Tuesday, 1 September 2009

DIA 67


Làm đèn phải sáng

Lm Phạn Trung Thành, DCCT

Kính thưa anh em.

Tuần trước, có dịp ăn tối với cha Trần Quang Hào và các anh Phan Thành Nghi, Trần văn Huân (lớp Vô Nhiễm), các anh vừa thực hiện một chuyến hành hương La Vang với bạn bè. Trong chuyến hành hương này, các anh trở về nhà Huế thân yêu, thăm ngôi nhà cũ, thăm tu viện và thăm nhà đệ tử. Thời gian và hoàn cảnh đặc biệt đã làm ngôi nhà xuống cấp tồi tệ, mặc dầu trong những năm gần đây, nhà Huế đã cố công tu sửa. Trong giọng nói xót xa, các anh muôn góp công tu sửa lại ngôi nhà đệ tử, nơi mà các anh đã được chung sống cả quãng đời niên thiếu.

Tháng 7/2009, tôi đến Hoa Kỳ trong chuyến công tác thăm viếng và gặp gỡ anh em Tỉnh Dòng Denver, khi về ghé ngang Santa Anna, anh Vũ Ngọc Lợi và anh Trí đã tổ chức một buổi họp mặt các anh cựu đệ tử vùng Nam Cali, cuộc họp mặt thật đầm ấm và thân thiện. Hôm ấy có cả chị Khanh, hiền thê của anh Toàn (lớp cha Trần Sĩ Tín), trong câu chuyện trao đổi, chị nói với tôi:“Anh Toàn khi còn sống, ngoài những giờ bận rộn, lúc nào anh cũng nhắc đến thời còn trong đệ tử, có thể nói cả cuộc sống của anh đầy ắp những tình cảm dành cho nhà Dòng”.

Qua anh TNTá, tôi vừa nhận được một món quà do các anh gởi về nhân lễ thánh tổ phụ chúng ta,. Quà này là một món quà nối tiếp nhiều món quà đã được gởi về từ một phương trời xa xăm phía nam, từ những tấm lòng của các anh luôn hướng về dòng mẹ. Một lần nữa, xin chân thành cám ơn các anh; và qua các anh, xin gởi lời cám ơn các chị, những người con dâu quảng đại và nhiệt thành.

Tôi có thể kể hằng trăm câu chuyện về những người cựu đệ tử yêu mến nhà Dòng tha thiết như vậy. Có thể nói, nhà Dòng đã trở thành cái nôi để đưa chúng ta vào đời. Có kẻ vào đời bằng những bôn ba cuộc sống. Có kẻ vào đời bằng lời khấn hiến dâng. Nhưng, bất kể vào đời bằng cách nào, thì giòng máu An Phong vẫn không ngừng chảy trong chúng ta. Thú vị ở chỗ này. Tôi rất thích dùng chữ GIA ĐÌNH AN PHONG, vì chúng ta là anh em ruột thịt của nhau trong thánh An Phong, bất kể chúng ta là ai. Anh em là những người dấn thân như những men vùi trong thúng bột. Phải ở ngoài tu viện mới vùi trong bột được chứ. Chúng tôi là những ngọn đèn thắp lên chiếu soi cho mọi người. Đèn thì phải tách biệt ra mới soi được chứ. Vậy, chúng tôi phải vào tu viện để gìn giữ ánh sáng. Hễ làm đèn thì phải sáng, làm men thì phải nồng, chẳng ai thay cho ai được.

Xin tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta có nhau, nói theo kiểu lời một bài hát “may mà có nhau, đời còn dễ thương”. Cũng chẳng là may gì hết, Chúa ban cho ta cả thôi. Xin Chúa giúp chúng ta đồng hành với nhau cho trọn đường đời.

Hẳn các anh có thể biết tin tức nơi quê nhà qua các trang web của nhà dòng. Những nỗ lực của Tỉnh Dòng trong một hoàn cảnh đất nước vô cùng khó khăn. Ơn gọi hiến mình cho người nghèo. Cho những người bị bỏ rơi. Ơn gọi loan báo Tin Mừng. Tin về Ơn Cứu Độ đẩy chúng ta tới tình trạng hiện nay. Chúng ta không được phép phản bội lại Ơn gọi. Xin các anh cầu nguyện cho Tỉnh Dòng. Cho anh em nơi quê nhà được “đầu cao mắt sáng”, được “chân cứng đá mềm” để vuông tròn bổn phận của mình.

Cha Kevin O’shea và cha Mai văn Thịnh (hai cha thuộc Tỉnh Dòng Úc) đang viếng thăm Việt Nam, vào nhà cơm, nhìn hơn 100 sinh viên đang theo học Thần học và Triết học, cha Kevin chia sẻ với tôi : “Năm 1964, chúng tôi cũng có số lượng sinh viên đông đảo như vậy, 45 năm trôi qua, bây giờ chúng tôi không còn một ai hết”. Chắc chắn, chúng ta không được phép ngủ vùi trên những gì chúng ta đang có. Kinh nghiệm của các Tỉnh Dòng bạn sẽ giúp chúng ta thấy rõ ngày mai. Xin anh em nỗ lực cầu nguyện để Chúa khai phóng cho chúng ta cái ngày mai trong sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa.

Chương trình làm việc của năm mới 2010 khá bề bộn. Nhưng tôi hy vọng sẽ thu xếp được để viếng thăm Tỉnh Dòng Úc và viếng thăm anh em. Mong rằng chúng ta được gặp nhau thật thân mật trong tình “gia thất” An Phong.

Xin Chúa chúc lành cho các anh. Cho gia đình các anh. Và cho mọi kế hoạch dự định của các anh được thành công theo ý Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp, thánh An Phong và các thánh trong Dòng.

Người anh em của các anh.

Lm. Vinh Sơn Phạm Trung Thành, dcct. Giám Tỉnh

Gia Đình An Phong Sydney

Mừng Lễ Thánh Tổ 1.8.2009

Lễ Thánh Tổ An Phong năm nay đã được tổ chức trong bầu không khí thân tình tại nhà anh chị Vũ Nhuận vào thứ bảy ngày 1 tháng 8 năm 2009. Để có một cái nhìn cụ thể, các anh chị có thể tưởng tượng khu nhà của khổ chủ – tương tự như ở Thủ Đức đối với Saigon – vì là “vùng sâu vùng xa “ cho nên có hồ, có nước khá thơ mộng hữu tình – thế nhưng khi đêm về, tiệc vui tàn, lúc đầu óc vẫn còn dư âm của “khilikhitô”, thì đã xảy ra một số trường hợp, lái xe khỏi nhà Vũ Nhuận cả 10 phút mà sao cứ tới lui trở “về chốn cũ” hoài. Trong lòng bèn nhủ thầm, chắc phải nhậu thêm vài lần nữa thì may ra mới ….Đó cũng là lý do để căn hộ số 22 Tudor Cres Cecil Hills được chọn để tổ chức buổi họp mặt năm nay.

Lễ Thánh Tổ năm nay, chi hội Sydney tưởng có dịp đón tiếp cha bề trên giám tỉnh DCCT Úc - qua lời mời của người anh em Joseph Mai Văn Thịnh – ai dè vì bận công chuyện vào phút chót, ngài phải hẹn vào một dịp khác. Thôi cũng chẳng sao, vì rằng chỉ cần có sự hiện diện của cha “phó giám tỉnh” họ MAI, thì cũng đủ xôm tụ rồi.

Điều bất ngờ khá thú vị ngay từ đầu khi đến số nhà 22 Tudor Cres để mừng lễ thánh Tổ, là chẳng thấy nơi làm lễ đâu cả. Mấy lần trước nơi làm lễ là phòng khách. Lần này phòng khách chẳng thấy dọn dẹp gì cả, hơn nữa khổ chủ lại còn đùa giai nói rằng sẽ làm lễ ở nơi khác, phút chót mới cho biết. Mãi cho đến khi gần giờ “hoàng đạo”, chủ nhân mới tiết lộ đó là một căn phòng – mà từ lâu nay ít ai biết, thường là nơi karaoke cho những giọng ca chưa lên mà đã biết ngày xuống.

Buổi họp mặt bắt đầu đúng giờ với vài phút tập hát và sau đó là giới thiệu chương trình tổng quát. Mọi người được nhắc nhở cầu nguyện đặc biệt cho ông cố – thân phụ của LM người anh em vừa được Chúa gọi về. Trong thánh lễ, phần lời nguyện giáo dân đã được giao cho chuyên gia Phạm Văn Chương và anh đã hoàn tất nhiệm vụ một cách “mỹ mãn”. Mô tả như vậy không phải là không có bằng cơ nhãn tiền. Bằng cớ thứ nhất là trong lời nguyện, chuyên gia họ Phạm đã không thể không có một lời nguyện đặc biệt dành cho cha chủ tế và điều này đã làm cho người anh em LM phải khiêm tốn nhìn nhận thôi. Nếu không tin, bà con cứ hỏi anh MVThịnh. Bằng cớ thứ nhì đó là của một nữ thân hũu – chị Loan. Chị rất vui khi một trong số các lời nguyện đã được trao cho ông xã của chị là anh Dũng ( vốn là một tân tòng) để đọc. Có thể nói là chưa bao giờ chị nghe ông xã đọc một lời nguyện sốt sáng và thánh thiện như vậy, ước gì trong tương lai sẽ còn có nhiều dịp khác….. Xin cám ơn anh Dũng và nhất là cám ơn tác giả các lời nguyện. Cứ thế mà làm, anh Chương nhé.

Truớc khi thánh lễ kết thúc, như thông lệ, CHT NDLâm đã chúc lễ mọi người và nhất là những ai mang tên thánh An Phong. NDLâm cũng không quên một lần nữa chia buồn với anh MVThịnh và xin anh chị em cầu nguyện cho linh hồn người quá cố. Anh cũng không quên nhắc nhở bà con đóng góp cho Tỉnh Mẹ Việt Nam. Xin ghi nhận một sự đóng góp rất đặc biệt và có tính chất thông lệ, năm nào cũng thế – mà người viết xin được dấu tên – đó là 3 chiếc loong đựng tiền cắc. Nói là tiền cắc, thế nhưng có một loong mà tiền cắc đa số lại là 1 hay 2 dollars. Phát giác này do CHT – là nguời mở loong đưa ngân hàng đếm đã tiết lộ. Viết ra chuyện này chỉ có mục đích thông tin mà thôi, còn những chuyện khác chỉ có Chúa biết. Chương trình kế tiếp đó là một vài tin tức “nỏng bỏng” do TN12 gửi đến mọi người – kể cả những tin vịt cồ - thế nhưng điều dễ thương là những tin vịt cồ đó lại có rất nhiều khả năng trở thành sự thật – vấn đề chỉ là thời gian mà thôi.

Một chi tiết đặc biệt khác trong buổi họp mặt năm nay. Đó là từ lâu chi hội đã không có được những tấm hình chụp chung – khi còn đông đủ mọi người. Dó đó mà ban tổ chức đã chu đáo mời mọi người – ngay sau thánh lễ – ra phía trước nhà chụp chung vài tấm hình kỷ niệm. Công tác này đã được trao cho cháu Thiên Ân, thứ nam của anh chị TNTá. Hy vọng trên trang web của DIA kỳ này, quý độc giả khắp nơi có thể chiêm nguỡng một vài khuôn mặt thân quen từ Hànội, Huế, Sàigon, Vũng Tầu, Chợ Lớn hay Thủ Đức – mặc dầu nhan sắc lúc này có tàn phai.

Cuối cùng là phần liên hoan. Cũng như mọi năm phần ẩm thực là do tài khéo tay của các chị em, còn lại là vì thời gian bận rộn và eo hẹp nên đành phải nhờ đến tài nấu nướng của những người khác. Thế nhưng duy chỉ biết mua đúng nơi đúng chỗ, cũng là điều đáng khen ngợi. Một chi tiết cũng khá thú vị, đó là không biết có phải vì phu nhân vừa trở lại Úc sau chuyến về thăm gia đình ở Việt Nam hay không mà gia đình họ Vũ thết đãi bà con một con bê thơm phức. Nếu đó đúng là lý do thì chị Bích Nông cứ 2 năm nên về thăm nhà một lần, nhất cử lưỡng tiện, phải không bà con.

Tiệc vui nào rồi cũng phải đến lúc chấm dứt. Chi hội Sydney đã có một buổi họp mặt thật vui, thật thân tình. Hy vọng tình thân thương đó sẽ còn tiếp tục và triển nở mãi trong con tim của mỗi người. …………………….Tầu Há Mồm ghi nhanh

Có nên ‘cho’ hay không?

Bài “Cho không – Không cho” với câu kết: “Có nên ‘cho’ hay không?” là gợi ý rất hay khiến người đọc phải suy nghĩ.

Đời Kitô-hữu là hành trình bước theo lời mời gọi “liên tục cho đi, cách nhưng không”. Đó là hành trình bước theo Chúa Kitô, mô phỏng tinh thần sống của Ngài. Cho đi để được nhận lại. Cho đi để được lớn lên, triển nở. Cho đi tất cả để nhận lại gấp bội phần, được sung mãn nơi thiên giới, như “Chúa Kitô đã ‘cho không’ mọi sự. Ngài ‘cho’ cả bản chất rất ‘người’ của Ngài nữa”, để mọi người nhận được tất cả. Khi cho đi, ta không tìm cách thu tích kho tàng dưới đất, nơi mối mọt có thể đục khoét, mà tìm cách thu tích kho tàng trên trời, nơi không gì có thể làm hư hoại được. Lời Chúa nói: “Hãy cho đi và các ngươi sẽ được nhận lại” (Lc 6,38).

Cho đi chính là hoa trái của đời sống đặt nền tảng trên lòng tin vào Chúa. Cho đi là thi thố chính căn tính Kitô-hữu giữa cuộc đời. Như ngọn nến cháy sáng và tiêu hao, đời Kitô-hữu cũng bị hao mòn khi sống tư cách chứng nhân tình yêu. Và như ngọn nến khi bị tiêu hao, giá trị của nó được biểu lộ cách cụ thể nhất, thì đời Kitô-hữu cũng rực sáng khi chấp nhận cho đi cách nhưng không, liên tục.

Cho đi cũng là nét đẹp trong đạo làm người. Kinh nghiệm cha ông để lại có những câu nói rất hay: “của ăn thì hết của cho thì còn”; “Sởi lởi thì Trời cởi cho, bo bo thì trời lấy mất”.

Có nên lúc nào cũng cho hay không? Và có nên “cho không” vào mọi lúc không?

Nói về thái độ cho nhưng không, bài “CHO KHÔNG – KHÔNG CHO” trích dẫn những lời của Thánh Phao lô: ‘Kẻ phân phát, hãy cho nhưng không” (Rm 12:8), “Mỗi người hãy cho tùy ý định của lòng mình, khơng cau có, không miễn cưỡng, vì cứ hớn hở mà cho, Thiên Chúa mới chuộng.”(2Cr 9:8) Thánh Phao lô nói điều này là nhắm đến tinh thần chia sẻ trong cộng đoàn, những người có điều kiện giúp đỡ các anh em đang túng thiếu, nghèo khổ để anh em có thể vượt qua cơn gian nan. Và khi những anh em này đã có của ăn của để, thì chính họ sẽ giúp lại những người nghèo khổ khác. Đó cũng là lý do nhiều tổ chức thiện nguyện khi giúp đỡ một vùng nào, hoặc cộng đồng nào, họ thường cân nhắc để cung cấp những phương tiện giúp người ta có thể tự mình đứng vững, giống như cung cấp cần câu hơn là luôn luôn cho cá. Bởi mục đích của sự ‘cho không’ là giúp người nhận vượt qua hoàn cảnh khó khăn, không đói khát, hoặc ngã gục trước cuộc sống khắc nghiệt. Nhận cách nhưng không là cơ hội để ta đứng vững và phát triển. Nhưng thực tế cuộc sống không phải luôn luôn là như thế.

Ta dễ thấy: khi ở trong hoàn cảnh luôn luôn được nhận, ta dễ ỷ lại và sinh lười. Khi ta quá dễ dãi để nhận thì ta cũng dễ mang não trạng ‘ăn bám’, ‘chờ sung rụng’ và không nỗ lực để tự đứng vững trên đôi chân mình. Thành ra, khi ‘cho không’ một cách dễ dãi như thế phải chăng, trong nhiều trường hợp, ta đang tạo cho người nhận cái tâm trạng ỷ lại, mất sức đề kháng trước những thách đố của cuộc sống?

Bởi thế, với câu hỏi: “Có nên ‘cho’ hay không?” trở thành một câu hỏi khó. Nó đòi thẩm định kỹ càng khi cho và khôn ngoan trong cách cho. Có những trường hợp không được phép cho, hoặc nếu có cho thì cũng không ‘cho không’ mà phải ‘cho có’ điều kiện.

Trường hợp sau đây là một ví dụ:

Cách đây mấy tuần, con thấy một em nữ giáo lý viên đang quỳ ở góc nhà thờ, vừa cầu nguyện vừa khóc rấm rức. Chờ cho em ra ngoài, con tìm cách gặp và hỏi em sao khóc như thế? Em tâm sự: có bốn người anh thì hai người đã yên phận gia đình, hai người còn lại thì một đang ở chốn lao tù vì phạm pháp, một lại đang trở thành gánh nặng cho người mẹ đang bệnh tật và hai đứa em gái ở nhà vì anh ta vừa thất nghiệp, đã ăn bám lại còn quậy phá gia đình. Cô gái với thân hình gầy còm nhỏ nhắn, đang giúp việc cho một gia đình ở Hà Nội, bỗng trở thành “vị cứu tinh” của cả gia đình. Gánh nặng sinh nhai chất lên đôi vai nhỏ nhắn đến tội nghiệp. Bao nhiêu tiền làm được gửi về nhà, thì như của ném vào thùng không đáy, bao nhiêu cũng hết. Lo cho mẹ cho em đã đành, nhưng người anh “con nhà lính tính nhà quan” lúc nào cũng tìm cách vòi tiền cô em cho bằng được thì làm sao để cho mãi đây! Sức người có hạn, cho riết đến lúc cũng cạn sức. Thương thì vẫn thương nhưng lực bất tòng tâm. Bây giờ không biết phải làm thế nào, không biết bám vào đâu, chỉ biết chạy đến Chúa để cậy dựa.

Càng cho càng bế tắc. Người cho cũng chết mà người nhận cũng không có lối thoát. Giải pháp bây giờ phải là ‘cho có điều kiện’. Cho nhưng với yêu cầu phải có biểu hiện tích cực trong việc sử dụng đồng tiền nhận được. Đó cũng là cách thương khi cho.

Thực ra Thiên Chúa khi cho cũng có điều kiện đấy. ‘Anh em đã được cho thì cũng phải biết cho lại’, đó là điều kiện. ‘Anh em đã nhận lãnh ân huệ như mưa đổ xuống thì phải làm cho nó sinh hoa kết trái’, đó là điều kiện. ‘Anh em đã nhận những nén bạc Chúa trao thì phải sinh lợi’.... Có điều kiện cả đấy. Nhưng điều đặc biệt ở đây là khi Chúa đòi hỏi thì không phải mưu lợi lộc cho Chúa mà chính là để người nhận được lớn lên.

Chúng ta vẫn luôn được mời gọi ‘cho không’ vì đó là ơn gọi của chúng ta. Nhưng thiết nghĩ, câu hỏi “có nên ‘cho’ hay không?” vẫn phải luôn đồng hành với chúng ta, để sự cho đi của chúng ta thực sự phù hợp với Tin Mừng, và trở nên cơ hội cho anh chị em của mình được sống.

Hà Nội, 25/8/2009

JB. Hồ Quang Lâm

Thư bạn hiền Maria Nguyễn

Thăm các chị thân mến,

Lâu quá rồi em không có dịp viết thư thăm các chị rất thân mến của em. Em nhớ các chị và cũng nhớ ba điều đôi chuyện lắm vì em nổi tiếng là ‘ xí xọn’ mà. Ngặt vì dạo này em mắc bận nhiều việc lắm cơ. Số là 6 căn phố dẫy nhà của em rủ nhau làm thêm một phòng để xem phim tại nhà, với màn ảnh HD thật bự giống như ở ngoài rạp hát mà bọn nhỏ ngày nay gọi đó là ‘home threatre’ nên mấy tháng nay tuị em gặp nhau hoài để bàn tính thiết kế, chiều ngang/chiều rộng, kiểu nào cho nó modern một chút. Rồi lại còn phần lấy giá thợ xây. Bọn em tính làm giống y hệt “giư giau”, không ai nổi hơn ai hết để còn giữ tình chị em!. Thêm vào đó, vợ chồng em cũng phải đi làm toàn thời, rồi thứ bẩy/chủ nhật ông xã em còn phải đi làm thêm nữa, mới phiền.

Em lại lạc đề mất rồi. Số là, trong mấy buổi gặp gỡ đó, có ‘nói’ đến tờ báo ‘Duc Tin Tan Trum’ (ngay em đây đọc mãi cũng còn chưa trúng tên tờ báo được, nữa là!) và 5 chị kia đề nghị em phải viết ý kiến của bọn em ‘chúng mình 6 đứa’ lên báo. Nên em về đến nhà là vội vàng viết thư gửi ngay cho anh chủ nhiệm, kẻo lâu ngày quên mất chi tiết nào thì các chị ấy sẽ không vui.

Em tóm gọn mấy ý đó như sau:

* Báo Duc In Antum dạo này sao thấy buồn quá trời vì thiếu mấy bài quen thuộc, biến đâu mất tiêu rồi, làm tụi em tìm mãi không ra? Em có hỏi vài chị, thì được các chị ấy cho biết là mấy chị thích mấy bài viết của Tí Cận, Tầu Há Mồm nè v.v

* Còn mấy bài đạo hạnh hoặc tu đức làm nền, mà ngày xưa vẫn có của vị linh mục mà tên nghe cũng kêu ghê lắm như Laurent Vincent cũng thấy lặn luôn. Mấy bài đạo đức này cũng tâm tình và thực tế lắm. Có chị nói là làm gì thì làm, đã là báo của mấy ông ‘Tu ra’, chắc chắn là phải có mấy bài đó rồi, làm sao thoát được nhỉ.

* Cả mấy bài triết lý nhân sinh quan, thư giãn như Thiền của tác giả Mễ Duy kỳ rồi cũng biến đâu mất. May là kỳ này có bài du lịch nước Củ Sâm, đọc cũng đỡ.

* Rồi còn đâu nữa những bài thuốc nam của tác giả Minh Nguyên, cũng mất tiêu. Coi vậy chứ, ở đây tụi em vẫn xài mấy phương thuốc nam hoặc kiểu chữa bệnh theo phương pháp cổ truyền của người mình lắm. Không tin thì các chị cứ thử nghiệm mà xem, hễ hơi cảm cảm một chút là “xông” nước nóng với vài giọt dầu xanh hoặc xả, hoặc mất tiếng tốt mà uống nước giá luộc là thấy hết liền, ngay thôi.

* Mục Giọng Cũ Xa Gần mới thành chuyện nữa chứ. Lâu nay tụi em cũng thích đọc mục này lắm, nhưng sao dạo này ít có tin tức bạn bè gần xa quá dzậy? Chắc là Dân Gầy đi nghỉ “holiday” hơi dài, nên không có tin tức gửi đến bè bạn hay sao đó? Có một chị cho hay là chị ấy thấy mục này như ‘hơi bị’ nhiều bài/nhiều thơ nói về chuyện ‘vợ tui, chồng tui, bồ nhí của tui’, quá à . Mà hình như lại hay chĩa mũi dùi vào phái nữ bọn mình không à. Làm như cái gì xấu nhất, dở nhất đều thuộc độc quyền sỡ hữu của cánh ‘ liền bà’ mình, nào là hoạn thư, bà chằng lửa, nào là sư tử Hà Đông, nào là chết cũng vẫn còn ghen v.v.. Thiệt là mấy ông không biết nghĩ đến hoàn cảnh chị em mình cứ “bị” đẩy vào thế bắt buộc phải đóng vai ‘ông Ác’ trong nhà. Thế là lại nổ ra một chuỗi tâm sự , mấy chị ấm ức kể rằng hễ bọn nhỏ hỏi xin gì, hoặc đi chơi đâu, tiệc tùng với bạn nào, mấy giờ thì về, thay vì nói chữ “Không” thì mấy ông ấy cứ bảo chúng nó ra ‘hỏi má’; hoặc đôi khi còn ra vẻ thương con mà nói ‘để ba năn nỉ má cho con, xem sao?’ thành ra, mấy nhỏ nhà em chỉ biết thương mình ba nó thôi. Có nhõng nhẽo, thì chỉ chuyên nhõng nhẽo với ba. Còn khi được hỏi: con thương ai nhất? thì chắc chúng cũng chỉ nói là thương ba thôi!

* Tới đây, em lại nhớ là trong nhóm 6 đứa chúng em thì có một chị rất là hiền, ít nói và rất để ý chăm sóc người khác. Khi thấy bọn em nhao nhao phê bình mục “Giọng Cũ Xa Gần” thì chị ấy bèn nhỏ nhẹ nói: ‘các chị ơi, nếu có cho ý kiến thì nhớ nhẹ tay một chút nhé; nhất là về các bài nói về ‘phụ nữ’ mình nhé. Vì em thấy cũng tội nghiệp mấy ãnh’. Khi chị ấy nói, em thấy chị ấy chớp chớp mắt ra chiều cảm động, sắp khóc. Mấy chị hỏi tới, thì chị ấy mới bảo rằng: ‘biết đâu mấy chuyện ấy cũng là chuyện mấy ãnh viết ra để mấy ãnh xả ‘sì trét’, có biết đâu là ở nhà mấy ãnh cũng bị ‘o ép’ ghê lắm. Thành thử, nếu mình phê bình dữ quá, e rằng mất đất để đăng tải thì cũng tội lắm’. Các chị nghe nói xong, thấy cũng có lý, nên hôm nay em cũng xin nhắc lại là tụi em chỉ nói nhè nhẹ thôi, chứ không có ý kiến ý còng gì đâu.

Thôi tới đây em phải dừng bút thôi. Xin hẹn các chị kỳ tới. Em không dám hứa nhưng chắc là khi mà 6 căn hộ ‘xi cà la ma’ của nhóm em hoàn tất, thì thể nào cũng mời các chị đến xem. Và có thể, sẽ có thêm chuyện bên lề để kể cho mấy chị nghe nữa đó.

Maria Nguyễn _____________________

Bàn về

sống lành mạnh tuổi hưu.

Mễ Duy

Tôi năm nay 64. Bốn cái răng hàm “nồng cốt” hàm trên đã tuần tự ra đi không hẹn ngày về. Trên da mặt những nét « chấm phá » màu xám đen từ đâu đến, càng ngày càng xôm tụ. Mỗi lần chợt thấy dung nhan mình “xuống cấp” đều đều như thế, tôi không khỏi bỡ ngỡ, lo lắng, tự nhủ: “sao mình chóng già thế!” Bỡ ngỡ vì trong đầu cứ tưởng mình còn “ngon” lắm. Lo lắng vì nghĩ đến cái triển vọng có khi cơ thể này dần dà trở thành phụ thuộc, ăn thì có người đút, tắm chỉ là tắm cạn (một người lau mình mẩy cho), một ngày đời người thu gọn vào việc chu toàn mấy cái nhu cầu sơ đẳng đó của cái xác đã tóp teo như gốc cây mục nát. Ôi nếu như thế thì sẽ nhàm chán đến chết được! Rồi tôi thương cho thân phận lão già mình, tiếc rằng ta đã không oe oe chào đời trước một thế kỷ.

Đúng thế, hồi tôi còn là một thằng cu mặc quần thủng đít hay chẳng quần áo gì tôi thấy các cụ ông “oai” lắm. Trong nhà thì nào là con cháu hầu hạ, nào là cụ bà nâng khăn sửa túi, ra đường thì ai ai cũng một tí là “bẩm thưa cụ”, hai tí là “dạ thưa cụ”, muốn bầy cỗ lúc nào thì bầy, của ngon vật lạ các cụ xơi trước, muốn giải trí thì cứ việc bày đám bài (tổ tôm, chắn) ra chẳng cần hỏi ý kiến ai cả, mọi sinh hoạt khác trong nhà như ngừng hẳn để yên cho các cụ chơi bài, các cụ giống như những mặt trời quanh đó các hành tinh liệu đường liệu cách mà xoay vần. Hồi đó chắc hẳn đã có những lần tôi mơ ước sau này về già cũng sẽ được như vậy, trở thành một cụ già oai vì tuổi già, được ưu ái trọng vọng . Nhưng bây giờ tôi đã ngoài “ lục tuần ” rồi đó mà sao mộng không thành ? Thế giới quanh tôi, xã hội quanh tôi, như mù như điếc, không nhìn ra mái tóc tôi đã bạc, không hiểu ra những “khát vọng thầm kín” của tôi.

Thú thật với bạn nhiều khi tôi mơ ước được làm “bê-bi” (baby). Tụi nó là sướng nhất! Này nhé, còn hôi mùi sữa, mà quyền hành đã như vua chúa vì rõ rành rành là họ được phục dịch như hoàng tử công chúa, áo quần, đồ chơi đờ luých, bố mẹ có soàng soàng đi nữa thì cũng ráng mở tài khoản đợi khi nào hài nhi bập bẹ biết nói là cho đi du lịch trau dồi sinh ngữ! Tuy khuôn mặt chưa rõ nét, chưa biết giống bố hay giống mẹ, nhưng chân dung “các cháu” đã ngự trị nổi bật trên tường trong phòng khách gây ấn tượng không thua gì mặt trời to tướng đỏ rực lơ lửng trên mặt nước trong ánh chiều tà. Thử hỏi như vậy làm sao lão tôi không thèm được chứ!

- Bác nói quá đáng rồi đó, đâu phải ở xứ nào con nít cũng lên làm vua (enfant roi) đâu! Thế giới này vẫn còn những cảnh thương tâm bố mẹ sinh con ra nhưng đành đứt ruột thấy con chết đói, chứ ở đó mà ưu đãi với trọng vọng. Nhưng bác có lý mà ca “cải lương” về cái tuổi già của mình, là vì thế giới bây giờ đang ngụp lặn trong một văn hóa văn minh trọng bề ngoài, trọng vật chất, trọng hưởng thụ, trọng tiêu thụ. Nhưng mà này xã hội bây giờ nó trọng đô la lắm, nếu bác già mà xanh lè như đồng đô thì nó cũng trọng vọng bác chứ! Thử bác ăn vận sang trọng, đeo đồng hồ xịn, mua sắm ào ào, rải tiền dưới chân như lá mùa thu rụng, tài khoản có cái đuôi dài như sao chổi, thì xem có ai chê bác không; tôi đảm bảo bác cũng sẽ được xã hội nó cưng như trứng hứng như hoa, không thua gì các bê-bi đâu! Nhưng tôi hiểu rồi, trông cái vẻ tiu ngỉu của bác là tôi hiểu ngay, bác thuộc loại “về hưu mà chỉ đủ ăn đủ mặc” phải không? Nếu thế thì bác hãy chuẩn bị chào đón những chuỗi ngày sống âm thầm, thầm lặng, ẩn dật cho đến ngày về chầu Chúa, đừng mộng tưởng chỗ đứng chỗ ngồi gì nữa trong xã hội! Nhưng mà này, để đừng quá bị xã hội nó đào thải thì cũng còn cách “vớt vát” tình hình, đó là “nâng cấp” cái mã bên ngoài, này nhé: nhuộm tóc, căng da mặt, sử dụng mỹ phẩm không thua gì phụ nữ, ăn mặc theo mốt tụi trẻ, áo quần lúc nào cũng mới toanh, mầu mè một chút, lại nữa cũng phải tẩm bổ, cao sâm nhung yến, hoặc sáng nào cũng điểm tâm bằng mấy chục viên thuốc đủ cỡ đủ màu đủ loại, nào là vitamine này vitamine nọ, bổ cái này bổ cái kia...

Thực ra lão tôi tuy thấy mình đã hết thời nhưng cũng không bỏ bê cái mã bên ngoài đâu nhá, (vì “ý thức cao” rằng ai ra đường cũng chỉ muốn gặp tài tử điện ảnh, ca sĩ, vũ sĩ, như họ thấy trên màn ảnh truyền hình) chẳng thế mà tóc không nhuộm, nhưng cũng để theo mốt “Prison Break”. Áo quần tuy không bảnh bao, không dồi dào đến độ đến nhà ai chơi lâu quá thì cứ vài giờ lại lén vào phòng tắm thay áo màu khác, không thua gì mấy em-xi trong các chương trình ca nhạc, cũng không có con cá sấu bò trên ngực hay sau đít quần, nhưng cứ hai ba ngày lại đổi màu áo cho nó gây ấn tượng đấy chứ!

Thế rồi ….Có một dạo tôi thường lui tới nhà dưỡng lão của mấy bà phước để dự thánh lễ, tình cờ, mừng quá, gặp được một bà cụ già Việt Nam đã hơn chín chục tuổi, thân mình mảnh khảnh, đầu óc còn tỉnh táo, tay chân nhanh nhẹn, đi đứng quả thật không còn được như mấy vị sư phụ sư mẫu sư bá tóc bạc phơ trong phim tập chuyển mình nhẹ như lông ngỗng, bà cụ quả thật đi có vẻ hơi thiếu nhịp nhàng, chân này không đáp lời non nước mau lẹ chân kia, thế nhưng ngược hẳn với đại đa số các cụ ngoại quốc, bà cụ già VN không đi gậy, dù là gậy kép (có ba chân nhỏ phía dưới) hay gậy đơn (một chân), cũng không đẩy xe cho vững, càng không ngồi xe lăn, giọng nói còn nghe rõ lắm, trong khi đó các cụ ngoại quốc cùng cỡ tuổi thì đã ngồi xe lăn phải có người khác đẩy, còn đầu óc thì xem ra không còn sáng suốt gì nữa. Qua vài lần thăm hỏi chuyện vãn, tôi thật ngạc nhiên khi hiểu ra rằng bà cụ này không phải là “con nhà giầu có”, cụ đã sống một cuộc đời vất vả, làm lụng tay chân, ăn uống đơn giản, hình như chỉ cá kho rau luộc cơm thường. Bỗng tôi lại liên tưởng đến mẹ già tôi xưa cũng vậy, suốt đời làm việc đồng áng vất vả , nhưng về già không bệnh tật gì ghê gớm cả, nhất là không kiệt quệ đến độ phải ngồi xe lăn. Hình ảnh một ông bác tôi lại hiện về, râu tóc bạc phơ nhưng vẫn tắm nước lạnh trong những ngày lên miền Đà lạt thăm ông già tôi. Bà cụ già kia, mẹ tôi, bác tôi hay bao nhiêu các cụ già thời cách đây hơn nửa thế kỷ mà tôi đã gặp ở Việt Nam nếu đem so sánh với các cụ ngoại quốc như tôi thấy được ở nhà dưỡng lão thì có thể ví được họ như những chùm cây xanh tươi nổi bật giữa sa mạc của già yếu.

Quả thế, tôi chẳng có nói “ngoa” đâu nhé! Một hôm kia tôi “lạc” lên “động” của các cụ ngoại quốc, đi trong một hành lang, hai bên có những phòng khá lớn, tôi tạm gọi đó là những phòng giải trí của các cụ đó. Trong mỗi phòng đều có gắn phương tiện giải trí “tối tân”, thời đại, đó là một cái máy truyền hình, gắn trên tường cao, vượt hẳn lên trên phía đầu các cụ. Vây quanh mỗi máy truyền hình, có quãng một chục các cụ, cơ thể gắn chặt xuống trong những cái xe lăn bất động, ngủ gà ngủ gật, hay trông như thế, chỉ có một hai cụ “ tâm sự” với nhau, miệng này ghé sát tai kia nhưng không lòng thòng, chỉ một hai chữ cho đỡ tốn hơi. Tôi không hiểu cái máy truyền hình tháo ra cuồn cuộn như thác đổ những hình ảnh cũng rất thời đại, nào là hôn hít, nào là đánh đấm, nào là bắn súng, khạc ra âm thanh cỡ đủ lớn cho cả một khu phố nghe, có công dụng gì, chắc để kích thích những khả năng cảm giác còn sót lại trong các não bộ không còn muốn hoạt động gì nữa.

Mục kích cảnh tượng như trên, tôi càng thấy mình “có lý” khi đổ lổi cho cái nếp sống thụ động, ỉ lại, duy tiêu thụ, duy hưởng thụ mà cái nền văn minh hiện đại đem lại, gây đổ nát cho cơ thể con người. Các cụ ngồi xe lăn như những xác không hồn đó chắc hẳn mấy chục năm về trước đều là những bê–bi sinh đẹp, được nuôi bằng sữa bột, sữa kỹ nghệ chế ra, được cho ăn trái cây đã do máy móc nghiền nát đựng trong mấy cái lọ xinh xinh màu mè, được chích ngừa chống đủ các thứ bệnh, khi bắt đầu biết nhai thì bố mẹ, nhà trường cứ cái gì ngọt ngọt, hợp khẩu như bột khoai thì cho “ quất ” thả cửa, ngoài bữa ra thì tha hồ “nhấm nháp” đủ các loại kẹo bánh rất vừa tầm tay, tràn ngập trong các siêu thị, ẩn chứa biết bao nhiêu hóa chất độc hại ngấm ngầm đục khoét các tế bào, các bộ phận.

Tôi không khỏi phẫn nộ khi nhìn ra cái thảm bại của xã hội tuy mang tiếng văn minh, nhưng “bết bát” về mặt sức khoẻ cho cơ thể con người, với những trung tâm y tế to như một thành phố trong một thành phố, với sự xuất hiện ngày càng nhiều những thứ bệnh khó chữa, với sự kiện có những hài nhi mới chào đời đã phải mổ tim, trị ung thư, với sự kiện số người đàn ông ở các nước tân tiến ngày càng mất đi khả năng sinh sản, so với các cụ thời xưa năm thê bẩy thiếp, con đàn cháu giống, cụ nào sơ sơ cũng hơn chục đứa con, nhưng nói làm chi nữa cứ coi tình trạng cơ thể quá suy xụp của những người cao niên tại các xứ đó thì biết là cái lối sống giả tạo, không lành mạnh, xa cách luật tự nhiên của họ quật lại họ, ít nhất là khi về già. Họ có thể tự hào là y khoa tiến bộ có khả năng thay các bộ phận trong cơ thể con người, nhưng chính cái sự kiện phải đi đến những giải pháp quái đản như vậy cũng đủ nói lên phẩm chất của những cơ thể trong dân chúng thuộc cái nền văn minh đó. Họ có thể ỉ lại vào hệ thống bảo hiểm sức khoẻ, nhưng quỹ của những hệ thống này ngày càng thâm thủng như nước vỡ bờ, đê nào giữ nổi. ( còn tiếp)

Mễ Duy

15/08/2009

Quách Sến

Về miền Trung

Ghi chép tản mạn về một chuyến đi Huế-Lavang. Nhân lễ giỗ lm. Hồ quang Tâm CssR

Huế

Tháng 7/09

Đà Nẵng – Huế

Đã lâu lắm rồi không về miền Trung thăm người em…”

Lời bài hát xa xưa chợt vang lên trong đầu khi chúng tôi bước lên chuyến xe tốc hành đi Huế-La Vang. Phải, đã lâu lắm rồi chúng tôi không có dịp trở về cố đô, không có dịp thăm lại chốn cũ quê xưa. Nay được biết mấy anh em lớp Vô Nhiễm có ý định tổ chức một chuyến xuyên Việt bằng ô tô với mục đích đến Nhà dòng CCT Huế để dự lễ giỗ mãn tang của cha Hồ quang Tâm, đồng thời viếng Linh-địa La-Vang… chúng tôi hồ hởi khăn gói lên đàng!

Hầu như trong bất cứ chuyến đi nào về miền Trung, chúng tôi đều ghé quán ăn“Vinh”, tọa lạc đâu đó tại khu vực Dầu Giây. Chúng tôi coi như khởi hành từ nơi đây, cách xa thành phố HCM đã trên 60 cây số, thay vì từ Xàigòn già nua cũ kỹ!

Thực ra quán Vinh không phải là một quán ăn nổi trội. Đây chỉ là nơi bán vài món Huế được ưa chuộng, như bún bò, tré, dưa món, bánh bèo, bột lọc… Ghé quán này có lẽ vì thuận tiện việc đi lại. Ví như khởi hành từ Xàigòn lúc 6g sáng, đến đây cũng là hơn 8g, đủ thời giờ để “làm thủy lợi”, đồng thời nạp thêm “nguyên liệu” cho một hành trình dài hơi tiếp theo. Địa bàn Dầu Giây lại là ngã rẽ của 2 hướng đi, rẽ trái là đi Cao nguyên Lâm Đồng, Đà Lạt. Đi thẳng là đường ven biển miền Trung, qua Bình Thuận, Nha Trang…đến Thừa Thiên–Huế, đồng thời có thể thừa thắng tới luôn Hà-nội nếu bạn muốn. Do vậy dừng chân nơi quán Vinh này thật là…“tiện lắm, lợi lắm, các bác ạ!”

Nơi Dầu Giây này cũng đâu có thiếu gì quán ăn (“thiếu gì, chạy đầy đường !”) Nhưng hình như chủ tiệm Vinh vốn là người có hơi hám Huế (?), nên thêm một yếu tố cho chúng tôi tìm đến. Chúng tôi, với đa số là người gốc Huế, hoặc là những người đã có liên hệ, đã có cảm tình với Huế! Ghé quán Vinh trước khi lên đường cũng là thói quen thừa kế của bác họ Vũ, người vừa thành “chánh quả”, được tấn phong “Đại lão hòa thượng Tu ngoài viện” của chúng tôi!

“Huế chừ ra răng?”

Câu hỏi thật nhẹ nhàng, thân thương… và còn trên cả tuyệt vời nếu được thốt lên từ tiếng ru của người con gái đất Thần Kinh. Thực ra, đối với bản thân, chúng tôi chưa một lần đến Huế, chưa một lần yêu Huế, nhưng nghe đến Huế rất nhiều. Nghe những bài ca về Huế, nghe về Huế từ những người bạn, nghe và xem về Huế trên báo đài… Chất giọng êm ái và trữ tình từ miệng người con gái đôi mươi – mà một ông bạn Huế của tôi tự nhận đó là… langue royale – vốn dĩ ngọt hơn mía lùi ! Đồng thời cũng đã nhiều lần nghe chất giọng này từ nơi mấy mụ Sồn sồn đấu khẩu : ôi, lúc này nó thật nặng nề, gai góc, khó hiểu và khó chịu khôn tả!

“Huế là như rứa đó! Huế đã «tôi» thế đó!

Người ta thường nói đến câu «tức cảnh sinh tình», tạm hiểu là cảnh vật gợi lên cho nghệ sỹ niềm cảm hứng. Chắc rằng Huế cũng vậy. Có những nơi chốn gây ấn tượng, từ cầu Tràng Tiền đến Sông Hương, từ Núi Ngự đến thôn Vỹ Dạ… những địa danh đi vào thi ca văn học. Và còn hơn thế từ bến Văn Lâu đến cổng Ngọ môn, Đại Nội… đền đài, chùa chiền, lăng tẩm…gắn liền tên tuổi với những trang sử bi thương và oai hùng của đất nước.

Tất cả đã tập trung về Huế, một thời gian khá dài, cái nôi của quyền lực, địa khí, thổ nhưỡng, văn minh, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật… Tinh hoa của đất nước và con người Việt Nam, một thời tụ hội, để làm nên hai chữ « lịch sử »… Lịch sử do bàn tay bao anh tài kiệt xuất, và lịch sử gầy dựng đã kéo dài không ngắn, mấy trăm năm có thừa. Nhưng mấy hậu sanh « khả ố » của chúng ta ngày nay, tưởng rằng có thể bảo vệ di sản này bằng cách nâng cao giá tiền của chiếc vé tham quan !!! Chúng tôi – kẻ chưa biết Huế lần nào – đã phải móc ra 70.000 VND cho chiếc vé vào cửa Đại Nội, không phải 35.000 như báo chí đưa tin!

Cũng đáng tiếc khi chúng tôi thấy mấy cây cột trong Đại Nội được phơi bày cho công chúng thấy rõ sự tàn phá của thời gian. Người ta đã phải tạm chống mái điện bằng mấy cây cột sắt sơn màu đo đỏ giông giống với mấy cây cột gỗ còn sót lại. Làm thế nào bây giờ khi «cơm áo gạo tiền» là tiếng gọi thúc bách lên đàng mỗi giờ, mỗi ngày! Còn đâu nữa điều kiện để «bảo tồn» cái «bảo tàng»!

Cái đáng đầu tư đang ở chỗ khác kìa…Nha Trang Khánh hòa chẳng hạn, nơi có đủ thứ Hòn, Hòn nọ Hòn kia.. Ngoài bãi biển trong xanh đủ thứ màu sắc Bikini, bi ki niếc, vào nội vi thành phố mà xem Diamond Plaza nơi phô diễn hương hoa của nữ giới…từ trẻ măng cho đến sồn sồn, hết Tây rồi đến Ta. Năm nào chả có vài dịp, hoa hậu, hoa khôi không áo tắm thì cũng đầm dạ hội. Không dạ hội thì cũng áo 0 giây, quần ngố, soọc cún.. ! Những nơi đó mới đáng đầu tư tim óc, còn hơi đâu mà bảo tồn mùi hương của một giòng sông cũ kỹ: Sông Hương ! Thực ra con sông này có « hương » thật sự đâu mà ngửi, chỉ là mấy bác nghệ sỹ tán hươu tán vượn vào cho xôm tụ.

Huế ngày nay không còn những tà áo dài gánh bán hàng rong. Vào thời khó khăn, áo dài chỉ thêm tốn kém. Vào cái thời hội nhập năng động hôm nay, áo dài chỉ thêm rườm rà vướng víu. Huế giờ này cũng thiếu vắng màu Tím, cái màu trở nên đặc trưng của một vùng đất : Tím Huế, không lẫn lộn với màu tím nào khác.

Nhưng nói gì thì nói, Huế vẫn là Huế, Đà Nẵng vẫn là Đà Nẵng. Dù có vô tình hay miễn cưỡng đổi thay, chúng tôi thấy Huế vẫn có nét riêng độc đáo.

Ngồi quán càfé dọc bờ sông Hương, chúng tôi nhìn ngắm dòng sông êm ả, nhẹ trôi tha thướt từ cầu Tràng Tiền về hướng Kim Long, một chiếc thuyền câu bé tẻo teo lãng bãng hờ hững neo đậu. Một hình ảnh tuyệt đẹp, giữa dòng sông xanh, nhuốm ánh vàng buổi lưng chừng chiều. Bỗng dưng, từ gần giữa sông thò lên một cái đầu người, rồi một cánh tay vắt lên chiếc thuyền con một bó rong rêu gì gì đó. Hóa ra thuyền kia không phải «Con thuyền không bến» hờ hững trôi theo giòng… mà là phương tiện câu cơm của một nhân vật nào đó, chắc rằng không được khá giả nên phải làm cái việc không thấy có người thứ hai nào cùng làm suốt một dòng sông dài!

Tọa lạc được ít phút, nhâm nhi ly đen nhỏ, văng vẳng tiếng nhạc èo uột, nhão nhẹt phát ra từ chiếc cassette cũ kỹ… Bỗng dưng một lão cái bang vỗ vai xin tiền… Cũng là cái bang, nhưng chúng tôi thấy có vẻ lão không đóng kịch như Cái bang tại Sàigòn quê tôi. Lão cũng không hề kể lể dài dòng, chỉ mở miệng vừa đủ những câu cần thiết. Tiếc rằng có lẽ lão hơi đãng trí, vì khi chúng tôi bước chân ra đi, lại thấy lão tiến đến xin thêm 1 lần nữa!

Đó là ăn xin ở Huế, còn tại Đà Nẵng, chúng tôi nghe rằng không còn cảnh cái bang, vé số… ít ra là trên một số tuyến đường. Bộ mặt phố xá Đà Nẵng y chang những nẻo đường Phạm văn Hai, Lê văn Sỹ… tại tp HCM nhưng mật độ xe cộ và người đi lại có phần gọn nhẹ và chậm rãi hơn.

Chúng tôi cũng không hề thấy xác chuột chết dẹp lép ngoài đường, cái cảnh chúng tôi chứng kiến hơi bị nhiều tại tp HCM (ít ra cũng quẩn quanh gần mấy con kênh..thúi nơi phó thường dân tui cư ngụ!) Thực ra, lúc sáng sớm khi thức dậy tập thể thao, chúng tôi thấy mấy anh «cống» nằm chình ình đó… nhưng đến trưa đã thấy dẹp lép như tờ giấy. Không hiểu bao nhiêu thứ bổ béo đã bám vào xe cộ rải đi tứ phương! Chuyện này chả thấy ai lên tiếng quyết liệt. Hay là dân ta vốn đã tu luyện thành.. tinh, miễn nhiễm với mọi thứ vi khuẩn nên coi thường mọi dịch bệnh?

Đóng vai khách du lịch, làm bộ như Việt kiều hồi…hộp, chúng tôi bịt mũi khi đi ngang chỗ bán mắm tôm ở chợ Đông Ba. Lại còn bày đặt xổ ra vài thứ tiếng nước ngoài mới học lóm trên xe ca. Đại loại «Hai, saluta, buôn-nô journô! Hép du lai?» «So-ri, Ai goan gâu gâu tru toa-lét-ta »… để lòe mấy mụ bán hột vịt lộn. Tay phải cầm chiếc máy quay fim chạy băng cũ kỹ, tay trái cầm cái di động 1.5 Mê… thò lên thụp xuống như thật. (Khi về nhà, xem lại toàn thấy quay hình cẳng chân và đôi dép của mình bước tới bước lui – giới chuyên nghiệp gọi là cướp cò – tức là vì đãng trí không chịu tắt máy quay khi ngưng sử dụng).

Tuy cố tình làm vậy, nhưng thiên hạ cũng chả dòm ngó gì mình. Và quả thực chúng tôi thấy khá thoải mái khi không bị ai đeo bám. Đặc biệt không hề thấy bọn xin đểu ngụy trang thành người bán vé số, bán sanh-gôm hay đậu phộng như tại tp Sàigòn. Tản bộ ngoài đường phố, chúng tôi cũng không mấy lo nghĩ đến…mìn do bọn « tiểu cẩu » hoặc bọn « tiểu nhơn » phóng ra từ bóng tối đêm qua. Chúng tôi cứ dậm chân bước bừa mà không màng đến những chất thải vốn thường gặp nơi lề đường như tại tp HCM quê tui!

Vào đến «Quảng Đà sơn trang », ở sâu trong một con đường nhỏ của thành phố Đà Nẵng, chúng tôi bất ngờ gặp một ngôi đình bé nhỏ. Nhìn vòng ngoài, chúng tôi coi thường, bụng bảo dạ chắc cũng «xoàng» thôi. Chỉ dăm ba cột gỗ mục nát, mái ngói rêu phong rệu rã, vào bên trong chắc lại bắt gặp đám cái bang ngủ bụi, hoặc bọn choai choai ngáp ngáp… Nào ngờ, ngôi đình đã được ghi vào di tích văn hóa, và cho dù có nhỏ bé, khiêm tốn nằm sâu trong hẻm nhỏ, cũng vẫn được chăm chút khéo léo. Từng bụi cây chậu cảnh mang dáng vẻ xanh tươi, xếp hàng đôi như chào đón khách vãng lai. Kiến trúc không xưa lắm nhưng cũng không hề là «giả cổ»! Bầu không khí không nhang khói nhưng vẫn trầm mặc bao trùm cả một khoảng quần thể nhiều ý nghĩa. Người ta bảo « nhỏ nhưng chất », ở đây chắc đúng vậy! Hóa ra ngôi đình có tên Hải Châu này cũng đã có gần trăm tuổi đời, chứng tích một làng xưa vốn chỉ là đồng không mông quạnh.

Một quán ăn tư nhân, nơi chúng tôi quá cảnh, hình như là Nam chân hội quán, cũng toát lên một vẻ tồn cổ rất chăm chút. Vẫn là thứ mái ngói âm dương, thấp ngắn, nhưng hài hòa tuyệt vời với vườn hoa cây cảnh. Cây, vườn, hòn non bộ, hồ cá, suối nước…lối đi tản bộ, hành lang ngút sâu vào tận phía trong, phía trong, sâu hơn nữa, nơi không thấy có bất cứ bình phong nào chắn lối, đi vào trong kỳ bí của thiên nhiên, của vũ trụ. Lối kiến trúc bé nhỏ, vừa đủ cho một số bàn ăn, vừa đủ cho khách khứa nhân viên đi lại, vừa đủ « toa-lét-ta », vừa đủ ánh sáng, vừa đủ mát mẻ và ấm cúng, vừa đủ tiếng thì thầm. Lối kiến trúc trải ra theo chiều ngang, nơi con người trải ra với con người. Không cần thu vén vào một block bê tông, nơi ngự trị những building ngút trời. Nơi đây không cần hò hét dương oai. Nơi không cần chen chúc cự lộn. Bình dị như thuở nào, mấy trăm năm rồi vẫn thế!

Tại Huế hay tại Đà Nẵng, người ta cũng không xa lạ với cao ốc, với siêu thị, những Shopping Centre tại lưu vực sông Hương, sông Hàn, hay tại chợ An Cựu, An..Tân, Đông Ba, Đông..Bốn! Nhưng vẫn còn chỗ mênh mông cho Đại Nội, Đàn Nam-giao cùng vô số đền đài chùa chiền, lăng tẩm… Gia-Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… vẫn còn đó lòng tôn trọng và kính ngưỡng. Dân ta chưa bao giờ và không bao giờ bắn vào quá khứ, dù chỉ bằng cái ná bắn chim. Nhờ thế, dòng Hương giang vẫn còn sạch sẽ chán chê và các bãi tắm Đà Nẵng, nào là Mỹ Khê, Tiên Sa… vẫn còn trong xanh mơn mởn.

Vốn đã không định tắm biển, nên khi đến bãi tắm Tiên Sa, chúng tôi không trang bị đồ tắm, chỉ dự định hóng gió hồi lâu ngoài bãi cho mát. Nào ngờ khi đến nơi, thấy nước biển sạch quá, chúng tôi cũng nhào xuống dòng nước xanh. Ngâm mình trong dòng nước, chúng tôi lại hồi tưởng lại đâu đó nơi bãi biển Vũng Tàu ! Ôi thôi nào là mùn cát và các chất thải, nguyên vẹn là chất thài (nghĩa là «nô» xử lý) và trực tiếp (nghĩa là chẳng cần né tránh nể nang) đổ ra biển, mặc cho Tây Đầm bơi lội, dù trong đám Tây Tầu này không thiếu member của Green Peace!

Tắm nước biển là thế, nhưng đến khi lên bờ tắm lại nước ngọt, mới xảy ra chuyện buồn cười. Chúng tôi hơi ngạc nhiên khi tắm nước ngọt tại đây không mất tiền. Hóa ra, mọi chi phí trên bãi tắm đã được tính vào tiền gửi xe. Điều này cũng hay. Chỉ có điều phòng ốc, cửa rả của mấy cái gọi là.. buồng tắm nước ngọt này biến đi đâu mất hết, khiến chúng tôi phải tổ chức luân phiên che chắn cho nhau. Chúng tôi – những lão tướng U 60, U 50 còn mắc cở như vậy, nói chi đến quý bà quý cô mơn mởn xuân xanh. Hay cái tên gọi «Tiên Sa» này chỉ đúng ở nơi tắm nước ngọt, nơi không được che chắn khiến các «tiên» khi «sa» xuống phải hiện nguyên hình?

Thực ra, đây cũng chỉ là bãi tắm nhỏ, phục vụ khách địa phương là chính, khách thập phương không có mấy, nên mức độ phục vụ cũng..xoàng thôi.

Bãi tắm bé nhỏ này, hay thành phố nhộn nhịp kia… Cầu Đà Rằng hay cầu Quay sông Hàn, sông Hương núi Ngự và quần thế kiến trúc cổ xưa. Văn hóa hay văn minh vật thể và phi vật thể. Liệu cơm gắp mắm vẫn là chuẩn mực của người dân. Cũng như bao nơi khác tại dải đất miền Trung này, có nơi đang hừng hực chuyển mình, cũng có nơi còn chìm trong tăm tối. Có nơi có của ăn của để, nhưng vẫn còn đó những nơi thiếu thốn trăm bề.

«Ôi quê hương, xứ dân gầy»

Ngày xưa Phạm Duy đã hát như thế. Ngày nay, «mập» mới đáng ngán, «gầy» không sao. «Gầy» bây giờ lại là môđen thời thượng. Nhưng khái niệm về «gầy» này không nên và không bao giờ đi liền với nghèo đói, lạc hậu. Miền Trung mà đại biểu là Đà nẵng–Huế đang chuyển mình như thế.

*

Khi chiếc xe ca vừa dứt đoạn Quốc Lộ 1 tiến vào đại lộ Hùng Vương chúng tôi người người đã thấp thỏm không yên. Quả nhiên đến mũi tàu giao lộ giữa đường Nguyễn Huệ và Nguyễn Khuyến, đã thấy sừng sững hiện ra tượng Chúa Jêsu làm Vua. Thế rồi những tàn cây vén lên, vén dần mở ra mái Giáo đường Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Dòng Chúa Cứu Thế Huế là đây!

«Ôi, Mẹ ơi, con đã về!» Mảnh đất của chúng ta, mái nhà của chúng con... Chúng con đã reo vui như chúng con đã reo lên khi đi ngang bờ biển Nha Trang, nơi cũng một mái nhà, nhưng nay đã không còn là của cha, lẫn của con. Nó mang cái tên Hải Yến, một khách sạn dành cho người có tiền, không phải nơi cư ngụ vốn của những người được đào tạo để lo cho kẻ nghèo khó…

«Kìa nhà Acceuil… Kìa nhà Dòng… Kìa nhà Đệ tử… Còn hàng chữ «Les pères rédemptoristes» tuốt trên cao kìa… !» Ôi chốn này ghi dấu bao kỷ niệm, êm đềm vô cùng, tươi đẹp vô cùng. Ngày nay không thể nào có được, không thể nào tìm ra được. Không có gì có thể so sánh được. Dù có ở San Francisco chung đụng với các «sao» trên đỉnh Los Angeles, dù có sống giữa Vườn Lúc-xăm-Bua hay bên bờ Queensland, «đất của Nữ hoàng»… cũng chẳng bằng một góc cái… «ao» con con này : Mái nhà Đệ tử, núp sau đuôi Đại giáo đường, không khác đứa bé núp bóng tà áo Mẹ.

Thực ra trường Việt Hương, Thư Viện và nhà Acceuil nay đã trở thành nơi tập luyện Thể dục Thể Thao cho tứ phương thiên hạ, không còn dưới sự quản lý của Nhà dòng. Nhà Dòng, ngôi nhà tiếp liền phía đầu Nhà thờ, vừa được sơn phết lại, trông cũng đẹp ra dáng. Còn Nhà Đệ tử đang trong giai đoạn sửa chữa. Đã 40, 50 năm rồi còn gì! Hiện tại vẫn còn một số phòng ốc đang hoạt động: có khoảng 40 anh em Dự Tập, còn gọi là Đệ tử (thực chất không có «tiểu đệ tử» như chúng ta ngày xưa, chỉ có các anh em đã tốt nghiệp TH Phổ thông được nhận thôi).

Chúng tôi theo bước cha Bề trên Nguyễn minh Sang leo từng bậc thang nơi còn in những dấu chân chạy nhảy thuở ấu thời. Dãy nhà ngủ với giường chiếu kê thành hàng dài. Nhà cơm với những dãy bàn ghế đóng sẵn cũng kéo dài, tưởng như không dứt. Rồi đến những dãy hành lang, những máng phơi quần áo… Tất cả cứ xếp hàng, thành hàng dài, thật dài… Rồi các chú bé, đồng phục, đúng giờ, đồng loạt tuân theo tiếng chuông, từng giờ một, từng giờ một, thay đổi công việc, thay đổi động tác, thay đổi vị trí. Vận hành như một cỗ máy (travail à la chaine), hàng loạt và đồng loạt, như một trại lính ! Mà thực chất, gần giống một trại lính, nhưng không phải là lính thế trần. Một đội quân của một đất nước «không thuộc thế gian này»!

Những kỷ niệm êm ái thật không bút nào tả xiết. Chỉ có đến tận nơi, sờ tận tay, hít thật sâu cái không khí này… mới có thể giúp bạn sống lại ít giây phút hiếm có. Những tháng ngày đó, những lão tướng như chúng ta U 70, U 60 còn quậy phá tưng bừng. Buổi sáng thức giấc đã uống trộm rượu lễ. Đi Nhà thờ như kẻ say xỉn. Vào lớp học chỉ mong đến giờ đá banh. Đêm đến bay mùi thuốc xức lác, cộng với lác đác vài tên không chừa tật đái dầm…

Chúng tôi như sống lại quá khứ. Chúng tôi như sống lại những kỷ niệm ấu thời, đồng thời thật sự thấy sống lại tình cảm yêu thương vô vàn mà Dòng Thánh đã dành cho mình. “Không có Dòng Thánh, chúng con đã là cái gì bây giờ?”

Cha Larouche, cha Sơn, cha Phục, cha Phát Những người đã nuôi bao thế hệ trẻ thơ. Đến lượt chúng tôi, nay quay về chốn cũ tìm đến mái nhà xưa. Chúng tôi tìm về thăm nhà cha mẹ. Với tuổi thơ tất cả đều là cha mẹ. Cuối cùng là về thăm và tưởng nhớ Joankim Hồ quang Tâm, người anh em chúng tôi hết lòng yêu mến, người anh em hôm nay chúng tôi hết lòng cầu nguyện… Bởi anh đã đứng vào vị trí của các cha, các thầy dạy chúng tôi, tức là anh đã sống và đã cống hiến cho cả hai thế hệ.

La-Vang

Chúng tôi đặt chân đến Thánh địa vào đúng 9g30 sáng. Trời hôm nay nắng ráo, khô hanh. Thời tiết có vẻ nóng nực và khung cảnh La Vang chói chang sáng ngời. Cái nắng và nóng Quảng Trị thật gay gắt. Nhất là cái nắng và nóng Đông Hà vào giữa buổi trưa, cái nắng mà những bác thợ hồ lỳ lợm nhất toàn quốc cũng không dám xoay trần phô trương nghề nghiệp.

Ôi, bằng ấy cái tên khởi đầu từ chữ Quảng. Chỉ nghe nói về đất Quảng thôi, cũng đủ mường tượng ra sự già nua khổ hạnh : Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình… có thể phải kết thúc ở Quảng Trị bởi những dấu ấn bi thương hằn trên mảnh đất vốn khô cằn này. « Mùa hè đỏ lửa. » « Đại lộ Kinh hoàng.. » Quảng Trị hằn lên những quá khứ nặng nề, nơi con người chai sạn, chịu đựng đến mức lỳ lợm để đấu tranh sanh tồn.

Nhưng cũng trên mảnh đất bi tráng và khô khan ấy, một Từ mẫu đã không bỏ rơi niềm cậy trông của con cái và Đức Maria đã chọn La Vang là nơi chốn ủi an cho con cái Người.

Chúng tôi chậm bước vào quảng trường rộng lớn. Phía tay phải vươn lên ngọn tháp của ngôi nhà thờ cổ. Ngọn tháp trông thật cũ kỹ, loang lổ rêu phong, những lớp gạch trần trụi phô mình ra với thời gian. Dáng vẻ không gây được ấn tượng gì rõ rệt. Thỉnh thoảng lại vang lên tiếng chuông điện tử báo giờ nghe hơi phá cách…. Mấy trăm năm qua rồi, di chỉ khảo cổ còn lại được chút này. Kiến trúc này đâu phải của Tây hay Tầu, chắc rằng vẽ kiểu và thiết kế xây dựng cũng trông cậy vào óc sáng tạo của vị cha cố nào đó. Vật liệu xây dựng chắc hẳn cũng từ bàn tay nông dân thô nhám tự tạo. Nào có phải công trình đồ sộ và đậm dấu ấn mỹ thuật…

Nhưng ngọn tháp trơ trụi lại là dấu ấn thời gian để lại cho hậu thế. Thế hệ nọ tiếp nối thế hệ kia. Dấu tích chỉ là dấu tích, một đống gạch chất chồng thành hình ngọn tháp, ngôi đền.. Ngày giờ nào không bị bàn tay của con người chà đạp thì cũng bị thời gian bào mòn. Nhưng truyền thống cứ nối tiếp truyền thống. Và anh em chúng ta đến đây, cũng vì truyền thống.

Linh đài Đức Mẹ Maria ở cuối quảng trường. Nơi đây Đức Maria hiện ra vào năm 1798 để ủi an và che chở những người con bị bách hại, những người con là nông dân quê mùa, cục mịch, thất học và chắc chắn là nghèo túng. Những con người được xem là dưới đáy xã hội ấy, thực sự sống dưới hai lằn đạn, bị bách hại tìm giết, bởi một lý do duy nhất : theo Đạo, đạo Công-giáo, cái đạo hứa hẹn một đất hứa vốn «không thuộc về thế gian này»! Cái gọi là «đại lộ Kinh hoàng» chắc đã có từ ngày này. Chúng tôi lẩm cẩm suy ngẫm rằng, nếu Đức Maria không cứu ứng đúng lúc, có lẽ cây trái Đức Tin không rợp bóng như ngày nay.

Tượng Đức Mẹ mặc áo choàng trắng, áo khoác xanh, bế Hài Nhi Jêsu trên tay. Phía trên là những khối bê tông xây cách điệu thành hình tán lá cây che mát được cả một khu vực. Bệ đá dưới chân tượng có khắc hàng chữ: «Đức Mẹ hiện ra tại đây 1798» Cách thức và vật liệu dùng xây dựng tượng đài này cho thấy mới được hoàn thành cách đây không lâu lắm..

Nói tóm lại, với cái nhìn sơ bộ, La Vang chưa phải là quần thể kiến trúc có ấn tượng hay một tập hợp thẩm mỹ để cho bàn dân thiên hạ phải để mắt tới. Có chăng là bọn Cái bang, nghe nói từng đoàn lũ kéo đến nhơn các dịp đại lễ. La Vang không phải nơi hút khách du lịch. Nhưng cái mà chúng ta – lương hay giáo, tu sỹ hay bổn đạo, cái bang hay quý tộc - có thể tâm niệm, đó là chúng ta đến La-Vang để… đầu phục !

Chúng tôi cầu nguyện trước linh đài của Mẹ, hết mình tập trung tâm trí. Đọc kinh Ave Maria dưới cái nắng gắt chói chang. Đầu tóc hói rụi nhưng đâu có tào. Nhất định không đội nón. Nhưng xét ra còn kém xa những người đang sấp mình cầu nguyện phía bên kia. Chúng tôi, những anh em đứng đắn, đĩnh đạc, có học hành đến nơi đến chốn, tướng tá cũng như ai. Kiêu căng hãnh tiến có thừa, bằng cấp cũng đầy đủ, văn võ hơi bị toàn tài, tiền bạc không bằng đại gia nhưng cũng đủ lâu lâu vung tay quá trán… Đâu có ngán..thằng nào !

Nhưng không, chúng tôi xin bắt chước đám đạo hữu phía bên kia để nằm xuống sàn đất hôn kính nơi được truyền tụng Đức Maria đã hiện ra. Người đã hiện ra để an ủi những kẻ khốn cùng, và chúng tôi đây, cũng tự nhận là kẻ khốn cùng để mong được Người ủi an, lời an ủi mang lại yên bình sâu thẳm ! Xin nằm sấp dưới sàn đất tỏ dấu hiệu đầu phục. Đứng trước cõi linh thiêng, cái trị giá «nhân văn» kia có là cái gì, dù rằng đã được chính Đấng Linh thiêng tôn cao. Cái «tôi» ở đây có là đí gì để mà gáy, để mà hãi sợ «vong thân» !

Chúng tôi đâu có dễ tin. Thiếu gì chuyện đồn thổi về các thứ phép lạ, chuyện lạ… Người có đầu óc khoa-học luôn hoài nghi, luôn tra vấn về bất cứ chuyện gì, nhất là chuyện.. huyền bí. Nhưng, hoài nghi khác với cố chấp. Nếu hoài nghi vì lẽ khôn ngoan và thận trọng, thì những hoài nghi này sẽ không còn lý do tồn tại trước những bằng chứng đáng tin cậy và kiểm chứng thực nghiệm có logic. Chúng tôi không nhẹ dạ dễ tin, nhưng chúng tôi không muốn là kẻ ngoan cố.

Thái độ đầu phục cũng không phải là diễn biến gãy khúc của cành cây già cỗi, sự đầu hàng vô điều kiện của thân phận vô phương bám víu, nơi kết thúc của những logic hiền triết cứng cỏi. Đầu phục là sự tình nguyện của Tình yêu. Tình yêu đúng nghĩa là tình-yêu từ bỏ. Hiệu ứng của sự từ bỏ lại là tìm ra được chính mình. Cái oái oăm của huyền nhiệm ở nơi thường được coi là phi-logic này. Nhưng với Thiên Chúa, không gì là không thể. Thiên Chúa không bao giờ biểu diễn phép lạ cho kẻ thách thức hay hiếu kỳ, nhưng phép lạ chắc cũng không bao giờ xảy đến với những kẻ không cầu xin.

Chưa bao giờ có dịp đến đền thánh Phêrô, cũng chưa một lần được hít thở không khí Thánh địa Jêrusalem, Lộ Đức, Fatima và hiện nay Medjugorje… Trong nước cũng chưa một lần đến Trà Kiệu, Tà Pao, Cà Mau của cha Trương bửu Diệp… Cùng lắm chỉ quanh quẩn và là “khách hàng” tương đối thường xuyên của đền Công Chính Bảy Hiền. Đây mới là lần đầu tiên vượt cầu xa xôi nhất hạng. Vậy nên cũng chưa bao giờ được chứng kiến phép lạ nhãn tiền(?). Cũng chưa bao giờ nhận ra những ơn lành thầm lặng mà Thiên Chúa đã ban. Lúc nào cũng đòi hỏi, lúc nào cũng cầu xin, xin, xin mãi ! Của đáng tội, có nhận được phép lạ nhãn tiền chắc chừng vài năm quên béng(!?) Con người chúng ta là thế, giống như Pharisiêu, chúng ta mong Thiên Chúa làm phép lạ theo ý mình, lại không nhìn ra phép lạ tiên tri Yôna (Mt, 12,38-40).

Vậy đến La Vang để làm gì? Chắc rằng câu trả lời bài bản hơn cả là để thêm một lần khẳng định lại lòng tin. Khẳng định lại phép lạ duy nhất và cả thể là Đức Jêsu Kitô đã chết và sống lại, ứng nghiệm hình ảnh Yona ở trong bụng cá 3 ngày đêm ! Lòng tin được ban xuống vô điều kiện, nhưng lòng tin cần lập lại, cần luôn luôn lập lại, bởi tính khí con người dễ quên, bởi muôn hình vạn trạng chước cám dỗ, lộ liễu cũng như đội lốt thánh thiện đạo đức, hòng lôi con người ra khỏi Thiên Chúa.

Chúng ta đến La Vang, đến Trà Kiệu, đến Tà Pao, đến bất cứ nơi tôn kính nào, hay đến cái nhà thờ bất kỳ nào, có lẽ chỉ để thêm một lần khẳng định chúng ta có một người Cha, một người Cha chân thật, không bao giờ lừa dối. Chúng ta tin vào người Cha này vào tình thương mà Cha dành cho con, thay vì vào bao nhiêu hứa hẹn mà các lãnh tụ trần thế muôn đời hứa hẹn.

Có anh bạn trong nhóm nhờ chúng tôi cầu nguyện cho chàng và gia đình chàng. Thiện tai ! thiện tai ! Chúng tôi đã là cái thá gì mà cầu nguyện được cho bạn. Nhờ mấy ông cha cầu nguyện dễ được nhậm lời hơn chứ ! Chúng tôi tự cầu nguyện xin xỏ cho chính mình đây còn chưa thấy ép phê gì cả. Làm sao cầu nguyện cho bạn nổi ! Cùng lắm, có thể gây ấn tượng chút đỉnh nào đó với người xa lạ mà thôi. Giống như tối hôm nhậu tại Nhà hàng nổi bên bờ Sông Hương, hát hò thế quái nào khiến cái tên ngoại kiều Johnson rơi lệ! Nhưng thôi, bạn yêu cầu thì chúng tôi cũng xin chiều, đơn giản thế thôi, không có hậu ý gì ráo.

Ấy vậy, hình như ơn huệ lại đi ngược về phía chúng tôi ! Khi cầu nguyện cho bạn, chúng tôi chợt nhận ra rằng bao nhiều người khác, bạn bè, thân quyến đã cầu nguyện cho chúng tôi nhiều hơn! Hóa ra tôi đã nợ bạn nhiều hơn là bạn nợ tôi. Suy ra ý nghĩa hai chữ «Thông công» là ở đây, đâu có phải chỉ thông công với các Thánh trên trời hay các linh-hồn nơi luyện tội.

11g, chuông Nhà thờ lại đổ. Chúng tôi lên xe giã từ Thánh địa. Tượng đài Đức Maria lùi dần xa. Tháp nhà thờ cũ kỹ, đổ nát cũng đang dần khuất sau lùm cây. Linh địa còn lại như một dấu tích vật chất về nơi chốn hiển linh của bậc Thánh. Thời gian xóa nhòa nhiều ký ức, xóa nhòa nhiều tượng đài. Jêrusalem, Núi Tabor, Núi Sọ, Khối đá, Hang đá hay Cây sồi… Lộ Đức hay Fatima, nơi ghi dấu chân Đấng Linh thiêng, hay nói rộng đến toàn bộ những đền thờ uy nghi, đồ sộ, đẹp đẽ… suy cho cùng cũng chẳng tồn tại mãi được với thời gian. Cuối cùng chúng chỉ đóng vai trò dấu tích nhắc nhở cho một niềm Tin.

Vật chất sẽ qua đi, đích thị «Truyền thống» mới bền vững muôn đời. Câu nói của cha ông ta «răm năm bia miệng vẫn còn trơ trơ» xem ra ý nghĩa hơn «Verba volent, scripta manen». Chúa Jêsu chả từng tuyên bố thế giới này sẽ qua, lời ta sẽ không qua đi.?

La Vang là một dấu tích, và chúng tôi đến đây để xác tín một sự kiện cha ông ta đã chứng kiến và truyền tụng lại cho chúng ta. Ơn trên có ban ngay cho chúng ta hay không, không phải do ý muốn của chúng ta. Trước tiên chúng ta cầu nguyện cho kế hoạch của Thiên Chúa được tỏ hiện (Ga 9,3).

Nhưng nói cũng chỉ là nói vậy, giống như sách nói vậy, chúng ta cứ nài xin Đức Maria, vốn là từ mẫu, đáp ứng lời nguyện cầu của chúng con - những người con bé nhỏ này - bây giờ cũng thành bé bự, bé lão cả rồi… mà cũng…chả ra làm sao!

(còn tiếp)

Quách Sến – Đặng Tiến Linh

MỘT THOÁNG ĐẠI HÀN TRONG MẮT TÔI

Trần Phương Ánh

(tiếp theo kỳ trước)

Xin được đính chính: Olympic Games tại Đại Hàn vào năm 1988 thay vì 1998.

Toàn thể vùng Gyeongju (tên tiếng Việt dịch từ tiếng Hán là Khánh Châu) thuộc vương quốc Silla với Gyeongju là thủ đô. Tại đây còn giữ lại nhiều ngôi nhà cổ, giống như vùng Kyoto so với Tokyo của Nhật nhưng phần đất thì nhỏ hơn. Chúng tôi được qua đêm tại khách sạn Kolon. Đây cũng là một khách sạn lớn và có hot spring phía trong. Chung quanh cũng có những phương tiện giải trí khác như sân golf, quán cafe, hát karaoke, và cả night bar. Phong cảnh tuyệt đẹp với nhưng khu rừng núi bao quanh.

Sáng thứ bẩy 18 tháng 4 năm 2009, chúng tôi rời vùng Gyeongju để tiến về vùng Jinan để thăm núi Mai. Tên núi Mai là dựa vào âm cho chữ Tai Ngựa (Ma Er theo tiếng Phổ thông Trung hoa) (tiếng Anh gọi là Horse Ear Mountain). Ngồi từ xa khi di chuyển bằng xe buýt cho du khách chúng tôi đã thấy thoáng hiện hai ngọn núi của núi Mai từ xa. Đó là hai ngọn núi, một cái cao 667mét và một cái cao 673 mét cho nên từ xa nhìn giống như hai cái tai con ngựa cái cao cái thấp. Một điều lạ là chung quanh không có núi cao, mà chỉ thấy hai ngọn núi này nổi bật lên một cách kỳ diệu. Trên núi Mai này có một vị tu sĩ dựng nnên nhiều tháp đá toàn bằng những cục đá đủ kích thước đủ cỡ bao quanh một ngôi chùa, được gọi là Mount Mai Tap Sa (Mã Nhĩ Sơn Tháp tự). Muốn đến ngọn tháp này, du khách phải đi lần theo sườn núi dài khoảng 2 cây số, tuy có bậc thang lên xuống bằng gỗ nhưng có chỗ rất dốc, nên họ có chỗ dừng chân nghỉ mệt, có ghế ngồi và uống nước giữa chốn rừng sâu. Hôm nay may mắn là một ngày đẹp trời nên các du khách từng đoàn lên xuống tấp nập tại thắng cảnh này.

Ngôi chùa trên núi Mai là do một vị tu sĩ Phật giáo Đại hàn tên là Kap Young Lee xây lên từ năm 1885. Các tháp đá xung quanh do ông đắp có tới 120 cái nhưng nay chỉ còn tìm thấy khoảng 80 cái. Tháp rất nhọn ở phía đỉnh nhưng lại không bao giờ bị mưa, gió hay tuyết làm hư hại. Ông tu sĩ này xây tháp theo lời chỉ dẫn của Phật để cứu rỗi tội lỗi loài người.

Buổi chiều sau khi xuống núi Mai đoàn chúng tôi được đưa đi thăm một làng dân tộc tiêu biểu cho Đại hàn ( tiếng Hàn gọi là Hanok Village) của thành phố Jeonju. Chúng tôi đi xem xưởng làm giấy theo kiểu xưa của Đại hàn: ngâm bột cây, trải lên một tấm gỗ dài, dùng tay làm cho thẳng, cho vào máy xấy cho khô, nhuộm phẩm mầu cho ra nhiều mầu sặc sỡ. Từ đó họ làm thành những con búp bê mặc áo giấy , hộp đựng bút, quạt vân vân. ….trông rất đẹp mắt. Tất cả được dung như đồ kỷ niệm bán cho du khách. Sau đó chúng tôi đi thăm chỗ làm rượu. Theo phong tục ngày xưa, khi uống rượu, người ta ngồi quanh một hồ nước có những khe nhỏ, sau đó sẽ để chung rượu trên giòng nước và chung rượu sẽ do giòng nước xuôi đến người đối ẩm bên kia, trong khi cùng ngâm thơ. Giòng nước sẽ xuôi theo các khe nhỏ đẩy ly rượu đến cho người đối ẩm. Thật đây là một tư tưởng nhàn nhã và đầy chất thi vị của người xưa.

Mỗi ngày chúng tôi đều được cho ăn cơm kiểu Đại hàn, nghĩa là ngồi bệt xuống đất. Hôm nào cũng không thiếu món kim chi. Có nhiều loại kim chi, đủ kiểu. Ăn cũng thấy ngon vì lạ miệng. Nhận xét chung là tôi thấy dân Đại hàn không ăn thịt nhiều, chủ yếu bữa cơm của họ nhiều rau hơn theo kiểu Việt nam. Vùng Tây Nam này có món nổi tiếng tên là bibimbap. Đó là môt loại cơm trộn đặc biệt của Đại hàn, có nhiều rau và trứng.

Sáng chủ nhật 19 tháng 4 chúng tôi rời Jeonju quay trở về Seoul để thăm cung điện hoàng gia Nam hàn. Đó là cung Gyeongbokgung (tạm dịch là Cung Cảnh Phúc, tiếng Anh là Palace Greatly Blessed by Heaven). Bất cứ du khách nào đến Đại hàn đều phải đi thăm cung điện này và vùng DMZ với chiếc cầu ngăn đôi hai bên. Trên thế giới chỉ còn nước Đại hàn là còn phân chia hai miền Nam và Bắc. Toàn cung điện được bao bọc bởi tường thành hình chữ nhật có 4 cửa ra vào. Cửa Đông là Geonchunmun, cửa Tây là Yeong chumun, cửa Bắc là Gwanghwamun (Quang Hóa Môn). Cửa Quang Hóa Môn là cửa lớn nhất và có ba lối vào. Đây là một kiến trúc rất Đại Hàn tại trung tâm thành phố. Cửa này lớn nhất nên là cửa mờ cho những dịp lễ lớn mà thôi. Các quan lại và sứ thần phải đi vào bằng cửa hông. Cũng tại cửa Quang Hóa Môn này là nơi cử hành lễ an tang cho vị cựu Tổng thống Roh Moo Huyn đã tự tử vào ngày 23 tháng 5 vừa qua.

Cung Gyeongbokgung nguyên thủy được xây cất từ năm 1395 để đánh dấu sự ra đời của Triều đại họ Lý (Joseon). Đất Triều tiên chịu sự đô hộ của Nhật hai lần. Lần đầu từ tháng 10 năm 1592 tới năm 1598, Lần thứ hai từ tháng 8 năm 1910 đến 15 tháng 8 năm 1945. Do đó đất nước này đã chọn ngày 15 tháng 8 mỗi năm là ngày quốc khánh của Đại hàn.

Năm 1592 cung này bị Nhật tàn phá toàn bộ. Đến năm 1867, vua Lý Cao Tông (Prince Regent Heungseon Daewongun) cho xây lại hoàn toàn, tái thiết toàn bộ 330 tòa nhà trong cung. Trong thập niên 1990, chánh phủ quyết định cho tái thiết toàn bộ theo như nguyên thủy. Cũng tại cung này,vào năm 1895 Thái Hậu Myeongsong , một trong các bà vợ của vua Gojong đã bị ám sát tại nơi đây vì có âm mưu chống lại sự độ hộ của Nhật, và có ý ngả theo phe Nga hoàng. Nhật đã dùng các dinh thự trong cung để tra khảo, hành hạ, giam cầm những người có ý chống đối Nhật. Nền đô hộ của Nhật chỉ thật sự chấm dứt vào cuối thế chiến thứ hai sau khi Nhật đầu hàng vì hai quả bom nguyên tử vào năm 1945. Chúng tôi được hướng dẫn đi xem nơi vua làm việc, các cung điện nghỉ ngơi của vua và hoàng hậu. Chúng tôi cũng được xem nghi thức đổi phiên gác của các lính canh trước cửa thành. Tuy không được vĩ đại như cảnh đổi phiên gác của các lính canh tại Birmingham Palace của Nữ hoàng Anh, nhưng cũng là một cảnh nên xem khi thăm viếng Hán thành.

Nói đến Đại Hàn là phải nói đến món ăn đặc biệt Kim Chi. Đây là món ăn không thể thiếu trên bàn ăn của người Đại hàn. Chúng tôi được dẫn đi thăm một trường dậy làm kim chi. Các món ăn dùng phương pháp lên men thì rất thông dụng trên thế giới nhưng chỉ có món kim chi thì thật sự là của người Đại hàn. Món rau chính được xử dụng là loại cải bắc thảo, ướp trong muối, them bột ớt đỏ, hành lá, tỏi, gừng. Sau đó là thêm các gia vị tùy vùng và tùy nhà. Họ có thể dùng thêm cá khô nhỏ cho có sự thay đổi. Cách làm kim chi cũng thay đổi theo mùa, mùa xuân dùng cải bắc thảo, cải trắng, mùa hè thì có thể dùng dưa chuột. Trong bất cứ một bữa cơm nào của người Đại hàn cũng có một đĩa kim chi. Nguồn gốc dùng các món ăn lên men thì đã có từ 4000 năm nay nhưng nếu nói món kim chi dùng bột ớt đỏ thì chỉ có từ cuối thời đại nhà Lý (Joseon) khi có sự nhập khẩu của bột ớt đỏ. Khi đến thăm trường dạy làm kim chi này, chúng tôi mới biết được có cả hơn 300 loại thức ăn dùng phương pháp lên men, tùy theo vùng và tùy theo từng gia đình, họ còn truyền lại cách làm từ thế hệ này qua thế hệ kia. Biết làm kim chi ngon cũng là một biểu tượng để chấm điểm sự khéo léo của người nội trợ trong việc chăm sóc nhà cửa. Ngày nay món kim chi được tìm thấy tại nhiều nhà hàng trên khắp thế giới. Du khách đến thăm nước Đại hàn cũng muốn có dịp được hiểu biết thêm về món kim chi này.

Tôi hôm đó chúng tôi được cho đi xem một chương trình ca nhạc của Đại hàn ngay tại tầng dưới của khách sạn Sheraton Walker-hill tại thủ đô Seoul. Chương trình chia làm hai phần, phần đầu là phần múa dân tộc Đại hàn, qua phần hai là của các danh tài quốc tế đến từ khắp nơi trên thế giới. Cả hai chương trình đều tuyêt diệu, không thể chê ở điểm nào. Tôi rất thán phục cách trình bầy các màn múa, vũ độc đáo của dân tộc Đài hàn. Họ rất khéo léo biết lồng văn minh dân tộc, các nét độc đáo của họ trình diễn qua những tiết mục rất lôi cuốn. Nghe nói kỹ nghệ du lịch tại Đại hàn nay rất phát triển mạnh, nhờ vào kỹ nghệ phim ảnh, nghệ thuật.

Cho dù đây chỉ là một chuyến đi du lịch ngắn hạn, có thể cái nhìn của tôi khộng được chính xác lắm. Nhưng có một điều tôi có thể quả quyết và khẳng định với các bạn là tôi phải xin bái phục tinh thần dân tộc Đại hàn. Cách đây khoảng 50 năm, vào những năm đầu của nền Đệ Nhất Cộng Hòa của Việt Nam Cộng hòa với Tổng thống Ngô Đình Diệm thì bên Đại hàn, nếp sống còn thua dân Việt nam. Nhưng nhờ từ vị Tổng thống của họ là ông Phác Chính Hy, mang tiếng rất độc tài nhưng biết lo cho dân cho nước. Thời kỳ này cũng ngang với Tổng thống Ngô Đình Diệm của VN Cộng hòa nhưng nước họ nhờ được yên ổn không bị xáo trộn chính trị liên miên. Nước họ cũng chia đôi và nay là nước độc nhất còn chia đôi, nhưng Đại hàn đã tiến mạnh bằng nhưng đôi hia bẩy dậm mà chắc còn lâu Việt Nam mới theo tới. Các vị lãnh đạo đất nước đều có trình độ Đại học, họ biết đặt quyền lợi của dân, của đất nước lên trên hết. Cho nên ngày nay Đại hàn không hổ thẹn với thế giới. Được chính mắt nhìn thấy những tiến triển vượt bực của họ rồi quay lại mà nghĩ đến Việt nam ngày nay. Chúng ta không khỏi phải thở dài. Biết ngày nào mới bằng được họ. Cứ nhìn thấy tên Samsung, Hyundai, Kia, Daiwoo vân vân để thấy người ta tiến mà mình thì lùi. Ngoài ra họ khôn khéo biết lồng các danh lam thắng cảnh của đất nước vào các phim ảnh của Đại hàn, đồng thời ca ngợi những giá trị đạo đức Á đông. Do đó đã chinh phục được không ít những người trước kia không hề quan tâm mấy đến Đại hàn (trong đó có tôi).

Nhìn chung, Đại hàn đã để lại trong tôi những ấn tượng rất đẹp và tôi hy vọng được đến thăm viếng một lần nữa, vì không bao giờ một lần đến thăm là thấy đủ cả.

Trần Phương Ánh

Mây trời còn bỏ ngỏ.

Lm Richard Leonard sj

Có một lần, quá hăng say nói chuyện thơ và người, có bạn tỏ ý vẫn ngần ngại, chẳng dám lạm bàn về thơ. Bạn những tưởng: tiếp xúc nhiều với thơ, có ngày không điên cũng ra man dại, như thi sĩ Bùi Giáng chăng. Đó là chuyện đời. Chuyện người. Chuyện thơ.

Về việc Đạo, có người nghĩ: liên hệ nhiều với dân “đập ngực” Công giáo, e nếu không khùng thì suốt ngày cũng chỉ làm dấu thánh giá, với Amen. Thật ra, chẳng biết bạn có làm-dấu-thánh giá-với-Amen hay yêu thơ đến độ khùng điên không, nhưng ai cũng có tự do chọn lập trường, cho riêng mình. Không tiếp xúc hòa mình với người và thơ, thì làm sao cảm thông được với Đạo. Chí ít, là Đạo Chúa. Đạo hiệp thông/tiếp xúc, như lời thánh ta vẫn nghe

Tôi vẫn biết và nhớ điều cần làm: là tiếp xúc và cảm thông. Tất cả, là như thế. Đúng là hôm ấy, một buổi đẹp trời, chúng tôi bỏ nguyên ngày, để hành hương tản bộ về Giêrusalem, tiếp xúc nói chuyện với người đồng hành. Những người tình nguyện cùng bước bên nhau, theo Thầy chí thánh. Bỗng chốc, đám đông dừng lại. Bỏ cuộc. Cụ thể, tôi nghe như Thầy Chí Thánh đang nói về những khó khăn chất chồng hành trình dấn bước theo Ngài.

Phần đông mọi người chỉ muốn tới, để chứng kiến điềm thiêng, dấu lạ. Ai nào màng chuyện Thơ văn, với đồng hành. Ngay bạn bè thiết thân như tôi, đôi lúc vẫn rối bời Lời Thầy nhắn nhủ. Nghĩ mãi, tôi vẫn không hiểu sao Thầy lại đến đó, nơi đầy những rối bời. Tranh chấp. Mọi người mới rõ: vị Thượng Tế ở đó rất khó chịu. Cả đám ký lục và Pha-ri-sêu đang chuẩn bị mọi thứ, để đối đầu.

Mặc dù thế, Thầy cứ làm ngơ, vẫn tiến thẳng về cung thành rất thánh, luôn bước đều. Khi ấy, chúng tôi hơi ngần ngại, sợ chuyện xấu sẽ xảy ra. Nhưng, ai làm được gì. Ngài còn nghe lời đề nghị của Phêrô, nữa.

Bình thường, chúng tôi đều ngả người, qua đêm ngơi nghỉ sau chuyến đi đường dài. Mỏi mệt. Ngài lại khác. Vẫn mải miết nguyện cầu một mình. Suốt canh thâu. Đêm nay, Ngài đề nghị chỉ 3 anh em chúng tôi dấn bước lên đồi, theo dấu chân mềm Ngài đi bước trước. Chừng như, ba anh em chúng tôi đều ngỡ ngàng, tỏ dấu rối bời trông thấy, về đề nghị của Ngài. Thế nhưng, chẳng một lời giải thích, Ngài cứ dẫn anh em rời bỏ tình huống xấu. Những ngần ngại, để rồi tiến bước lên đồi cao, nơi hiệp thông và tiếp xúc, những nguyện cầu.

Màn đêm vẫn bao trùm, dầy đặc. Không gian vẫn êm ắng. Chẳng động tĩng. Ngọai trừ tiếng lá khô xào xạc cùng sỏi đá. Ép mình dưới chân mềm, đồ đệ. Anh em nhớ mãi, tưởng chừng ở đâu đó, nhân loại đang đứng tim ngừng thở, đón chào giây phút linh thiêng, đã khởi đầu. Không gian chùng xuống. Trăng sao vẫn lấp lánh. Vẫn dẫn bước chân mềm đồ đệ đi mãi lên cao. Chốn xa. Nơi thượng đỉnh.

Lúng túng hơn, chúng tôi tăng nhanh nhịp bước. Tưởng chừng, như có lúc mình cũng nổi khùng, dám cho rằng: Ngài khờ khạo, đã cả gan bỏ cuộc sống tươi đẹp, cất bước ra đi về với cung thành, đầy tranh chấp ấy? Việc Ngài làm, phải chăng ra vô nghĩa? Lên đỉnh đồi, Ngài ngồi xuống. Đầu óc rã rượi, tưởng chừng như vừa qua chặng đường dài. Đồ đệ anh em, lẳng lặng tìm hốc đá, để ngả lưng. Còn lại mình tôi, vẫn đứng đó. Ngắm nhìn vạn vật, lặng lẽ trong hiệp thông/tiếp xúc. Vẫn nhìn Thầy. Này đây, chính Ngài. Đấng có khả năng kết hợp muôn dân, thiên hạ. Này đây, vị Thầy luôn dạy: hãy đỡ nâng giùm giúp hết mọi người. Có đầy đủ thẩm quyền, trên ban. Này đây, chính Ngài. Đấng có khả năng biến đổi thế giới. Cả thời hiện tại lẫn tương lai. Nhưng, việc Ngài làm, vẫn âm thầm. Lặng lẽ. Bước chân đi. Đi, để lao thân vào cõi chết. Một cái chết tủi hổ. Nhục nhã. Phải chăng Ngài cũng có cặp mắt đầy những Thơ. Có suy xét. Thấu hiểu mọi việc, theo đúng đường lối Cha đưa ra?

Lặng mình, mình tôi đứng đó. Thấy bầu trời bừng sáng. Đậm nét rộn ràng. Kết hợp. Nhìn trăng sao vụt biến về nơi cõi trời mây cao còn bỏ ngỏ. Tôi quay sang nhìn Ngài. Chừng như, có sự rã rời thẳm sâu nào đó chợt lóe trên nét mặt. Đây là lần đầu, tôi thấy. Không một cử chỉ. Chẳng lời nói suông. Tôi nén chút thở dài. Đang trào dâng lên cổ. Tôi muốn giúp Ngài cất chén đắng. Thống khổ. Chỉ một chút đỡ đần. Nhưng kìa, Ngài vẫn ngồi đó. Mắt nhắm nghiền. Bàn tay chắp. Xiết chặt. Tôi nhận ra điều gì khác thường. Khó tả. Nhưng, vẫn thân thương.

Điều tôi thấy, là tấm lòng bao dung. Đại độ. Của Ngài. Đôi lúc, gây va chạm. Điều tôi biết, là: chính Ngài đã chấp nhận cho mình, mọi đớn đau. Của người khác. Hơn, đau buồn của chính mình. Tơi thấy được, Ngài thương yêu Cha hơn tất cả. Ngài cảm nhận lòng yêu thương. Trìu mến. Đỡ nâng. Mà, cả cái chết cũng không còn uy lực trên Ngài.

Quả, đấy là Ngài. Đứng thẳng người. Cạnh bên là ngôn sứ Mô-sê. Và Ê-li-a, nữa. Rất thần thánh. Đấy là Ngài. Đấng từng lặng lẽ khóc thầm. Cho tình người bạc bẽo. Người từng ngồi bên vệ đường. Lầy lội. Cát bụi. Dửng dưng. Đấy, là Con Người quả cảm. Sừng sững trên mặt hồ Giu-đê-a. Khi trước. Đấy, là Ngài. Con Người thật trong sáng. Chứa chan tình thần thánh gửi đến khắp muôn người. Tâm trí tôi, nay bị cuốn hút trôi xa. Dạt dào. Hãnh diện. Đầy buồn tủi. Khổ đau. Hy vọng. Niềm hy vọng đem đến, cho mai ngày.

Tôi chẳng nhớ mình đứng đó, đến bao giờ. Cứ ngước mắt. Nhìn ngắm bước chân Ngài ra đi. Âm thầm. Lặng lẽ. Để nguyện cầu. Và, bất chợt Ngài vụt đứng. Chẳng nói nửa lời. Vội đi xuống vùng đồi. Câm nín. Tôi lặng im. Vẫn biết rằng đồ đệ/bạn đạo khác cũng cảm nghiệm chuyện xảy ra ở đồi cao. Trên núi. Riêng tôi, vẫn cứ nghĩ: hai vị kia cũng đà thấy Ngài có quyết định. Quyết định lạ. Chừng như, là đường hướng sẽ phải làm. Đầy quyết tâm.

Thế rồi, thoạt xuống đến sườn đồi, mọi người đều muốn biết những gì xảy đến. Ở nơi cao. Xa vắng ấy. Bỗng, chẳng ai cất tiếng hỏi. Vì tất cả đều đã hiểu. Tất cả đều giống như tôi. Sẽ cùng mọi người đi sau chót, đã rời bước xuống khỏi đồi. Nhiều tuần qua, tôi giữ nguyên chuyện thầm kín ấy. Ở trong lòng. Chẳng sẻ chia cho ai. Chỉ khi mọi sự đã qua đi, nơi thành thánh Giê-ru-sa-lem ấy, mọi người đều đã rõ. Tôi bắt đầu hiểu được điều xảy đến. Vào đêm lặng lẽ ấy.

Và, điều thầm kín cũng là thầm kín của đời. Của Thơ. Không hiểu đời/hiểu Thơ, sẽ chẳng hiểu được người. Không hiệp thông/tiếp xúc. Hoà mình với người. Và, với Thơ. Cũng chẳng cảm thông được với đời. Với Đạo.

Đạo là của người. Của Thơ. Vì ở nơi Thơ và người, mây trời còn bỏ ngỏ. Cho muôn người.

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá phỏng dịch

Giáo Hội Công Giáo:

Người Công Giáo Việt Nam

Trần ngọc Tá

2. Công giáo việt nam:

niềm tự hào dân tôi

Anh chị thân mến,

Đặc tính chung của Giáo hội Công giáo trên hoàn vũ đã được thể hiện nơi Giáo hội măng trẻ ở Việt Nam. Và đây, chính là niềm tự hào của dân tôi.

Việt Nam, cùng với các nước Châu Á và Châu Phi đã và sẽ là mùa Xuân của Giáo hội. Ở thế kỷ 21 này. Tôi dám thưa với anh chị như thế đó. Đây là quả quyết của một Hồng y người Đông âu khi ngài trả lời phỏng vấn cho tạp chí Time hồi thập niên 80. Theo ngài, đến thế kỷ 21, Giáo hội Công giáo sẽ phát triển mạnh tại hai lục địa này. Vào lúc này, giữa năm 2000, điều mà Hồng y ấy tiên đoán, đã trở thành hiện thực. Với Việt Nam, ta chưa có thống kê chính xác và qui mô như ở các nước phương Tây. Nhưng đến nay, tôi vẫn được bảo là số người Công giáo Việt nam gồm từ 6 đến 10 phần trăm, trên số dân tổng cộng lên đến 78 triệu người vào năm 2000. Con số này, đã phần nào minh chứng sự phát triển ấy.

Bỏ qua một bên, các vấn đề về số lượng và thống kê, ở đây ta chỉ bàn đến bản chất và chất lượng của Đạo thôi. 6% hay 10% tuy là tỷ lệ nhỏ, nhưng đã có thời gian không lâu, Công giáo Việt nam không còn mang tính chung nữa. Và, đã là cớ vấp ngã cho nhiều người cả trong lẫn ngoài đạo. Dù, chỉ bao gồm số lượng nhỏ chừng dăm ba triệu người, sống trong môi trường mà chung quanh toàn những người theo đạo ông bà, hoặc thờ Phật. Vậy mà có người muốn biến đạo Công giáo nhỏ bé của mình, thành một thứ quốc giáo, hay đạo đảng. Vì thế, đã xảy ra tranh chấp giữa hai tôn giáo lớn ở miền Nam, suốt thập niên 60.

Anh chị thân mến,

Thời gian “không phải là mùa xuân của Giáo hội” ấy, nay đã qua. Ta hãy cho nó qua hẳn. Không nên để tính cách riêng tư gượng ép ấy, được phép quay trở về với quê hương bé nhỏ của mình, lần nào nữa. Trái lại, hãy cùng nhau hướng về tương lai, để cùng nhau gầy dựng mùa xuân mới, cho Cộng đoàn Công giáo Việt Nam.

Một lần nữa, để xác minh cho tính cách riêngchung của Giáo hội Công giáo, hôm 14/10/1999, giới chức thuộc Ủy ban Thư Ký, Tòa thánh, Đức ông Celestino Migliore đã phát biểu trước cử tọa gồm Giám đốc các Hiệp hội/Tổ chức Công giáo quốc gia họp tại Hoa Kỳ, rằng: bản chất của Tòa thánh luôn mang tính chất tôn giáo đại đồng và nhân đạo. Ông nhấn mạnh đến vai trò chính của Giáo hội Công giáo. Bằng cách thức nào đó, Giáo hội luôn tạo cho thế giới mình, một khuôn mặt nhân bản hơn. Giáo hội tìm cách bênh vực người công dân chân chính, nhất là trẻ em và những người đau yếu/bệnh tật hoặc những người không dính dự gì đến chiến tranh, hoặc đến các tranh chấp, ý thức hệ. Giáo hội không muốn can thiệp vào vấn đề chính trị. Chính trị ở đây, hiểu theo nghĩa dính dấp với những chuyện đảng phái hay công cụ của giới cầm quyền, nơi trần thế. Trái lại, Giáo hội xử sự theo cách thức gây ảnh hưởng hoặc hỗ trợ cho các thũ lãnh, các thể chế chính quyền, hầu giúp họ có được những lựa chọn thích hợp với lương tâm. Với chức năng con người, mỗi khi họ thực hiện vai trò chính trị.

Nói như trên, tôi không có ý ám chỉ đến các nhân vật trước đây lôi kéo Giáo hội dính dự quá nhiều vào các hoạt động riêng tư của mình, hoặc phe mình. Tuy nhiên, với tư cách là giáo dân Đạo Chúa, vẫn có quyền và có lý để tham gia mọi sinh hoạt chính trị. Với chủ đích làm cho chính quyền có thêm tính cách nhân bản và đại đồng.

Nói như thế, không có nghĩa bảo rằng: cộng đoàn Công giáo Việt Nam trong quá khứ, đã có hành vi lẫn lộn giữa thần quyền và thế quyền. Tức là, không nên viện cớ gì, nhân danh một lý tưởng nào, để biến Giáo hội hoặc người của Giáo hội, thành công cụ/ đầu sai, cho quyền thế. Tuy nhiên, cũng đừng quá lo sợ cho tương lai của Giáo hội, để rồi có những hành động dễ kích động nhà cầm quyền, khiến họ trở nên phi nhân bản, bóp chết các quyền tự do căn bản của người dân, trong đó có tự do tín ngưỡng, tự do hành đạo và giữ đạo.

Anh chị thân mến,

Theo tôi, muốn dứt khoát hướng về tương lai, người Công giáo Việt Nam cần loại bỏ các thái độ thụ động như đã thấy trong quá khứ. Trái lại, hãy nhìn lại dân tộc mình. Dân tộc có đến 117 vị tử đạo, được phong hiển thánh. Các vị này, trước đây chẳng mảy may khiếp sợ gươm giáo, áp bức cũng như hành hình về thể xác, hoặc tinh thần. Nhưng, vẫn kiên trì tin vào Đức Kitô.Tin tưởng nơi Giáo hội nói chung. Nay, cũng với niềm tự hào ấy, giáo dân Việt Nam nên có thái độ tích cực. Biết lên tiếng phản đối, mỗi khi nhà cầm quyền trần thế, hoặc chức sắc Giáo hội có chủ trương đi ngược với bản vị con người. Ngược, với quyền lợi căn bản có ghi trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Nói cách khác, người Công giáo Việt Nam ngày nay, không thể chùm trăn/lẩn tránh, khi thấy có sai trái trong cộng đoàn Công giáo của mình. Không những thế, người Công giáo Việt còn phải chứng tỏ mình đóng góp tích cực cho Giáo hội, không chỉ bằng việc đi nhà thờ, đọc kinh, giúp lễ. Nhưng, thiết thực tham gia vào họat động quản trị giáo xứ. Xứ đạo bên Tây phương, đều có ban mục vụ, ban tài chánh nhận điều hành mọi sinh hoạt chung của Giáo hội, là nhà xứ. Cha sở, cha phó không còn là vua cha, cai quản nhà xứ nữa. Nhưng, mỗi khi có quyết định liên quan đến họ đạo, các ngài đều phải hội ý và thông qua Hội đồng giáo xứ. Hễ Hội đồng giáo xứ không chấp thuận điều gì, cha xứ không thể đơn phương ra quyết định thực hiện. Dù là chuyện nhỏ.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi giáo dân đều có phận sự/trách nhiệm trong Hội đồng giáo xứ. Thành thử, người Công giáo Việt Nam nên bắt chước tín hữu nước ngoài, bằng việc hỗ trợ cả về công sức lẫn tài chánh, cho mọi công tác trong xứ. Hỗ trợ tài chánh, không chỉ là bỏ tiền nhà thờ tùy hôm/tùy hứng. Nhưng, quyết trích ra số tiền nhất định hàng tuần để giúp nhà xứ trang trải mọi chi phí chung. Nhà xứ phải trang trải mọi tiện nghi mà toàn thể tín hữu đang sử dụng. Tỉ như: nến đèn, tiện nghi công cộng, điện/quạt, máy điều hoà, rượu/bánh, máy phóng thanh, truyền hình, các khoản nợ trả góp, các mục sửa sang, đại tu/tiểu tu công ốc vv.. Bởi, nhà thờ có là cái chung, thì tất cả những gì thuộc “cái nhà là nhà của ta, ông cố ông cha làm ra” ấy, đều thuộc trách nhiệm trông coi và đóng góp, của tất cả mọi người. Dứt bỏ thái độ “cha chung chết không ai khóc”. Nhưng thực tình tỏ hiếu với vị cha chung. Thực tình bồi đắp xây dựng căn nhà chung, nhà của ta ấy.

Nói đến đây, có lẽ người Công giáo Việt bên qụê nhà, sẽ bỡ ngỡ lo âu về ngân sách gia đình cũng như các khoản tiền xuất túi v.v. Nhưng, nếu bảo rằng: toàn thể Giáo hội Công giáo đang nhằm mục tiêu hòa đồng tôn giáo trong những ngày sắp tới, thì thiết nghĩ, cũng nên bắt chước những điều hay thói tốt, của tôn giáo khác. Có một thói quen rất hay và đẹp, của một số Giáo phái Tin lành/Anh giáo, là tiếp tục và thường xuyên thực hiện điều mà Cựu Ước gọi là “đóng góp thập phân” (dime), tức gom góp10% lợi tức kiếm được, hoặc lãnh được (dù đó là tiền lương hay trợ cấp an sinh). Đóng góp cho quỹ tài chánh của Giáo hội, hay nhà xứ nơi mình ở. Đối với giáo dân Việt Nam, vốn chưa quen với việc đóng góp các phần không-phải-là-thặng-dư mà là nhu yếu cho cuộc sống, xin đề nghị: số thập phân ấy được bắt đầu bằng các phần trăm gọi là tùy tâm, tùy sức. Và rồi, cứ thế ta tăng dần cho vừa với sức chịu đựng của mỗi người, mỗi gia đình.

Với các xứ đạo bên quê nhà, có lẽ đã và đang thực hiện phần nào mấy chuyện đóng góp như thế từ lâu; và, theo thể thức tùy hỷ rồi. Nếu đúng như thế, ta cứ tiếp tục. Nhưng, cố làm sao để khoản đóng góp của mỗi người, lên đến mức tối đa 10% mà thôi.

Đó là về tài chánh. Còn về cung cấp nhân sự cho công cuộc rao giảng Nước Trời, cũng nên đề nghị một vài hình thức đóng góp từ phía giáo dân. Tỉ như: vai trò thừa tác viên, giáo lý viên, giúp lễ/chầu Mình Thánh Chúa, hoặc như vai trò thầy sáu vĩnh viễn, vv. Có thế các xứ đạo hẻo lánh sẽ giải quyết được nạn thiếu vắng linh mục.

Nhìn qua Giáo hội bạn, tôi thấy một vài giáo phái Tin lành đang có chương trình huấn luyện thầy giảng hoặc phụ tá mục sư vv. Riêng giáo phái Mormon lại định ra thời kỳ tập huấn giảng thuyết cho các thanh niên hoàn tất bậc trung học. Hình ảnh cứ hai người một, mặc đồng phục quần đen, áo trắng rảo bộ khắp hang cùng/phố chợ chào đón, nói chuyện với người qua đường. Họ kêu gọi mọi người để tí chút thời giờ suy tư bàn bạc tại chỗ với các tín thư của Đức Chúa, qua Kinh thánh. Đây, có lẽ là hiện tượng đương đại. Có thể người Công giáo Việt không cần bắt chước các giáo phái ấy (vì nhiều lý do). Nhưng, đây cũng là trường hợp để anh em tín hữu Công giáo suy nghĩ. Đồng thời, có quyết tâm hành động cho công cuộc chung của Giáo hội..

Cuối cùng, theo hiển ý, nên có các suy tư và hành động thiết thực để xây dựng chung là Giáo hội. Đó cũng là điều mà các giáo dân Công giáo Việt nam nên thực hiện càng sớm càng tốt

(một chút suy tư nhân Phục sinh năm 2000)

Trần Ngọc Tá

(còn tiếp nhiều kỳ)

Góp nhặt sỏi đá

Lễ thánh An Phong năm nay, Gia đình An Phong Sydney lại có dịp họp mặt, ăn mừng.

Họp mặt kỳ này, có Tiệc thánh ấm cúng. Có chia sẻ tự phát. Có tin vui/buồn gần xa, đầy nhà. Có cả, sỏi đá ta gom góp để sẻ san với Tỉnh Dòng rất thân thương. Kết quả đá sỏi nhặt được kỳ này, nhiều như sau:

Hiện kim:

Anh chị Nguyễn Kim Linh $150

Bác Trần Ngọc Liên $150

Chị Nguyễn Thị Phụng $120

Cô Nguyễn Hồng Phước (Mai) $120

Chị Hoàng Thị Thả $120

Các chị Nguyễn Minh Hưởng & Đào $120

Anh chị Huỳng Công Lợi $120

Anh chị Nguyễn Tiến Hùng $200

Anh Trung $50

Anh chị Vũ Hải Nam $100

Lê Văn Thụ Nhân-Phượng $50

Anh chị Phạm Văn Chương $200

Anh chị Vũ Nhuận $300

Anh chị Lê Văn Lệ $100

Gia đình bác Trần Trọng Luật $500

Anh chị nguyễn Minh Tâm $120

Anh chị Nguyễn Duy Lâm $150

Bác Nguyễn Văn Kim-Oanh $100

Một vị ẩn danh: $50

Anh chị Trần Văn Long $120

Anh chị Mai Tá $450

Anh chị Nguyễn Đắc Dũng $200

Anh chị Lê Duy Phước $150

Anh Nguyễn Anh Phương $50

Anh chị Đỗ Quốc Dũng-Loan $200

Trần Đàm Thiên Ân $150

Trần Đàm Việt Quốc $680

Trần Thị Bích Huyền $50

Anh chị Nguyễn Văn Dũng-Phụng $150

Tổng cộng: _______$5,020.00

Lm Phạm Trung Thành, Giám tỉnh DCCT VN

có đôi giòng cảm kích như sau:

Ngay trua nay em da nhan du so tien 4630 AUD xin chan thanh cam on anh va cac anh cac chi trong gia dinh An Phong Sydney, rat mong co ngay se sang tham cac anhchi va chia se nhung sinh hoat cua TinhMe Viet Nam cho cac anh chi.

Vua qua em da gap go cac anh chi Cuu De Tu Nam Cali, rat am cung va chan tinh, nhungnguoi con tham yeu cua nha dong.

Xin Chua chuc lanh cho cac anh chi

Lm Pham Trung Thanh, Giam Tinh Dcct VN

Số còn lại: $390, sẽ gửi về VN vào dịp khác.

Giọng cũ

Xa gần

*90 niên như bóng câu qua cửa sổ

Thắm thoát mới đó mà đã 90 niên, tuổi đời. Và cũng ngót nghét 80 niên tuổi Đạo. Đạo đây là đạo tu thân tích đức đệ tử và nhà Dòng. Suốt gần 80 năm làm chứng nhân cho Chúa với Giáo hội và cho xã hội, cha già Chân Tín đã mang lại cho Đạo lẫn đời một “luồng gió mới” khó quên. Viết về tiểu sử của cây Đại thụ Dòng, có lẽ cũng mất rất nhiều “thiên”. Thôi thì, ta nghe sơ qua, câu chuyện của linh mục đàn em và cũng là học trò, thuộc loại cổ thụ khá trung, chứ chưa đến độ đại thụ, ở Thái hà, đó là linh mục họ Vũ tên Phụng rất Khởi…sắc, như ri:

Trong bài chia sẻ, cha giảng lễ Matthêu Vũ Khởi Phụng, Bề trên-chánh xứ Tu viện-giáo xứ Thái Hà, đã nhắc đến một linh mục Chân Tín dường như cứ luôn bị người đời chống đối vì miệt mài tranh đấu cho những quyền sống căn bản của những người nghèo bị đè nén, áp bức. Cũng trong bài giảng, cha Matthêu cũng nhắc đến ba bài giảng sám hối của cha già Chân Tín cách đây gần 20 năm, trong đó cha già đã kêu gọi từng người sám hối, Giáo Hội sám hối, nhất là xã hội phải sám hối. Những lời chân thật và thẳng thắn trong ba bài giảng sám hối nổi tiểng này đã dẫn cha già đến những năm tháng bị tù đầy, bị trấn áp dưới chế độ cộng sản. Nhưng điều đó cho thấy con đường tranh đấu bất bạo động theo đường hướng Tin mừng của cha già được khởi hứng từ luồng gió mới của Công Đồng Vaticanô II, không phải là vì một chế độ nào cả, không vì chế độ cộng hoà, cũng không vì chế độ cộng sản, nhưng là vì quyền sống căn bản của những người nghèo bị áp bức. (trích CTV CSSR, trong blog Gia đình An Phong, 9/6/2009)

*Qua DIA, lại đến với anh em-

Kể ra, thì mục Gọng Cũ Xa Gần này cũng có lý và có lợi. Lợi đây không phải là Lợi (Huỳnh Công), một thày chạy. Mà là, lợi rất có ích. Ích lợi. Chứ không “Công Lợi”, đâu bà con. Số là, nhờ có mục này, mà một số con nhạn là đà, nay về lại với chi hội Sydney, Úc Châu, như sau này:

Tôi là Nguyễn Hùng Cường, Cựu Đệ Tử, đang phụ trách Hội Cựu Đệ Tử DCCT Nam California kể từ 15 Feb. 2009 thay cho anh Peter Lân Nguyễn. Tôi cùng lớp với Trần Quang Phục, Mai Phúc Am, Cha Duy, Cha Thạch và rời Vũng Tàu năm 1962... Tôi được anh Đào Quang Mỹ (cùng lớp với anh) hiện đang sinh họat với Hội Nam Cali cho biết địa chỉ email của anh. Tuy đã nhiều lần đọc được tờ Duc In Altum của anh em CĐT Úc nhưng chưa lần nào được tiếp xúc với anh. Nay vì trách nhiệm nên có ý định liên lạc với Hội CĐT bên đó để từ nay, nếu thuận tiện, chúng ta sẽ kết thân với nhau cho ích lợi thiêng liêng chung. Có lẽ không cần nói nhiều để biết và hiểu nhau, vì chúng ta đã có một mẫu số chung là tinh thần CĐT và lý tưởng Duc In Altum giữa đời... Và mỗi khi nói hoặc nghe đến chữ CĐT hoặc Duc In Altum, chắc chắn chúng ta đã hiểu nhau và biết phải làm gì.

Trong tâm tình và chiều hướng đó, tôi xin thay mặt cho Hội CĐT/DCCT Nam Cali mong muốn được bắc một nhịp cầu giữa các địa phương nào có CĐT hiện diện và sinh họat, mà khởi đầu là với anh em CĐT bên Úc, sau đó Canada, Pháp..v..v.. Ban Chấp Hành Hội chúng tôi cũng đã được sự khuyến khích của Cha Giuse Micae Nguyễn Trường Luân, CSsR, Bề Trên Nhà Dòng Long Beach khuyến khích, và Cha Châu Xuân Báu, CSsR, Linh hướng của Hội chấp thuận để liên lạc và xin ý kiến của anh em bên Úc.

Cụ thể và tâm tình nhất, tôi xin gửi đến BCH Hội CĐT Úc một số báo DUC IN ALTUM RA KHƠI của Hội CĐT/DCCT Nam Cali, là món quà tinh thần mang dấu chỉ của tình huynh đệ giữa những người CĐT với nhau. Hy vọng rằng, phần còn lại để bắc nhịp cầu chung, với ơn Chúa Cứu Thế và Mẹ Hằng Cứu Giúp, chúng ta sẽ hợp tác với nhau. (Riêng việc đặt tên cho tờ báo của Hội Nam Cali là một phương tiện truyền thông, chúng tôi chọn Duc In Altum Ra Khơi mong nói lên điều thống nhất và hiệp nhất khi nghe hoặc nói đến người CĐT bất cứ nơi đâu. Biết đâu sau này tại mỗi địa phương có CĐT sống cũng sẽ thực hiện một phương tiện truyền thông nào đó, nhưng cũng sẽ mang tên Duc In Altum. Đó cũng là một phần của "mẫu số chung".

Xin anh, nếu có thể được, cho tôi biết ý định của anh về món quà của Hội Nam Cali, và cả địa chỉ bưu điện để tôi gửi báo cho anh. Từ đó, hy vọng chúng ta sẽ làm việc với nhau trong tinh thần DucInAltum.
CĐT Phêrô Maria Nguyễn Hùng Cường

Và thêm một điện thư khác, của bạn khác:

Năm nay, tôi lại mừng ngày Nhớ Ơn cha. Càng nhớ đến ba tôi, đã tạ thế cách đây bảy năm đúng vào ngày Father's Day năm ấy (15/06/1997), tôi càng nhớ hơn đến các cha chung của chúng ta năm nào, những người còn sống cũng như những người đã quá vãng. Tôi sẽ giải thích cho các bạn biết tại sao.

Tôi muốn nói đến cha Ân (cha đốc nhà Huế) cha Ðào, cha Khâm, cha Thống, cha Tiến Lộc, cha Phụng (giám đốc nhà Vĩnh Long), cha Phát....và các thầy: thầy Marcel Võ văn Tuệ, thầy Nicholas Ðền (thầy già), thầy Năng, thầy Ngạn. Tức là những người đã trực tiếp hay gián tiếp nuôi nấng, dạy dỗ anh em mình năm nào.

Bạn còn nhớ nông trại và những ao hồ quanh nhà đệ tử mà cha Thống đã khởi công đào, những cuốn "Sổ Riêng" nho nhỏ cha vẫn phát cho tụi mình năm mình học lớp sáu, lớp bảy, và những giờ học Pháp văn Mauger 2...Cha có lối làm việc rất "tỉnh". Nghĩa là không sôi nổi, ồ ạt, nhưng có tổ chức trước, sau hẳn hòi và làm việc gì cũng có kế hoạch tỉ mỉ và làm đến nơi đến chốn. Chỉ khi cha đi rồi thì mình mới khám phá ra điều đó. Bạn không tin tôi ư? Nếu có business, bạn hãy thử tổ chức làm việc theo lối của cha Thống thử coi (1). Làm sao tôi quên được những lúc ngồi nghe cha giảng bài trong lớp mà tâm hồn tôi cứ thả theo gió theo mây ngoài khung cửa sổ lớp học để rồi bị cha kéo về thực tại bằng một câu hỏi bất hủ: "Mơ cái gì đó, anh Ngà?" (Tên tôi là Ngọc Hà, tôi hay viết tắt là NG-Hà, nên cha hay gọi theo kiểu đọc nối của tiếng Pháp, ra chữ "Ngà". Riết rồi tôi có hai tên gọi: anh em bạn gọi tôi là Hà voi, Cha Thống gọi tôi là "Ngà"!).

Bạn có còn nhớ những giờ học giáo lý và những bài giảng lễ lê thê năm nào với cha Khâm? Cha Khâm có một đặc điểm là: dù làm lễ hoặc dạy học gì đi nữa thì ngài luôn soạn bài rất kỹ và cân nhắc đến từng chữ, từng lời một. Tiếc là hồi đó anh em mình còn ham chơi và chỉ biết tranh đua những môn học có tính thách đố hơn như Toán, Lý, Hóa, Pháp văn....nên mình thường coi nhẹ môn giáo lý. Chỉ uổng công cha soạn bài cho kỹ rồi đem vào lớp hoặc nhà thờ để giảng dạy cho bọn mình, cũng như nước đổ lá môn vậy! Cho nên có những lần giận quá, cha hay mắng đổng tụi mình là: "Ðồ ngu độn!"

Nói về cha Tiến Lộc thì càng có nhiều điều để nhớ! Trẻ, năng động, nghệ sĩ, yêu đời, sáng kiến, dám làm, dám chịu! Dù học lớp nào, lớn hay nhỏ gì đi nữa, ai trong chúng ta cũng thích có cơ hội được gần gũi ngài trong những giờ sinh hoạt học đường, giờ huấn đức, giờ tập hát, những lần đi tham quan vv...Cha thường mở đầu mỗi lớp học hoặc giờ huấn đức bằng những mẩu chuyện ngắn lý thú. Thường thì đó là những chuyện có thật mà chính cha đã trải qua hay tận mắt chứng kiến. Có hôm, cha mời cả một anh ký giả nhà nghề tên là Trương Trọng Trác, bạn trong ngành Hướng Ðạo của cha hồi đó, vào để thuyết trình sơ lược về kỹ thuật viết bài và trình bày báo chí chuyên nghiệp. Buổi thuyết trình ấy chỉ dành riêng cho 4 lớp đoàn nhỏ. Thú thật, đấy là cả một kinh nghiệm học hỏi rất lớn lao đối với tôi và làm tôi nhớ hoài. Bằng chứng điển hình là tôi không ghi một chữ, một giòng nào về buổi thuyết trình ấy vào cuốn Nhật ký của tôi, nhưng tôi vẫn nhớ: buổi thuyết trình ấy xảy ra vào một tối huấn đức thứ năm (phiên huấn đức của cha Tiến Lộc), niên khóa 1973-1974 Hồi đó tôi thích viết truyện ngắn và đã có ít bài đăng lên báo Chính Luận (trang Mai Bê Bi ở giữa, nếu bạn nào còn nhớ?) Ðó là lần đầu tiên tôi được nghe đến kỹ thuật viết tin bằng phương pháp "5 W + 1 H " ( 5 W: what, who, when where, why; 1 H: how). Nói đại khái, cha luôn có những câu trả lời thích đáng cho bất kỳ mọi vấn đề mà anh em mình hay suy tư thắc mắc. Xin nhớ: bất-kỳ-mọi-vấn-đề! Nếu trả lời không được, cha sẽ lùng kiếm cho đến cùng thì thôi. Buổi thuyết trình của anh Trương trọng Trác là một thí dụ cụ thể: để thỏa mãn cho những thắc mắc mà các anh em trong ban báo chí hồi đó hay nêu ra với cha mà cha không thể trả lời cho thấu đáo.

Thầy Ngạn có thói quen hay chấm dứt một buổi huấn đức bằng bài hát :"Ngàn dân ơi". Thầy Năng hay lý lắc, nói đùa mà mình cứ tưởng là thật. Thầy Tuệ hay đi chợ ngoài để mua giùm tụi mình những món đồ không có trong căng-tin. Thầy Ðền làm thêm bàn ghế học, sửa tủ áo quần, tủ sách cho tụi mình.

Và các cha Ân, cha Phụng, cha Phát ... những người mà tôi và bạn đều chịu sự thụ huấn ít nhiều, đều để lại những đường nét uốn nắn trên tâm hồn tụi mình cho đến bây giờ.

Cha Ðào rất trầm mặc, rất ít gần gũi với anh em mình, nhưng tôi có thể nói mà không sợ lầm rằng: tất cả anh em chúng ta, những người đã từng học ở nhà đệ tử dưới thời cha Ðào đều mang nặng nhiều ảnh hưởng của cha qua những bài giáo huấn thật ngắn và đơn sơ, nhưng súc tích, thâm trầm và bắt mọi người phải suy nghĩ. Từ suy nghĩ đến sống nội tâm. Từ sống nội tâm đến quyết tâm rèn luyện nhân cách và thay đổi tâm tánh. Dù lớn hay nhỏ, ai cũng đều chịu những ảnh hưởng sâu đậm ấy của cha Ðào, không sớm thì muộn! Và những ảnh hưởng ấy có lợi cho cả một đời người, dù là ở đâu và làm bất kỳ nghề gì đi nữa. Bạn chưa quên bài huấn đức"Sáu Ðúng" của cha Ðào? (2) Và bài "Cái đấu đã đong"?(3).

Ðiều tôi thắc mắc cũng là điều tôi muốn giải thích với các bạn như tôi đã hứa ở đầu bài này là: các cha các thầy đã chăm sóc mình với tất cả năng lực và tấm lòng ấy để được những lợi lộc gì? Cha ruột mình thì đã sanh thành và có bổn phận nuôi nấng mình đã đành. Còn các cha các thầy năm xưa đã làm những điều ấy ... nói cho chính xác và rõ ràng là làm không công! Ðã không sanh đẻ ra mình lại còn chí tình với mình để chỉ được những ích lợi thật nhỏ bé và khiêm nhường, có thể nói là chỉ được ngang hàng hoặc đúng ra là còn tệ hơn những người hưởng Welfare ở xứ này!

Có lẽ và chắc chắn cũng vì vậy mà trên đầu học phiếu hằng tháng của chúng ta hồi đó có in một hàng chữ Việt và La Tinh: "Vì lòng mến Chúa và thương yêu các linh hồn".

Ðó mới là lòng mến Chúa chân thành nhưng sâu đậm hơn cả vì nó đi đôi với hành động. Ðó mới là lòng thương yêu các linh hồn, vì nói cho cùng, có những lúc, cả tôi lẫn bạn đều cảm thấy bất xứng với lòng thương yêu ấy của các ngài qua những hành động ngỗ nghịch, đã làm các ngài phải thêm lo lắng vất vả.

Cho đến nay, như tôi biết thì cha Ðào và cha Khâm đã tạ thế. Nghĩ đến các ngài, tôi ngậm ngùi vì chưa có một lần đền đáp những công ơn ngày xưa mà các ngài đã làm cho tôi, cho anh em mình.

Tôi thường nhìn con tôi trong những lúc nó nghịch ngợm, bướng bỉnh, cãi lời tôi như nhìn thấy cái hình ảnh ngày xưa của chính mình trong một tấm gương soi vậy. Nó cho tôi thấy một điều, làm cha là một thiên chức mà không phải ai cũng có thể làm và chu toàn một cách dễ dàng.

Nó còn cho tôi thấy một điều hẳn nhiên hơn nữa, là làm cha của một đàn con không do mình sanh ra, nhưng phải cật lực làm hết mọi chuyện chạy cơm gạo, xăng dầu, dạy hát, dạy học, dạy làm người, như các cha các thầy đã làm cho chúng ta hồi đó, lại càng là một điều không tưởng, không thể nào có trong thời đại mà chúng ta đang sống!

Thưa các cha, các thầy, những người còn sống hay đã quá vãng. Xin các ngài nhận nơi con một lòng thành kính tri ơn suốt đời. Chúng con sẽ cố gắng sống cho ra con người mà các ngài đã uốn nắn chúng con, để khỏi phụ lòng thương yêu mà các ngài đã dành cho chúng con những năm xưa.

Với nén hương và lòng tưởng nhớ đến các cha, các thầy nhà đệ tử DCCT.

Hà Voi.

(1)Khoa quản trị kinh doanh bên này gọi phương pháp đó là "delegating".

(2)Xin đọc bài "Những hoài niệm bất diệt".

(3)Sẽ viết trong một tương lai gần đây.

*Những thơ và thơ-

Có những bài thơ, nghe qua một lần, không còn muốn nghe nữa. ta gọi đó là thơ con cóc. Hoặc, những thơ cùng thẩn. Thở thẩn. Rất lẩn thẩn. Có những bài thơ khác, nghe chưa hết một bài, vẫn cứ muốn nghe tiếp. Nghe hoài. Không biết chán. Dân Gầy mời bạn và tôi, bà con mình cứ thử nghe bài thơ bên dưới, gồm toàn đầu đề nhạc bản, rồi tính sau:

Quê em BIỂN MẶN dừa xanh
Sóng tình HOA BIỂN dổ dành người thương
KIẾP NGHÈO một nắng hai sương
LỐI VỀ XÓM NHỎ cuối đường cầu tre
Đượm nồng TÌNH THẮM DUYÊN QUÊ
Rung rinh GÁNH LÚA hẹn thề đêm trăng
NƯƠNG CHIỀU khói toả lều tranh
Vài con BƯỚM TRẮNG lượn quanh liếp cà
Hương thầm còn mãi TÌNH XA
Bướm HOA THẠCH THẢO còn ra nổi này
CON THUYỀN KHÔNG BẾN có hay
THU SẦU cô quạnh tháng ngày đơn côi
SUỐI MƠ chất chứa ngàn đời
Sao MÙA THU CHẾT còn rơi rớt nhiều
ĐÈN KHUYA một bóng cô liêu
ĐÊM ĐÔNG buốt giá tình yêu ngỡ ngàng
ĐÒ CHIỀU chưa tiễn đưa sang
NỔI LÒNG sao biết thiên đàng ái ân
TRÚC ĐÀO rụng khắp đầy sân
DUYÊN QUÊ mong gặp một lần cho vơi
NỔI BUỒN HOA PHƯỢNG trong đời
DẤU CHÂN KỶ NIỆM một thời học sinh
Và TRANG NHẬT KÝ riêng mình
Làm sao có được chuyện TÌNH THIÊN THU
Lặng nhìn từng GIỌT MƯA THU
Nghe như TUYẾT LẠNH uẩn u sao đành
Lật từng LƯU BÚT NGÀY XANH
Nghe như LỆ ĐÁ vây quanh nổi niềm
THU SẦU chẳng phải của riêng
Mà sao mãi thấy PHỐ ĐÊM hững hờ
ĐÒ CHIỀU chở mấy vần thơ
Chở nàng thi sỉ TÌNH BƠ VƠ sầu
Ôi NHỮNG ĐỐM MẮT HỎA CHÂU
NỦA ĐÊM NGOÀI PHỐ nhuốm màu thê lương
MONG NGƯỜI CHIẾN SỈ sa trường
Vào trong CÁT BỤI gíó sương không sờn
Để ai GIẤC NGỦ CÔ ĐƠN
Để cho CÔ BÉ DỖI HỜN phòng the
Từng đêm TRĂNG SÁNG VƯỜN CHÈ
TRĂNG MỜ BÊN SUỐI nghe se sắc lòng
Quạnh hiu gối chiếc phòng KHÔNG
NGHÌN TRÙNG XA CÁCH nhớ mong ngập trời
NẮNG CHIỀU giăng sợi đơn côi
GIỌT MƯA TRÊN LÁ khóc đời hợp tan
Bao giờ em bước SANG NGANG
Để thôi GIỌT LỆ ĐÀI TRANG không còn
GA CHIỀU ngóng đợi héo hon
TẦU ĐÊM NĂM CŨ vẫn còn đâu đâu
Từng đem TRĂNG RỤNG XUỐNG CẦU
Cho em biết SẮC HOA MÀU NHỚ thương
Cho em ĐÔI BÓNG bên đường
Chung HAI LỐI MỘNG một phương trời hồng
Sá gì giá lạnh ĐÊM ĐÔNG
NỔI BUỒN GÁC TRỌ chờ mong ngày về
Nghìn trùng MẤY DẬM SƠN KHÊ
ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ trăng thề còn đây
Tình yêu NHƯ CÁNH VẠC BAY
LÂU ĐÀI TÌNH ÁI không xây một mình
Từ ngày XẾP ÁO THƯ SINH
ANH ĐI CHIẾN DỊCH đăng trình nặng vai
NGẬM NGÙI cửa đóng then gài
NGƯỜI YÊU CỦA LÍNH không phai má đào
Lỡ khi BIẾT TRẢ LỜI SAO
TÌNH CHÀNG Ý THIẾP ai sầu hơn ai
Đượm nồng TIẾNG SÁO THIÊN THAI
Cho dù NGĂN CÁCH nếu hai mai đầu
Một lòng ĐỪNG NÓI XA NHAU
NGƯỜI YÊU LÝ TƯỞNG trọn câu vẹn thề
Rồi MỘT MAI QUA CƠN MÊ
HAI VÌ SA LẠC đi về BẾN MƠ
VẮNG XA vẫn mãi đợi chờ
Để em viết tiếp BÀI THƠ CUỐI CÙNG
Có ai THƯONG VỀ MIỀN TRUNG
QUÊ NGHÈO sỏi đá khốn cùng điêu linh
Lòng như KHÚC HÁT ÂN TÌNH
Trải dài QUÊ MẸ nắng bình minh vui
MƯA TRÊN PHỐ HUẾ sụt sùi
CHO NGƯỜI TÌNH LỠ bùi ngùi vấn vương
VỀ ĐÂU MÁI TÓC NGƯỜI THƯƠNG
NƯẢ ĐÊM THỨC GIẤC lòng tương tư sầu
Dẫu rằng HAI ĐỨA GIẬN NHAU
Vẫn không như thể QUA CẦU GIÓ BAY
Một lần TỪ GIÃ THƠ NGÂY
Là em THEO LÁ VÀNG BAY mất rồi
Dẫu cho CAY ĐẮNG TÌNH ĐỜI
NGƯỜI EM SẦU MỘNG tuyệt vời yêu anh
Ân tình GẠO TRẮNG TRĂNG THANH
Làm sao NƯỚC MẮT LONG LANH cạn dòng
Bây giờ TRÊN ĐỈNH MÙA ĐÔNG
NGƯỜI EM XÓM ĐẠO chỉ mong một điều
Thương em HÃYNHỚ NHAU NHIỀU
Hãy xin LÝ LUẬN TÌNH YÊU thế nào
Cũng xin đừng VẪY TAY CHÀO
TÌNH YÊU TRÃ LẠI TRĂNG SAO thật buồn
MỘT LẦN DANG DỞ đau thương
THA LA XÓM ĐẠO thánh đường bơ vơ
Hằng đêm QUÁN NHỎ ĐỢI CHỜ
Ôm sầu LẼ BÓNG vần thơ bẽ bàng
Còn đâu HOA SỨ NHÀ NÀNG
Gặp em trở lại CÔ HÀNG XÓM xưa
Còn đâu HUYỀN THOẠI CHIỀU MA FA
NHỮNG NGÀY THƠ MỘNG đón đưa hẹn thề
Em SAO KHÔNG THẤY ANH VỀ
MIỀN TRUNG THƯƠNG NHỚ tái tê lạnh nhiều
ĐÊM TÀN BẾN NGỰ cô liêu
AI RA XỨ HUẾ hắc hiu tháng ngày
Ôi chaoTHÀNH PHỐ MƯA BAY
KHÓC NGƯỜI TRINH NỮ đắng cay tình đời
TÌNH YÊU CÁCH BIỆT đôi nơi
NGẬM NGÙI cắn chặt bờ môi nhạt màu
BAO GIỜ TA GẶP LẠI NHAU
NỔI BUỒN HOA PHƯỢNG giọt sầu ly tan
Anh XIN TRẢ LẠI THỜI GIAN
ĐƯA EM VÀO HẠ thênh thang vùng trời
Thật tình ANH BIẾT EM ƠI
DƯ ÂM ngày mộng ngàn đời khó quên
CĂN NHÀ MÀU TÍM êm đềm
MỘT TRỜI THƯƠNG NHỚ làm nên chuyện tình
NÉT BUỒN THỜI CHIẾN điêu linh
Ráng đi em CHUYỆN CHÚNG MÌNH tính sau
TÌNH ANH LÍNH CHIẾN địa đầu
Trao em ÁO ĐẸP NÀNG DÂU mai này
CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI có hay
ĐÊM BUỒN TỈNH LẺ tháng ngày héo hon
TÌNH YÊU CÁCH BIỆT mỏi mòn
SAO ANH LỖI HẸN em còn đơn côi
Ngày MAI ANH ĐI XA RỒI
ĐÒ TÌNH LỠ CHUYẾN bờ môi nhạt nhoà
TÀU ĐÊM NĂM CŨ mấy toa
BIỆT LY em tiễn cành hoa hồng vàng
NỔI LÒNG mang tận quan san
Là như vai nặng HÀNH TRANG GIÃ TỪ
Phương này VẦNG TRÁN SUY TƯ
Xem như GIÂY PHÚT TẠ TỪ trong đêm
Mà SAO EM NỠ ĐÀNH QUÊN
RỪNG CHƯA THAY LÁ gọi tên bốn mùa
Tiền đồn THÁNG SÁU TRỜI MƯA
Trọn tình thương nhớ CHO VỪA LÒNG EM
Trở về MỘT CHUYẾN BAY ĐÊM
VÙNG TRỜI NGÀY ĐÓ càng thêm mặn nồng
Trử tình TRĂNG SÁNG ĐỒI THÔNG
CƠN MÊ TÌNH ÁI phiêu bồng lãng du
Ngõ hồn lạc lối VƯỜN THU
MỘT ĐÊM KHÔNG NGỦ ngục tù con tim
Ngày mai anh BIẾT ĐĂU TÌM
LINH HỒN TƯỢNG ĐÁ im lìm bơ vơ
Đắm chìm THU VỚI NÀNG THƠ
CHUYỆN NGƯỜI ĐANG ÁO đợi chờ đêm đông
Xin em ĐỪNG TRÁCH DIÊU BÔNG
BUỒN VƯƠNG MÀU ÁO má hồng chưa phai
Sao em NHƯ TIẾNG THỞ DÀI
NGHẸN NGÀO lệ đắng giọt đài trang tuôn
Để cho TỪ ĐÓ EM BUỒN
NẾU MAI ANH CHẾT chim muôn gọi đàn
TÌNH YÊU VỖ CÁNH băng ngang
GA CHIỀU PHỐ NHỎ đèn vàng xót xa
Phận nghèo mang KIẾP CẦM CA
ĐIỆU RU NƯỚC MẮT phòng trà từng đêm
THỀM TRĂNG còn đọng môi mềm
GIỌNG CA DĨ VÃNG buồn thêm nản lòng
Cho em BẢY NGÀY ĐỢI MONG
SAO ANH KHÔNG ĐẾN phòng không cuối tuần
Anh còn VỌNG GÁC ĐÊM SƯƠNG
CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI còn vương giặc thù
BỐN VÙNG CHIẾN THUẬT mật khu
Bên RỪNG LÁ THẤP sương mù giăng giăng
Trên đồi HOA TÍM BẰNG LĂNG
NHỚ MẦU HOA TÍM đêm trăng thuở nào
Chuyện tình HÒ HẸN trăng sao
PHÚT ĐẰU TIÊN ấy nghe xao xuyến lòng
LẶNG THẰM hoa tím bên song
Ngập ngừng GÕ CỬA hằng mong trao nàng
KỂ TỪ ĐÊM ĐÓ thênh thang
ĐƯỜNG LÊN SƠN CƯỚC vai mang chữ tình
Đếm từng sợi NẮNG THỦY TINH
Để riêng em mãi NHỚ MÌNH ANH THÔI
Đường tình NHẬT KÝ ĐỜI TÔI
CÁNH BUỒM CHUYỂN BẾN nhẹ trôi im lìm
CHIỀU VỀ trên những đồi sim
TÌNH THƯ CỦA LÍNH gởi niềm riêng em
Có loài HOA NỞ VỀ ĐÊM
Một loài HOA TRẮNG mang tên là quỳnh
Gót chân NGƯỜI LÍNH CHUNG TÌNH
BẠC MÀU ÁO TRẬN vẫn tình không phai
Lối về hẹn một ngày mai
ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ sánh vai tình hồng
Bây giờ em THẤY GÌ KHÔNG
Làm sao em biết NỔI LÒNG NGƯỜI ĐI
Bây chừ ĐÔI NGẢ CHIA LY
Cho NGƯỜI Ở LẠI CHARLIE nghìn trùng
Đường chiều phủ kín MƯA RỪNG
NGƯỜI GIÀU CỮNG KHÓC trời rưng rưng sầu
Cạn nguồn GIÒNG LỆ THƯƠNG ĐAU
Thương HÀN MẠC TỬ sớm mau lìa trần
PHÙ DU kiếp sống chinh nhân
ĐOÀN NGƯỜI LỮ THỨ bước chân âm thầm
Và SAO CHƯA THẤY HỒI ÂM
Của người TÌNH LỞ TRĂM NĂM đợi chờ
Dẫu rằng TÌNH LÀ SỢI TƠ
Dẫu rằng em vẫn BƠ VƠ cuối tuần
Phương này PHIÊN GÁC ĐÊM XUÂN
BUỒN VUI ĐỜI LÍNH trầm luân tháng ngày
Chiều nào TỪ GIÃ THƠ NGÂY
Người đi chinh chiến vui vầy nước non
Bao giờ sông núi vẫn còn
TÌNH ANH LÍNH CHIẾN chưa sòn chí trai
TÌNH ANH BIỂN RỘNG SÔNG DÀI
TRỜI VÀO XỨ MỘNG THƯƠNG HOÀI NGAN NĂM
Gió sương DẤN BƯỚC THĂNG TRẦM
BÂY GIỜ THÁNG MẤY lạnh căm ngoài trời
Là như PHỐ VẮNG EM RỒI
Tình mình ĐOẠN TUYỆT lệ rơì rớt sầu
MAI LỠ HAI MÌNH XA NHAU
Cầm bằng nước chảy QUA CẦU GIÓ BAY
HẬN NGƯỜI sao dễ đổi thay
Và anh BIẾT NÓI GÌ ĐÂY một lời
Anh QUỲ LẠY CHÚA TRÊN TRỜI
Sao cho anh lấy được người anh yêu
Bây giờ em ĐỔI THAY chiều
NGƯỜI THƯƠNG không lấy chọn nhiều lợi danh
Thà yêu NGƯỜI ĐẸP TRONG TRANH
Còn hơn TÌNH PHỤ nỡ đành đắng cay
Thôi rồi THUNG LŨNG CHIM BAY

*Ngưới Việt và tiếng Việt, có rất mới?

Dân Gầy nhận được từ lâu, những thông tin về người Việt và tiếng Việt, đều rất mới. Cứ tưởng, đó chỉ là những chuyện ngoài đời. Không thật. Nhưng, mới đây lại được bạn bè gửi cho nhau, để đọc một sáng kiến mới về tiếng Việt mình, ở quê nhà. Mới hay cũ, không thành vấn đề. Chỉ là vấn đề, khi những ngôn từ “ấy đấy” nay đã trở thành, chuyện thường ngày, ở… trong nước. Mời bạn nào chưa từng biết và đọc, cứ thử nghe. Sẽ thấy vui, như sau này:

Khi hắn vừa tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa thì miền Nam thay đổi chế độ, và mọi người trở thành thất nghiệp. Hắn may mắn thừa hưởng một miếng đất rất rộng ở ngay ngoại ô Saigon , hắn canh tác miếng đất đó, trồng rau quả, nuôi gà vịt, mở một quán cà phê nhỏ để sống qua ngày. Thì giờ rảnh rỗi hắn nghiên cứu về một môn học mà hắn gọi là môn "ngôn sử". Hắn nói ngôn sử tiếng Pháp là philologie, tôi chẳng hiểu gì cả. Hắn giải thích đó là môn học nghiên cứu lịch sử, cấu trúc và cách tạo thành của ngôn ngữ. Tôi vẫn mù tịt.

Năm 1980, hắn nhờ tôi tìm mối bán nhà và đất lấy mười lượng vàng vượt biên. Tôi tìm không ra, và hắn ở lại. Không ngờ như thế mà lại may. Gần đây nhà đất vùn vụt lên giá, hắn bán một phần khu đất và trở thành triệu phú đô la.

Hắn bảo tôi:

-Bôn ba không qua thời vận. Mày xông xáo như thế mà cuối cùng lại chẳng ra gì so với tao. Cái nhà mày hơi bị nhỏ đấy. Tao là một sản phẩm của tệ đoan xã hội. Chúng nó ăn hối lộ và buôn lậu, nhiều tiền bẩn quá phải mua nhà đất để tẩy, nhờ thế mà tao giàu sụ. Tao bán hơn năm ngàn mét đất được vài ngàn cây, sau khi lịch sự mất vài trăm cây.

Lịch sự?

-À, đó là một tiếng mới

Hắn cười to... Bây giờ người ta không nói là đút lót hay đưa hối lộ nữa, xưa rồi! Bây giờ người ta nói là "lịch sự".

Lịch sự trở thành một động từ. Làm cái gì cũng phải lịch sự mới xong; không biết lịch sự

thì không sống được. Tao nhờ một thằng bạn lanh lẹ lịch sự giùm mới bán được miếng đất đấy. Thằng bạn nhờ đó được một trăm cây tiền lùi.

-Tiền lùi ?

-Ðó cũng là một từ mới nữa. "Lùi" có nghĩa là tiền mà kẻ được lịch sự bớt cho, còn gọi là tiền lại quả, cũng một tiếng thời thượng mới. Nó đ̣i năm trăm cây nhưng lùi cho một trăm cây. Hắn tặng vợ tôi một cái túi xách tay Louis Vuiton và nói đó là là một túi mốt. Hắn giải thích "mốt" cũng là tiếng mới xuất hiện, dùng thay cho "thời trang", hay "mốt" trước đây. Hắn cho tôi một sơ-mi lụa và nói đó là lụa thực chứ không phải lụa đểu. Tôi hỏi lụa đểu là gì thì hắn phá lên cười:

-Mày lỗi thời quá rồi.. Bây giờ trong nước người ta không nói là "giả" nữa mà nói là "đểu". Hàng đểu, bằng đểu, rượu đểu, thuốc đểu.

Tôi, sực nhớ ra hắn là một nhà ngôn sử, bèn hỏi hắn:

-Thế mày nghĩ gì về những từ mới này? Hắn bỗng trở thành nghiêm trang, trầm mặc một lúc rồi nói:

-Ngôn ngữ của dân tộc nào cũng gắn liền với lịch sử. Cái gì thường trực và lâu dài cũng trở thành ám ảnh rồi đi vào ngôn ngữ. Mày thử xem, ngôn ngữ của nước nào cũng xoay quanh hai từ "có" và "là", être et avoir, to be and to have. Người Việt thì không có gì cả mà cũng chẳng là gì cả, chỉ có cái thân phận nô lệ, bị bóc lột và đói triền miên, vì thế mà động từ căn bản của tiếng Việt là "ăn". Thắng bại thì gọi là ăn thua, thằng nào thắng thì có ăn, thằng nào thua thì đói; sinh hoạt nghề nghiệp thì gọi là làm ăn, vợ chồng ăn ở, ăn nằm với nhau, nói chuyện là ăn nói, rồi ăn ý, ăn ảnh, ăn khớp... Ngay cả lúc chửi nhau cũng cho ăn cái này cái kia, rủa nhau là đồ ăn mày, ăn nhặt, ăn cắp, ăn giật. Cái gì cũng ăn cả vì đói quanh năm, lúc nào cũng bị miếng ăn ám ảnh. Bây giờ cũng thế, cái gì cũng đểu cáng cả.

Chính quyền đểu, Nhà Nước đểu, nhà trường đểu... Cái gì cũng đểu cả nên đểu hiện diện một cách trấn áp qua ngôn ngữ. Hắn dừng lại một lúc rồi nói tiếp:

-Nhân loại tiến triển qua các thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt. Chúng ta còn có thời kỳ đồ đểu. Nước mình đang ở thời kỳ đồ đểu.

*Tin vui đến chậm, tin buồn đến mau:

Tháng 8 năm nay, dồn dập tin buồn về với Sydney. Đó là tin:

-Nhạc mẫu anh Nguyễn Văn Dũng, cựu Chi Hội Trưởng đã viên tịch, ở Sài gòn. Được tin, chị Phụng và anh Dũng chỉ kịp về nhìn mặt cụ bà được một lần trước khi quan tài của cụ đóng nắp. Gia đình An Phong xin gửi lời phân ưu đến anh chị Dũng-Phụng. Cầu mong hương hồn cụ mau siêu thoát.

-“Ông cố” Phêrô Mai Văn Sự, thân sinh anh Mai Văn Thịnh, CssR Úc đã về nhà Cha hôm 21/7/2009, hưởng thọ 84 tuổi. Đông đảo đại diện anh chị em trong gia đình An Phong đã đến tiễn đưa, chia buồn và nguyện cầu cho linh hồn Phêrô nay hưởng hồng phước, sẽ cầu bầu cho con cháu và mọi người thân quen, trong/ngoài gia đình.

*Tin hành lang, mong manh tin thiệt-

Tin là tin về, gia đình thân thương của tay viết Mễ Duy Nguyễn Quý Bân sẽ cùng phu nhân và ái nữ ghé bến Sydney vào thượng tuần tháng Giêng năm tới, 2010. Cầu chúc bạn hiền có những ngày vui ăn khao rửa bằng “nhổ răng” cho con gái rất điệu là Ái Mỹ nương nương, được phát đạt nơi thương trường những răng và cỏ, ở kinh thành Hoa Lệ đất Ba Lê, kéo dài dài.

*Lại chuyện: Nhất vợ, nhì trời thứ ba…

Chuyện vợ, chuyện chồng là chuyện dài ở huyện. Huyên dân gian có những hành trình sống, mà chỉ có dân nhà tu mới không biết. Vậy thì, Dân Gầy xin trích dẫn một bài của tác giả “Khên tông” (không tên) mà không đính kèm bất cứ một lời bàn nào, sau đây:

Không biết ai là người đầu tiên và từ bao giờ đã sáng tác ra cái câu “nhất vợ nhì trời” để bây giờ cho những người làm chồng như tôi nhất nhất phải tôn thờ cái phương châm ấy.

Riêng tôi còn kế thừa và sáng tạo rằng: “nhất vợ, nhì vợ, ba cũng vợ và bét là trời". Lý thuyết của tôi thế nào thì thực tiễn tôi là thế ấy. Nhân danh những người chồng, nhân danh tình yêu tôi xin thề là không hề nói sai.

Ngày tôi cưới nàng cách đây đã 20 năm tôi còn nhớ lắm. Đêm tân hôn nàng khóc nức nở như thể bị tôi đánh mắng. Tôi hỏi vì sao nàng bảo: “Hôn nhân là giết chết tình yêu, từ hôm nay coi như chúng ta đắp mồ cho tình yêu”. Nghe mà lạnh cả sống lưng!

Tôi bảo nàng đừng mộng mơ quá kẻo vỡ mộng thì thất vọng lớn nhưng nàng không nghe. Nàng bắt tôi quỳ xuống hôn tay nàng và thề là suốt đời gìn giữ tình yêu như buổi ban đầu. Tôi làm theo răm rắp như tên tín đồ trước Chúa. Thế nàng mới yên tâm.

Nhưng có ngờ đâu việc tưởng thế cho qua chuyện lại biến tôi thành nô lệ suốt đời cho tình yêu mộng mơ của nàng. Ngay sáng hôm sau vừa ngủ dậy người còn mệt bã bời, nàng đã sai tôi ngồi tháo từng bông hồng trong bó hoa cưới rồi ép chúng vào cuốn sổ dày cộp để làm kỷ niệm.

Buổi tối, vừa ăn xong nàng đặt đến bộp cuốn sổ to như cái thớt trước mặt tôi và sai: “Từ nay mỗi tối phải viết nhật ký cho con cái sau này nó đọc”. Và nàng yêu cầu tôi viết để nàng duyệt thử.

Vào một buổi tối sau đó, tự nhiên lại thấy nàng khóc thổn thức. Hỏi mãi nàng mới nói nhấm nhẳng: “Hôm nay là kỷ niệm 2 năm ngày em nhận lời yêu anh. Sao anh không nhớ mua hoa mừng?”

Trời ơi đất hỡi, đến cái ngày ông nội tôi mất tôi còn chả nhớ nữa là cái ngày ngỏ lời liếc kia. Nhưng ngay lập tức tôi cười trừ và hứa từ lần sau sẽ luôn nhớ những ngày kỷ niệm của tình yêu để nàng tin.

Thế mà rồi, ngay tuần sau thôi, tôi lại mắc một sai lầm. Ấy là không nhớ ngày kỷ niệm của chiếc hôn đầu tiên với nàng khiến nàng bỏ cơm giận dỗi không ăn, không ngủ cùng giường. Cuối cùng thì tôi lại phải quỳ xuống van xin và thề sẽ ghi nhớ tất cả những gì đẹp đẽ nhất của thời chúng tôi yêu nhau.

Từ đấy, ngày ngày, tháng tháng, năm năm đầu óc tôi dành để nhớ những ngày ấy để mua hoa kỷ niệm, chỉ thế cũng đã phát điên phát cuồng, làm sao mà nhớ nổi những cái khác.

Thế mà rồi tình yêu vẫn trụ được cho đến bây giờ và tôi luôn được bạn bè, cơ quan tôn vinh là người yêu vợ nhất quả đất. Điều đó cũng phải thôi bởi vợ tôi cũng vào hạng đẹp nhất... quả đất chứ kém gì?

Mà suy cho cùng thì chiều vợ mình cũng là chiều mình. Nàng mà vui tươi, sung sướng thì cửa nhà cũng yên ổn, bố con tôi cũng rộn ràng, vui vẻ.

Lần sinh nhật nàng tôi đặt chiếc bánh gatô

to như cái mâm và viết hai dòng thơ bằng kem sô cô la lên mặt bánh:

Trời còn cho nói một câu

Vẫn xin nói lại lời đầu Yêu em!

Tôi còn đặt bó hoa gồm 40 bông hồng tượng trưng cho tuổi đời vợ tôi. Cô ấy cảm

động ứa nước mắt mà thì thầm vào tai tôi:

“Không ngờ trái tim anh còn nồng cháy như thuở yêu đầu”.

Tôi bảo:

“Để giữ cho tình yêu trẻ mãi, anh không nề hà điều gì”. Thật thế, bây giờ sáng sáng lúc vợ tôi chạy bộ ngoài phố thì tôi nấu ăn, tranh thủ giặt quần áo. Buổi chiều khi vợ còn ở Trung tâm thể dục thẩm mỹ, tôi đi đổ rác, đi chợ, nấu ăn... Buổi tối, lúc vợ xem phim thì tôi dạy con cái học hành, tất tật mọi việc tôi làm cho vợ để cô ấy thoải mái.
Đến một ngày kia tôi ốm, sốt lên 39 độ, người tưởng bung ra như củ khoai

nướng. Vợ tôi sờ đầu sờ tay chân thấy mồ hôi nhũng nhượi và hôi hổi như con trạch luộc vừa vớt trong nồi ra, nàng rú lên gào khóc:

“Anh ơi, anh đừng chết nhé, chết thì ai chăm sóc đời em”.

Tôi nghe chỉ muốn chết ngay cho xong nhưng nghĩ đến thân liễu đào tơ của vợ

từ bé vốn được chiều chuộng, không khổ đau bao giờ nên tôi lại nằm im.

Con trai đi học về thấy bố ốm liền bảo:

“Mẹ đi chợ mua hành tía tô về nấu cháo

cho bố. Lúc này mẹ phải chăm thì bố mới khỏi. Con ngồi trông bố thôi”.

Thế là vợ tôi đi chợ. Nàng mua rau tía tô, hành khô và gạo nếp. Về nàng nấu cháo cấp tập. Khi bưng bát cháo lên ăn tôi mới nhận ra vợ tôi tai hại biết nhường nào. Cháo ninh chưa nhừ nên trông như bát gạo luộc lõng bõng. Trong đó,hành khô nàng bỏ cả củ như những viên bi lổn nhổn, lá tía tô thì chỉ rửa sạch rồi cho cả búi vào và những miếng thịt nạc thì nàng thái thành cục to như bao diêm nên bên trong chưa chín kỹ.

Tôi gắt bẳn, vâng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi cáu tiết với vợ:

“Cô vụng về quá, cháo này đến trâu bò khỏe nó cũng không ăn được đâu nhá! Những lần cô ốm, tôi nấu cháo cho cô thế nào?”

Thằng con thấy căng thẳng sợ quá bảo:

“Thôi, thôi, để con đi mua phở cho bố”, nói rồi chạy ngay ra đầu phố. Vợ tôi tức mình bê cả bát cháo đổ vào sọt rác rồi ra ghế ngồi khóc. Nàng vừa khóc vừa kể lể đủ tội tôi. Nào là không coi trọng tình cảm chăm sóc của nàng trong bát cháo, nào không biết hôm nay là ngày Valentine hay sao mà nỡ cáu gắt nàng trong ngày này?

Tôi quát tướng:

“Tôi mà chết đi thì tình yêu cũng chẳng có

nghĩa lý gì. Cô ngồi đấy mà tôn thờ tình yêu”.

Vợ tôi trợn mắt:

“Được, nếu vậy tôi sẽ về nhà mẹ tôi, tôi sẽ đi khỏi cái nhà này cho anh sống không cần tình yêu”. “Vâng, cô cứ đi, tôi sẽ thuê nguoi về giúp việc bố con tôi”.

Tưởng dọa thế mà nàng đi thật. Nàng gọi ngay taxi trước mặt tôi và xách valy đi ngay lập tức. Chiều hôm ấy, con tôi vội đến Trung tâm giới thiệu việc làm dắt về một cô giúp việc và cô ta xắn tay ngay vào công việc chẳng nề hà gì. Lần đầu tiên tôi được người khác chăm lo nấu ăn, giặt giũ, lau nhà, đi chợ, thậm chí cả bỏ màn cho tôi đi ngủ.

Vì vậy tôi yên tâm uống thuốc và nằm nghỉ ngơi chẳng lo nghĩ gì nữa. Đã thế thằng con lại hay gọi điện kể với mẹ nó:

“Mẹ cứ yên tâm ở bên bà ngoại, đừng lo gì vì nhà mình đã có cô giúp việc chăm lo tất cả.. Cô ấy nấu cơm ngon lắm, lau chùi nhà cửa còn sạch hơn bố làm”.

Hôm nay thì nó khoe:

“Bố khỏi hẳn rồi mẹ ạ, đã bắt đầu đi làm. Gớm, khỏi rồi mà cô Na vẫn chiều cứ như bố đang ốm ấy, nấu xôi lạp sườn cho bố ăn sáng, bắt bố phải uống nước cam, dặn chiều phải về sớm không được la cà uống bia...”

Hình như mẹ nó dặn sẽ về hay sao mà thấy nó gàn:“Thôi, mẹ ơi, mẹ cứ ở bên đó để cảnh cáo bố, thể nào cũng có hôm bố nhớ mẹ quá không chịu được lại đến xin lỗi và đón mẹ về ngay ấy mà”.

Hình như mẹ nó khóc kể lể gì đó nên thằng con tôi dặn:

“Sáng mai nhé, sáng mai mẹ về sẽ thấy cảnh cô Na chăm sóc bố như thế nào, cô ấy giỏi lắm mẹ ạ”. Thế nhưng ngay cuối chiều hôm ấy, vợ tôi đã tức tốc về ngay chứ không cần đợi đến sáng mai.

Vừa vào nhà nàng đã nhìn ngó khắp nơi và gọi tướng:

“Cô Na đâu, ra cho tôi hỏi xem nào?”

Thằng con tôi reo lên:

“Trời ơi, mẹ chậm quá, cô ấy đã xin thôi việc về quê đột xuất rồi. Cô ấy chỉ hẹn lúc nào bố cần thì gọi”.

Vợ tôi có vẻ hả lòng bảo:

“Thôi, khỏi cần, từ nay em sẽ thôi câu lạc bộ giữ eo, câu lạc bộ làm đẹp để có thời gian ở nhà chăm sóc gia đình. Em sẽ tập làm tất cả mọi việc đỡ đần cho anh. Em sẽ cùng anh giữ ngọn lửa tình yêu trong căn nhà này”.

Tôi thích quá ôm chầm lấy vợ. Lúc ấy thằng con tôi đã biến lên phòng. Tôi thật cảm ơn nó vì thực ra cô Na ôsin mà nó thuê chỉ làm việc 3 ngày thôi, cô ấy đã về từ hôm

kia rồi và mọi sự chăm sóc của cô ấy với tôi hoàn toàn là do nó... bịa ra.

*Vợ tốt …đốt vợ hiền?

Lại nói về: những vợ và vợ. Lâu này bàn dân thiên hạ chỉ nói: vợ hiền, con ngoan. Chứ đâu nói gì đến “vợ tốt”. Vừa qua, Dân Gầy nhận được một bài thơ của bạn bè người thân, từ nước ngoài. Là nước có thể có những “vợ tốt”, chứ không hiền(?). Xin trích đăng cho “rộng đường…dư luận”.

Vợ tốt !!!

Phải đẹp gái
Không kiêu sa
Thích ở nhà
Lo nội trợ
Không cắc cớ
Chửi chồng con
Không phấn son
Không nhiều chuyện
Không hà tiện
Không càm ràm
Phải siêng năng
Không lười biếng
Nói nhỏ tiếng
Biết chiều chồng
Giỏi nữ công
Và gia chánh.
Biết làm bánh
Nấu ăn ngon
Biết dạy con
Ứng xử tốt
Không quá dốt
Không quá khôn
Không ôm đồm
Không ủy mị
Không thiên vị
Không cầu kỳ
Không quá phì
Không quá ốm
Không dị hợm
Không chanh chua
Không se sua
Không bẻm mép
Không bép xép
Không phàn nàn.
Không có đâu
Đừng có kiếm!!!

Lời bàn ở trên, là của tác giả bài thơ với…thẩn. Chứ tuyệt nhiên, Dân Gầy không có lời nào.

*Có gì khác biệt?

Khác đây không phải về ngoại hình. Cũng chẳng phải về giòng giống, sắc tộc. Khác đây là về…, để kể như sau:

Mèo và Cọp

Thỉnh thoảng những lúc rảnh rỗi ngồi tán gẫu, các ông lại kháo nhau: "Phở ngon hơn cơm". Nhưng vì sao như vậy ?

Không phải vô cớ mà người ta gọi bồ bịch là mèo, còn gọi vợ là cọp cái, sư tử Hà Ðông.... Tất nhiên cũng có người thế này, người thế khác. Ðôi khi ta cũng gặp những con Cọp ... hiền lành, còn trong đám mèo cũng không hiếm những con dữ dằn, ghê gớm.

Cọp và mèo (hoặc gọi nôm na là vợ và bồ nhí) tuy cùng một họ (giới), nhưng đi vào chi tiết, sau những cuộc thăm dò và nhiều năm "nghiên cứu", người ta đã tìm ra 10 lý do khiến đàn ông thích "mèo" hơn vợ.

1. Mèo không bao giờ cáu gắt, quát tháo ầm ĩ hay gầm gừ như vợ, mà luôn luôn dịu dàng, âm yếm kêu "meo meo" nghe thật êm tai, dễ chịụ

2. Mèo bao giờ cũng sạch sẽ thơm tho, trong khi vợ nhà thì đầu bù tóc rốị

3. Mèo thích được dắt đi chơi, thường xuyên biết nũng nịu, mơn trớn chứ không mau quên thuở mới yêu nhau như cọp.

4. Vuốt ve mèo mang lại cảm giác mềm mại, sung sướng trong khi ít ai có đủ can đảm vuốt ve... cọp.

5. Mèo ăn uống nhỏ nhẹ, từ tốn (đôi khi từ từ nhưng rất tốn, mà điều này không đáng kể). Con cọp chẳng biết giữ gìn ý tứ, lắm khi còn ra điều "thuyết giáo" ngay trong bữa ăn.

6. Mèo biết (hoặc tỏ ra biết) vâng lời, làm cho đàn ông có cảm tưởng mình là chuá tể sơn lâm, trong khi cọp thì chỉ muốn thống trị.

7. Mèo không lục túi sau mỗi kỳ lương, không càu nhàu khi đàn ông đi về trễ.

8. Mèo không bao giờ chì chiết, không kể lể, không làm mất mặt đàn ông giữa đám đông, nhất là mỗi khi có bạn đến chơi nhà...

9. Mèo có thể dự thi hoa hậu, nhưng vợ thì không. Trên thế giới đã có những cuộc thi hoa hậu dành cho mèo, cho chó nhưng không có cuộc thi hoa hậu nào dành cho ...cọp cả !

10. Nếu có lúc nào đó không may lỡ bị mèo quào, thì cũng chỉ thêm thi vị cho cuộc sống. Còn cọp mà nhe nanh thì chỉ có từ chết tới bị thương thôi !

*Định nghĩa về đàn ông-

Lại một định nghĩa. Định nào thì cũng phải. nghĩa nào, cũng là hay. Hay như định nghĩa của bạn đạo về đàn ông như sau:

Là đàn ông tức là mê rửa chén

Mơ lau nhà và háo hức lau xe

Làm đàn ông là tựa cửa đợi vợ về

Nhanh nhảu chạy ra đỡ làn, đỡ nón

Dịu dàng ngồi xuống bằng cánh tay năm ngón

Hỏi nàng xem có uống nước cam không?

Rồi bưng lên trên khay nhỏ màu hồng

Nước giải khát, khăn lau tay, xí muội

Rồi trong khi nàng chân co chân duỗi

Vừa nhấp môi, vừa đọc báo thời trang

Ta tung tăng vào bếp mở làn

Lấy các thứ bày ra bàn chuẩn bị

Nước tương này xếp vào ngăn gia vị

Hành tím này xếp vào giỏ đồ khô

Đậu hủ đây thì thả vào tô

Còn rau sống bỏ vào thau rửa sạch

Cá chép tươi còn đang phành phạch

Đánh vẩy rồi ta lấy thớt ra

Tay cắt vây, mồm lại hát ca

Làm việc nhà, đó là hạnh phúc

Bắc nồi lên tiện nay ta múc

Nước từ trong máy lọc lưng lưng

Bỏ cà chua, bỏ hành lá tưng bừng

Ta sẽ nấu một nồi canh lịch sử

Trong khi đó vợ ta đang mặc thử

Chiếc áo mới mua về, coi có đẹp chưa

Ta vừa khen, vừa nạo cùi dừa

Để rắc sẵn lên chén chè trôi nước

Ăn cơm xong cho nàng dùng mát ruột

Và kèm thêm lát dưa hấu đẹp da

Nồi canh sôi trong tiếng reo òa

Ta thả cá, rồi làm luôn món mặn

Mở tủ lạnh ra, nhớ lời vợ dặn

Rằng hôm nay nàng muốn ăn cua

Rang với me, thêm dăn quả trứng rùa

Ta nhanh nhảu cho vào trong nồi hấp

Nhớ khi rang phải vặn cho lửa thấp

Cua mới ngon và mới vàng đều

Đang say sưa thì nghe tiếng nàng kêu

“Nước tắm của em, anh yêu ơi, đâu nhỉ?”

Vớ chai dầu thơm trên tràng kỷ

Ta vội vàng chuẩn bị khăn bông

Dầu gội đầu, kèm theo cái lược hồng

Mời nàng vào, không quên mở nhạc

Nàng bước vô, không hề kinh ngạc

Vì chuyện này đã quá thân quen

Ta nhanh tay mở khóa vòi sen

Rồi sung sướng chay ngay ra bếp

Và vui mừng nhanh chóng xếp mâm

Còn không quên mở lọ khế dầm

Cùng pha sẵn ly trà sâm thơm phức

Nàng bước ra, khăn bông quấn ngực

Như thiên thần sáng rực vẻ thanh cao

Kéo ghế nhanh, nàng yểu điệu ngồi vào

Khen ta là chồng ngoan, chồng tốt

Ta ngây ngất không thốt được lời nào

Ta gắp cho nàng thêm món đồ xào

Ngắm nàng ăn, lòng dạt dào cảm mến

Chính giữa bàn hai ngọn nến lung linh

Tỏa hào quang xuống góc nhà xinh

Hai tâm hồn trắng tinh hòa nhịp

Ta nhai vội để còn nhanh kịp

Vào trải giường và mở tivi

Chờ nàng ăn xong, ta gọi thầm thì

Mời nàng vô đúng kỳ phim nhiều tập

Nàng thong thả chiêu ly trà chống mập

Trước khi xem trai Hàn Quốc ung thư

Dưới chân nàng con mèo nhỏ gừ gừ

Còn xa xa ta hăng say rửa chén

Vừa rửa kỹ ta vừa nhìn lén

Thấy nàng đang khép mắt mơ màng

Với lấy chăn hoa ta đắp nhẹ nhàng

Bàn tay ta dịu dàng khe khẽ

Rắc vào chăn một chút dầu thơm

Đặt cạnh nàng gấu bông nhỏ bờm xờm

Vặn bé ngọn đèn rồi ta lui bước

Ta kiểm soát cửa sau, cửa trước

Dắt xe vô và cho chú mèo ăn

Đậy kỹ thức ăn để tránh thằn lằn

Kiểm soát lọ đường, đề phòng bọn kiến

Rồi vươn vai ta hùng dũng tiến

Vô phòng nàng, kéo nhẹ tấm rèm ra

Cho ánh trăng xanh biếc ngọc ngà

Phủ lên bóng nàng đang ngon giấc

Ta dịu dàng ngồi nhẹ như ngọn bấc

Nói thì thầm ba tiếng “vợ yêu ơi”

Nàng vừa yêu vừa đẹp nhất trên đời

Ta thiếp đi nơi chân giường mát dịu…

*Giọng cũ rất hiền:

Giọng hiền hôm nay, là giọng của thành viên Gia đình, rất kỳ cựu: bác Trần Ngọc Liên (cùng lới với cha Ngà?) nhân ngày thánh tổ An Phong, ở Sydney như sau:

“Kính gửi chi hội An Phong Sydney,

Rất tiếc tôi không thể tham dự sinh hoạt thường lệ hàng năm của Chi hội vì lý do sức hoẻ.

Xin gửi lời vấn an đến cha linh giám mai Văn Thịnh cùng toàn thể quý bạn trong Gia đình An Phong.

Tiện đây cho phép tôi gửi niên liễm $150 để góp phần cho công việc của anh em.

Thông công với thánh lễ mừng thánh lập dòng và chúc mọi người vui vẻ.

Sydney 1/8/2009

Gia đình Paul Trần Ngọc Liên.

Ghi chú: Thành kính chia buồn cùng cha Linh giám, cầu chúc linh hồn cụ Phêrô được hưởng thánh nhan Chúa.

Gia đình Trần Ngọc Liên.

*Có những bài văn đẹp hơn thơ:

Đúng hơn, phải gọi đây là một bài thơ. Thơ ngọt ngào kể về tình cha. Cũng là thơ tình rộn ràng về tinh hoa linh hồn trong tiếng Việt. Người Việt. Bài này do một bạn trẻ gửi từ Sydney, tuy mang dáng dấp rất Mỹ. Nhưng đã là thơ tình, thì ở đâu cũng là thơ rất đẹp về tình. Như sau:

Cha, con và tiếng Việt

TT - “Đây là con gái tôi, cô làm bạn của nó nhé, nó rất mắc cỡ và ít bạn người VN lắm”. Người cha nói với tôi như vậy ngay từ khi vừa gặp tôi lần đầu ở Boston.

1. Khi tôi kết thúc cuộc trò chuyện đầu tiên với cô gái nhỏ nhắn người VN kia thì người cha hỏi tôi, giọng đầy sự quan tâm: “Cô thấy phát âm tiếng Việt của con gái tôi như thế nào?”. Tôi bày tỏ sự thán phục: “Cô ấy nói tiếng Việt giọng Bắc rất chuẩn và tiếng Việt của cô ấy thật đẹp. Chắc cô ấy cũng mới sang Mỹ phải không?”. Đôi chân mày của người cha giãn ra, vẻ mặt đầy hân hoan và hạnh phúc: “Con bé sang đây đã 13 năm”.

Tôi nhìn hai cha con, lòng đầy nghi hoặc. Làm thế nào để người cha Mỹ kia giữ gìn tiếng Việt cho đứa con gái Việt trong suốt 13 năm ấy trong khi ông không biết nói tiếng Việt? Cô gái tôi gặp kia dạ thưa rất lễ phép, nói năng e ấp và đáng yêu như một cô gái Bắc Hà chính hiệu được giáo dục trong một gia đình nền nếp xưa đã gây cho tôi nỗi ngạc nhiên lớn lao. Và rồi sự ngạc nhiên trong tôi đã chuyển thành thán phục, khi tôi được nghe bạn bè kể về cuộc nhận và nuôi con nuôi này.

Đó là một ngày của 13 năm trước, người đàn ông Mỹ sang VN và tìm đến cô nhi viện để kiếm một bé gái nhận làm con nuôi. Khi ấy, ông đã nói với những người có trách nhiệm ở cô nhi viện: “Hôm nay, tôi nhận của quý vị một đứa bé VN, tôi hứa sau này sẽ trả lại quý vị một cô gái VN. Tôi sẽ không biến cô ấy thành người Mỹ”.

Để thực hiện lời hứa của mình, trong ngần ấy năm qua vợ chồng ông đã thay phiên nhau chăm sóc tâm hồn Việt cho cô bé, cứ đến cuối tuần họ lại chở cô bé đến những nơi có người Việt sống để cô bé nói chuyện bằng tiếng Việt. Người cha cũng “tranh thủ” bạn bè người Việt của mình ở Mỹ, gặp ai ông cũng bảo họ “nói tiếng Việt với con gái tôi” và tôi không phải là người đầu tiên được ông nhờ. Người cha ấy cũng tìm hiểu văn hóa VN, cho con gái ăn thức ăn VN để chắc chắn rằng khi cô bé trở lại quê cha đất tổ sẽ không xua tay bịt mồm trước nước mắm quê nhà.

Ông nói rằng sẽ thật là mắc cỡ nếu để con gái mình không hiểu gì về văn hóa Việt, đời sống Việt. Tháng 8-2009, cô gái sẽ trở về và làm việc tại VN sau khi tốt nghiệp đại học ở Mỹ. Ông nói: “Đó là lựa chọn của con gái tôi và cũng là mong muốn của tôi. Tôi thật sự lo cho con gái nhưng tôi luôn muốn con bé tự lập trên quê cha đất mẹ của nó”.

2. “Bố tôi luôn yêu cầu tôi nói tiếng Việt ngay khi có thể. Ông tìm hiểu về văn hóa VN và dạy cho tôi. Ông mua những băng nhạc VN để tôi nghe và tìm kiếm những người bạn VN để tôi giao tiếp với họ bằng tiếng mẹ đẻ của mình” - cô con gái đã nói về người cha của mình như thế. Cô gọi ông bằng “bố” hoặc “bố tôi” đầy trìu mến và thương yêu.

Cô kể rằng khi nhận nuôi mình, người cha đã lặng lẽ học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa VN từ đền chùa, miếu mạo đến phong tục tập quán hằng ngày. Đến nay, tuy ông không nói được tiếng Việt nhưng hiểu tiếng Việt khá nhiều. Và điều quan trọng nhất là ông đã dạy dỗ và “giữ gìn” cô theo cách của một ông bố VN.

Cô nói: “Bố đã dạy tôi từng chút một, từ những việc đơn giản nhất trong ứng xử của đời sống thường nhật đến những suy nghĩ, hành động. Bố luôn muốn tôi phải là một người VN, phải nói tiếng Việt thật giỏi, để khi tiếp xúc với tôi, người ta không được nói tôi là một Việt kiều gì đó”. Trong iPod của cô con gái, ngoài những bản nhạc jazz mà cô rất yêu thích là những bài hát Việt.
Buổi bế mạc trại sáng tác ở Trường đại học Umass Boston cuối tháng 6 vừa qua, cô đã cùng với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và những người bạn VN làm thành một đội biểu diễn dân ca, vừa hát say sưa vừa gõ nhịp theo những bài quan họ Bắc Ninh lả lướt.

3. Người cha đó là một tên tuổi lớn của nền thi ca nước Mỹ đương đại. Thơ của ông được đọc ở nhiều nơi và được rất nhiều người yêu thích. Ông đang giảng dạy tại Trường đại học Oberlin ở Ohio. Hồi ký ông viết về một quãng thời gian hai năm tại VN cùng với những dòng thơ tặng con gái trong The circle of Hanh: A memoir đã trở thành một trong những cuốn hồi ký hiếm hoi là best-seller lúc bấy giờ. Ông là Bruce Weigl. Còn cô con gái tên là Hạnh. Khi viết những dòng này, tôi nhớ đến gương mặt rạng rỡ đầy tự hào của ông khi nghe tôi nhận xét tiếng Việt của con gái ông thật là đẹp.

Tôi thật sự muốn nói với ông lời cảm ơn vì ông (và gia đình) đã giữ gìn và nuôi dưỡng một tâm hồn VN bằng tất cả thương yêu của mình. Một người bạn của tôi khi biết chuyện này đã nói rằng: “Ông ấy đến từ một nền văn hóa lớn nên ông ấy biết trân trọng một nền văn hóa lớn khác”. Còn tôi, tôi chỉ nghĩ đơn giản: ông ấy là một người cha thực thụ, và khi làm một người cha, người ta sẽ biết cách để làm điều gì tốt nhất cho con mình.

Bruce Weigl

*Những đố vui và đố buồn:

Dân gầy còn nhớ khi xưa, thời một chín bẩy lăm hay trước đó, Tiến Lộc nhà mình đã hợp tác với “Trung Tâm Học Liệu” lên truyền hình để điều khiển chương trình “Đố vui để học”. Từ đến nay, bẵng đi một thời không thấy ai chọn mục “học vui để đố”, mà chỉ là “đố vui để chọc”, như bạn Bảo Mai vừa gửi cho Dân Gầy, những câu sau:

Cà gì không hột ai ơi?

Cà gì một hột ngậm chơi nuốt đừng?

Cà gì hai hột nên ngừng?

Cà gì muốn nói nhưng đừng làm thinh?

Cà gì bốc khói linh tinh?

Cà gì lẽo đẽo một mình đàng sau?

Cà gì hơi thở không sâu?

Cà gì cháy túi tiền đâu không còn?

Cà gì không thấy có con?

Cà gì nhìn đám đàn con thấy thèm?

BảoMai

Xin dành cho bạn đọc trong ngoài làng An Phong, toàn quyền đối đáp, để vui và cũng để học. Học một “sàng khôn”..

Gia đình An Phong

Chi hội Sydney

_________________________

hợp lòng cùng Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, Úc

hân hoan nguyện cầu mừng chúc

cụ cố Phêrô Mai Văn Sự thân sinh của

Lm Giuse Mai Văn Thịnh

hưởng phúc an bình cùng Chúa

nơi quê trời,

ngày 21/7/2009.

Xin cụ cố cầu bàu con cháu

trong Gia đình luôn ở mãi

tình thương của Đức Chúa.

Gia đình An Phong

Chi Hội Sydney

cũng xin hiệp thông

cầu nguyện cho

cụ Nguyễn Thị Thạnh

nhạc mẫu

anh Nguyễn Văn Dũng

thất lộc tại Việt Nam hôm 15-7-2009

hưởng thọ 75 tuổi

Xin cho

hương hồn

cụ

chóng được siêu thoát

chốn vĩnh hằng

Niềm an vui vô bờ

Richard Leonard sj

Thơ văn – Âm nhạc, hai nguồn mạch tạo niềm vui sống vẫn đến với con người. Các nguồn mạch này luôn sánh vai nhau, như hình với bóng. Luôn quyện vào nhau, dẫn con người đi vào cõi thơ, rất “trăng mờ”, và “trời mơ”. Ở cõi “trời mơ” ấy, nhạc sĩ kiêm nhà thơ đã tô điểm thành chốn có những “Phút thiêng liêng” rất Đà lạt. Đó là, “trời mơ” của Hải Linh. Thế còn cõi mộng mơ của nhà Đạo thì sao?

Có lẽ đây là câu hỏi của các đồ đệ Đức Kitô, vào hôm ấy, khi Ngài tạ từ về với Cha. Quả là, đồ đệ Chúa đã có những “phút linh thiêng khởi đầu”, vào phút tạ từ. May thay, ta đã không đọc và hiểu Tin Mừng theo nghĩa đen, hoặc theo từng chữ của ai đó. Nếu không, ta thấy Trình thuật ngày Chúa Thăng Thiên sẽ như màn ảo thuật do phù thuỷ đa ngôn lắm lời chuyên uống độc dược rồi phi thân lên miền cao xa, băng giá.

Dù sao, thì trình thuật Thăng Thiên, cũng nói: Đức Kitô đã về với Cha, Ngài vẫn gửi đồ đệ ra đi với thế giới bên ngoài để bắt đầu thực hiện “giây phút linh liêng” tông đồ. Ngài đã hứa và Ngài giữ lời. Giữ lời, để bảo vệ đồ đệ Ngài, khi mọi người chạm mặt nhiều thử thách. Ra đi, loan tin vui cho thế giới, không có nghĩa là tìm đến chốn “trời mơ, trăng mờ!” để thưởng ngọan. Mà là, tiếp cận các tình huống bi ai đánh động, suốt hai ngàn năm có lẻ. Vì thế, có lẽ ta cũng nên tưởng nhớ đến việc Đức Chúa sai phái ta đi rao truyền tình Thương cứu độ của Ngài.

Ngày nay, 33% dân số thế giới được sai đi như thế để đến với thế giới con người. Tính theo thống kê, con số này lên đến 2,1 tỷ người mang danh tín hữu của Chúa. Và, phân nửa số người này là Công Giáo; tức đồ đệ của Chúa. Của Đạo. Đếm số thì như thế, nhưng ở cõi “trời mơ” thực tế, các người anh người chị của chúng ta, khi rao truyền Tình thương Đức Chúa, vẫn có kinh nghiệm về những hành hình, kỳ thị hầu bảo vệ niềm tin yêu nơi Ngài. Có người còn bị bách hại, cho đến chết. Chết, cho tình yêu của Chúa. Tình yêu đòi hỏi hy sinh, gian khổ, hầu truyền đạt sự công minh chính trực cho mỗi người. Và mọi người.

Chúa Thăng Thiên về với Cha, là cơ hội để con dân nhà Đạo mình biết quay mặt nhìn lại, xem mình đã làm gì để hoàn thành sứ mạng “thiêng liêng đã khởi đầu”. Sứ mạng ủy thác mọi người đến với thế giới, gian trần. Tiệc thánh Chúa nhật, vẫn tập trung vào tưởng nhớ sự kiện đặt ra ở đây, hôm nay, là: ta có hoan hỉ ra đi đến bất cứ chốn “trời mơ”, “trăng mờ” nào mà thực hiện lệnh truyền của Chúa, không? Lệnh truyền ngày Chúa Thăng Thiên về với “Trời mơ” đã hứa hẹn ta điều này: Tựa như Cha đã vực Chúa trỗi dậy từ cõi chết thế nào, thì Cha, Con và Thánh Linh cũng sẽ đón chào chúng ta vào chốn “trời mơ” của Ngài. Đồng thời, ta cũng được ở bên phải Chúa tại cõi miên trường. Câu truyện mang tính ẩn dụ dưới đây có lẽ nói lên phần nào xác tín quan trọng này:

Năm 1939, cha con gia đình nọ, đã trở thành hai nhà sưu tầm nghệ thuật, rất trứ danh. Chẳng bao lâu, thế chiến thứ hai bùng nổ, người con đăng ký tác chiến theo quân thiện nguyện vùng xa, không còn liên lạc. Ít năm sau, có tin người con bỏ mình nơi trận địa, sau khi liều thân cứu mạng đồng đội, trong lâm nạn. Chiến tranh chấm dứt, đồng đội về làng tìm gặp cha của người đã cứu mình, được biết cụ là nhà sưu tầm nghệ thuật có tiếng, trong vùng. Gặp cụ, đồng đội của người con thưa: “Dạ thưạ, có lẽ cụ chẳng biết con là ai, đâu. Con là người bạn có mặt bên cạnh, lúc con trai cụ lìa trần. Hôm nay, con đến để xác nhận rằng: trong giờ phút nguy nan, anh chẳng hề kêu rên đau đớn, hoặc tỏ nỗi buồn phiền. Con được biết cụ và anh rất yêu thích nghệ thuật, nên hôm nay con đến biếu cụ một kỷ vật không to lớn là bao, nhưng tạm nói lên tấm lòng cảm kích của con với anh ấy. Xin cụ nhận lời, cho.”

Nói rồi, anh trao cho ông cụ bức chân dung người con trai, vị cứu tinh của anh. Bức tranh không mang tính nghệ thuật. Rất giản đơn. Chỉ vài nét chấm phá, nhè nhẹ. Nhưng, đã làm ông cụ cảm động, nấc lên thành tiếng. Và, người bạn nói tiếp:”Đây là tất cả những gì con có thể làm được cho con của cụ. Anh là người quả cảm, đã hy sinh cứu mạng con.”

Ít lâu sau, ông cụ nhớ con quá, từ trần. Không còn sưu tầm tranh nghệ thuật nữa. Vào buổi đấu giá hôm sau ngày cụ mất, các nhà đầu tư nghệ thuật đến từ khắp nơi, trên thế giới. Và, kỷ vật đầu tiên được đem đấu giá, chính là bức chân dung con trai nhà sưu tầm. Người đấu ra giá vỏn vẹn chỉ $200… rồi $100… cũng chẳng thấy ai giơ tay, mua đấu. Mọi người tìm đến buổi đấu hôm nay, chỉ để mua tranh của Rembrandt, mà thôi. Lúc ấy, ở cuối hành lang, có người dáng dấp quê mùa tỉnh lẻ, lên tiếng: “Tôi sẽ lấy bức chân dung này. Đây là một bức tranh rất quý, dù không phải của họa sĩ nổi danh. Nhưng tôi chỉ còn đúng 10 đô, xin cho tôi thiếu chịu được không?” Ban đấu giá hội ý xong, đồng thuận bán cho người đấu vừa lên tiếng. Về sau, được biết ông là thợ làm vườn cho cha con nhà sưu tầm. Mang tranh về xem, mới vỡ lẽ bên trong có cài di chúc, nói: “Ai mua bức chân dung này, sẽ được thừa tự toàn bộ cơ sở, và tài sản nghệ thuật của chúng tôi, để trong đó.”

Thành ra, nói gì đi nữa, các nhà đầu tư lắm tiền nhiều của, vẫn không tậu được tài sản quý giá của Cha và Con trong giới “trời mơ”, nghệ thuật. Chỉ những người có cặp mắt tinh đời mới nhận ra tình yêu ẩn giấu, bên dưới. Chỉ những người có mắt và biết nhìn, mới hưởng được những gì do Cha và Con hy sinh, biếu tặng.

Tiệc mừng Chúa Thăng thiên, ta hãy nhận lệnh truyền Chúa trao phó để ra đi với tất cả lòng tự tin, sẵn sàng. Ra đi, để rao truyền “giây phút thiêng liêng” của tình Cha và Con được gửi đến cho ta, như gia bảo. Gia bảo, là tất cả sự giàu sang, trân quý ta đang có ở đây. Lúc này. Gia bảo, chính là chốn “trời mơ” tràn đầy tình thương yêu, đùm bọc. Gia bảo, là của Cha và Con để lại. Và, gia bảo là Vương Quốc “Nước Trời đầy mộng mơ” ở trần gian vẫn san sẻ cho hết mỗi người và mọi người, ở mọi nơi. Để trả lời,

Và, Vương quốc Ngài để lại, chính là “trời mơ, trăng mờ”. Rất “linh thiêng”, đã khởi đầu từ ngày trao phó lệnh truyền, hôm ấy. Rất miên trường. R.Leonard sj

Ba Câu Hỏi

Cuộc đời

Leon Tolstoy

Ðó là chuyện ba câu hỏi khó của một nhà vua, do nhà văn hào Leo Tolstoy kể lại.

Nhà vua ấy, Tolstoy không biết tên. Một hôm đức Vua nghĩ rằng, giá mà vua trả lời được ba câu hỏi ấy thì vua sẽ không bao giờ bị thất bại trong bất cứ công việc nào. Ba câu hỏi ấy là:


1. Làm sao để biết được thời gian nào là thời gian thuận lợi nhất cho mỗi công việc?
2. Làm sao để biết được nhân vật nào là nhân vật quan trọng nhất mà ta phải chú trọng?
3. Làm sao để biết được công việc nào là công việc cần thiết nhất mà ta phải thực hiện?

Nghĩ thế, vua liền ban chiếu ra khắp trong bàn dân thiên hạ, hứa rằng sẽ ban thưởng trọng hậu cho kẻ nào trả lời được những câu hỏi đó.

Các bậc hiền nhân đọc chiếu liền tìm tới kinh đô. Nhưng mỗi người lại dâng lên vua một câu trả lời khác nhau.

Về câu hỏi thứ nhất, có người trả lời rằng muốn biết thời gian nào là thời gian thuận lợi nhất cho mỗi công việc thì phải làm thời biểu cho đàng hoàng, có ngày giờ năm tháng và phải thi hành cho thật đúng thời biểu ấy. Như vậy mới mong công việc làm đúng lúc. Kẻ khác thì lại nói không thể nào dự tính được trước những việc gì phải làm và thời gian để làm những việc ấy; rằng ta không nên ham vui mà nên chú ý đến mọi sự khi chúng xẩy tới để có thể làm bất cứ gì xét ra cần thiết.

Có kẻ lại nói rằng, dù vua có chú ý đến tình hình mấy đi nữa thì một mình vua cũng không đủ sáng suốt để định đoạt thời gian của mọi việc làm một cách sáng suốt, do đó nhà vua phải thành lập một Hội Ðồng Nhân Sĩ và hành động theo lời khuyến cáo của họ.

Lại có kẻ nói rằng, có những công việc cần phải lấy quyết định tức khắc không thể nào có thì giờ để tham khảo xem đã đến lúc phải làm hay chưa đến lúc phải làm. Mà muốn lấy quyết định cho đúng thì phải biết trước những gì sẽ xẩy ra, do đó, nhà vua cần phải cần đến những nhà cố vấn tiên tri và bốc phệ.

Về câu hỏi thứ hai, cũng có nhiều câu trả lời không giống nhau. Có người nói những nhân vật mà vua cần chú ý nhất là những ông đại thần và những người trong triều đình. Có người nói là mấy ông Giám Mục, Thượng Tọa là quan hệ hơn hết. Có người nói là mấy ông tướng lãnh trong quân đội là quan hệ hơn hết.

Về câu hỏi thứ ba, các nhà thức giả cũng trả lời khác nhau. Có người nói khoa học là quan trọng nhất. Có người nói tôn giáo là quan trọng nhất. Có người lại nói: chỉnh trang quân đội là quan trọng nhất.

Vì các câu trả lời khác nhau cho nên nhà vua không thể đồng ý với vị hiền nhân nào cả, và chẳng ban thưởng cho ai hết.

Sau nhiều đêm suy nghĩ vua quyết định đi chất vấn một ông đạo tu trên núi, ông đạo này nổi tiếng là có giác ngộ. Vua muốn tìm lên trên núi để gặp ông đạo và hỏi ba câu hỏi kia.

Vị đạo sĩ này chưa bao giờ chịu xuống núi và nơi ông ta ở chỉ có những người dân nghèo; chẳng bao giờ ông chịu tiếp người quyền quý. Vì vậy mà nhà vua cải trang làm thường dân. Khi đi đến chân núi, vua dặn vệ sĩ đứng chờ ở dưới, và một mình vua, trong y phục một thường dân, vua trèo lên am của ông đạo.

Nhà vua gặp ông đạo đang cuốc đất trước am. Khi trông thấy người lạ, ông đạo gật đầu chào rồi tiếp tục cuốc đất. Ông đạo cuốc đất một cách nặng nhọc bởi ông đã già yếu; mỗi khi cuốc lên được một tảng đất hoặc lật ngược được tảng đất ra thì ông lại thở hào hển.

Nhà vua tới gần ông đạo và nói: "Tôi tới đây để xin ông đạo trả lời giúp cho tôi ba câu hỏi. Làm thế nào để biết đúng thì giờ hành động, đừng để cho cơ hội qua rồi sau phải hối tiếc ? Ai là những người quan trọng nhất mà ta phải chú ý tới nhiều hơn cả ? Và công việc nào quan trọng nhất cần thực hiện trước tiên ?"

Ông đạo lắng nghe nhà vua nhưng không trả lời. Ông chỉ vỗ vai nhà vua và cúi xuống tiếp tục cuốc đất.

Nhà vua nói:"Ông đạo mệt lắm rồi, thôi đưa cuốc cho tôi, tôi cuốc một lát". Vị đạo sĩ cám ơn và trao cuốc cho Vua rồi ngồi xuống đất nghỉ mệt. Cuốc xong được hai vồng đất thì nhà vua ngừng tay và lập lại câu hỏi. Ông đạo vẫn không trả lời, chỉ đứng dậy và đưa tay ra đòi cuốc, miệng nói: "Bây giờ bác phải nghỉ, đến phiên tôi cuốc". Nhưng nhà vua thay vì trao cuốc lại cúi xuống tiếp tục cuốc đất.

Một giờ rồi hai giờ đồng hồ đi qua. Rồi mặt trời bắt đầu khuất sau đỉnh núi. Nhà vua ngừng tay, buông cuốc, và nói với ông đạo:

"Tôi tới để xin ông đạo trả lời cho mấy câu hỏi. Nếu ông đạo không thể trả lời cho tôi câu nào hết thì xin cho biết để tôi còn về nhà".

Ông đạo nghe tiếng chân người chạy đâu đây bèn nói với nhà vua: "Bác thử xem có ai chạy lên kìa". Nhà vua ngó ra thì thấy một người có râu dài đang chạy lúp xúp sau mấy bụi cây, hai tay ôm bụng. Máu chảy ướt đầm cả hai tay. Ông ta cố chạy tới chỗ nhà vua và ngất xỉu giữa đất, nằm im bất động miệng rên ri rỉ.

Vua và ông đạo cởi áo người đó ra thì thấy có một vết đâm sâu nơi bụng. Vua rửa chỗ bị thương thật sạch và xé áo của mình ra băng bó vết thương, nhưng máu thấm ướt cả áo. Vua giặt áo và đem băng lại vết thương. Cứ như thế cho đến khi máu ngừng chảy.

Lúc bấy giờ người bị thương mới tỉnh dậy và đòi uống nước. Vua chạy đi múc nước suối cho ông ta uống. Khi đó mặt trời đã bắt đầu khuất và bắt đầu lạnh. Nhờ sự tiếp tay của ông đạo, nhà vua khiêng người bị nạn vào trong am và đặt nằm trên giường ông đạo. Ông ta nhắm mắt nằm yên. Nhà vua cũng mệt quá vì leo núi và cuốc đất cho nên ngồi dựa vào cánh cửa và ngủ thiếp đi. Vua ngủ ngon cho đến nỗi khi Vua thức dậy thì trời đã sáng và phải một lúc sau Vua mới nhớ ra được mình đang ở đâu và đang làm gì. Vua nhìn về phía giường thì thấy người bị thương cũng đang nhìn mình chòng chọc, hai mắt sáng trưng.

Người đó thấy vua tỉnh giấc rồi và đang nhìn mình thì nói, giọng rất yếu ớt: "Xin bệ hạ tha tội cho thần".

"Ông có làm gì nên tội đâu mà phải tha ?"
"Bệ hạ không biết hạ thần, nhưng hạ thần biết bệ hạ. Hạ thần là người thù của bệ hạ, Hạ thần đã thề sẽ giết bệ hạ cho bằng được bởi vì khi xưa, trong chinh chiến bệ hạ đã giết mất người anh của hạ thần và còn tịch thu gia sản của hạ thần nữa".
"Hạ thần biết rằng bệ hạ sẽ lên núi này một mình để gặp ông đạo sĩ, nên đã mai phục quyết tâm giết bệ hạ trên con đường về. Nhưng cho đến tối mà bệ hạ vẫn chưa trở xuống, nên hạ thần đã rời chỗ mai phục mà đi lên núi tìm bệ hạ để hành thích. Thay vì gặp bệ hạ, hạ thần lại gặp bốn vệ sĩ. Bọn nầy nhận mặt được hạ thần cho nên đã xông lại đâm hạ thần. Hạ thần trốn được chạy lên đây, nhưng nếu không có bệ hạ cứu thì chắc chắn hạ thần đã chết vì máu ra nhiều quá. Hạ thần quyết tâm hành thích bệ hạ mà bệ hạ lại cứu sống được hạ thần. Hạ thần hối hận quá. Bây giờ đây nếu hạ thần mà sống được thì hạ thần nguyện sẽ làm tôi mọi cho bệ hạ suốt đời, và hạ thần cũng sẽ bắt các con của hạ thần làm như vậy. Xin bệ hạ tha tội cho hạ thần".

Thấy mình hòa giải được với kẻ thù một cách dễ dàng nhà vua rất vui mừng. Vua không những tha tội cho người kia mà còn hứa sẽ trả lại gia sản cho ông ta, và gửi ngự y cùng quân hầu tới săn sóc cho ông ta lành bệnh.

Sau khi cho vệ sĩ khiêng người bị thương về nhà, vua trở lên tìm ông đạo để chào. Trước khi ra về vua còn lặp lại lần cuối ba câu hỏi của vua. Ông đạo đang quỳ gối xuống đất gieo những hạt đậu trên những luống đất đã cuốc sẵn hôm qua.

Vị đạo sĩ đứng dậy nhìn vua: "Nhưng ba câu hỏi của vua đã được trả lời rồi mà".

Vua hỏi: "trả lời bao giờ đâu nào ?"

"Hôm qua nếu Vua không thương hại bần đạo già yếu mà ra tay cuốc dùm mấy luống đất này thì khi ra về nhà vua đã bị kẻ kia mai phục hành thích mất rồi, và nhà Vua sẽ tiếc rằng đã không ở lại cùng ta. Vì vậy thời gian quan trọng nhất là thời gian Vua đang cuốc đất; nhân vật quan trọng nhất lúc đó là bần đạo đây, và công việc quan trọng nhất là công việc giúp bần đạo. Rồi sau đó khi người bị thương nọ chạy lên, thời gian quan trọng nhất là thời gian vua chăm sóc cho ông ta, bởi vì nếu vua không băng vết thương cho ổng thì ổng sẽ chết và vua không có dịp hòa giải với ổng; cũng vì thế mà ông ta là nhân vật quan trọng nhất, và công việc vua làm để băng bó vết thương là quan trọng nhất. Xin vua hãy nhớ kỹ điều này: "chỉ có một thời gian quan trọng mà thôi, đó là thời gian hiện tại, là giờ phút hiện tại. Giờ phút hiện tại quan trọng bởi vì đó là thời gian duy nhất trong đó ta có thể làm chủ được ta. Và nhân vật quan trọng nhất là kẻ đang cụ thể sống với ta, đang đứng trước mặt ta, bởi vì ai biết được là mình sẽ đương đầu làm việc với những kẻ nào trong tương lai. Công việc quan trọng nhất là công việc làm cho người đang cụ thể sống bên ta, đang đứng trước mặt ta được hạnh phúc, bởi vì đó là ý nghĩa chính của đời sống.

(Trích từ Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức - TNH )

Thánh Thần và thần thánh

Hôm ấy, chúng tôi định mua một cặp loa tốt, khả dĩ tạo được làn sóng âm thanh dịu dàng, dễ nghe. Cân nhắc kỹ, chúng tôi quyết định chọn nhãn hiệu “BOSE” vừa gọn nhẹ, lại vừa đạt chất lượng cao. Toàn hệ thống âm thanh trung thực chỉ nằm trong chiếc hộp nhỏ, nhưng có khả năng phát ra những âm thanh tuyệt cú, ngoài sự mong ước. So với giàn âm thanh hiện có, thì loa của hãng BOSE cho giọng trầm và ấm. Mạnh mẽ. Trung thực. Với loa tốt, âm nhạc mới thể hiện tính hiện thực cần có, làm nền cho giọng kim bay bổng, lên xuống thật đúng ý của người biên sọan. Ngày nay, máy móc tân kỳ tạo cho âm thanh, tần số có được sự thanh tao, trong sáng. Nhờ vậy, công trình sắc sảo của nhà biên soạn mới được bộc lộ đúng cách. Dễ nhận.

Sách Công vụ Tông đồ có tập trung nhấn mạnh về một điểm, là: dân chúng thời ban sơ, khi nghe đồ đệ Chúa dẫn giải công việc Ngài làm, ai cũng hiểu biết sự việc diễn tiến theo ngôn ngữ riêng của mình. Nói theo ngôn ngữ thời nay, đây chính là sự thanh tao, trong sáng cần phải có mỗi khi rao giảng Lời Chúa. Đồ đệ Chúa thời tiên khởi, ai được phú ban cho tài khéo ăn nói khả dĩ lôi cuốn người nghe? May thay, phần đông cử toạ đều có được đôi tai rất thính. Biết lắng nghe và mau chóng lãnh hội sự thanh tao trong sáng, qua sự việc được dẫn giải. Đề cập đến tài lắng nghe và đón nhận Lời Chúa thời kỹ thuật số hôm nay, nhiều vị đã lẫn lộn giữa âm thanh đơn thuần với âm thanh nổi, giữa sự đồng bộ và đồng cảm. Với Hội thánh tiên khởi, ngày Thánh Thần Chúa đến, ngày tín hữu Chúa chẳng mấy khó khăn trong lắng nghe và đón nhận lời Ngài. Ai cũng hiểu, có nói cùng một thứ tiếng cũng không quan trọng bằng biết chăm chú nghe người khác nói. Lắng nghe từng giọng nói. Chăm chú từng động tác, của mỗi người.

Hội thánh là một cộng đoàn phức hợp. Đa dạng. Như hôm nay, mọi người đều được mời gọi lắng nghe người khác. Ngõ hầu hiểu nhau hơn. Cảm thông về nhiều vấn đề. Về mọi chuyện. Quả là, vào ngày đầu của thời điểm Thánh Thần Chúa hiện đến, cộng đoàn kẻ tin nhận ra rằng: giữa thánh Phêrô và Phaolô đã có nhiều tranh cãi. Bất đồng. Bất đồng về vấn đề người Do Thái. Về dân ngoại. Về việc trở lại. Nhiều vị cam đảm nhận đón chết nhục để chứng tỏ niềm tin. Tuy thế, cũng có người phản bội, đã vội quay đầu về với giới cầm quyền. Không còn tin vào lời các ngài. Là tín hữu Đức Kitô, nhưng có người tự hào cho mình thuộc phe Phaolô hoặc

Apollô hơn là: dù thuộc cánh nào, phe nào rồi cũng qui về một mối. Cuối cùng, cũng trở thành đồ đệ của Chúa. Hết lòng. Hết mực.

Mải tranh cãi, đến nỗi có người cứ nghĩ là ngày tận thế đã gần kề. Để rồi, chán nản. Mất niềm tin. Nhưng, qua nhiều trường hợp, âm sắc thâm trầm và ấm cúng của giòng nhạc hùng tráng đã vang rền. Thúc bách. Cung giọng trầm ấm ấy chứng tỏ rằng: Đức Kitô đã sống. Ngài đã vui lòng chấp nhận cái chết nhục. Và cuối cùng, Ngài sống lại vinh hiển. Với Cha. Trong khi đó, thanh âm giọng kim chát chúa của tranh cãi/bất đồng đã át đi thanh-âm trầm-ấm, Chúa phát đi.

May thay, hơn bốn thập niên trước, Công Đồng Vatican II đã hồi phục truyền thống của niềm tin trong Hội thánh bằng phương cách khác biệt. Nối kết hoà mình với nền văn hoá địa phương. Xem như thế, Lời Chúa được gửi đến với dân tộc. Có văn hoá riêng biệt. Hài hòa. Hợp tác. Ngày nay, chúng ta nhận thức: khi cất bước ra đi rao truyền Tin Mừng của Chúa, vị thừa sai nào cũng đều cưu mang, trân quý văn minh, văn hoá khác biệt. Của đất miền mà các ngài tạm dung. Và, các ngài cương quyết sửa đổi lề thói, tác phong “cha cố” chuyên áp đặt văn hoá của mình lên văn hoá, người bản xứ. Làm thế, các ngài không bức bách, cũng chẳng đả phá tinh hoa, của người bản xứ. Dù tinh hoa ấy đang đi dần vào chốn diệt vong. Trong thực hiện quyết tâm này, nhiều nối kết được nảy sinh từ nền văn minh Kitô-giáo và văn hoá địa phương. Các nối kết, thành tựu ấy trở thành niềm tin thấm nhuần đặc tính dân tộc. Đây là trạng huống kết tinh, mà Hội thánh tiên khởi đã tạo cho mình. Rất nghiêm chỉnh. Nhờ vào phong thái tinh tế, Hội thánh đã thực sự sống và rao truyền niềm tin, được uỷ thác.

Hôm nay, nhờ Thánh Thần Chúa thánh hoá, ta xây dựng củng cố niềm tin của mình lên những gì các vị đi trước thiết lập. Ta sẽ lắng nghe, tìm hiểu nền văn minh đương đại của mỗi dân. Đem niềm tin về với trao đổi. Đối thoại. Và, ta quyết được rằng: lòng quả cảm là quà tặng từ Thánh Thần Chúa. Ta không được phép rút vào bóng tối. Né thế gian. Coi rẻ loài người. Nhưng, hãy ra đi mà đối thoại với thế giới. Tham gia, trao đổi và để tai trầm lắng đón nhận nhạc khúc giao hưởng mà Chúa biên soạn. Ở đây. Lúc này. Có lắng nghe như thế, ta nhận ra thanh-âm sắc sảo đang xuất hiện trong cuộc sống thường nhật. Đôi lúc trộn lẫn với âm-sắc trầm ấm. Trải dàn nơi cuộc sống. __________Richard Leonard, sj

No comments: