Gia Đình An Phong Chi Hội Sydney Mừng Lễ Thánh Tổ
Một lần nữa gia đình anh chị Phạm Văn Chuơng lại có dịp mở rộng vòng tay để tiếp đón chi hội đến mừng Lễ Cha Thánh An Phong vào chiều chủ nhật 3 tháng 8 năm 2008. Từ vài ngày truớc, cá nhân anh Chương – nhờ mới về hưu – nên đã có thời gian trang hoàng nhà cửa và cũng là cơ hội làm vệ sinh trong ngoài – điều chắc chắn đã làm vui lòng bà xã.
Hiện diện trong buổi gặp gỡ, ngoài người anh em LM Giuse Mai Văn Thịnh – luôn luôn có mặt trên từng cây số – còn có anh LM Giuse Hồ Đắc Tâm – đến từ kinh thành ánh sáng BaLê, nhân dịp tham dự Đại Hội Giới Trẻ WYD Sydney. Bác huynh trưởng Trần Ngọc Liên, vì tình hình sức khoẻ, không thể đến, thế nhưng trong một lá thư đầy tình nghĩa, đã gửi lời mừng lễ và không quên đóng góp cho Dòng Mẹ và ủng hộ cho nội san Duc In Altum. Ngoài ra một sự hiện diện khá bất ngờ, đó là 2 bác Nguyễn Anh Cung từ Adelaide vừa đến phi trường Sydney đã được chở ngay đến địa điểm tập họp để cùng chung vui trong ngày lễ Cha Thánh. Tuy nhiên chi hội nhận thấy có sự thiếu vắng một số khuôn mặt thân thuơng, có thể là vì một lý do bất khả kháng nào đó. Thế nhưng các bạn đã không quên nghĩa vụ đóng góp và nhất là Dòng Thánh vẫn được thường xuyên nhớ đến trong lời kinh nguyện. Như vậy cũng là đủ. Chi hội xin ghi nhận sự có mặt quý báu của một số thân hữu như chị Tính, a/c Loan-Dũng, gia đình các cháu của anh chị Chương, của anh chị Tá, 2 cháu BíchBảo/Tuấn con anh chị Bình, gia đình các em Vũ Hải Nam & Vân.. ..
Theo chương trình, dự trù 3 giờ có mặt và đúng 4 giờ, qua một vài lời giới thiệu thân tình và dí dỏm của Vũ Nhuận, thánh lễ đã bắt đầu trong một bầu không khí ấm cúng gia đình.Có lẽ theo một truyền thống tốt đẹp nào đó, mà LM Mai Văn Thịnh đã dành vai trò chủ tế cho LM Hồ Đắc Tâm. Trong bài chia sẻ, LM HĐTâm - qua đôi lời ngắn gọn - đã nhắc đến lý tưởng của DCCT là quan tâm đến giới nghèo và trong tình hình hiện tại cần phải mạnh dạn và tích cực nêu lên vấn đề công lý. Thánh lễ đã chấm dứt với 1 bài hát truyền thống của Cha Thánh An Phong, do anh Vũ Khởi Phụng đặt lời.
Sau đó, chi hội trường Nguyễn Đắc Dũng –trong ngày cuối cùng tại chức– đã chào mừng và chúc lễ mọi người. Nhân dịp này, anh Lê Duy Phước –có người thân là chị Tuyết Hoa mới qua đời– đã có lời cám ơn chi hội qua những tâm tình quý báu và xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho người quá cố. Kế tiếp anh TNTá cho biết một vài thông tin mới nhất –dưới hình thức chuyện phiếm (sở trường của chàng)– mà người thân trong gia đình thường yêu thương gọi đó là những….con vịt cồ. Thế nhưng,điều thú vị là những con vịt cồ đó đôi khi lại là chuyện có thực 100%. Vấn đề chỉ là thời gian, cứ đợi vài ba năm rồi sẽ rõ..Tớ đã bảo mà!
Theo thông lệ, trong buổi họp mặt mừng lễ Cha Thánh lần này, chi hội sẽ bầu lại chi hội trưởng & phó. Phải nói là trong nhiệm kỳ 2 năm vừa qua, cặp bài trùng Nguyễn Đắc Dũng và Huýnh Công Lợi đã có nhứng nỗ lực lớn trong việc liên lạc và tạo tình thân trong chi hội ngày càng bền chặt. Để chuẩn bị cho việc bầu bán lần này, đã có những vận động tuy ngấm ngầm, thế nhưng không thiếu phần áp lực –đương nhiên cũng chỉ trong tinh thần anh em. Chẳng thế mà nguời sắp sửa được đề cử vào chức Chi Hội Trưởng mới buớc chân vào nhà anh chị Chương đã được cháu Thụ Nhân– con của anh chị LVKhuê ở Việt Nam– hởn hở bắt tay chào: CHÚC MỪNG CHÚ. Rõ ràng là Ý TRỜI đã định, rồi còn gì!
Quả là một cuộc bầu cử .. chẳng giống ai. Thế nhưng điều đáng nói là chẳng ai lấy làm điều và vì thế chức chi hội trưởng & phó đã mau lẹ về tay Nguyển Duy Lâm và Trần Ngọc Tá. Ngay sau đó, lễ bàn giao được tổ chức –có lẽ vì sợ có sự đổi ý vào phút chót- với một cặp táp đựng giấy tờ, tài liệu, hình ảnh cũng như tiền qũy (xin nói nhỏ không còn một cắc, vì rằng sống theo tinh thần tin mừng là luôn luôn sẵn sàng không biết Chúa gọi chi hội về lúc nào!) đã được chuyển lại cho ban điều hành mới. Để cho thêm phần trịnh trọng, các phu nhân đã được mời lên đứng chung với các đức lang quân để chứng tỏ cùng gánh vác trách nhiệm được chi hội giao phó. Trách nhiệm có nặng đến mấy đi chăng nữa mà nếu có sự tiếp tay của các chị, thì rồi cũng xong thôi.
Qua đến phần quyên góp giúp Tỉnh Dòng Việt
Cuối cùng là phần liên hoan, cũng với những món ăn gia truyền, nặng tình, nặng nghĩa. Đây quả là lúc hàn huyên tâm sự, vì rằng có những anh chị em chỉ qua những buổi gặp gỡ như thế này,mới biết được tin tức của nhau và của nhà Dòng. Buổi họp mặt tuy đã kết thúc, thế nhưng một số thành phần khilikhitô, vẫn còn tiếp tục chiến đấu và thường trong những giấy phút như vậy, thì sáng kiến mới ứa trào. Giả dụ như có một đề nghị là có thể trong nhiệm kỳ tới –2 năm nữa– tại sao không bầu cho các chị làm chi hội trưởng - phó. Biết đâu các chị sẽ mang đến một luồng gió mới mà xem ra lúc này rất cần cho một chi hội mà thành viên trẻ nhất cũng xấp xỉ .. 5 bó rồi. _____________________TẦU HÁ MỒM GHI NHANH
Góp nhặt sỏi đá
Vào buổi họp mặt ngày 03/8/2008, mừng lễ thánh tổ An Phong Đệ Li-gô-ri anh chị em Gia Đình An Phong Sydney đã quyên góp tiền/quà gửi về giúp đào tạo linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Việt nam, như sau:
__________________________
Anh chị Huỳnh Công Lợi $150
Anh chị Nguyễn Đắc Dzũng $150
Hai Bác Trần Ngọc Liên $150
Anh chị Nguyễn Kim Linh $150
Anh chị Phạm Văn Chương $200
Anh chị Nguyễn Văn Dũng $150
Anh chị Vũ Nhuận $500
Hai bác Nguyễn Anh Cung $150
Anh chị Nguyễn Anh Phương $50
Anh chị Nguyễn Duy Lâm $140
Bác Nguyễn văn Kim - Oanh $100
Anh chị Lê Duy Phước $150
Anh chị Nguyễn Quý Bân $150
Anh chị Nguyễn Tiến Hùng $200
Anh chị Trần Ngọc Tá $350
Anh chị Nguyễn An Bình $200
Anh chị Nguyễn Minh Tâm $100
Anh chị nguyễn Duy Vũ $1000
Anh chị Nguyễn Hồng Tân $150
Cô Trần Thị Bích Huyền $50
Cháu LêVăn ThụNhân-Phượng $50
Anh chị Vũ Hải
Anh chị Đỗ Quốc Dũng - Loan $200
Anh chị Trần Hùng & Dung $100
Chị Nguyễn Thị Đào Hường $120
Chị Nguyễn Thị Thả & Phụng $240
Chị Hồng Phước & Ánh Mai $20
Anh chị Mai Thành Hải $100
Cháu Trần Đàm ThiênÂn-Thư $200
Cháu Trần Đàm Việt Quốc $760
Tổng cộng: ______$6,230
Anh chị Nguyễn Tiến Hùng $100
Anh chị Nguyễn An Bình $200
Anh chị nguyễn Duy Lâm $150
Anh chị nguyễn Đắc Dũng $200
Anh chị Huỳnh Công Lợi $50
Anh chị Vũ Nhuận $50
Anh chị nguyễn Văn Dũng $100
Anh chị Phạm Văn Chương $100
Anh chị Lê Duy Phước $100
Anh chị Nguyễn Minh Tâm $100
Một gia đình không ghi tên $650
Quà tặng lai rai dịp ĐHGTTG08 $950
(Các anh chị đóng góp năm 2008:
NĐDũng $50,Mai Tá $50,NTHùng $50
PVChương $50,ĐỗThiThuVân $50) $250
Tổng cộng: ___________ $3,000
Ai tín
___________________________
Gia đình An Phong Sydney rất đau buồn được tin thành viên gia đình, chị Têrêsa
Nguyễn Thị Tuyết Hoa đã về nhà Cha hôm 27/7/2008 Cầu Chúa nhân từ mở rộng vòng tay đón tiếp chị về chốn miên trường. Hạnh phúc. Gia đình An Phong thành thực phân ưu cùng Anh Maurice Lê Duy Phước và gia đình.
Gia đình An Phong cũng được tin Hiền thê của Bác Trần Tứ cảnh là Maria Mađalêna Trần Thị Cơ đã về nhà Cha hôm 24.08.2008, sau 92 năm cùng hành trình trên dương thế. Cầu Chúa nhân từ thương đón Linh hồn Maria Mađalêna về nơi an nghỉ chốn vĩnh hằng. Gia đình An Phong Sydney thành kính phân ưu cùng Bác Trần Tứ Cảnh và bửu quyến.
Lễ Chúa Cứu Thế:
niềm lạc quan mới
Lm Kevin O’Shea CssR
LTS.
Suy niệm này, do Lm Kevin O’Shea nguyên Giáo sư Học viện Liên Dòng ở Rôma và Melbourne, gửi đến các sĩ tử của Dòng thánh ở Úc. Anh Mai Văn Thịnh, kỳ này không đóng góp cho DIA được bài nào, đã yêu cầu Mai Tá chuyển ngữ, để gửi đến bà con.
Mỗi năm, vào ngày 20 tháng Bẩy, Dòng thánh chúng ta vẫn mừng lễ Chúa Cứu Thế, ở khắp nơi. Chúa Cứu Thế, là danh xưng của Dòng, có từ ban đầu. Nên, lễ này còn là đại lễ của Dòng. Và, danh xưng Chúa Cứu Thế, là biểu tượng nói lên lý lịch của mọi sĩ tử ở trong cũng như ngoài. Nói lý lịch, là nói đến công việc hiện thời chúng ta đang làm. Là, hỏi sao ta vẫn có thể gắn bó với nhau? Vẫn cùng chung sống chung? Vẫn cùng làm? Tại sao ta vẫn cùng hướng mình về một mục đích, cả vào thời buổi này? Trả lời các câu hỏi trên, hẳn ai trong chúng ta cũng đều hơn một lần có kinh nghiệm bản thân. Kinh nghiệm, trong bàn bạc. Kinh nghiệm, có tranh luận. Bổ sung. Năm nay, ta lại có thêm lý do để mừng lễ Chúa Cứu Thế một cách long trọng hơn; vì có thêm niềm lạc quan mới. Lạc quan và biết ơn, khi ta sẻ san mầu nhiệm cứu độ, ta vẫn mừng kính.
Niềm lạc quan tôi muốn nói, là sự vui mừng trong mục vụ mà Chúa Giê-su Cứu Thế mang đến cho chúng ta.
Cách đây không lâu, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã ra tông thư “Niềm Hy Vọng Cứu Độ” (Spe Salvi), qua đó ngài nhấn mạnh nhiều về điểm mà ta hằng quan tâm, là: nhờ hy vọng ta mới được cứu rỗi. Hy vọng, không làm ai chán ngán. Ủ ê. Có hy vọng, ta mới kinh nghiệm được việc mình làm, không trở nên hư luống. Thiển nghĩ, nỗi niềm lạc quan, là hoa quả của hy vọng, giúp ta xét nghiệm tính chất chân thực của hy vọng ấy. Lạc quan, là vì: những điều tốt đẹp không là chuyện xảy đến trong lai thời, mà là chuyện đang diễn tiến. Là, những gì đang thực sự xảy đến.
Niềm lạc quan đến trong mọi khoảnh khắc ở đời sống Giáo hội. Đến, từ ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập thể: tức, no đầy sự sống thánh thiêng, Chúa phú ban. Và, trong trường hợp của chúng ta, niềm lạc quan còn đến với ý nghĩa đặc biệt có chiều kích Cứu Thế trong Nhập thể. Xem như thế, tính chất đầy đặn của sự sống thánh thiêng được trao ban ngang qua ta. Và, qua công việc mục vụ ta thực hiện với cho người khèo khó/tất bạt. Và, khi cảm nghiệm rằng việc ấy đang diễn tiến, không thể thực hiện được, nếu không có niềm lạc quan.
Có ba phương cách chính yếu diễn tả niềm lạc quan, như sau:
- Phương cách kể truyện, rất mới mẻ:
Thiển nghĩ, mọi người chúng ta đều có thừa khả năng rao giảng. Và, tất cả anh em mình đều đã và đang thành công trong việc này. Ai trong chúng ta cũng đều có tài kể truyện. Nhưng ta biết được nhiều chuyện hay hơn các truyện ta vẫn kể. Đó là truyện về Đức Kitô Phục Sinh và sự sống lại của mọi người nghèo hèn được Chúa dấu yêu, đã sống trong Ngài. Và, với Ngài, người tất bạt/nghèo hèn không phải là người bị bỏ rơi, nhưng chính là người được Chúa dấu yêu, vẫn còn đang sống trong cảnh nghèo hèn. Tất bạt. Và, ta đều hiểu biết rằng truyện chúng ta kể, sẽ kết thúc như thế nào. Nói cách khác, truyện kể ấy đã kết thúc trong sự phục sinh của Ngài và sự sống lại của mỗi người chúng ta. Chúng ta hăng say kể về sự Phục Sinh được hoàn tất bằng hoà giải, ngang qua mọi thuyết phục. Thuyết phục bằng ý nghĩa của sự sống có phục sinh. Tức, sự sống của Đức Kitô mà chúng ta và những người tất bạt đang san sẻ. Thuyết phục, làm trỗi dậy những cảm nghiệm đọng-lắng, những nét đẹp về những điều Ngài ban cho tất cả chúng ta. Là, truyện kể về Chúa Cứu Thế rất chí thánh. Về, sự kiện Ngài vẫn tiếp tục cứu chuộc…
2. Phương cách mới hướng dẫn hành động:
Toàn thể Giáo hội đều biết rằng ơn Chúa quan phòng đang dẫn dắt ta, qua suốt chặng dài đường đời. Đi vào cuộc với công cuộc thừa sai - mục vụ, rất năng động. Rất mới mẻ. Giáo hội ta đã thay đổi. Dòng thánh mình cũng đổi thay. Ơn Chúa quan phòng, gửi đến chúng ta đường hướng tông đồ, rất mới. Không chỉ là tông đồ thừa sai ở nước ngoài trong khi các người anh em dòng Biển Đức, vùng
3. Niềm hưng phấn mới mẻ về quần chúng:
Leonard Boyle (một thành viên dòng Đa Minh Ái Nhĩ Lan, vị quản-thủ thư-viện
Thánh nữ Catarina thành Sienne cũng đã bảo: “nhân loại là người được Chúa dấu yêu”. Thế nên, hôm nay, người tất bạt/nghèo hèn “bị bỏ rơi” là những người được Chúa dấu yêu. Thế nên, ta gần gũi với họ hơn bao giờ hết.
Trong tông thư đầu đời của ngài, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô đệ Nhị đã nhấn mạnh: ‘người nghèo ấy, con người thực sự ấy là đường lối của Giáo hội’ [Từ hơn thế kỷ nay, ta được dạy dỗ khác hẳn. Ngược hẳn…]
Cũng là điều hay, khi ta nghe nhiều anh em trong Dòng thường vẫn nói: vâng, đó là nơi anh em tôi vừa đến, dịp cuối tuần. Hoặc mới đây thôi. Mới chiều tối, hôm qua. Hoặc, nơi đó phải là điểm tới của anh em mình. Người mình. Cũng là điều tốt, khi ta cảm nghiệm, rằng: người ở trước mặt, hoặc đang quanh quẩn bên ta, chính là những người được ta nhắc nhiều nhất trong các bài giảng hùng hồn, đại phước. Càng phúc hơn, nếu như ta đích thực gặp gỡ những người như thế. Họ đang ở nơi đây. Bây giờ. Họ là người của chúng ta. Ta là người của họ. Nếu anh em ta chưa từng cảm thấy phấn chấn về những chuyện như thế, chắc cũng chẳng bao giờ ta được như thế. Rất phấn khởi. Sôi động. Những sống lại.
Nhiều đoạn trong truyện kể Phúc Âm về Đức Giê-su, cũng thấy Ngài rất phấn chấn vì những chuyện tốt đẹp xảy đến nơi Ngài và qua Ngài. Ngài biết Thần Linh Thánh Ái của Cha vẫn ở với Ngài. Thần Linh Chúa, đã được Cha ban cho Ngài. Đã xức dầu cho Ngài. Biến ngài thành Tin Vui cho người tất bạt/nghèo hèn. Biến Ngài thành sự tự do cho người bị cầm buộc. Biến Ngài thành thị kiến cho người mù loà. Làm cho Ngài thành Đấng cất nhắc người bị chèn ép. Ngã quỵ. Biến Ngài thành niềm vui cho những ai mệt mỏi. Rã rời. Ngài biết “hôm nay” Lời đã thành hiện thực, nơi Ngài. Và, nơi người nghe Ngài rao giảng.
Khi môn đệ trở về với Ngài sau những ngày chung đụng ở với chúng nhân, Ngài đã nhảy lên vì vui sướng. Vui, khi thấy Satan đã quỵ ngã như sấm chớp xẹt từ trời cao. Ngài chúc tụng Chúa Cha, vì Cha đã che giấu nhiều điều không cho người khôn ngoan thông thái được biết. Nhưng, Cha lại bộc lộ cho những kẻ thấp hèn. Bé mọn. Được sẻ san.
Vào đại lễ Chúa Cứu Thế hôm nay, những kẻ bé mọn kia lại chính là ta. Những người được san sẻ niềm vui Cứu Thế. Của Ngài.
Kevin O’Shea, CssR
Có mặt nơi đây
(tiếp theo)
______________________________________
Mễ Duy
●Cảm giác đơn thuần
Một buổi sáng đẹp trời,- như người ta thường viết để mở đầu một câu chuyện vui- tôi lái xe ra bưu điện gần nhà để gửi một lá thư cho một người bạn bên Úc. Nhà bưu điện này mới đây được nới rộng, có thêm phòng đón khách rộng rãi thoáng mắt, có thêm bãi đậu xe xinh xắn khang trang. Bãi đậu xe mới này thật sạch, thật đẹp, thật mát mắt, nhưng chuyện lạ là người ta gần như dửng dưng với nó, thiên hạ vẫn thích giữ thói quen vào đậu ở bãi đậu xe cũ dơ bẩn, đông nghẹt. Phần tôi cứ khi nào có thời giờ rộng rãi, như sáng hôm đó, thì vào đậu trong bãi đậu xe mới. Bánh xe lướt nhẹ trên đá vụn mầu xanh lam, gây ra những âm thanh xào xạc mềm nhẹ.Tôi chạy thật chậm, như muốn kéo dài cái cảm giác người và xe bỗng nhẹ ra, trườn mình trên một thứ nhạc cụ vui tai. Nhưng rồi cũng đến lúc phải ngừng xe và làm các «thủ tục» thường lệ: ấn nút cho cửa kiếng ập lên, vặn ngược chìa khoá lên về phía trái cho tắt máy, thò tay xuống dưới gầm ghế moi ra cái bóp đựng giấy tờ mầu đen rồi quàng nó vào cổ tréo sang một bên hông, móc quai cửa cho bực ra, đẩy cửa ra, bước cẩn thận ra khỏi xe, dùng chìa khoá khoá cửa xe cho đến khi nghe một tiếng «bực». Và thẳng người bước đi về phía phòng đợi. Bỗng toàn thể cơ thể tôi khựng lại như một thứ người máy hết năng lượng, vì bỗng có một tiếng cảnh cáo vang lên trong tâm trí tôi : quên gì rồi ! Rất có thể bạn đã đoán ra tôi đã quên gì. Nhưng phần tôi, tôi đã phải «ôn lại», tuy chỉ là trong một phần nhỏ của một giây đồng hồ, mọi cử chỉ động tác vừa làm trong mấy giây đồng hồ vừa qua, mới giật mình nhận ra mình đã quên cầm theo lá thư để gửi đi.
Bạn thử tưởng tượng xem, một người đã về hưu, tức thời giờ khá rộng rãi, sinh sống trong một thành phố bé tí, không đông đảo xe cộ, trước khi ra khỏi nhà chỉ có một ý nghĩ trong đầu là đi ra bưu điện bỏ một cái thư, hơn nữa đã cẩn thận nhét phong bì đó vào hông cửa xe cạnh mình thế mà khi xuống xe để vào nhà bưu điện lại quên lấy theo lá thư đó! Chuyện gì đã xảy ra trong đầu tôi trong cái giây đồng hồ đáng lý tôi phải dùng vào việc cầm lấy lá thư đó? Chắc hẳn trong cái giây đồng hồ đó tâm trí tôi đã bị chi phối bởi một vài ý nghĩ tuy có liên quan đến việc bỏ thư nhưng thuộc về quá khứ hay tương lai chứ không liên quan đến hiện tại. Ý nghĩ gì? Sau này tôi mới biết là thay vì cầm lấy lá thư để đi bỏ, tôi đã đặt ra câu hỏi: không biết giờ này có đông người đợi không?
Rồi thì tôi nhớ lại cái lần đó, không rõ là lần nào, tôi phải ngồi đợi thật lâu, thường xuyên dương mắt lên dán vào màn ảnh để kiểm điểm xem cái số phiên đợi, có ghi trên phiếu đợi đã lấy từ máy phát phiếu, đã xuất hiện trên màn ảnh chưa. Cũng có thể là thắc mắc không biết kỳ này mình gặp ai ở guichet đây, đàn ông hay đàn bà, mà nếu là đàn bà thì trẻ hay đã đứng tuổi, nước da mầu gì, đen hay bánh mật hay trắng, tính tình dễ chịu hay khó thương…vì ngay lúc đó trong trí tưởng tượng của tôi đã diễn lại đoạn phim của một kinh nghiệm không vui. Lần đó là ngày đầu tiên khai trương hệ thống phát phiếu đợi do máy tự động, mỗi người khi đến nơi thì lấy từ máy phát phiếu một phiếu đợi và ngồi đợi đến khi nào thấy số phiên mình và số guichet xuất hiện trên màn ảnh thì đi đến guichet đã được chỉ định để được phục vụ.
Hôm đó cũng là ngày thứ hai trong tuần nên thật đông đảo. Tôi lấy một phiếu, đứng đợi vì đã hết chỗ ngồi. Phòng đợi quá đông, hơn nữa thấy phiên mình còn lâu mới đến, nên sau vài phút đứng đợi, tôi ra ngoài sân đi bộ 15 phút. Khi trở lại vào trong thì số của tôi đã xuất hiện từ mấy giây rồi và sắp sửa trong tíc tắc nhường chỗ cho số kế tiếp. Tôi bước nhanh đến guichet nhưng không kịp. Nhân viên trước mặt «làm khó dễ», bắt tôi phải lấy phiếu đợi lại từ đầu. Tôi đành nuốt tự ái, xuống nước năn nỉ.Tôi kể nào là đã quen đợi theo kiểu đứng xếp hàng như xưa, rằng thì là chưa quen cách tổ chức «tối tân» như thế này, nào là hôm nay mới chỉ là ngày đầu tiên áp dụng «kiểu mới» mà! Phải uốn lưỡi như thế cô ta mới «tha tội» cho tôi đấy. Đúng thế! Đó là một «cô» tóc ngắn như Mireille Matthieu, tóc đen, đeo kính, nước da bánh mật, nét mặt cứng, ít nói và có vẻ «khó chịu». Kinh nghiệm này sau này khiến tôi ngại gặp lại «người xưa»…
Kể ra một kinh nghiệm sống như vậy để chúng ta thấy rằng hiện tại không phải chỉ đo bằng phút mà có khi phải tính bằng giây đồng hồ hoặc ngắn ngủi hơn nữa, và rằng sống trong hiện tại không phải là việc dễ làm, vì thường tâm trí chúng ta dễ bị chi phối bởi những chuyện đã xảy ra trong quá khứ hoặc bối rối về tương lai, hoặc bị choán bởi một câu chuyện tưởng tượng nào đó.
Quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại và hiện tại quyết định tương lai. Tiến trình này có thể là tốt mà cũng có thể là xấu. Khi xấu thì tôi cần thay đổi cái tròng đó và tôi chỉ có hiện tại để đổi thay con người của tôi, sao cho trong tương lai tôi làm chủ những cảm xúc, những ý nghĩ, hầu hành động đúng trong mọi hoàn cảnh, không thụ động cũng không hấp tấp, bộp chộp chẳng hạn và không quên việc phải làm. Xử dụng hiện tại theo chiều hướng tốt đẹp như vậy, hay nói cách giản tiện hơn luôn sống hiện tại, là sống trọn vẹn đầy đủ cái giây phút đang trôi qua đây. Làm thế nào? Một trong những cách tập luyện sống có mặt với hiện tại mà tôi đã lãnh hội được nhờ đọc về những phương pháp trị liệu các khó khăn về mặt tâm thần, đó là cảm giác đơn thuần (sensation pure). Để bạn hiểu phần nào sự hiệu nghiệm của phương thức này, tôi xin trình bày sau đây hai trường hợp.
Trường hợp một.
Cuộc đời mục vụ của linh mục Jomin, người Pháp, dòng Tên chia làm hai giai đoạn: hơn hai mươi mấy năm làm thừa sai bên Trung quốc cho đến khi bị trục xuất khỏi xứ này năm 1950 và sau đó về lại Pháp «hành nghề» điều-trị-viên tâm thần psychothérapeute) suốt ba mươi năm. Ngài đã chữa cho cả ngàn người bằng một phương pháp gọi là Horathérapie nhằm tập cho người bệnh thói quen sống trong giây phút hiện tại. Phần chính yếu của phương pháp này là tập cảm giác đơn thuần. Linh mục Jomin đã thí nghiệm phương thức này trong trường hợp bản thân. Mỗi lần cử hành thánh lễ ngài cần có sự hiện diện của một linh mục khác bên cạnh mới có thể đọc lời nguyện lớn tiếng được, nếu chỉ là một mình thì đành chịu thua. Nhờ áp dụng cảm giác đơn thuần mà dần dà ngài đã lành khỏi cái «bệnh» này. Khi chữa trị cho người khác, ngài gặp bệnh nhân ba bốn lần và nhiều lắm là tám chín lần mà cũng đủ chữa cả những trường hợp trầm cảm nặng, so với nhà thương tâm thần có khi giữ bệnh nhân cả hai ba năm trời mà chưa chắc đã đi đến đâu. Lần đầu tiên bao giờ cũng là để giải thích vai trò quan trọng của việc tập cảm giác đơn thuần. Ngài giải thích như sau:
«Trong lần hội chẩn lần đầu, sau khi để cho bệnh nhân tự do trình bày những vấn đề của mình, điều trị viên cho hiểu rằng tâm trí của người bệnh lúc nào cũng ngổn ngang những ý nghĩ, những hình ảnh, những kỷ niệm, những nuối tiếc, những ước vọng, những sợ hãi, những nghi ngờ mà vô phương tránh khỏi. Do đó mà căng thẳng, mỏi mệt, mất ngủ, đau yếu, ám ảnh, bồn chồn lo lắng, sợ này sợ kia, vv…Đôi khi, trong vòng một thời gian dài ngắn, trở nên u buồn, thất vọng, trầm cảm mà không biết lý do tại sao, hoặc chỉ vì một duyên cớ không đáng kể. Giống như một cuốn phim đang diễn ra, mà không do bệnh nhân lựa chọn, không có quyền định đoạt về nội dung. Không chế ngự được những ý nghĩ của mình, bệnh nhân không làm chủ chính mình, nên không tự do. Không tự do thì không bình an, cũng không có niềm vui, cũng không có sức khoẻ.
(…)
«Cần thiết là phải tập làm chủ những cảm giác của mình, và chính nhờ đó mà tập làm chủ tâm trí mình. Chúng ta sống nhờ cảm giác, nhưng mỗi cảm giác bị bọc chặt bởi một mớ ý nghĩ ; vì thế nên cần phải tập tiếp nhận những cảm giác đơn thuần (nói như bác sĩ VITTOZ thì đó là những hành vi ý thức): nhìn, nghe, sờ chạm, thở, đi bộ, mà không nghĩ về hành vi mình đang làm hay nghĩ gì khác cả, không cố gắng, y như một trẻ bé mọn. Thụt lùi ư? Tôi tiếp mười lăm người bệnh mỗi ngày, mỗi ngày đọc xong một cuốn sách và không bao giờ biết mệt. Nhưng mọi sự là những hành vi mình muốn trong đó mình làm chủ chính mình, nên mình tự do.
«Mình có trong ý thức điều mình muốn có. Đó - những cảm giác đơn thuần- là những hành vi thật chóng vắn (một hai giây đồng hồ) nhưng làm nhiều lần và thường xuyên, trong khi sinh hoạt theo lề thói đã quen, việc tay chân, di chuyển, thể thao. Việc phải làm thì làm, chỉ thế. Có mặt trong hiện tại (être dans le présent) đó chính là điều làm thư giãn và đem lại nghỉ ngơi. Cảm giác việc mình đang làm chính là sống trong cơ thể có thực trong một thế giới có thực. Đối với bộ óc của chúng ta không ngừng làm việc thì những cảm giác đơn thuần quả là những dịp nghỉ ngơi đích thực» (1)
Trước khi đề cập đến trường hợp hai, tôi cảm thấy cần bàn rõ về ba điểm đã được đoạn văn trên đây nêu lên.
1. điểm một : những ý nghĩ của con người chính là nguyên do làm khổ con người về mặt tâm thần. Tuy nhiên những ý nghĩ nói đến ở đây không phải là những ý nghĩ được lựa chọn hay quyết định bởi người bị khổ đau về mặt tâm thần, chúng như từ nhiều phương hướng ập đến mà người bệnh chỉ muốn được giải thoát khỏi chúng. Xin lấy một vài ví dụ. Khi làm việc trí óc, như phải giải quyết một công việc, thảo luận hay trình bày một vấn đề, một đề tài, hay thảo một dự án, làm một đề thi, học một môn, bộ óc của chúng ta trong những trường hợp đó ở trong thế tích cực, chủ động, đi tìm tòi các ý nghĩ khác biệt để đạt một kết quả. Nhưng khi phải suy nghĩ vì cuộc sống có những thăng trầm, đổi thay, nỗi buồn, thiếu thốn, mất mát, lo lắng, thì những suy nghĩ đó đưa đến khổ đau về mặt tâm thần. Không phải ai cũng khổ như nhau trong những hoàn cảnh đó, có người vượt qua dễ dàng, nhanh chóng đương đầu cách hiệu quả với những nghịch cảnh, có người bộ thần kinh không phải là «bê tông cốt thép», nhạy cảm hơn, nên ít nhiều gặp trở ngại về mặt tâm thần. Ở đây chúng ta nhận thấy giáo dục toàn bộ con người hầu tạo bản lãnh là điều quan trọng, nhưng cũng cần chấp nhận khổ đau ở đời này và cũng nên hiểu rằng những người gặp khổ đau khi được giải thoát, chữa lành thì niềm vui của họ sâu đậm hơn là nếu thử thách đã không xảy đến.
2. điểm hai: Làm sao để những ý nghĩ tiêu cực, chủ quan, yếm thế bớt hành hạ tâm thần hoặc được dứt bỏ đi. Ở đây chúng ta chỉ đứng về mặt tự nhiên, về phương diện tâm lý thực hành. Tuy nhiên siêu nhiên cần có một nền tảng tự nhiên vững chắc để có thể đặt mình trên đó. Điều khiến đạt được mục đích đó (làm vơi hoặc dứt bỏ những ý nghĩ làm khổ đau tâm thần) là trở về với cảm giác đơn thuần y hệt như con trẻ. Khi bị tấn công vây hãm bởi một hay nhiều ý nghĩ tồi bại, tội lỗi, hay dày vò, cách hay nhất vẫn là chẳng hạn nhìn các sự vật, mầu sắc, xung quanh mình, nhìn để giúp mình không còn nghĩ gì cả dù chỉ là trong vài giây đồng hồ. Nếu dùng ý nghĩ để thắng một ý nghĩ đen tối thì cuộc « nội chiến » sẽ cam go và chưa chắc đạt kết quả, nhất là trong cấp bách. Phương pháp của linh mục Jomin (hay phương pháp của bác sĩ Vittoz) đều dùng cảm giác đơn thuần làm nền tảng cho việc giải thoát người bệnh khỏi ám ảnh bởi quá khứ.
3. điểm ba: Trong đoạn văn trên, khi viết về cảm giác đơn thuần, linh mục Jomin có ghi chú trong ngoặc đơn tên bác sĩ Vittoz và danh từ « hành vi ý thức - actes conscients». Bác sĩ Vittoz là người Thụy sĩ sống trước linh mục Jomin mấy chục năm vào đầu thế kỷ 20 đã xử dụng cảm giác đơn thuần làm nền tảng cho phương pháp trị liệu các bệnh tâm thần thông thường, nhưng ông lại gọi chúng là những «hành vi ý thức». Một hai giai thoại sau đây cho phép hiểu bí quyết của Vittoz. Cô Henriette Lefèbre, -sau này đã trở thành cộng tác viên đắc lực của Vittoz,- nhưng lúc đầu cũng là một bệnh nhân đến hội chẩn, lần đầu tiên gặp bác sĩ Vittoz, ông hỏi cô :
- Thường sáng thức dậy cô nghĩ gì? Henriette trả lời bằng cách kể bao nhiêu là thứ chuyện trong đầu cô khi thức dậy.
- Và trong lúc rửa mặt, cô nghĩ gì? Cô tiếp tục như trước, huyên thuyên.
- Và trong lúc vận quần áo? Cô gái tiếp tục kể ra những ý nghĩ của mình trong những giây phút đó.
- Như thế này nhé ! Sáng mai khi thức dậy thay vì nghĩ chuyện này việc kia, cô hãy cảm thấy mình thức dậy, cô hãy cảm thấy mình đang rửa mặt, cô hãy cảm thấy mình đang vận quần áo. Và sau đó trở lại gặp tôi vào giờ ấn định.
Bác sĩ Pourtal vừa là bạn vừa là người theo phương pháp Vittoz yêu cầu một bệnh nhân cởi giầy ra.
- Ông /bà nghĩ gì trong lúc đó?
-….
- Vậy hãy đi giầy vào và cảm thấy việc mình đang làm mà không nghĩ gì khác. (2)
Điều mà bác sĩ Vittoz gọi là hành vi ý thức là khi chúng ta làm một động tác rất thông thường như mở một cách cửa chẳng hạn mà không lo ra nhưng hoàn toàn có mặt , để hết ý thức vào việc mình đang làm, đó là điểm thứ nhất . Điểm thứ hai là trong hành vi ý thức, bộ óc hoàn toàn cảm nhận chứ không hề nghĩ. Cảm (sentir) chứ không phải tập trung (concentrer) vì tập trung là một hình thức của nghĩ. Tiện đây tôi cũng nhớ lại đã đọc được ở đâu câu nói sau đây: «Ngay đến Einstein khi cột giây giầy thì cũng không nghĩ gì khác». Tuy nhiên hành vi ý thức là hoàn toàn không nghĩ gì hết, ngay cả đến việc mình đang làm, chỉ có cảm nhận. Cảm nhận là ý thức cách trực tiếp, không qua trung gian của một ý nghĩ mà qua giác quan.
Người cảm thấy mình không được thoải mái về tâm thần thì cần hiểu rằng mình đang khổ vì nghĩ nhiều quá và cần phải thường xuyên ngừng suy nghĩ bằng cách cảm nhận thế giới bên ngoài như mầu sắc, tiếng động, âm thanh, cảm nhận bằng năm giác quan Trời ban cho mình. Để bạn hiểu rõ tập cảm giác đơn thuần như thế nào tôi xin đề cập đến trường hợp hai.
Trường hợp hai.
Bà Thiện An (3) thuộc loại những người hay mơ màng, do dự, không biết mình muốn gì, tìm kiếm gì, đầu óc đâu đâu, lơ đễnh, khi nói chuyện cũng đeo đuổi những ý nghĩ riêng tư, khiến có khi hỏi đi hỏi lại một chuyện, nhìn mà không thấy, nghe mà không lãnh hội… Như vậy nên bà không tự tín, có cảm tưởng là mình không tự mình quyết định nhiều việc liên hệ đến cuộc sống của mình, thụ động để cho hoàn cảnh đưa đẩy, người khác quyết định thay mình. Bà cho rằng trạng thái suy nhược về tâm thần nói trên bắt nguồn bởi sự kiện hồi nhỏ bà được bao bọc chở che quá đáng mà cho đến khi lớn lên bà vẫn không phản kháng nên bà đã trở nên thụ động như thế. Khi nào bà cảm thấy bị ép buộc hoặc phật lòng thì cứ làm thinh và lẩn trốn trong mơ mộng và ảo tưởng.
Càng gần tuổi già bà càng cảm thấy khó chịu trong tâm khảm, cảm thấy mình sống không thực, muốn cầm trong tay vận mệnh mình mà không đủ sức. Bà cứ tiếp tục tưởng tượng một cuộc sống khác và trôi mình trong mơ mộng.
Khi đã thật đứng tuổi, sau khi tham dự nhiều cuộc tĩnh tâm dành vào việc chữa lành nột tâm (guérison intérieure) bà đã can đảm làm bảng tổng kết về đời mình và đã có khả năng nhận định như sau:
«Mọi người chúng ta được sinh ra đời để cho đi cái phần tốt nhất của bản thân mình, để thực hiện và đạt kết quả ; ai trong chúng ta cũng có những năng khiếu, những khả năng cần được khai triển để nẩy nở bản ngã và phục vụ trong môi trường mình sống, gia đình, sở làm, xã hội ; mọi người chúng ta ai ai cũng khát vọng thể hiện con người mình, trong một sự thống nhất tâm thần. Liệu có ai trong chúng ta mà không cảm thấy, ít nhất là một ngày nào đó, một nghị lực phi thường trong đáy lòng mình chỉ muốn được biểu lộ ra ngoài bằng sáng tạo và hành động ? Và nghị lực đó rất thường bị tắt lụm chỉ vì chúng ta thiếu sự quân bình nội tâm, thiếu sức mạnh tâm thần.»(dịch thoáng một đoạn, trang 12)
Sau khi nhận định rõ như vậy về hoàn cảnh của mình bà đã lên thủ đô Paris gặp một điều trị viên hành nghề theo phương pháp Vittoz. Sau đây là lời bà tường thuật lần hội chẩn đầu tiên.
« Ngay từ buổi họp đầu tiên, tôi đã cảm thấy thoải mái trong việc tập luyện hầu có được một khả năng cảm nhận, thụ cảm (réceptivité) : quan trọng là cảm thức (sentir) chứ không nghĩ ! Ý thức bằng giác quan những sự vật bên ngoài xung quanh tôi, tìm lại cảm giác đơn thuần, rõ nét và chính xác, không suy diễn, không phán đoán, ví dụ: tiếng máy nổ của một chiếc xe đang chạy ngoài đường, y như đứa bé , nghe mà không biết đó là gì ; tiếp nhận tiếng động đó, mọi tiếng động đến với tôi, cảm nhận chúng, ý thức chúng ; tôi có cảm giác mình chỉ còn là một cái tai lớn mở rộng ra với thế giới bên ngoài, hứng nhận bao nhiêu là tiếng động, âm thanh. Tôi thu nhận, đón tiếp không một chút cố gắng cả một thế giới kêu vang ; tôi cảm được những âm thăng, âm trầm, âm thật thấp, cường độ khi tăng khi giảm, sự xê dịch của âm thanh, tất cả mà không thắc mắc, không « nghĩ đến » chúng. Sau đó điều trị viên giúp tôi tập nhìn : tiếp nhận những mầu sắc quanh tôi; tôi gọi thành tên mỗi khi nhận thức một mầu; tôi tiếp nhận mầu xanh lá cây, mầu vàng,vv…trên màn cửa, dưới thảm, trên các đồ vật, trên bàn ghế, kiểu như tôi lặn chìm trong chúng. Sau đó nữa, tôi tiếp nhận các đồ vật theo cùng một phương thức, chỉ giản tiện nhìn chúng mà không một chút cố gắng, không một chút căng thẳng ; tôi nói tên, để ý thức chúng rõ ràng hơn, từng sự vật trong lúc tuần tự ý thức chúng.» (trang 21)
Trong cuốn sách nhỏ thuật lại việc bà phục hồi sức khoẻ tâm thần, bà Thiện An không nói rõ bà đã hội chẩn bao nhiêu lần, nhưng lần nào cũng quy về việc tập cảm nhận mầu sắc, âm thanh, cơ thể mình. Áp dụng phương thức cảm giác đơn thuần, từ từ bà đã trở nên yêu đời, lạc quan và tỉnh táo và trở thành điều trị viên theo phương pháp Vittoz.
Khi tôi mới đọc về cảm giác đơn thuần, tôi cũng không tin lắm hoặc cảm thấy khó hiểu, nhưng sau khi đã tập một thời gian tôi thấy thật là hay. Tuy nhiên hiểu biết nhiều cũng chẳng ơn ích gì nếu như những hiểu biết đó không đưa đến thực hành áp dụng trong cuộc sống thường nhật.
Kỳ tới tôi sẽ bàn thêm về đề tài này đứng về phương diện khoa học. Sau đó sẽ trả lời những vấn nạn có thể đặt ra về giải pháp này. Nếu như bạn đọc có những câu hỏi liên quan đến vấn đề này, xin vui lòng gửi về toà soạn DIA nhờ chuyển cho tôi như vậy chúng ta sẽ cùng học hỏi cách hào hứng.
________________________________
(1) Phlippe de LABRIOLLE, Dom Guy-Marie OURY, Jean-François et Liliane VEZIN, Quand le présent devient Présence, Editions de l’Emmanuel, trang 58,59.
(2) L. Bron-Verlay, Le conscient chez Vittoz, Téqui.
(3) Christiane Zéphir, Mon expérience du Vittoz, du rêve à la réalité un chemin de bonheur, Téqui.
NGƯỜI
VIỆT
GỐC
MỸ
LTS:
Tác giả Nguyễn Thế Thăng tốt nghiệp khoá K2DH/DH/CTCT, định cư tại Mỹ 1992, diện HO 13, hiện là cư dân tiểu bang
Công việc: Sỹ quan điều hành tổ thông dịch viên của Lực Lựơng Phòng Vệ thuộc Vệ Binh Quốc Gia, Oregan, cấp bậc Thiếu Tá.(Oregon Army National Guard/State Defense Force/Interpreters Team/X.O) (ORANG/SDF/Interp.Team/XO). Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện về một người bạn cựu chiến binh Mỹ tự xưng là “người Việt gốc Mỹ”.
DIA hân hạnh trích đăng bài viết của anh Nguyễn Thế Thăng, một thành viên thân hữu của Gia Đình An Phong ở Mỹ. Anh Thăng là con rể hai bác Trần Trọng Luật, và anh rể của cựu đệ tử DCCT lớp Les Gabriels, anh Trần Trọng Dũng hiện ở Sydney, Úc Châu, cả bác Luật lẫn anh Dũng đều là thành viên Gia Đình An Phong, ở Sydney.
ooo000ooo
Tôi biết Mike khoảng hai năm sau ngày đặt chân lên đất Hoa Kỳ. Dù hành trang sẵn có chút ít tiếng Anh từ trước 1975, tôi vẫn phải vất vả hội nhập vào xã hội mới bằng những bước chân chập chững, e dè trong độ tuổi "bất hoặc". Thật may mắn, tôi tình cờ được gặp và quen biết Mike. Anh đã cho tôi một cái nhìn khá bao quát nước Mỹ từ phong tục tập quán đến văn hóa xã hội lẫn chính trị. Mike đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ cả vật chất tinh thần để tôi có được một nghị lực, niềm tự tin, sự phấn khởi tràn trề khi bắt đầu nửa cuộc đời còn lại nơi tha phương, đất khách.
Trong buổi họp mặt cựu Chiến Binh nhân dịp Memorial Day của State Guards Association of U.S (SGAUS), bàn của tụi tôi rất ồn ào với đủ mọi vấn đề trên trời dưới đất, vui nhất là những chuyện tiếu lâm xoay quanh đời sống thường nhật của người Mỹ, đặc biệt lớp tuổi về hưu phải đương đầu với nhà dưỡng lão, bệnh tật, nhất là bệnh lãng trí Alzheimer....
Hôm ấy, tôi kể chuyện một đôi vợ chồng già, Bác Sĩ nói với người vợ: tôi thấy sức khỏe ông nhà ngày càng khá hơn khi ông tìm được niềm vui nơi Thượng Đế, tin tưởng nhiều hơn vào Chúa Quan Phòng, đến nỗi, ông nghĩ Chúa đang theo giúp đỡ ông trong mọi việc, trong từng bước chân đi. Ông nói với tôi, đêm qua, khi ông vừa mở cửa nhà vệ sinh để đi tiểu thì Chúa bật đèn lên cho ông liền....
Bà vợ la lên, ngắt lời Bác Sĩ:
- Ôi lạy Chúa tôi, ổng lại đái vào tủ lạnh của tôi rồi!!! Cả bọn cười bò lê bò càng. Cười lớn nhất là một chàng cao lớn, tóc vàng tên là Mike. Anh vỗ vai tôi:
-Ê, bạn người gốc nước nào?
-Việt Nam.
Mike bật đứng dậy, bàn tay như hộ pháp chụp lên đầu tôi, nói thật lớn, nguyên văn bằng tiếng Việt đặc sệt giọng miền nam: -Đ.M. nãy giờ sao hổng nói?
-Ủa, anh biết tiếng Việt hả?
Mike vênh mặt lên, tay phải vỗ bồm bộp vào cái ngực đang ưỡn, vẫn dùng tiếng Việt: -Hai lần công tác Việt Nam, đem về Mỹ một cô giáo dạy tiếng Việt tại gia từ 1972, học và nói tiếng Việt từ hồi đó đến giờ, bộ ngu lắm sao mà không biết, biết rành quá đi chứ!! Không ngờ trong bàn lại có một số cựu chiến binh Việt Nam khác, đua nhau xổ ra những câu tiếng Việt họ còn nhớ lõm bõm: -Chòi đắt ui (trời đất ơi)
-chào cắc Ong, mành giỏi? (chào các Ông, mạnh giỏi)
-Con gái Viết Nàm đe.p lám (con gái VN đẹp lắm)
-Ngùi Viết Nàm tót lám, đi đi mao, đin kí đàu (người VN tốt lắm, đi đi mau, điên cái đầu !)....
Riêng Mike nói tiếng Việt rất lưu loát, không hề sai một âm nào (giống như ca sĩ Delena hát tiếng Việt vậy), kể cả cách dùng chữ rất trí thức, đôi khi dí dỏm, có lúc thật tiếu lâm. Tôi đã gặp một nhân viên Bộ Ngoại Giao rành tiếng Việt đến nỗi khi tôi đùa hỏi "Anh người gì mà nói tiếng Việt ngon lành vậy" Anh trả lời tỉnh bơ "Tôi người Bắc !".
Tôi cũng đã gặp một số người Mỹ chính gốc, thuộc giáo phái Mormon, họ thảo luận Kinh Thánh, đi truyền đạo Tin Lành bằng tiếng Việt thật trôi chảy, nhưng đó là nghề của họ. Còn Mike, anh nói tiếng Việt bằng cả tấm lòng: tên Mỹ của tôi là Micheal, tên Việt của tôi là Mai, theo giọng Việt Nam có nghĩa là hên, là may mắn, còn giọng Việt Bắc (?) hay Việt Trung (?) có nghĩa là hoa mai, một loài hoa rực rỡ mùa xuân !
Vợ tôi vẫn thích kêu tôi là Mai Cồ, hay Anh Cồ, hoặc Cồ ơi chỉ vì tôi bự con! Con rể của nước Đại Cồ Việt mà! Một ông thày bói VN nói số tôi phải cưới vợ họ Trần vì cả đời tôi không thích mặc áo..vv và vv ... tôi há hốc miệng ngồi nghe một chàng mắt xanh, mũi lõ, tóc vàng 100% Anglo-Saxon đang chơi chữ bằng chính ngôn ngữ của tôi !!!
Một đêm hội ngộ tuyệt vời, vui như chưa từng thấy từ ngày mất nước, từ ngày sống kiếp lưu vong.
Một tuần sau, Mike điện thoại mời tôi đến nhà. Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: gia đình Mike gồm vợ chồng và 2 con hoàn toàn sinh hoạt theo truyền thống Việt
Người gốc VN lại tưởng tôi là Mỹ lai, càng vui hơn, gần gũi hơn vì có 50% máu Việt Nam trong người mà, ai cũng vui. Mike dùng chữ "vui cả làng"!
Cả gia đình dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ chính. Sống trên đất Mỹ, Mike tâm sự, nói tiếng Anh là việc đương nhiên, thế mà nhiều gia đình VN từ vợ chồng con cái đều ra vẻ hãnh diện với mớ tiếng Mỹ đôi khi trật giọng, sai văn phạm....hoặc nói đệm, câu nào cũng chêm thêm chữ Mỹ vào, trong khi cố tình lơ lớ tiếng mẹ đẻ của mình, dễ mất gốc quá, tủi hổ ông bà tổ tiên quá, uổng phí quá.
Lại có cả vài người viết văn, nhiều chữ thông thường không biết, hay giả vờ không biết, lại phải dùng tiếng Anh mới thấy dổm làm sao. Tôi rất khâm phục những gia đình còn giữ vững truyền thống tốt đẹp VN. Tôi thấy những em bé VN thật dễ thương với tiếng Việt líu lo như chim hót nhưng tôi nhìn các em với cặp mắt bình thường nếu các em nói tiếng Anh, thật bình thường vì đây là nước Mỹ, sau này khi lớn lên phải học thêm một ngoại ngữ ngoài tiếng Anh, họ sẽ hối hận. Tiếc quá, Mike chặt lưỡi, lập đi lập lại, tiếc quá !!
Anh có biết "bà lang kẹt" là ai không? Thế mà một ông VN đã tuyên bố tự nhiên như người Sàigòn, vào mỗi mùa Đông, trên giường của ông phải có ít nhất hai bà lang kẹt ngủ mới đã, mới đủ ấm !?!?
Mai Liên, vợ anh, một sinh viên Đại Học Cần Thơ sinh quán Sóc Trăng.
Hai người quen nhau khi Mai Liên đi học thêm Anh ngữ trong một lớp do chính Mike phụ trách phần đàm thoại và luyện giọng. Thế rồi hai người yêu nhau nhưng không thể tiến đến hôn nhân vì gia đình hai bên đều không tán thành.
Mike phải xin trở lại Việt
Riêng gia đình Mike lúc đầu vẫn chưa mấy thiện cảm với người dâu dị tộc. Hai vợ chồng son cố gắng sống hòa hợp với mọi người, không tỏ ra khó chịu mà còn thấy vui vui với cái tên Liên vài người cố tình đọc trại thành Alien (=người lạ).
Chẳng bao lâu sau tình thế hoàn toàn đảo ngược. Khi cha mẹ Mike dọn vô nhà dưỡng lão chỉ có vợ chồng Mike thăm viếng thường xuyên. Ông bà rất cảm động, thỉnh thoảng lại công khai ngỏ lời xin lỗi Mai Liên và giới thiệu với mọi người Liên là đứa con gái yêu quý nhất. Bốn gia đình anh chị của Mike tan vỡ hết ba, sự kiện phổ thông với trên 60% gia đình Mỹ bị rắc rối trong hôn nhân. Cứ một lần li dị lại một lần chia gia tài, riết giống như chuyện thường tình. Tuy nhiên, có điều lạ là sau khi chia tay, họ vẫn liên lạc qua lại với nhau, coi nhau như bạn, không ai ghen tuông gì hết.
“Tạ ơn trời đất (Mike không dùng chữ Chúa) tôi có được một bà vợ tuyệt vời. Liên lo lắng chăm sóc tôi kỹ lắm từ mọi sinh hoạt đến từng miếng ăn hàng ngày. Tôi đã quen và rất thích thức ăn Việt Nam. Rất hợp lý nếu ta không biết kiêng cữ, cứ ăn tầm bậy là đưa đủ thứ bệnh tật vào thân thể mình thôi. Anh ăn cái gì anh sẽ như thứ ấy (1).
Ăn nhiều rau, đậu, trái cây tươi, da thịt anh sẽ tươi. Anh ăn mỡ, cơ thể anh sẽ phải đeo mỡ (2).
Tốt nhứt nên ăn chay. Gia đình tôi ăn chay mỗi tuần một lần, nhiều nhất là các loại rau. Đồ chay Liên làm ngon lắm. Món nào cũng ngon, cũng tốt cho sức khỏe vì Liên chỉ dùng dầu olive thay cho mỡ động vật, không mặn lắm, không ngọt quá như đồ ăn Mỹ, nhất là hoàn toàn không dùng bột ngọt. Đặc biệt nước mắm ăn riết rồi mê luôn nhưng điều cần thiết nước mắm mua ở chợ về phải đem nấu cho sôi lên rồi đổ lại vô chai xài vì trong nước mắm có thể có nhiều siêu vi trùng, nhất là siêu vi bệnh gan, các loại mắm cũng vậy.
Chế độ ăn uống như thế làm sao bị phát phì như ba phần tư dân Mỹ hiện nay. Đến như con nít trên 6 tuổi thì phân nửa đã vượt quá trọng lượng được coi là mập rồi. Còn về thẩm mỹ, Anh thấy không, thông thường da người Mỹ trắng lại quá trắng, trắng nhễ nhại (?!)trắng như Bạch Tuyết nên trông có vẻ yếu đuối, bệnh tật, vì vậy họ phải đi phơi nắng ngoài biển hay vô các phòng nhuộm da trong các tanning clubs để cho da họ có màu đồng nâu hay màu bánh mật, nhìn rất khỏe mạnh, thể thao hơn, mốt thời thượng mà! Bà xã tôi được Trời Đất thương cho cái màu tự nhiên đó từ bé nên Ông Bà Ngoại sắp nhỏ mới đặt cho cái tên Mai Liên, anh đọc lái lại coi?!”
Nghe đến đây chính tôi đã phải kêu lên: chu choa mệ tổ ơi, mần răng mà cái chi mô anh cũng biết hết rứa chừ hết biết luôn. Mike hiện nguyên hình một "chú Sam" há hốc miệng "Wh...what? What d'you say?"
Ngay sau khi dành thắng lợi đem được Mai Liên về Mỹ, Mike giải ngũ. Liên đi làm 2 nghề khác nhau cho phép Mike trở lại Đại Học lấy xong bằng Kỹ Sư Điện Tử.
Mike rất vui mỗi lần nhắc lại giai đoạn này: tôi sướng như Ông Trời con, ngày ngày đi học, còn Liên cực lắm, hy sinh vừa đi làm vừa lo cho tôi còn hơn Ba Má tôi ngày xưa, dĩ nhiên tôi yên tâm học xong rất nhanh. Bên Mỹ này anh muốn học là phải được, muốn học gì cũng được, muốn lấy bằng gì cũng có, chỉ cần anh có ý thích và có ý chí. Anh có thể học toàn thời gian, bán thời gian, học hàm thụ hay học ngay cả trên online. Không có tiền thì Chánh Phủ hoặc một cơ sở, một công ty hay một tổ chức nào đó ứng tiền cho mượn nếu đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên khi nộp đơn xin việc làm, người chủ chỉ căn cứ một phần trên bằng cấp, còn phần lớn dựa trên kinh nghiệm việc làm đã qua và sự giới thiệu, phê bình của các chủ cũ.
Tôi là cựu chiến binh, gần lấy xong bằng Kỹ Sư thì hãng Điện Tử Intel đã nhận trước rồi.
Năm đầu tiên tôi đi làm Liên chỉ còn làm một nghề, đến năm thứ hai Liên nghỉ việc hoàn toàn để đi học ngành Y tá. Đó là lý do chúng tôi chậm có con và chỉ có hai đứa.
Bên Mỹ này nghe nhà nào có 3,4 con là thiên hạ lắc đầu, le lưỡi liền. Có bầu, sanh con thật dễ dàng nhưng khó nhất, đau đầu nhất là vấn đề giáo dục, không dạy dỗ con được thì lại đổ thừa "cha mẹ sanh con, Trời sanh tánh", chưa chắc vậy đâu !
Có rất nhiều gia đình nuôi con đến 18 tuổi là bắt nó phải tự lập, nghĩa là đẩy nó ra ngoài xã hội, xét cho cùng điều này cũng có phần tốt. Vì vậy, cũng rất công bằng khi bố mẹ già yếu, đến phiên chúng nó sẽ đẩy bố mẹ vô nhà hưu dưỡng thôi!
-Mai Lan ơi, ra chào chú đi con, Mike gọi.
Một cô gái Mỹ đẹp như tài tử điện ảnh
-Cháu tên Mai Lan, cháu chào chú.
Tôi đứng dậy, Mai Lan bắt tay tôi bằng cả hai bàn tay:
-Chú tên là Long, Chú rất hân hạnh được biết cháu, được quen biết gia đình cháu, một gia đình tuyệt vời, cháu là một cô gái tuyệt vời. Cháu có về VN lần nào chưa?
-Dạ, cám ơn lời khen của Chú. Cháu đã về VN hai lần. Năm rồi cháu đi VN miễn phí.
-Sao vậy?
-Cháu có hai người bạn, hai chị em, bố mẹ họ là người Việt, hai bạn cháu không rành tiếng Việt nên bao cháu đi chung về VN để làm thông ngôn. Vui quá chừng. Bà con chòm xóm dưới quê cứ nhìn cháu chằm chằm: sao kỳ quá hè, Mỹ nói tiếng Việt còn Việt đặc thì bù trất, kỳ hén!
Lại nữa, Mỹ thì tên Việt còn Việt lại lấy tên Mỹ, ngộ ghê!!
Cháu dịch lại cho hai đứa bạn nghe, tụi nó mắc cỡ quá, về đến Mỹ bắt đầu học tiếng Việt ngay. Ba má tụi nó kèm riết, cháu cũng dạy thêm, bây giờ nói được hơi nhiều rồi. Hè năm nay tụi cháu lại về VN nhưng lần này cháu phải trả tiền vé máy bay vì bạn cháu không cần thông ngôn nữa, thông ngôn thất nghiệp rồi !! Ông bà ngoại cùng gia đình mấy Cậu, mấy Dì thương cháu lắm. Cũng có thể sẽ có anh Liêm đi cùng.
-Liêm là ai?
-Anh Hai cháu. Ảnh tên là Uy Liêm.
-Có phải đó là phiên âm tiếng Việt của chữ
William không?
-Dạ đúng
-Thế anh cháu thích tên nào?
-Cả nhà cháu thích tên Uy Liêm hơn vì đa số tên riêng của Mỹ không có ý nghĩa gì hết, thường được bắt chước từ trong Kinh Thánh. Còn tên VN có lồng nghĩa trong đó, có khi mang cả ước vọng của cha mẹ đặt ở người con. -Vậy Uy Liêm nghĩa là sao? Tôi giả vờ hỏi.
-Uy là uy phong, uy nghi, uy quyền, uy lực... còn Liêm là liêm chính, liêm sỉ, thanh liêm. Người có quyền uy thì phải liêm chính. Người ta khi có chút quyền chức thường hay sanh tật xấu, rồi tham nhũng, rồi phách lối.
Ba má cháu muốn anh Hai khi nào có địa vị lớn thì phải sống thanh liêm.
-Anh hai cháu đã có địa vị lớn chưa? -Dạ ảnh chỉ mới là Đại Úy Thủy Quân Lục Chiến đang chiến đấu ở Iraq. Còn 4 tháng nữa ảnh sẽ xong nghĩa vụ, khi trở lại Mỹ, được nghỉ phép, anh Hai sẽ theo tụi cháu về thăm Ngoại. -Anh Hai có biết tiếng Việt không?
-Hết sẩy Chú ơi, dù dở nhứt nhà nhưng cũng gần ngang tầm với Ba cháu ...
Mike ngồi nghe tôi khảo hạch cô con gái, miệng cứ tủm tỉm cười.
Tôi thật sự cảm động, nếu không nói là choáng váng, cứ ngây người ra. Giả sử có ai đó kể tôi nghe về một gia đình như thế này, về một cô gái Mỹ thế này, về một Đại Úy Đại Đội Trưởng TQLC Mỹ như vậy... chắc chắn tôi không thể tin vì tôi đã phải chứng kiến nhiều hoàn cảnh trái ngược.
Có lần, vừa bước vô nhà một người bạn VN, ngay tại phòng khách treo một tấm bảng bằng carton với chữ: "No Vietnamese!" tôi ngập ngừng, hơi tái mặt, rồi lẳng lặng, chẳng nói chẳng rằng bước ra ngoài. Chủ nhà chạy theo đon đả.
Tôi nuốt nước miếng cho dằn cái gì đó nghèn nghẹn trong cổ họng rồi chậm rãi: có phải ông không muốn tiếp khách người VN hay ông không cho phép ai ngồi trong phòng đó nói tiếng Việt ?
Anh ta phân bua: tôi chỉ muốn bà Xã và các cháu luyện tiếng Anh cho thật nhuyễn để mau thành dân Mỹ thôi !?!?
Vậy nếu ông vào một nhà hàng, một công viên, lên máy bay, xe lửa, xe buýt hay vô nhà một người Mỹ nào đó, ông thấy hàng chữ này, ông hiểu nó thế nào?!?!
Cách đây vài chục năm, khi tình trạng kỳ thị chủng tộc còn tồn tại trên đất nước Mỹ, người ta thường thấy trên xe buýt hay công viên có đeo bảng: No dogs and negroes (cấm chó và người da đen). Đến thập niên 60 mới chấm dứt. Bây giờ ông treo "No Vietnamese" trong phòng khách nghĩa là làm sao?!?!
Ông ta gỡ bảng xuống liền.
Ông bà này nghe nói qua Mỹ có mấy năm đã về VN xum xue, bà con bên nhà ngạc nhiên thấy ông và gia đình lột xác nhanh quá, sức mạnh một đại cường quốc có khác.
Bên này cả hai ông bà đi làm vệ sinh, quét dọn trường học, về VN khoe làm trong ngành giáo dục nên rất ít nói tiếng Việt.
Riêng dân Mỹ hay người VN tại Mỹ chỉ nghe âm Mít đặc, không cần nhìn, đều biết ngay ông chánh gốc là "dân địa phương" Alaska vì, mười câu hết chín, ông đều nhắc đến tên một thành phố lớn của Tiểu Bang này: Du nô (3).
Nhưng thôi, đây là đất nước tự do mà! Tự do dân chủ với lưỡng đảng đàng hoàng. Mike thường nói đùa với tôi "coi dzậy chứ hổng phải dzậy mà còn quá cha dzậy nữa" khi đề cập đến hệ thống lưỡng đảng của Hoa Kỳ hiện nay.
Cứ nhìn vô gia đình Thống Đốc Tiểu Bang
Nhưng khi có những sự kiện trọng đại liên quan đến an ninh đất nước, đến sự tồn vong của quốc gia, đến sự sống còn của dân tộc Hoa Kỳ thì hai đảng chỉ là một như sau vụ 9/11 mấy năm trước đây. Hình như có một thứ siêu chính quyền đâu đó quyết định tất cả, tương tự ảnh hưởng nội ngoại trên hai vợ chồng giữ cho hạnh phúc lứa đôi bền vững, từ đó nuôi dạy con cái thành công, kinh tế gia đình thịnh vượng, cho nước Mỹ chỉ mới hơn 200 năm lập quốc đã tiến lên bá chủ hoàn cầu. Nước Mỹ đang đứng nhất trên toàn thế giới về mọi phương diện nhưng rất tiếc, nhất luôn về vô luân thường, vô đạo lý và nhất luôn về cả lãnh vực tội phạm!
Đấy, Mike hướng dẫn cho tôi nhiều, rất nhiều điều, nhiều chuyện.
Chúng tôi ngày càng thân hơn khi biết tôi ngày xưa cũng có một thời gian đi dạy học. Vợ chồng Mike và cháu Lan lại thích tìm hiểu sâu xa tiếng Việt hơn qua những từ ngữ Hán Nôm mà tôi đã được Ông Ngoại, một Cử Nhân Hán Văn, khoa thi cuối cùng, dạy dỗ.
Nhờ vợ chồng Mike, tôi thực sự hội nhập vào xã hội Mỹ lúc nào không hay. Từ sự nhiệt tình giới thiệu của Mike, tôi được một chân Technician trong hãng Merix ở Forest Grove. Một năm sau, Mike khuyến khích và hướng dẫn vợ chồng tôi mua một cơ sở kinh doanh riêng ngay trung tâm thành phố Tigard đến nay đã tròn 12 năm.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi nhanh như những áng mây ngoài khung trời rộng. Thênh thang như giấc mơ Hoa Kỳ của gia đình tôi liên tiếp nở hoa.
Cho đến một ngày... Tin như sét đánh ngang tai. Hai vợ chồng Mike vừa qua đời trong một tai nạn xe! Cháu Lan gọi báo cho tôi bằng tiếng được tiếng mất, tức tưởi, nghẹn ngào. Một anh Mễ nhập cư bất hợp pháp say rượu lái xe vào đường cấm ngược chiều. Xe Toyota Camry của vợ chồng Mike nằm bẹp dí dưới gầm chiếc xe tải F350 chở đầy đồ nghề làm vườn cắt cỏ.
Toán cấp cứu phải cưa xe mới đem được hai người ra nhưng cả hai đều đã tắt thở vì sức va chạm quá mạnh và vì vết thương quá nặng.... Lại thêm một nhức nhối của người Mỹ trước làn sóng nhập cư bất hợp pháp... lại thêm một vết đen tệ nạn say rượu, say xì ke lái xe DUII (4) ngày càng nhiều....
Tang lễ thật đơn giản gồm đa số người quen gia đình, bạn bè làm chung Intel với Mike và đồng nghiệp trong bệnh viện của Mai Liên. Cháu Uy Liêm được thông báo từ
Trời
Vài tia sáng yếu ớt long lanh trên những ngọn cỏ đầm đìa. Mắt tôi nhạt nhòa trong cái lạnh tái tê. Cũng xong một kiếp trong vô lượng luân hồi. Một chút gì đó có lẽ hai người đang hài lòng là vẫn còn được đi chung với nhau, vẫn còn được tay trong tay, cùng qua một thế giới khác, hy vọng sẽ tốt đẹp hơn.
Ít nhất về vật chất bây giờ xác hai người vẫn còn được nằm bên nhau, hai ngôi mộ song song, cùng nhìn về quê hương VN tít mù xa thẳm cuối chân trời.
Riêng tôi lòng trĩu nặng mối ân tình chưa thanh thỏa.
Trong suốt cuộc đời còn lại, dù còn sống trên đất Mỹ này, hay giang hồ đó đây, hình ảnh tươi vui khỏe mạnh, tràn đầy sinh lực, gương mặt dễ thương, cử chỉ ân cần, lời nói nhã nhặn nhiệt tình và đặc biệt ân nghĩa của vợ chồng Mike đã dành cho gia đình tôi chắc chắn sẽ khó phai mờ.
Cám ơn Michael Erickson.
Cám ơn Mai liên Trần.
Xin tạm biệt.
NGUYỄN THẾ THĂNG
Tình bạn Có là tình của loài chim
Mary Vũ
Các anh các chị trong gia đình An Phong thân,
Hôm vừa rồi, ngồi buồn viết tầm bậy cho các anh chị đôi ba giòng. Thế mà anh chủ bút nội san Duc in Altum của Gia Đình An Phong lại vớ ngay, làm thành bài viết. Đọc thấy cũng ngộ.
Hôm nay, em thấy có hứng lại lấy giấy bút ngoằn nghèo thêm ba chữ, để gọi là “cứu bồ” anh chủ bút kiêm biên tập báo nhà. Vì không có ý tưởng gì hay ho để sẵn trong đầu, nay em xin mạn phép nghĩ gì, viết nấy. Xin các anh chị bỏ lỗi cho nhé.
Thú thật, là hôm rồi lục lại trong mục Giọng cũ xa gần, em nhặt được những ý tưởng “rất hay” của một cô bé chừng đôi tám, thế hệ thứ hai. Xin trích dẫn vài đoạn ở đây, để xem các anh chị có đồng ý hay đồng lòng không nhé. Cô bé viết về tình của loài chim như thế này:
Ba yêu quý của con.
“Năm ngoái, con có đến Idecaf để xem phim “các loài chim di trú” của một nhà làm phim thiên nhiên, người Pháp. Tuyệt vời lắm! Ông đã bỏ ra 5, 7 năm trời bay theo các loài chim di trú để có được những thước phim thật đẹp, thật sống động… Cuối phim, có một câu kết luận thế này: “Các chú chim di trú, mỗi năm vượt hàng chục ngàn cây số bay đến những vùng đất ấm áp tránh đông nhưng sau đó, chúng luôn trở về lại vùng trời phương Bắc, như một lời giao ước tình nghĩa, không bao giờ lỗi hẹn cả!” Con vẫn thắc mắc, không hiểu sao bọn chúng lại chẳng chịu ở luôn tại nơi trú đông ấm áp, dồi dào thức ăn? Tại sao chúng lại làm những cuộc hành trình gian khổ và lắm hiểm nguy như thế, vào mỗi năm? Vì bản năng?? Vì, những vùng đất phương Bắc sẽ trở nên thiên đường tươi đẹp khi xuân về?? Vì, những đặc điểm sinh học của chúng thích hợp với phương Bắc hơn?? Những điều này, có thể gọi là hợp lý đấy, nhưng con chưa thể xác quyết gì cả. Có lẽ sau này, trình độ về sinh học của con cao hơn, nghiên cứu nhiều hơn, con sẽ giải thích được rõ ràng… Nhưng liệu sẽ có bao nhiêu người chỉ tay vào những bầy ngỗng trời, vịt trời mà bảo: bọn chim dở hơi, bay đi bay lại làm gì cho tốn công tốn sức, cho nguy hiểm đến thế!!!”.. Đấng Tạo hoá sinh ra chúng như thế từ ngàn năm, những chú chim vẫn lướt qua núi cao, mây trời, băng qua sa mạc khô khốc, vượt đại dương mênh mông, bất chấp cả những viên đạn ác nghiệt từ họng súng thợ săn luôn rình rập đâu đó, không màng đến những lời nhận xét của những người không hiểu biết, chẳng biết đến dấu hỏi hoài nghi của một nhà…’động vật học tương lai’, như con…Chúng cứ “bay, bay mãi, từ thế hệ này sang thế hệ khác, vì một lời “hò hẹn” Đông-Xuân với hai vùng đất khác nhau vạn dặm, vì đó là ‘CHÂN LÝ’ để sinh tồn mà Tạo hoá đã khéo léo sắp đặt thành ‘bản năng’ cho mỗi chú chim từ thuở vừa chui khỏi trứng, một thứ bản năng diệu kỳ không phải ai cũng tường tận, cũng thấu đáo… Nhờ thế, mỗi năm người ta vẫn có thể thấy được ‘đội hình chữ V’ của các chú vịt trời gấp gáp tiến về phương Nam cho kịp lời hẹn ước, chẳng quan tâm đến những câu hỏi, những lời nhận xét…
Các anh các chị thân mến,
chảy trên đây của cô bé lúc đặt bút viết mới chỉ đôi tám, là giòng chảy hài hoà gửi về người cha ở nhà, khi biết được giòng chảy hoà hiền lâu nay đã gặp phải khúc xiết. Và, cô tiếp tục với ý tưởng rõ nét hơn:
“Ba ơi,
Con nói dài dòng như thế, cũng chỉ muốn nhắn với ba rằng, dù cho ai đó có nói gì đi nữa, nếu mình cảm thấy đã làm hết sức rồi và với mình, đó là LẼ PHẢI, thì không có gì phải hối tiếc cả!!
Bản thân con, con luôn tin rằng những điều ba đã làm được thật tuyệt vời! Một tờ giấy trắng tinh tươm, ba đã nhọc công nắn nót viết nên những dòng thư pháp đẹp đẽ, nếu lỡ có ai đó làm lấm lem vài vết mực, ba đừng lấy đó làm buồn lòng, nhìn từ xa nó vẫn đẹp lắm lắm!!”
Con muốn nói thêm vài điều như thế này… Một con sông, ở thượng nguồn, chảy thật êm đềm, điều hoà, đến gần những ghềnh thác, chảy thật xiết, thật xoáy, đến một lúc nào đó, dòng sông bỗng chia làm hai nhánh, chảy riêng rẽ, có thể hai nhánh ấy sẽ nhập lại với nhau ở một nơi nào đó, rồi tiếp tục đổ ra biển khơi, nhưng có khi, nhánh sông tách ra sẽ nhập vào dòng sông khác, chẳng biết bao giờ mới tương phùng… nhưng dòng sông kia thì vẫn đều đặn chảy mãi, chảy mãi, tìm về biển khơi mênh mông…
Và, cô gái yêu thấy chuyện hiểu lầm tình bạn thân thương giữa thân phụ và người thân thiết nhất trong nhà, hàng mấy chục năm trời, lại đã viết thêm:
“…Bản thân con, vẫn rất mong chờ vào một ngày nào đó, nhánh sông rẽ sẽ chuyển mình để nhập trở lại, với dòng chảy luôn tồn tại, từ quá khứ, hiện tại đến tương lai… Nhưng nếu điều đó không xảy ra, thì con tin, ba vẫn luôn tiếp tục theo đuổi dòng chảy huớng về tự do, công bằng bất chấp có những hòn đá xấu xí, thô kệch chắn ngang, nước chảy đá mòn mà!! Với lại, vẫn còn rất nhiều nhánh sông vẫn hoà nhập vào dòng chảy của ba: những người bạn, những học trò luôn ủng hộ ba hết mình…
Và, con gái yêu kết thúc giòng chảy bằng hai câu thơ của Lý Bạch:
Có hai câu thơ trong bài “Hiệp khách hành” của Lý Bạch mà con rất thích, bây giờ tặng ba:
Sự liễu phất y khứ
Thâm tàng thân dữ danh
Xong việc phất áo ra đi,
Không màng đến danh lợi.
Các anh các chị thân,
Thật ra, ý của cô con gái yêu không hẳn là những ý tưởng về tình bạn thân thương gặp phong ba sóng gió, cho lắm. Để biểu đồng tình với cô bé, em cũng vừa nhặt được ý tuởng ở trên mạng về tình bằng hữu, xin trích ra đây để các anh chị thưởng lãm:
Hãy nhoẻn cười đi! bạn sẽ lại nhận được những 10 nụ.
Hãy cứ yêu đi! Rồi cũng được yêu
Hãy làm ngay những cử chỉ đẹp để hiến tặng bạn bè.
Hãy sẻ san, thì sẽ được san sẻ.
Hãy an ủi động viên nhau, rồi mình cũng sẽ được ủi an, khích lệ.
Hãy nguyện cầu cho bạn mình, tự khắc mình sẽ nhận được kết quả lời cầu nguyện của bạn.
Hãy giúp đỡ bạn bè, mỗi khi có thể làm được.
Hãy xin lỗi ngay, khi vừa biết mình có lỗi với bạn bè.
Hãy làm hoà với nhau trước khi mặt trời lặn.
Đừng chờ đợi…
Bởi, bạn đâu còn đủ thời gian và cơ hội mà làm.
Thưa các anh chị, trên đây cũng chỉ là vài thông điệp nhỏ, em bất chợt tìm gặp, nay chuyển đến cho nhau, để suy nghĩ.
Nay kính,
Mary Vũ.
Lời hay, ý được
*Đàn ông đến từ Hoả tinh, đàn bà từ Thuỷ tinh
*Bầu ơi thương lấy bí cùng, mai sau có lúc… nấu chung một nồi.
*Trăn năm bia đá vẫn mòn, bia chai cũng bể, chỉ còn bia… ôm!
*Khi gặp chó dại hay rắn độc, thì hãy đứng yên để cho nó cắn. Vì, chạy đằng nào nó cũng cắn hết.
*Cô gái nào đứng trước mặt mình mà cúi xuống, có nghĩa là cô ta đang thẹn vì thích mình đấy. Nhưng, nếu mình mà lại nhìn xuống đất khi đứng trước mặt cô gái nào, đơn giản chỉ là vì mình thích … cặp giò của cô ấy.
*Còn … nói, còn… tát.
*Hôn nhân luôn tặng mọi người một đặc ân: chỉ người nào đã qua cầu rồi, mới có quyền ly dị.
*Nhà sạch thì mát, bán sạch rất tốn xà bông.
*Quân tử nhất ngôn là quân tử dại. Quân tử nhai đi nhai lại là quân tử khôn
*Bạn có thể thành bác sĩ mà chẳng cần học y khoa, nếu các cụ đặt tên bạn là Sĩ mà cô em hay cậu em bạn lại có con, thì chúng sẽ gọi tâng bạn lên thôi.
*Trèo cao ngã đau, trèo thấp ngã cũng đau.
*Cá không ăn muối cá ươn. Con không ăn muối… thiếu i-ốt mất rồi, con ơi.
*Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn nàng khổ lắm các anh ơi.
*Một điều nhịn bằng chín điều… nhục.
*Không mày đố thày dạy ai.
*Trông bạn thấy quen quen, hình như mình chưa gặp bao giờ.
*Trúc xinh trúc mọc đầu đình, em xinh em hút thuốc chùa cũng xinh.
TU SĨ VÀ BẰNG CẤP
T.N.B.
Người không đi tu háo danh, gian dối, lấy không làm có… là những việc làm sai trái thường xảy ra. Bởi đó mà người ta gọi cõi đời là thế gian, trần tục . Nhưng người tu hành mà gian dối, háo danh, khoe khoang, khoe bằng, khoe chức, khoe của… là điều không ai có thể chấp nhận được. Người tu hành bất cứ đạo nào phải là hình ảnh khiêm cung, siêu thoát, đơn giản trong cung cách sống và lời nói. Nếu không, sao xứng đáng gọi là lãnh đạo tinh thần, hướng dẫn đời sống tâm linh? Vậy mà bịnh khoe bằng cấp/bằng cắp vẫn không tha giới tu sĩ Việt
Một thượng tọa có bằng Ph. D. chủ lễ cầu siêu cho người chết có gì khác hơn một thượng tọa không có Ph. D.? Sao lại phải khai ra? Đức Phật Thich Ca sau khi xuất gia tu hành đâu còn xưng mình là Thái Tử? Chính cái tâm, cái đức của người tu hành, không phải cấp bằng hay chức tước, mới thật sự quan trọng.
Linh mục là chức thánh do Đức KiTô lập nên trước khi thọ hình. Chức này phải cao cả hơn hết ở thế gian, không gì có thể so sánh được. Người ta có thể bỏ tiền ra mua bằng cắp, chạy chọt quan chức nhưng không thể dùng tiền mua chức linh mục. Trong thời gian 15 năm qua ở Việt Nam, có trường hợp gia đình phải cắn răng chi tiền, “lịch sự” với quan chức cộng sản để chi bộ đảng cộng sản chấp thuận cho con em được phong chức linh mục, nhưng đây không phải là mua chức vì ứng cử viên đã hội đủ mọi điều kiện đối với Hội Thánh và giáo quyền:
Thế chiến quốc thế Xuân Thu
Gặp thời thế thế thời thời phải thế!
Nhưng một số lớn linh mục đã không cảm thấy chức linh mục là chức cao quý nhất nên mới có thêm những tước vị lòng thòng đi kèm, để phân biệt cá nhân mình với các linh mục... tầm thường khác: linh mục nhạc sĩ Nguyễn Văn A, linh mục tiến sĩ Vũ Văn M, linh mục giáo sư tiến sĩ Lê Văn X...
* Soạn nhạc, viết nhạc thì giáo dân biết mình là nhạc sĩ rồi, cần gì phải xưng danh là “linh mục nhạc sĩ”?
* Và xưng để làm gì?
* Bán CD, DVD nhạc?
Ở Hoa Kỳ hầu hết các giáo sư đều có bằng Ph. D. Giáo sư mà không có bằng Ph. D. thật là họa hiếm và phải thật giỏi, xem bằng Ph. D. chẳng vào đâu nên không bận tâm đạt lấy, như trường hợp linh mục Henri Nouwen, tác giả hơn 40 quyển sách nổi tiếng. Vậy đâu cần thiết phải xưng danh là “giáo sư tiến sĩ”?
Trừ phi muốn phân biệt mình với các “giáo sư” từ Việt
Một vấn đề khác đáng nói là hiện tượng manh nha trong giới tu sĩ VN ở hải ngoại trong mười năm qua là hiện tượng học tiến sĩ hàm thụ online từ một số trường, nhất là các trường hàm thụ ở tiểu bang
Nói khác, đây là những trường chuyên phân phát “bằng cắp,” dành cho các sinh viên ngoại quốc thuộc thành phần con ông cháu cha, cô chiêu cậu ấm thích du hí mà không thích học, nhưng lại muốn có... bằng cấp to để về nước lòe thiên hạ và nối nghiệp cha ông! Vậy rõ ràng những trường... học đại này được lập ra không phải vì mục đích giáo dục, và người theo học cũng không phải muốn học mà chỉ muốn có... bằng cắp!
Một linh mục VN theo học trường loại này, đỗ bằng “Psych Doc” (Tiến sĩ Tâm Lý Học!), đã ghi hai chữ này khá to sau chức linh mục và tên mình trên các bài viết trên mạng! Nhưng cũng có linh mục tự trọng, đậu bằng cắp loại này không dám khoe!
Trong ba năm qua, vài ba linh mục Việt
Giọng cũ xa gần
Dân Gầy phụ trách
*Ngồi buồn nhớ lại chuyện xưa:
Duc in Altum vừa nhận được tin-thư liên lạc của anh em lớp Vô nhiễm, vẫn thường gọi là thư của “Capo cánh già”. Kỳ này, đại diện lớp có những tưởng niệm về một nhận định. Nhận định là của “Cây Đại Thụ DCCT Trần Hữu Thanh”, rất thân và cũng dễ yêu, như sau:
GIA ĐÌNH AN PHONG NGOÀI TU VIỆN
Sài gòn, ngày
Thưa các Anh, các Chị, các Cháu.
Thánh Lễ tháng 06/2008 sẽ được tổ chức vào lúc 8g00 Chúa Nhật, ngày
Nếu trong quá khứ đã có lần các Anh, các Chị, các Cháu … bỏ qua buổi họp mặt hàng tháng này vì nhiều lý do, thì buổi họp mặt sắp tới, các Anh, các Chị, các Cháu không thể bỏ qua. Phải về tham dự để được nghe chuyện ma quỷ quậy phá Cộng đoàn Kỳ Đồng trong tháng năm vừa qua. Nhớ nhé !
CHUYỆN ĐẾN BÂY GIỜ MỚI … KỂ LẠI
TRONG MỘT TUẦN LỄ, TẠI NHÀ THỜ KỲ ĐỒNG, HAI LẦN GIA ĐÌNH AN PHONG TUYẾN 2 ĐƯỢC NHẮC ĐẾN.
1/ Ngày 07/11/2005, lễ phát tang Cha Alphongse Hồ Đỉnh tại nhà thờ Kỳ Đồng. Cha sinh năm 1935, vào Dòng Chúa Cứu Thế, du học tại Pháp và kẹt lại sau năm 1975. Cha “đầu quân” làm mục vụ tại giáo phận Versailles, xin ra khỏi Dòng năm 1993 để thực thụ là linh mục Triều thuộc quyền Giám mục giáo phận.
Cha giảng lễ Nguyễn Thể Hiện, Giám đốc học vụ Học viện DCCT đã nhắc tới việc sau khi xin ra khỏi Dòng “về mặt hành chánh”, Cha Hồ Đỉnh đã tự nguyện gia nhập Gia Đình An Phong Tuyến 2 để vẫn tiếp tục sống tinh thần An Phong như các anh em cựu tu sĩ, cựu đệ tử của Dòng, mà Cha Eugène Larouche đã gọi là những “rédemptoristes du dehors” (hôm nay mang danh rất chính xác và tránh được ngộ nhận chẳng lành : GIA ĐÌNH AN PHONG NGOÀI TU VIỆN). Trong một cuộc điện đàm tại nhà anh Nguyễn Ngọc Lan giữa Cha Hồ Đỉnh và Quản gia lúc bấy giờ, Cha Đỉnh đã xin đăng ký và Quản gia đã … duyệt ! Cuối thánh lễ, Cha Bề Trên Giám Tỉnh Cao Đình Trị đã ngỏ lời cảm ơn cộng đoàn phụng vụ, gia tộc Cha Hồ Đỉnh và GĐAP Tuyến 2.
2/ Ngày 11/11/2005, nhân cuộc tĩnh tâm hàng năm của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, một thánh lễ đồng tế đã được dâng với cộng đoàn phụng vụ đông đảo khác thường để kỷ niệm 80 năm (1925-2005) DCCT hiện diện tại Việt Nam.
Cây đại thụ của Tỉnh Dòng, Cha Trần Hữu Thanh ngồi trên xe lăn trong phẩm phục hành lễ, được đẩy ra giữa cung thánh giảng thuyết. Hai ý tưởng chính của cụ già 90 tuổi mà đầu óc còn minh mẫn, mà giọng nói còn sang sảng :
Một : Cám ơn Tỉnh Dòng mẹ Canađa đã có quyết định sáng suốt ngay từ đầu là gởi các thày đại chủng sinh Canađa sang Việt Nam học tập cùng với các thày Việt Nam. Sau thời gian học lý đoán và thần học (6 năm) các cha
Hai : Cây đại thụ Trần Hữu Thanh nói : “Khác với các dòng khác, DCCT chúng tôi, những anh em đang sống trong các cộng đoàn trên đất nước Việt
Thưa các Anh, các Chị, các Cháu,
Xin tiếp tục sống tinh thần này tuỳ hoàn cảnh của mỗi người và … “Đừng sợ!” (Lời dạy của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô 2).
Xin cám ơn anh Tân Giám Tỉnh và các bạn trẻ đã phục hồi sinh hoạt lành thánh của các thành viên ngoài tu viện.
CAPÔ CÁNH GIÀ
*Người Việt là người gì?
Trong quá trình tìm kiếm giọng cũ xa gần, có một giọng tương đối ở vào bậc trung. Đó là những giọng “đực rựa” chuyên vác dao vác rựa ra mà chém. Trong số những người bị giọng này chém, trước nhất là người Việt. Hãy cứ thử nghe hơi gió của máy chém này, xem sao! Máy vừa “phạp” xuống, như sau:
Người Việt là người giỏi nhất:
Cả thế giới đều sợ người Mỹ. Vì, người Mỹ đã “lói” là “nàm”.
Thế nhưng, người Mỹ lại sợ nhất người Nhật, vì người Nhật “nàm” xong mới “lói”.
Vậy thì, người Nhật sợ nhất là ai? Xin thưa, đó là người Trung Hoa, vì người Hoa không “lói” cũng vẫn “nàm”.
Người Nhật luôn đề phòng người Trung Hoa, vì Trung Quốc là cường quốc có tiềm lực quân sự.
Vậy thì, xin hỏi người Trung quốc, sợ ai nhất. Vâng, chính đó là người Việt. Vì, người Việt nói một đàng làm một nẻo, bố ai mà lần. Vì thế có phải người Việt mình giỏi nhất, không?
Người Việt lại là người gan dạ nhất:
Năm 1990. Vào thời đó, lần đầu tiên và cũng là lần cuối, Á châu tổ chức hội thi: Người gan dạ nhất… hành tinh.
*Có một người Hoa đứng lên cho rằng: người Trung quốc gan nhất vì dám nhảy từ độ cao 10m xuống đất, mà chẳng cần lưới an toàn, như phim tập. Nghe xong, mọi người vỗ tay khen. Đồng ý.
*Người Nhật cho rằng: người mình gan nhất, vì dám cầm dao rạch bụng, móc ruột ra khoe với mọi người, xong rồi nhét ruột vô khâu lại. Các khán giả đều vỗ tay nhiệt liệt hưởng ứng cho rằng người Nhật gan dạ nhất.
*Đại diện các nước khác thay nhau liên tục biểu diễn các trò mạo hiểm để chứng tỏ người mình gan cùng mình. Khán giả lại được dịp vỗ tay khen ngợi không ngớt. Nói chung, dân tộc nào cũng có người gan dạ, và giám khảo đắn đo mãi vẫn chưa quyết định.
Cuối cùng, người Việt Nam cử hai đại diện khệ nệ bưng một vật hình khối dài gần 1m đặt giữa khán đài, rồi cả hai cầm cưa sắt kéo qua kéo lại, khán giả thoạt nhìn, có người vội trề môi chê là tầm thương, không có gì chứng minh gan dạ hết. Bất chợt, từ phía ban giám khảo bước ra một vị cầm máy vi âm, với giọng nói run lẩy bẩy: thôi, xin dừng ngay cho. Tôi chính thức công nhận người Việt gan dạ nhất rồi. Xin nhị vị đừng kéo cưa nữa, kẻo nó nổ chết cả lũ bây giờ… Lúc ấy, khán giả mới hiểu ra: quái vật dài 1m mà hai người kia đang cưa, là quả bom chưa phát nổ. Thế là, mọi người ú té, kéo nhau chạy.
Chạy dài, sợ luôn cả người Việt.
*Có những “ranh” ngôn:
Thật ra, phải gọi là danh ngôn mới … cứng. Nhưng ở đây tác giả vô danh nọ, chỉ thích cứ gọi đó là “ranh”, tức đọc chữ “danh” theo kiểu giọng Bắc kỳ Công giáo di cư, thôi. Và, “ranh” ngôn ấy, cũng đã thành “danh” ngôn như thế này:
1.Có chí thì… ghê.
2.Con nhà tông không giống lông, đỡ giống… khỉ.
3.Gần mực thì đen, gần đèn thì … hút.
4.Bầu ơi, thương lấy bí cùng,
Mai sau có lúc nấu chung một nồi.
5.Liệu cơm mà gắp… hết.
6.Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc,
Áo nàng xanh, anh bán cúc, nuôi gà.
7.Tham thì thâm, không tham thì ngâm
8.Thuận vợ thuận chồng, con đông mệt quá.
9.Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện cũng um sùm.
10.Hạt muối chia hai, hạt đường nuốt hết.
11.Bạn bè có phúc cùng chia, có hoạ bỏ trốn
12.Có công mài sắt có ngày chai tay.
13.Tay trắng làm nên mấy chục ngàn bạc nợ.
14.Kiến tha lâu… mỏi cẳng.
15.Nhất tự vi sự, bán tự… vô sư. (Một chữ cũng là thầy, bán chùa hết còn sư)
16.Nhà sạch thì mát, bát sạch… tốn xà bông để rửa.
17.Một con ngựa đau cả tàu bỏ chạy.
18.Môi hở, răng hô.
19.Máu chảy, ruột đánh lôtô vì sợ.
20.Cá không ăn muối cá ươn,
Con cãi cha mẹ, trăm đường con… đi.
21.Trèo cao ngã đau, trèo thấp ngã vẫn đau.
22.Qua cầu ngả nón trông cầu,
Cầu bao nhiêu nhịp… tốn xăng dầu bấy nhiêu.
23.Học một biết mười, học mười quên hết.
24.Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. (Lắm nghệ tinh dễ kiếm việc)
25.Tay làm hàm nhai, tay quai miệng… đỡ mỏi.
26.Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, chặt cây nhớ canh cảnh sát.
27.Học đi đôi với hành, hành đi đôi với tỏi.
28.Có tiền, mua tiên cũng… uổng.
29.Chắc như đinh đóng cột … mục.
30.Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
mai sau có lúc ngoài đường “on sale”.
31.Ăn trông nồi, ngồi trông người bên cạnh.
32.Cọng giá cắn đôi, Big Mac ăn cả.
Lời Bàn của Dân gầy: Cứ cái kiểu đặt ca dao, ngữ… tục như thế này, ắt có ngày ăn roi các thày cô, đấy nhé bà con.
*Ai bảo rằng đời mình chẳng vui:
Mới đây, DânGầy được đọc một “chuyện phiếm’ của anh Trần ngọc Mười Hai (hình như là một cựu đệ tử), có viết về chuyện “buồn – chán”. Nay, lại đọc thêm nhưng vần thơ của người nào đó không ký tên, trên dòng chày điện báo, những muốn gửi đến bạn bè, đọc cho vui, những ngày không thấy chán mà cũng chẳng thấy buồn, như sau:
Trong mắt em anh thấy cả ngày mai
Trong vòng tay nhau, tình ta hun đúc
Cuộc sống chung chứa chan niềm hạnh phúc
Tình nồng nàn suốt hiện tại, tương lai
Chìa khóa trái tim anh duy nhất
Em giữ và cứ mở ra coi
Để tin tưởng ở trong chứa chất
Bóng hình chất ngất: Chỉ em thôi !
Anh sẽ hái những vì sao cao ngất
Làm cá dưới sông biết nói cười
Ếch nhái biết gảy đàn, múa hát
Mọi điều… miễn được thấy em vui
Có người thích đổi thay
Nhưng không mong biến động
Có người khoái trái cây
Muốn ngọt ngào, chiều chuộng
Có người ưa thẳng ngay
Giản đơn, không pha trộn
Vị tình yêu… ngất ngây
Đến thế nào… cũng sướng
Hỡi người yêu duy nhất của lòng anh
Món quà quí chất lượng cao vô giá
Em nhỏ bé, với anh là tất cả
Suốt đời này chỉ biết có em thôi.
*Sống lâu hay chết mau:
Dạ thưa, đó vẫn là vấn đề. Của thời xa xưa, lẫn hôm nay. Hôm nay, điều này vẫn được chứng thực qua lời của nhiều bác sĩ, mà “thầy sáu hụt” nhà ta là bác Huỳnh Công Lợi, có một vòng “siêu” tầm như ri:
10 bí quyết sống lâu
Người Trung Quốc có câu: "Không sống nổi 100 tuổi, lỗi chính là tại mình". Vậy làm cách nào để trường thọ? Các nhà khoa học cho rằng, nếu làm được 10 điều sau thì việc sống lâu trăm tuổi là trong tầm tay.
1. Có mục tiêu:
Luôn tâm niệm tất cả vì mục tiêu sức khỏe, mọi hoạt động đều phải xoay quanh mục tiêu này. Chỉ có sức khỏe tốt, bạn mới có cuộc sống chất lượng cao.
2. Thư giãn:
Hãy thư giãn một chút khi phiền muộn. Lúc vui vẻ sảng khoái hãy nhâm nhi một chút rượu, một chén trà, một chút thư giãn sẽ làm cho tâm hồn thảnh thơi. Trồng hoa, chăm cây, câu cá, thả chim, du lịch, đọc sách... sẽ làm cho tâm hồn khoáng đạt.
3. Nên quên:
Quên tuổi tác, quên bệnh tật, quên hận thù, không được để ý nghĩ "mình già rồi" thường trực trong đầu và là câu cửa miệng. Nói già, già sẽ đến, nói bệnh, bệnh tự sinh. Luôn canh cánh hận thù, oán đời... là kẻ thù của tuổi thọ.
4. Vận động:
Luôn để cơ thể đang trong trạng thái vận động. Cách vận động tốt nhất là đi bộ, hãy đi bộ mỗi ngày 3 cây số trong vòng 30 phút. Các hình thức vận động khác như bơi lội, đạp xe, thể dục, đánh bóng, leo cầu thang cũng rất thích hợp.
5. Giảm tinh bột:
Tuổi càng cao nên ăn thanh đạm là chính, ăn nhiều rau, hoa quả. Lương thực nên dùng chủ yếu là các loại lương thực sơ chế, các chế phẩm từ đậu, rau dại... Mỗi ngày nên ăn 1 ít thịt nạc, trứng, cá. Còn mỡ, nhất là mỡ động vật, đường và muối chỉ nên dùng một chút. Mỗi bữa không nên ăn quá no.
6. Giảm ham muốn:
Lòng tham là kẻ thù của tuổi thọ. Chớ ham danh lợi, vứt bỏ các điều phiền muộn làm cho thân thể và đầu óc luôn được thảnh thơi, vui vẻ và hạnh phúc.
7. Nhân nhượng:
Hãy chân thành đãi nhau, khi có tranh chấp nên đặt chữ Nhẫn lên trên. Nên làm nhiều việc thiện, khoan dung với mọi người.
8. Giao hảo:
Cô đơn là kẻ thù lớn của sức khỏe. Cô độc lâu dài não sẽ bị thoái hóa, làm người chóng già, thậm chí còn có thể gây bệnh ngớ ngẩn cho người già. Tăng cường giao lưu với bạn bè tốt sẽ gia tăng hứng thú cho cuộc đời.
9. Giảm rượu, bỏ thuốc lá:
Một chút rượu màu cho 1 ngày có lợi cho sức khỏe, nhưng uống nhiều rượu trắng lại làm bệnh tật gia tăng. Mỗi ngày không nên dùng quá 15gr rượu. Bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt.
10. Cởi mở:
Tâm tình khoáng đạt, chớ so kè với mọi người, luôn giữ cho tâm lý cân bằng. Hòa thuận với người, vui vẻ giúp bạn, đọc nhiều làm vui... Tự tận hưởng những ngày thú vị.
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái cọc để phơi áo quần
Hai người nhầm lẫn tứ tung
Nàng như cũng có cái quần giống tôi
Ðể rồi có một lần phơi
Thế nào tôi lấy nhầm ngay của nàng .
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng
Thấy nàng hé cửa gọi sang thế này
"Ấy ơi ấy hãy vào đây,
Cho tui đổi lại cái này chút coi"
Lần đầu tiên thấy nàng cười
Nàng che một tấm vải dày! ngang hông (?)
"Cái quần duy nhất của em,
Hôm qua anh lấy về bên ấy rồi ."
*Thơ con nhái bén:
Dân Gầy có người bạn từ quê nhà, thư sang, cho biết: lúc này ở Việt nam có nhiều hiện tượng văn nghệ lắm. Nào là thớ Bút Tre, Nhiếp ảnh Tam Thái, nhạc… viết đến đây Dân Gầy bèn tịt ngòi vì đầu óc lúc này sao không nhớ nổi những tên cùng tuổi, nhất là số tuổi của người mà mình quên tên. Đại khái có nhiều người còn trẻ cả bộ lòng lẫn đầu óc, tức trẻ người nhưng không non dạ, trẻ cả về tư tưởng lẫn tinh thần. Bằng chứng được trích dẫn qua thơ văn con nhái bén tài tử như thơ nhại sau sau đây:
Trăm năm trong cõi người ta
Ai ai cũng phải hít ra thở vào
Trăm năm trong cõi người nào
Ai ai cũng phải hít vào thở ra
Xa xa như nước Cu-Ba
Người ta còn phải hít ra thở vào
Gần gần như cái nước Lào
Người ta cũng phải hít vào thở ra
Nói chung trong cõi người ta
Bắt buộc là phải thở ra hít vào .
*Chuyện người trẻ, chuyện con ngưòi:
Người trẻ, là con người hay người con, cũng vẫn là trẻ người nhưng không non dạ. Non dạ sao được, khi các người trẻ ở Úc, có những nhận định rất ư là không “non dạ”, vào những ngày trước khi Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008diễn ra ở Sydney, như sau:
Khi được hỏi:
1.Anh/chị có được kinh nghiệm gì khi tham gia Đại Hội lần này, ở Úc?
2.Nếu được phép hỏi Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI chỉ một câu, câu đó như thế nào?
Trả lời của Caterina Golotta, 27 tuổi ở
1.Hy vọng rằng nhờ thấy và gặp gỡ rất nhiều người cùng san sẻ một niềm tin, tôi sẽ thấy sống lại nơi tôi niềm linh đạo đã có từ ttrước, và thấy mình vững chãi hơn khi bước theo chân Chúa trong yêu thương và có quyết tâm.
2. Có lẽ tôi sẽ hỏi ngài: Ngài có vui không, thưa Đức Thánh Cha?”. Và tôi chắc cũng chỉ muốn nói chuyện với ngài như một con người bình thường, chỉ để xem ngài có phản ứng ra sao, ththế thôi.
Carly McDermott, 23 tuổi ở
1.Lâu nay tôi vẫn có nhiều bạn sống đúng vai trò người Công giáo, ở quanh tôi. những người có các hành xử đúng của người làm chứng cho Đức Kitô, thật sự. Các linh mục đã khuyến khích tôi rất nhiều nên dính dự vào với Đại Hội Giới Trẻ thế Giới. Đôi lúc, tôi nghĩ: với tư cách một người trẻ trong hội thánh, mình cũng thấy có hơi đơn độc, lẻ loi. Nhiều khi, thấy mình là người trẻ tuổi duy nhất còn đi lễ nhà thờ. Nên, cứ đến với Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, mở to con mắt ra mà nhìn, sẽ thấy và sẽ gặp gỡ cả triệu người Công giáo trẻ, ở quanh ta.
2. Trả lời cho câu hỏi: Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới làm được gì cho nước mình? Thì tôi nghĩ: Hy vọng rằng Đại Hội như thế này sẽ tạo nhiều hình ảnh tích cực về Hội thánh. Và, tôi đoán, nó cũng sẽ cho thấy các chấn động và rung cảm nơi người trẻ như tôi tham dự Đại Hội. Nội việc ấy, cũng đã làm nhiều người thêm trẻ trung.
Với Alexandra, 23 tuổi ở
1.Đại Hội GTTG 2008 làm được gì cho nước tôi ư? Tôi nghĩ, đây là cơ hội tuyệt vời cho các người trẻ như tôi để học hỏi thêm về niềm tin của mình.
2.Điều gì lôi cuốn tôi đến với Đại Hội ấy à?
Tôi nghĩ: Niềm tin của người Công giáo chúng ta đã đem đến cho anh chị em mình nhiều hy vọng. Với thế giới này, chúng mình cần đến sức mạnh để trải qua nhiều tình huống không dễ. Hội thánh Chúa thực sự là tình yêu; và đối với tôi, điều này rất quan trọng. Dù đó chỉ là nụ cười mỉm hay một lời nói thôi, cũng đủ làm nhẹ nâng tâm can của nhiều người. Tôi nghĩ, niềm tin là những gì như thế đấy.
*Về nhà đào tạo:
Từ ngày đức thày họ Mai di chuyển hình hài nơi miệt dưới, bà con gia đình An Phong ở
* Tiếp tục có thư đi lại có về:
Thư là thư của “capo” lớp Vo Nhiễm, ở quê nhà. Như sau:
GIA ĐÌNH AN PHONG
NGOÀI TU VIỆN
Tp.Hồ Chí Minh ngày 1.7.2008
Thưa các Anh, các Chị, các Cháu.
Thánh lễ và cuộc gặp gỡ tháng 7 sẽ được tổ chức vào lúc 8 giờ ngày Chúa nhật, ngày 13.7.2008 tại nhà nguyện cộng đoàn DCCT Kỳ Đồng.
Thân mời các anh chị “già” và con cháu về dự đông đủ. “Già” có nghĩa là các anh chị từ lớp anh Đinh Tiến Lăng …… trở về trước, cho đến các anh “già thật” như quý anh Phan Trung Tín, F.X. Phước, Lê Bá Mưu, Nguyễn Văn Cảo vv …… Đây là những người mà capô cánh già có nhiệm vụ nhắc nhở mỗi tháng, qua một lá thư ngắn.
CÁC BẠN TRẺ CỦA GĐAP ƠI
THẾ LÀ VÀO NỀ NẾP RỐI ĐẤY
Capô cánh già (từ nay xin viết tắt là CPCG) dám quả quyết điều này, rằng thì là nhờ lòng ưu ái của anh tân Giám Tỉnh, nhờ những cố gắng của lớp Vô Nhiễm và capô các lớp, mà sinh hoạt của GĐAP/NTV đã vào nề nếp.
Cứ lấy ví dụ cuộc họp mặt đầu tháng 6.2008 vừa qua mà xem, Cũng là để hiệp thông với GIA ĐÌNH mừng 25 năm cha Trần Công Vang chịu chức linh mục, cha đã về dâng lễ với anh chị em và các cháu. GIA ĐÌNH đã chúc anh Vang không mệt mỏi trong … 25 năm nữa, CỨ THẾ, như hôm nay anh đang cống hiến hết mình cho người nghèo.
Trong giờ sinh hoạt sau Thánh lễ, đích thân anh Giám Tỉnh đã tới chuyện vãn và thông tin cho anh chị em:
1.VỀ MỤC VỤ:
Anh GT cho hay là hàng năm không dưới 1000 tân tòng tới thọ giáo và lãnh phép Thanh Tẩy tại Trung Tâm Hiệp Nhất của cộng đoàn 38 Kỳ Đồng. (Trong khi có những Giáo phận đón nhận chưa tới 500 tân tòng/năm). Cánh đồng lúa của Chúa hình như đã được di dời về ngay tại … 38 Kỳ Đồng. Rất cần sự tiếp tay của anh chị em GĐAP/NTV, như một số anh chị em đã và đang cộng tác với Nhà Dòng.
2.VỀ SINH HOẠT CỦA GIA ĐÌNH AN PHONG /TRONG TU VIỆN :
Nhà dòng sẽ tổ chức trong tháng 6 và 7 những khoá hội thảo chuyên đề:
A- Hội thảo về đào tạo: theo anh GT thì việc đào tạo các sĩ tử của Dòng tại Việt
B- Hội thảo về Đại phúc, một công tác mục vụ được coi như ... “đặc sản” của DCCT đã một thời nở rộ và đem lại hoa trái. Nay thì công việc này cũng phải được suy nghĩ lại trong hoàn cảnh của Giáo Hội và Quê Hương hiện tại.
Hiện nay các cộng đoàn DCCT đã được thiết lập tại hầu hết các giáo phận trong Hội Thánh Việt
C- Anh Giám Tỉnh thông báo việc nhà thờ Kỳ Đồng cung nghinh ảnh Đức Mẹ HCG La Mã – Bến Tre từ ngày 16/6 – 26/6/2008. Anh cũng thông báo lịch trao tác vụ Phó tế và Linh mục cho một số thầy của Dòng.
Thế đấy! Những buổi sinh hoạt vào Chúa Nhật thứ hai mỗi tháng của GĐAP/NTV vui vẻ và bổ ích như vậy đấy. Không có lý gì mà các anh các chị các cháu lại không về tham dự, dù chỉ để nhìn nhau một cái cho ấm lòng.
CÓ MỘT CHUYỆN NHỎ ……
Ấy là chuyện hồi đầu tháng 6 vừa qua, Capô cánh già (xin đừng gọi là… Capô già, bởi bản thân hắn chưa già, không chịu già) có dịp lên Bảo Lộc dự đám cưới con một người bạn. CPCG đã không bỏ lỡ cơ hội, nhân vì sự ấy, nhậu một mách với chi chòm Bảo Lộc trước lúc dự tiệc cưới buổi chiều rồi lên xe về Sài Gòn ngay trong ngày. Quần hào gồm các tay kiếm: Sỹ Danh Điểm, Trần Văn Đàn, Nguyễn Văn Đức, Chu Quang Kiều, Nguyễn Văn Báu, Võ Dĩnh đã bày tiệc ngay bên bờ ao nuôi cá của họ Sỹ, cây cối rợp bóng và hoa lá xum xuê, trong cái nóng chịu đựng được của Bảo Lộc, không cần máy điều hòa và rượu vẫn rót đều tay. Trong cái không khí vui hơn Tết ấy, chi chòm Bảo Lộc nhờ CPCG thông báo cho cả Gia Đình là: từ nay, capô Bảo Lộc là người cao tuổi Trần Văn Đàn. Chàng tuy cao tuổi nhưng vốn dòng hào kiệt, rượu uống như máy, lúc đứng lên suýt té xuống ao của họ Sỹ. Phải vất vả lắm cộng đoàn Bảo Lộc mới dìu được capô Đàn qua chiếc cầu tre lắt lẻo dẫn vào bán đảo bên bờ ao có bàn tiệc. Chỉ có điều lạ là cánh Bảo Lộc lại đi ngược giòng với… Trung Uơng ở Sài Gòn, Sài Gòn đang trẻ trung hoá bộ máy thì ở Bảo Lộc lại bầu một anh capô thuộc cánh già. Ngược giòng hơn nữa khi các hắn đề nghị đổi (một chút xíu thôi) cái tên của Gia Đình mình. Thay vì gọi là Gia Đình An Phong Ngoài Tu Viện, các hắn đề nghị gọi là “Gia Đình An Phong Tu Ngoài Viện”, bởi “có giá” hơn là tu trong viện. Các cụ đã chẳng từng dạy:
Thứ nhất là tu tại gia
Thứ hai tu chợ
Thứ ba tu chùa.
CPCG cứ ngẩn tò te trước sự thông minh của cánh nhà vườn Bảo Lộc. Các bạn nghĩ sao?
VÀ MỘT ĐỀ NGHỊ NHỎ
Một tua du lịch khiêm nhường trong thời buổi tiết kiệm gói trọn trong ngày: Khởi hành từ Sài Gòn, cơm trưa dã ngoại tại Bảo Lộc (do chi chòm BL đảm trách), 14 giờ vào thăm thác Damhri, 17 giờ trở ra thị xã BL, quơ một túi trái cây, rồi đổ ra đèo về Sài Gòn. Các bạn nghĩ sao ?
CPCG
*Tứ hải… có giai huynh đệ?
Huynh đệ đây là huynh đệ chi… tình dòng thánh An Phong. Số là, đầu năm nay ở Úc đã có thay đổi Bề trên Giám Tỉnh. Thay đổi nhiều về đuờng lối quản trị dòng cho toàn vùng. Vùng Dòng Canberra – Úc nay gồm có Úc Châu, Tân Tây Lan, Philíppin, Singapore và Mã Lai.
Tạp chí tu đức của Vùng Dòng, tờ The Majellan số 7-9/2008 có đề cập đến chuyện anh em học viên DCCT người Việt được bổ qua Úc để học Anh Văn-Thần học hầu trở thành linh mục DCCT Vùng Canberra-Úc, được tiếp đón và tuyên dương rất nhiệt nồng.
Bản tin được trích đăng có đoạn nói: “Việc anh em DCCT người Việt tới Úc là một ví dụ cụ thể cho sự hợp tác giữa sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế ở các nơi trên thế giới. Hiện nay, trên thế giới có đến 5,500 sĩ tử ở rải rác các tỉnh Dòng. Và công tác hàng đầu của anh em, trong những năm sắp tới, sẽ triển khai đường lối hợp tác, qua đó tất cả chúng ta sẽ cùng chung lưng hoạt động trên lĩnh vực quốc tế.”
Thế mới biết, quả đất nay đã thật tròn. Và cũng nhỏ. Năm Châu bốn biển, nay đã thành một nhà. Có mặt người anh em Dòng Chúa (cứ thế mà) Cứu thế, ở khắp nơi. Và, khắp nơi cũng sẽ chỉ là một nơi thôi. Nơi của Nước Trời, trong lòng anh em toàn Dòng.
*
Khilikhitô lần này, có lẽ hơi to và cũng khá lớn. Lớn và to không chỉ về hình thái, thể lý. Mà về cả ý nghĩa, của lời kinh. Lời kinh hôm nay, được phát ra thật lớn và cũng thật to. Vì có đến 5 linh mục đồng tế: Cha Đinh Ngọc Quế, Phan Thiện Ân, Phan Văn Dũng và Huỳnh Lê Pháp, DCCT đến từ Mỹ và Việt nam. Vị linh mục thứ năm, là Lm Vũ Thái Hoà (cựu đệ lớp Les Gabriels) hiện là đương kim linh mục chánh xứ ở Pháp. Anh em cùng Dòng hai dòng ba, hay dòng bốn tụ tập tại tư gia anh Vũ Nhuận để cùng nhau họp mặt gặp gỡ nhân chuyến ghé Sydney mừng Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 23, và cũng để mừng cha Phan Thiện Ân kỷ niệm 50 linh mục. Có Khilikhitô là có mừng, rồi dù đó là mừng gì, mừng gì, chẳng quan trọng cho lắm. Mừng hơn cả, phải là mừng tình Dòng … Cứ thế mà Cứu thế, đến với nhau. Hy vọng, tình dòng thánh cả An Phong cứ thế mà kéo dài, rất nhiều năm.
*Có những vấn đế:
Dân Gầy có thói quen không được hay ho cho lắm, là: chuyện trị sưu tập những chuyện “trong huyện ngoài làng”, vui vui và cũng lạ. Chuyện vui không lạ hôm nay, là chuyện về: các vấn đề của con người: những nam và nữ. Vấn đề thì nhiều, nay tóm gọi có bấy nhiêu, thôi. Còn để bà con mình hạ hồi… đóng góp chứ.
7 vấn đế với nam nhân:
1. bia bọt
2. lê la ngoài quán/chợ
3. đối xử với nhạc mẫu
4. ghiền bấm bộ phận điều khiển từ xa
5. luôn để nắp bàn cầu dựng đứng
6. cho là tính dục giải quyết hết mọi sự
7. Mê bóng
8. Không chịu hỏi đường để lái xe
9. Sợ có quyết tâm
10. Chẳng bao giờ biết vật gì để ở đâu
10 vấn đề đối với phận nữ lưu:
1. Ham mê mua sắm không ngừng nghỉ
2. Trực giác bao giờ cũng đúng
3. Chất chồng đủ mọi thứ quá cồng kềnh
4. Bao giờ cũng hỏi: trông em thấy thế nào?
5. Luôn thay ý kiến rất bốc đồng, không thể ngờ
6. Nói nhiều
7. Nghĩ là sẽ tiết kiệm tiền bạc nếu mua đồ rẻ
8. Tiêu tiền… và cứ thế mà tiêu tiền
9. Đeo nịt ngực không dễ tháo cởi
10. Xách tay đựng cả ngàn thứ đồ.
Lời bàn của Dân Gầy: ngày nay, các vấn đề trên vẫn cứ lẫn lộn, không riêng gì nam hay nữ.
*Chuyện bên lề cuộc họp mặt:
Họp mặt mừng lễ thánh tổ An Phong, thì: năm nào mà chả giống nhau. Nghĩa là: cũng có thánh lễ, có nguyện cầu cho nhà Dòng, có Khilikhitô bầu cử và… quyên góp, vv. Nhưng họp mặt kỳ này lại có chuyện bên lề, rất cần chú ý: Bên lề kỳ này, không chỉ một chuyện mà là 2, 3 như sau:
1.Nhận thấy đà lạm phát gia tăng, nhưng kỹ năng lãnh đạo chưa thấy có gì rõ ràng là tăng gia cả. Vì thế các vị đồ đệ thánh An Phong bèn nảy ra ý nghĩ: tại sao ta không bầu cho các con dâu cha thánh làm Chi hội trưởng, rồi phó thì kiếm chàng nào đó, phụ tá. Ý kiến hay. Nhiều tiếng vỗ tay đồng ý.
2.Có ý kiến còn đề nghị ta chuyền cho thế hệ nối tiếp, những con và cháu. Trẻ trung hơn. Ý kiến khác, là đề nghị hai anh trưởng và phó mới là: Nguyễn Duy Lâm và Trần Ngọc Tá, nên chứng tỏ một kế hoạch thật mời, như: anh em mình rủ nhau làm một chuyến họp mặt ờ đâu đó, ngoài tiểu bang. Thế là CHT Nguyễn Duy lâm có ý tưởng rất trẻ: Hay là anh em mình xuống Melbourne một chuyến thăm đại ca thần tăng Mai Vĩnh Xăng? Lại một ý kiến hay.
3.Vốn là chuyên gia vi tính với truyền hình, phát thanh, CHTrưởng mới lại tin: sắp tới, giới truyền thông An Phong sẽ cho ra một công ty mới mang tên Vũ Nhuận Enterprise. Công ty này làm tất mọi chuyện từ A đến Z về truyền thông trên mạng, theo dạng podcast ấy mà. Bản thân Dân Gầy chẳng hiểu mô tê gì để quảng cáo cho công ty rất bà và con này, bèn nhắn nhủ các Tám nó rằng: Ta hãy cứ chờ và xem!
Còn nhiều chuyện bên lề nữa, nhưng thôi, cứ từ từ sẽ loan tin dần. Loan hết, lấy gì mà viết với lách.
*Lại thêm một sưu tầm:
Sưu tầm lần này, cũng lại của thày sáu hụt-kiêm thày đờn họ Huỳnh tên (rất ư là có) Lợi. Xin mời quý bạn thưởng lãm, và cũng cám ơn người thày “chạy” họ Huỳnh.
37 triệu chứng để nhận ra mình đã "GIÀ"
1, Toàn kể chuyện ngày xưa.
2, Vặn Tivi lên để ngủ.
3, Thích ăn cơm nhão.
4, Mô-bai lúc nào cũng tắt cho đỡ tốn pin.
5, Chẳng biết SMS là cái gì.
6, Ðoc Word file, luôn luôn View 150%.
7, Ðến nhà bạn chơi, ngủ gật.
8, Cả ngày đi tìm chìa khoá nhà, chìa khoá xe.
9, Ngưng nhổ tóc bạc.
10, Nếu là đàn bà, vứt hết mini-jupes.
11, Ra bãi biển, trùm chăn.
12, Ra đường "bị" gọi bằng cô, chú (đến giai đoạn bị lên chức bác, thì triệu chứng đã bắt đầu trầm trọng).
13, Lên xe buýt "bị" nhường chỗ (giai đoạn ultimo).
14, Coi phim buồn hay không buồn gì cũng rươm rưóm nưóc mắt.
15, Thích người khác để ý và săn sóc mình nhiều hơn xưa..
16, Rất là ghét nhìn những cặp "amoureux" khoảng 20 tuổi..
17, Rất thích nhìn mấy anh trẻ đẹp trai, hay mấy cô nàng tuổi giữa 20-30.
18, Vẫn mê ăn phở, nhưng thích luộc bánh phở cho thật là mềm.
19, Rất rất là thích những câu như "dạo này trông bạn trẻ hơn và ốm hơn năm trước".
20, Có đồ ăn ngon thì lấy đầy đĩa mà ăn không hết.
21, Giấc ngủ trưa dài hơn.
22, Ði đứng nằm ngồi chậm lại (chưa nói đến vấn đề sex!).
23, Toàn dùng kem đánh răng loại "Extra-whitening" .
24, Uống cà phê đen tối ngủ không được.
25, Hay hỏi thăm tin tức các cụ cùng tuổi xem "còn khoẻ hay không".
26, Phone "mobai" reo lúng túng mãi mới bắt được thì phone đã tắt.
27, Xài "mobai" loại cũ, không dám đổi loại hiện đại.
28, Đi chơi, cho nhau số mobai rồi không mở mobai.
29, Gửi SMS 15' mới đánh được một chữ.
30, Đi chơi làm biếng lái xe đi xa.
31, Thân hình có vòng thứ hai càng ngày càng to.
32, Ngại lên xuống thang lầu vì sợ té.
33, Cứ bốn, năm giờ sáng là đã dậy.
34, Mở báo đọc hay tìm trang cáo phó đọc trước.
35, Không muốn nhắc nhở đến ngày sinh nhật.
36, Nhìn gương thường xuyên, để ý đến chân dung nhiều hơn.
37, Nói chuyện hay kể chuyện bệnh và chỉ nhau thuốc trị bệnh.
*Và thêm một bài thơ “già”
Già là chuyện gì, mà sao nhiều vị hay làm thơ vịnh thế? Thơ về “tuổi già”, chắc chỉ nên để người đang tuổi xế đọc mà thôi. Không tin ư? Bạn cứ thử đọc tiếp những hàng ở dưới, sẽ đồng ý ngay thôi:
Bài thơ Tuổi Già
Lâu nay cứ tưởng mình già
Bây giờ mới biết quả là y chang
Suốt ngày nói chuyện thuốc thang
Gặp nhau lại kể cả tràng chuyện xưa
Tivi dỗ giấc ngủ trưa
Sức khoẻ lại giảm, mắt mờ, da nhăn
Ðọc chữ phóng đại mấy trăm
Lại còn đãng trí, tần ngần, hay quên
Cả ngày mỏi mắt đi tìm
Hết tìm khoá cửa lại tìm khoá xe
Nhiều hôm thăm viếng bạn bè
Ðược dăm ba phút nằm phè ngủ ngon
Tóc bạc chen chúc tóc non
Không dám nhổ nữa sợ còn bình vôi
Kiến thức mới nuốt chẳng trôi
Bước ra khỏi cửa trùm người áo len
Ra đường chẳng ai gọi tên
Cứ gọi chú, bác có phiền hay không ?
Khi lên xe buýt dẫu đông
Dăm người nhường chỗ 'Mời ông cứ ngồi
Lại hay nhạy cảm, tủi đời
Thích được săn sóc hơn thời ngày xưa
Thấy tình nhân trẻ vui đùa
Mà lòng chua xót phận vừa cuối thu
Suốt ngày trung tiện lu bù
Cơm thì phải nhão, phở cho thật mềm
Thích nghe tiếng hỏi, lời khen
'Lúc này thon thả, trẻ hơn dạo nào'
Thức ăn cứ lấy ào ào
Ăn thì chẳng nổi mà sao cứ thèm
Ngủ trưa giấc cứ dài thêm
Ðứng, ngồi, 'chuyện ấy' ngày thêm chậm rì
Ðánh răng, tìm thuốc loại gì
Ðể răng được trắng không thì khó coi
Cà phê chỉ hớp một hơi
Ðêm về trắng mắt nhìn trời đếm sao
Gặp người cùng tuổi như nhau
Thường hay hỏi 'Bác thế nào? Khoẻ không?'
Cell Phone thì khổ vô ngần
Lúng ta lúng túng thường không trả lời
Ðể chuông reo mãi một hồi
Mở ra thì đã chậm rồi còn đâu ?
Bệnh tật nó đến từ đâu
Cao mỡ, cao máu lâu lâu ... tiểu đường
Tránh né việc nặng là thường
Việc nhẹ thì cũng đau xương, mệt nhoài
Ði chơi càng khổ gấp hai
Ði đâu cũng ngại đường dài lái xe
Giữ thân cho khỏi tròn xoe
Vòng hai sao cứ bè bè phình to
Thang lầu càng nghĩ càng lo
Chỉ sợ trượt ngã khổ cho thân này
Ngủ thì chẳng ngủ được say
Bốn năm giờ sáng dậy ngay tức thì
Sinh nhật, sinh nhiếc làm gì
Cái chuyện lẻ tẻ ấy thì nên quên
Vẫn hay nhìn kiếng thường xuyên
Xem chân dung đã trở nên thế nào
Buồn tình đếm thử xem sao
Bao nhiêu triệu chứng ấy bao nhiêu già!
*Dia kỳ này nở rộ:
Nhất là những bài sưu tầm từ các bài báo trên mạng. Lần nay, là một ý tưởng của giới trẻ ở quê nhà, về “ăn”. Xin giới thiệu với bạn đọc DIA:
Ăn gì không chết?
Cán bộ họp gia đình, vợ bảo chồng:
- Ăn uống phải cẩn thận, thời buổi này thực phẩm độc hại nhiều quá!
- Hay ta chỉ ăn cơm với cá thôi! Thịt thì ...
lở mồm long móng, H5N1, tăng trọng, phoóc-môn ...
- Không được đâu! Cá thì bị ướp... u rê! Hay ta chuyển sang... ăn chay!
- Ăn chay cũng chết, rau thì dư lượng thuốc trừ sâu, nước tương thì chứa 3-MCPD, gây ung thư...
Vợ thở dài: Ăn gì cũng... chết! Biết ăn cái gì đây?
Thằng con góp ý: Chỉ có ... 'ăn hối lộ' là không chết! Con thấy người ta chỉ bị 'nghiêm khắc phê bình' hoặc ... 'hưởng án treo' là cùng! Hay ta chuyển sang... ăn hối lộ đi bố mẹ!
- Ăn hối lộ là 'chân truyền' của bác Hồ truyền lại cho đảng ta con ạ.
*Truyện tình toàn “T”
Cũng là truyện. Cũng là Tình. Nhưng “Tình” ở đây lại toàn bằng chữ T. DânGầy mới nhận được từ người anh em có tên không đứng đầu bằng chứ T, nhưng rất T. Tê tái. Tình tiền. Thắm thiết…
Tuyệt tình
Trần Thị Thu Thủy tên thật Trần Thị Thỏ, trú tại thôn Tám, Trảng Tranh, Tỉnh Thừa Thiên. Thủa thiếu thời, trí tuệ thì thường thôi, tuy thế, tính Thủy thật thà, thủ thỉ thù thì, thỏn thà thỏn thẻn, thật thương! Tới tuổi trăng tròn, Thủy tròn trặn, tươi tắn, trắng trẻo, tay tròn trĩnh, tóc thơm thơm, thật tuyệt!
Thủy tuyệt trần, tôi tả thì thô thiển. Thôi thì tàm tạm thế.
Trai tráng trong thôn Tám, từ trai tơ tới tuổi tứ tuần, từ tuổi tứ tuần tới tuổi thất thập, thoạt trông thấy Thủy, tất thảy tấm tắc trầm trồ:
-Trời! Trắng tựa tuyết!
-Thon thả thế!
-Tóc thật thướt tha!
- ' Ti' ' to thế ! Tròn thế !
- Trác tuyệt !Trác tuyệt !
Trai tơ thổn thức, tứ tuần tơ tưởng, thất thập thẫn thờ. Thấy Thủy thấp thoáng, tất thảy táo tác, thập thà thập thò, thật tội.
Tứ tuần thách trai tơ: tán thắng Thủy thì thua tam trâu.
Thất thập thách tứ tuần : tán thắng Thủy thì thua tám thúng tiền.
Thách thì thách thế thôi, thua Thủy tất tần tật. Thủy tựa thần tiên, trai tráng trong thôn thì thô thiển, tiền tài trắng trơn, thân thế thấp tè, thế thì tán tới trăm tuổi!
Tiếng tăm Thủy truyền trong toàn tỉnh. Thư từ tới tấp tới tay Thủy. Thư thì thủ thỉ tâm tình. Thư thì tranh thủ trình thêm thân thế, tiền tài. Thư thì than thở tức tưởi. Thư thì thêm thơ, thêm tranh, trang trí thật trang trọng... Trong tám tháng trên tám trăm thư, thật thế !
Trai tráng trong tỉnh tìm tới tán tỉnh Thủy tới trăm thằng . Tám thằng thân tôi: Thằng Thịnh, thằng Tâm, thằng Thông, thằng Thìn, thằng Thỉ, thằng Trung, thằng Tuy, thằng Tuấn tán tỉnh tài thế, tí ta tí tởn tới tán Thủy, tốn tiền trăm tiền triệu, tiêu tiền tới trắng tay, thua tiếp tục thua. Tám thằng thất thểu tìm tới tôi than thở:
-Thôi ! Tiền thế, tài thế, tập tễnh tới tán Thủy thêm thiệt thòi.
Tôi thích Thủy, tuy thế tôi tỉnh táo tự thấy: trí tuệ tôi tầm thường, tiền tài thiếu thốn, thân thế tiếng thì to, thực tình thanh thế tổ tiên thôi, thân thế tôi thấp tẹt.
Tôi trù tính: thư từ tán tỉnh, trật ! Tiền tài: trật! Thân thế: trật. Tổ tiên ta từng truyền tụng: tham thì thâm. Thư từ, thân thế, tiền tài... trật trật trật! Thua thua thua !
Thủy thích tinh tế, trung thực, thật thà, thế thôi.Tôi tính toán thật tình tiết: từ thị trấn Tân Tiến tận tụy tới thôn Tám tìm Thủy tâm tình, từ từ, từ từ, tránh trắng trợn, tránh thô thiển, thỉnh thoảng thêm tí tranh, thêm tí thơ tặng Thủy, trời thương trời trợ thủ thì tất thành.
Trời thương tôi thật.Tới thôn Tám, thấy Thủy trơ trọi, thui thủi trên thềm, tôi thích thú thấy tôi tính toán trúng.
Tôi trấn tỉnh, từ từ tiến tới tận thềm, thì thầm:
-Thủy! Tôi tên Trí, Trần Trọng Trí, thầy thuốc Tây...
-Trần Trọng Trí !-Thủy trầm trồ- Thầy thuốc trị tim, trị thận , trị toàn thân thể, tiếng tăm truyền tám tỉnh! Trời, trẻ thế! Trẻ thế !-Thủy tấm ta tấm tắc.
Tôi trùng tên thầy Trí, thầy thuốc thiên tài trên tỉnh. Thủy tưởng thế, thật trúng tủ, trời toàn thương tôi !
Thấy tình thế thật thuận tiện, tôi tiếp tục thủ thỉ :
-Thủy, tôi trốn thầy, trốn thủ trưởng, trốn tránh tất thảy, từ thị trấn Tân Tiến tới tìm Thủy !
Thủy trao tôi tách trà, thẹn thùng:
- Thủy thật tầm thường, tìm Thủy thật trớ trêu...
Tôi tíu tít:
-Thủy ! Thủy ! Thủy tránh tự ti. Thủy thật tuyệt trần, tiếng thơm truyền từ tỉnh Thanh tới tỉnh Thừa Thiên, thật thế!
-Thầy Trí tưởng thế thôi...- Tiếng Thủy trong trẻo, thánh thót.
Tôi thủng thẳng tán tỉnh, thầm thầm thì thì, tu từ thật tốt, thỉnh thoảng thêm tí thán từ. Thấy Thủy thinh thích, tôi tấn tới, thả từng tiếng thật tha thiết:
-Tháng tư, tôi trông thấy Thủy tha thướt trong thị trấn. Tôi thảng thốt: 'Trời, tiên từ trên trời tới thị trấn!'
Từ tháng tư tới tháng tám, tối tối tôi thao thức, trằn trọc. Tâm thần tôi trục trặc, thân thể tiều tụy. tưởng tượng thấy Thủy trẻ trung, tươi tắn, tôi thổn thức: 'Thiếu thủ trưởng thì thảnh thơi, thiếu trời thì tổn thọ, thiếu Thủy thì tắc thở ! Thủy! Trái tim tôi tràn trề tình thương Thủy.Tôi tìm tới Thủy trao trọn trái tim thật thà, trái tim trong trắng, trái tim thân thương, trái tim trẻ trung, trái tim trung thực... Tôi thề, tôi trao trọn!'
Thấy tôi thề thốt thật tha thiết, thật tận tình, Thủy thấy thương thương, thẹn thò túm tóc thỏn thẻn:
-Thôi thôi, Trí thôi thề thốt...
Thủy tin tôi, thật tuyệt! Thế thì tôi toàn trúng tủ, thật tuyệt ! Tôi từ thủ thỉ tâm tình tiến tới thề thốt trầm trọng, toàn từ to tát:
-Thủy tin tôi, thương tôi thì tôi thôi thề thốt.Thủy thiếu tin tưởng thì tôi tiếp tục thề. Tôi thương Thủy, tha thiết trao trọn tình tôi tới Thủy. Thủy tuyệt tình tôi thì tôi tự tử. Tôi theo Thủy tới trăm tuổi, tôi tuyệt tình Thủy thì tôi tắc tử !
-Trí !- Thủy thổn thức-Thủy tin Trí, thuơng Trí....
Tôi trúng to, trúng to !
Trăng tròn tháng tám thấp thoáng trong tre, trời thu tươi tốt, tiếng thu thánh thót. Tôi tấn tới tìm tay Thủy.
- Thủy... Trí thương Thủy, thương tới tận tim...- Tôi thì thầm, từ từ thơm tay Thủy.
Thủy thẻ thọt từng tiếng, từng tiếng thật thương:
- Tính Thủy thật thà, thương thì thương thật. Trí tâm tình thế, Thủy tin. Tất thảy tình thương, Thủy trao trọn. Thủy tin: tình ta thắm thiết !
Trời tối, Thủy tin tưởng trao thân. Tôi thơm tay Thủy, thơm tóc Thủy, thơm tới tận tai, thơm thơm thơm thơm. Trò trác táng tôi thành thục từ tuổi thiếu thời, tôi từ từ tấn tới, thao tác trơn tru, tay thọc tứ tung.
Thủy thất thần túm tay tôi, thét:
-Thôi, Trí ! Trí thương Thủy thì thương từ từ. Tình ta tránh trần tục. Trí... thụt tay !
Trí tôi, tên trác táng, tha Thủy thì thua thiệt, tốn tiền tàu từ thị trấn Tân Tiến tới thôn Tám. Thành thử tôi tiếp tục trổ tài tán tỉnh. Tôi thủ thỉ tâm tình:
-Thủy thương Trí thì thương thật tình. Thủy trao trọn tình thì Trí trân trọng. Thủy thủ thế, trốn tránh, thiết tưởng thiếu tin tưởng Trí.
Thủy thật thà tin tôi, thả tấm thân trinh trắng tùy tôi thao túng. Thân thể Thủy trắng trẻo, thơm tho. Thủy thi thóp thở, túm tóc tôi, tôi thúc tới tấp, Thủy thét thất thanh...
Tôi tả thế thôi, tả thêm thì thô tục, tùy toàn thể tưởng tượng.
Tiếp tục trò trác táng trên thân thể Thủy thêm tám tháng, tôi trân tráo tuyệt tình Thủy. Tôi trốn tránh Thủy. Thủy tất tả tìm tôi từ tháng tám tới tháng tư , từ tỉnh Thừa Thiên tới tỉnh Thanh thì thấy tôi. Thủy túm tay tôi tấm tức:
-Trí! Thủy tìm Trí...
-Tìm tôi ? Tôi tiền thì thiếu, tài thì thấp. Tìm tôi thật trớ trêu.
-Trí !- Thủy tức tưởi thét to.
Tôi thong thả từng tiếng:
- Tình ta thế thôi. Thương tôi, Thủy tất thiệt thòi.
- Trí !- Thủy thút thít- Thủy trúng thai....
- Trúng thai ?-Tôi trơ tráo tủm tỉm.- Thông tin thật trơ trẽn!
- Trời, thằng tráo trở ! Thật tởm !- Thủy tức tối thét.
Thủy tát tôi tới tấp, thụi tôi tứ tung, toàn thân tôi thâm tím. Tóc tai Thủy tơi tả, tay túm tóc tôi, tay thụi trúng thận tôi.
- Thôi !- Tôi trợn tròng, thét.- Tôi thế thôi, Thủy trách tôi thì trách ! Tránh !- Tôi tức tốc thúc Thủy tránh tôi.
Tránh thoát Thủy, tôi túc tắc tới tám tư- Tô Tịch tìm Thanh Trà.
Thanh Trà thanh tú, thon thả, thơm tho... trên tài Thủy. Trà tiền tấn, tôi thì thiếu tiền, tán thắng Trà thì tiền từ túi Trà tới túi tôi tức thì. Tôi tin tôi tán Trà tất thành.
Tính Trà thận trọng, tôi tỉa tót từng từ, thêm thắt tính từ, trợ từ, thỉnh thoảng thêm trạng từ thật tốt. Trà thích thơ. Thơ Ta, thơ Tây, thơ Tàu Trà thích tất. Trà thích tính tân tiến trong thơ Tây, tính thâm trầm trong thơ Tàu, tính trong trẻo trong thơ Ta, tuy thơ Ta thừa tính thép thiếu tính thành tâm. Thấy thế, tôi truy tầm thơ tặng Trà, toàn thơ tình, từ thơ Thâm Tâm tới thơ Thanh Thảo: trăm tập.
Trà thích thú trầm trồ:
- Trời, toàn thơ tình ! Trí tặng Trà thế thì tốn tiền Trí thật...
Tôi tìm từ thật thành thật:
- Trà, tí ti tiền, thiết tưởng thấm tháp tình Trà thân thiện tiếp tôi...
Trà thầm thì:
- Trí thật tận tâm...
Trà tỏ thân thiện trước tôi. Tai Trà tim tím, tức Trà thẹn thùng ttrước tôi, tức trà thích tôi. Trà thích tôi thế thì tôi tiếp tục trúng to, trúng to!
Tôi trộm thơ thằng Thiều, thơ thằng Thái tặng Trà. Thơ thằng Thiều trúc trắc tựa thơ Tây, tuy thế thơ thật thanh tao. Thơ thằng Thái thì thâm thúy tựa thơ Tàu. Trà tưởng thơ tôi, tấm tắc:
- Thanh tao, thâm thúy thật! Thơ Trí trên tài thơ Trọng Tạo!
Tôi thành thật tâm tình:
- Thơ tôi thường thôi. Trọng Tạo tài thơ từ thủa thiếu thời tới tuổi tứ tuần. Tài thế thật trân trọng. Trọng Tạo tháp tùng thủ trưởng Thỉnh, trực tờ Thơ, thân thể tiều tụy, tóc trán tha thớt, tiền thì teo tóp, thê thiếp tứ tung, thêm trà tửu trầm trọng... Thế thì tắc thơ thôi.
- Thật tội Trọng Tạo!- Trà thở thườn thượt.- Trà thích thơ Trọng Tạo từ thủa thiếu thời. Trọng Tạo tìm tứ thơ thật tài!
- Thế thơ Thanh Thảo, thơ Trúc Thông?- Tôi thử trí tuệ Trà.
- Thanh Thảo thông tuệ, Trúc Thông tìm từ thật tinh tế!
- Trà thật thạo thơ!- Tôi tán.
Trà tơi tắn thỏ thẻ:
- Trước tám tư, thơ Thanh Thảo thật tuyệt. Từ trẻ thơ tới thất thập, tất thảy thích thơ Thanh Thảo. Tuy thế, Thanh Thảo thích thể thao, toàn tường thuật thể thao, thành thử từ tám tư thơ Thanh Thảo tịt từ từ, thật tiếc!
- Trời, Trà thạo thơ thế thì thôi!- Tôi tiếp tục tán.- Thế thơ Trúc Thông?
- Trúc Thông tìm từ thật tài. Từ trong thơ Trúc Thông thanh tao, tinh tế. Tuy thế, Trúc Thông tham từ, thiếu tình, thiếu tứ, thành thử thơ thiếu thanh thoát. Thơ toàn từ, thiếu tính thơ, thơ thế tựa thơ tắc tị!
- Tuyệt! Trà thật thẳng thắn!- Tôi trầm trồ.- Thế thơ thủ trưởng Thỉnh?
- Thơ thủ trưởng Thỉnh trác tuyệt, tài thủ trưởng Thỉnh trên tài tất thảy. Tuy thế, thủ trưởng Thỉnh thôi thơ từ thời thủ trưởng thành thủ trưởng. Tiếc thế! Thủ trưởng Thỉnh thích trọng trách, tìm tòi trọng trách thì thôi tìm tòi thơ. Thủ trưởng Thỉnh tiếp tục theo trên thì thơ tiếp tục thả thủ trưởng Thỉnh.
- Trúng Trúng!-Tôi tán thành tư tưởng Trà.- Thơ trọng tình, tránh tham tiếc. Thủ trưởng Thỉnh thấy trên thương, tưởng trúng thế, thiếu tỉnh táo, thành thử tính toán trật.
Trà than thở:
-Thủ trưởng Thỉnh tính trật từ tháng tư-tám tám. Tự trong thâm tâm, Trà thương thủ trưởng Thỉnh. Tiếc thay tài thơ!
-Tiếc thay tài thơ!- Tôi than tiếp theo Trà.
Tôi thấy trái tim Trà từ từ tròng trành.
Tôi tìm tay Trà thẻ thọt thơ:
Tương tư từ thủa thấy Trà.
Thấy Trà trong trẻo thớt tha tôi tìm
Thương Trà thương tận trái tim
Trái tim trong trắng, trái tim thật thà
Trái tim thao thức tình ta...
- Trời! Thơ toàn 'T', Trí tài thế!- Trà thành thật tán thưởng.
Tôi thơm tay Trà, thủ thỉ:
- Trà... thơ Trí tức tình Trí...
Trà thôi trùng trình, thành thật tỏ tình thân:
- Trà thấy Trí tính tình thì thật thà, trung thực, tận tâm; tri thức thì thông tuệ, từng trải, thành thục trăm thứ. Toàn thể trai tráng trong tỉnh ta thua Trí tất.
Tôi tì trán tận 'ti' Trà:
-Trà! Trời thương tôi. Tôi tìm thấy Trà tựa tìm thấy thần tiên!
Trà thong thả tuột 'ti', tay Trà tha thướt trên thân thể tôi.
Thích thế!
Trà từ thận trọng tới thân tình, từ thích thú tới thẫn thờ, từ trao tâm tình từng tí tới tin tưởng trao toàn thân, tròn tháng.
Tôi thấy tôi thật tài, tán tỉnh thế trời thua!
Thấm thoắt tới tuần trăng tròn thứ tám. Trời thu thăm thẳm, trăng thanh thanh, tràn trề tinh tú. Trà theo tôi tình tự trên tấm thảm tím. Trà thơm tóc, thơm tay tôi. Tôi thẫn thờ, tự thấy tâm thần trì trệ, thiếu tỉnh táo, thấp tha thấp thỏm.
Trà trườn trên tôi:
- Trí... Trà thèm Trí....
Trà thò tay thức tỉnh 'thằng thao tác tình'. 'Thằng thao tác tình' thõng thợt, teo tóp, trông thật thảm thương.
Tôi thơm Trà, thì thầm:
- Trí thấy thiếu thích thú...
Trà thở thườn thượt, tìm tờ 'Tuần tin tức' trong túi, tìm tin trong tỉnh. Tôi tựa tay Trà thiêm thiếp....
Trà thúc thúc tôi, thảng thốt:
- Trí, thím Trà tự tử!
- Thím Trà?
- Thím Trà tên Thủy...
- Thủy?
- Thu Thủy thôn Tám-Trảng Tranh...
- Trời!
Tôi túm tờ ' Tuần tin tức' tìm tin tự tử: 'Trần Thị Thu Thủy thôn Tám, Trảng Tranh, theo thằng trác táng, trúng thai. Thằng tráng táng tráo trở, Thủy thất tình tự tử!'- 'Tuần tin tức' truyền tin thống thiết!
Thôi thế thì thôi!Thủy trong trắng thế, trẻ trung thế, tại tôi Thủy tự tận! Thảm thương thay!Thê thảm thay!
- Trí! Trà thấy Trí thất thần...- Trà túm tay tôi thì thầm.
Tôi thấy tôi thậm tồi tệ, thậm thiếu tử tế, thậm thiếu thật thà, thậm thiếu trung thực. Trời, tôi thiếu toàn tính tốt! Tội tôi thật trầm trọng. Tôi túm tay Trà thổn thức thú thật tội tôi tráo trở Thu Thủy, thú tội tất thảy...
Trà trợn trừng, toàn thân tím tái.
- Trí...Trí thật tồi tệ...
Trà trụy tim, thoi thóp thở. Tôi thét thất thanh:
- Trà!
Trà từ từ tắt thở.
-Trà!
Thi thể Trà trên tay tôi tê tái! Tình tôi thành tang tóc, thảm thương thay!
Từ tối Trà tạ thế, tối tối tôi trằn trọc, thao thức, thui thủi trong tối tăm.Thủy thì trong trắng, thật thà. Trà thì thơm thảo, trí tuệ. Tại tôi! Tại tôi Trà, Thủy từ trần, thăng thiên, thành tiên trên trời.
Tối thứ tư, tôi thao thức tám tiếng, tới tiếng thứ tám thì tức tốc tới tờ : ' Tuần tin tức' thú tội. Thủ trưởng Tuần tin tức' thâm thấp, tròn tròn. Tính thủ trưởng trầm tĩnh, trên thích thủ trưởng tính thật thà, tuy thủ trưởng thiếu trí tuệ. Trên toàn thích thế thôi. Thủ trưởng tập trung thao tác tờ Tết thì tôi tới. Thấy tôi, thủ trưởng từ tốn trao tôi tách trà:
- Tôi tiếp Trí thân tình, Trí từ từ tường trình thật trung thực...
Tôi thút thít thú tội. Tội tôi tráo trở Thủy, tội tôi thiếu trung thực Trà...
Thủ trưởng trách tôi thậm tệ. Thủ trưởng tru trời:
-Thú tội thật trễ tràng!
Tôi túm tóc tôi thét to:
-Thưa thủ trưởng, tại tôi, tại tôi tất thảy!
Thấy tôi thật thà thú tội, thủ trưởng trù trừ, tính tha tội tôi. Thấy thế, tôi túm tay thủ trưởng thống thiết:
- Tội tôi thật trầm trọng, thủ trưởng tha thì trời trị tội tôi. Thủ trưởng thanh toán tên trác táng, tống tù tôi, thế thì tôi thanh thản.
Trái tim tôi: trái tim tráo trở, trái tim trâng tráo, trái tim thú tính. Trái tim thối tha, tanh tưởi thế thì tất thảy tránh tôi thôi, tất thế. Tiền tài, thân thế tôi thiêu thành tro than. Tôi trơ trọi từ thủa tứ tuần tới tuổi thất thập. Tết Tân Tỵ, tôi tự tay thảo truyện 'Tuyệt tình' thành thực trình tới toàn thể.
Tập tễnh
(Tức Nguyễn Quang Lập, tên thật toàn thiếu 't', tức thế!)
*Bên lề ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008:
Câu chuyện “chính mạch” ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 ở
Có tin là thầy “Sáu” nhà ta quyết trau dồi sức khoẻ để ba năm nữa sẽ lại bay qua thủ đô Madrid của tây Ban Nha để lại sẽ đích thân bắt tay chứ không hôn tay Đức Giáo Tông nhà mình. Không biết khi ấy có còn là Ngài Biển Đức thứ XVI không? Thứ tự thứ XVII hay XVIII đâu thành vấn đề, phải không thưa thày đờn.
Ngoài chuyện nội bộ của GĐAP Sydney ra, nghe nói kỳ này bà con mình hụt mừng gặp mặt người linh mục trẻ có họ tên: Bùi Duyh Chiến, Hồ Đắc Tâm, vv. Nghe đâu các người trẻ linh mục này còn mải xa-luân-chiến với lễ lạy hội hè ở nhiều nơi. Thôi thì, không hội ngộ kỳ này, ta sẽ gặp kỳ tới. Hấp dẫn hơn. Vẫn mong và chờ.
*Thành viên dâu rể thánh An Phong lục tục ra đi:
Lần này là chi Têrêxa Nguyễn Thị Tuyết Hoa (em dâu các lm Felix Lang, Lê Văn Nghĩa và Lê Thanh Châu) vừa về nhà Cha, hưởng thọ 66 tuổi. Đến phân ưu với gia đình anh Lê Duy Phước, nhận thấy có các anh Lợi, Bình, Nhuận, Đắc Dũng, Chương và Mai Tá.
Cầu chúc hương hồn chị vui hưởng hạnh phúc siêu phàm bên Đức Chúa. Chắc chắn linh hồn chị Têrêxa Hoa sẽ cầu bầu cho anh chị em trong gia đình An Phong, đặc biệt là các anh chị ở Sydney, mà chị đã từng có nhiều kỷ niệm thân thương trong sinh hoạt thường kỳ.
*Đôi giòng Cha Giám Tỉnh:
Vừa qua, Cha Giám Tỉnh DCCT VN và Chi Hội Phó Trần Ngọc Mười Hai, đã trao đổi điện thư, nhân chuyến gửi quà của Chi Hội về hỗ trợ cho công cuộc đào tạo linh mục. Trong thư có đoạn như sau:
“Anh Tá thân mến,
Tỉnh Dòng vừa nhận được số tiền $6,230, do dịch vụ mang đến. Xin chân thành cảm ơn anh chị em trong gia đình An Phong ở
Anh Tá thân mến,
Có nhiều chuyện muốn nói với anh và anh em bên đó, chắc hẹn một ngày rất gần đây để gặp nhau, dù trời đẹp hay không đẹp. Xin anh chuyển lời với anh Chi Hội Trưởng Nguyễn Duy Lâm nhé.
Em (xưng em vì nhỏ hơn nhiều) vừa trở về từ Canada và Cali, ở Canada đã gặp anh Đặng Lộc và anh Đức (lớp Gabriel), ở Cali thì gặp anh Vũ Ngọc Lợi (em cha Phát) và anh Vinh, cả anh Mỹ từ Na-Uy sang nữa; đã trao đổi được nhiều và thông tin về tình hình cựu đệ tử bên nhà; anh Lợi sẽ làm trang web về cựu đệ tử của chúng ta, chúng ta sẽ có một trang nhà để tâm sự, chia sẻ với nhau.
Mới đọc một bài của anh viết trong Ephata, đọc rồi không cầm được nước mắt. Trong bài có câu chuyện về một người con “thoát” vòng yêu thương của vợ mà về thăm mẹ, đi ăn một bữa cuối cùng với mẹ mình. “Đồng xanh là chốn đây, thiên đàng cỏ cây”. Ở VN đang chiến đấu sinh tử. Cầu nguyện cho nhau nhiều. Phạm Trung Thành, DCCT.
NỐI LỬA CHO ĐỜI
Lm Vĩnh Sang, DCCT
LTS. DIA mạn phép đăng lại bài viết của vị linh mục cấp cao, cùng Dòng ở Việt
Mấy ngày nay, kể từ khi giá cả tăng nhảy vọt và nhất là khi xăng dầu lên giá, điện chập chờn lúc có lúc không, báo Tuổi Trẻ phát động chuyên mục viết về những kinh nghiệm, những suy nghĩ về việc tiết kiệm. Rất nhiều những bài viết cụ thể, không nói suông, bắt nguồn từ những kinh nghiệm thực tế và phải nhận thật là xuất phát từ những quyết tâm hết sức cụ thể.
Có những bài viết về cách răn dạy con em một thói quen tiết kiệm, gợi cho tôi nhớ nhiều bài học nơi những người thân yêu đã một thời dạy dỗ, làm gương sáng cho tôi về chuyện tiết kiệm. Có lần tôi đến và ở lại dùng cơm nhà người anh của tôi ( anh là con nuôi của cha mẹ tôi ), nhà không đến nỗi nghèo nàn gì, nhưng anh bắt các cháu không được làm rơi vãi một hạt cơm nào, nhặt trong chén cơm có hạt thóc, anh bắt các cháu tách vỏ ra để ăn hạt cơm bên trong.
Sau cuộc chiến tại Việt Nam, anh sang định cư tại Hoa Kỳ. Trong một lần đi công việc của Nhà Dòng tôi ghé thăm anh chị. Đãi tôi một bữa cơm trên sân thượng bằng gỗ đang sau nhà, vẫn là anh, giản dị, gần gũi và tiết kiệm, anh nhặt tất cả thức ăn còn dư lại, gói cẩn thận cất đi, miệng lẩm bẩm trách các cháu: “Hãy nhớ đến những người thân yêu đang đói tại quê nhà”, bọn trẻ cười khúc khích: “Sang đến đây rồi mà bố cháu vẫn cứ như ở Việt Nam, chẳng thay đổi gì cả !”
Theo dõi phản ứng của độc giả báo Tuổi Trẻ, tôi rất mừng khi nhận thấy rất nhiều người ý thức và có những thực hành nghiêm chỉnh về tiết kiệm, điều này hứa hẹn sẽ giảm thiểu sự lãng phí rất lớn trong xã hội. Đất nước chúng ta vẫn còn trong danh sách nghèo đói, nếu trong cuộc đua tiết kiệm này, chúng ta có những chính sách cụ thể, những quyết tâm cụ thể và những việc làm cụ thể, hẳn dịp này là cơ hội cho chúng ta rút ngắn được khoảng cách với các nước tiên tiến khác.
Thế nhưng tôi như người mộng du giữa ban ngày, thực tế làm tôi ngã xuống trong chán chường, lòng trĩu nặng một nỗi thất vọng. Vẫn còn những chiếc xe đời mới của hàng cán bộ thừa tiền rửng mỡ, vẫn còn những nhà hàng nhấp nháy xanh đỏ thâu đêm, vẫn còn những quán nhậu động nghẹt người mỗi chiều tối, vẫn còn những sa hoa vung vãi chốn quần hồng ! Đã đành người ta có tiền thì người ta xài, nhưng cán bộ công chức đồng lương rõ ràng không đủ sống, sao lại có thể có xe hơi đời mới, sao lại có tiền cho con đi du học ở nước ngoài ( đi du học nước ngoài không là cái tội, nhưng tiền đâu mà họ mua nhà mua xe cho con, mà lại mua ngay bằng tiền mặt chứ không trả góp ! ), sao lại phô trương khoe mẽ với các thứ trang thiết bị cực xịn, sao lại vung vít thừa mứa những món ăn thức uống ?
Thu nhập có thể từ những nguồn khác ngoài lương, thế nguồn khác là nguồn nào nếu không phải là lương... lậu, là tham nhũng hối lộ ? Ngồn ngộn giữa ban ngày những điều chướng tai gai mắt nhưng vẫn tồn tại, hãy đi bất cứ một cơ quan nào, “xin” bất cứ một điều chính đáng nào mà không bị hành mới là lạ, hành cho đến khi làm đủ các thủ tục... “đầu tiên” thì mới “tạm thôi” ! Cả nước vẫn còn những cảnh đó thì khó mà lãnh đạo chia sẻ với người dân về một quốc sách tiết kiệm.
Sáng nay đọc một bài báo ( trang 7, báo Tuổi Trẻ số ra ngày thứ Tư 23 tháng 7 ) bàn về “tiết kiệm trong xây dựng nhà ở” ( tác giả là kiến trúc sư Lê Công Sĩ ), tác giả đã chỉ ra điều mà mọi người vẫn thấy sờ sờ trước mắt trong bức tranh bát nháo xây dựng ở khắp mọi nơi, nhà cửa hoành tráng một cách kỳ cục, hợm hĩnh và quái dị, đó là cái nhìn tổng quát, vào chi tiết, rất nhiều “không gian chết” làm cái hợm hĩnh trở nên hợm hĩnh hơn và nhất là quá sức lãng phí ! Phải chăng người ta có tiền, người ta thể hiện sự có tiền của mình bằng những cách làm quái dị như trên ? Để cho mọi người biết mình và mình không thể giống như mọi người !
Xót xa cho xã hội một, mình lại phải xót xa cho Giáo Hội gấp mười, bởi trong Giáo Hội hôm nay cũng đang có những con người hợm hĩnh như vậy, dĩ nhiên phải xót xa vì Giáo Hội của Chúa Kitô là Giáo Hội của người nghèo. Hãy xem một số Nhà Thờ “đua nhau” làm cầu thang vòng ở đầu Nhà Thờ. Xin các vị có trách nhiệm hãy bỏ giờ ra quan sát, một ngày có bao nhiêu người không đi cầu thang bậc trước Nhà Thờ mà sử dụng cầu thang vòng như hai càng cua ở đầu Nhà Thờ ? Làm mà không ai sử dụng thì gọi đó là “không gian chết”, và đó là lãng phí, nếu làm để xe hơi đi lên thì một năm có mấy lần xe hơi của Đức Cha và các vị quan khách đi lên và số lần đi lên như vậy có đáng để gây tốn phí bổ lên đầu Giáo Dân phải đóng góp hay không ?
Tôi mới nhận được CD và lịch biếu của một Linh Mục, trên bìa CD là hình của bản thân “người”, trên các trang lịch cũng lại chính là chân dung của... “người” ! Vậy “người” giới thiệu Chúa hay “người” giới thiệu chính “người” ?… Có ai đó đã chia sẻ với tôi rằng, làm Linh Mục phải làm được Nhà Thờ, ra được CD nhạc và ra một cuốn sách, thế là thỏa mãn ! ? ! Tôi đã nhận được khá nhiều CD biếu, danh sách ca sĩ trình bày gồm toàn những tên tuổi nổi tiếng, tôi nghĩ giá cát-xê hát không ít hơn hàng triệu bạc mỗi bài, nhưng CD nhạc của “người” nghe một lần rồi không biết tìm đâu ra chỗ mà cất cho nó khỏi bừa bộn linh tinh !
Giáo Hội của người nghèo và cho người nghèo, Thiên Chúa thuộc về những người nghèo, những người đau khổ thua thiệt, bị bỏ rơi. Chắc chắn chúng ta phải xem lại cách ăn nết ở của chúng ta, xem lại những phương tiện chúng ta đang sử dụng, những cái đó khẳng định “đẳng cấp” của chúng ta, cái đẳng cấp của thế gian hay đẳng cấp trong Nước của Thiên Chúa ?
Hãy xem lại đi những điện thoại di động, một người Tu Sĩ có cần loại “dế” quá nhiều chức năng như vậy không ? Hãy xem lại đi chiếc xe đang đi, có cần phải “vi vu” như vậy không ? Càng phải xem lại cái ”con xe” bốn bánh vừa sắm dùng trong thời xăng 19.000 đồng 1 lít. Hãy xem lại những bữa tiệc “tạ ơn” linh đình đãi hàng ngàn người, tôi nghe nói có bữa tiệc tốn hai tấn thịt… chó ! càng phải xem lại những chuyến rong chơi ở nước ngoài. Trời ơi, cứ như vậy thì thấy thỏa mãn hả hê và phủ phê sao ?!?
Hôm nọ có người Giáo Dân điện thoại than thở với tôi. Tôi vốn dĩ rất dị ứng với những lời tố cáo Linh Mục, nhất là các lời tố cáo về sự liên quan đến điều răn thứ sáu, đến người khác phái. Hình như đây là loại tin “giật gân” mà người ta thích thú to nhỏ, tôi càng dị ứng hơn với những lá thư nặc danh của những kẻ hèn nhát tồi bại, viết để bôi lọ một người Linh Mục nào đó mà họ không ưa. Phải gọi là hèn nhát vì họ không dám ra mặt, phải gọi là tồi bại vì kết tội một người mà không cho người ta có cơ hội để thanh minh.
Thế nhưng đây là một Giáo Dân, xưng đầy đủ tên tuổi của mình và than thở về cung cách sống của một Linh Mục nọ, tôi chẳng vội tin ngay nhưng buồn vì những câu hỏi của tôi được trả lời bằng những dẫn chứng xem ra rất thật, rất đúng về một lối sống sa hoa trưởng giả, về một lối sống mà Giáo Dân không thể đến gần được, vẫn biết chỉ là một số người thôi, nhưng cứ như vậy mà hình thành một cách sống thì dễ làm người ta ngộ nhận về Giáo Hội lắm.
Đất nước mình đang lâm vào tình trạng có quá nhiều bế tắc, đã có những cố gắng để gỡ rối và khai thông, không thể phủ nhận được vai trò của tôn giáo, không chỉ là vai trò không gì có thể thay thế được trong đời sống tâm linh, nhưng vai trò xây dựng và hình thành chuẩn mực xã hội cũng vô cùng cần thiết.
Trong những ngày này, một hội nghị bàn về “xã hội hóa giáo dục, y tế và từ thiện xã hội” đang được tổ chức với lời mời các Dòng Tu Công Giáo tham dự tọa đàm, lần đầu tiên Nhà Nước chủ động mời tôn giáo bàn về vấn đề xã hội hóa các công việc này, một vấn đề mà xưa nay phía các tôn giáo đã... “năn nỉ” Nhà Nước cho làm mà chẳng được ! Chẳng lẽ bây giờ Nhà Nước lại sẽ dễ dàng chấp thuận để các tôn giáo tham gia chăng ? Coi chừng mình sẽ không chuẩn bị kịp, cần và đủ để “góp gió” với đời và cho đời, nếu như mình không chịu thay đổi ngay lối sống của mình !
Cha Tiến Lộc từ những năm 1970, đã cùng cha Võ Tá Khánh viết một bài cho cánh sinh viên thể loại du ca, mang tên là “Nối Lửa Cho Đời”. Bây giờ lẩm nhẩm hát lại, giật mình thấy ứng nghiệm, thấy như nó đang vận vào mình, đang đặt cho mình một trách nhiệm sâu xa và bức bách:
“Nối Lửa cho đời và nối lửa cho ta, nối ở trong đời và nối tự tim ra,
Nối cho cho muôn người nguồn sức sống nhiệt thành,
Nối cho muôn người lòng mến, mến thật tình...”
Lạy Chúa, xin giúp chúng con còn nuôi được Lửa, giữ được Lửa cho ấm cho sáng, và nhờ đó mà có Lửa để nối cho đời !
Lm. VĨNH SANG, DCCT 24.7.2008
Nhân ngày lễ
tạ ơn linh mục
Lm JB Hồ Quang LÂm
Có một người hỏi: “Ông cha ấy hôm nay mới tạ ơn Chúa? Thế lâu nay không có tạ ơn sao cha?”
Lời ông thánh Phaolô vẫn luôn vang lên với hết mọi người chúng ta: Có điều gì nơi anh em mà anh em đã không nhận lãnh?... Anh em có được là gì thì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa. Thành ra, tạ ơn phải là tâm tình luôn phải có trong đời sống con người. Và tâm tình đó phải có một cách thường xuyên và liên tục, bởi trong từng giây phút của cuộc sống, ân huệ Thiên Chúa vẫn tuôn trào không ngơi nghỉ.
Nhưng trong những chuỗi ân huệ đó, có những lúc người ta đón nhận những ân huệ đặc biệt, niềm vui quá lớn, hạnh phúc ngập tràn, một mình tạ ơn không thể thỏa lòng. Tôi muốn mời anh em chị, bà con xóm giềng, bạn bè thân hữu … cùng với tôi để hát to lên, cùng nhảy múa để tạ ơn Chúa vì ân huệ tôi được đón nhận. Giống như ông Đavít ngày xưa, cảm nhận tình thương của Chúa, ông nhảy múa như thằng điên … Tân Linh mục hôm nay cũng thế, ngài muốn mời tất cả mọi người thân thích, ruột thịt đến để cùng chia sẻ, hát to lên với nhau để tạ ơn Thiên Chúa vì thiên chức linh mục đã nhận được.
Hôm kia có một vị linh mục giảng lễ tạ ơn khấn trọn cho người cháu ruột, có nói: “Thực ra, người ta tạ ơn, tri ân, … là muốn xin thêm”. Tân linh mục mời mọi người đến tạ ơn, cũng có nghĩa là xin mọi người xin thêm cho mình. Xin cho mình được vững bước trên con đường mới bước vào, xin được nhiều ân huệ để có thể chu toàn sứ vụ …
LINH MỤC
LÀ QUÀ TẶNG THIÊN CHÚA BAN CHO
NHÂN LOẠI
Linh mục là tặng phẩm cao trọng Chúa Ban cho nhân loại. Tặng quà là diễn tả sự quan tâm, lòng trìu mến của người này dành cho người kia. Cách tặng là một phần ý nghĩa của việc tặng, giá trị món quà giữ một ý nghĩa quan trọng khác. Có người thích chọn món quà giá trị về vật chất, lại cũng có người thích chọn món quà mà bản thân mình nghĩ là giá trị để tặng. Nhưng có lẽ ý nghĩa nhất là khi người ta hiểu được tâm tư, sở thích, nhu cầu của người được tặng và chọn món quà theo sở thích của người đó. Món quà sẽ làm đẹp lòng, mang lại niềm vui và đem đến lợi ích thiết thực cho người mình tặng quà.
LINH MỤC là MỘT QUÀ TẶNG Thiên Chúa ban cho nhân loại, và chính Thiên Chúa mời gọi người lãnh chức vụ linh mục phải thi thố như thế nào để món quà mà Ngài ban cho nhân loại phải thực sự là niềm vui, sự nâng đỡ và làm cho người ta được sống và sống dồi dào trong sự bình an và hạnh phúc.
Một linh mục mà mỗi khi nghĩ đến, người ta cảm thấy kinh hoàng sợ hãi, linh mục đó đang làm ê mặt Thiên Chúa. Một Linh mục chỉ tìm kiếm sự sang trọng cho bản thân để rồi những người được trao phó phải sống trong sự cô độc, lạnh lẽo vì bị quên lãng … Linh mục đó đang làm biến dạng khuôn mặt của Thiên Chúa, khiến cho Ngài trở nên méo mó trước mặt người ta.
Thành ra, làm linh mục không dễ! Luôn luôn phải là sự nỗ lực tự bản thân, là sự tìm tòi, thích nghi, để có thể chu toàn công việc Chúa trao phó cách tốt nhất. Ngồi ngoài nhìn vô đơn giản lắm, ở trong cuộc mới biết cũng khó khăn, cũng đau khổ như thế nào. Có người nói vui: “Làm cha dễ lắm và cũng thích lắm, tay như mấy que củi, khua như khua ruồi, tiền vô như nước!” Ngon thì nhào vô khua đi! Người khác thì nói: “Làm cha đã thật, ngồi nghe hết tội của người khác, sướng!” Vô ngồi một hồi biết sướng hay khổ liền chứ gì. Có người thì thích cho con đi tu vì thấy cha nào cũng trắng, mập, bụng bự, đẹp …! Chúng ta hãy cầu nguyện cho Tân linh mục để ngài trở thành quà tặng ý nghĩa nhất mà Thiên Chúa đã tặng cho người ta.
Một quà tặng ý nghĩa được biểu lộ ở những phương diện: rường cột, khanh tướng.
LINH MỤC,
NGƯỜI GIỮ VAI TRÒ RƯỜNG CỘT.
Hôm kia con đọc một bài báo, có người lên án nặng nề một linh mục rằng không ngay thẳng, không có tư chất một mục tử …, rồi đi chỗ này chỗ kia nghe người ta phàn nàn, phê phán vị này vị nọ … dĩ nhiên, phê là điều cần thiết và rất tốt để đương sự có thể rút bài học cho bản thân. Nhưng cái gì cũng có hai mặt, và hôm nay con nhìn ở mặt thứ hai để nói. Lời phê phán không phải luôn luôn đúng. Mà bị phê phán cũng không luôn có nghĩa là linh mục không tốt. Đôi khi có nhiều vị cũng điêu đứng vì những người không có thiện cảm phê phán.
Và con nghĩ: người Linh Mục phải là người có khả năng để chấp nhận bị người khác không thích. Không thích không phải do bản thân mình xấu, nhưng không thích vì mình đã không làm đúng ý người ta, đã can đảm bảo vệ sự thật, sự công bằng, bảo vệ người cô thế … Và khi người ta không thích, thì nhiều chuyện lắm: công kích, mạt sát, vu khống, dè bỉu …
Nếu chỉ là sự tìm kiếm để người ta không ghét mình, tìm mọi cách làm hài lòng hết mọi người, đôi trường hợp nó sẽ đưa linh mục đi đến chỗ phản lại chính sứ vụ của mình. Dễ hiểu thôi, trong một cộng đồng xứ đạo, 9 người đã 10 ý. Làm linh mục là “làm dâu trăm họ”, nếu tìm cách làm cho mọi người đều hài lòng, thì sẽ rất mệt nhọc, và rất nhiều khi biến linh mục thành người ba phải. Cái gì cũng phải mà không có lập trường. Và nếu cái gì cũng phải như thế, có nhiều trường hợp mình đang đồng lõa với cái xấu.
Cho nên cần thiết biết bao một bản lãnh, một sức mạnh tinh thần để có thể đón nhận sự không thích của người khác cùng những hệ luỵ của nó. Nhờ đó, linh mục trở thành cột trụ, để gìn giữ một nếp sống đạo vững vàng cho bản thân và cho cộng đoàn dân Chúa.
LINH MỤC,
NGƯỜI GIỮ VỊ TRÍ “KHANH TƯỚNG”.
Có bài hát người ta thường hát trong thánh lễ tạ ơn Linh mục: “Từ bụi tro, Chúa nâng con lên hàng khanh tướng”. Có ông cha thì biến đổi nó đi một chút cho đời hơn: “Từ thuốc Mây, Chúa nâng con lên hàng Ba Số”. Tức là nói đến tính cao quý, chức trọng của chức linh mục.
Có nhiều người không thích từ “khanh tướng”, vì nó gợi đến một lối sống ăn trên ngồi tróc, lối sống “quí tộc”, kẻ cả. Và thực tế có nhiều vị linh mục đã sống như thế, biến chữ khanh tướng theo nghĩa trần tục. Sống một cách trịch thượng và “bề trên”, để rồi tự cho phép mình xử sự với ông già đáng tuổi cụ mình bằng cung giọng của bậc kẻ cả: “Cụ là con nhà ai hử?”.
Dĩ nhiên con nghĩ có nhiều cách tiếp cận đối với một từ ngữ. Tính cách khanh tướng đặt trong tương quan với bụi tro cần được hiểu ở sự cao trọng của quyền bính, những lợi thế của linh mục trong việc loan báo Tin Mừng và dễ được yêu mến tôn trọng.
- Linh mục là người được Chúa trao quyền bí tích. Không có linh mục, không có Thánh thể. Không có các bí tích. Điều đó xác định tính khanh tướng rõ nhất của linh mục. Có nhiều lúc con cảm nhận sự quý giá của bí tích nơi cách chờ đợi, đón nhận của những người giáo dân, khiến cho con thấy với tư cách linh mục, mình quan trọng hết sức. Có những cụ già nhất định không đi bệnh viên bao lâu chưa gặp ông cha cái đã, để lãnh bí tích xức dầu.
- Thứ đến là sự tin tưởng của người giáo dân. Làm linh mục rồi con thấy nếu mình hy sinh một chút, chịu nhục một chút, dấn thân một chút thì hiệu quả sẽ lớn nhiều lần so với một người bình thường đi làm bác ái. Người linh mục được lợi thế là dễ được người giáo dân tin tưởng.
- Người Linh Mục cũng dễ được yêu mến và đón nhận. Là một linh mục dòng, được giúp xứ tại đây con cảm nhận rõ nét điều này. Một anh thanh niên trẻ đến với người ta thì được đón nhận cách khác với cách đón nhận một linh mục trẻ. Nhờ chức linh mục mà con được đón nhận cách trân trọng và yêu mến.
Dĩ nhiên tính khanh tướng mà Chúa ban cho người linh mục thì cần được linh mục tận dụng và sống cách tốt nhất theo thánh ý Thiên Chúa. Được trao quyền thì phải phục vụ. Được ban cho lợi thế thì phải dấn thân. Được yêu mến thì phải tận dụng nó làm cho tình yêu mến triển nở trong cộng đồng.
KẾT.
Con nhớ lời Đức Cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: “Xét theo cá nhân thì mọi người đều có giá trị như trước mặt Thiên Chúa. Điều làm cho anh hơn người khác hệ tại cách anh sống như thế nào trong tương quan với Thiên Chúa và với Tha Nhân. Còn xét theo Theo truyền thống của Giáo Hội, bậc tu trì vẫn được coi trọng hơn bậc giáo dân, vì bậc tu trì sống diễn tả trước đời sống mai hậu trên thiên quốc”.
Nói như thế có nghĩa là để được coi trọng hơn, anh phải sống những yếu tố có trong cuộc sống mai hậu. Đó là cuộc sống trào tràn tình yêu thương, chia sẻ, …
Xin hãy cầu nguyện cho tân linh mục cách riêng và tất cả các linh mục nói chung, để trong bậc sống của mình, mọi người làm tôn vinh danh Cha theo quyền năng mà Cha đã ban.
Lm JB Hồ Quang Lâm
Lãnh nhận thần lực
do Guy Sebastian & Paulini trình bầy
Suy tư thần học
về bài hát chủ đề Đại Hội
“Lãnh nhận lãnh sức mạnh quyền uy”
do Guy Sebastian và Gary Pinto
trình bầy
Gm Anthony Fisher, OP
viết.
LTS:
Đại Hội Giới Trẻ thế Giới Sydney 2008 đã kết thúc, nhưng âm hưởng của bài hát được dùng làm chủ đề Đại Hội vẫn còn văng vẳng đâu đây. DIA xin ghi lại giòng chảy tư tưởng làm nền cho bài hát, như một chứng tích lịch sử, trong Giáo hội.
Bài này được chọn làm chủ đề cho Đại Giới Trẻ Thế Giới (ĐHGTTG) lần tứ 23, được tổ chức vào tháng Bẩy năm 2008 ở Sydney, Úc Châu. Bài này có tựa đề là: “Hãy lãnh nhận lãnh sức mạnh quyền uy” . Lời ca và ý nhạc của bài dựa trên chủ đề mà Đức Giáo Hoàng Biển Đức đã chọn ra từ sách Công Vụ: “Các con hãy lãnh nhận sức mạnh quyền uy của Chúa Thánh Thần khi Ngài ngự đến trên các con; và các con sẽ làm chứng nhân cho Thầy.” (Cv 1: 8). Chủ đề gồm hai phần: phần đầu, Đức Kitô lập lại lời hứa sẽ gửi Chúa Thánh Thần đền (Cv 1: 8a; x. Lc 24: 44-53; Yn 7: 37-39; 14: 25; 16: 13-14; 20: 22) – chúc thư được hoàn thành khi Chúa Thánh Thần ngự đến với các thánh tông đồ vào Lễ Ngũ Tuần và những ngày tháng sau đó (Cv chương 2; xem 3: 31; 4: 8, 31; 8: 14-17, 39; 9: 17; 10: 44-48; 11: 12-18; 13: 52; 15:8; 19: 1-7). Phần hai, Đức Kitô nói đến đáp ứng quà tặng Chúa ban một cách nhưng không, bằng cuộc sống đã được sức mạnh quyền uy Chúa Thánh Thần nâng đỡ: và các tông đồ trở nên “chứng nhân của Đức Chúa cho đến ngày tận cùng của trái đất” (Cv 1: 8b;
Đối đáp trong Thánh Thần Chúa giữa Đức Kitô và các môn đồ trẻ
Bài hát diễn tả có hiệu quả các khía cạnh của chủ đề. Trong phần hát bè, Đức Kitô Sống Lại đã tỏ bày với các người trẻ trên thế giới: “Hallêluyah! Hallêluyah! Các con hãy lãnh nhận sức mạnh quyền uy của Chúa Thánh Thần. Hallêluyah, Halleluyah! Hãy lãnh nhẫn sức mạnh quyền uy để trở nên ánh sáng cho muôn dân.” Ở phần tiểu khúc, các người trẻ tiếp lời: “Chúng con sẽ theo chân Thầy đến miền tận cùng của trái đất”; “Chúng con ứng đáp làm theo ý Thầy”; “Chúng con sẽ mãi mãi làm chứng cho Lòng Thương xót của Thầy và Tình yêu không nhạt phai của Thầy.”; “Và chúng con đến phụng thờ Thầy”. Lời đối đáp trong Chúa Thánh Thần giữa Đức Kitô và các môn đồ trẻ là trọng tâm của việc rao truyền Phúc âm, giảng dạy giáo lý, hành động tin yêu phụng thờ. Tất cả đang nằm trong tâm hồn Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.
Bài hát mang tính Thánh Kinh
Một trong các mục tiêu và thành quả của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là sự kiện các người trẻ đã lại khám phá ra sự giàu có của Lời Chúa, tức Thánh Kinh. Điều này không những chỉ tạo hứng bài hát bằng chủ đề chính của Đại Hội, mà hầu như toàn bộ lời ca trong bài đều mang ý nghĩa Thánh Kinh. Như sách Công Vụ nói rõ; quà tặng Chúa Thánh Thần ban cho các thánh tông đổ để các ngài có thể làm chứng qua công tác trọng tâm rao truyền Lời Chúa (x Cv
Bài hát mang nguồn hứng của Thánh Linh
Chủ đề Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 kêu mời chúng ta suy niệm về sức mạnh quyền uy của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống những người trẻ. Bài hát nhắc đến lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần đến ba lần trong phần phụ họa của ban hợp xướng. Và, Đức Kitô mời gọi các người trẻ “Hãy lãnh nhận sức mạnh quyền uy của Chúa Thánh thần”. Và, các người trẻ đáp lại lời mời gọi qua câu hát “Vì lời mời gọi của Chúa Thánh Thần đã cất lên, chúng con sẽ đáp lại và sẽ làm theo thánh ý của Thầy.” Khía cạnh thánh thiêng của bài hát đã làm cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở
Bài hát mang tính Kitô học
Chủ đề của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 được rút ra từ lời cuối Đức Kitô nói với các thánh tông đồ trước ngày Ngài về với Cha. Lời Ngài hứa sẽ gửi Chúa Thánh Thần đến đã được nối kết một cách đặc biệt qua lời mời các người trẻ hãy làm chứng nhân, hãy trựng bằng chứng và hãy chấp nhận cái chết cho Đạo nữa. Nhưng nối kết với ai? Quả thật, là Chúa Thánh Thần đã gầy dựng sức mạnh quyền uy cho người trẻ để, không phải để làm chứng nhân cho chính mình, cũng không phải cho Chúa Thánh Thần, mà làm chứng cho Đức Kitô, như Lời Ngài đã nói: “Và các con sẽ làm chứng nhân cho Thầy”. Bài hát rõ ràng nói lên lòng hăng say của các môn đồ trẻ hôm nay quyết đáp ứng lời mời gọi trên và củng cố sức mạnh quyền uy ấy.
Bài hát mang tính Thánh Thể
Thánh Thần Chúa được gửi đến, không phải để làm tăng trưởng sức mạnh của riêng ai, nhưng để khích lệ chúng ta hãy đến mà phụng thờ và cảm tạ Ngài. Chính vì thế, vào ngày Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ có đầy Thần Khí Chúa trong mình “đã nguyện hết lòng giúp đỡ các thánh tông đồ” trong việc dạy dỗ và hiệp thông trong Bẻ Bánh và nguyện cầu” (Cv 2: 42).Ở lời đầu bài hát, các bạn trẻ đã hát lên lời ca hãnh tiến nói rằng “chúng con rất sung sướng có Ngài hiện diện” và nơi ‘cây cầu kết nối’ “Lạy Chiên Thiên Chúa, chúng con thờ lạy Ngài. Lạy Chúa Chí Thánh, chúng con thờ kính Ngài.” (Yn 1: 29, 36; 6: 69; Mt 1: 33). Đây là bài hát đầy tính chất thờ phượng. Một bài ca, mà ít nhất đối với người Công Giáo, sẽ giúp các người trẻ biết khẩn cầu Đức Chúa nơi Thánh Thể mà họ phượng thờ. Cao điểm của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là việc cùng với Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ. Và, thành quả của Đại Hội là lòng sùng kính Thánh Thể ngày càng gia tăng.
Bài hát mang tính toàn cầu (‘Công Giáo’)
Bài hát được mở đầu bằng lời khẳng định “Các dân nước, các bộ tộc khắp nơi, đều cùng đến thờ lạy Ngài.” (Kh 7: 9-10; xem 5: 9-11). Đây là chú thích được gửi đến tất cả các người trẻ ở mọi miền đất nước có ngôn ngữ khác nhau. Những người sẽ đến Úc để tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới với tư cách người hành hương và cũng là các tiền hô cho Tin Mừng của Chúa. Đây cũng là khía cạnh thánh thiêng mà bài hát đã nắm bắt. Trong trình thuật Ngày Lễ Ngũ tuần, thảm họa của tháp
Bài hát mang tính khải huyền
Trong sách Khải Huyền, thánh Gio-an đã có thị kiến về “đoàn người đông tới độ không thể nào đếm nổi; họ đến từ mọi miền đất nước khác nhau, từ các dân tộc, các nhóm người có tiếng nói khác nhau. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên… [và] họ kêu lớn tiếng: ‘Ơn cứu độ từ Đức Chúa… và từ Chiên Con.” (Kh 7: 9-10; xem 15: 3-4). Nhạc thiều của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 là điềm báo trước, là vị ngọt nếm trước của ngày mà một khi đã có sức mạnh quyền uy của Chúa Thánh Thần rồi, mọi dân nước sẽ không còn phân rẽ nhau và “mọi dân nước, mọi bộ tộc” sẽ “cùng đến với nhau để phụng thờ Ngài … Chiên Thiên Chúa.”
Đặc điểm và sự Liên tục
Bài hát đặc biệt này được chọn làm nhạc thiều, vốn nói lên chủ đề của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 ở Sydney – đã qui chiếu lời kêu mời và sức mạnh quyền uy của Chúa Thánh Thần cũng như đã mời gọi lớp người trẻ hãy làm chứng nhân – nhưng vẫn kêu gọi và kết hợp nhiều chủ để giáo lý sâu sắc của vị cha già sáng lập Đại Hội Giới Trẻ, Đức Gio-an Phaolô Đệ Nhị với các chủ đề như: “Đức Chúa Ở Cùng” (ĐHGTTG 2000 ở Rôma), “Ánh sáng cho muôn dân” (ĐHGTTG 2002 ở Toronto) và “Chúng con thờ lạy Ngài” (ĐHGTTG 2005 ở Cologne). Chính vì thế, bài hát đã diễn tả được nét đặc thù của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 ở
Gm Anthony Fisher, OP
Mai Tá dịch
No comments:
Post a Comment