Tuesday, 3 March 2020

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT : HÃY XUỐNG NÚI, VỚI CHÚA ĐI GIÊRUSALEM

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật thứ II thường niên năm A

                                                      HÃY XUỐNG NÚI,
                                        VỚI CHÚA ĐI GIÊRUSALEM
                                      Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT 

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Chay, chúng ta đã chứng kiến việc Đức Giêsu đối diện với các thử thách trong hoang địa. Cuối cùng nhờ sự vâng phục, Người đã chiến thắng quyền lực của sự dữ và trở thành một Adong mới, nêu gương cho chúng ta biết mà đầu phục Ý muốn của Thiên Chúa. Đức Giêsu không chỉ nhận thức mà còn biết rằng chỉ có quyền lực và ý định của Thiên Chúa mới giúp Người và những kẻ thuộc về Người vượt qua mọi thử thách.

Tuy nhiên không phải vì đã vượt qua các thử thách hôm nay mà Đức Giê-su không còn phải đối diện với các cơn cám dỗ nữa. Tất cả vẫn hiện diện chung quanh bản thân và sứ vụ của Người. Đích điểm của mọi cám dỗ đều qui về thời điểm Đức Giêsu bị treo trên Thập Tự giá, bên cạnh Người là hai tên gian phi, một người đã lên tiếng thách thức Người rằng: “Ông không phải là Đức Kitô sao?” Câu nói này có ý ám chỉ rằng nếu ông là Đức Kitô thì hãy tự cứu mình rồi cứu họ nữa. Trong hoàn cảnh kề cận với sự chết như thế ai mà không muốn sống. Nhưng sống mà bị lệ thuộc bởi quyền năng của những kẻ dụ Người làm trái ý Thiên Chúa thì Người không làm. 

Thật vậy, Đức Giêsu đã không tìm lối sống theo ý mình. Trái lại Người chỉ tìm và làm theo ý Cha mà thôi. Người vẫn trung kiên, một lòng trung thành với ý định của Chúa Cha, Đấng muốn Người phải thông qua mọi đau khổ, ngay cả sự chết thì mới vào vinh quang. Thật đúng như lời tuyên xưng của Thánh Phaolô về Đức Giêsu như sau: “Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.” (Dt 6: 6)

Vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay, chúng ta cùng với Đức Giêsu lên một ngọn núi. Lần này, Người không lên núi một mình mà dẫn theo ba môn đệ thân tín trong đó có Phêrô là người lãnh đạo và cũng là người mới tuyên xưng căn tính làm Con Thiên Chúa của Đức Giêsu theo sự hiểu biết và ước muốn của ông. Đến khi Đức Giêsu tỏ cho các ông biết con đường phải đi để chu toàn bổn phận làm Con Thiên Chúa của Người thì ông là người lên tiếng mạnh mẽ nhất để ngăn cản Người. Còn các ông khác đều kinh hoàng khi nghe Đức Giêsu cảnh báo họ rằng con đường theo Người là con đường Thập Giá. Các ông tưởng rằng Thầy lên Giêrusalem để khôi phục vương quyền và xua đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi để dành lại độc lập và sức mạnh uy hùng của dân Thiên Chúa. Ai ngờ, Người lại loan báo về những ngày khổ nạn sắp bắt đầu tại Thánh đô Giêrusalem! 

Với bối cảnh như thế, chúng ta mới nhận ra sự cần thiết và tầm quan trọng của biến cố hiển dung, một cuộc tỏ mình để khẳng định căn tính của Đức Chúa, và để hỗ trợ niềm tin cho các môn đệ có thể cùng với Đức Giêsu tiến về Giêrusalem là nơi mà Người sẽ chịu mọi sỉ nhục, đón nhận muôn vàn đau khổ, thậm chí bị các môn đệ và Cha của Người bỏ rơi và sau cùng là gục ngã bằng cái chết nhục nhã trên Thánh Giá. Làm thế nào mà các môn đệ và chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện và vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện qua những giây phút hoạn nạn, hoàn cảnh đầy khó khăn, trong thung lũng đầy nước mắt và đau thương của cuộc sống hiến dâng của Đức Giêsu như thế!

Như vậy, biến cố hiển dung của Đức Giêsu không chỉ nâng đỡ và hỗ trợ cho các môn đệ đủ can đảm để đối diện với các thử thách và đau khổ trong khi thi hành sứ vụ; nó còn chất chứa một lời mời gọi dành cho tất cả những ai tin vào Chúa là hãy sẵn sàng tham dự vào những gì mà Đức Giêsu đã thực hiện trong cuộc sống. Chúng ta không được phép thụ hưởng, cho dù đó là những giây phút tuyệt diệu nói lên mối dây thân tình giữa ta và Chúa. Nhưng phải ra đi, phải xuống núi mà san sẻ kinh nghiệm đó cho mọi người.

Thật vậy, kinh nghiệm hiển dung hôm nay cho các môn đệ và chúng ta sức mạnh để xuống núi và tiếp tục thi hành bổn phận tuy cao quí nhưng thật gian nan của người môn đệ. Đó là việc làm của Đức Tin. Đức tin không ngừng thách thức, lôi kéo và mời gọi chúng ta đi về phía trước. Muốn đi về phía trước chúng ta cần định hướng. Vì thế, chúng ta không thể quên giây phút hiện tại và biết mình đang ở đâu. 

Hẳn anh chị em vẫn còn nhớ điều mà Chúa Kitô mời gọi chúng ta là hãy vác thập giá của mình và đi theo Người khi Đức Giêsu cũng đang đi đến thập giá của chính Người. Chúng ta còn được mời gọi yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ chúng ta. Chúng ta được lệnh phải hoạt động cho công lý và mưu cầu an bình. Chúng ta buộc phải nuôi ăn những kẻ đói khát và chăm lo cho những ai đang bị tổn thương.

Các điều nói trên, không có điều gì là điều dễ dàng đối với người tín hữu. Con đường của chúng ta đi là con đường hẹp dẫn đến đau khổ và sự chết. Làm thế nào chúng ta có thể làm được các điều đó nếu không có sự phù hộ của Thiên Chúa. Và sự trợ giúp của Thiên Chúa phải được chúng ta cảm nghiệm bằng chính kinh nghiệm gặp gỡ Người trong cuộc sống. Nhưng trên thực tế, những kinh nghiệm gặp gỡ đó lại rất hiếm xẩy ra và nếu có xẩy ra thì cũng rất ngắn ngủi. Vì thế, chúng ta nên trân trọng chúng. Chúng ta nên cố gắng ôn đi ôn lại càng nhiều càng tốt. Chúng ta không nên ốn ào, phô trương thanh thế; trái lại cần bầu-khí linh-thánh để lắng nghe tiếng nói của Chúa. Những khoảnh khắc đó rất cần thiết để cho chúng ta có thêm sức mạnh cho cuộc hành trình.

Sau này, biến cố hiển dung của Đức Giêsu còn đóng một vai trò thật quan trọng trong hành trình đức tin và đời sống của các tín hữu thuộc về các cộng đoàn tiên khởi và chúng ta ngày hôm nay. Quả thật, chúng ta không nên quên thực trạng đời sống của các tín hữu thời sơ khai. Họ đã để lại cho chúng ta một mẫu gương gắn bó với Đức Giêsu và với nhau. Cho dù họ bị chối từ, bị coi thường, bị theo dõi, bị săn lùng và thậm chí bị giết chết; nhưng vẫn quyết tâm và thành tín để trao đổi cho nhau qua việc chia sẻ và nói về Đức Giêsu. Trong số những san sẻ đó có chuyện tích hiển dung hôm nay. 

Khi nói về biến cố này, họ đã cảm nghiệm có một sự thay đổi nơi con nguời của họ. Ánh vinh quang cuả Thiên Chúa đã chiếu toả để cho hình ảnh của Thiên Chúa nơi các tín hữu được rõ ràng hơn. Một con người có Chúa là như thế, dung mạo của họ sẽ toát lên một sức mạnh mà chỉ có nhưng ai ở trong Chúa mới có được. Sự hiện diện của Thiên Chúa là thế!

Sau đây là một kinh nghiệm, có thể gọi đó là ‘kinh nghiệm hiển dung,’ kinh nghiệm mà người bạn tôi đã chia sẻ. Anh là một tín hữu nhiệt thành và ngoan đạo. Trong suốt 30 năm qua, anh đã tham gia các đoàn thể và phong trào trong Giáo xứ như: Hội Đạo Binh Đức Mẹ, phong trào Cursillo, Thánh Linh, Thăng Tiến Hôn Nhân và Hội Đồng Giáo Xứ.

Với lòng nhiệt thành và hy sinh, anh đã được đề cử vào các chức vụ như hội trưởng hội Legio của Giáo xứ, thư ký cấp Giáo Phận; ủy viên các phong trào và sau cùng là thành viên của Ban Chấp Hành của Giáo xứ. Mọi công tác anh đều chu toàn. Anh là người thành công và được nhiều người kính trọng trong Giáo xứ. Thế mà, tự trong thâm tâm, anh vẫn khắc khoải và cảm thấy như vẫn còn thiếu vắng một điều gì cho cuộc sống.

Anh đã ví hành trình tìm Chúa của anh giống như của Giakêu. Anh tưởng rằng việc tham gia các đoàn thể, từ hội này đến phong trào khác là con đường gặp Chúa của anh. Giống như Giakêu, anh nghĩ rằng các vị trí mà anh đạt được là những điểm thuận lợi cho anh nhìn thấy Chúa! Nhưng anh đã lầm! 

Giakêu đã nhìn thấy Chúa khi ở trên cây, nhưng Giakêu chỉ gặp Chúa khi ông ta xuống đất. Và trường hợp của anh bạn tôi cũng thế, anh không nhận ra sự hiện diện của Chúa trong các chức vụ anh đã đạt được. Thế mà, khi trở về cuộc sống bình thường của người tín hũu, không còn bị vướng bận bởi các công tác, không còn bị trói buộc bởi các nhiệm vụ và cũng không còn bị áp lực phải làm gương sáng cho ai nữa. Anh tham gia nhóm gia đình cầu nguyện, khoảng chừng năm đến bẩy gia đình. Hàng tuần họ họp và cầu nguyện chung với nhau. Họ dùng các lời Thánh Vịnh, lập đi lập lại các điệp ca để cho tâm hồn thư thái và chìm đắm trong bầu khí thật linh thánh đó. Và anh đã gặp Chúa.

Cuộc gặp gỡ Chúa của anh và những người bạn trong nhóm cầu nguyện đã thay đổi cuộc đời anh một cách sâu sắc. Nhờ sự gặp gỡ này, anh đã khám ra con đường dẫn anh đi vào mối tương quan mới với Thiên Chúa và những người khác. Anh tôn trọng, hiểu và yêu họ nhiều hơn. Chúa đã tỏ mình cho anh, Chúa đã hiển dung với anh.

Suy niệm về biến cố hiển dung giúp cho chúng ta nhận ra một điều là chúng ta đứng ở ngưỡng cửa của những gì đã xẩy ra và đang mong chờ việc sắp xẩy đến. Hiển dung là như thế. Giây phút chiêm ngưỡng dung nhan vinh hiển mà Đức Giê-su ban cho tuy ngắn ngủi nhưng lại tác động và đòi buộc chúng ta phải thay đổi. Là người tín hữu, chúng ta liên tục được mời gọi bước vào những cuộc phiêu lưu mới mà chưa thấy kết quả. 

Chúng ta được mời gọi trở thành các môn đệ chân chính và hoàn hảo hơn. Chúng ta được mời gọi cho đi nhiều hơn, yêu thương quảng đại và lòng tin sâu sắc hơn. Chúng ta không ngừng được thúc đẩy trở thành môn đệ mà Chúa yêu thương. Chúng ta không bao giờ sẵn sàng để tiến về phía trước. Một mặt, chúng ta cần phải ra đi, mặt khác chúng ta lại khăng khăng giữ lấy những gì quen thuộc. Nói tóm lại, chúng ta được mời gọi tham dự vào khoảnh khắc biến hình đổi dạng, thay đổi và trở thành tinh tuyền và thánh thiện hơn.

Vì vậy, hãy ôn đi và ôn lại những kinh nghiệm đã nhìn thấy Chúa hiển dung, Đấng đã tỏ mình cho ta được chiêm ngưỡng dung nhan vinh hiển của Người. Giữ lấy kinh nghiệm gắn bó và kết hiệp với Chúa mà mình đã trải qua. Tuy nhiên, chúng ta lại được mời gọi sẵn sàng quay đầu xuống núi và tiếp tục chăm chỉ chu toàn bổn phận của người con mà Thiên Chúa ưu ái, bởi vì đó là điều mà Chúa kêu gọi chúng ta làm. 

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
Sydney 03/3/2020

No comments: