Saturday, 29 May 2010

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Không gì khác ngoài sự chia rẽ?


[ Lc 12,49-53 ]


1. “Anh em nghĩ : Ta xuất hiện để ban bình an trên mặt đất ư ? Không đâu ! Ta bảo anh em, không khác gì ngoài sự chia rẽ !

Lại một “lời chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi” (Ga 6,60,x. chương sau)

Nhưng quả là Đức Yêsu chỉ biết loan báo, rao giảng Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng thì không phải là quảng cáo, chào hàng hay “tiếp thị”. Loan báo Tin Mừng không phải là thuyết khách hay tuyên truyền. Tin Mừng đích thực là Tin Mừng cũng vì không phải để “nghe rồi bỏ”. Tin Mừng bật rễ con người, xáo trộn cuộc đời. Chí ít, thì Tin Mừng mời đi dự tiệc, đòi hỏi phải dẹp qua một bên việc đi thăm ruộng mới tậu, đi thử năm cặp bò mới mua và cả việc yên ổn ở nhà với vợ mới cưới (Lc 14,16-24).

Chúa Yêsu xuất hiện không phải để thêm một anh gác cổng bảo vệ sự yên ổn, ổn định giả tạo hay dối trá của con người. Ngài đến là không để ai yên. Thậm chí Ngài đem lại “sự chia rẽ”. Vì Tin Mừng là “hãy tìm kiếm Nước Trời trước đã và sự công chính của Thiên Chúa” (Mt 6,33). Cho nên phải lựa chọn. Lựa chon dứt khoát và triệt để. Lựa chọn thì không tránh được sự từ bỏ, “sự chia rẽ”.

“Từ nay trong nhà có năm người, họ sẽ chia rẽ với nhau: cha với con, con với cha, mẹ với con gái, con gái với mẹ, mẹ chồng với con dâu, con dâu với mẹ chồng”. Chia rẽ vẫn là vì phải chọn lựa, có khi phải chọn lựa: “Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta ắt không xứng với Ta. Kẻ yêu con trai con gái hơn Ta, ắt không xứng với Ta” (Mt 10,37). Trong Lc, theo ngôn ngữ Cựu Ước, còn là: “Kẻ nào đến với Ta mà không ghét cha mẹ, vợ , con cái, anh em mình và cả mạng sống mình nữa, ắt không thể làm môn đồ của Ta” (Lc 14,26).

Và cả mạng sống mình nữa. “Chia rẽ” theo Tin Mừng thật ra đâu phải bắt đầu với người thân mà với chính bản thân mình. Theo Chúa Yêsu là phải “chia rẽ” với Mammon vẫn sẵn chỗ thường trú trong lòng người: “Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6,24). Cho nên “phàm ai trong anh em không từ bỏ của cải mình đi hết thảy thì không thể làm môn đồ của Ta” (Lc 15,33). Zakkhê đã hiểu điều đó (Lc 19,1-10). Theo Chúa Yêsu là sẵn sàng “chia rẽ” với tai mắt, mũi họng, tay chân của mình: “Nếu tay anh làm anh vấp phạm thì hãy chặt nó đi, thà cụt tay mà vào, còn hơn… Nếu chân anh làm anh vấp phạm, thì hãy chặt nó đi, thà anh què chân mà vào sự sống… Nếu mắt anh làm anh vấp phạm, thì hãy móc nó đi, thà anh chột mắt mà vào nước Thiên Chúa thì hơn…” (Mc 9,43-47). Và không phải chỉ “chia rẽ” với tay chân, tai mắt mũi họng, mà còn cả với mạng sống mình nữa, “chối bỏ chính mình”. Vẫn cứ vì phải chọn lựa: “Kẻ cố tìm sự sống mình thì sẽ mất, còn kẻ đánh mất sự sống mình vì Ta thì sẽ gặp lại” (Mt 10,39).


2. Chúa Yêsu đã chấp nhận những chọn lựa như thế, “sự chia rẽ” như thế cho chính Ngài.

Cuộc sống ở Nazaret âm thầm nhưng không hẳn phải lúc nào cũng êm xuôi theo nghĩa thường tình. Câu chuyện xảy ra ở Đền thờ Yêrusalem lúc Ngài lên 12 tuổi có lẽ không phải chỉ là một ngoại lệ. “Hằng tùng phục cha mẹ”, nhưng vì vẫn luôn có bổn phận “ở nhà Cha” (Lc 2,41-52), vẫn phải đặt quan hệ giữa Ngài với Chúa Cha lên trên mọi quan hệ khác, lấy việc làm theo thánh ý Cha làm quy tắc tối thượng, nên hẳn trong cuộc sống hằng ngày, không hiếm khi Ngài đã phải khiến cho “ông bà không hiểu lời Ngài nói với họ” cũng như việc Ngài làm.

Lên đường rao giảng Tin Mừng, Đức Yêsu chấp nhận “sự chia rẽ” với bà con thân thích của Ngài. Lúc thì “những kẻ thân thuôc của Ngài ra đi để bắt Ngài vì họ bảo: Ông ấy đã mất trí!” (Mc 3,21). Lúc thì họ hoang mang, ngờ vực “bị vấp phạm vì Ngài” (Mc 6,3). Và Đức Yêsu phải bảo họ: “Tiên tri mà có bị khinh khi thì chỉ ở nơi quê quán, bà con, nơi nhà mình thôi!” (Mc 6,4). Còn khi họ tháp tùng thân mẫu Ngài đến tìm Ngài thì Ngài lại xác quyết ưu tiên phải dành cho công việc Nước Trời và quan hệ trong Nước Trời mới đáng kể hơn quan hệ giữa trần thế: “Ai là mẹ Ta và ai là anh em Ta?”, “Rồi nhìn quanh mình các người ngồi vòng quanh Ngài…” (Mc 3,31-35).

Để không lấp liếm Tin Mừng, Đức Yêsu đã chấp nhận cả sự chia rẽ giữa và với các môn đồ của Ngài. Ba lần báo trước thương khó đều đã chỉ gây lộn xộn: Phêrô phản ứng bậy bạ (Mc 8,31-33), các môn đồ lạc lõng “không hiểu” (Mc 9,30-32), hay còn chuyện tranh giành, gây gổ nhau (Mc 10,32-41). Rao giảng về “bánh bởi Trời” thì “trong các môn đồ của Ngài có nhiều người nói: “Lời chi mà sống sượng thế! Ai nào có thể nghe nổi” và “ từ đó nhiều môn đồ của Ngài đã rút lui, không còn đi theo Ngài nữa”.

“Loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó” (Mt 11,5), “tiếp đón quân tội lỗi và cùng ăn với chúng” (Lc 15,3), Ngài không đoàn kết nổi với giới ăn trên ngồi trốc về mặt quyền lực như Vua Hêrôđê, “con cáo đỏ” (Lc 13,31-32) và “những kẻ có y phục sang quý, sống trong kiều dưỡng ở hoàng cung” (Lc 7,22), về mặt tôn giáo như “các thượng tế, kỳ mục và kinh sư” (Mc 14,53) và về mặt đạo đức như các ông biệt phái, “những kẻ tự tin rằng mình là người công chính mà khinh miệt kẻ khác” (Lc 18,9). Đức Yêsu càng hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,30) bao nhiêu đối với những kẻ bé mọn thì lại càng nghiêm khắc, “nẩy lửa” bấy nhiêu khi Ngài hạch tội giới ăn trên ngồi trốc kia: “Khốn cho các ngươi, bọn dẫn đàng mù quáng… Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình…” (Mt 23,13-32), Chúa chiên lành biết gọi tên từng con chiên của mình (Ga 10,3) thì cũng biết vạch mặt chỉ tên những kẻ “là trộm là cướp”, là “sói” (Ga 10.3-12, xem tt. 205-212), rồi hết “con cáo đó” lại đến “đồ mãng xà, nòi rắn độc” (Mt 21,33).

Như thế, Chúa Yêsu đã không nói quá đáng chút nào: “Ta xuất hiện để ban bình an trên mặt đất ư? không đâu…” Và cuối cùng là sự chọn lựa tột cùng: Ngài “đánh mất sự sống mình”. Một chọn lựa không ngọt ngào gì mà là trong “kinh hoàng và âu sầu” (Mc 14,33) nếu không phải là cả với “mồ hôi như máu nặng giọt rỏ xuống đất” (Lc 22,44).

Một thanh dọc và một thanh ngang. Thập giá cũng có thể được coi là biểu tượng của “sự chia rẽ” cần thiết.

Nhưng “đành mất sự sống mình để mà gặp lại”. “Chia rẽ” với sinh mệnh của mình đến đổ máu trên thập giá để “triệt hạ tường ngăn thành chắn (…) đem lại bình an và giảng hòa hai dân - trong một thân mình - với Thiên Chúa, nhờ thập giá, giết chết hằn thù nơi mình Ngài. Và Ngài đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em, những kẻ ở xa và ban bình an cho những kẻ ở gần” (Ep 2,14-18). Từ lời chào, lời chúc của Đấng Sống Lại: “Bình an cho anh em” (Ga 20,19 và 21).

Giảng hòa giữa người với người (trong Thánh Phaolô cụ thể là giữa dân ngoại và dân Israel) bây giờ mới là giảng hòa đích thực và nhờ còn là giảng hòa giữa người “với Thiên Chúa” (Ep 2,16). “Trong một thân mình”, Thân Mình của Đức Kitô. Thanh dọc và thanh ngang, thập giá dấu hiệu chia rẽ triệt để với Kẻ Ác, với tội lỗi lại trở thành Giao điểm tuyệt đối và vĩnh hằng cho người người nên một với Đức Kitô.

Bình an cho anh em” cũng là “bình an nhờ Bửu Huyết đổ ra nơi thập giá của Ngài” (Lc 1,20) và là “hoa quả của Thần Khí” (Gl 5,22). Chúa Yêsu để lại, ban bình an của Ngài cho chúng ta, nhưng “không phải như thế gian ban cho thế nào thì Ngài cũng ban cho đâu” (Ga 14,27). Bình an khác hẳn. Kẻ tin “được bình an trong Ngài” mặc dù vẫn “phải khốn quẫn trong thế gian” (Ga 16,33). Sự bình an cũng như nỗi vui mừng “không ai giật mất được” (Ga 16,22).


3. Kẻ tin đi theo Chúa Yêsu là đi cùng một con đường với Ngài. Con đường của những lựa chon không dễ dàng, của những “chia rẽ”, từ bỏ. “Kẻ không vác thập giá mình mà theo Ta, ắt không xứng với Ta”. Mà vác khổ giá theo Ngài là không yêu cha mẹ, không yêu con trai, con gái hơn Ngài (Mt 10,37-38). Khổ giá của những lựa chọn cam go hơn là của những đau khổ ướt át.

Điều đáng nhấn mạnh là con đường ấy không nhất thiết là con đường tu mà là con đường tín. Tất cả những ai tin theo Chúa Yêsu, đều được mời gọi đi vào con đường ấy. Không có con đường nào khác.

Người tân tòng khi chỉ vì theo đạo mà bị cha mẹ, họ hàng “từ” là đã dấn thân vào con đường ấy.

Trong cuộc sống của kẻ tin, không thiếu khi phải chọn lựa xé lòng. Không đua đòi làm ăn, kiếm tiền bằng bất cứ cách nào, khiến gia đình thiếu trước hụt sau, vợ không ăn mặc bằng người, con không học được các trường phải ký sổ vàng hằng năm bảy triệu đồng mới vào lọt: người đời sẽ chê là không biết thương vợ thương con, nhưng Chúa Yêsu lại không ngại gọi là “ghét vợ, ghét con” và đòi hỏi như một điều kiện cần để trung thành với Ngài. Một trường hợp không phải là phi thường gì trước 1975 và chỉ trước 75: Tôi là sĩ quan có công việc làm êm ả ở Sàigòn. Vợ tôi buôn bán thêm. Lương chồng cộng tiền vợ làm ra đang bảo đảm cho gia đình con cái sống đầy đủ. Tôi không muốn tham nhũng mà cũng không cần tham nhũng. Nhưng nếu không tham nhũng thì lại không có gì để “đóng hụi” cho sếp cũng như các bạn đồng sự. Chưa kể là tôi sẽ làm trục trặc guồng máy. Người ta sẽ tống tôi lên cao nguyên, khốn khổ cho cả vợ con. Tôi phải làm sao đây? Ngây giờ đây, con em chúng ta học hành chăm chỉ, có thể tự làm bài thi mà không đến nỗi nào, nhưng nếu không quay cóp như “luật chơi” đang phổ biến thì vừa không giống ai vừa không bằng ai, điểm sẽ không đủ để trúng tuyển vào đại học, vậy thì nên khôn như thiên hạ hay cứ phải dại như… Chúa? Trung thành với Tin Mừng thì không thể có những câu trả lời ấm ớ, nửa vời cho những trường hợp như thế. Nếu kẻ tin chưa đáp ứng được đòi hỏi của Tin Mừng thì ít nữa cũng cần được biết là mình chưa sống đạo.

Những trường hợp như thế không thiếu gì trong cuộc sống. Không cứ phải đợi đến khi bị đặt trước việc phải đạp lên dấu thập giá như các thánh tử đạo ngày xưa, người tín hữu mới phải đối diện với những đòi hỏi triệt để của Tin Mừng. Vả lại khi cần chết vì đạo thì đâu phải chỉ kẻ tu mới phải sẵn sàng “đánh mất sự sống mình”. Trong số 117 thánh tử đạo Việt Nam đã có đến 42 giáo dân. Có lẽ không đâu bằng ở Việt Nam, Hội Thánh có được nhiều thánh giáo dân như thế. Nói gì đến tỷ lệ bảy, tám mươi phần trăm tín hữu không phải là giáo sĩ, tu sĩ trong “con số 100.000 tử đạo và 500.000 người chết trong những nơi rừng sâu nước độc, nhất là vì sắc lệnh vua Tự Đức năm 1860 người công giáo bị đầy đi phân tán trên toàn quốc” (Thư thình nguyện của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 16.11.1985). Hay trong con số 1.285 “đầy tớ Chúa” đã có hồ sơ xin phong thánh.


4. Con đường của những lựa chọn, “chia rẽ”, từ bỏ đã là con đường của mọi kẻ tin thì giáo dân, tu sĩ, linh mục đi cùng một con đường ấy với những hoàn cảnh, cách thức khác nhau, chứ không phải là đi những con đường khác nhau. Cũng không phải là có “bậc” đi ô tô, có “bậc” đi xe gắn máy, có “bậc” cứ phải hay cứ được quyền cuốc bộ, nhởn nhơ, tà tà. Những nếp sống khác nhau thì đúng hơn là những “bậc” thánh thiện trên dưới như theo một hệ thống quân giai.

Có lẽ chính vì cần phải chỉnh lại một lối nhìn nào đó mà Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã nhắc lại hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân (tiết 40): “Lời kêu gọi hãy đạt tới mức viên mãn của đời sống Kitô hữu và tới mức hoàn hảo của đức ái, đã được gửi tới tất cả những người tin Chúa Kitô, dù họ ở địa vị nào và ở bậc sống nào”. Sách Giáo lý còn thêm: “Hết mọi người đều được kêu gọi nên thánh: “Anh em hãy trở nên hoàn thiện như Cha anh em ở trên trời là Đấng Toàn Thiện” (Mt 5,48)… Con đường của sự toàn thiện phải qua đường thập giá. Không thể có sự thánh thiện, nếu không có sự từ bỏ mình và chiến đấu thiêng liêng”.


Do đó, cũng nên xét lại một số khái niệm, kiểu nói tuy quen thuộc nhưng không mấy đúng đắn mà còn đáng kể là “trật chìa” (vì hoàn toàn không phải là những chìa khóa để mỏ cửa đưa vào Lời Chúa):


a. Như khi nói đi tu là “bỏ thế gian”. Các tu sĩ có quyền “bỏ thế gian” thật không khi mà “Thiên Chúa đã yêu mến thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài… Sai Con đến trong thế gian…”(Ga 3,16-17)?


Đành rằng “thế gian” trong Tin Mừng theo Thánh Yoan có hai nghĩa: thế gian được Thiên Chúa yêu thương cứu độ và thế gian tà vạy, tội lỗi, dính dấp với Kẻ Dữ. Nhưng thế gian được Thiên Chúa yêu thương thì mọi kẻ tin, kể cả các kẻ tu (nếu không phải: nhất là các kẻ tu) đều được sai đến. Đồng thời tu hay không tu, mọi kẻ tin đều phải từ bỏ thế gian tà vạy, tội lỗi. Cũng như tu sĩ không hề được miễn chuẩn điều răn thứ tư, mà giáo dân thì khi phải chọn lựa lại cũng phải “ghét cha mẹ, vợ, con cái, anh em mình…” Mọi kẻ tin, tu hay không tu đều “không thuộc về thế gian” như chính Chúa Yêsu “không thuộc về thế gian” như chính Chúa Yêsu “không thuộc về thế gian”. Nhưng mọi kẻ tin, tu hay không tu, thì Ngài đều “không xin Cha cất họ khỏi thế gian” mà còn “sai họ đến trong thế gian như Cha đã sai Con đến trong thế gian” (Ga 17,14-18, xem tt. 219-228).


b. Cũng như khi đề cao linh mục trong ngày thụ phong mà gọi là “Alter Chritus”, “Đức Kitô khác”. Ý lực của Tân Ước là chỉ có một Đức Kitô, độc nhất vô nhị. Và các tín hữu thì “thuộc về Đức Kitô” (1Cr 3,32; Gl 3,29 .v.v…) là “thân mình của Đức Kitô” (1Cr 12,27), là “hương thơm của Đức Kitô” là “bức thư của Đức Kitô”, “ở trong Đức Kitô”, là “vinh dự của Đức Kitô”, “được mặc lấy Đức Kitô” là “một trong Đức Kitô” v.v…, đủ cả, nhưng không hề có chuyện là “Đức Kitô khác”. Đức Kitô “mạnh sức nơi” các tín hữu. “Đức Kitô ở trong họ. Đức Kitô là “tất cả mọi sự và trong một người”. Và khi thánh Phaolô quả quyết “Tôi sống nhưng không phải tôi mà là chính Đức Kitô sống trong tôi”, hoặc “đối với tôi, sống chính là Đức Kitô”, Ipse Christus, thì nguyên tư cách là tín hữu đã đủ cho Ngài quả quyết như thế.

Còn nếu “Alter Christus” không có trong Tân Ước nhưng đã xuất hiện trong truyền thống của Hội Thánh, thì Đức Yoan Phaolô II vừa nhắc cho nhớ chính xác hơn: “Từ thời các giáo phụ, đã có thói quen khẳng định : “Christianus Alter Christus” (Kitô hữu là một Đức Kitô khác). Người ta đã muốn qua đó nhấn mạnh về phẩm giá vượt bực của mọi kẻ được thanh tẩy và ơn gọi họ nên thánh trong Đức Kitô”. Christianus Alter Christus chứ không phải chỉ Sacerdos Alter Christus. Đã thế thì chẳng có lý do gì để dành riêng cho linh mục một danh xưng đã được các giáo phụ tặng chung cho tất cả các tín hữu. Chưa kể “Ipse Christus” như theo Thánh Phaolô vẫn hơn là “Alter Christus” theo các giáo phụ!


Cuối chương trả lời về thân thế giáo chủ của mình, Đức Yoan – Phaolô II còn “khuyên đọc Thánh Augustinô”. Theo ngài, vị thánh tiến sĩ hàng đầu này của Hội Thánh “đã thích lặp đi lặp lại : “Vobis sum episcopus, vobiscum christianus” (tôi là giám mục cho anh em, tôi là Kitô hữu những anh em). Suy cho kỹ nghĩ cho cùng thì Christianus có ý nghĩa hơn hẳn episcopus, cho dẫu là giám mục Rôma đi nữa !”.

Chính giám mục Rôma đương nhiệm, Đức Yoan Phaolô II quả quyết như thế (Bước qua ngưỡng của của hy vọng, chương đầu). Phải chăng là để tiếp nối Thánh Phalô chia sẻ với tất cả các kẻ tin cùng một niềm hân hoan, vinh dự căn bản nhất, sâu xa nhất mà cũng đòi hỏi nhất: “Biết mình đã tin vào Ai” (2Tm 1,12) “đã được thanh tẩy trong Đức Kitô Yêsu” (Rm 6,3) và chỉ nguyên vì thế vì là kẻ tin mà “sống chính là Đức Kitô”, Ipse Christus.

Gs Nguyễn Ngọc Lan

2002

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com;

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

Wednesday, 26 May 2010

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Nói chuyện “tử đạo” với ông Nguyễn Khắc Viện

Thưa Ông,

Thú thật với ông, từ mười một, mười hai năm nay, tôi vẫn cố tránh viết những trang như những trang này cho ông. Giả như ông chỉ là thầy đồ hay thầy thuốc, cho dầu là thầy thuốc đa khoa, thì trước sau tôi vẫn phải giữ thái độ kính nhi viễn chi. Nhưng tiếc thay, thường xuyên hơn, và nhất là từ năm 1975, ông lại hay làm thầy đời và thầy đời bách khoa toàn thư, đặc biệt là cho nhân dân thành phố này. Người Sàigòn –tôi cố tình viết ‘Sàigòn’ cho vừa bụng ông- ai mà không còn nhớ một bài ông viết khá sớm và khá vội sau 1975 để nói chuyện ở đây với một lối phân định về danh xưng đáng để đời vì tự cổ chí kim –hay từ 30.4.1975 đến ngày hôm nay- vẫn chỉ là của riêng một mình ông: sẽ gọi là Thành phố Hồ Chí Minh, ông tuyên bố lựa chọn dứt khoát: sẽ gọi là Sàigòn khi nói tới chuyện dở chuyện xấu; sẽ gọi là Thành Phố Hồ Chí Minh khi nói đến chuyện hay chuyện đẹp. Bùn và Sen. Ngộ thiệt: chưa kể tới sự kiện là mãi cho đến giờ này Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn một tờ báo lớn gọi là Sài-gòn Giải Phóng và một đội bóng con cưng của Thành phố Hồ Chí Minh là đội Cảng Sài gòn, người ta phải tự hỏi: nếu ông là thầy thuốc nhiều hơn một chút và thầy đời bớt đi một chút, làm sao ông nỡ quên đi được điều mà từ Louis Pasteur, đứa bé nào cũng đã được học ở lớp ‘Cách trí’ hay ‘Vệ sinh’ là không làm gì có tự sinh (génw1ration spontanée) trên cõi đời này. Một sinh vật li ti còn không tự sinh được từ chân không hay từ một môi trường vô cơ. Có đột biến đi nữa thì trong ngắn hạn, con ruồi drosophile vẫn chỉ đẻ ra con ruồi drosophile, khác dáng cánh, số cánh, khác mầu mắt vv… chứ vẫn chưa hề đẻ ra con cua hay con sao biển được. (Hay là còn phải kể tới một phát kiến vĩ đại nào khác của Lyssenko?). Huống hồ ‘Thành phố Hồ Chí Minh’ mà ông chỉ thấy là hào hùng làm sao xuất phát được từ một Sài gòn, chỉ toàn là rác rưởi? Vả chăng, ông vẫn còn sẵn điều kiện và tư thế hơn bàn dân thiên hạ để kiểm lại xem có phải chính Sàigòn đã là Sàigòn mà Đảng và Nhà nước từ 1975 đã gọi Sàigòn là Thành phố Hồ Chí Minh hay không.


Tôi không muốn đi vào chi tiết bài báo đó, để khỏi nhắc lại những chuyện lăng mạ vô cớ thành phố này như khi ông bảo ông vào chợ Bến Thành chỉ thấy… chợ trời. Và tôi cũng chỉ xin băng qua trên mười năm sau bài báo đó để đi ngay vào chuyện hôm nay: Bài báo ông đăng trên tờ Công Giáo và Dân Tộc, ngày 14.2.1988.


Tàn dư của thời tiền sử của chế độ xã hội chủ nghĩa


Ông muốn dạy dỗ chúng tôi, những người Công giáo Việt Nam, ‘nên nghĩ thế nào’ về việc phong 117 vị thánh liên hệ trực tiếp và trước tiên đến chúng tôi. Đó là quyền của ông, quyền hiểu theo nghĩa tự do chủ nghĩa (libéralisme), tạm gọi là của thế giới tư bản. Còn nếu ‘quyền’ được hiểu với một chút mầu sắc đạo đức nào đó thì thưa ông, tại sao ông không hề tự đặt cho mình một số câu hỏi tương tự như: Bài của ông là bài thứ mấy viết về vấn đề này? Ông có thể tính bằng đầu ngón tay thôi thì phải.


Tại sao chỉ có giám mục Bùi Tuần có tiếng nói về vấn đề này trên tờ Công giáo và Dân tộc? Các Giám mục Việt Nam khác ở đâu? Các người Công giáo Việt Nam khác ở đâu? Họ không biết ‘nghĩ thế nào’ cả sao? Họ không biết viết thành câu cú điều họ nghĩa sao?


Tại sao mấy trang góp ý của linh mục Chân Tín, một người quen thuộc với cả giới báo chí trong nước và ngoài nước, không hề được đăng trên báo Công Giáo và Dân tộc, khi mà những trang góp ý ấy đã được đọc lên trong buổi họp của Mặt Trần Tổ quốc ở quận 3 chiều ngày 18.1.1988 và đã được giới Công giáo chú ý đến nhiều? Tại sao ngay cả trong tập ‘Tài liệu Tham khảo’ và ‘Việc phong thánh các Chân phúc Tử đạo Việt Nam’ do Văn phòng Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh in ronéo tháng 2.1988, trong phần II, dành cho ‘Một số bài viết liên quan đến việc Phong Thánh’ người ta đăng chín bài viết ở Việt Nam, trong số đó bài của ông, hai bài của linh mục Thiện Cẩm, ba bài của giám mục Bùi Tuần, nhưng vẫn không có bài của Chân Tín để rộng đường dư luận?


Chúng ta đang sống thời nào đây? Thời Staline hay thời Gorbatchev? Thời báo Etudes Vietnamiennes của ông ngày trước hay thời tờ Đoàn Kết của Việt kiều ta bây giờ ở Pháp? Lương tri người trí thức, lương tri người cộng sản của ông không nhột nhạt chút nào hay sao trước những câu hỏi như trên? Hay là ông lại có thể hãnh diện xuất hiện với nụ cười thật tươi trong khuôn khổ một tờ báo vẫn chỉ biết đầu cơ tư tưởng, đầu cơ cả Chúa Mẹ, vẫn chỉ biết cao rao tán tụng, vẫn chỉ biết nói lên một chiều, tóm lại, đang cố níu kéo giữ lại phong cách thời tiền sử của chế độ xã hội chủ nghĩa? (1)


Ôi cái tựa đề!


Có thể là ông đã chấp nhận làm thân nàng Kiều để không chuộc được cha thì cũng cứu được những đồng bào Công giáo của ông là chúng tôi ra khỏi cơn mê muội về một chuyện của chính chúng tôi chăng?


Thì cũng tốt thôi, và chúng tôi không mong gì hơn là được ông thầy đời dạy dỗ cho thấu đáo một chút và đúng đắn một chút. Nhưng thật đáng tiếc: bài của ông đọc lên sao thấy nó cũn cỡn, mỏng mẻo thế nào ấy, so với ảnh chân dung của ông đáng kể vào hạng kếch xù nhất trong các thứ ảnh chân dung thường được in trên tờ Công giáo và Dân tộc (cứ thử so với cái bóng đen nhỏ bé và thê thảm của giám mục Bùi Tuần ngay bên cạnh: ảnh ông như từ cõi Bồng Lai tiên cảnh nào rớt xuống còn ảnh Đức cha Bùi Tuần như được lôi lên từ âm ty địa tạng). Và so với cái tựa đề vừa lớn chữ vừa lớn lối: ‘Chết vì đạo! Chết cho ai?’ (2)


Trách bài báo cũn cỡn, mỏng mẻo, là vì so với tấm ảnh và cái tít quá lớn, chứ của đáng tội, lời vàng ngọc thì đâu cứ phải thật nhiều. Nói ít mà độc đáo, mới mẻ, mà đứng đắn, chính xác thì một câu một chữ cũng quý rồi. Nhất tự vi sự, bán tự vi sư, hình như thiên hạ vẫn bảo thế thì phải. Nhưng thưa ông, điều còn đáng tiếc hơn cả là bài báo của ông đã ngắn, lại… lạc đề. Phải, tuy nể nang ông là điều cần thiết, tôi không thể bất công đối với những người học trò cũ của tôi: bài vở họ viết không đến nỗi như thế cũng đã chỉ có thể bị phê là… lạc đề mà thôi.


Nhất là ở trường hợp này, đề lại chính do ông bày ra, Chết vì đạo! Chết cho ai?


Ông viết ngay từ khi bắt đầu gọi là vào đề:


“Còn việc phong 117 vị nên thánh nên nghĩ thế nào? Không thể nào biết một cách đích xác tất cả những người được nêu tên lên đã chết trong hoàn cảnh như thế nào, hoạ chăng tư liệu còn lại cho phép biết rõ trường hợp một vài người. Nhưng bối cảnh lịch sử thì quá rõ: họ sống và chết trong khoảng 100 năm, đặc biệt vào giữa thế kỷ 19. Tôi xin lấy hai cái mốc lịch sử: 1787 và 1887.”


‘Hoàn cảnh’ riêng từng vị tử đạo đã chết như thế nào, ‘không thể nào biết được chính xác’ ư? Rồi chúng ta sẽ thấy có đúng thế không. Còn ‘bối cảnh lịch sử thì khá rõ’ ư? Có thể là khá rõ với ai chứ hẳn không khá rõ với ông lắm đâu, khi ông bảo bối cảnh đó là ‘khoảng 100 năm, đặc biệt vào giữa thế kỷ 19’ và ông ngang nhiên cắm ‘hai cái mốc lịch sử 1787 và 1887’.


Thưa ông, truớc khi nói đến ‘bối cảnh lịch sử’ thì thực tế lịch sử là thế này:


-2 đã chết dưới thời chúa Trịnh Doanh (1740-1767)

-2 đã chết dưới thời chúa Trịnh Sâm (1767-1782)

-2 đã chết vì sắc lệnh của Cảnh Thịnh (1787-1802)

-58 đã chết dưới thời Minh Mạng (1820-1840)

-3 đã chết dưới thời Thiệu Trị (1840-1847)

-50 đã chết dưới thời Tự Đức (1847-1883).


Cái mốc thứ nhất, đối với đa số các người đã chết vì đạo nói chung cũng như đối với phần lớn trong số 117 Thánh tử đạo, về mặt số lượng thì có thể tạm để đấy –tôi sẽ xin thưa chuyện lại với ông về vụ Pineau de Béhaine sau- tuy về mặt ý nghĩa, nó không hẳn đã có cái nghĩa mà ông muốn gán cho nó.


Không liên can gì đến quý vị Văn Thân


Còn cái mốc thứ hai của ông thì ôi thôi! Ông sẽ bảo 1883 hay 1887 thì nào có quan hệ gì! Nhưng đúng là trường hợp sai một li đi một dặm, đó ạ.


Những Tử đạo đã được phong Chân Phúc và sắp được phong Thánh đều là nạn nhân của những cuộc bắt đạo từ thời Tự Đức trở về trước và chính xác hơn, còn phải nói những vị ‘cuối cùng’ là những vị bị hành hình do bàn tay nghiệt ngã của Tổng đốc Nam-Định Nguyễn-Minh-Tân, tức Thượng-Hưng, những năm 1858-1862. Như thế, trong số các nạn nhân của phong trào Văn Thân – Văn Thân nổi loạn ở Nghệ An năm Tự Đức thứ 27 (1874) hay Văn Thân Cần Vương từ 1885 ‘Bình Tây’ không tới đâu mà ‘Sát Tả’ thật dữ dội trong hai năm 1885-1886 – tuy nhiều hơn các nạn nhân hai thế kỷ trước cộng lại, chưa một ai được phong Chân Phúc và không một ai có tên trong số 117 Thánh Tử đạo sắp được tấn phong. Sự kiện đó không có nghĩa là Giáo hội chúng tôi coi hàng trăm mồ chôn tập thể ở Thanh Hoá, Quảng trị, Trà Kiệu, vv… chỉ là đất sét và sử soạn phong Thánh cho các vị Văn Thân. Nhưng sự kiện đó chứng tỏ rằng cái mốc thứ hai của ông, cái mốc Văn-Thân, thật là lạc lõng trong vấn đề ở đây và ngay cả trong giả thuyết ông có là người Văn-Thân cuối cùng đi nữa, thì cái sự ông kêu gọi ‘tôn kính những chiến sĩ Văn-Thân’ cũng là thừa thãi, chưa nói gì đến tính cách chính đáng hay không chính đáng, chính đáng nhiều hay chính đáng ít, của một lời kêu gọi như thế (tôi sẽ xin trở lại vấn đề này).


Sự kiện đó đủ nói lên sự thận trọng truyền thống của Giáo hội Công giáo trong việc Phong Thánh nói chung và trong việc Phong Thánh Tử đạo Việt-Nam nói riêng, một sự thận trọng vốn đã sẵn có ‘trạng sư của quỷ’ ở ngay Toà thánh bảo đảm cho, khỏi cần phải đợi có thêm những ‘trạng sư của quỷ’ nghiệp dư nào khác. (3)


Con số 117 khiêm tốn mà hào hùng


Nhưng về mặt này, nguyên con số 117 còn hùng hồn hơn nữa.


117 là 117 trong số tối thiểu là hàng 10,000 Kitô hữu đã chết vì đạo, nếu ông ngờ vực con số hàng trăm ngàn thường được đưa ra và chúng tôi chiều ý ông, chỉ giữ lại thật ít: một phần mười con số đó. Nghĩa là cứ 100 người chết vì đạo, chỉ một người được công nhận là ‘Chân Phúc’. Nếu chỉ nói đến những người chết vì đạo ở Việt Nam đã từng được nêu rõ danh tính đàng hoàng trong hai Thỉnh nguyện thư 14.11.1917 và 21.1.1975 từ Giáo hội Công giáo ở Vuệt Nam gởi qua Toà thánh xin cứu xét việc Phong Thánh, thì cũng đã có tới 1285 vị ‘thí sinh’. 117 được chọn trong số đó có nghĩa là Giáo hội Công giáo ở Việt Nam đề nghị Toà thánh chấm chưa được một.


Rồi trong chính con số 117 Chân Phúc Tử đạo Việt Nam này, xin thú thật với ông, cho đến một ngày rất gần đây tôi vẫn cứ đinh ninh là người Việt-Nam và người ngoại quốc nửa nọ nửa kia. Tội nghiệp cho cái anh công giáo dốt nát chuyện nhà như tôi, sự thật là chỉ có 21 người ngoại quốc bên cạnh 96 người Việt Nam, nghĩa là cứ năm người Việt Nam tử đạo được phong Thánh thì mới có một người ngoại quốc. Chưa hết, trong số 21 vị Tử đạo ngoại quốc được phong Thánh này, thì 11 là Tây Ban Nha, chỉ còn… 10 người là đồng bào của thực dân Pháp về sau, hay của Descartes, Pascal trước kia, hay của Thorez, Marchais ngày nay.


Đành rằng, chính con số các người ngoại quốc đã chết vì đạo cũng ít: 58 người. Như thế, tỷ lệ được phong Thánh là 21/58, kể như 1/3. Tỷ lệ này cao hơn nhiều tỷ lệ 1/100 nói trên. Nhưng còn phải chú ý: cả 58 tử đạo ngoại quốc đều là giáo sĩ (giám mục, linh mục) và hầu hết, nếu không phải là tất cả, đều chết vì những án tử hình cá nhân. Sự so sánh chỉ thích đáng khi đối chiếu với riêng những người-Việt-là-giáo-sĩ đã chết vì đạo: khoảng 150 linh mục Việt Nam (chưa có giám mục) đã chết vì đạo và trong số 37 người đã được phong Chân Phúc và sắp được phong Thánh, tức ¼; 1/3 giáo sĩ thừa sai (kể cả giám mục) tử đạo được phong Thánh so với ¼ giáo sĩ Việt Nam đạo (không có giám mục) được phong Thánh, không phải là một sự khác biệt có ý nghĩa về mặt màu da (vì còn phải tính tới yếu tố một bên có giám mục một bên không).


Thiên đàng quả có khác


Cái tỷ lệ thừa sai ngoại quốc được phong Thánh như thế chỉ càng làm sáng tỏ sự thận trọng và tính khách quan truyền thống của Toà thánh trong việc Phong Thánh khi người ta nhắc nhở đến bối cảnh của quá trình Phong Thánh:


“Việc xin Phong Thánh đã xảy ra dưới thời Pháp thuộc, mọi sáng kiến đều do các Thừa sai lấy riêng theo quan điểm riêng của họ” (4)


Tôi còn có thể minh hoạ thêm cho ‘bối cảnh’ –lại bối cảnh!- ấy như thế này: nếu năm 1929 đã có linh mục Việt Nam được dạy ở Đại chủng viện Huế, năm 1933 một linh mục Nguyễn Bá Tòng thuộc giáo phận Sàigòn đã được phong làm giám mục phó giáo phận Phát Diệm, thì cũng năm 1933 ấy một cụ Lương, chánh xứ Hàm Long, Hà Nội vẫn chưa có quyền biết tiếng Pháp, nên khi có ông tây bà đầm tới nhà thờ thì thỉnh thoảng vẫn phải nhờ những giáo dân như thân phụ tôi làm thông ngôn (5) và năm 1942 khi thân phụ tôi từ Đồng Hới đổi ra làm việc ở Cầu-Giót, ông đã phải ngỡ ngàng chứng kiến cái cảnh ngày Tết cụ đạo giáo phận Vinh còn phải trải chiếu lạy mừng tuổi cố đạo. Cũng những năm 40 ấy, theo linh mục Nguyễn-Viết-Khai, tại Đại chủng viện Xã-Đoài (vẫn Giáo phận Vinh), cố, cụ, thầy ăn cùng một phòng, nhưng cố ăn theo tiêu chuẩn cố, cụ có tiêu chuẩn cụ, thầy ăn theo tiêu chuẩn thầy, nghĩa là có thể thấp hơn cả tiêu chuẩn con chó berger của cố. Nhưng càng nhìn kỹ cái ‘bối cảnh lịch sử’ kỳ thị quá đản như thế, tôi chỉ ngỡ ngàng – như thân phụ tôi đã ngỡ ngàng—mà ngỡ ngàng thích thú khi qua các con số, các tỷ lệ nói trên nhận thấy rằng Thiên đàng theo sự lựa chọn phong các Chân Phúc tử đạo Việt Nam của Toà thánh ngay từ thời ấy đã hoàn toàn không ‘phản ảnh’, không sao chép lại tình thế, các tương quan xã hội, chính trị ở trần gian (92 trong số 117 Thánh tử đạo Việt Nam đã được phong Chân Phúc từ những năm đầu thế kỷ này).


Cũng có thể thêm: với con số 117 khiêm tốn như thế (có nước nào, tổ chức nào trên thế giới sau hai ba thế kỷ chỉ phát ra được bằng ấy chứng nhân anh hùng, liệt sĩ?), cá nhân ông thầy đời của tôi “không thể nào biết chính xác tất cả những người được nêu tên lên đã chết trong hoàn cảnh như thế nào” là quyền của ông. Nhưng tiên quyết cho rằng sau khi để ra hằng 50 năm, 100 năm cứu xét lịch sử Giáo hội ở Việt Nam nói chung và hồ sơ của 1285 vị Tử đạo được ‘đề cử’ nói riêng, cuối cùng phong Chân Phúc rồi phong Thánh cho chỉ 117 vị mà chính Toà thánh Vatican cũng “không thể nào biết đích xác, vv…” và “hoạ chăng tư liệu còn lại cho phép biết rõ trường hợp một vài người” thì quả là lấy trên dưới 1000 gram chất xám của mình mà cân khả năng hiểu biết của toàn thể thiên hạ hay nói theo dân gian, quá thừa dũng cảm để ‘coi trời bằng vung’. Phần tôi, như mọi người Việt Nam bình thường, chưa hề có ý nghĩ ngộ nghĩnh tương tự đối với hàng ngàn, nếu không phải là hàng vạn anh hùng liệt sĩ đã được Nhà Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công nhận.


Chết vì Đạo


Thực tế lịch sử là như thế đó. Sự kiện trước mắt là như thế đó. Cái gọi là ‘bối cảnh lịch sử’ xa hơn nữa mà ông nêu lên có còn ý nghĩa gì hay có còn ý nghĩa gì đáng kể đối với vấn đề thì như thế đó cũng đã rõ.


Nhưng muốn rõ hơn nữa thì vấn đề là phải nhận chân cái ‘bối cảnh lịch sử’ đúng chỗ của nó và đúng theo tâm trạng, suy nghĩ của người liên hệ ngày xưa chứ không phải theo những suy luận, phóng ngoại và phóng đại của ông hay của tôi bây giờ.


Vấn đề chủ yếu là những nhà cầm quyền từ chúa Trịnh, chúa Nguyễn cho tới các vua quan nhà Nguyễn đã giết hại người Kitô giáo vì lý do gì và người Kitô giáo ‘tử vì đạo’ có thật đã chết vì đạo không?


Sự kiện thường xuyên và chuyên nhất có thể kiểm chứng được là toàn bộ 53 sắc chỉ cấm đạo từ các chúa Trịnh, chúa Nguyễn cho đến vua Tự Đức chỉ luôn nại lý do tôn giáo chứ không hề nêu lên lý do chính trị. Nho giáo được coi như quốc giáo, chính đạo, duy nhất đúng, còn đạo ‘Hoa-lang’ cũng như đạo Phật bị coi là tà đạo, “ngày đêm dụ dỗ kẻ ngu dại, thảy đều bị mê đắm” Việt sử cương mục, Hiến Tôn năm Cảnh-Hưng thứ 16 – 1754), đầy dẫy những thói tục ghê tởm: “Ở trường nghe giảng, ở chung hỗn tạp, trai gái không tiêng ra’ (Đại Việt Sử ký, Huyền Tôn năm Cảnh-Trị thứ nhất, 1663), chưa kể những chuyện móc mắt người chết, quyến rũ đàn bà, vv…


Chúng ta cứ đọc ngay chiếu chỉ cấm đạo đầu tiên của Minh Mạng (12.2.1825), 38 năm sau cái mốc đầu tiên của ông là Pigneau de Béhaine, đây:


“Tà đạo của Tây Phương làm hại lòng người, các đạo sĩ mê hoặc dân ngu và làm hư hỏng phong tục. Như thế chẳng phải là cái hoạ lớn cho nước ta sao? Vậy ta phải ngăn cấm để ta quy về chính đạo .” (6)


“Như thế chẳng phải là cái hoạ lớn cho nước ta sao?” Lý do chính trị (hoạ cho nước) bao giờ mà chẳng ‘dễ coi’ hơn lý do thuần tuý tôn giáo nên vua chúa nào mà chẳng muốn đưa ra trước tiên nếu có thể đưa ra được. Từ thời Socrate đã thế. Từ toà án Pilatus đã thế (7). Sau bao nhiêu sắc chỉ cấm đạo của chúa Trịnh, chúa Nguyễn, của Cảnh-Thịnh triều Tây Sơn, cuối cùng Minh-Mạng mới nêu lên lý do được kể là chính trị (‘cái hoạ lớn cho nước ta’), nhưng cốt lõi của lý do chính trị đó lại vẫn là vấn đề tôn giáo, tư tưởng: “Tà đạo làm hại lòng người, các đạo sĩ mê hoặc dân ngu và làm hư hỏng phong tục.”


Tôi xin nhắc lại: 38 năm sau cái mốc giám mục Adran của ông đấy và sau khi Minh-Mạng đã chứng kiến tất cả những gì giám mục Pigneau de Béhaine và những Chaigneau. Hoàn toàn không có dấu vết nào của một ám ảnh cố đạo hay tà đạo mở đường cho Tây xâm lược. Trừ phi người ta lại bảo rằng: lời lẽ như trên chứng tỏ Minh-Mạng đã thấy chính việc truyền đạo là…’chiến tranh tâm lý’!


Dầu sao, ông nên ghi nhận giùm tôi: cái khái niệm ‘truyền đạo – chiến tranh tâm lý ‘ là do công tôi bày ra từ hôm nay trong lá thư này, chứ xưa nay, ngay cả thứ văn chương đả kích việc truyền giáo và các thừa sai ngoại quốc cách gay gắt nhất, cũng chưa hề có phát minh như thế.


Ác cảm với đạo của cố Đông-Cung-Cảnh, vua Thánh-Tổ hơn ai hết có mối hận đặc biệt với cá nhân Pigneau de Béhaine. Thế mà chưa cấm đạo hay đã cấm đạo, Minh-Mạng không hề có một lời nào chê trách Pigneau de Béhaine là đã âm mưu mở đường cho xâm lược. Ở quá gần sự việc lịch sử, Minh-Mạng đã hoá mù chăng? Hay chính vì đi sát với sự việc lịch sử mà nhà vua đã dư hiểu rằng ‘Cha Cả’ có bôn ba chính trị thì ngay trong hoạt động chính trị của ông, ông lại nhằm chủ đích tôn giáo: gần thì một vua Gia-Long dễ dãi với người dân theo Thiên Chúa giáo, xa hơn là một… Constantinus được gieo cấy sẵn nơi Đông-Cung-Cảnh. Miệng nhà thuyết pháp đại diện cho Nguyễn-Ánh trước triều đình Pháp là một chuyện, bụng nhà truyền giáo vốn không phải là người xung phong đi giúp Nguyễn-Ánh mà đang ở Xiêm thì được Nguyễn-Ánh sai người đến bàn việc và nhờ vả, bụng nhà truyền giáo đó lại là một chuyện khác. (Ngày nay một Tổng giám mục Nguyễn-Văn-Bình cũng thế thôi. Miệng thì ca hát mỗi thời một bản, nhưng bụng thì trước sau vẫn là một: cầu hai chữ Bình an cho việc truyền đạo và giữ đạo. Biết vậy thì ép dầu ép mỡ, đừng nỡ ép miệng ông cụ làm gì). Có lẽ chính vì ‘đi giày tây trong bụng’ giám mục Adran hơn là tin ở miệng nhà thuyết khách (những cái lợi cho nước Pháp!), mà bá tước de Conway, tổng trấn Pondichéry, thay vì thừa lệnh vua Pháp mà lo thi hành giao ước 28.11.1787, thì đã lại tìm cách ngăn trở việc giúp Nguyễn-Ánh, rồi làm sớ tâu vua Pháp xin bãi việc ấy đi vì là việc rất khó và… không có lợi gì. Giao ước kia trở thành tờ giấy lộn bỏ sông bỏ biển và Pigneau de Béhaine đã phải xoay sở lấy, kéo được vài chục ông Tây tình nguyện quân mãi hai năm sau 1789, mới tới Gia Định và không quên cho 10 thừa sai đi ké chuyến tàu vào Việt Nam giảng đạo. Mấy ông Tây tích cực giúp Nguyễn Ánh còn Bá-đa-lộc có lẽ còn phải để thì giờ làm việc khác nhiều hơn: đời chủng viện ở Chamtabun (Xiêm) về Lái Thiêu, đi thăm các giáo xứ mãi tận Bình Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên.


Nếu thực chất của huyền thoại Bá-đa-lộc không như vậy thì Minh-Mạng đã dễ gì buông tha cho người đỡ đầu hoàng tử Cảnh mà không bày ra một vụ án Bá-đa-lộc như sẽ bày ra một vụ án Lê-Văn-Duyệt. Để nếu chưa tiện ‘bổ quan quách mà giết thây’ thì cũng san bằng lăng Cha Cả thành đất bằng phẳng, khắc đá dựng bia ở trên, viết to những chữ tương tự như: “Đây là nơi tên âm mưu Bá-đa-lộc phục pháp” để chỉnh tội dành cho kẻ chết mà tỏ phép Nước về sau và để những tay…’trạng sư của quỷ Bá-đa-lộc’ như tôi khỏi phải nói lui nói tới gì được nữa.


Không may cho tôi trong việc làm trạng sư của quỷ Bá-đa-lộc, vì thực ra tôi trễ tàu. Ngay từ hồi đó đã sẵn một trạng sư của quỷ Bá-đa-lộc lẫn quỷ tà đạo Hoa-lang. Chiếu chỉ 1825 của Minh-Mạng khi tới miền Nam thì tả quân Lê-Văn-Duyệt, bấy giờ làm khâm sai ở Gia-định, tuyên bố với các quan dưới quyền ông: “chớ thì ta đang nhai cơm của Đức Thầy Phêrô (Bá-đa-lộc) đã cung cấp cho chúng ta, mà ta lại đành bắt bớ những kẻ theo đạo của ngài sao? Hẳn ta còn sống bao lâu ta không thể làm được điều ấy, khi ta chết, vua muốn làm gì thì làm.”


Rồi tháng 8.1827 Lê-Văn-Duyệt về Huế thuyết cho Minh-Mạng nghe hành động của vua là trái lẽ phải: “Tâu hoàng thượng, người theo đạo Gia-tô đã phạm lỗi gì để ta bắt bớ họ? Sao chúng ta lại giam cầm các đạo trưởng Tây dương? Hình như Hoàng thượng muốn mất nước sao? Tây sơn chém giết người theo đạo Gia-tô, Tây Sơn đã mất ngôi. Vua xứ Pê-gu, Miến Điện vừa đuổi các đạo trưởng ra khỏi nước ông đã bị xô đẩy khỏi ngai vàng. Hoàng thượng không nhớ các thừa sai đã cho chúng ta gạo khi chúng ta đói, vải khi chúng ta rét sao? Phải chăng mộ Bá-đa-lộc không ở giữa chúng ta sao? Hạ thần chết rồi Hoàng thượng muốn làm gì thì làm, nhưng bao lâu hạ thần còn sống Hoàng thượng sẽ không làm điều ấy.” Minh-Mạng buộc lòng phải nể Lê-Văn-Duyệt mà thả các thừa sai và tạm ngưng việc bắt đạo, nhưng trong bụng cáu họ Lê lắm. (8)


Lê-Văn-Duyệt chết rồi (8.1832) Minh-Mạng ‘muốn làm gì thì làm’ thật. Ngày 6.1.1833, nhà vua lại hạ chiếu chỉ cấm đạo trên cả Nước:


“Trẫm truyền lệnh cho tất cả các kẻ theo đạo ấy, từ hàng quan lại cho chí kẻ cùng đinh trong nhân dân phải thành thật bỏ đạo, nếu chúng biết nhận thực và run sợ trước quyền lực của Trẫm. Trẫm muốn rằng các quan phải thành thật bỏ đạo, nếu chúng biết nhận thực và run sợ trước quyền lực của Trẫm. Trẫm muốn rằng các quan phải kiểm tra kỹ lưỡng những tín đồ đạo Gia-tô xem chúng có tuân hành mệnh lệnh của Trẫm không và các khanh phải ép buộc chúng đạp chân lên cây thập tự (khoá quá) trước mặt các khanh, sau đó sẽ gia ân cho chúng. Còn về nhà thờ và những nơi ở của đạo trưởng thì các khanh cũng phải để mắt theo dõi việc triệt hạ hoàn toàn . Và từ nay về sau có kẻ nào trong dân chúng bị phát giát giảng dạy những thói tục ghê tởm ấy (đạo trưởng dụ dỗ đàn bà, móc mắt người bệnh…) thì sẽ bị trừng trị thật khắt khe hầu tiêu diệt tận gốc cái thứ tôn giáo đồi bại ấy.” (9)


Sở dĩ tôi phải trích dẫn dài dòng như vậy là để thấy rõ: Minh-Mạng khi ‘muốn làm gì thì làm’ vẫn không buộc tội giám mục Adran hay các vị ‘đạo trưởng’ khác là ‘âm mưu xâm lược’. Vẫn chỉ một tội du nhập ‘cái thứ tôn giáo đồi bại’. Và ông vua đa nghi ấy nếu có nghi ngờ gì khác thì chẳng lẽ kém trí tưởng tượng đến nỗi không biết ra lệnh cho các quan ép buộc đạo trưởng, tín đồ đạp chân lên một lá cờ Pháp chẳng hạn, mà trước sau vẫn cứ phải ‘ép buộc chúng đạp lên cây thập tự ư’? Nghìn, vạn sĩ phu trong triều, trong nước không ai nghĩ ra được cái sáng kiến đơn giản ấy mà mách cho nhà vua hay sao? Phải đợi đến tận bây giờ, ông, ông Nguyễn-Khắc-Viện, ông đem lá cờ Pháp chụp lên cả cây thập giá đã vì không bị đạp chân lên mà xứng đáng được cắm trên mồ mả các vị Tử đạo. Nhân danh cái gì? Nhân danh ai? Chúng tôi không đòi ông phải tôn kính các vị Tử đạo như ông đã vội vàng đòi chúng tôi “không thể không tôn kính những chiến sĩ Văn-Thân yêu nước anh dũng”, nhưng ông đừng nhục mạ họ, nhất là vội vàng và vô cớ. Rồi còn dành độc quyền rêu rao khẩu hiệu ‘đoàn kết dân tộc’.


Vẫn Minh-Mạng đó vẫn chỉ thù hận mỗi một cây thập tự khi đến cuối đời, đưa ra những lời lẽ cuồng bạo, sắt máu nhất như năm 1838:


“Các khanh hãy đánh đập không thương xót, hãy tra tấn, hãy giết những kẻ nào từ chối lấy chân dày đạp thập tự! Các khanh phải biết rằng sự từ khước ấy đủ qui chúng vào tội phản nghịch: không cần phải có hình thức toà án nào hết, các khanh hãy nắm lấy rìu, hãy cầm lấy gươm hoặc đao, hay tất cả những gì các khanh có trong tay hầu tiêu diệt những tên mù quáng, những tên cứng đầu cứng cổ, không để cho thoát một tên nào.” (10)


Thứ ngôn ngữ ấy không khác gì thứ ngôn ngữ của Minh-Mạng hai năm sau, khi nổi cơn thịnh nộ vì cuộc nổi dậy ở Campuchia chống lại Thiên mệnh của triều đình nhà Nguyễn đem văn minh Khổng-Mạnh tới cho người Khơ-Me. Minh-Mạng viết cho quan thống lãnh binh đội Việt-Nam ở Campuchia:


“Chúng ta đã giúp đỡ chúng khi chúng khốn khổ và đã vực chúng dậy từ bùn lầy… Vậy mà bây giờ chúng làm phản. Trẩm buồn giận đến nỗi tóc Trẫm dựng đứng cả lên. Hàng trăm hàng ngàn gươm đao phải được dùng để trừng trị chúng, để băm vằm chúng, phân thây chúng.” (14)


Minh-Mạng đã ‘muốn làm gì thì làm’ kể cả san bằng mộ Lê-Văn-Duyệt và biến vị công thần hạng ‘khai quốc’ ấy, vị tướng có uy dũng ấy, một ông thần hộ mệnh cho nhân dân miền Nam ấy thành ‘kẻ quyền yếm’. Triều đình kết Lê-Văn-Duyệt vào bảy tội bội nghịch nên trảm, hai tội nên giảo tử từ tội ‘sai người đi riêng sang Miến-Điện âm kết ngoại giao’ cho đến tội ‘nói chuyện với người ta xin được quẻ thẻ có câu thơ hoàng bào’ (12). Tuyệt nhiên vẫn kjhông có cái tội… đã dám nhân danh ‘Cha Cả’, bênh vực cho người theo đạo Gia-tô, tức là dọn đường cho xâm lăng vv… Giả sử nội các nghị xử Lê-Văn-Duyệt gồm có Hà-Quyền, Nguyễn-Tri-Phương, Hoàng-Quýnh đã còn có thêm một quan đại thần Nguyễn-Khắc-Viện thì Lê-Văn-Duyệt mới bị khép thêm vào một tội danh thứ mười chăng?


Những chiếu chỉ cấm đạo cuối cùng, những chiếu chỉ thời vua Tự-Đức, những năm 1848, 51, 55, 57, 59, 60 (2 chiếu chỉ), 61 (chiếu chỉ ‘phân sáp’) cũng vẫn không ra ngoài lý do ‘tôn giáo đồi bại’:


“(…) vì kẻ theo tôn giáo ấy bất kính phụ mẫu quá cố, chúng móc mắt người chết để làm một thứ nước ma thuật dùng mê hoặc dân chúng; hơn nữa trong đạo đó, chúng còn làm nhiều hành vi dị đoan và ghê tởm.” (1848)


Những tên Tây dương đạo trưởng phải chịu hình phạt bị dìm xuống đáy biển, đáy sông vì vinh quang của chính đạo (Nho giáo). Đạo trưởng người trong nước phải lấy chân tay dày đạp thập tự nếu không thì bị chém ngang thân. Vậy từ nay, những đạo trưởng Tây dương lén lút nhập vào nước ta để đi khắp nơi lừa bịp và quyến rũ lòng dân…(1851)


Chỉ dụ 1855 thì có khoản đáng đồng tiền bát gạo này:


“Những tín đồ Gia-tô không được nạp đơn vào bất cứ một hạng bậc của khoa thi nào và cũng không đưọc giữ bất kỳ một chức vụ nào.”


Sau khi quân Pháp và Tây-ban-nha đánh phá cửa Hàn (9.1858) rồi chiếm Gia-Định (2.1859), Tự-Đức thêm giận, ra chiếu chỉ thứ năm, ngày 15.12.1859, có khoản buộc các binh sĩ đạo Gia-tô phải bước qua thập tự trước khi ra chiến trường đánh bọn ‘bạch quỷ’. Và người thi hành các chiếu chỉ sau cùng này một cách triệt để nhất, nhúng hai bàn tay vào máu ngưòi theo đạo nhiều nhất là tổng đốc Nam-Định Nguyễn-Đình-Tân –tức Thượng-Hưng—thì vẫn theo bài bản cũ mà xỉ vả các tội nhân đạo Gia-tô:


“Thật quái gở! Những con người sinh ra trong một vương quốc lừng danh mà sao lại có thể theo những tập quán đồi bại của tôn giáo Tây dương thay vì những truyền thống tổ tiên! Các người thật là ngu xuẩn!” (13)


(còn tiếp)


Gs Nguyễn Ngọc Lan

Nhật ký 1988 tr. 252-263

Tuesday, 25 May 2010

Lm Richard Leonard sj: Hạ mùa ấm áp tình Ba Ngôi


Con quỳ lạy Cha ở trên cao

Nguyện xin mà mắt lệ bỗng trào

Bao năm khôn lớn đời chen lấn

Một kiếp con người cứ lao đao.

(thơ Nguyễn Thi Tê Hát)

Lao đao phận người, là kiếp bạc. Kiếp bạc phận, chẳng phải vì người đời luôn lấn chen. Chen lấn, bạc phận – lao đao, chắc hẳn vì người người chẳng hiểu lòng Cha yêu thương. Yêu trọn tình người, là Chúa rất Ba Ngôi.

Tình Chúa Ba Ngôi, là chủ đề phụng vụ Hội thánh muốn dân con nhà Đạo, hôm nay hiểu thấu đáo. Chẳng thế mà, cả trình thuật thánh Gioan lẫn thư thánh Phaolô đều nhắc nhở: Thiên Chúa là gia đình của tình yêu thương.

Hiểu thấu tình Cha Ba Ngôi, thiết nghĩ ta không cần phải vật lộn với tín lý trừu tượng, hoặc với bài tính toán rất mâu thuẫn, vẫn đòi cho được 3 phải bằng 1. Đòi như thế, vì nhân sinh loài người chỉ muốn tìm cho ra ý nghĩa của mọi vật. Người nhà Đạo vẫn tìm đòi cắt nghĩa niềm tin yêu thương của Đức Chúa bằng những ảnh hình cụ thể, giống như in.

Trong khi đó, có những chuyện đời thường vượt hiểu biết của loài người, Như gần đây, nhà khoa học nổi danh Stephen Hawkings đã phải thú nhận là ông thôi không kiếm tìm giải đáp toán học khả dĩ cắt nghĩa sự hiện hữu của mọi vật. Chẳng hạn như, mấy ai thấy được nguyên tử ra như thế nào, nhưng cứ tin nó hiện hữu như nhà khoa học đã tin.

Nói thế, không có nghĩa bảo rằng: ta chối bỏ sự hiện hữu hoặc chân lý của sự vật, sự hiện hữu của đời người, lý lịch rất “người” của các nhân vị. Tất cả, đều là những điều ta không thể nào hiểu, cho trọn vẹn.

Xem như thế, thay vì giải thích sự hiện hữu của Đức Chúa Ba Ngôi theo phương thức toán học, ta hãy đi vào “tình yêu của Đức Chúa”, như thánh Phaolô đã có thư cho cộng đoàn Rôma: “Thiên Chúa đã đổ tràn tình yêu của Ngài vo lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta.” (Rm 5: 1-5)

Lâu nay, nhiều người vẫn thường bảo: khoa học hiện đại đã cướp đi những bí hiểm của cuộc đời. Điều này không chối cãi được. Bởi, khoa học ngày nay đã và đang khám phá ra nhiều điều về nhân sinh vũ trụ, từ mức độ vi ti nguyên tử đến lớn lao như giải ngân hà, những nhiều bí hiểm về sự việc, hiện rõ lên . Tuy nhin còn rất nhiều điều về thế giới sự vật vẫn còn là những dấu hỏi chưa có lời giải đáp, vậy sao ta đòi hiểu rõ Đấng Linh Thiêng Tác Tạo, Đấng tạo nên thế giới sự vật ấy.

Điều quan trọng phải rõ, là khi nói Ba Ngôi Đức Chúa là nhiệm tích, ta không có ý bảo: thật khó thẩm nhập vào vòng nhiệm tích ấy. Nhiệm tích, là ngôn ngữ nhà Đạo muốn nói về những điều khi xưa không hiểu, nay được măc khải cho cộng đoàn kẻ tin, để sẻ san. Thành thử, muốn tham gia làm hội viên cộng đoàn, điều trước tiên cần có chính là niềm tin và lòng thương xót. Tin Chúa như Người Cha, tin Chúa như Con Ngài được gửi đến với chúng ta. Ngài chính là Đức Kitô Giê-su mà ta tin như Thần Khí vẫn dạy dỗ hướng dẫn chúng ta. Ở đây. Và, bây giờ.

Dù, thực tế bên trong của Ba Ngôi Đức Chúa là điều ta không thể xâm nhập được lúc này, nhưng vẫn có nhiều điều về Ba Ngôi Đức Chúa ta vẫn biết nhờ những gì các Ngài làm. Qua động thái các Ngài hành xử, ta hiểu được các Ngài là ai. Hiểu được cả nội tâm bên trong của các Ngài, nữa. Hiểu được là hiểu tương quan giữa các Ngài với nhau và tương quan giữa các Ngài với ta.

Ba Ngôi Đức Chúa được diễn tả rõ hơn qua ngôn ngữ của thần học. Trước tiên, là 3 “vai trò” của Cha thể hiện trong Sách thánh. Kể cả sách Đạo của người Do Thái, lẫn Thánh Kinh của Kitô giáo. Ba bài đọc hôm nay là ba chứng cứ rõ rệt nhẳm nói lên nhiệm tích này.

Bài đọc sách Châm Ngôn, cho ta biết Thiên Chúa là Cha và cũng là Hiền Mẫu, Đấng Tác Tạo cuộc sống và các hữu thể sống động. Ngài là Đầu Hết và Cuối Hết của mọi vật, mọi cuộc sống. Ngài là Nguồn Mạch nuôi sống Chân lý và Tình Yêu. Ngài còn là Ngôi vị của Tình Yêu và Lòịng Thương Xót, nguồn cội của sự khôn ngoan.

Ở bài đọc thứ hai, thánh Phaolô kể thêm để ta hiểu rõ về Tình Yêu Thiên Chúa đã tỏ lộ cho ta qua Ngôi vị của Chúa Con, Đức Kitô Giê-su. Chúa Kitô là Mạc khải Hữu Hình, mang tính rất người. Ngài là sự tỏ bày của Tình Yu và Lòng Thương Xót Chúa ban cho toàn thế giới. Tình Yêu Chúa đạt đỉnh cao ngang qua biến cố Chúa chịu nạn, rồi chết đi và trỗi dậy về lại với Sự sống.

Nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa mà khi xưa ta không thấy và không hiểu đã chấp nhận mặc lấy hình hài của con người, để giúp ta biết được phần nào bản chất đích thật của Ngài. Để rồi, ta sẽ ra đi đến với Ngài. Đức Giê-su đã thực sự cất lên cây cầu nối kết loài người với Thiên Chúa là Cha.

Cuối cùng, ta biết được Thiên Chúa nhờ Ngôi vị Thánh Thần đào tạo hun đúc mọi hiểu biết cho ta. Ngài hướng dẫn, dạy dỗ, đánh động và ủi an cũng như củng cố mọi người chúng ta. Ta gặp Đức Chúa là nhờ Thánh Thần Ngài họat động ở trong ta. Họat động qua chính chúng ta, Ngài cũng đến với người khác. Ngài luôn luôn sáng tạo, tái tục và khiến mọi sự trở nên mới mẻ, hấp dẫn hơn. Thánh Thần Chúa đôi khi còn gọi là “Hồn của Giáo Hội”. Không cóĩ Hồn, Giáo hội chỉ là thế chế, rất phàm tục.

Cảm nghiệm được Ba Ngôi Đức Chúa nhờ có niềm tin yêu như thế, ta sẽ không còn thấy “kiếp con người sao vẫn cứ lao đao” nữa. Nhưng, biết thuận theo lời mời của Thiên Chúa để ấp ủ Ngài vào lòng, với tình Xót thương sẵn có. Ấp ủ trong lòng Ba Ngôi Đức Chúa, cả ở nơi ta đang sống. Sống trọn tình yêu thương tin tưởng như ta vẫn làm, bấy lâu nay. Sống trọn vẹn tin yêu với Ba Ngôi Đức Chúa, ta sẽ trở nên những gì Cha biết ta có thể trở thành. Làm như thế, không phải để nói rằng: muốn đạt đến Ba Ngôi Đức Chúa, ta phải đạt sự tốt lành trước đã. Mà là, đạt tình yêu và lòng thương xót của Ba Ngôi trước, tự khắc ta sẽ đạt mọi tốt lành, chuyện dĩ nhiên thôi.

Mừng Lễ Cha Ba Ngôi hôm nay, ta cử hành mừng kính sự mật thiết cao trọng nơi phẩm vị của Ba Ngôi Đức Chúa. Mừng Kính Chúa Ba ngôi, ta còn được mời gọi để dấn thân tiến bước. Dấn thân tiến bước, là tập trung bước vào sự mật thiết của Cha, Con và Thánh Thần Chúa. Và, khi quyết tâm tham gia vào sự mật thiết của Chúa Ba Ngôi, ta sẽ hân hoan cất tiếng cùng người nghệ sĩ trẻ lúc truớc, mà hát rằng:

Ta rong chơi phiêu lòng cuối trời,

Đời bọt bèo phù du kiếp người,

Dù qua bao nhiêu đắng cay vẫn cười

Và đời còn mùa hạ tươi vui

Và lòng còịn nhiều điều muốn nói

Hãy thắp sáng tâm hồn

Cháy lên trong tim mỗi người

Những yêu thương cho cuộc đời

Mùa hạ ơi, tình phơi phới. (Lê Hựu Hà – Vào Hạ)

Vâng. Vào hạ, là đi vào sự ấm áp của Tình Cha Ba Ngôi, luôn mật thiết. Ở nơi đó, mọi tâm hồn đều thắp sáng lên. Cho dù, còn đó kiếp người vẫn lao đao, phù phiếm. Bởi vì, đời người vẫn còn mùa hạ tươi vui. Vui như tình yêu thương Chúa tỏ bày với con người, rất Ba Ngôi.

Lm Richard leonard sj

Mai Tá diễn dịch

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )