Thursday 26 March 2020

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT TUẦN KHỔ NẠN VỚI NẠN DỊCH CO-RO-NA



Toàn thế giới đang trải qua những tháng ngày đau thương. Chúng ta đang đối diện với một trận đại dịch làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hầu hết mọi người trên thế giới. Song song với sự cố gắng của các chuyên viên đang tìm kiếm thuốc chủng, thuốc trị liệu vi-rút gây ra bịnh dịch này; các nhà lãnh đạo các quốc gia đang cố gắng sắp xếp lại các nguồn dự trữ của quốc gia để giúp dân chúng ổn định cuộc sống chờ ngày ‘vượt qua’ nạn dịch.

Cụm từ ‘social distancing’ đang buộc chúng ta phải xa bạn bè và gia đình trong nhiều tuần và có thể nhiều tháng. Các cuộc mừng lễ mang tính cá nhân hay cộng thể đã bị hoãn lại hay bị đình chỉ. Từ đó, chúng ta không được phép tụ họp lại với nhau để mừng ngày rửa tội, ngày sinh thành của cháu bé; không được phép tham dự nghi lễ thành hôn và tiệc mừng đám cưới; thậm chí còn gì đau khổ hơn khi phải chứng kiến và nói lời từ biệt với người thân qua tấm gương cách ly trong giây phút họ từ giã cuộc đời ra đi về miền đất hứa. Nhiều hoạt động kinh doanh bị đóng cửa. Các khu giải trí, luyện tập cơ bắp, trung tâm thể thao và nhiều cơ sở khác cũng bị đình chỉ hoạt động.

Tuy ít gặp nhau hơn, nhưng nhờ sự tiến bộ của khoa công nghệ thông tin, chúng ta vẫn còn nghe thấy giọng nói của nhau, nhìn thấy nhau qua màn hình; đó là những điều mà những người sống vào giai đoạn, khi dịch cúm năm 1918 đã mang đi hơn 50 triệu người. Cho dù họ ước muốn có được những phương tiện như chúng ta có hôm nay họ cũng không thể có, chúng ta may mắn hơn họ.

Để đối diện với tình trạng lây lan do đại dịch gây ra bởi vi-rút Co-ro-na và tuân theo các qui định của các nhà cầm quyền, năm nay hầu hết các Ki-tô hữu sẽ không có cơ hội tham dự các nghi lễ phụng vụ, đặc biệt các Thánh lễ của Tuần Thánh. Tuy nhiên trong hoàn cảnh này, chúng ta có thể nhận ra sức mạnh của việc cầu nguyện. Đây là điểm hội tụ và liên kết chúng ta lại với nhau trong Chúa. Đã biết đó là điều cần thiết thì chúng ta cần quan tâm và dành thời gian cho việc này. Đó cũng chính là điều mà Đức Giê-su đã nhắc nhở các môn đệ “các con không thể thức với Ta một giờ hay sao!”, trong khi các ông ngủ quên trong vườn Giệtsimani!

Trong cùng một cảm nghĩ, chúng ta hãy cầu nguyện để luyện tập đời sống linh thiêng tráng kiện. Chúng ta nên dành 10-15 phút mỗi ngày cho các thực hành về mặt tâm linh. Bất cứ điều gì có thể giúp chúng ta kết nối với Chúa và với nhau thì chúng ta thực hiện ngay. Đối với một số người có thể là cầu nguyện, linh thao hay thiền. Đối với một số người khác có thể là đọc một đoan Kinh Thánh, sách thiêng liêng, tham dự chứ không xem nghi lễ phụng vụ trực tuyến, viết nhật ký tâm linh và dành thời gian đi dạo để quan sát vẻ đẹp của vũ trụ mà ca khen Chúa. Nếu trong chúng ta có người không chấp nhận được những gì đang xẩy đến thì cứ việc oán trách Chúa. Người lắng nghe mọi sự, Người đang chờ để đồng hành, an ủi và trợ lực chúng ta vượt qua giai đoạn này.

