Lúc đầu chỉ có một công trường làm đường. Hà Nội đang làm con đường vành đai từ đê La Thành sang Kim Liên, qua Ô Chợ Dừa. Một vấn đề hạ tầng cơ sở, chuyện công chánh, cầu đường, lục lộ. Làm sao giải toả lưu thông cho một thành phố đã quá nhiều xe, quá nhiều khói, quá nhiều bụi. Thế rồi bỗng đâu quá khứ hiện về, ở chỗ đáng lẽ chỉ có mặt đường nhựa và xe cộ chạy như thác lũ, hàng chục thế kỷ, và mấy chục thế hệ con người tưởng đã chôn sâu lại nổi lên bề mặt thời gian.
Phải công nhận từ mấy năm nay Hà Nội được mùa bội thu về khảo cổ. Mới ngày nào phát hiện ở chung quanh hội trường Ba Đình di tích hoàng thành thật hoành tráng của các triều đại Lý, Trần, Lê, nay lại khai quật được di chỉ đàn Xã Tắc thời Lý ở ngay Ô Chợ Dừa. Âu là anh linh tiên tổ và hồn thiêng sông núi dun dủi khiến cho vào thời điểm chuẩn bị mừng kỷ niệm 1000 năm dựng đô Thăng Long, thế hệ chúng ta đang có khuynh hướng trở nên quá thực dụng, lại có cơ duyên giáp mặt với thế giới tâm linh.
Các sử gia và các nhà khảo cổ giống như nhứng quân canh thức khuya nghe ngóng động tĩnh trong đêm đen. Họ là những người có công đầu trong việc phát hiện đàn Xã Tắc. Tại sao lộ giới của con đường đang mở lại đi qua một điểm có tên là phường Xã Đàn ? Ngày xưa Ô Chợ Dừa là cửa ngõ phía Nam đi vào kinh đô Thăng Long # Kẻ Chợ. Vì thế mà ngôi làng trải rộng từ Ô Chợ Dừa đến gò Đống Đa mới mang tên là Nam Đồng, nghĩa là cánh đồng phía Nam Kinh đô. Đình làng
Hai mũi thăm dò đầu tiên trên khoảng đất trống chưa có kết quả. Nhưng mũi thăm dò thứ ba đã gặp được những di chỉ kiến trúc cổ. Thật ra nhưng di chỉ này cổ hơn triều Lý nhiều. Một ngôi mộ Hán thời Bắc Thuộc, thế kỷ I – II, với những đồng tiền Ngũ Thù, sau bao nhiêu đời chìm sâu trong lòng đất, lại tái ngộ cõi nhân sinh 2000 năm sau. Địa điểm này là một gò cao chứa đựng nhiều tầng văn hoá, nhiều tầng lịch sử như vẫn thường thấy nơi các hiện trường khai quật khảo cổ. Cả ngàn năm sau thời Bắc Thuộc ấy, vua Lý Thái Tổ mới thiên đô về Thăng Long. Ngày nay đến thăm mảng đất bên Ô Chợ Dừa này, ta thấy những đường xẻ ngang xẻ dọc, với những độ sâu khác nhau, ngăn cách từng khối đất. Ngôi mộ Hán được bao bọc thật kỹ, với những dây thép lớn bó chặt. Người ta đang cố gắng trục nguyên trạng cả khối đất lên đưa về viện bảo táng.
Cao hơn ngôi mộ Hán mấy thước hiện ra dấu vết của con đường thẳng lát những tấm sành vuông góc. Con đường tạo thành một chu vi chữ nhật, bề rộng 40m, bề dài chưa thể xác định là bao nhiêu vì chưa khai quật xong, chưa biết chừng quần thể di tích này còn lan rộng tới bên dưới nền những ngôi nhà không thuộc diện giải toả. Người ta dự đoán con đường này là ngoại vi của hai ba tầng tế đàn. Điều làm cho các chuyên gia tin chắc đây là đàn Xã Tắc ( đàn thờ thần đất, thần lúa ) là đã phát hiện những chum sành bên trong đựng lúa gạo, xem ra được dùng vào việc tế tự, lễ nghi tôn giáo. Và trắc nghiệm bằng phương pháp C 14 xác nhận đây là những hiện vật thời Lý.
Chung quanh tế đàn còn phát hiện 16 ngôi mộ cổ với những con đường lát gạch vuông theo kích thước Lỗ Ban ( mỗi chiều 41 cm ) là loại gạch thường được dùng từ thời nhà Trần đến thời Lê Trung Hưng. Vì lẽ gì mà việc tế tự ở đàn Xã Tắc cứ phai nhạt lần hồi thì chưa ai biết. Các đời sau ít thấy đề cập đến việc tế Xã Tắc, nhưng lại đề cao lễ tế giao, là lễ nhà vua thay mặt toàn dân tế Trời. Ở Huế, di tích đàn Nam Giao của triều Nguyễn còn đó rất bề thế. Ở Hà Nội, các sử gia và các nhà khảo cổ phấn khởi với việc phát hiện đàn Xã Tắc, cũng đang muốn đi tìm lại vết tích của đàn Nam Giao, bởi theo sử sách ghi lại, thì đàn này toạ lạc ở mảnh đất hiện nay là nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo trên phố Bà Triệu.
Tôi viếng thăm di chỉ đàn Xã Tắc vào một ngày gần Tết Nguyên Đán. Ở giữa thửa đất xẻ ngang xẻ dọc đã dựng một bệ thờ lộ thiên, với bát hương nghi ngút khói. Chung quanh có rất nhiều hoa, cúc, vạn thọ, hồng nhung, mẫu đơn, phong lan, … Từ ngày đàn Xã Tắc trở về với người thời nay, công trình khai quật mang một sắc thái tâm linh. Người ta như lại được giao tiếp với cái hồn tôn giáo của tổ tiên. Vả lại còn gần hai chục nấm mồ ở đây. Không thể coi nhưng mảnh vụn hài cốt này chỉ như đất đá vô tri. Trịnh Công Sơn hát: “Người chết nối linh thiêng vào đời”. Những người làm việc ở nơi này cảm thấy mình không có quyền muốn đào xới, sắp xếp thế nào cũng được. Trong ba chiếc lều vải dựng lên trong khuôn viên này, có một lều dành cho những nhà ngoại cảm.
Ngày nay ở Hà Nội, cũng như ở nhiều học viện trên thế giới, có một số chuyên viên đang làm việc trong lãnh vực gọi là ngoại cảm ( para – psychologie ). Họ làm việc kín đáo thôi, nhưng làm rất hăng hái, tích cực. Nếu như ngày xưa thì đã gọi họ là nhưng ông đồng bà cốt. Ngày nay họ có tham vọng khoa học, họ muốn chứng nghiệm, họ đi tìm những con người có khả năng ngoại thường để mở đường đi vào cõi vô hình.
Tin hay không thì tùy mỗi người. Nhưng họ đang tập họp về đây. Họ đang tìm cách liên lạc với những linh hồn mà thể xác đã bao đời nằm ở nơi này. Nghe đâu ông cụ người Tàu, chủ nhân ngôi mộ Hán đã đồng ý dời ngôi mộ về viện Bảo Tàng. Còn những chủ nhân của mười sáu ngôi mộ kia cho biết họ thuộc nhiều thế hệ khác nhau, và cũng đã đồng ý với nhau để di về một ngọn đồi miền Trung Du.
Ai bảo xã hội chúng ta ngày nay duy vật vô thần ? Tôi nhìn cảnh hương hoa giữa những đất đá khai quật và hiểu rằng dân Việt
“Khi đất nước tôi không còn chiến tranh
Mẹ già lên núi tìm xương con mình”...
Mẹ già đi tìm con, vợ già chung thủy đi tìm chồng, và anh chị em, và con cháu đi tìm những người ruột thịt. Họ không chỉ đi tìm mấy mảnh hài cốt, họ vừa đi vừa khấn vái, và nhiều khi họ cũng lại nhờ các nhà ngoại cảm, nghe đâu có những kết quả kỳ diệu. Có những người cựu chiến binh bây giờ tự khám phá một lý tưởng cho đời mình là đi tìm di cốt những đồng đội đã ngã xuống. Họ đi miệt mài, bỏ rơi hết mọi quyền lợi riêng tư, họ sống trong một thứ tình nghĩa miên man bất tận.
Hôm vừa rồi đọc báo thấy nói cuốn phim tài liệu “Những linh hồn phiêu bạt” ( Les âmes errantes ) của nhà đạo diễn trẻ người Pháp Louis Lojkine thực hiện ở Việt
Tôi cũng rất có ấn tượng trước cảnh người vợ nông dân, xuân sắc đã tàn phai, vẫn nong nả đi về những nơi xa lạ để tìm hài cốt chồng, cảnh người cựu chiến binh giữa khu rừng hoang thắp hương vái tứ phía và lớn tiếng thưa chuyện với các đồng đội đã hy sinh, .v.v… Tôi cảm thấy đấy là cuốn phim rất giàu tính nhân văn và tâm linh.
Nhưng có một điều tôi không đồng ý với nhà phê bình ( F.G.Lorrain ) của tuần báo Le Point là khi anh viết: “Việt
Mấy hôm nay thiền sư Thích Nhất Hạnh và một đoàn Phật Tử từ làng Mai bên Pháp về nước, với ý định tổ chức Trai đàn giải oan cho các tử sĩ khắp Trung, Nam, Bắc. Tôi biết vì lý do chính trị, nên có nhiều cách đánh giá khác nhau về việc làm của thầy Nhất Hạnh. Nhưng chính trị dù quan trọng đến đâu cũng vẫn ở trong cõi thế gian tương đối này. Sau khi cân nhắc những lý do và hoàn cảnh chính trị, thì vẫn còn gạn lọc được một điều ấy là sự hiệp thông giao cảm giữa cuộc đời này với cõi vô hình.
Trở lại với đàn Xã Tắc, tôi bước đi bên những gạch đá cổ và cảm thấy mảnh đất này sao giàu tính lịch sử đến thế. Từ đây đi vào phía nội thành chừng một cây số ta sẽ gặp Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng có từ thời Lý. Đi xuôi về phía Hà Đông vài chục mét là đình
Lý Thường Kiệt, Quang Trung và bao vị khác là những anh hùng cứu quốc, là người nước nhỏ lấy chính nghĩa đánh được nước lớn, khiến cho ta vô cùng hãnh diện, hiên ngang. Ấy là nói trên quan điểm dân tộc. Không biết có lạc điệu, bất hợp thời không, nếu nói rằng trên quan điểm nhân loại, “toàn cầu hóa” như chúng ta nói bây giờ, sự thể ta có rất nhiều danh tướng anh hùng dân tộc lại nói lên một mặt trái là nhân loại này vẫn còn bóc lột nhau nhiều quá, vẫn đàn áp nhau ác quá, đời này qua đời khác đánh mãi vẫn không xong. Tôi nghĩ thế khi đi từ đàn Xã Tắc về gò Đống Đa. Tôi cũng nghĩ thế khi chiêm ngưỡng những di tích rồng phượng ở Hoàng Thành Cổ. Chúng ta để ra mấy nghìn năm để làm nên những chiến tích hào hùng. Vậy chúng ta sẽ để ra bao nhiêu lâu để xây dựng một thế giới hòa bình, một thế giới con người thực sự hòa bình với con người ? Bà Huyện Thanh Quan từng than thở:
“Nghìn năm gương cũ soi Kim Cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”
Nói đến đàn Xã Tắc và gò Đống Đa, giữa đường tôi phải trở vào một nơi không phải di tích lịch sử, nhưng cứ đến Mồng 3 Tết thì người trẩy hội đông đến nỗi nghẹt hết đường xá trên vùng đất lịch sử này: đó là ngôi đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Năm nay cũng vậy, giữa đào, giữa quất, giữa hương trầm và lời kinh tiếng hát, người tứ xứ lại về đây, về nhà của Mẹ mình. Ngôi đền này có sau những biến cố lịch sử mà vết tích còn đây. Đi qua vùng đất do bao nhiêu thế hệ dựng nên bằng tâm trí và bằng xương máu, nhớ đến những linh hồn ở thế giới bên kia, lại hồi tưởng một sự nhiệm mầu mà thánh Phê-rô đã gợi lên: “Chúa Ki-tô, sau khi bị giết chết đã đi rao giảng cho các linh hồn ở cõi âm, những người đã không tin từ ngày Noe đóng tàu” ( 1P 3, 18 – 19; 4, 6 ).
Nhìn lên tiền đình đền thánh với hàng chữ: “Nơi Người chan chứa ơn Cứu Chuộc”, lại vào Nhà Thờ chật ních người đang nhìn lên linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, tôi cảm nhận một mầu nhiệm hội tụ rất mênh mông, rất thẳm sâu...
No comments:
Post a Comment