Kính thưa các bạn sinh viên, Chúng ta quy tụ nhau ở Thái Hà hôm nay trong xác tín về sức mạnh của ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Kitô chết và phục sinh. Cùng với xác tín căn bản đó, chúng ta ý thức một cách mạnh mẽ về sứ mạng của chúng ta, các trí thức trẻ Công Giáo Việt Nam, trong công cuộc phục vụ ơn cứu độ cho mình, cho gia đình mình và cho xã hội mình đang sống. Thật là ý nghĩa khi chúng ta gặp gỡ nhau trong ngày khai mạc Tuần Thánh trong Năm Thánh Thái Hà này. Những cử hành phụng vụ của Hội Thánh trong Tuần Thánh này, nhất là trong Tam Nhật Thánh, sẽ tập trung trên một biến cố căn bản và vô cùng phong phú: biến cố Đức Kitô chết và Phục Sinh vì ơn cứu độ của nhân loại. Vì thế, trong bài trình bày này, tôi kính mời các bạn suy tư về ơn cứu độ và về việc sống ơn cứu độ trong cuộc sống của chúng ta, những trí thức của Đất Nước và của Hội Thánh hôm nay. Kính thưa các bạn, Đối với nhiều người, ơn cứu độ là một khái niệm xa lạ, hay ít nhất thì cũng có vẻ chẳng mấy ăn nhập với cuộc sống thường nhật của chúng ta, và càng ít có vẻ dính dự đến cộng việc học hành của các bạn tại môi trường đại học. Nhưng thực ra, ơn cứu độ là một thực tại có liên hệ đến mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta, kể cả việc học hành – nghiên cứu. Có thể diễn tả khái niệm ơn cứu độ theo ba khía cạnh: - Khía cạnh thứ nhất: ơn cứu độ chính là sự giải thoát khỏi sự dữ căn bản, sự dữ đời đời, sự dữ thiêng liêng, tức là sự giải thoát khỏi tội lỗi và đưa vào sự sống vĩnh cửu. Tội lỗi ở đây là tội lỗi cá nhân, tội lỗi tập thể, tội lỗi cơ cấu. Tội lỗi làm cho con người xa cách Thiên Chúa và rơi vào sự chết muôn đời. Thiên Chúa cứu độ chúng ta là Người giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết ấy. Và Người cho chúng ta được phục vụ mầu nhiệm ấy. Chúng ta biết rằng mọi người đều là tội nhân, nhưng chúng ta còn ý thức sâu xa hơn nữa rằng tất cả mọi người đều đã được tuyển chọn, được cứu độ và được thâu họp vào trong Đức Kitô: “Những ai Thiên Chúa đã biết từ trước thì Người cũng tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đảo. Những ai Thiên Chúa đã tiền định thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8,29-30). Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi ý thức về thực tại của ơn cứu độ đó, và hơn nữa, chúng ta được trao ban sứ vụ phục vụ ơn cứu độ đó. Ở giữa nhân loại, chúng ta được mời gọi trở nên những tôi tớ khiêm hạ và can trường của Tin Mừng, trong sự tuân phục quyền bính Hội Thánh. Chúng ta có sứ mạng loan báo ơn cứu độ, sứ mạng long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã nói: “Mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn công việc phục vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa” (Cv 20,24). Loan báo Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa chính là cao rao ơn cao cả mà Thiên Chúa ban cho toàn thể nhân loại. Chúng ta được mời gọi, ngay trong môi trường đại học, làm chứng cho thực tại cứu độ đó, bằng sự hiện diện, bằng cuộc sống thánh thiện và bằng việc sử dụng đúng đắn lý trí lành mạnh để truy tầm chân lý. - Khía cạnh thứ hai của ơn cứu độ: ơn cứu độ đạt thấu con người toàn diện, kiện toàn và thăng hoa mọi giá trị nhân bản, hầu thâu họp vạn vật vào trong Đức Kitô (x. Ep 1,10; 1Cr 3,23) và đem tất cả đến cùng đích là trời mới đất mới (x. Kh 21,1). Nếu khía cạnh thứ nhất nhấn mạnh đến chiều kích thiêng liêng của ơn cứu độ, thì khía cạnh thứ hai này thuộc về chiều kích nhân bản và xã hội của thực tại cứu độ. Và đây là khía cạnh tích cực trong chiều kích nhân bản và xã hội của thực tại cứu độ. Thánh Công Đồng Vaticanô II viết: “Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng mà nhờ Người muôn vật được tạo thành, đã nhập thể và đến sống trên trái đất con người. Là con người hoàn hảo, Người đã đi vào lịch sử thế giới, đảm nhận và thâu kết lịch sử ấy nơi Người (x. Ep 1,10)… Đức Kitô được tôn làm Chúa khi sống lại và được lãnh nhận toàn quyền thống trị trên trời dưới đất; từ nay, Người hoạt động trong lòng con người nhờ quyền năng Thánh Thần của Người, không những bằng cách khơi dậy những khát vọng đời sau, nhưng còn từ những khát vọng đó cổ võ, tinh luyện và củng cố những ước vọng quảng đại thúc đẩy gia đình nhân loại biến cải cuộc sống mình trở nên nhân đạo hơn và quy phục trái đất về cùng đích ấy” (GS số 38). Hơn ai hết, các bạn được mời gọi ý thức cách đặc biệt về vai trò của mình trong công cuộc phục vụ khía cạnh thứ hai này của ơn cứu độ. Bằng những học hỏi và nghiên cứu của mình, các sinh viên Công Giáo phải tích cực góp phần mình vào công cuộc kiện toàn và thăng hoa mọi giá trị nhân bản. Chúng ta được mời gọi đóng góp phần trí tuệ và những hoạt động học hỏi – nghiên cứu của mình để làm cho thế giới chúng ta đang sống trở nên nhân bản hơn, phát triển hơn, tốt đẹp hơn. Đức Kitô sẽ thâu họp mọi sự trong Người và đem tất cả vào trời mới đất mới. Việc học tập và nghiên cứu của các bạn, trong Đức Kitô, chính là công việc phục vụ ơn cứu độ. Đức Kitô đã chết và sống lại vì ơn cứu độ ấy, và các bạn có nhiệm vụ cùng với Người cổ võ, tinh luyện và củng cố những ước vọng quảng đại thúc đẩy gia đình nhân loại biến cải cuộc sống mình trở nên nhân đạo hơn và quy phục thế giới về cùng đích là trời mới đất mới. Vì thế, việc học tập và nghiên cứu của các bạn thực sự mang bản chất thừa sai và tông đồ. - Khía cạnh thứ ba của ơn cứu độ: Thiên Chúa giải phóng người nghèo và người bị áp bức khỏi những thế lực làm tha hoá họ. Đây là khía cạnh tiêu cực trong chiều kích nhân bản và xã hội của thực tại cứu độ. Chính Đức Kitô đã khẳng định rằng rao giảng Tin Mừng giải thoát cho người nghèo là dấu chỉ của sứ vụ Thiên Sai (Lc 4,18: Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, cho người bị áp bức được giải oan), và Người tự đồng hoá mình với những con người nghèo hèn ấy. Sứ mạng loan báo Tin Mừng cho người nghèo bao gồm việc giải phóng và cứu độ con người toàn diện. Nhiệm vụ phục vụ Tin Mừng đòi buộc chúng ta phải công nhiên loan báo Tin Mừng cứu độ, liên đới với người nghèo, thăng tiến các quyền cơn bản của họ trong công bằng và tự do, bằng cách cống hiến cho họ những phương tiện vừa phù hợp với Tin Mừng vừa hữu hiệu. Chúng ta là những sinh viên Công Giáo, nên chúng ta không có quyền bỏ qua tiếng kêu của người nghèo và những kẻ bị bóc lột, nhưng có nghĩa vụ tìm phương cách giúp họ bằng chính sức mình vượt qua những tai ương dồn dập trên họ. Đó là một trong những yếu tố chủ chốt của Tin Mừng trong công cuộc phục vụ xã hội của chúng ta. Chúng ta phải chứng tỏ mình thực sự liên đới với người nghèo và trở nên dấu chỉ cho niềm hy vọng của họ. Chúng ta, trong tư cách những người có ăn học, được mời gọi nhạy cảm trước cảnh nghèo của thế giới và trước các vấn đề xã hội trầm trọng đang làm cho hầu hết mọi người trên thế giới phải bận tâm. Mọi thứ nghèo khổ (vật chất, tinh thần, tâm linh) đều mời gọi lòng nhiệt thành tông đồ của chúng ta. Khát vọng chính đáng của người nghèo cũng chính là khát vọng của chúng ta. Chống lại những bất công và những thế lực làm tha hoá con người, đó là một trong những nhiệm vụ chính yếu của các đồ đệ của Chúa Kitô. Hoà mình vào dòng người đi tìm công lý và phản đối bất công, liên đới với người nghèo, thăng tiến các quyền căn bản của người nghèo trong công bằng và tự do, cống hiến cho xã hội những phương tiện hữu hiệu để làm cho những người bị áp bức được thoát khỏi những thế lực làm tha hoá họ…, những điều đó thực sự mang tính chất tông đồ và thừa sai, nếu chúng ta thực hiện trong ý thức về thực tại cứu độ mà Đức Kitô đã mang lại cho chúng ta bằng giá máu của Người. Kính thưa các bạn, Mỗi người trong chúng ta đều được mời gọi cùng với Đức Kitô đi vào cuộc vượt qua của Người. Cuộc vượt qua ấy nhằm mục đích cứu độ nhân loại, tức là cứu độ chúng ta. Ơn cứu độ là một thực tại toàn diện, đạt thấu con người toàn diện, như Kinh Thánh và giáo huấn của Hội Thánh dạy chúng ta. Phủ nhận hoặc thờ ơ với bất cứ chiều kích nào trong ba chiều kích nói trên của ơn cứu độ, cũng là phủ nhận tính cách toàn diện đó của ơn cứu độ. Tất nhiên, mỗi người chúng ta được trao phó một ơn gọi riêng, và mỗi người được mời gọi tham dự vào các khía cạnh đó của thực tại cứu độ một cách khác nhau. Nếu bạn là người tu hành, có lẽ bạn được mời gọi chú tâm nhiều hơn đến khía cạnh thứ nhất (khía cạnh thiêng liêng) của thực tại cứu độ. Nếu bạn là một sinh viên Công Giáo không theo đuổi ơn gọi tu hành, có lẽ bạn sẽ dấn thân nhiều hơn trong chiều kích nhân bản và xã hội của thực tại cứu độ. Vấn đề là chúng ta sống hết mình với lời mời gọi Thiên Chúa dành cho ta, và sống lời mời gọi đó trong sự hiệp thông hữu hiệu và thực chất với tất cả Hội Thánh. Tuần Thánh mà chúng ta khai mạc hôm nay chính là một thời điểm của ân sủng, trong đó chúng ta, các sinh viên Công Giáo, được mời gọi ý thức một cách sâu xa hơn về thực tại cứu độ do Máu châu báu của Chúa Kitô mang lại. Các bạn hãy sống Tuần Thánh này bằng tất cả con người thực của mình, với trái tim và khối óc Việt Nam của mình. Thưa các bạn, Hội Thánh đang kỳ vọng rất nhiều nơi các bạn. Các bạn hãy cùng với toàn thể Hội Thánh làm chứng cho ơn cứu độ đạt thấu con người toàn diện. Đất Nước đang mong đợi rất nhiều nơi nhiệt huyết và tri thức của các bạn. Các bạn hãy chung tay làm cho Tổ Quốc chúng ta được thịnh vượng, có công lý và dám ngẩng cao đầu bất khuất hào hùng với một hào khí Việt Nam vĩ đại. Xin cảm ơn các bạn đã lắng nghe lời phát biểu của tôi. |
No comments:
Post a Comment