Việc tuy quan trong, lại rất đơn giản, cần quyết tâm. Chúng ta cần nhận thức và thực hành việc chăm sóc bản thân, về tinh thần cũng như thể xác. Từ đó chúng ta sẽ giúp các người khác nữa. Chúng ta đang phải đối diện với một biến cố đầy trở ngại và nhiều thách đố để được sống, nhưng đó cũng là một khoảnh khắc mà mọi bàn tay cần tập trung để tạo nên một sức mạnh lớn chưa bao giờ cần có như bây giờ. Vì vậy, chúng ta cần cởi mở, thành thật tạo nên những cơ hội để con người có thể hợp tác và chia sẻ lòng nhân ái với nhau.

Hoàn cảnh mà chúng ta và thế giới đang phải đối diện đầy trắc trở và nhiều khó khăn. Tuy nhiên, là người tín hữu chúng ta không được phép sợ hãi mà chùn bước. Trong niềm tin và niềm trông cậy chúng ta tiến bước. Dù sao chúng ta cũng đừng quên phụng vụ Tuần thánh mời gọi chúng ta đi lại hành trình đó. Hành trình đã được Đức Giê-su đón nhận. Vì thế, tuy không được phép tham dự các nghi thức phụng vụ, nhưng bằng chính đời sống chúng ta bước vào hành trình khổ nạn với Đức Giêsu để chờ ngày vượt qua mọi khó khăn trong niềm cậy trông có Chúa chúng ta cùng dấn bước.

Hôm nay, trong Chúa nhật Lễ Lá, Hôi Thánh khai mạc Tuần Thương Khó này bằng việc đón tiếp Đức Giêsu vào thành Giêrusalem. Với những nhành lá vạn tuế kèm theo những lời tán tụng, dân Do Thái khi xưa và các tín hữu mọi thời đại cử hành việc đón tiếp Chúa như một quân vương. Nhưng vài ngày sau, cụ thể trong bài thương khó mà chúng ta vẫn được nghe, nói về con đường khổ nạn và sự chết của Người, chỉ còn một mình Chúa. Mẹ của Người và các người thân tín chỉ dám đi xa xa để trông chừng.

Đức Giêsu hoàn toàn cô đơn. Chính sách ‘social distancing’ mà chúng ta đang phải chịu cũng không làm cho chúng ta bị cô đơn như những gì mà Đức Giê-su đã trải qua khi xưa. Người chẳng còn được đón nhận bằng những lời tung hô; thay vào đó là những lời mỉa mai, sỉ nhục và lên án. Cũng chẳng còn những nhành lá biểu lộ sự vui mừng, mà là cây thập giá. Gia tài mà Chúa để lại cho chúng ta là thế: một con đường cô đơn, một cá chết tủi nhục như một phạm nhân trên thập giá.

Vào thời của Người, chết trên thập giá là một án tử hình dành cho các tội nhân. Và án này được chính quyền Roma đặt ra để áp dụng cho người Do thái. Hàng năm có rất nhiều người bị treo trên thập giá. Nhưng tại sao chỉ có mình việc Chúa bi treo và chết trên thập giá lai được lưu truyền cho đến ngày nay. Sự chết của Đức Giêsu đã có ảnh hưởng gì trên cuộc sống của anh em tín hữu tiên khởi, đến nỗi qua bao thế hệ, hàng hàng lớp lớp vẫn vui vẻ dấn thân vì lợi ích của người khác cho dù phải hy sinh chính bản thân mình. Chúng ta cần tìm ra những giá trị đích thực của việc Chúa Chết. Điều đó có ảnh hưởng gì trên cuộc sống của chúng ta.

Như bao dại dịch khác đã xẩy ra trên thế giới, rồi đại dịch CORONA cũng sẽ qua đi. Nhưng các nỗi đau khổ trong cuộc sống nhân sinh vẫn còn. Thử thách và đau khổ gắn liền với thân phận của con người. Không ai có thể tránh thoát! Chúng ta không chỉ đối diện với các đau khổ và vác thánh giá một mình. Noi gương Thánh Phao-Lô, chúng ta vui mừng tiếp nhận đau khổ để đem lại lợi ích chung cho Hội Thánh nữa.
Cụ thể là những khó khăn trong đời sống gia đình. Anh chị em hay phàn nàn là cuộc sống của anh chị em là chuỗi ngày vác thánh giá bùn. Ý của anh chị em là thánh giá thì dễ vác; nhưng bùn lại trươn chượt nên rất khó vác. Phàn nàn là bản tính của con người. Nhưng một điều đáng mừng là anh chị em chưa quăng cây thánh giá bùn đó. Dù người nào có muốn hay có ý định quăng đi, thì tôi xin có một lời khuyên là nên suy nghĩ lại. Bởi vì, quăng cây này anh chị lại tìm được cây khác giống như hệt cây đã quăng đi. Hãy học noi gương Chúa.

Người cũng than van, lo sợ… Và chắc một điều là Thập Giá mà Người đã vác khi xưa, không chỉ nặng về phần thể lý mà thôi. Đau khổ về phần xác không sánh gì với nỗi thống khổ của sự cô đơn, bị bỏ rơi trơ trọi một mình. Nhưng cuối cùng là một sự đón nhận trong yêu thương khi nhận biết đó là ý muốn của Cha Người, Đấng mà Người hết lòng tùng phục trong yêu thương.

Thập giá là đích điểm của mọi đau khổ mà Chúa đã chịu, nhưng bề sâu của Thập giá là một sự hòa hợp nên một trong Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nơi đó sự chết và tội lỗi bị phá hủy để nhường lại sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Thập giá còn biểu lộ sự bất lực của con người và biểu dương sức mạnh vô song của Thiên Chúa. Nhìn vào Thánh giá ta thấy bình minh của ngày Phục sinh đã hiện tỏ.

Đã hơn 2000 năm qua đi, tất cả những gì xảy ra thời Đức Giêsu vẫn còn tiếp diễn. Mỗi người chúng ta cũng được Đức Giêsu mời theo Người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Vác thập giá hôm nay chính là đón nhận những thử thách như bệnh tật mà đại dịch Corona là một bằng chứng. Vác thập giá là đón nhận sự thất bại, bị bỏ rơi, những lời sỉ nhục đầy bất công... Đó là những thập giá do Chúa gửi đến để thanh luyện lòng tin của chúng ta được kiên vững mà trung tín với ơn gọi đi theo con đường của Chúa: Con đường tuy hẹp nhưng lại thênh thang vì có nhiều bạn hữu cùng đi. Con đường tuy khiêm tốn nhưng biểu lộ sức mạnh và lòng quyết tâm phục vụ tha nhân.

Vì thế, trong tuần này chúng ta cùng với toàn thể giáo hội suy niệm về mầu nhiệm Thập giá, qua những biến chuyển do đại dịch Corona gây ra, không làm chúng ta quá lo sợ rồi thất vọng. Trái lại, trong giai đoạn ngập tràn thử thách và khó khăn này, chúng ta vũng tin hơn vào sự can thiệp của Thiên Chúa, Đấng hiện diện với Đức Giê-su trong suốt sứ vụ, nhất là con đường thập giá của Người mà chúng ta đang suy niệm. Từ đó, chúng ta mới thấy và nhận ra hồng ân bao la của Chúa mà sống lạc quan, vui tươi và bình an hơn.

Suy gẫm về hành trình thương khó và thập giá còn để giúp chúng ta cảm nếm được ơn tha thứ của Người. Như thế, chúng ta cũng được mời gọi để cảm thông, để tha thứ hơn đối với người anh em của chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta càng được mời gọi để tha thứ nhiều hơn. Càng tha thứ nhiều hơn, chúng ta càng dễ cảm nếm được ơn tha thứ của Chúa hơn.

Và sau cùng, qua hành trình Thập giá, chúng ta nếm hưởng trước niềm vui chiến thắng mà mầu nhiệm vượt qua của Đức Giê-su Phục sinh đem lại. Cuối cùng sức mạnh của Chúa sẽ chiến thắng. Chúng ta hãy tin tưởng và cầu nguyện như thế vì có Chúa, chúng ta cùng tiến bước để vượt qua đại dịch này. Đừng để nó trở thành gánh nặng quá sức mình, nhưng hãy nhận ra sức yếu hèn của chính mình và của tòan thể nhân loại, đang phải chiến đấu với một vật nhỏ bé mà mắt thường không thể nhìn thấy, để tin tưởng vào sự trợ giúp của Đức Giê-su, Đấng đã chịu muôn vàn đau khổ vì chúng ta và cuối cùng Người đã hiển vinh chiến thắng mọi sự.

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
26/3/20

No comments: