Thursday, 26 March 2020

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT TUẦN KHỔ NẠN VỚI NẠN DỊCH CO-RO-NA



Toàn thế giới đang trải qua những tháng ngày đau thương. Chúng ta đang đối diện với một trận đại dịch làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hầu hết mọi người trên thế giới. Song song với sự cố gắng của các chuyên viên đang tìm kiếm thuốc chủng, thuốc trị liệu vi-rút gây ra bịnh dịch này; các nhà lãnh đạo các quốc gia đang cố gắng sắp xếp lại các nguồn dự trữ của quốc gia để giúp dân chúng ổn định cuộc sống chờ ngày ‘vượt qua’ nạn dịch.

Cụm từ ‘social distancing’ đang buộc chúng ta phải xa bạn bè và gia đình trong nhiều tuần và có thể nhiều tháng. Các cuộc mừng lễ mang tính cá nhân hay cộng thể đã bị hoãn lại hay bị đình chỉ. Từ đó, chúng ta không được phép tụ họp lại với nhau để mừng ngày rửa tội, ngày sinh thành của cháu bé; không được phép tham dự nghi lễ thành hôn và tiệc mừng đám cưới; thậm chí còn gì đau khổ hơn khi phải chứng kiến và nói lời từ biệt với người thân qua tấm gương cách ly trong giây phút họ từ giã cuộc đời ra đi về miền đất hứa. Nhiều hoạt động kinh doanh bị đóng cửa. Các khu giải trí, luyện tập cơ bắp, trung tâm thể thao và nhiều cơ sở khác cũng bị đình chỉ hoạt động.

Tuy ít gặp nhau hơn, nhưng nhờ sự tiến bộ của khoa công nghệ thông tin, chúng ta vẫn còn nghe thấy giọng nói của nhau, nhìn thấy nhau qua màn hình; đó là những điều mà những người sống vào giai đoạn, khi dịch cúm năm 1918 đã mang đi hơn 50 triệu người. Cho dù họ ước muốn có được những phương tiện như chúng ta có hôm nay họ cũng không thể có, chúng ta may mắn hơn họ.

Để đối diện với tình trạng lây lan do đại dịch gây ra bởi vi-rút Co-ro-na và tuân theo các qui định của các nhà cầm quyền, năm nay hầu hết các Ki-tô hữu sẽ không có cơ hội tham dự các nghi lễ phụng vụ, đặc biệt các Thánh lễ của Tuần Thánh. Tuy nhiên trong hoàn cảnh này, chúng ta có thể nhận ra sức mạnh của việc cầu nguyện. Đây là điểm hội tụ và liên kết chúng ta lại với nhau trong Chúa. Đã biết đó là điều cần thiết thì chúng ta cần quan tâm và dành thời gian cho việc này. Đó cũng chính là điều mà Đức Giê-su đã nhắc nhở các môn đệ “các con không thể thức với Ta một giờ hay sao!”, trong khi các ông ngủ quên trong vườn Giệtsimani!

Trong cùng một cảm nghĩ, chúng ta hãy cầu nguyện để luyện tập đời sống linh thiêng tráng kiện. Chúng ta nên dành 10-15 phút mỗi ngày cho các thực hành về mặt tâm linh. Bất cứ điều gì có thể giúp chúng ta kết nối với Chúa và với nhau thì chúng ta thực hiện ngay. Đối với một số người có thể là cầu nguyện, linh thao hay thiền. Đối với một số người khác có thể là đọc một đoan Kinh Thánh, sách thiêng liêng, tham dự chứ không xem nghi lễ phụng vụ trực tuyến, viết nhật ký tâm linh và dành thời gian đi dạo để quan sát vẻ đẹp của vũ trụ mà ca khen Chúa. Nếu trong chúng ta có người không chấp nhận được những gì đang xẩy đến thì cứ việc oán trách Chúa. Người lắng nghe mọi sự, Người đang chờ để đồng hành, an ủi và trợ lực chúng ta vượt qua giai đoạn này.

