Monday, 29 September 2008

Sự kiện Thái Hà và Tòa Khâm Sứ





BÀI GIẢNG LỄ KÍNH THÁNH MÁTTHÊU
CỦA CHA MÁTTHÊU VŨ KHỞI PHỤNG
NHÀ THỜ THÁI HÀ, HÀ NỘI, THỨ HAI 22.9.2008

Kính thưa các cha,
Kính thưa các tu sĩ nam nữ,
Kính thưa tất cả anh chị em,

Tin Mừng thuật rằng, anh Mátthêu đang ngồi ở bàn thu thuế thì Chúa Giêsu đi ngang qua và Người gọi anh: "Hãy theo tôi !" Và anh Mátthêu đã rời bỏ bàn thu thuế, rời bỏ cái bàn tham-sân-si của thế gian mà đi theo Chúa. Từ bữa tiệc mà Mátthêu mời toàn những người tội lỗi như mình đến để liên hoan mừng Chúa Giêsu cho tới ngày Mátthêu được đi theo Chúa Giêsu, được học hỏi với Chúa Giêsu, được chứng kiến Chúa Giêsu chịu chết, Chúa Giêsu Phục Sinh, rồi được sai đi, rồi viết sách Tin Mừng thứ nhất để lại cho Hội Thánh, tôi mường tượng con người đó đi qua biết bao nhiêu kinh nghiệm, đi qua biết bao nhiêu biến đổi để cuối cùng thành... Thánh Mátthêu.

Tôi có vinh dự được nhận Thánh Mátthêu làm Bổn Mạng, cho nên cứ mỗi một năm đến Lễ Thánh Mátthêu, đôi khi tôi lại tự hỏi mình: "Ông Mátthêu từ ngày ngồi ở bàn thu thuế cho tới ngày trở thành Mátthêu Thánh Sử đã đi qua nhiều chặng đường, đi qua nhiều giai đoạn, còn tôi mỗi một năm mừng lễ Thánh Mátthêu thì đã đi qua những giai đoạn gì ?"

Có những năm mừng lễ Thánh Mátthêu thật vui, anh em chị em ngồi với nhau trong một bầu không khí thân mật, tự do phóng khoáng lạ thường, ăn bánh uống nước, kể cho nhau biết bao nhiêu chuyện. Rồi người này, người kia đến tặng quà, tặng hoa. Lại có những năm khác thì rềnh rang bề ngoài mà không có cái gì hết, bởi vì mình đang ở một xứ lạ, chả ai biết mình để mà mừng lễ Bổn Mạng, nhưng bù lại thì lại thấy những cảnh sắc lạ, những người lạ, những xã hội lạ, nó thu hút hết tất cả sự tò mò của mình. Cuối cùng lại cũng rất vui...

Bây giờ so sánh với những lần mừng lễ như thế thì hình như năm nay lễ Thánh Mátthêu Bổn Mạng của tôi là một ngày lễ... buồn ! Không buồn sao được khi chúng ta thấy vị đứng đầu Giáo Hội của chúng ta là Đức Tổng Giám Mục suốt mấy ngày hôm nay bị lăng mạ, bị phỉ báng. Và chả phải chỉ có Đức Giám Mục, chính chúng ta ở đây mới đêm hôm qua thôi, các cha các thầy ở đây bị bao nhiêu người chửi bới bằng những lời lẽ vô cùng tục tằn. Có những cha bị đánh, có những cha bị nhổ nước miếng vào mặt. Tôi ở trong nhà nhưng cũng bị người ta kêu tên ra, người ta bảo: "Mày là cái đồ đáng nhốt !" và bảo "Giết đi !"

Thế thì lễ năm nay sao mà... vui được ? ! ? Nhưng mà tôi nghĩ lại, tôi mới lại thấy rằng năm nay Chúa ban cho tôi rất nhiều món quà để mừng lễ, và tôi muốn trong ngày Lễ Tạ Ơn này, xin ghi nhận lại một vài món quà Chúa đã tặng, Chúa đã ban cho.

Thứ nhất, tôi nhớ cách đây gần một tháng, tôi hối hả từ Sài-gòn bay ra đây bởi vì nghe tin ở ngoài này anh em chị em có những người bị đánh, bị đánh bằng roi điện, bị đánh bằng dùi cui. Rồi vừa mới ra đến đây thì thấy anh chị em bị xịt hơi cay nằm la nằm liệt.

Thế thì lại một ngày buồn nữa, nhưng mà tự nhiên lúc ấy mình lại hiểu ra điều Chúa Giêsu nói: "Phúc cho anh em khi vì Thầy mà anh em bị sỉ vả, bị lăng mạ, bị vu khống. Hãy vui lên vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời rất lớn lao". Khi đó tôi mới nghĩ, trong Tám Mối Phúc, hình như mình không muốn nhận cái mối phúc này, cũng không muốn chúc cho anh chị em khác được cái mối phúc này, nhưng mà tự nhiên Chúa lại cho, hóa ra mình tưởng rằng: thôi, cái mối phúc này thì nhường cho người khác đi, cả đời mình không nhận nữa đâu, cuối cùng thì Chúa lại vẫn cứ cho. Đấy là một món quà !

Hay là trưa hôm nay tôi ngồi trong phòng ăn, nghe một cha kể lại chuyện đêm hôm qua đi mà bị những người chả biết là mặc sắc phục của đoàn thể gì mà nói năng vô cùng tục tĩu, tục tĩu không thể tưởng tượng được, và lại còn nhổ nước miếng vào cha đó nữa. Thế mà cha đó nói rằng có như thế mình mới hiểu thế nào là Chúa Giêsu bị người ta nhổ vào mặt. Thế lại là một món quà !

Đó là những món quà mà bình thường mình chẳng muốn nhận, mà mình cũng chẳng muốn tặng ai những món quà như thế. Nhưng rồi Chúa lại cho mình nhận. Thế là tôi thấy món quà của Chúa cho dịp lễ Thánh Mátthêu năm nay thật là vô cùng đặc biệt !

Món quà thứ hai nữa, là mình cứ nghĩ như: với bấy nhiêu đau khổ, rồi là những sự đánh đấm, rồi là những cái chiến dịch lăng mạ trên báo trên đài suốt cả tháng như thế, thì chắc là mình hỏng bét mất rồi, tan tác mất rồi. Thế mà Chúa lại cho chứng kiến một cảnh tượng rất là bất ngờ.

Cái lúc mà mình được mọi người ca tụng, cái lúc mà mình được người ta nói những lời hoa hòe hoa sói, cho mình là thế này thế kia, thì người đến lại không đông; nhưng bắt đầu từ cái lúc mình bị đả kích, bắt đầu từ cái lúc mình bị bêu xấu thì không biết người ở đâu, từ những rừng những núi nào, từ miền Nam, miền Trung, miền Bắc nào, từ trên Tuyên Quang xuống, từ trong Nghệ An ra, từ tận Kontum ra, không biết người ở đâu mà về đây đông thế ?

Hóa ra tôi nhận thấy một điều, anh em chị em Giáo Dân, mà không phải chỉ Giáo Dân đâu, kể cả người bên lương nữa, đã tìm đến với mình. Có nhiều người bên lương gặp tôi, từ ngày đọc báo, nghe đài đâm ra đồng cảm với các bạn bè ở Thái Hà trong công cuộc đi tìm Công Lý và họ cầu chúc các bạn Thái Hà thành công. Rất nhiều anh em chị em bên lương, nhất là những người tương đối có trình độ, tương đối nghe tin trên đài mà biết phân tích, biết nhận định, biết phê bình. Rất nhiều người vì những mảnh giấy nói về Thái Hà mà đâm ra có cảm tình với Thái Hà. Và tôi nhận được những chứng từ của những người đó, những người bên lương đó.

Nhưng mà hôm nay, chúng ta, giữa những người có đạo với nhau tôi xin nói, đáng lẽ là Thái Hà của chúng ta bị nói xấu, bị bôi đen như vậy thì mọi người chỉ có lánh xa thôi. Và những anh chị em đồng bào thì nói là: những con người xấu xa như vậy, những con người tồi tệ như vậy, làm ô danh Hội Thánh như vậy thì ta phải lánh xa đi, không ngờ sự việc xảy ra lại ngược lại. Người đến đông như thác lũ, người đến từ những nơi xa mình không bao giờ ngờ được.

Hóa ra là trong cộng đồng Dân Chúa đã có một thói quen nhận định, đã có một thói quen phản tỉnh, khi người ta nói thế này... thế này... thế này... thì có nghĩa là thế kia... thế kia... thế kia... Và chẳng ai bảo ai, mọi người kéo đến đông quá. Đến đông quá thì người ta lại tố mình là xúi giục. Có ai xúi giục đâu ! Nhờ đọc báo, nghe đài, thế là đang đêm thức dậy phải đi Thái Hà cho bằng được. Từ trên núi, gọi nhau dậy để xuống Thái Hà cho bằng được, từ trong Nam nháy nhau phải ra Thái Hà cho bằng được. Tự nhiên... !

Ngày trước anh chị em thấy chiều thứ hai làm gì có lễ chiều đông như thế này, mà bây giờ không những là buổi chiều, cả buổi sáng, tăng giờ lễ lên, tăng Tòa Giải Tội lên, tăng các cha lên, hóa ra chúng ta không nghe những lời một chiều, mà chúng ta có một kinh nghiệm gì đấy để mà hiểu nhau, hễ nghe những anh chị em đồng đạo bị phỉ báng là tự nhiên muốn đứng lên, muốn đi tìm nhau.

Và khi ấy nó sinh ra một cái ơn rất lớn mà tôi được nhìn thấy: lúc bình thường, chúng ta vẫn là người có Đạo nhưng có lẽ cuộc sống Đạo của chúng ta bị phân tán, chúng ta còn đang lo chuyện này chuyện kia, tự nhiên cái chiến dịch vừa rồi nó làm cho mọi người nhích lại gần nhau, mọi người xúm lại đây với nhau cầu nguyện.

Chưa bao giờ mình nhận thấy chúng ta chung một niềm tin, chung một phép rửa, chung một Thiên Chúa là Cha, như những ngày vừa qua. Người Nam kẻ Bắc, người Đông kẻ Tây, tự nhiên gặp nhau trong cùng một niềm tin, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhận nhau là anh em. Cái ơn đó là ơn họa hiếm lắm đấy, không dễ gì mà tìm được đâu, vậy mà Chúa lại ban cho chúng ta trong năm nay.

Và không những chỉ gặp nhau, không những chỉ vui với nhau, không những chỉ thắt chặt tình đoàn kết, mà nhất là còn có sự cầu nguyện. Cầu nguyện dâng lên như một dòng nước thủy triều to lớn, tràn ngập hết. Và cái biển cầu nguyện ấy, làm cho tôi nghĩ rằng, mảnh đất này từ ngày xưa đã được cung hiến để mang ơn kêu gọi cầu nguyện, và sau một thời gian nó phần nào như ngủ đông, bây giờ đến lúc ơn gọi cung hiến cho sự cầu nguyện chìm sâu trong lòng mảnh đất này nó thức dậy, và lời cầu nguyện ấy tràn bờ !

Còn muốn gì hơn nữa ? Có bao giờ nhiều Thánh Lễ thế này đâu, có bao giờ nhiều người đi Rước Lễ thế này đâu, có bao giờ nhiều người đi Xưng Tội thế này đâu, những ngày thứ bảy thường có bao giờ mà đông người xin ơn tạ ơn như thế này đâu ? Lại một món quà tinh thần quá lớn, mà Chúa ban cho chúng ta, mà có lẽ chúng ta chưa xứng đáng với ơn ấy.

Rồi chúng tôi lại thấy tất cả những đoàn người đông đảo ấy, ngày này ngày khác, nối nhau đến với Đền Đức Mẹ này, mang cái gì trong lòng vậy ? Mang một niềm khát khao chân lý, muốn có một cuộc sống nói thật, muốn có một xã hội nói thật, muốn có một xã hội đừng bôi bác, đừng bôi đen sự thật, có cái gì thì nói trắng ra, đừng công xúc, đừng viện dẫn những lời lẽ hoa mỹ bề ngoài để che giấu những quyền lợi không dám xưng ra. Đi tìm sự thật...

Sáng hôm qua trời mưa như trút, chúng ta đứng ở trước quảng trường Nhà Thờ Lớn, nghe băng ghi âm lời Đức Tổng Giám Mục nói mà mấy hôm nay báo đài đua nhau ra rả ra rả mà đả kích rất là nhiều. Báo đài bảo rằng là: Đức Tổng Giám Mục của chúng ta đã nói: “Tôi xấu hổ khi mang hộ chiếu của Việt Nam”. Thế xong rồi từ đấy xách động mọi người ra tối hôm qua lôi tên Đức Tổng Giám Mục ra chửi.

Đến lúc mở cuộn băng ra nghe Đức Tổng Giám Mục nói gì: "Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng” ( cộng đoàn vỗ tay rền vang khá lâu ).

Tôi hiểu là anh chị em vỗ tay Đức Tổng Giám Mục, chứ không phải là vỗ tay báo đài đã bảo Đức Tổng Giám Mục bảo “Tôi xấu hổ vì mang hộ chiếu của Việt Nam !” Chấm hết ! ( cộng đoàn lại vỗ tay ). Anh chị em vỗ tay mạnh như thế là bởi vì anh chị em là một nhóm người yêu sự thật và đi tìm sự thật ( cộng đoàn lại vỗ tay rền vang một lần nữa ).

Thông tin là để nói cho nhau nghe sự thật. Thông tin không phải là cắt đầu cắt đuôi để bôi nhọ người khác. Thông tin không phải là cắt đầu cắt đuôi câu nói của người ta để dìm người ta xuống bùn đen, để phục vụ cho không biết những cái quyền lợi bất chính nào.

Chúng ta đi tìm sự thật. Và như lời Thánh Kinh nói: “Sự Thật sẽ giải phóng chúng ta”, còn những lời nói dối với thời gian, nó sẽ cháy. Chúa cho tôi nhìn thấy một cộng đoàn đang yêu mến Sự Thật, đang đi tìm Sự Thật. Lại một món quà lớn nữa trong dịp mừng Lễ Thánh Mátthêu này.

Chúa cho tôi nhìn thấy cái gì nữa ? Chúa cho tôi nhìn thấy một cộng đoàn yêu mến Công Lý, một cộng đoàn vô tư, một cộng đoàn vô vị lợi. Anh chị em Thái Hà đi giữ một mảnh đất, hỏi có ai sau này sẽ bán được tấc đất nào để ăn không ? Chả ai, chả anh nào bán được !

Thế trong Sài-gòn có một cái ông nhà báo nào đấy, cũng tương tự như báo Hà Nội Mới ngoài này này, ông ấy bảo: "Chuyện vô lý, sau này mình chẳng được tấc đất nào cả mà cũng đi đòi đất !". Cũng chẳng vô lý hơn ông, ông không bao giờ hiểu được rằng người ta có thể chẳng có tý quyền lợi nào mà người ta đặt hết tất cả tâm hồn vào đấy. Chứ nếu mà phải có quyền lợi mới đặt hết tâm hồn vào đấy thì chỉ có là tham nhũng thôi. Thế ở đây chúng ta chẳng có ai là tham nhũng. Các cha các thầy ở đây chẳng tham nhũng, anh em chị em từ nơi xa về đây cầu nguyện một lúc rồi đi cũng chẳng tham nhũng. Chả biết là tham nhũng ở đâu ! ? !

Chúa cho tôi nhìn thấy chúng ta là một cộng đoàn vô vị lợi, chúng ta là một cộng đoàn đi tìm sự tự do của tâm hồn, chúng ta là một cộng đoàn đi tìm những giá trị tâm linh, chúng ta là một cộng đoàn cầu nguyện. Tóm lại, tôi sợ rằng tôi nói chưa hết đâu, nhưng mà nghĩ lại thì bên dưới cái vỏ bọc có lẽ là màu tím của Lễ Thánh Mátthêu năm nay, có quá nhiều ơn lành của Chúa, có quá nhiều món quà của Chúa.

Từ món quà của Tám Mối Phúc: "Phúc cho những ai vì Thầy mà bị lăng mạ, bị sỉ nhục, bị thiên hạ ghét bỏ hãy vui mừng vì phần thưởng của anh em trên trời lớn lao".

Cho đến món quà Cầu Nguyện, cho đến món quà yêu mến Sự Thật, cho đến cái món quà yêu mến Công Lý, cho đến cái món quà từ tất cả những điều đó ta đi về và ta triển khai, ta chia sẻ, ta thông tin cho tất cả mọi người chung quanh ta.

Tôi nghĩ không biết có năm nào tôi mừng lễ bổn mạng mà nhiều ơn lành đến như thế chăng ? Tôi nói tôi, nhưng ơn này có ban gì riêng cho tôi đâu, tôi chỉ có một phần rất nhỏ trong đấy thôi. Tôi được chứng kiến một ơn mà Chúa ban cho toàn thể cộng đoàn, Chúa ban cho Dân Chúa.

Tôi được chứng kiến một thời điểm ơn Chúa xuống như mưa như gió trên cộng đoàn này. Thế thì còn muốn gì nữa, lấy cái vui nào, cái liên hoan nào mà đổi lại được với hồng ân ấy mà Chúa ban cho !

Cho nên Thánh Mátthêu từ lúc ngồi ở bàn thu thuế đầy tham-sân-si đứng lên đi theo Chúa, dần dần ông đã học được các mối phúc. Mối phúc cho người bị sỉ nhục, bị lăng mạ v.v... Và tôi muốn kết thúc bằng một nhận định của Thánh Mátthêu trong Tin Mừng của Ngài, chương 6, ấy là Mátthêu nói chúng ta rằng: “Hãy đi tìm Nước Thiên Chúa là sự công chính của Người còn các cái khác sẽ được ban cho sau." Con xin cảm tạ Chúa vì Chúa đã cho con nhìn thấy sự Công Chính của Chúa dâng lên dãy đầy trong lòng Dân Chúa trong năm nay.

Sáng nay tôi tiếp chuyện một cha giáo chuyên viên Phụng Vụ từ trong Nam ra đây dạy Đại Chủng Viện, ngay trước mặt tôi, Cha giáo đã gọi điện thoại về cho Cha Bề Trên Đại Chủng Viện Sài-gòn nói rằng: "Cha ơi, tinh thần của anh chị em ngoài này tuyệt vời lắm !" và Cha Bề Trên Đại Chủng Viên Sài-gòn cũng điện ngay cho tôi trong cuộc điện thoại ấy: "Xin gửi lời chào tất cả anh chị em !".

Chúng ta ở đây mà nghe tâm tư của bao nhiêu con người, những con người ở rất xa. Người ta nói “Nước lên thuyền lên”, chúng ta như con thuyền được dòng nước của lời cầu nguyện bốn phương thiên hạ nâng chúng ta lên.

Đấy, giờ phút thông hiệp đó là giờ phút xin cảm tạ Chúa đã cho chúng ta được có, được cảm nghiệm trong dịp Lễ Thánh Mátthêu năm nay. “Phúc cho những ai chỉ biết đi tìm Nước Chúa là sự công chính của Người, còn các cái khác sẽ được ban cho sau." Amen.

Lm. Mátthêu Vũ Khởi Phụng, Bề Trên DCCT Thái Hà, Hà Nội
Lễ kính Thánh Mátthêu, Thái Hà, thứ hai, 22.9.2008


CÓ CÂY THẬP GIÁ ĐỜI HÔM NAY

Tôi ngồi viết những dòng suy nghĩ này trong nỗi buồn uất nghẹn. Đêm qua ( đêm Chúa Nhật 21 tháng 9 ), cả đêm tôi đã không ngủ được. Khi tôi vừa lên giường chợp mắt ( khoảng 11g30 ), tiếng điện thoại réo kêu, tin dữ báo về, Thái Hà bị tấn công bởi một nhóm người hung dữ, cộng đoàn Dân Chúa bị đánh tan tác, kẻ bị thương, người rách quần rách áo…

Linh Địa, vùng đất dân Thái Hà tổ chức cầu nguyện bấy lâu, nay bị cô lập, hàng rào đã được kéo ngang, tất cả lều trại của những người canh giữ đã bị phá tung và mang đi mất, tượng ảnh bị đập bể. Đền Thánh Giêrado cũng bị phá phách, cánh cổng đền bị bật tung.

Khi anh em tôi gọi điện thoại cho tôi, tiếng la ó vang dội chung quanh Nhà Thờ, tiếng thét vang như căm thù cuồng nộ, người ta réo gọi tên cha Bề Trên DCCT Hà Nội, tên Đức Tổng Giám Mục Hà Nội với những lời lẽ thô tục, họ đòi giết các ngài, kinh khủng thật, con người được dạy bảo thù hận lẫn nhau.

Mấy ngày nay người Công Giáo Hà Nội cũng đang đau khổ, nguyện vọng và ước mong về một mảnh đất đã vỡ tan tành, người ta đã cày xới và làm thay đổi tất cả, người ta đã tước đoạt cả đến ước mơ rất bình thường và đơn giản của người dân.

Chắc chẳng còn gì để nói nữa, mà nói cũng chẳng được nữa. Công trình xây dựng được hàng trăm công an bảo vệ, công trình phá phách của nhóm người hung dữ cũng được hàng trăm Công An bảo vệ. Lực lượng bảo vệ pháp luật và nền an bình đã đứng ra bảo vệ cho một vụ tranh cướp và một vụ quấy phá tục tằn. Hết rồi, chấm dứt những ước mơ, những lời hứa hẹn trở nên hão huyền.

Có người đã gọi cuộc đối đầu ở Hà Nội là “trứng chọi đá”, trứng chọi đá vì một bên là súng ống, là Công An, là chó nghiệp vụ, một bên không có gì ngoài lời kinh, ngoài lòng tín thác cho Chúa. Người ta sẽ băn khăn tự hỏi, rồi sẽ ra sao ? Tôi nghĩ, thôi thì bên nào đã tin vào cái gì thì cứ tin, và cứ đi đến cùng cái tin của mình xem sao.

Chợt có ai nhắc tôi nhớ đến những mệnh lệnh ở Fatima:

- Sám hối, cải thiện đời sống.

- Tôn sùng Trái Tim Mẹ.

- Siêng năng lần hạt Mai Khôi.

Người Kitô hữu muốn chứng minh mình thắng, không thể không thi hành những mệnh lệnh này, sao nhãng không thi hành những mệnh lệnh này mà mong mình thắng thì chỉ là ảo tưởng.

Có khi chính vì mình không sống tinh thần sám hối mà sự dữ mới có cơ hoành hành, đau khổ tràn lan. Có khi chính vì mình không cải thiện đời sống nên Chúa đã muốn nhắc nhở chúng ta thân phận mong manh của mình. Chắc chắn Đức Mẹ đang giang rộng cánh tay để đón mời ta đến với Mẹ. Chắc chắn Mẹ luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường nhân thế.

Trong lúc dầu sôi lửa bỏng này, chúng ta càng phải sống triệt để Tin Mừng hơn, giới răn Chúa Giêsu đề nghị chúng ta sống đó chính là tình yêu thương. Thế gian nuôi hận thù, kệ họ, thế gian la ó đòi giết người, năm xưa họ đã chẳng la ó đòi giết Chúa Giêsu đó sao, kệ họ. Chúng ta càng phải yêu thương nhau nhiều hơn.

Trên thập giá, Chúa Giêsu đã bị thử thách về sự cô đơn, sự bị bỏ rơi, Chúa biết rằng Chúa Cha không bỏ mình, nhưng Chúa Giêsu vẫn cần sự hiện diện của Mẹ và các môn đệ, xin đừng để những ai trên thập giá đời hôm nay cũng bị thử thách nặng nề như vậy.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 22.9.2008



ĐÊM THẮP NẾN CẦU NGUYỆN
CHO TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI VÀ GIÁO XỨ THÁI HÀ

19g THỨ TƯ 24.9.2008 TẠI ĐỀN ĐMHCG SÀI-GÒN

Hôm nay con số ước lượng khoảng 7.000 người về dự
Trước và sau khi tập hát cộng đoàn, cha Lê Quang Uy đã cẩn thận dặn dò
Mọi người cần phải bình tĩnh, biết kiềm chế và tỉnh táo trong mọi tình huống bất ưng.
Các tình nguyện viên áo trắng của Giới Trẻ Giáo Xứ, áo xanh của Nhóm FIAT,
Các y bác sĩ, xe cứu thương bệnh viện Thánh Mẫu, Sài-gòn, luôn túc trực...
Hôm nay, các cộng đoàn Tu Sĩ về hiệp thông với DCCT khá đông,
Bên nam có các cha Dòng Thánh Đa Minh, Dòng Thánh Phanxicô,
Bên nữ có Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, Dòng Thánh Phaolô,
Tu Hội Nô Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục...

Hát mở đầu bài Hành Trang Người Trẻ của cha Hoàng Đức:

“Lạy Chúa, chúng con về từ bốn phương trời...
Hành trang con mang theo đầy đau buồn của thế giới,
Hành trang con mang theo mọi ưu phiền của kiếp nghèo...
Hành trang con mang theo mọi khát vọng tìm chân lý,
Hành trang con mang theo mọi nỗ lực tìm công bằng...”

Tấm màn lớn được căng ngang Cung Thánh, đèn Nhà Thờ mở sáng,
Các cha mặc sẵn áo Lễ xuống ngồi các hàng ghế đầu chung với cộng đoàn,
Các thầy mặc áo Dòng ngồi phía trên Cung Thánh...

Mở đầu cha Lê Quang Uy dâng lời cầu nguyện ngắn,
Thay mặt Nhà Dòng ngỏ đôi lời về lý do buổi cầu nguyện và Thánh Lễ hôm nay:
Đó là tinh thần hiệp thông với anh chị em Giáo Dân Tổng Giáo Phận Hà Nội,
Giáo Xứ Thái Hà và các cha các thầy DCCT Hà Nội,
Cầu nguyện cho Hội Thánh can đảm làm chứng cho Tin Mừng Yêu Thương,
Cầu nguyện cho quê hương đất nước Việt Nam có được Công Lý và Hòa Bình thật sự,
Cầu nguyện cho những người đang bách hại lẫn người đang phải chịu bách hại...

Cha Lê Quang Uy nhắc đến lá thư của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn viết ngày 22.9.2008
gửi Linh Mục Tu Sĩ, Giáo Dân Tổng Giáo Phận Sài-gòn, đã được đọc những ngày vừa qua.
Cộng đoàn nhìn hình và nghe bản ghi âm giọng nói của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt
trong cuộc họp với UBND Thành phố Hà Nội ngày 20.9.2008...
Kết thúc bài phát biểu của Đức Cha Ngô Quang Kiệt, cộng đoàn đã vỗ tay rền vang...

Chiếu thêm nhiều hình ảnh lên tấm màn lớn:
Hình ảnh Tòa Khâm Sứ những ngày cuối năm 2007, khởi đầu cuộc cầu nguyện.
Hình ảnh sự biến ngày 19.9.2008, khủng bố, phong tỏa tại Tòa Khâm Sứ Hà Nội.
Hình ảnh Giáo Xứ Thái Hà những ngày đầu năm 2008, khởi đầu cuộc cầu nguyện.
Hình ảnh sự biến khuya ngày 21.9.2008, khủng bố, bạo động, phá hoại tại Thái Hà.

Cha Lê Đình Phương, qua điện thoại di động, phỏng vấn trực tiếp
cha Vũ Khởi Phụng, Bề Trên DCCT Thái Hà Hà Nội.
Sau mỗi lời của cha Phụng, cộng đoàn lại vỗ tay rền vang...

Đèn Nhà Thờ tắt hết, hình ảnh được chiếu lên tấm màn...
Sau mỗi ý nguyện, cộng đoàn hát lại câu ngắn:

“Thần Khí Thiên Chúa, Ngài là Ánh Sáng đẩy lui tối tăm,
Thần Khí Thiên Chúa, Ngài là Sự Thật, giải cứu chúng con”.

Cầu nguyện cho Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và anh chị em Giáo Dân Hà Nội,
cùng tất cả những nơi đang khao khát thực thi Công Lý và Hòa bình...

Cầu nguyện cho Giáo Dân Thái Hà và DCCT Hà Nội, đặc biệt cho những người đã bị bắt giữ, khủng bố, đánh đập tàn nhẫn những ngày vừa qua...

Cầu nguyện cho Công Lý và Hòa Bình trên toàn quê hương Việt Nam,
cho các dân oan khắp nơi đang khiếu kiện, các nạn nhân của bất công xã hội...

Cầu nguyện cho những ai đang cố tình bóp méo, vu khống, xuyên tạc sự thật trong những thông tin vừa qua...

Cầu nguyện cho nhà cầm quyền được sáng suốt công minh trong các quyết định an dân, thuận lòng dân...

Cộng đoàn hát chung Kinh Hòa Bình với nến sáng trên tay.
Đến giữa bài, thì màn bắt đầu mở ra, các cha tiến lên Cung Thánh.

Cha Giám Tỉnh DCCT Phạm Trung Thành chủ tế, ngỏ lời mở đầu...
Đồng tế có cha Cao Đình Trị, Phó Giám Tỉnh DCCT,
Cha Nguyễn Quang Duy, Bề Trên Tu Viện DCCT Sài-gòn,
Quý cha Dòng Đa Minh, Dòng Phanxicô, Hạt Tân Định, Hạt Xóm Mới...
và rất đông các cha, các thầy DCCT ở nhiều cộng đoàn về hiệp thông.

Thầy Nguyễn Trường Chính, Học Viện DCCT, đọc bài Thánh Thư 1Pr 3, 13 – 17:

“Ai làm hại được anh em, nếu anh em nhiệt thành làm điều thiện ?
Mà nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc !
Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến.
Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em.
Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.
Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng.
Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Kitô,
thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống,
bởi lẽ thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý của Thiên Chúa,
còn hơn là vì làm điều ác”. Đó là Lới Chúa. Tạ ơn Chúa.

Một bạn nữ ca đoàn hát bài Đáp Ca TV 26 ( Thành Tâm ):

”Chúa là nguồn ánh sáng, là ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ gì ai ?
Chúa là thành lũy bảo vệ đời tôi, tôi khiếp sợ chi ai ?
Khi ác nhân xông vào định nuốt sống tôi, ai ngờ,
có ai ngờ chính đối phương, những địch thù ấy, lại lảo đảo té nhào.
Ngày tôi gặp tai ương hoạn nạn, Người che chở tôi trong lều Thánh,
đem giấu tôi thật kín trong nhà, đặt an toàn trên tảng đá cao...”

Cha Nguyễn Đức Thông công bố Tin Mừng Mt, 26 – 68 và diễn giảng...

Họ bắt Đức Giêsu, rồi điệu đến Thượng Tế Caipha. Các kinh sư và kỳ mục đã tề tựu sẵn đó.
Ông Phêrô theo Người xa xa, đến tận dinh Thượng Tế.
Ông vào bên trong ngồi với bọn nha dịch, xem kết cuộc ra sao.
Còn các Thượng Tế và toàn thể Thượng Hội Đồng thì tìm chứng gian buộc tội Đức Giêsu để lên án tử hình.

Nhưng họ tìm không ra, mặc dầu có nhiều kẻ đã đứng ra làm chứng gian.
Sau cùng, có hai người bước ra, khai rằng:
"Tên này đã nói: tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa, và nội trong ba ngày, sẽ xây cất lại".

Và vị Thượng Tế đứng lên hỏi Đức Giêsu:
"Ông không nói lại được một lời sao ? Mấy người này tố cáo ông gì đó ?"
Nhưng Đức Giêsu vẫn làm thinh. Vị Thượng Tế nói với Người:
"Tôi nại đến Thiên Chúa hằng sống, mà truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết:
ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa không ?”
Đức Giêsu trả lời: "Chính ngài nói đó. Hơn nữa, tôi nói cho các ông hay: từ nay,
các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến".

Bấy giờ vị Thượng Tế liền xé áo mình ra và nói:
"Hắn nói phạm thượng ! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa ?
Đấy, quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao ?" Họ liền đáp: "Hắn đáng chết !"

Rồi họ khạc nhổ vào mặt và đấm đánh Người.
Có kẻ lại tát Người và nói: "Ông Kitô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi nghe đi: ai đánh ông đó ?"

Bài giảng kết thúc, cộng đoàn vỗ tay rền vang...

Phần Hiệp Lễ, bắt đầu thắp nến trở lại cho cộng đoàn...
Sau Lời Nguyện Hiệp Lễ, cộng đoàn nến sáng trên tay, bắt đầu hát Kinh Hòa Bình.
Đoàn Linh Mục rồi đến anh chị em Giáo Dân rời khỏi Đền,
tiến ra Hang Đá Đức Mẹ và tượng đài Chúa Chiên Lành.

Sau khi cha Giám Tỉnh cám ơn và chúc lành cộng đoàn,
Đọc chung một Kinh Kính Mừng, kết bằng bài hát của Hải Linh sáng tác từ 1945:
“Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam, trời u ám chiến tranh điêu tàn.
Mẹ hãy giơ tay ban phúc Bình An, đưa Việt Nam qua phút nguy nan”.

Đọc chung kinh “Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành...”
Mời gọi cộng đoàn gắn nến sáng dưới thềm Hang Đức Mẹ và tượng đài Chúa Chiên Lành...
Cầu nguyện trong thinh lặng và chia tay ra về...

Trung Tâm Mục Vụ DCCT, tối thứ tư 24.9.2008




BÀI GIẢNG THÁNH LỄ ĐÊM THẮP NẾN CẦU NGUYỆN
ĐỀN ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP SÀI-GÒN, THỨ TƯ 24.9.2008

Kính thưa quý cha, quý nam nữ Tu Sĩ, anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta tập trung ở đây đông đảo thế này vì một nỗi bức xúc, bức xúc rất nhiều, và tôi chẳng cần nhắc lại những bức xúc ấy làm gì để mình càng thêm bức xúc.

Vì bức xúc cho nên đôi khi chúng ta đánh mất đi sự bình an trong tâm hồn, vì bức xúc cho nên có khi ta đánh mất sự hòa bình mà Chúa Giêsu đã đặt trong lòng mỗi người Công Giáo, vì bức xúc cho nên có khi chúng ta có những lời nói, có những cử chỉ không giống như Chúa Giêsu, Chúa của chúng ta.

Và chính vì vậy mà hôm nay chúng ta họp nhau ở đây để cầu nguyện, ta cầu nguyện xin Chúa cho ta có sự bình an, ta cầu nguyện để xin Chúa cho chúng ta bình tĩnh trong tất cả mọi tình huống.

Ta cầu nguyện xin Chúa cho chúng ta có được một có sự tôn trọng sự thật, và chos mọi người cũng biết tôn trọng sự thật, ta cầu nguyện để xin Chúa cho chúng ta được ơn sống theo sự thật và mọi người cũng được ơn sống theo sự thật.

Ta cầu nguyện để xin Chúa cho chúng ta trở thành những con người xây dựng hòa bình, đó là lý do chúng ta họp mặt ở đây để cầu nguyện cho chúng ta và cho mọi người Việt Nam trở thành những con người xây dựng hòa bình, và muốn trở thành những con người xây dựng hòa bình.

Cha Henry J.M. Nouwen, trong tác phẩm “Đường đến hòa bình” ( Nguyên tác “The road to peace: writings on peace and justice” ), chỉ cho chúng ta hai việc, và hai việc này phải làm cùng với nhau. Việc thứ nhất, ngài bảo rằng:

Muốn xây dựng Hòa Bình thì ta phải ra khỏi ngôi nhà Chiến Tranh. Nghĩa là muốn xây dựng hòa bình ta phải lột ra khỏi lòng ta tất cả những gì là căm thù, là ghen ghét, là chiến tranh, là chết chóc. Muốn xây dựng hòa bình thì phải lột bỏ ra khỏi con người của ta là kiêu căng, là ích kỹ muốn xây dựng hòa bình thì ta phải lột bỏ hỏi con người chúng ta những trò chơi chết chóc, kể cả những phim bạo lực, phải bỏ hết.

Vậy việc đầu tiên để ta có thể xây dựng hòa bình, và chắc chắn anh chị em có mặt ở đây đều là những người khao khát hòa bình, đang muốn mình trở thành những con người xây dựng hòa bình, thế thì ta hãy im lặng một phút để xin Chúa cởi bỏ khỏi lòng ta tất cả những gì là căm hờn, là hận thù, là ghen ghét, là kiêu căng, là ích kỷ... để lòng chúng ta có một chỗ cho Đấng là Hòa Bình ngự đến. Xin anh chị em im lặng một phút ( cộng đoàn thinh lặng... )

Sau khi chúng ta đã ra khỏi căn nhà của Chiến Tranh, nghĩa là lột bỏ khỏi tất cả những gì có thể làm cho chúng ta trở thành con người hiếu chiến, thì việc thứ hai phải làm ngay nếu không thì những cái hiếu chiến nó sẽ lại lẻn vào trong lòng chúng ta. Đó là phải đi vào “Ngôi Nhà Hòa Bình”, đi vào trong căn nhà của hòa bình nghĩa là đi vào trong chính Chúa Giêsu, bởi vì Ngài là Hoàng Tử Hòa Bình.

Vậy thì việc thứ hai, ta vừa lột bỏ tất cả những gì của chiến tranh, bây giờ ta phải mặc lấy những gì Chúa Giêsu sống. Ta hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu, ta xem Chúa Giêsu đã sống như thế nào. Suốt cuộc đời từ khi Chúa Giêsu bắt đầu loan báo Tin Mừng một cách công khai thì việc của Ngài là chữa lành, việc của Ngài là rao giảng Tin Mừng, việc của Ngài là đấu tranh chống lại bất công. Và một trong nhưng cuộc đấu tranh chống lại bất công của Ngài được ghi ngay ở chương hai Tin Mừng Gioan, đó là đuổi quân buôn bán ở Đền Thờ. Quân buôn bán đã biến Đền Thờ của Chúa trở thành một chỗ kinh doanh. Dân đi tới dâng lễ cho Thiên Chúa đã bị người ta bóc lột. Và người ta lại gian ác đến độ bóc lột Dân Thiên Chúa nhân danh chính Thiên Chúa.

Cho nên Chúa Giêsu không chịu nổi, Ngài đuổi quân buôn bán khỏi Đền Thờ. Nghĩa là Ngài bước đi, Ngài đạp nát những gì là bất công trên trần gian này. Ngài cũng đã chỉ thẳng mặt người lãnh đạo ở thời của Ngài và bảo rằng các ông không tìm cách tôn vinh Thiên Chúa đâu, các ông chỉ tìm cách tôn vinh lẫn nhau thôi. Tôi nhân danh Cha tôi mà đến, các ông không đón nhận. Còn những người khác nhân danh mình mà đến thì các ông lại đón nhận ngay. Các ông không tìm kiếm vinh quang xuất phát từ Thiên Chúa, mà các ông chỉ tìm kiếm vinh quang lẫn cho nhau thôi, chỉ tìm cách tôn vinh lẫn nhau thôi.

Trong Tin Mừng Nhất Lãm, Chúa Giêsu chỉ thẳng mặt những người có quyền, cả những người có quyền trong Do Thái Giáo nữa, Ngài chỉ thẳng mặt họ Ngài bảo rằng:

"Các ông tưởng các ông ngon lành, các ông chỉ là đồ mồ mả tô vôi, ở ngoài hào nhoáng, ở trong thối hoắc. Các ông tưởng các ông ngon lành, các ông bó những bó thật nặng chất lên vai người ta, còn chính các ông chẳng bao giờ động một ngón tay lay thử. Các ông đi khắp biển cả đất liền, chính phục một người tòng giáo và khi nó tòng giáo rồi thì các ông lại biến nó thành con cái hỏa ngục gấp đôi các ông. Nước Trời các ông không muốn vào, còn những người khác muốn vào thì các ông không cho vào. Tôi bảo thật cho các ông biết, lũ đĩ điếm và thu thuế sẽ vào Nước Trời trước các ông”.

Chính vì Chúa Giêsu đấu tranh kịch liệt như vậy cho nên là họ quyết định giết Ngài. Chính Caipha sai người đi bắt Chúa Giêsu. Họ không dám bắt, họ thấy Chúa Giêsu làm những chuyện không ai làm được. Họ đi về không. Caiha thở dài: ”Các ông chẳng làm được cái quái gì ! Người ta theo ông ấy hết rồi. Và khi đó đế quốc Roma sẽ vào đây tiêu diệt nơi thánh này...” Đế quốc tiêu diệt nơi thánh ấy làm gì ? Họ chỉ có một lý do chính trị để chụp mũ cho Chúa Giêsu và rồi cuối cùng họ bắt Chúa Giêsu thật.

Trong vụ án Chúa Giêsu, ta thấy đây là một vụ án bất công. Như trong bài Tin Mừng anh chị em vừa nghe, bắt Chúa Giêsu rồi người ta mới hỏi: “Ê, mình phải tố cáo hắn về chuyện gì cho hắn phải chết ?” Chưa có tội đã bắt ! Bắt xong mới kết án thì đường nhiên là chết. Rồi họ tìm đủ mọi cách, họ kêu người tới để tố cáo Chúa Giêsu nhưng cũng chẳng tìm được lý do nào để kết án Chúa Giêsu.

Cuối cùng chính Caipha đã hỏi Chúa Giêsu: “Nhân Danh Thiên Chúa hằng sống, ông hãy nói cho chúng tôi biết ông có phải là con Thiên Chúa hằng sống không ?” Caipha mới nhân danh Thiên Chúa để hỏi thì đương nhiên Chúa Giêsu cũng nhân danh Thiên Chúa để trả lời: “Đúng như miệng ông vừa nói. Ông sẽ thấy trời mở ra và Con Người ngự bên hữu Thiên Chúa”.

Đúng ra Caipha phải nhận ra đây là sự thật thì ông ta lại không nhận. Caipha đã nại vào lời sự thật này mà kết án Chúa Giêsu. Caipha bảo: “Quý vị có nghe miệng nó vừa nói không ? Chính miệng nó vừa kết án nó. Nó đã nói phạm thượng, nó dám tự xưng mình là con Thiên Chúa”.

Và từ lúc đó, anh chị em để ý, Chúa Giêsu im lặng không nói gì nữa. Nói làm gì nữa ? Mình nói sự thật mà người ta không nghe thì nói làm gì nữa ! Im lặng ! Người ta giải Chúa Giêsu từ tòa án tôn giáo sang tòa án chính trị.

Tại tòa án của Philatô, người ta nhao nhao lên tố cáo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không trả lời câu nào. Philatô ngạc nhiên: “Ông không nghe người ta tố cáo ông à ? ông đã làm gì ?” Chúa Giêsu không nói. “Vậy thì ông có phải là vua Do Thái không ?” Chúa Giêsu bảo: “Ông tự mình nói thế hay có ai nói với ông về tôi ?” – Philatô lại nói: “Tôi có phải là người Do Thái đâu ! Vậy ông đã làm gì ?” Chúa Giêsu bảo: “Tôi sinh ra và đén trong thế gian này chỉ để làm chứng cho sự thật. Ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi !”

Sau đó người ta còn tố cáo nhiều điều. Philatô đã ra thỏa thuận với dân: “Thế ông này không có tội gì để phải chết...” Nhưng dân chúng vẫn quyết tâm đòi đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá. Cuối cùng để yên thân Philatô đã để cho người ta đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá. Ông vào hỏi Chúa Giêsu lần nữa. Chúa không nói. Philatto bảo: “Ngay cả đến tôi hỏi mà ông còn không trả lời À ? Ông không biết rằng tôi có quyền tha ông và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao ?” Chúa Giêsu bảo: “Ông chẳng có quyền gì trên tôi nếu như từ Trên không ban xuống cho ông. Cho nên kẻ nộp tôi cho ông thì mắc tội nặng hơn ông”. Ta thấy Chúa Giêsu là một con người tự do, đang bị trói, đang bị xét xử nhưng mà vẫn chỉ thẳng mặt kẻ đang xét xử mình...

Và cũng từ lúc ấy Chúa Giêsu im lặng không nói gì nữa. Tại sao Chúa Giêsu im lặng ? Phải chăng Chúa Giêsu im lặng để tích trữ hận thù trong lòng ? Tại sao Chúa Giêsu im lặng ? Phải chăng Chúa Giêsu im lặng bởi vì những con người này không đáng để cho mình nói chuyện ? Tại sao Chúa Giêsu im lặng ? Những con người này không tôn trong sự thật thì nói làm gì ?

Thưa không ! Nếu ta hiểu sự im lặng của Chúa Giêsu như thế thì ta hiểu chưa tới nơi tới chốn. Chúa Giêsu im lặng, im lặng để âm thầm trong đau khổ nhục nhã mà cầu nguyện cho những con người đang chủ mưu đóng đinh mình. Tấm lòng Chúa Giêsu ôm ấp người ta, ôm ấp những con người đang chuẩn bị đóng đinh mình vào thập giá...

Cho đến khi người ta đã đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá tồi thì lòng Ngài mới bùng vỡ ra bằng một lời cầu nguyện vô cùng dễ thương: "Lạy cha, xin cha hãy tha cho họ vì họ không biết việc họ làm".

Anh chị em thân mến, có lẽ vì Chúa Giêsu ôm ấp tất cả mọi người, kể cả những người thù ghét Ngài trong lòng và Ngài chỉ cầu mong cho họ được ơn tha thứ, chỉ cầu mong cho họ được hạnh phúc, được bình an, cho nên cái chết của Chúa Giêsu là cái chết an bình vô cùng. Cho đến độ người đội trưởng đội hành quyết Chúa Giêsu phải thốt lên: "Quả thật ông này là con Thiên Chúa".

Anh chị em thân mến, ta cởi bỏ, ta ra khỏi căn nhà của Chiến Tranh, ta bước vào trong căn nhà của Hòa Bình nghĩa là ta mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu để ta sống cuộc sống hôm nay của ta. Ta mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu để sống cái căng thẳng lúc này. Ta mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu để sống cái nỗi bức xúc của ta. Và tâm tình này không phải để căm ghét, tâm tình này không phải để mong Chúa phạt người này phạt người khác, mà là ôm cả nhân loại này, cả những cái con người thù ghét mình vào trong lòng, cầu nguyện cho họ, chấp nhận tất cả mọi sự để cầu nguyện cho họ.

Và người Công Giáo chỉ chiến thắng khi nào, những anh em ghét bỏ ta, những anh em giết ta, họ cũng phải nhận ra một chuyện rằng: họ có một Thiên Chúa là Cha, và chúng ta với họ là anh em. Khi ấy chúng ta mới thực sự là người Kitô. Còn bao lâu, vì bất cứ lý do gì, ta lại cầu nguyện xin điều ác cho người khác. thì bấy giờ ta vẫn đang là người phá hoại chứ chưa phải là người xây dựng hòa bình.

Vậy thì anh chị em thân mến, chúng ta họp nhau nơi đây để chúng ta cầu xin Chúa trong nỗi bức xúc này. Ta khỏi nói Chúa cũng biết, nhưng chính trong nỗi bức xúc này, ta sẽ cư xử theo kiểu thế gian để trở thành người thế gian, hay sẽ cư xử theo kiểu của Chúa Giêsu để trở thành người của Chúa Giêsu ? Mà muốn cư xử như Chúa Giêsu, ta phải ra khỏi căn nhà của Chiến Tranh, ta phải bước vào căn nhà của Hòa Bình, nghĩa là ta phải dìm mình vào trong Chúa Giêsu, ta mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu, ta ôm hết lấy tất cả những con người hận thù ghen ghét chúng ta.

Ta cầu nguyện cho họ để một ngày nào đó họ cũng nhận ra Thiên Chúa là Cha họ và họ cũng nhận ra chúng ta là anh em chị em với nhau. Lúc ấy Nước Trời sẽ có mặt, lúc ấy Chúa Giêsu sẽ là Chúa, lúc ấy chúng ta chỉ có một người Cha và tất cả chúng ta là anh chị em.

Đó là lý do của cuộc hội họp cầu nguyện hôm nay, và tôi hy vọng, tôi tin tưởng và tôi cầu xin cho anh chị em tiếp tục mang trong tâm hồn mình tâm hồn Hòa Bình của Chúa Giêsu, để lời cầu nguyện của chúng ta hôm nay sẽ trở thành hiện thực, để lời cầu nguyện của chúng ta hôm nay sinh hoa kết trái, không phải chỉ trong lòng chúng ta mà là trong cả gia đình, trong cả cộng đoàn và trên cả đất nước chúng ta.

Xin Chúa chúc lành cho quyết tâm của mỗi người chúng ta muốn được trở thành những con người xây dựng Hòa Bình hôm nay và mãi mãi. Amen.

Lm. Đaminh NGUYỄN ĐỨC THÔNG, DCCT, Sài-gòn 24.9.2008



No comments: