Mấy ngày nay, kể từ khi một người ngoại quốc phát biểu về tệ nạn không xếp hàng ở những nơi công cộng, dư luận bắt đầu lên tiếng về một điều mà bấy lâu nay không phải không thấy, nhưng thấy mà cũng như không vì không ai muốn nói và nó như đã trở thành bình thường, phải đợi đến khi người ta nói, mình mới ngộ ra cái mình tưởng bình thường thì chẳng bình thường tí nào cả.
Sau năm 1975, lần đầu tiên tôi đến Hoa Kỳ, năm 1999, khi đón tôi về nhà, mải mê nói chuyện với anh chị tôi cùng các cháu, trời sập tối lúc nào không hay, tôi giật mình nói với anh tôi: “anh cho em ra trình giấy tờ với công an khu vực”, cả nhà bật cười, những người bạn của tôi cũng bật cười, tôi hiểu ra mình đã sống cái rất bình thường của mình là cái không bình thường của người khác. Từ năm 1975 đến năm 1999, mới chỉ có 24 năm, tôi đã nhập cái bất bình thường trở thành bình thường của mình, tôi đã chấp nhận cái không bình thường một tí nào ở thế giới tự do.
Bây giờ, những câu chuyện về “công dân giáo dục” trở thành những câu chuyện cổ tích. Đôi khi có dịp nói với các bạn trẻ, họ nghe và nhìn tôi bằng ánh mắt “xưa rồi diễm”.
Tôi đã say sưa nói về việc nhường chỗ cho người gìa và phụ nữ trên các phương tiện công cộng, nói về việc không xả rác bừa bãi ngoài đường, nói về việc thu dọn sạch sẽ trước khi rời nơi sinh hoạt, nói về việc giúp đỡ người già, người khuyết tật băng qua đường, nói về ngả mũ chào khi ra đường gặp đám tang, nói về việc ngăn nắp trật tự trong những sinh hoạt chung, nói về phép phải giữ khi lên xuống cầu thang, nói về nguyên tắc ăn mặc khi tham dự các lễ hội, các sinh hoạt xã hội hoặc khi ra đường, nói về những nguyên tắc tối thiểu về lịch sự khi nói điện thoaị nơi công cộng, … và dĩ nhiên nói cả về vụ xếp hàng. Nhưng các bạn nghe là vì phải nghe, nhưng khó vô cùng để có một thay đổi, vì tất cả mọi người đều như vậy, vì bình thường là như vậy.
Bình thường là khi trên xe bus hoặc xe đò… ai chen trước chiếm đước ghế là cứ ngồi. Vì công việc, tôi di chuyển nhiều nên có những lúc phải sử dụng phương tiện máy bay, trên đường từ phòng đợi hoặc từ máy nay về lại phi cảng, rất hoạ hiếm tôi thấy người ta biết nhường chỗ cho những người cần được nhường, đó là những người sử dụng phương tiện di chuyển là máy bay được xem như một loại hành khách khá giả. Có người kể cho tôi nghe một câu chuyện, gia đình họ có người thân từ nước ngoài về, khi đi ăn tiệm, một đứa bé hỏi mọi người, bỏ xương ở đâu, người nhà nhanh nhẹn trả lời bỏ trên bàn này, ông ta chỉ trên bàn ăn, đưa bé bỏ xương trên bàn như hướng dẫn, xong đâu đó, ông ta gạt tất cả xương xuống gầm bàn ăn một cách tự nhiên trước con mắt kinh ngạc của đứa bé… Hình ảnh nhưng cán bộ ăn mặc sang trọng, nhai nhôm nhoàm, nhả xương ra từ miệng đang nhai xuống gầm bàn, xỉa răng nhổ ra khắp nơi, là hình ảnh rất quen gặp trong các nhà hàng.
Bây giờ ra đường, bất kể đám tang hay đám cưới, mạnh ai người đó chen đi, đi bất cứ chỗ nào còn có thể đi được, chen bất cứ chỗ nào còn có thể chen được, và sẵn sàng đối đầu, bít lối người khác một cách sống sượng. Có mấy ai ra đường thấy đám tang đứng lại ngả mũ chào không ? Chỉ có những người “khùng” mới như vậy ! …
Bây giờ ra đường người ta mặc bất cứ cái gì có thể gọi là áo là quần, không phân biệt được loại nào để ngủ, để mặc trong nhà, để đi ngoài đường, để đến trường học, để đến … nhà thờ, người ta mặc cả đồ chơi thể thao nguyên bộ vào nhà thờ dự lễ, người ta mặc cả những bộ đồ hở không còn chỗ nào không hở vào nhà thờ dự lễ, người ta đến nhà thờ khi mặc cả những bộ quần áo, những loại vải chỉ dùng trong những chỗ kín đáo nhất, riêng tư nhất,..
Như tôi chia sẻ ở trên, nỗi bực mình nhất khi ngồi trên chuyến bay nội địa đó là việc sử dụng điện thoại. Chuyến bay nào tiếp viên hàng không cũng thông báo không dùng điện thoại khi máy bay còn đang di chuyển, nhưng người ta chẳng kiêng nể người khác và cũng chẳng đoái hoài lời nhắc nhở của tiếp viên, họ vẫn dùng điện thoaị khá thoải mái, máy bay vừa đáp xuống, hầu như mọi người đều móc điện thoại ra, gọi nhau í ới, nói như chỗ không người, mà hình như cũng chẳng ai buồn để ý đến những lời chát chúa nói điện thoaị vì hình như ai cũng nói, vì ai cũng nói thế là mọi người thi nhau quát. Tôi có một người bạn người Hà Nội, anh là người có học và hiểu biết, anh nói với tôi “Cha ạ ! Người ta có thể giàu rất nhanh, nhưng không thể một sớm một chiều có ngay được tác phong văn hoá”
Đã có một thời gian tôi mong ước và khuyến khích các bạn trẻ cố gắng một lần đi nước ngoài, tôi hy vọng rằng đi một ngày đàng sẽ học một sàng khôn, tôi không bao giờ nhăm mắt ca tụng tất cả những gì ở nước ngoài, nhưng cái gì hay mình phải học theo họ, hay nói đúng hơn, hãy học trở lại ít là những gì mình đã có mà bấy lâu nay tự đánh mất. Một vài người quen tôi đã đi, khi về cũng sôi nổi chuyện ở xứ người, khen chê đủ chuyện và thao thức thay đổi, nhưng chỉ một thời thôi, mọi sự đâu vào đấy, nỗi thao thức đã đi ngủ lúc nào rồi ! Tại sao vậy ?
Báo Tuổi Trẻ số ra ngày thứ hai
Bao nhiêu người dân đã đau khổ cùng cực khi bị chen ngang đất nhà mình, bị áp đặt quyền ác độc trên quyền chính đáng thụ hưởng của mình, bị cướp đi tài sản của mình của cha ông mình dày công gây dựng. Bao nhiêu nạn nhân của những vụ Vedan, những Vedan chen ngang vào cuộc đời và chen ngang vào mạng sống của bao nhiêu người để cướp đi cái quyền sống và quyền sinh của bao nhiêu người. Bao nhiêu tài sản của các giáo hội, những tài sản đã một thời được xây dựng để phục vụ con người phục vụ sự sống, phục vụ tình thương, những tài sản ấy bị chen ngang, bị cướp đi để thuộc về một nhóm người, một quyền lực thống trị.
Trong bài xã luận nêu trên, bà Ninh đề nghị thực hiện một nền giáo dục cụ thể, thực tiễn, không lý thuyết viển vông. Như tôi đã nhận xét, bài học đi thăm nước ngoài không cụ thể, không thực tế à ? Nhưng sao không thành công ? Thưa vì có một bài học lớn hơn, căn bản hơn, cần phải dạy và phải học, đó là tôn trọng công bằng và tôn trọng quyền con người. Bao lâu chưa thực hiện bài học này trong xã hội, mọi bài học trong trường học đều trở nên lý thuyết và viển vông.
Tôi viết bài này khi đất hồ Ba Giang của Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà đang bị tước đoạt, đang bị chen ngang, đang bị cướp đoạt. Có bài học nào từ vụ việc này không ?
Lm. Vĩnh Sang, dcct
No comments:
Post a Comment