Saturday, 29 May 2010

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Không gì khác ngoài sự chia rẽ?


[ Lc 12,49-53 ]


1. “Anh em nghĩ : Ta xuất hiện để ban bình an trên mặt đất ư ? Không đâu ! Ta bảo anh em, không khác gì ngoài sự chia rẽ !

Lại một “lời chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi” (Ga 6,60,x. chương sau)

Nhưng quả là Đức Yêsu chỉ biết loan báo, rao giảng Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng thì không phải là quảng cáo, chào hàng hay “tiếp thị”. Loan báo Tin Mừng không phải là thuyết khách hay tuyên truyền. Tin Mừng đích thực là Tin Mừng cũng vì không phải để “nghe rồi bỏ”. Tin Mừng bật rễ con người, xáo trộn cuộc đời. Chí ít, thì Tin Mừng mời đi dự tiệc, đòi hỏi phải dẹp qua một bên việc đi thăm ruộng mới tậu, đi thử năm cặp bò mới mua và cả việc yên ổn ở nhà với vợ mới cưới (Lc 14,16-24).

Chúa Yêsu xuất hiện không phải để thêm một anh gác cổng bảo vệ sự yên ổn, ổn định giả tạo hay dối trá của con người. Ngài đến là không để ai yên. Thậm chí Ngài đem lại “sự chia rẽ”. Vì Tin Mừng là “hãy tìm kiếm Nước Trời trước đã và sự công chính của Thiên Chúa” (Mt 6,33). Cho nên phải lựa chọn. Lựa chon dứt khoát và triệt để. Lựa chọn thì không tránh được sự từ bỏ, “sự chia rẽ”.

“Từ nay trong nhà có năm người, họ sẽ chia rẽ với nhau: cha với con, con với cha, mẹ với con gái, con gái với mẹ, mẹ chồng với con dâu, con dâu với mẹ chồng”. Chia rẽ vẫn là vì phải chọn lựa, có khi phải chọn lựa: “Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta ắt không xứng với Ta. Kẻ yêu con trai con gái hơn Ta, ắt không xứng với Ta” (Mt 10,37). Trong Lc, theo ngôn ngữ Cựu Ước, còn là: “Kẻ nào đến với Ta mà không ghét cha mẹ, vợ , con cái, anh em mình và cả mạng sống mình nữa, ắt không thể làm môn đồ của Ta” (Lc 14,26).

Và cả mạng sống mình nữa. “Chia rẽ” theo Tin Mừng thật ra đâu phải bắt đầu với người thân mà với chính bản thân mình. Theo Chúa Yêsu là phải “chia rẽ” với Mammon vẫn sẵn chỗ thường trú trong lòng người: “Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6,24). Cho nên “phàm ai trong anh em không từ bỏ của cải mình đi hết thảy thì không thể làm môn đồ của Ta” (Lc 15,33). Zakkhê đã hiểu điều đó (Lc 19,1-10). Theo Chúa Yêsu là sẵn sàng “chia rẽ” với tai mắt, mũi họng, tay chân của mình: “Nếu tay anh làm anh vấp phạm thì hãy chặt nó đi, thà cụt tay mà vào, còn hơn… Nếu chân anh làm anh vấp phạm, thì hãy chặt nó đi, thà anh què chân mà vào sự sống… Nếu mắt anh làm anh vấp phạm, thì hãy móc nó đi, thà anh chột mắt mà vào nước Thiên Chúa thì hơn…” (Mc 9,43-47). Và không phải chỉ “chia rẽ” với tay chân, tai mắt mũi họng, mà còn cả với mạng sống mình nữa, “chối bỏ chính mình”. Vẫn cứ vì phải chọn lựa: “Kẻ cố tìm sự sống mình thì sẽ mất, còn kẻ đánh mất sự sống mình vì Ta thì sẽ gặp lại” (Mt 10,39).


2. Chúa Yêsu đã chấp nhận những chọn lựa như thế, “sự chia rẽ” như thế cho chính Ngài.

Cuộc sống ở Nazaret âm thầm nhưng không hẳn phải lúc nào cũng êm xuôi theo nghĩa thường tình. Câu chuyện xảy ra ở Đền thờ Yêrusalem lúc Ngài lên 12 tuổi có lẽ không phải chỉ là một ngoại lệ. “Hằng tùng phục cha mẹ”, nhưng vì vẫn luôn có bổn phận “ở nhà Cha” (Lc 2,41-52), vẫn phải đặt quan hệ giữa Ngài với Chúa Cha lên trên mọi quan hệ khác, lấy việc làm theo thánh ý Cha làm quy tắc tối thượng, nên hẳn trong cuộc sống hằng ngày, không hiếm khi Ngài đã phải khiến cho “ông bà không hiểu lời Ngài nói với họ” cũng như việc Ngài làm.

Lên đường rao giảng Tin Mừng, Đức Yêsu chấp nhận “sự chia rẽ” với bà con thân thích của Ngài. Lúc thì “những kẻ thân thuôc của Ngài ra đi để bắt Ngài vì họ bảo: Ông ấy đã mất trí!” (Mc 3,21). Lúc thì họ hoang mang, ngờ vực “bị vấp phạm vì Ngài” (Mc 6,3). Và Đức Yêsu phải bảo họ: “Tiên tri mà có bị khinh khi thì chỉ ở nơi quê quán, bà con, nơi nhà mình thôi!” (Mc 6,4). Còn khi họ tháp tùng thân mẫu Ngài đến tìm Ngài thì Ngài lại xác quyết ưu tiên phải dành cho công việc Nước Trời và quan hệ trong Nước Trời mới đáng kể hơn quan hệ giữa trần thế: “Ai là mẹ Ta và ai là anh em Ta?”, “Rồi nhìn quanh mình các người ngồi vòng quanh Ngài…” (Mc 3,31-35).

Để không lấp liếm Tin Mừng, Đức Yêsu đã chấp nhận cả sự chia rẽ giữa và với các môn đồ của Ngài. Ba lần báo trước thương khó đều đã chỉ gây lộn xộn: Phêrô phản ứng bậy bạ (Mc 8,31-33), các môn đồ lạc lõng “không hiểu” (Mc 9,30-32), hay còn chuyện tranh giành, gây gổ nhau (Mc 10,32-41). Rao giảng về “bánh bởi Trời” thì “trong các môn đồ của Ngài có nhiều người nói: “Lời chi mà sống sượng thế! Ai nào có thể nghe nổi” và “ từ đó nhiều môn đồ của Ngài đã rút lui, không còn đi theo Ngài nữa”.

“Loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó” (Mt 11,5), “tiếp đón quân tội lỗi và cùng ăn với chúng” (Lc 15,3), Ngài không đoàn kết nổi với giới ăn trên ngồi trốc về mặt quyền lực như Vua Hêrôđê, “con cáo đỏ” (Lc 13,31-32) và “những kẻ có y phục sang quý, sống trong kiều dưỡng ở hoàng cung” (Lc 7,22), về mặt tôn giáo như “các thượng tế, kỳ mục và kinh sư” (Mc 14,53) và về mặt đạo đức như các ông biệt phái, “những kẻ tự tin rằng mình là người công chính mà khinh miệt kẻ khác” (Lc 18,9). Đức Yêsu càng hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,30) bao nhiêu đối với những kẻ bé mọn thì lại càng nghiêm khắc, “nẩy lửa” bấy nhiêu khi Ngài hạch tội giới ăn trên ngồi trốc kia: “Khốn cho các ngươi, bọn dẫn đàng mù quáng… Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình…” (Mt 23,13-32), Chúa chiên lành biết gọi tên từng con chiên của mình (Ga 10,3) thì cũng biết vạch mặt chỉ tên những kẻ “là trộm là cướp”, là “sói” (Ga 10.3-12, xem tt. 205-212), rồi hết “con cáo đó” lại đến “đồ mãng xà, nòi rắn độc” (Mt 21,33).

Như thế, Chúa Yêsu đã không nói quá đáng chút nào: “Ta xuất hiện để ban bình an trên mặt đất ư? không đâu…” Và cuối cùng là sự chọn lựa tột cùng: Ngài “đánh mất sự sống mình”. Một chọn lựa không ngọt ngào gì mà là trong “kinh hoàng và âu sầu” (Mc 14,33) nếu không phải là cả với “mồ hôi như máu nặng giọt rỏ xuống đất” (Lc 22,44).

Một thanh dọc và một thanh ngang. Thập giá cũng có thể được coi là biểu tượng của “sự chia rẽ” cần thiết.

Nhưng “đành mất sự sống mình để mà gặp lại”. “Chia rẽ” với sinh mệnh của mình đến đổ máu trên thập giá để “triệt hạ tường ngăn thành chắn (…) đem lại bình an và giảng hòa hai dân - trong một thân mình - với Thiên Chúa, nhờ thập giá, giết chết hằn thù nơi mình Ngài. Và Ngài đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em, những kẻ ở xa và ban bình an cho những kẻ ở gần” (Ep 2,14-18). Từ lời chào, lời chúc của Đấng Sống Lại: “Bình an cho anh em” (Ga 20,19 và 21).

Giảng hòa giữa người với người (trong Thánh Phaolô cụ thể là giữa dân ngoại và dân Israel) bây giờ mới là giảng hòa đích thực và nhờ còn là giảng hòa giữa người “với Thiên Chúa” (Ep 2,16). “Trong một thân mình”, Thân Mình của Đức Kitô. Thanh dọc và thanh ngang, thập giá dấu hiệu chia rẽ triệt để với Kẻ Ác, với tội lỗi lại trở thành Giao điểm tuyệt đối và vĩnh hằng cho người người nên một với Đức Kitô.

Bình an cho anh em” cũng là “bình an nhờ Bửu Huyết đổ ra nơi thập giá của Ngài” (Lc 1,20) và là “hoa quả của Thần Khí” (Gl 5,22). Chúa Yêsu để lại, ban bình an của Ngài cho chúng ta, nhưng “không phải như thế gian ban cho thế nào thì Ngài cũng ban cho đâu” (Ga 14,27). Bình an khác hẳn. Kẻ tin “được bình an trong Ngài” mặc dù vẫn “phải khốn quẫn trong thế gian” (Ga 16,33). Sự bình an cũng như nỗi vui mừng “không ai giật mất được” (Ga 16,22).


3. Kẻ tin đi theo Chúa Yêsu là đi cùng một con đường với Ngài. Con đường của những lựa chon không dễ dàng, của những “chia rẽ”, từ bỏ. “Kẻ không vác thập giá mình mà theo Ta, ắt không xứng với Ta”. Mà vác khổ giá theo Ngài là không yêu cha mẹ, không yêu con trai, con gái hơn Ngài (Mt 10,37-38). Khổ giá của những lựa chọn cam go hơn là của những đau khổ ướt át.

Điều đáng nhấn mạnh là con đường ấy không nhất thiết là con đường tu mà là con đường tín. Tất cả những ai tin theo Chúa Yêsu, đều được mời gọi đi vào con đường ấy. Không có con đường nào khác.

Người tân tòng khi chỉ vì theo đạo mà bị cha mẹ, họ hàng “từ” là đã dấn thân vào con đường ấy.

Trong cuộc sống của kẻ tin, không thiếu khi phải chọn lựa xé lòng. Không đua đòi làm ăn, kiếm tiền bằng bất cứ cách nào, khiến gia đình thiếu trước hụt sau, vợ không ăn mặc bằng người, con không học được các trường phải ký sổ vàng hằng năm bảy triệu đồng mới vào lọt: người đời sẽ chê là không biết thương vợ thương con, nhưng Chúa Yêsu lại không ngại gọi là “ghét vợ, ghét con” và đòi hỏi như một điều kiện cần để trung thành với Ngài. Một trường hợp không phải là phi thường gì trước 1975 và chỉ trước 75: Tôi là sĩ quan có công việc làm êm ả ở Sàigòn. Vợ tôi buôn bán thêm. Lương chồng cộng tiền vợ làm ra đang bảo đảm cho gia đình con cái sống đầy đủ. Tôi không muốn tham nhũng mà cũng không cần tham nhũng. Nhưng nếu không tham nhũng thì lại không có gì để “đóng hụi” cho sếp cũng như các bạn đồng sự. Chưa kể là tôi sẽ làm trục trặc guồng máy. Người ta sẽ tống tôi lên cao nguyên, khốn khổ cho cả vợ con. Tôi phải làm sao đây? Ngây giờ đây, con em chúng ta học hành chăm chỉ, có thể tự làm bài thi mà không đến nỗi nào, nhưng nếu không quay cóp như “luật chơi” đang phổ biến thì vừa không giống ai vừa không bằng ai, điểm sẽ không đủ để trúng tuyển vào đại học, vậy thì nên khôn như thiên hạ hay cứ phải dại như… Chúa? Trung thành với Tin Mừng thì không thể có những câu trả lời ấm ớ, nửa vời cho những trường hợp như thế. Nếu kẻ tin chưa đáp ứng được đòi hỏi của Tin Mừng thì ít nữa cũng cần được biết là mình chưa sống đạo.

Những trường hợp như thế không thiếu gì trong cuộc sống. Không cứ phải đợi đến khi bị đặt trước việc phải đạp lên dấu thập giá như các thánh tử đạo ngày xưa, người tín hữu mới phải đối diện với những đòi hỏi triệt để của Tin Mừng. Vả lại khi cần chết vì đạo thì đâu phải chỉ kẻ tu mới phải sẵn sàng “đánh mất sự sống mình”. Trong số 117 thánh tử đạo Việt Nam đã có đến 42 giáo dân. Có lẽ không đâu bằng ở Việt Nam, Hội Thánh có được nhiều thánh giáo dân như thế. Nói gì đến tỷ lệ bảy, tám mươi phần trăm tín hữu không phải là giáo sĩ, tu sĩ trong “con số 100.000 tử đạo và 500.000 người chết trong những nơi rừng sâu nước độc, nhất là vì sắc lệnh vua Tự Đức năm 1860 người công giáo bị đầy đi phân tán trên toàn quốc” (Thư thình nguyện của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 16.11.1985). Hay trong con số 1.285 “đầy tớ Chúa” đã có hồ sơ xin phong thánh.


4. Con đường của những lựa chọn, “chia rẽ”, từ bỏ đã là con đường của mọi kẻ tin thì giáo dân, tu sĩ, linh mục đi cùng một con đường ấy với những hoàn cảnh, cách thức khác nhau, chứ không phải là đi những con đường khác nhau. Cũng không phải là có “bậc” đi ô tô, có “bậc” đi xe gắn máy, có “bậc” cứ phải hay cứ được quyền cuốc bộ, nhởn nhơ, tà tà. Những nếp sống khác nhau thì đúng hơn là những “bậc” thánh thiện trên dưới như theo một hệ thống quân giai.

Có lẽ chính vì cần phải chỉnh lại một lối nhìn nào đó mà Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã nhắc lại hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân (tiết 40): “Lời kêu gọi hãy đạt tới mức viên mãn của đời sống Kitô hữu và tới mức hoàn hảo của đức ái, đã được gửi tới tất cả những người tin Chúa Kitô, dù họ ở địa vị nào và ở bậc sống nào”. Sách Giáo lý còn thêm: “Hết mọi người đều được kêu gọi nên thánh: “Anh em hãy trở nên hoàn thiện như Cha anh em ở trên trời là Đấng Toàn Thiện” (Mt 5,48)… Con đường của sự toàn thiện phải qua đường thập giá. Không thể có sự thánh thiện, nếu không có sự từ bỏ mình và chiến đấu thiêng liêng”.


Do đó, cũng nên xét lại một số khái niệm, kiểu nói tuy quen thuộc nhưng không mấy đúng đắn mà còn đáng kể là “trật chìa” (vì hoàn toàn không phải là những chìa khóa để mỏ cửa đưa vào Lời Chúa):


a. Như khi nói đi tu là “bỏ thế gian”. Các tu sĩ có quyền “bỏ thế gian” thật không khi mà “Thiên Chúa đã yêu mến thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài… Sai Con đến trong thế gian…”(Ga 3,16-17)?


Đành rằng “thế gian” trong Tin Mừng theo Thánh Yoan có hai nghĩa: thế gian được Thiên Chúa yêu thương cứu độ và thế gian tà vạy, tội lỗi, dính dấp với Kẻ Dữ. Nhưng thế gian được Thiên Chúa yêu thương thì mọi kẻ tin, kể cả các kẻ tu (nếu không phải: nhất là các kẻ tu) đều được sai đến. Đồng thời tu hay không tu, mọi kẻ tin đều phải từ bỏ thế gian tà vạy, tội lỗi. Cũng như tu sĩ không hề được miễn chuẩn điều răn thứ tư, mà giáo dân thì khi phải chọn lựa lại cũng phải “ghét cha mẹ, vợ, con cái, anh em mình…” Mọi kẻ tin, tu hay không tu đều “không thuộc về thế gian” như chính Chúa Yêsu “không thuộc về thế gian” như chính Chúa Yêsu “không thuộc về thế gian”. Nhưng mọi kẻ tin, tu hay không tu, thì Ngài đều “không xin Cha cất họ khỏi thế gian” mà còn “sai họ đến trong thế gian như Cha đã sai Con đến trong thế gian” (Ga 17,14-18, xem tt. 219-228).


b. Cũng như khi đề cao linh mục trong ngày thụ phong mà gọi là “Alter Chritus”, “Đức Kitô khác”. Ý lực của Tân Ước là chỉ có một Đức Kitô, độc nhất vô nhị. Và các tín hữu thì “thuộc về Đức Kitô” (1Cr 3,32; Gl 3,29 .v.v…) là “thân mình của Đức Kitô” (1Cr 12,27), là “hương thơm của Đức Kitô” là “bức thư của Đức Kitô”, “ở trong Đức Kitô”, là “vinh dự của Đức Kitô”, “được mặc lấy Đức Kitô” là “một trong Đức Kitô” v.v…, đủ cả, nhưng không hề có chuyện là “Đức Kitô khác”. Đức Kitô “mạnh sức nơi” các tín hữu. “Đức Kitô ở trong họ. Đức Kitô là “tất cả mọi sự và trong một người”. Và khi thánh Phaolô quả quyết “Tôi sống nhưng không phải tôi mà là chính Đức Kitô sống trong tôi”, hoặc “đối với tôi, sống chính là Đức Kitô”, Ipse Christus, thì nguyên tư cách là tín hữu đã đủ cho Ngài quả quyết như thế.

Còn nếu “Alter Christus” không có trong Tân Ước nhưng đã xuất hiện trong truyền thống của Hội Thánh, thì Đức Yoan Phaolô II vừa nhắc cho nhớ chính xác hơn: “Từ thời các giáo phụ, đã có thói quen khẳng định : “Christianus Alter Christus” (Kitô hữu là một Đức Kitô khác). Người ta đã muốn qua đó nhấn mạnh về phẩm giá vượt bực của mọi kẻ được thanh tẩy và ơn gọi họ nên thánh trong Đức Kitô”. Christianus Alter Christus chứ không phải chỉ Sacerdos Alter Christus. Đã thế thì chẳng có lý do gì để dành riêng cho linh mục một danh xưng đã được các giáo phụ tặng chung cho tất cả các tín hữu. Chưa kể “Ipse Christus” như theo Thánh Phaolô vẫn hơn là “Alter Christus” theo các giáo phụ!


Cuối chương trả lời về thân thế giáo chủ của mình, Đức Yoan – Phaolô II còn “khuyên đọc Thánh Augustinô”. Theo ngài, vị thánh tiến sĩ hàng đầu này của Hội Thánh “đã thích lặp đi lặp lại : “Vobis sum episcopus, vobiscum christianus” (tôi là giám mục cho anh em, tôi là Kitô hữu những anh em). Suy cho kỹ nghĩ cho cùng thì Christianus có ý nghĩa hơn hẳn episcopus, cho dẫu là giám mục Rôma đi nữa !”.

Chính giám mục Rôma đương nhiệm, Đức Yoan Phaolô II quả quyết như thế (Bước qua ngưỡng của của hy vọng, chương đầu). Phải chăng là để tiếp nối Thánh Phalô chia sẻ với tất cả các kẻ tin cùng một niềm hân hoan, vinh dự căn bản nhất, sâu xa nhất mà cũng đòi hỏi nhất: “Biết mình đã tin vào Ai” (2Tm 1,12) “đã được thanh tẩy trong Đức Kitô Yêsu” (Rm 6,3) và chỉ nguyên vì thế vì là kẻ tin mà “sống chính là Đức Kitô”, Ipse Christus.

Gs Nguyễn Ngọc Lan

2002

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com;

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: