Tuesday, 15 September 2009

Bài giảng của Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện

Bài giảng của Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, CssR
trong thánh lễ cầu nguyện cho Tam Tòa tại DCCT Sài Gòn


Kính thưa cộng đoàn,

Chúng ta hiệp thông với Hội Thánh của Chúa Kitô tại Giáo phận Vinh và nhất là tại Giáo xứ Tam Toà – Quảng Bình, mà sống nỗi ưu tư của dân tộc mình. Và như anh chị em đã thấy trong phần trước thánh lễ, Cha Uy đã cho chúng ta một cái nhìn chung chung về những gì đã diễn ra, đang diễn ra, và nhất là về tâm tình hiệp thông của Hội Thánh Chúa, cách riêng là của Hội Thánh Chúa tại Vinh, với anh chị em giáo xứ Tam Toà, để tha thiết dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện không chỉ là xin Chúa xoa dịu những nỗi đau, những cảnh bất công đang xảy ra, mà còn xa hơn nữa, là lời cầu nguyện để xin cho tình yêu, xin cho hoà bình, xin cho sự thật, xin cho công lý, được nở hoa trên quê hương đất nước chúng ta.

Có thể có rất nhiều điều để nói về những tâm tình của chúng ta trong những ngày cầu nguyện đặc biệt này. Có thể có rất nhiều điều để nói về những tâm tình cách riêng là của những anh chị em tín hữu của Chúa Kitô tại Vinh trong những ngày này. Nhưng trong bài chia sẻ này, tôi chỉ xin mời cộng đoàn suy nghĩ hai điểm.

Chúng ta hiệp thông với Gíao phận Vinh trong tâm tình nào, trong xác tín nào? Chúng ta chia sẻ nỗi ưu tư gì của Hội Thánh của Chúa Kitô với dân tộc mình tại Vinh, tại Tam Toà, tại Quảng Bình bây giờ, kính thưa anh chị em?

Chiến tranh trên đất nước chúng ta đã kết thúc lâu lắm rồi. Rất nhiều người trong số các bạn trẻ đang ngồi đây sinh ra sau khi chiến tranh đã kết thúc. Nhưng mà ngay cả những bạn trẻ ấy chắc cũng đã không ít lần kinh nghiệm về sự tàn ác và sự không thể chấp nhận được của chiến tranh. Quả thực, chiến tranh là tàn ác và không thể chấp nhận.

Nhưng sau mấy chục năm kể từ khi chiến tranh kết thúc, ngày nay, chúng ta lại thấm thía một kinh nghiệm khác, kinh nghiệm rằng: khi một quốc gia phải tái thiết sau chiến tranh, thì lúc đó, những cuồng vọng và khí lực của chiến tranh trở nên bất lực. Phải có một sức mạnh mới. Và đó chính là sức mạnh của tình yêu, sức mạnh của sự hiểu biết và của lòng trắc ẩn đối với con người. Đó là sức mạnh của sự vị tha và sự hợp tác. Đó là động lực sáng tạo của một ý chí muốn sống và muốn kiến thiết, của một ý chí muốn tha thứ và muốn hoà giải. Sử dụng những cuồng vọng của chiến tranh để xây dựng đất nước? Thất bại. Sử dụng những khí lực chiến tranh để xây dựng đất nước? Thất bại. Chỉ có một con đường thôi: con đường của tình yêu mến, của sự tha thứ, của sự nâng niu sự sống.

Nhà thờ vốn là nơi phục vụ tình yêu thương, hoà giải và sự hồi sinh. Biến nhà thờ thành một tượng đài của lòng thù hận, là một tội ác, là một sự xúc phạm lớn lao đối với niềm tin tôn giáo của chúng ta. Có thể lưu giữ nơi nhà thờ Tam Toà những di tích nhắc nhở chúng ta về tính chất tàn ác không thể chấp nhận được của chiến tranh. Nhưng nếu chỉ như thế thôi, thì không thể chấp nhận. Sứ điệp quan trọng hơn, và cũng là sứ điệp chính yếu, mà nhà thờ Tam Toà đem lại cho chúng ta và cho thế hệ tương lai, phải là sứ điệp của tình yêu, của sự hoà giải và của sự phục sinh, chứ không phải sứ điệp của lòng hận thù.

Những sự kiện bi đát đang diễn ra tại Tam Toà, cho thấy: khi người ta chỉ nhấn mạnh lòng thù hận, thì không thể có hoà bình đích thực. Nhấn mạnh lòng thù hận kẻ khác, thường khi, là đang tra tay xây dựng nền văn minh sự chết. Chúng ta đã sống quá lâu trong một bầu khí xã hội đề cao lòng căm thù. Và một di chứng nặng nề của đường lối xây dựng xã hội dựa trên lòng căm thù ấy, chính là sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức trong xã hội. Con người Việt vốn hiền hoà thuận thảo, nay phải đối diện, rất thường khi, với một tình trạng bạo lực kinh khủng từ ngay trong gia đình, huống nữa là trong tương quan xã hội. Tại sao vậy? Sự quá nhấn mạnh lòng căm thù, thậm chí đến độ trong một thời gian dài, lòng căm thù giai cấp đã trở thành một thước đo để người ta đánh giá nhau, đã đẩy chúng ta đến những bi kịch bạo lực như chúng ta đang phải thường xuyên chứng kiến trong xã hội chúng ta. Cần phải chấm dứt việc lấy lòng căm thù làm tiêu chuẩn và nền tảng xây dựng xã hội. Đã quá dài rồi khoảng thời gian mà trong đó, chúng ta đề cao bạo lực.

Vì thế, hơn lúc nào hết, ngày nay, việc đề cao Tin Mừng về lòng yêu thương, sự hoà giải và sự hồi sinh, là một trong những đòi hỏi khẩn thiết của xã hội chúng ta và của sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh. Thế mà, ngay trong hoàn cảnh cấp thiết này, người ta vẫn muốn biến nhà thờ, là nơi phục vụ tình yêu thương, hoà giải và hồi sinh, thành tượng đài của lòng căm thù.

Anh chị em tín hữu Giáo phận Vinh, trong ý thức về tính cách khẩn thiết của sứ mạng loan báo Tin Mừng tình thương, của sứ mạng xây dựng nền văn minh tình thương, của sứ mạng làm chứng cho sức mạnh của tình yêu cứu độ, đã muốn có một ngôi nhà thờ mới được xây trên nền của ngôi nhà thờ cũ, mà không xoá bỏ di tích nhắc nhở tính cách tàn ác của chiến tranh. Đó là ước muốn công bố một sứ điệp toàn diện về hoà bình, nhấn mạnh tính cách tích cực của tình yêu thương mà vẫn không quên tính cách tàn ác của chiến tranh và bạo lực. Nếu không ý thức về điều này, chúng ta có thể bị lừa. Báo chí mấy ngày nay nói đến chuyện như thể người ta muốn xoá đi cái di tích của chiến tranh. Thậm chí có kẻ nói rằng mấy giáo dân ở Giáo phận Vinh muốn mọi người quên đi tội ác của đế quốc Mỹ. Nói như thế là bất công đối với anh chị em. Đối với anh chị em ở Giáo phận Vinh, cái quan trọng là một sứ điệp về tình yêu mến, một sứ điệp về sự hoà giải, một sứ điệp về sự phục sinh cần phải được công bố trên nền của ngôi nhà thờ ấy.

Như thế là đang có hai ước muốn và chọn lựa trái ngược nhau tại Tam Toà: ước muốn đề cao lòng hận thù và ước muốn truyền tải cho hậu thế một sứ điệp của tình yêu thương và khát vọng hồi sinh. Và có lẽ sự đối nghịch của hai ước muốn đó đã là một trong những nguyên nhân chính gây nên những thảm cảnh đau thương cho anh chị em tín hữu tại Tam Toà.

Chúa Giêsu đã chịu chết để thực hiện Tin Mừng của tình thương yêu, tha thứ và phục sinh. Anh chị em tín hữu tại Tam Toà đang được tham dự đặc biệt vào công trình đó của Chúa. Và những lời Chúa Giêsu nói trong bài tin mừng mà chúng ta vừa nghe, cũng là những lời nói với và nói cho anh chị em tín hữu Giáo phận Vinh hôm nay: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em.Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.”

Hiệp thông với nhiều nơi và với nhau cầu nguyện cho giáo xứ Tam Toà hôm nay, là chúng ta cầu nguyện cho ước vọng cao cả và tốt đẹp về tình yêu mến được trở thành hiện thực. Đó là một trong những điểm nhấn chính yếu của các cuộc cầu nguyện được tổ chức trong những ngày này. Xin cho chính quyền Tỉnh Quảng Bình nói riêng và của cả Nước nói chung, biết tôn trọng ước nguyện tốt lành đó của tất cả chúng ta.

Cầu nguyện cho giáo xứ Tam Toà hôm nay, cũng chính là chúng ta đang khẳng định lập trường về một đường hướng xây dựng xã hội. Trong tư thế là Hội Thánh của Chúa Kitô đi giữa lòng dân tộc mình, mang lấy khát vọng của dân tộc mình, chúng ta muốn bày tỏ một lập trường, muốn chọn lựa một lập trường về đường hướng xây dựng xã hội, dựa trên tình yêu, đề cao sự sống và sự hoà giải. Sẽ không thể có hoà bình và sự thịnh vượng đích thực, nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh lòng căm thù. Cho nên, cầu nguyện cho Tam Toà hôm nay cũng là một cách thức để chúng ta bày tỏ chọn lựa đó của chúng ta. Chúng ta chọn lựa một đường hướng xây dựng xã hội nhấn mạnh trên tình yêu, trên sự tha thứ, trên sự hội sinh, trên sự sống, chứ không phải là trên lòng hận thù.

Đó là điểm thứ nhất mà tôi muốn mời cộng đoàn suy niệm trong thánh lễ hiệp thông cầu nguyện cho Tam Toà hôm nay.

Điểm thứ hai có liên quan trực tiếp hơn với những gì đang diễn ra tại Tam Toà. Bằng việc tập trung trong những buổi cầu nguyện như thế này, chúng ta muốn truyền đi một sứ điệp: chúng ta không thể chấp nhận việc tiếp tục sử dụng bạo lực và những thủ đoạn bất nhân để đàn áp mọi sự khác biệt ý kiến trong xã hội.

Có một kiểu chuyên chế tuy đã phần nào lui về quá khứ xét theo danh nghĩa, nhưng vẫn còn rơi rớt trong thực tế, và nhất là vẫn còn để lại những di chứng nặng nề trong đời sống xã hội chúng ta. Trong số những di chứng ấy, có nạn độc đoán, nạn ém nhẹm hoặc bóp méo sự thật, nạn đàn áp mọi sự khác biệt ý kiến bằng những thủ đoạn bất nhân và tàn độc. Những di chứng ấy, cộng thêm tệ nạn tham nhũng và thói tự tư tự lợi, đã khiến cho xã hội chúng ta xuống cấp trầm trọng. Trong những gì liên quan đến tôn giáo, nhất là liên quan đến Kitô giáo, những di chứng ấy lại càng thêm nặng nề do thái độ nghi kỵ đầy thành kiến đối với Hội Thánh và các Kitô hữu.

Trong một thời gian khá dài, và có trường hợp còn đang trong hiện tại, có những người đã miệt mài trong việc làm cho thái độ nghi kỵ đầy thành kiến ấy càng ngày càng trầm trọng. Mới chưa đầy một năm trước đây, cả một hệ thống truyền thông đã toa rập với vài người có quyền lực trong chính quyền thành phố Hà Nội để đánh hội đồng Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, khi họ gian xảo cắt xén lời phát biểu của ngài để gây nên một cơn lên đồng tập thể của nhiều thành phần dân chúng, hòng tạo ra sự hận thù giữa các thành phần xã hội. Biết bao bài báo và chương trình phát thanh, truyền hình, đã không ngần ngại mạ lỵ và vu khống các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà suốt một thời gian dài. Không ai có thể chắc chắn rằng những cách làm bất minh đó không tái diễn trong sự kiện Tam Toà hiện nay.

Trái lại, như những gì vừa diễn ra tại Đồng Hới sáng nay (với 2 linh mục bị những người được trang bị dùi cui đả thương giữa thanh thiên bạch nhật, phải đưa vào trạm y tế chữa trị), chúng ta biết rằng người ta chẳng ngại áp dụng các biện pháp đầy chất bạo lực và gây thù hận, để cư xử với những tín hữu Công Giáo.

Thực ra, hành xử như thế cũng chẳng khác gì việc tấn công người khác bằng một thanh sắt nóng bỏng: một khi cầm miếng kim loại nóng bỏng kia lên, bàn tay của anh chắc chắn sẽ bị thiêu huỷ ngay trong chính lúc anh thiêu huỷ người khác. Thù ghét chính là hạt giống sự chết trong con tim tôi, vì nó tìm kiếm sự chết cho người khác. Tình yêu là hạt giống sự sống trong con tim tôi, vì nó tìm kiếm sự thiện cho người khác.

Chúng ta hiệp thông với anh chị em tại Giáo phận Vinh để nói rằng chúng ta không thể chấp nhận việc người ta tiếp tục sử dụng bạo lực và những thủ đoạn bất nhân để đàn áp mọi sự khác biệt ý kiến về việc xây dựng xã hội.

Một đàng, chúng ta biết rằng có lẽ những lời thánh Phaolô viết cho anh em tín hữu tại Côrintô mà chúng ta vừa nghe trong bài thánh thư, cũng là lời được anh chị em tại Vinh nói với chúng ta và cho chúng ta: “Nhưng kho tàng Tin Mừng, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi”.

Đàng khác, theo giáo huấn của Hội Thánh, chúng ta xác tín rằng: “Bạo lực là giải pháp không thích đáng. Với xác tín về niềm tin vào Đức Kitô và với ý thức về sứ mạng của mình, Giáo Hội tuyên bố: bạo lực là tội ác, không thể chấp nhận bạo lực làm giải pháp cho các vấn đề; bạo lực là điều không xứng đáng với con người. Bạo lực là sự dối trá, vì nó đi ngược lại sự thật của đức tin và sự thật của nhân loại. Bạo lực phá huỷ tất cả những gì nó hô hào bảo vệ, từ phẩm giá đến sự sống và tự do của con người”.

Đó là lập trường của Giáo Hội. Đó là lập trường của chúng ta.

Bằng việc tham dự những giờ cầu nguyện như thế này, chúng ta công bố với thế giới cái lập trường căn bản đó: chúng ta không chấp nhận việc tiếp tục sử dụng bạo lực và những thủ đoạn tàn ác để dập tắt những ý kiến khác biệt, nhất là những ý kiến liên quan đến việc xây dựng xã hội. Ví dụ những ý kiến mà anh chị em giáo dân ở Vinh đang bày tỏ qua khát vọng được xây dựng trên nền nhà thờ Tam Toà cũ một ngôi thánh đường mới: ý kiến về việc chọn lựa rằng chúng ta xây dựng xã hội của chúng ta không phải trên lòng căm thù, không phải trên bạo lực, cho dù là bạo lực cách mạng, không phải là trên lòng căm thù, cho dù là lòng căm thù giai cấp. Đã quá đủ rồi cái chọn lựa đó. Chọn lựa đó đã tỏ ra thất bại rồi, thưa anh chị em. Và chúng ta bày tỏ một khát vọng được xây dựng xã hội của chúng ta trên một chọn lựa mới, trên một đường hướng mới dựa trên tình yêu, dựa trên sự tha thứ, dựa trên sự tôn trọng sự sống. Và với việc cầu nguyện này, chúng ta hiệp thông cùng với toàn thể Giáo phận Vinh không phải chỉ trong đau thương hiện tại, mà còn là trong xác tín, trong chọn lựa: chọn lựa một cách thức hiện diện và công bố Tin Mừng, chọn lựa việc sẵn sàng chịu mọi bách hại để công bố sứ điệp của Tin Mừng tình thương, hoà giải và sự sống.


Nguyện xin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thương đoàn con cái của Mẹ, là tất cả chúng ta và nhất là những anh chị em tín hữu chúng ta tại Quảng Bình. Nguyện xin Chúa Cứu Thế gìn giữ chúng ta trong sự bình an và ơn cứu độ của Người. Xin cho chúng ta đừng bao giờ thoả hiệp với một đường lối xây dựng cuộc sống bằng cách khơi sâu lòng hận thù và sử dụng bạo lực, nhưng luôn luôn biết hiến mình phục vụ tình yêu thương, hoà giải và hồi sinh.

Chớ gì cái tham vọng quái gở muốn biến một ngôi nhà thờ thành chứng tích khơi dậy lòng căm thù, bị gạt sang một bên, để cho khát vọng về tình yêu, khát vọng về hoà giải, khát vọng về sự sống được nở hoa. Đó chính là lời cầu nguyện tha thiết của chúng ta, và đó cũng là lời tuyên xưng đức tin đầy xác tín của tất cả cộng đồng chúng ta. Amen.

Lm Nguyễn Thể Hiện dcct

No comments: