cho đồng bào Công giáo lấy hẳn ngày 2.9, ngày Quốc Khánh, làm ngày lễ các Thánh Tử đạo? Tôi không dám nghĩ xa xôi như vậy. Nhưng nếu Nhà nước bây giờ hiểu ý Hồ chủ tịch như vậy mà đề nghị hẳn với Hội đồng Giám mục Việt Nam, tôi dám nghĩ rằng ngay từ năm tới đây, ngày Quốc Khánh 2.9, người Công giáo Việt Nam sau khi treo cờ đỏ sao vàng trên cửa nhà mình, sẽ vui vẻ đi nhà thờ mừng lễ các Thánh Tử đạo, khỏi phải đợi tới ngày Chủ nhật đầu tháng. Nhưng nói gì chuyện trên 40 năm trước. Ngay năm vừa rồi, ngày bầu cử Quốc hội lại đã được Nhà nước ấn định vào đúng ngày lễ lớn nhất, ngày thánh thiêng nhất trong năm của người Công giáo: ngày lễ Phục Sinh. Tuy vậy, đồng bào Công giáo chẳng ai đã hăng say đến mức nghĩ rằng Nhà nước muốn đề cao Chúa sống lại. Nhưng cũng chẳng ai đa nghi rắc rối đến nỗi nghi cho Nhà nước đã có ác ý, cố tình gây trở ngại cho việc mừng lễ Phục Sinh. Riêng tôi hôm ấy, tuy chỉ đi bỏ phiếu mất 10 phút, tôi đã cố tình và nhất định bỏ đi lễ Chủ nhật vì có ý phản đối… toà Tổng giám mục đã ‘yêu nước’ quá lẽ mà đẩy lố chính sách, ra thông cáo cấm các nhà thờ không được có lễ từ 7 giờ đến 16 giờ. (Tại sao người ta vừa đi bỏ phiếu vừa đi chợ được, mà không được vừa đi lễ vừa đi bỏ phiếu cho luôn? Chưa kể là khi đi lễ mà ghé phòng phiếu người dân Công giáo lại ăn mặc… sạch sẽ, chỉnh tề hơn!). Tóm lại chuyện ngày trùng, ngày húy, ngày kiêng này chỉ làm cho tôi thêm thấm thía lời thánh Phaolô từ 20 thế kỷ trước đã dạy chúng tôi:


“Thuở trước, hồi chưa biết Thiên Chúa, anh em làm tôi những thần không phải là thần; còn nay, được biết Thiên Chúa, phải hơn đã được Thiên Chúa biết đến, làm sao anh em còn trở lại một lần nữa với những nhân tố bất lực và nghèo nàn ấy?...Anh em lại chăm chú giữ ngày, giữ tháng, giữ năm. Tôi sợ cho anh em! E rằng tôi đã lao đao vất vả vì anh em một cách vô lối” (Ga 4: 8-10).


Ngày tháng có ý nghĩa gì hay không là do chính con người làm ra ý nghĩa ấy. Ngày 19.6 sắp tới chẳng hạn, có ý nghĩa gì là tùy chẳng hạn như ba bốn mươi hồng y, giám mục nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có mặt hay không có mặt xung quanh bàn thờ chính đền thờ Thánh Phêrô, thế thôi.


Thưa ông,


Như vậy là thư này trước sau vẫn chỉ nhằm một mục đích trả lại cho César những gì thuộc về César và trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa.


Phim Sám hối đã kết thúc bằng câu nói của một bà cụ:


“Con đường sinh ra làm gì, nếu không đưa tới nhà thờ?”


Chúng tôi, người Công giáo Việt Nam, nói cho cùng, cũng chẳng cần tìm con đường đưa tới nhà thờ các Thánh Tử đạo Việt Nam. Có con đường hay không có con đường, con đường trước mắt có đưa tới hay không đưa tới, thì vụ 117 vị Tử đạo, Thánh hay chỉ là ‘Chân Phúc’, đã ở sẵn ngay trong tâm tư chúng tôi. Không khí buổi họp ở Mặt trận quận 3 ngày 18.1 đã cho thấy rõ điều ấy. Không khí buổi họp do Mặt trận Tổ quốc Thành phố tổ chức sáng 25.2 còn cho thấy rõ hơn điều đó. Giữa 117 vị Tử đạo và mấy ông Công giáo tử đạo, nếu có, người Công giáo Việt Nam đã lựa chọn.


Nguyễn Ngọc Lan

(26.2.1988)

Chú thích:

(1) Để rồi ông coi: ông có được đọc bài này trên tờ Công Giáo và Dân Tộc hay là người ta sẽ viện đủ lý do để chỉ cho ông đọc bản đánh máy.

(2) Bảo cái tựa đó là ‘lớn lối’ là để khỏi nói thế nào khác, vì cả nước đều biết ông là … học giả, có học thức. Nhưng, ông sẽ nghĩ thế nào nếu giả sử vì một số trường hợp có thể ‘có vấn đề’ mà học giả nào đó viết đại mấy chữ ‘Chết vì nước! Chết cho ai?’ trên tấm bia một đài liệt sĩ hay để làm đề tựa cho một bài báo Ngày Thương Binh Liệt Sĩ! Đó là chuyện giả sử thôi, vì có tờ báo nào vô ý thức, thiếu tự trọng đến mức có thể đăng lên một cái tựa đề như vậy!

(3) ‘Luật sư của quỷ’ là tên gọi những vị ‘bảo vệ đức tin’ (promoteur de la foi) có nhiệm vụ tương tự như biện lý hay kiểm sát nhân dân, tức là chất vấn và tìm mọi cách bác bỏ các luận chứng của bên đứng đơn xin Phong Thánh.

(4) “Dự thảo Thư góp ý của Nhóm Thần học trong Ủy ban Đoàn Kết Công giáo Yêu nước Tp HCM gởi Hội nghị bất thường các giám mục Việt Nam ngày 16.1.1988”, đăng trong ‘Tài liệu tham khảo: Việc Phong Thánh’ do Văn phòng của cũng một Ủy ban đó phát hành. Điều ‘bất thường’ đáng kể là đã không có ‘Hội nghị bất thường… ngày 16.1.1988’. Một điều bất thường khác là khi được phổ biến một tháng sau như thế, cái ‘Dự Thảo’ kia vẫn cứ nhất định chỉ là ‘dự thảo’ và tuy có câu: ‘Anh em chúng con ký tên dưới đây’, nhưng vẫn chưa thấy một tên ký nào cả. Hay là dự thảo này muốn như Dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng, còn phải chờ toàn thể nhân dân Công giáo bàn luận, đóng góp ý kiến ‘rồi mươi ngài, trong Nhóm Thần học’ mới hạ bút ký được?

(5) Đã có cả một thời gian, nhiều giáo phận như ngay cả Hànội cấm chủng sinh học tiếng Pháp để khỏi bị cám dỗ bỏ tu đi làm… ‘thầy thông ngôn’ trong guồng máy hành chánh của Pháp. Chuyện này có vẻ lẩm cẩm nhưng không phải là không tiêu biểu cho sự kiện là suốt lịch sử những tương quan giữa thực dân và truyền giáo không phải chỉ có những dính dấp quyền lợi khả nghi mà còn có và vẫn có những mâu thuẫn sâu sắc. Và việc cố đạo Tây không cho thầy đạo ta học tiếng Tây để có thể đi làm cho Tây càng cho hiểu rằng: khi đi truyền giáo, cố đạo Tây thường vẫn là cố đạo hơn là cố Tây. Jean Raoul Clémentin đã thấy khá rõ và khá thấu đáo vấn đề này trong bài ‘Le comportement politique des institutions catholiques au Viêt Nam’ được in lại, cũng như bài báo của ông, trong Tradition et Révolution au Viêt Nam, Paris 1971, tr. 108-134.

(6) Louvet, La Cochinchine religieuse, Paris, 1885 q.II, tr.41, trích dịch theo Bùi Đức Sinh, Lịch Sử Giáo hội Công giáo, Saigòn 1972, ph. II, tr. 342-3. Trần Trọng Kim (Việt Nam Sử Lược, Sàigòn 1971, tr. 227) khi nói tới chỉ dụ này, còn lưu ý: khi chiếc tàu Thétis (cùng với tàu Espérance là hai tàu chiến của Pháp) vào cửa Đà Nẵng năm 1825, “có một người giáo sĩ tên là Rogerot ở lại đi giảng đạo các nơi, vua Thánh Tổ nhân dịp ấy mới có dụ Cấm đạo”. Như vậy Minh Mạng vẫn thấy rằng cố đạo lợi dụng tàu chiến chứ không phải tàu chiến mưu đồ gì với cố đạo.

(7) Lý do có tính quyết định mà giới giáo sĩ Do thái đã tung ra cuối cùng để Pilatus khó thể lùi bước trước việc xử tử Đức Yêsu: “Nếu ông buông tha hắn, ông không còn là bạn của Hoàng đế: Kẻ nào xưng vương (như hắn) thì chống lại Hoàng đế (La Mã).”

(8) Cultru, Histoire de la Cochinchine Franc,aise des Origines, Documents historiques (1658-1728), Paris, 1910, tr.43)

A.Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques (1658-1728) , Paris 1924, tr. 16-20. Trích dịch theo Bùi Đức Sinh, sách đã dẫn, tr. 343.

(9) Dịch từ A.Launey, Mgr Renard et le Tonkin catholique (1831-1858) Lyon, 1893, tr.77.

(10) A.Launeu sđd, tr.149

(11)Trích dịch theo Nyan Chanda, Brother Ennemy, San Diego, N.Y., London, 1986, p.53)

(12) Theo Đại Nam chính biên liệt truyện như Trần Trọng Kim trích dịch mà chép ra trong Việt Nam sử lược, Sàigòn, 1964, tr. 448-454.

(13) A.Launey, sđd tr.288, 315-6, 364-5, 396 và Bùi Đức Sinh, sđd, tr. 348-351.

(14) Tôi có thể đồng ý phần nào với nhận định của ông: Tôi sẽ xin phép viết: ‘Không hẳn và không phải luôn luôn’ vào chỗ ‘không phải chỉ’, ‘có khi’ (éventuellement) vào chỗ ‘nhiều khi’ (souvent) và ‘mà luôn luôn và nhất là’ và chỗ ‘mà cũng’.

‘Có khi’. Trong bài ‘Nói chuyện ảo mộng với người anh me của tôi, linh mục Nguyễn Quang Lãm’, đăng trên Đất Nước số 8, tháng 12.1968, tôi đã đưa ra trường hợp C. Freppel, giám mục Angers, và là dân biểu Quốc hội Pháp thời đệ tam Cộng hoà (có tên trong Larousse!). Tôi trộm nghĩ rằng ít nữa trên báo chí xuất bản ở miền Nam này từ trước tới nay, chưa ai đưa ra một trường hợp giáo sĩ Pháp dính dấp vào việc Pháp xâm lăng một cách đến nơi đến chốn như ở trong bài báo đó.

(15) Cho nên đã từng có chuyện các thừa sai doạ là nếu họ bị đuổi đi, các nhà buôn ngoại quốc cũng rút đi luôn. Hay có trường hợp như tháng 7.1669, hai thừa sai de Bourges và Bouchard ‘cải trang làm thương gia, nên…lọt vào miền Bắc dễ dàng’ (Bùi Đức Sinh, sđd tr. 328-329).

(16) ‘Lumpenproletariat’ (tiếng Đức: ‘cùng đinh khố rách’), có khi được dịch là ‘vô sản lưu manh’, có lẽ hợp hơn với cái nhìn miệt thị của các quan nhà Nho!

(17) Trần Trọng Kim sđd, tr.342.

(18) Xem Địa chí Văn hoá Tp HCM, 1987, tr. 435-6; Trần Trọng Kim (Nhà Nho!), sđd, tr.474-6, 484-7 vv… và Nguyễn Khắc Viện, bài đã dẫn, trong Tradition et Révolution au Viêt Nam, tr.46-7)

(19) Điạ chí Văn hoá Tp HCM, 1987, tr.437-8. Và có lẽ cũng chính vì thế mà từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, sự tham gia của người Công giáo ở miền Nam đã tích cực và đáng kể hơn ở miền Bắc, nếu tôi không lầm. Ngay một linh mục Nguyễn Văn Bình, tuy không tham gia kháng chiến, đã không chịu lên án các linh mục tham gia kháng chiến và đã vì thế mà bị đẩy ra khỏi ghế giáo sư Đại chủng viện.

(20) Chỗ đóng đô của… Ủy ban Liên lạc Công giáo Yêu nước! Có người còn nhớ là Hồ chủ tịch đã từng tới thăm nhà thờ này và chụp ảnh.

(21) Có gì tương tự như việc tuyên dương công trạng trước một Đảng bộ rồi trước toàn Đảng, trước một sư đoàn rồi trước toàn quân vv…

Thursday, 24 June 2010

Lm Richard Leonard sj: Phiêu lưu mạo hiểm mòn bước chân.


Lòng ta tha thiết đượm tình yêu,

Như cảnh trời xuân luyến nắng chiều,

Mắt lệ đắm trông miền cách biệt,

Phút giây chừng mỏi gót phiêu lưu.

(thơ Thế Lữ)

Phiêu lưu mạo hiểm mòn bước chân, chuyện đã đành. Phiêu bạt đây đó làm chứng cho Lời Chúa, nào thấy mỏi. Phiêu lưu rao truyền Lời Chúa, là bổn phận Chúa vẫn kêu mời, từ ngàn xưa.

Trình thuật Lời Chúa hôm nay, mở cho thấy khoảnh khắc rất quan trọng, trong cuộc đời Đức Kitô. Gần đến ngày Ngài được cất nhắc về cùng Cha, Đức Giê-su cương quyết lên đường đi Giê-ru-sa-lem. Với Tin Mừng thánh Luca, Giêrusalem là điểm tập trung toàn bộ cuộc đời của Chúa. Toàn bộ tập trung, vì đây là nơi chốn Ngài hoàn thành công trình cứu độ. Và, cũng từ Giê-ru-sa-lem, công trình của Ngài lan rộng khắp mọi nơi, trên thế giới.

Quyết lên đường, Đức Giê-su đưa ra mẫu mực thử thách đến với ta, để ta tham gia công trình hầu chấp nhận làm mọi việc được ủy thác. Điều trớ trêu, là: ngày Ngài lên đường vào làng Samaritanô, nhiều người ở đây không tiếp nhận Ngài. Và, Ngài đi Giêrusalem, là để chấm dứt tình trạng rẽ chia, đang lan tràn. Ngài quyết phá đổ mọi rào cản chia cách mọi người. Và, đem bình an và hòa hợp đến với mọi người.

Tin mừng “đi Giêrusalem”, nhắm vào trọng tâm ý nghĩa của Tiệc Thánh, thời buổi này. Tin Mừng cũng nhằm vào sự đáp trả của mỗi người trong ta, khi Chúa kêu mời cùng Ngài lên đường. Thấy Ngài lên đường, nhiều người cũng muốn đi theo. Như vẫn thấy dẫy đầy ngày hôm nay. Vẫn thấy, nhiều người trong cộng đoàn dân con Đức Chúa, chỉ biết đi là đi. Chứ chẳng hiểu tại sao lại “đi Giêrusalem”. Đi như thế, có ý gì? Với Chúa. Với những người đi theo Ngài.

Có 3 loại người muốn theo Ngài. Và, có lẽ một hoặc hai người trong số này, có thái độ giống như ta, hôm nay. Thành thử, hãy thử xét xem sao, thái độ của những người dự tính đi theo Chúa. Người thứ nhất tuyên bố: Thầy đi đâu, tôi cũng xin theo! Nói là nói thế, nhưng những người theo dạng này, đâu am tường thực tế Ngài phải đối đầu. Và, câu đáp trả của Đức Giê-su làm họ không mấy hứng thú. Dấn thân làm ngôn sứ, như Ngài, tức biết mình sẽ không nhà không cửa. Không chốn vắng tựa đầu. Nào dám theo.

Loại người thứ hai cũng muốn đi. Nhưng, vẫn nại vào lý do khiến Chúa không thể trách móc. Để rồi, cuối cùng cũng bỏ cuộc. Và, thái độ đáp trả của Chúa thoạt nghe, có vẻ nghịch lý/nghịch thường, nhưng lại là điều kiện cho những người dấn bước theo chân Đức Ngài. Theo chân Chúa, là: hãy để lại mọi sự. Bỏ đó mà ra đi loan báo Nước Trời, cho mọi người. Ở đây nữa, có thể: thân phụ của người thanh niên trong trình thuật, thật sự đâu đã chết. Anh chỉ muốn chờ khi báo hiếu cho cha xong xuôi, rồi mới quyết định. Và, đây là lý do chính đáng để khước từ lời Chúa mời. Và, đây cũng là trở ngại khác, khiến người quyết tâm không thấy vững chí, mà ra đi.

Trả lời cho những người như thế, Đức Kitô chỉ muốn xem con người đặt sự việc nào ưu tiên hơn cả, ở đời mình. Và, ý Ngài là: ta vẫn được mời gọi thực hiện việc dựng xây Nước Trời, ở trần gian. Ngay trước mắt. Làm xong việc ấy rồi, mọi sự cũng sẽ “bất chiến, tự nhiên thành”. Bởi, Nước Trời chính là: thế giới của sự thật. Của lòng xót thương. Sự công chính. Của tự do và an bình. Của, thế giới nhất định sẽ xẩy đến. Cho trần gian.

Loại người thứ ba, cũng muốn theo chân Chúa, thật đấy. Nhưng, lại vẫn phải quay về từ biệt bạn bè người thân, xong cái đã. Thái độ này, có nghĩa là: người như anh, chỉ muốn có cuộc sống vui nhộn với bà con bạn bè, mà thôi. Trong khi đó, muốn trở thành đồ đệ của Chúa, buộc lònh mọi người phải có quyết tâm. Không do dự. Lời Chúa mời gọi, là: lời mời ở đây. Hôm nay. Và, lời đáp trẻ phải là lời đáp ứng rất tự do. Ở đây. Hôm nay. Chứ, đâu là chuyện xảy đến trong tương lai. Đề cập đến chiếc cày, la Chúa ám chỉ lời tiên tri Isaya ở bài đọc 1.

Bài đọc 1, Êlisha đáp ứng lời kêu gọi làm ngôn sứ, ngõ hầu tiếp tục công việc của vị tiền nhiệm mình là: tiên tri Êlya. Đệ tử Êlisha cũng muốn giã từ cha mẹ. Và, ông cũng đã về nhà, để giết bò, đốt cháy chiếc cày, rồi tay không đến với sư phụ của mình, là Êlya. Tin Mừng Chúa, được viết không phải để ta hiểu từng chữ, theo nghĩa đen. Nhưng, thánh sử muốn để người nghe có dịp suy nghĩ về những điều Chúa đề cập. Thật sự, thì điều thánh sử muốn nói, tức: vật chất, tình cảm và tri thức đều có thể là rào cản ngăn chặn khiến ta không thể đi theo Chúa một cách vô điều kiện. Đời người hôm nay, lại có quá nhiều thứ để ta vui chơi hưởng thụ. Dễ biến Lời Chúa, nmhạt nhoà, mờ dần. Chẳng bận tâm gì chuyện tham gia, dính dự. Đời người, lại có quá nhiều thứ để bận tâm. Lo lắng. Nuối tiếc. Nuối tiếc nhiều, những chuyện xảy ra, trong quá khứ. Vẫn cứ lo ngại không ít, về những chuyện sắp xảy đến, trong lai thời.

Các yếu tố nêu trên, đều khiến cuộc sống càng thêm phức tap. Trục trặc. Phần đông trong chúng ta, mới chỉ sống có phân nửa cuộc đời. Hoặc đang sống cuộc đời của người khác. Chứ, chưa hẳn là đã và đang thực sự sống đời mình. Cho riêng mình. Và, đó cũng là điều mà thánh Phaolô nhắc nhở cộng đoàn Galát: ”Quả thế, anh chị em đã được gọi để hưởng sự tự do.” (Gl 5: 13)

Sở dĩ thánh Phaolô phải nói lên điều đó, vì có nhiều vị ở nơi đây là người Do thái, đã trở lại. Và xem ra, nhiều người trong số đó chỉ muốn quay về với truyền thống Do thái giáo, thời xưa cũ. Trớ trêu thay, đối với mọi người, xưa cũng như nay, tất cả đều đã và đang lo sợ. Lo và sợ, vì mình đang có quá nhiều tự do.

Nhưng, tự do thực sự, không phải là thách thức quyền bính. Cũng không là, tự cho mình có quyền tha hồ vui thú. Hưởng thụ. Tha hồ phiền hà người khác. Tự do, cũng không là thái độ cứ ưỡn ngực tuyên bố: tôi có quyền mở to máy hát, chẳng cần biết rằng hàng xóm mình đang khổ sở vì âm thanh. Tiếng nhạc. Hoặc, cứ đua xe trên đường phố, chẳng sợ ai. Chẳng san sẻ đường đi nước bước, với mọi người. Người có tự do đích thực, là người biết quan tâm đến tha nhân. Biết để ý xem, tha nhân có cần mình giúp đỡ gì không. Tự do, là biết rằng những người thân-cô-thế-cô, đang đau khổ. Là, biết đối xử với những người đó như nguời anh/người chị, cùng nhà.

Thánh Phaolô còn thêm: “Đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt; nhưng hãy lấy tình thương mà phục vụ lẫn nhau.” (Gl 5: 13) Tự do như thế, không là thái độ trốn tránh thực tại sống. Nhưng, biết giáp mặt, đối đầu với cuộc sống. Tự do thực, là dám nhận lãnh trách nhiệm chăm lo cuộc sống của chính mình. Và, không đem khó khăn riêng tư của mình mà đổ lên đầu người khác. Không coi họ như mối oan khiên. Như con dê tế thần, chịu hết mọi trách nhiệm. Tự do, còn có nghĩa: không đeo bám vào các tiện nghi vật chất. Vào mọi sự ở ngoài, như: tiền tài, nhà cửa, chức vụ, cùng công danh. Sự nghiệp. Hệt như thế.

Kỳ lạ thay, người tự do đích thực sẽ làm được những gì mình mong muốn. Bởi, những điều họ mong và muốn, là: dựng xây thế giới tôn trọng sự thật. Thế giới biết san sẻ. Săn sóc nhau. Biết tạo cho nhau, sự an bình hiền hoà, trong nội tâm. Người có tự do, là người rất tách bạch. Không lấy đi mọi thứ tốt đẹp, của người khác. Vì làm thế, không là san sẻ thị kiến chung, của mọi người. Nhưng, biết được khó khăn của người khác để giúp đỡ. Để, coi nhẹ khó khăn mình đang gặp.

Đó là tự do ta gặp nơi Chúa. Nơi Êlisha. Nơi thánh Phaolô tông đồ. Là, tự do ta gặp được nơi mẹ Têrêxa, thành Calcutta. Nơi GM Oscar Romero. Nơi Maximilian Kolbe. Dietrich Bonhoeffer. Và, nhiều người khác. Tất cả, đều nói tiếng “Xin vâng” vô điều kiện, với Chúa. Với cuộc sống. Tất cả, đều đã cương quyết ra đi theo Ngài lên đường về Giêrusalem. Quyết không ngoái cổ nhìn về phía sau, khi đã bước chân ra đi. Tất cả, đều có lòng tha thiết, đượm tình yêu. Đều lên đường phiêu lưu với Chúa, chưa từng mệt.

Là dân con Đức Chúa, ta cứ thế mà lên đường. Lên đường, đem tình thương đến với muôn nơi, như Lời Ngài vẫn dạy. Lời Ngài dạy suốt ngàn năm, không nhạt nhoà. Mòn mỏi. Mòn mỏi sao, khi người người đã có tự do. Đã được Chúa yêu thương. Như được thấy “cảnh trời xuân luyến nắng chiều”. Chiều Giêrusalem. Tự do. Như mọi chiều. Ở mọi chốn.

Tuesday, 22 June 2010

Lm Vũ Khởi Phụng, CSsR: ÔN LẠI NHỮNG LỜI KINH XƯA


Mấy tháng nay dư luận vẫn xôn xao về bản dịch mới Phụng Vụ Thánh Lễ. Nhiều ý kiến đã phát biểu trên báo, trên mạng, trong những cuộc hội thảo, và nhất là trong những câu chuyện hằng ngày. Có ý kiến gay gắt, có ý kiến cay chua. Nghe đâu các đấng bậc trong Hội Thánh không muốn cho tranh cãi nhiều về chuyện này, vì thế có nhiều người định nói lại thôi, nhiều cơ quan ngôn luận đã hoặc đang chuẩn bị đăng tải những ý kiến nảy lửa lại tự kiềm chế, tự kiểm duyệt.

Tôi cũng chẳng có ý đụng vào vấn đề nóng sốt này. Nhưng nhân chuyện dịch thuật lại sinh ra nghĩ ngợi về sự hiệp thông trong Đức Tin xuyên qua những rào cản của ngôn ngữ. Đức Tin chỉ có một, nhưng ngôn ngữ lại rất nhiều và các thứ rào cản thì chẳng biết là bao nhiêu.

Châu Á mình có vinh dự là nơi phát xuất của các tôn giáo lớn. Đạo Chúa Ki-tô cũng phát xuất từ châu Á. Các giáo sư Thánh Kinh có giảng rằng: Thánh Kinh có nhiều điểm, nhiều lối nói, người phương Đông dễ hiểu, dễ thông cảm hơn người phương Tây. Dù sao, ta là người Đông Á, còn Thánh Kinh lại mang sắc thái Tây Á, thành ra cái giống nhau với cái khác nhau đan xen. Trong lịch sử Đạo lại đi một vòng dài qua phương Tây rồi mới sang Á Đông, thành ra bao nhiêu giai đoạn là bấy nhiêu tầng ngôn ngữ và văn hóa. Là một Đức Tin, là một di sản phổ quát mà biết bao nhiêu bộ mặt biến hóa.

Thuở xưa, bà nội tôi đọc kinh theo kiểu cổ. Công Đồng Đông Dương đã sửa kinh, nhưng cả chục năm sau đó bà vẫn đọc những lời kinh bà quen từ hồi còn trẻ. Bà tôi đọc Kinh Sáng Danh như sau: “Go-lo-ri-a Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Phi-ri-tô-xăng-tô, trước sau đời đời chẳng cùng Amen”.

“Go-lo-ri-a” tức là Gloria ( tiếng La-tinh ): vinh quang, sáng danh; còn Đức Chúa Phi-ri-tô-xăng-tô là Đức Chúa Spirito Sancto, tức là Đức Chúa Thánh Thần. Còn “trước sau đời đời chẳng cùng” là điều mà bây giờ trong kinh Phụng Vụ dịch là “đến muôn đời”, khiến cho nhiều người vẫn còn cãi là dịch như vậy hay hơn, hay cứ nói như ngày xưa hay hơn.

Kinh Kính Mừng thì bà tôi đọc: “Ave Maria, đầy ga-la-ti-a, Chúa Dêu ở cùng bà, nữ trung bà có phước lạ, thai tử Giê-su gồm phước lạ. Xăng-ta Maria, Đức Mẹ Chúa Dêu, cầu cho chúng tôi, khi nay và cập thần đẳng tử hậu. Amen”

Ga-la-ti-a đây tức là Gratia ( tiếng Latinh ): ân sủng, ân phước. Chúa Dêu, tức là Deus, Đức Chúa Trời, Thiên Chúa, phát âm theo kiểu Bồ Đào Nha. Hết âm hưởng của tiếng La-tinh thì đến những từ Hán Văn: “Nữ trung bà có phước lạ”, dịch lại là: “Bà có phước lạ hơn mọi người nữ”, còn “khi nay và cập thần đẳng tử hậu” thì dịch lại là “khi nay và trong giờ lâm tử”. Chỉ có “Amen” là đi xuyên suốt từ thời Kinh Thánh, bất kể phương Tây hay phương Đông, thời xưa hay thời nay.

Bà tôi đã từng trải một cuộc đời có đủ hỷ, nộ, ái, ố; đến lúc tuổi già bà ngồi đọc kinh cả ngày không chán. Cũng như bao nhiêu tín hữu khác, bà đâu có biết tiếng La-tinh. Tôi tự hỏi không biết trong những năm tháng dài cầu nguyện đó, bà nghĩ đến điều gì khi hướng về “Maria đầy ga-la-ti-a” ( cũng có người đọc: đầy ga-ra-sa ). Chắc là trong mầu nhiệm “ga-la-ti-a” đó có cả sự trải nghiệm của một đời người được thăng hoa trong Đức Tin.

Thế còn những nhà thần học kinh viện đạo mạo thì nghĩ gì khi nói lên: “de gratia” ? Chịu khó lắng nghe các vị giảng về ân sủng, thấy nói đến nhiều loại gratia, nào là thánh sủng, hiện sủng, trợ sủng, hiệu sủng; mà hiệu sủng lại có hiệu sủng ngoại khởi và hiệu sủng nội khởi. Rồi nghe nói vấn đề tương quan giữa “gratia” và con người tự do là một vấn đề khó kinh khủng, khiến cho các nhà thần học cãi nhau cả nghìn năm giữa một rừng khái niệm trừu tượng. Hóa ra có tất cả những sự ấy trong một lời thì thầm “đầy ga-la-ti-a” của bà tôi sao ?

Lại đi nghe các bậc thầy Thánh Kinh giảng về Ân Sủng, thấy một cội nguồn chứa chan huyền diệu: nào là hesed ân nghĩa tín thành, nào là charis yêu thương diễm tuyệt: “Yavê ! Yavê ! Thiên Chúa chạnh thương, huệ ái, bao dung và đầy nhân nghĩa tín thành ( hesed ) ( Xh 34, 6 ). Để rồi cả hesed ( theo tiếng Hipri ) lẫn charis ( theo tiếng Hy Lạp ) kết tinh cả lại nơi Đức Ki-tô: “Ân sủng ( Charis ) Đức Giê-su Ki-tô, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần” như Tông Đồ Phao-lô vẫn chào mừng Dân Chúa. Và Charis kết tinh nơi Đức Ki-tô khiến cho bây giờ ta phải phân biệt, và đôi khi cãi nhau, khi nào dịch Eucharistia là lời nguyện Tạ Ơn, và khi nào dịch là Bí Tích Thánh Thể, là Mình Thánh Chúa, bởi căn của từ Eucharistia là từ “charis”. Như vậy, Gratia có biết bao nhiêu sắc thái.

Nhưng “ga-la-ti-a” không phải là vấn đề với bà tôi. “Ga-la-ti-a” là một cái gì ở trong tâm linh cụ, và trong tâm linh thế hệ của cụ, và cả những thế hệ trước. Đó là những người không biết tiếng Do Thái, Hy Lạp, hay La-tinh, không biết tiếng Pháp hay Tây Ban Nha, nhưng có biết những mầu nhiệm Đức Tin, mặc dù phải diễn tả qua những ngôn từ lạ lẫm của các thứ tiếng đó. Thời nào cũng có ơn soi sáng của Đức Chúa Phi-ri-tô xăng-tô. Thời đó Hội Thánh được gọi là Thánh I-ghê-ri-sa ( theo tiếng Tây Ban Nha: Iglesia, hay Bồ Đào Nha: Igreja ). Trong Nhà Thờ, nơi người ta lên rước Mình Thánh Chúa thì gọi là gian Com-mô-nhong ( Communion ), Đức Giáo Hoàng là Đức Thánh Pha-pha ( Papa ), các vị Hồng Y là các đấng Các-đi-na-lê ( Cardinal ) và các Giám Mục là Vít-vồ ( Vescovo, tiếng Tây Ban Nha ). Người ta vừa tận tình với Đạo vừa nói với các ngôn ngữ Việt pha lẫn La-tinh và Tây Ban Nha đó.

Nhưng song song với sự lai tạp ngôn ngữ đó, ở một phương diện khác, người ta lại cố gắng trau chuốt câu kinh lời nguyện. Một cách để tạo sự trang trọng là dùng chữ Hán, vì chữ Hán được coi là văn chương bác học, văn chương quý tộc. Vào một Nhà Thờ ngày xưa, giữa một cộng đoàn không phải là nhiều chữ nghĩa lắm, ta có thể bắt gặp những nông dân đang đọc kinh cầu Đức Mẹ: “Thần lạc chi duyên, vị thần đẳng cầu, Hoàng Kim chi điện... kết ước chi quỹø... Thượng thiên chi môn... Hiển minh chi tinh, vị thần đẳng cầu”, v.v... Dân gian gọi đó là kinh cầu chữ, kinh cầu chữ tồn tại cùng với kinh cầu nôm, và cả kinh “chữ” lẫn “nôm” đều dịch ý kinh cầu La-tinh.

Nhưng kinh La-tinh và kinh chữ thì cô đọng, súc tích, còn kinh cầu nôm thì đằng thằng theo lối nghĩ, lối nói của người bình dân xưa. “Thần lạc chi duyên” là “causa nostrae laetitiae”, diễn nôm: “Đức Bà làm cho chúng tôi vui mừng”. “Hoàng kim chi điện”: “domus aurea”: “Đức Bà như Đền vàng vậy”. “Kết ước chi quỹ”: “foederis arca”: “Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa vậy”; “Thượng thiên chi môn”: “Janua caeli”: “Đức Bà là Cửa Thiên Đầng”. “Hiển minh chi tinh”: “stella matutina”: “Đức Bà như sao mai sáng vậy”. Còn điệp khúc “vị thần đẳng cầu”: “Ora pro nobis”, đơn giản là: “cầu cho chúng tôi”.

Người ta kể chuyện hồi nạn đói năm Ất Dậu, có một ông già Giáo Dân đi lượm xác những người chết đói để an táng. Ông đặt xác lên cái bè trên sông, ông dòng dây đi trên bờ kéo bè về huyệt, vừa đi vừa đọc kinh cầu hồn: “Phục dĩ chí Tôn, chân Chúa cửu trùng, cao ngự chi thiên”... Dân gian gọi đó là “kinh Phục rĩ”, theo kiểu phát âm của Giáo Dân vùng đồng bằng ven biển Bắc bộ. Có thể lúc bình thương, giới thanh niên chỉ thấy đấy là những lời rền rỉ. Nhưng hãy tưởng tượng tình thế bi đát của năm Ất Dậu ấy, ông già kéo xác ven bờ sông, cất lên giọng thê thiết: “Phục rĩ chí tôn...” sẽ thấy đấy là một cảnh tượng đủ tầm cỡ để nằm trong các bộ sử thi hay những cuốn phim nghệ thuật hoành tráng nhất. Đến đây thì không phải là dịch thuật nữa rồi, mà là sáng tạo của Lòng Tin. Dùng chữ Hán đã vậy, lời kinh thông thường vẫn là văn Nôm...

Nhưng lời kinh thông thường không phải bằng chữ Hán, mà là văn nôm. Xin được trích vài đoạn vãn dâng hoa trong tháng kính Đức Mẹ. Nghe nói vãn này có từ hậu bán thế ký XIX, lúc ấy chúng ta còn chúc tụng “Go-lo-ri-a Đức Chúa Phi-ri-tô xăng-tô” mà đã có những lời thơ cầu nguyện thật mượt mà:

Chúng tôi mọn mạy phàm hèn
Dám đâu ghé mắt trông lên bàn thờ
Ngửa xin tràn xuống ơn thừa
Rộng ban giãi tấm lòng thơ trước toà

Chúng tôi lạy Chúa Cha nhân thứ
Đã giữ lời phán hứa rủ thương
Dựng nên rất thánh Nữ Vương
Gây nên mối phúc nêu gương muôn đời.

Chúng tôi lạy Ngôi Hai xuống thế
Cứu loài người chẳng để cho hư
Lại thương trối Mẹ nhân từ
Để cho con mọn được nhờ mọi ơn

Chúng tôi lạy Thánh Thần Chúa cả
Cho Đức Bà phục lạ ơn đầy
Cùng lòng rộng rãi nhân thay

Để con mọn được ăn mày phận thương...
Đóa hoa khúm núm tay bưng
Tấc niềm cần bộc xin từng tỏ ra
Đền vàng quỳ trước dân hoa
Trông lên tháp bảo thấy tòa Ba Ngôi
Mười hai nhân đức gương soi
Kính dâng Đức Mẹ đời đời ngửa trông.

Những vần những điệu ấy cứ thế ngấm vào lòng người bình dân. Giữa cảnh hương hoa trang nghiêm và lời ca điệu nhạc, ghé mắt nhìn lên tòa Ba Ngôi tháp bảo và thấy mười hai nhân đức gương soi, có lẽ không khác lắm với tâm trạng chúng ta ngay nay, một ngày 15 tháng 8 ở La Vang chẳng hạn, lắng nghe lời sách Khải Huyền về người Phụ Nữ trên đầu có mười hai ngôi sao sáng. Dâng lên bảy hoa năm sắc để rồi nguyện một lời khiêm nhường mà thiết tha:

Chúng con đang chốn phong đào
Mong giao hạt giống e vào bụi gai
Cậy trộng Đức Mẹ nhân thay
Rủ thương vì chúc tụng này cùng hoa
Lòng thốn thảo, đóa linh pha
Xin đều dâng tiến trước tòa Ba Ngôi
Diện tiền cầu khẩn thay lời
Đầm đầm mưa móc trên trời tươi liên
Thêm ơn vun xới cách riêng
Ruộng thiêng sạch cỏ mọc lên giống lành
Hoa nhân ái phúc rủ ngành
Đời nay dùng đủ lại dành đời sau
Tác thành đã được giã tâu
Dám xin hợp ý khấu đầu tạ ơn...

Năm vừa rồi có dịp sang thăm nước Mỹ, tôi được dự cuộc gặp mặt của người đồng hương ở Silicon Valley, Bắc California: mấy cô cậu thiếu niên và những cô cậu bé mới sinh ở Mỹ châu đầu vào nhau chơi đùa, nói tiếng Mỹ rào rạo; nhưng mấy ông bà đứng tuổi thì họp nhau để đọc với nhau nhưng lời kinh đất lề quê thói:

Phép ngắm Rô-sa nguyên cội rễ
Suy ơn chuộc tội loài người thế
Tự sinh nhi tử, tư nhi sinh
Công nghiệp vô cùng khôn xiết kể...

Lạy ơn Đức Mẹ nhân thay
Xin vị sự nhiệm mầu này rủ thương
Cho con lòng vững đá vàng
Vâng theo Ý Chúa mọi đàng chẳng sai...

Thì ra một nửa vòng trái đất và Silicon Valley vẫn không xóa nhòa được cái bồi hồi gắn với mấy câu kinh quê hương, ở đấy có cái gì đã thành máu thịt và thành phần hồn của người ta.

Hôm nay tôi vừa đọc lời anh Lê Đình Bảng giới thiệu một công trình nghiên cứu của giáo viên sử học Lê Ngọc Bích về những người Công Giáo ngày xưa. Nhà thơ Lê Đình Bảng viết: “Suốt những năm tuổi mọn ở làng quê xứ đạo, bọn trẻ chúng tôi – với chút kiến thức tầm tầm góp nhặt dông dài được từ các môn học phổ thông trong trường lớp – chỉ có rặt một loại văn hóa phẩm. Đó là mớ kinh sách tuồng chuyện, thơ phú, vè vãn của nhà đạo... Và có lẽ cũng phải kể tới bài học truyền khẩu là ca dao, tục ngữ, đồng dao, truyện Kiều, từ lời mẹ hát ru, từ những đêm trăng trong sáng ngày mùa. Cái vốn liếng chữ nghĩa ăn đong ấy, nói thật lòng, đã nuôi sống, đã thổi chúng tôi lớn lên, vào đời. So với lớp trẻ sau đó và bây giờ, nghĩ mà xấu hổ, vì chúng tôi thua kém đủ điều. Ấy thế mà đến nay, gần cuối vòng đời, vẫn thấy trong lòng mình vang âm cái cảm giác mê mẩn, phiêu linh của câu chữ thủa nào”.

Anh Bảng cho rằng những câu chữ ấy gắn liền với “Những còn người, những sự kiện, những trải nghiệm rất máu thịt, rất căn cơ... tai tôi nghe u trầm những cung bậc diệu kì pha lẫn khuất tất, trở trăn từ một cõi nào. Và cứ thế tôi mê mải bước đi, như kẻ xa quê lâu ngày, trở về, lặng lẽ cúi đầu trước cổng làng”.

Nhắc lại những chuyện trên đây, tôi không có ý tiếc nuối muốn trở về thời xa xưa. Mỗi thời đều có ngôn ngữ của nó. Xin được nghĩ về chúng ta ngày nay...

VŨ, Sài-gòn – Hà Nội 7.2006 ( Còn tiếp )

ÔN LẠI NHỮNG LỜI KINH XƯA

Nhắc lại những chuyện trên đây, tôi không có ý tiếc nuối muốn trở về thời xa xưa. Mỗi thời đều có ngôn ngữ của nó. Đương nhiên ngôn ngữ của chúng ta ngày nay hiện đại hơn và ít nhiều cũng Tây hóa hơn so với cả cái mộc mạc lẫn cái duyên dáng của người xưa. Hơn nữa, ta được hưởng rất nhiều điều hay, được nghe giảng Thánh Kinh và Thần Học, được tiếp thu những thành quả của gần một thế kỷ Giáo Hội về nguồn và canh tân; ta lại có các hiến chế và văn kiện của Công Đồng Vatican II,.v.v... Xét về nhiều mặt rõ ràng ta giỏi hơn người xưa. Chưa biết chừng nhìn lại quá khứ ta sẽ có chút cảm giác thương hại đối với một thời còn chậm phát triển về mặt Đạo...

Sau thời bà tôi khá lâu, tôi vẫn nhớ những ngày Thứ Sáu Tuần Thánh nghĩ lễ tôn thờ Thánh Giá vẫn cử hành vào sáng sớm. Từ trên cung thánh vọng xuống những giai điệu rất hay và những lời ca La-tinh tường thuật cuộc khổ nạn của Chúa. Dưới lòng Nhà Thờ, các chị tôi lim dim ngủ gật, lời ca kia như một tiếng hát ru, như một tiếng sáo diều mùa hè. Các chị chỉ giật thót tỉnh thức khi ông Linh Mục người nước ngoài có giọng hát thật mạnh nên được đóng vai “quân dữ”, lấy hết âm lượng để hô lên: “Baraba !” Lúc ấy Nhà Thờ đâu đã có micro và loa. Đó cũng là một dấu chỉ thời đại.

Vài năm sau, Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII cải tổ Phụng Vụ. Các nghi lễ Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy Tuần Thánh từ buổi sáng chuyển về buổi chiều cả. Lại thêm một bước tiến.

Tôi quen một Linh Mục nọ vốn theo dõi những cố gắng canh tân Phụng Vụ bên phương Tây: một hôm cha xoay ngược bàn thờ, làm lễ quay mặt xuống Giáo Dân. Đức Giám Mục đến thăm. Ngài dạy rằng đừng làm thế, người ta chưa quen. Cha vâng lời xoay bàn thờ lên. Năm sau Đức Giám Mục đi dự Công Đồng Vatican II về, ngài lại dạy: quay bàn thờ xuống. Cha lại vâng lời. Người ta hỏi sao cha cứ xoay bàn thờ hoài vậy, cha nhăn nhó cười: “Ôi ! Chóng mặt quá!”

Cũng sau một khóa họp Công Đồng, cộng đoàn Phụng Vụ bắt đầu được dự Thánh Lễ đồng tế. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm ấy, các Linh Mục cùng nhau cử hành nghi lễ tôn thờ Thánh Giá vẫn trong phẩm phục đen truyền thống. Tôi nghe một cha giáo già làu bàu: “Hôm nay là ngày phải mặc áo đỏ, chứ ai lại đen thế này.” Quả nhiên năm sau phẩm phục ngày Thứ Sáu Thánh từ đen đổi sang đỏ.

Đêm vọng Phục Sinh, sau cải tổ Phụng Vụ, tôi mất đi một giây phút ấn tượng của thời trước: lễ nghi đang diễn tiến dài dòng, chợt có một điểm bừng sáng: phẩm phục của Linh Mục từ mầu tím đột nhiên đổi sang mầu trắng; những tấm màn tối màu âm u hạ xuống, hoa nến ở đâu xuất hiện tưng bừng, cả Nhà Thờ sáng rực lên. Bù lại, tôi có được những ấn tượng khác, rất sâu đậm: nghi lễ thắp nến Phục Sinh giữa đêm tối với lời tuyên xưng “Đức Ki-tô hôm qua và hôm nay khởi nguyên và khánh thành, an-pha và ô-mê-ga thời gian là của người, đời đời là của người”... Tôi lại được nghe, được hiểu bài tán tụng “Exultet” như đôi cánh tung bay, và lời ca Ha-lê-lu-ya trở nên cực kỳ thấm thía.

Tôi còn phải nhắc tới những kinh nghiệm quý báu nơi những vùng việc Đạo đang gặp khó khăn: những nghi lễ Hôn Phối và An Táng đã gây ấn tượng như thế nào trong lòng các bạn bè chưa có Đức Tin, và đã trở nên một dịp loan báo Tin Mừng như thế nào.

Tôi chỉ gi lại trên đây cảm giác của một người tầm thường, chưa dám bàn đến những ý nghĩa sâu xa cần đến các giáo sư Phụng Vụ để làm sáng tỏ.

Nghĩ lại, so với thời bà tôi, tôi cũng đã đi được một chặng đường khá dài. Vậy thì ai lại lội ngược dòng tiến bộ ? Hãy hăng say leo lên đài tương lai. Chỉ có điều con đường đi lên cũng có những hiểm trở của nó. Phải chăng những tranh cãi về bản dịch Phụng Vụ mới cũng có cái gì phản ảnh những hiểm trở đó?

Ngày xưa bà tôi “A-ve-ma-ri-a, đầy ga-la-ti-a” quê tôi “Đền vàng quỳ trước dâng hoa” thì cũng chưa phải là lý tưởng, và chắc chắn cuộc sống hồi ấy cũng có những trái ngang của nó. Nhưng trong cõi nhân sinh ấy, hình như có một sự hòa hợp nào đấy: ý với tình, nội tâm với lời nói như nhần nhuyễn với nhau, dù cho tiếng La-tinh với chữ Hán lẫn lộn nhau như thế không theo quy luật nào cả. Ai, và thời nào, dám tự cho rằng ý, tình, lời của mình đã đạt đến mức đồng cảm hoàn toàn với Đức Tin của Hội Thánh vốn là cõi cao sâu vô cùng ! Nhưng ít ra những ý ấy, tình ấy, lời ấy giống như những con suối nhỏ quanh co nhưng nhất mực chảy về sông cả biển khơi. Và như thế đó vẫn là những hợp âm quý giá trong bản giao hưởng Đức Tin của toàn Dân Chúa.

Chúng ta bây giờ cũng thế thôi. Cái trái ngang của chúng ta hôm nay hình như là ta đang phải vật lộn với một sự lỏng chỏng nào đó. Với tất cả những tiến bộ, kiến thức, tăng trưởng ta đã thủ đắc, ta đã lúng túng như chưa đạt được một tổng hợp nhần nhuyễn. Trong cố gắng diễn tả Đức Tin cho thật chuẩn xác, đôi khi ta có cảm tưởng như ý ở một đàng, tình ở một nẻo, và ngôn ngữ ta dùng trở nên đề tài tranh cãi gay go với nhau.

Ta hãnh diện vì Đại Lục Châu Á của ta là vùng đất của tâm linh, là nơi phát xuất của các tôn giáo lớn. Đạo Chúa Ki-tô cũng phát xuất từ Châu Á. Các giáo sư Thánh Kinh có giảng rằng Thánh Kinh có nhiều điểm, nhiều lối nói người phương Đông dễ hiểu, để thông cảm hơn người phương Tây. Dù sao, ta là người Đông Á, còn Thánh Kinh lại mang sắc thái Tây Á, thành ra cái giống nhau và cái khác nhau đan xen. Trong lịch sử, Đạo lại đi một vòng dài qua phương Tây rồi mới sang Á Đông. Bao nhiêu giai đoạn là bấy nhiêu tầng ngôn ngữ và văn hóa. Là một Đức Tin phổ quát mà biết bao nhiêu bộ mặt biến hóa.

Với cái di sản vô giá và đồ sộ ấy, khi ta cố gắng nói lên Đức Tin tinh tuyền, thì thường có một hơi hướng Tây Tây thế nào đó. Cái ngữ văn, ngữ điệu ấy, hình như chưa đích thực là ta hoàn toàn. Ta có phần nào giống như cô gái quê của Nguyễn Bính:


“Hôm qua em lên tỉnh về

Hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều”.

Dĩ nhiên, không thể dựa vào cái cảm giác “lỏng chỏng” để đối lập thời ta với thời “đầy ga-la-ti-a” và “Đền vàng quỳ trước dâng hoa” coi như thời xưa là một tổng hợp hoàn hảo, còn thời nay là một sự bát nháo. Làm sao có thể quên rằng trong lịch sử truyền giáo ở Trung Quốc cũng như ở ta, đã có những có cuộc tranh cãi kịch liệt về từ ngữ và về đường lối mục vụ giữa các Thừa Sai với nhau. Những công thức kinh kệ cũng là những gì chắt lọc được từ những tranh cãi sôi nổi ấy.

Cuộc sống là một chuỗi những diễn biến biện chứng với những khía cạnh mâu thuẫn rốt cuộc rồi cũng đạt được một tổng hợp quân bình nào đó trong một thời gian, trước khi những thúc bách tiến bước tạo ra những mâu thuẫn mới để lại rồi cần thời gian mới để tìm ra một tổng hợp quân bình mới. Biết đâu khi bà tôi bình an với “Ma-ri-a đầy ga-la-ti-a” vì được “Chúa Dêu ở cùng” là một thời gian quân bình như thế, và những tranh cãi của chúng ta bây giờ là một giai đoạn mâu thuẫn để đi tìm một quân bình mới?

Sau khi xuất hiện nhiều ý kiến nặng nhẹ về bản dịch Phụng Vụ mới, thấy có một vài bài giải thích về chủ ý cũng như cách làm việc của Ủy Ban Phụng Tự. Theo những người thông thạo tin tức cho biết thì ý các Đấng hữu trách là sau những giải thích ấy sẽ không trả lời ai nữa. Tôi trộm hiểu rằng các Đấng đã giải thích rồi có nghĩa là việc đã quyết định, không nói tới nói lui gì nữa, cứ thế thi hành thôi. Còn không trả lời ai nữa thì có nghĩa là các vấn đề nêu lên vẫn còn nguyên trạng đấy. Và như thế ta gặp lại cái tương quan biện chứng giữa sự dừng bước và sự tiến bước. Tiến là để tìm tới một điểm dừng, và dừng là để lộ ra những bức xúc khiến cho phải tiến nữa. Nói theo kiểu Thánh Kinh, có một thời để dừng và một thời để tiến...

VŨ, Hà Nội 24.7.2006 ( Còn tiếp )

ÔN LẠI NHỮNG LỜI KINH XƯA

Những trăn trở chung quanh một bản dịch xét cho cùng cũng nói lên cái ước ao được hòa hợp giữa ý với tình. Cả ý lẫn tình vốn không đứng yên một chỗ, vẫn tiến hóa mà lại phải hòa quyện với nhau; không thế thì con người như bị xẻ chia rất tội nghiệp. Từ thời ca vãn dâng hoa đến nay, ý với tình đều đã trôi nổi, đã kinh qua lắm đoạn nhiều đường; người ngày nay cũng có nhu cầu nói được những tình ý của mình. Một khi đã đón nhận Đức Tin, đã được Đức Tin cảm hóa, thì Tin sinh ra Tình.


Khi nói Đức Tin, nhất là khi cầu nguyện, khi cử hành Phụng Vụ, mà phần tâm, phần tình lại bị dồn nén, ức chế, thì ng ta có cảm tưởng như đang ăn, đang nói mà trong miệng lại cứ trệu trạo sỏi sạn. ý với tình hòa quyện được với nhau sẽ tạo ra vẻ đẹp, và Phụng Vụ là lời cầu nguyện chính thống của Hội Thánh, không thể không đẹp, không thể trái thẩm mỹ.


Ở Châu Âu hiện nay nhiều vị hữu trách về mục vụ cho rằng nét đẹp, ấn tượng thẩm mỹ chính là nhân tố đánh thức Lòng Tin nơi người đương thời. Ai cũng biết Châu Âu, đặc biệt là Tây Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng tâm linh, một giai đoạn khó khăn về tôn giáo. Nhà Thờ vắng người, xã hội sống lập pháp, vui chơi, hưởng thụ mà chẳng cần biết Đức Tin dạy gì, Giáo Hội nghĩ sao; tệ hơn nữa, có khi Đạo và Giáo Hội còn bị cái xã hội loạn xà ngầu ấy gán cho là lạc hậu, là phản tiến hóa, là đầu mối của lắm nỗi oan khiên. Trong một xã hội như thế, mà vẻ đẹp của Kinh Nguyện và Phụng Vụ lại có tác động thức tỉnh Lòng Tin, thì đủ thấy cái đẹp ấy không phải chỉ là mầu mè bề ngoài, nhưng nó gắn liền với cõi thâm tâm, nó là sự sống thăng hoa.

Việt
Nam ta nhờ ơn Chúa thương vẫn còn là một lối sinh hoạt Đạo có tính đại chúng, chắc chắn sinh ơn huệ cho rất nhiều tâm hồn. Nhưng có thể lo âu tự hỏi phải chăng cái tính đại chúng ấy có lúc lấn át, đánh giá thấp, hay là vô tâm đối với lãnh vực thẩm mỹ ? Chẳng lẽ phải đợi đến khi khủng hoảng như bên Tây rồi mới đi tìm cái đẹp ?


Nhớ lại những lần ngồi nghe cha giáo Mi-ca-e Nguyễn Hữu Phú giảng về Phụng Vụ. Cha say sưa đọc liên tiếp mấy chục kinh Phụng Vụ Tạ Ơn của Giáo Phụ ngày xưa, hết vị này đến vị khác. Lũ học trò ngơ ngác hỏi thầm nhau: “Sao cha đọc nhiều thế !” Về sau, quen với lỗi suy nghiệm và những phút bốc lửa của cha, lũ học trò mới ngộ ra rằng đối với cha, mỗi câu, mỗi chữ trong những Kinh Nguyện Tạ Ơn ấy đều nặng trĩu những mầu mỡ của Lòng Tin, đều nặng trĩu hồng ân, nặng trĩu linh hồn. Cha đã đi vào hiệp thông với những Giáo Phụ thời cổ, chia sẻ với các ngài những vầng trời cao sáng vời vợi vô biên.

Ngược dòng thời gian mà tìm thấy kho báu đó thì lại muốn đưa về chia sẻ với đồng đạo ngày nay. Linh Mục nho sĩ Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, một người đã trả giá đắt để tìm thấy chất men Tin Mừng trong một chuyến bay trên bầu trời Đông Á để đi phó hội quốc tế, đã tức cảnh sinh tình viết bài thơ:

“Thái Bình Dương thượng, Thái Bình Thiên

Viễn thuỷ trường không, nhất sắc tiên...

Không gian đảo dữ thời gian chuyển,

Kinh tuyến thiên đồng, vĩ tuyến thuyên...”


Tôi xin mạn phép hiểu chệch ý kiến tác giả một chút, vì lời thơ quá sắc nét. Ngày xưa các Giáo Phụ chung quanh vùng phía đông Địa Trung Hải cầm bánh rượu ngước mắt lên trời mà thấy Đức Tin dậy men trong lòng mình bật ra lời kinh tạ ơn. Làm thế nào để chất men ấy cũng dậy lên trong lòng những người Việt trên bờ Thái Bình dương khi ngước mắt nhìn lên “Thái Bình Thiên”. Xứ sở này là một cõi “viễn thuỷ trường không” so với ngôn ngữ các Giáo Phụ. Cả “không gian và thời gian, kinh tuyến và vĩ tuyến” đều đã đổi thay, vậy mà vẫn là một Đức Tin duy nhất, như cha Thích viết trong câu kết:


“Phùng nghinh quốc tế hữu kỳ duyên”.


Một lần tôi đưa ông bạn, người một nước ven bờ Địa Trung Hải đi dọc một quốc lộ Việt
Nam. Sáng sớm Chúa Nhật, cứ vài khúc lại gặp một đoàn người cùng nhau bước đi bên đường. Thế là biết đâu đó có một Xứ Đạo, một Nhà Thờ, và Dân Chúa đi dự Thánh Lễ hoặc dự Thánh Lễ về, cứ vài khúc đường lại gặp những cây cầu, những dòng sông cuồn cuộn, những ruộng, những đồng. Và anh bạn Địa Trung Hải kêu: “Que d’eau ! Que d’eau !” – xứ sở này chứa chan nguồn nước. Tôi hiểu rằng vùng ven Địa Trung Hải của anh khô khan hơn, cỏ cây và con người khác ở đây.


Và tôi thầm ước niềm tin chung của chúng tôi vào Chúa Ki-tô hy sinh thân mình vì con người và đổ máu mình để lập giao ước mới, khi nẩy nở ở đây cũng hòa vào tâm hồn của những con người được nhào nặn bên ruộng lúa hay trên sông nước, bên lũy tre bụi chuối, bên những rừng tràm rừng đước, và những tán rừng nhiệt đới, và với một lịch sử như ta đã biết ....

VŨ, Sài-gòn 29.7.2006 ( Hết )