Việc tuy quan trong, lại rất đơn giản, cần quyết tâm. Chúng ta cần nhận thức và thực hành việc chăm sóc bản thân, về tinh thần cũng như thể xác. Từ đó chúng ta sẽ giúp các người khác nữa. Chúng ta đang phải đối diện với một biến cố đầy trở ngại và nhiều thách đố để được sống, nhưng đó cũng là một khoảnh khắc mà mọi bàn tay cần tập trung để tạo nên một sức mạnh lớn chưa bao giờ cần có như bây giờ. Vì vậy, chúng ta cần cởi mở, thành thật tạo nên những cơ hội để con người có thể hợp tác và chia sẻ lòng nhân ái với nhau.

Hoàn cảnh mà chúng ta và thế giới đang phải đối diện đầy trắc trở và nhiều khó khăn. Tuy nhiên, là người tín hữu chúng ta không được phép sợ hãi mà chùn bước. Trong niềm tin và niềm trông cậy chúng ta tiến bước. Dù sao chúng ta cũng đừng quên phụng vụ Tuần thánh mời gọi chúng ta đi lại hành trình đó. Hành trình đã được Đức Giê-su đón nhận. Vì thế, tuy không được phép tham dự các nghi thức phụng vụ, nhưng bằng chính đời sống chúng ta bước vào hành trình khổ nạn với Đức Giêsu để chờ ngày vượt qua mọi khó khăn trong niềm cậy trông có Chúa chúng ta cùng dấn bước.

Hôm nay, trong Chúa nhật Lễ Lá, Hôi Thánh khai mạc Tuần Thương Khó này bằng việc đón tiếp Đức Giêsu vào thành Giêrusalem. Với những nhành lá vạn tuế kèm theo những lời tán tụng, dân Do Thái khi xưa và các tín hữu mọi thời đại cử hành việc đón tiếp Chúa như một quân vương. Nhưng vài ngày sau, cụ thể trong bài thương khó mà chúng ta vẫn được nghe, nói về con đường khổ nạn và sự chết của Người, chỉ còn một mình Chúa. Mẹ của Người và các người thân tín chỉ dám đi xa xa để trông chừng.

Đức Giêsu hoàn toàn cô đơn. Chính sách ‘social distancing’ mà chúng ta đang phải chịu cũng không làm cho chúng ta bị cô đơn như những gì mà Đức Giê-su đã trải qua khi xưa. Người chẳng còn được đón nhận bằng những lời tung hô; thay vào đó là những lời mỉa mai, sỉ nhục và lên án. Cũng chẳng còn những nhành lá biểu lộ sự vui mừng, mà là cây thập giá. Gia tài mà Chúa để lại cho chúng ta là thế: một con đường cô đơn, một cá chết tủi nhục như một phạm nhân trên thập giá.

Vào thời của Người, chết trên thập giá là một án tử hình dành cho các tội nhân. Và án này được chính quyền Roma đặt ra để áp dụng cho người Do thái. Hàng năm có rất nhiều người bị treo trên thập giá. Nhưng tại sao chỉ có mình việc Chúa bi treo và chết trên thập giá lai được lưu truyền cho đến ngày nay. Sự chết của Đức Giêsu đã có ảnh hưởng gì trên cuộc sống của anh em tín hữu tiên khởi, đến nỗi qua bao thế hệ, hàng hàng lớp lớp vẫn vui vẻ dấn thân vì lợi ích của người khác cho dù phải hy sinh chính bản thân mình. Chúng ta cần tìm ra những giá trị đích thực của việc Chúa Chết. Điều đó có ảnh hưởng gì trên cuộc sống của chúng ta.

Như bao dại dịch khác đã xẩy ra trên thế giới, rồi đại dịch CORONA cũng sẽ qua đi. Nhưng các nỗi đau khổ trong cuộc sống nhân sinh vẫn còn. Thử thách và đau khổ gắn liền với thân phận của con người. Không ai có thể tránh thoát! Chúng ta không chỉ đối diện với các đau khổ và vác thánh giá một mình. Noi gương Thánh Phao-Lô, chúng ta vui mừng tiếp nhận đau khổ để đem lại lợi ích chung cho Hội Thánh nữa.
Cụ thể là những khó khăn trong đời sống gia đình. Anh chị em hay phàn nàn là cuộc sống của anh chị em là chuỗi ngày vác thánh giá bùn. Ý của anh chị em là thánh giá thì dễ vác; nhưng bùn lại trươn chượt nên rất khó vác. Phàn nàn là bản tính của con người. Nhưng một điều đáng mừng là anh chị em chưa quăng cây thánh giá bùn đó. Dù người nào có muốn hay có ý định quăng đi, thì tôi xin có một lời khuyên là nên suy nghĩ lại. Bởi vì, quăng cây này anh chị lại tìm được cây khác giống như hệt cây đã quăng đi. Hãy học noi gương Chúa.

Người cũng than van, lo sợ… Và chắc một điều là Thập Giá mà Người đã vác khi xưa, không chỉ nặng về phần thể lý mà thôi. Đau khổ về phần xác không sánh gì với nỗi thống khổ của sự cô đơn, bị bỏ rơi trơ trọi một mình. Nhưng cuối cùng là một sự đón nhận trong yêu thương khi nhận biết đó là ý muốn của Cha Người, Đấng mà Người hết lòng tùng phục trong yêu thương.

Thập giá là đích điểm của mọi đau khổ mà Chúa đã chịu, nhưng bề sâu của Thập giá là một sự hòa hợp nên một trong Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nơi đó sự chết và tội lỗi bị phá hủy để nhường lại sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Thập giá còn biểu lộ sự bất lực của con người và biểu dương sức mạnh vô song của Thiên Chúa. Nhìn vào Thánh giá ta thấy bình minh của ngày Phục sinh đã hiện tỏ.

Đã hơn 2000 năm qua đi, tất cả những gì xảy ra thời Đức Giêsu vẫn còn tiếp diễn. Mỗi người chúng ta cũng được Đức Giêsu mời theo Người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Vác thập giá hôm nay chính là đón nhận những thử thách như bệnh tật mà đại dịch Corona là một bằng chứng. Vác thập giá là đón nhận sự thất bại, bị bỏ rơi, những lời sỉ nhục đầy bất công... Đó là những thập giá do Chúa gửi đến để thanh luyện lòng tin của chúng ta được kiên vững mà trung tín với ơn gọi đi theo con đường của Chúa: Con đường tuy hẹp nhưng lại thênh thang vì có nhiều bạn hữu cùng đi. Con đường tuy khiêm tốn nhưng biểu lộ sức mạnh và lòng quyết tâm phục vụ tha nhân.

Vì thế, trong tuần này chúng ta cùng với toàn thể giáo hội suy niệm về mầu nhiệm Thập giá, qua những biến chuyển do đại dịch Corona gây ra, không làm chúng ta quá lo sợ rồi thất vọng. Trái lại, trong giai đoạn ngập tràn thử thách và khó khăn này, chúng ta vũng tin hơn vào sự can thiệp của Thiên Chúa, Đấng hiện diện với Đức Giê-su trong suốt sứ vụ, nhất là con đường thập giá của Người mà chúng ta đang suy niệm. Từ đó, chúng ta mới thấy và nhận ra hồng ân bao la của Chúa mà sống lạc quan, vui tươi và bình an hơn.

Suy gẫm về hành trình thương khó và thập giá còn để giúp chúng ta cảm nếm được ơn tha thứ của Người. Như thế, chúng ta cũng được mời gọi để cảm thông, để tha thứ hơn đối với người anh em của chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta càng được mời gọi để tha thứ nhiều hơn. Càng tha thứ nhiều hơn, chúng ta càng dễ cảm nếm được ơn tha thứ của Chúa hơn.

Và sau cùng, qua hành trình Thập giá, chúng ta nếm hưởng trước niềm vui chiến thắng mà mầu nhiệm vượt qua của Đức Giê-su Phục sinh đem lại. Cuối cùng sức mạnh của Chúa sẽ chiến thắng. Chúng ta hãy tin tưởng và cầu nguyện như thế vì có Chúa, chúng ta cùng tiến bước để vượt qua đại dịch này. Đừng để nó trở thành gánh nặng quá sức mình, nhưng hãy nhận ra sức yếu hèn của chính mình và của tòan thể nhân loại, đang phải chiến đấu với một vật nhỏ bé mà mắt thường không thể nhìn thấy, để tin tưởng vào sự trợ giúp của Đức Giê-su, Đấng đã chịu muôn vàn đau khổ vì chúng ta và cuối cùng Người đã hiển vinh chiến thắng mọi sự.

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
26/3/20

Monday, 16 March 2020

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT : AI SÁNG AI MÙ, CHÚA ƠI!




Trong bài Tin Mừng tuần trước, Thánh Gioan đã thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ xứ Samaria. Chúng ta học nơi người phụ nữ niềm xác tín rằng cuộc sống con người thuộc về Chúa, và chỉ có Chúa mới lấp đầy nỗi khát vọng của chúng ta mà thôi.

Hôm nay, Đức Giêsu và các môn đệ đang ở Giêrusalem để tham dự lễ Lều tạm. Trong ngày bế mạc của tuần đại Lễ, Đức Giêsu đã loan báo: Ta là ánh sáng thế gian. (Ga 8:12). Điều này gây ra cuộc tranh cãi giữa Đức Giê-su với các nhà lãnh đạo tôn giáo và đại diện là những người Pha-ri-sêu. Sau cùng họ tính ném đá Người, nhưng Đức Giêsu đã lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.

Trên đường đi ra, Đức Giêsu và các môn đệ nhìn thấy người mù từ lúc mới sinh. Anh không phải là người mù duy nhất hiện có mặt tại Giêrusalem. Anh là kẻ mù như những người mù và những người tàn tật khác ngồi ăn xin bên vệ đường để đợi chờ sự bố thí và lòng thương xót của khách hành hương. Họ không thể vắng mặt vào các dịp lễ hội như thế này!

Anh là kẻ bị ruồng bỏ! Anh và người phụ nữ xứ Samaria cùng một thân phận. Họ bị coi thường đến nỗi ngay cả tên của họ cũng không ai biết. Nhưng nhờ vào chi tiết này, chúng ta có thể đồng hóa mình vào câu chuyện một cách dễ dàng. Bởi vì, họ có thể là những nhân vật biểu tượng để ám chỉ các tín hữu thời sơ khai và chúng ta ngày nay, những người đang khao khát tìm nguồn nước hằng sống, những người đang mò mẫm để được nhìn thấy ánh sáng. 

Người mù chưa bao giờ nhìn thấy khuôn mặt của chính mình, khuôn mặt của cha mẹ anh. Anh là một con người sống như không sống, anh hiện diện mà làm như chưa từng có mặt. Anh là một ngọn đèn chưa bao giờ được tỏa sáng, một tiếng nói chưa bao giờ được thốt ra khỏi miệng. Dân chúng và khách hành hương đi ngang qua cho dù đã nhìn thấy hình hài của anh, mà sự thật chẳng ai thấy anh ta ra sao!

Tuy nhiên chúng ta nên biết rằng: anh bị mù nhưng tai anh không điếc, anh vẫn con nghe thấy các biến chuyển xẩy ra chung quanh anh. Mũi anh vẫn còn ngửi và phân biệt được sắc hương. Người ta gọi anh là người mù; nhưng chưa hẳn anh đã không biết gì! 

Trước ngày hôm nay, người mù ngồi đó không nhìn thấy ai và người ta cũng không nhìn thấy anh như một tạo vật của Thiên Chúa. Anh có mặt như chưa bao giờ tồn tại. Anh chưa bao giờ thấy ánh sáng của mặt trời cho đến hôm nay! 

Hôm nay, với Đức Giêsu, người mù từ lúc sinh ra đã trở thành một tạo vật mới, một bằng chứng sống để tôn vinh Thiên Chúa; nhưng cho dù như thế những người hàng xóm, hàng ngũ lãnh đạo và thậm chí cha mẹ anh vẫn không nhìn ra sự thay đổi nơi anh! 

Anh hay họ, ai bị mù? 

Các môn đệ nhìn anh và thấy một câu hỏi thần học: thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta? Tầm nhìn của họ đã bị bóp méo bởi họ tin rằng đau khổ, bịnh tật và sự chết là hậu quả của tội lỗi. Đức Giê-su không chỉ đáp trả bằng lời nói khi công bố ‘Ta là ánh sáng thế gian’ mà cả bằng hành động; đó là làm cho người mù từ thủa mới sinh được nhìn thấy. Đức Giêsu đã làm dấu lạ này để bộc lộ vinh quang của Người.

Sau khi làm cho người mù được sáng mắt, Đức Giêsu biến mất, nhường lại vị trí cho người vừa được sáng mắt có cơ hội bảo vệ và tuyên xưng niềm tin của ông về những điều mà ông đã cảm nhận, đã thấy và sẵn sàng tuyên xưng. Ông đã trở nên tạo vật mới. Từ trước đến giờ ông chưa nhìn thấy điều gì; đây là lần đầu tiên ông nhìn thấy ánh sáng. Ánh sáng thể lý mà ông ta vừa được sáng tạo là bước đầu dẫn ông nhận ra nguồn sáng thiêng liêng mà ông nhận được từ Đức Giêsu, Đấng đã lấy bùn làm thuốc dẫn sai anh đi và anh đã đi, đã rửa và đã nhìn thấy.

Khi trả lời cho những người hàng xóm của mình, người vừa được sáng mắt quả quyết rằng chính tôi là người mù bẩm sinh, và tôi xin làm chứng rằng có người tên là Giêsu, đã bôi bùn vào mắt tôi, sai tôi đi rửa tại hồ Silôác. Tôi đã làm theo lời Người dậy bảo và tôi đã nhìn thấy. Hiện giờ tôi vẫn không biết Đức Giêsu đang ở đâu. Con đường đức tin của anh đã hé mở. 

Trong khi đó, với những người láng giềng thì anh vẫn bị xem như là người bị mù. Quả thật đây là hai hình ảnh trái ngược nhau: người vừa được sáng mắt đã nhìn thấy, còn những người láng giềng không nhìn thấy diễn tiến của sự việc, nên họ không nhận ra việc anh được sáng mắt. Họ tưởng là mắt của họ sáng, nhưng thực ra họ không nhìn ra sự thay đổi mà Đức Giê-su đã làm cho người mù, cho nên họ vẫn mù tối trong lối suy nghĩ và cái nhìn bị đóng khung của họ.

Sau đó, anh bị dẫn đến trình diện những người lãnh đạo tôn giáo, thuộc phái Pharisêu. Hai lần họ thẩm vấn anh. Hai lần anh đã làm chứng và tôn vinh Thiên Chúa. Anh đã dõng dạc trả lời cho họ biết rằng “Đức Giêsu là một ngôn sứ.” Một bước tiến trên hành trình đức tin của anh được tỏ hiện khi tuyên xưng Đức Giêsu là ngôn sứ. Trong khi đó, mắt của những người Pharisêu vẫn bị đóng kín bởi tín niệm dựa vào truyền thống của họ. Họ mù quáng vì đã chọn không nhìn vào các dấu chỉ mà Đức Giêsu đã thực hiện. Họ đã chọn quyền lực, qui tắc, truyền thống, tập tục và giai cấp để đối chọi với sự thật mà Đức Giêsu đem đến; cho nên họ không nhận ra Người là Đấng Cha sai đến, là Ánh Sáng cho trần gian.

Ngay cả cha mẹ anh cũng không muốn xác nhận những gì đã xẩy đến cho anh. Họ không muốn dính vào sự thay đổi mà con của họ vừa mới trải qua. Họ chỉ muốn xác nhận về cuộc sống quá khứ của anh. Con của họ bị mù từ thủa mới sinh. Họ không làm gì khiến anh mù. Còn những gì xẩy ra trước mắt thì họ chối là không biết. Họ không dám làm chứng cho sự thật vì sợ bị trục xuất khỏi hội đường. Điều này phản ảnh một thực tế đã xẩy ra cho Hội Thánh tiên khởi và có thể cũng xẩy ra cho cộng đoàn của Gioan, đó là những ai tin vào danh Đức Kitô thì bị trục xuất khỏi hội đường. 

Nói chung, tất cả mọi người, ngay cả cha mẹ anh, đến những người hàng xóm và những người lãnh đạo tôn giáo thời đó, đã nhìn nhưng không ai thấy anh. Nếu họ thấy anh thì họ sẽ phải đối diện với sự mù quáng của họ. Sự khác biệt giữa anh và họ là người mù từ khi mới sinh biết mình bị mù, còn họ tưởng mình sáng mắt nên họ phải trả lời cho đôi mắt không nhìn thấy của họ, như Đức Giê-su đã phán dậy: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy,’ nên tội các ông vẫn còn.

Sau khi người mù vừa được sáng mắt bị trục xuất thì Đức Giê-su, người đã bị trục xuất trước, đến gặp anh. Trong cuộc gặp gỡ này Đức Giêsu bộc lộ căn tính của Người, lập tức vừa nghe đến đó anh vội vàng quỳ xuống và tôn vinh Người. Anh đã thấy và anh đã tin Đức Giê-su, Người vừa ban ánh sáng cho anh, là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa và để nhờ tin mà anh và chúng ta có sự sống nhờ Danh Người. Anh đã đi đến đích điểm của lòng tin, trong khi đó những người tự nhận mình là sáng mắt lại cứ sống trong u tối vì tự trói mình trong ‘sự khôn ngoan’ của một hệ thống tôn giáo đóng kín của họ!

Nhờ tin vào Danh của Đức Giêsu mà chúng ta có sự sống, chúng ta được chiếu sáng. Nhưng trên thực tế, chúng ta vẫn còn đi trong bóng đêm, vẫn còn sống trong mù lòa. Mù không phải vì tầm nhìn ngắn về mặt thể lý của chúng ta. Mù cũng không phải về bóng tối xung quanh chúng ta, thật ra chúng ta mù vì bóng tối trong ta che lấp mọi sự. Nó bao gồm cách chúng ta nhìn người khác và những gì chúng ta nhìn thấy chung quanh mình. Chính vì thế nên chúng ta không nhìn thấy Thiên Chúa, con người, sự vật hay hoàn cảnh như đã được xẩy ra như ý muốn của Ngài khi tạo dựng chúng ta và vũ trụ này. Tất cả mọi sự Thiên Chúa dựng nên đều tốt đẹp! 

Nếu chúng ta muốn thấy Chúa, nhìn ra cuộc sống mình và những người khác như họ thực sự hiện diện thì mắt chúng ta phải được Đức Kitô mở ra trước. Chúng ta phải thay đổi, không chỉ nhìn bằng đôi mắt, mà bắt đầu tập nhìn bằng trái tim nhân hậu mà Thiên Chúa đặt để trong mình.

Trước tiên hãy suy nghĩ và khám phá ra lối nhìn của mình?
Anh hay chị có biết độ nhìn của tôi tốt đến độ nào không? Tôi nhìn chồng/vợ tôi tốt đến độ nhà tôi phải cảm phục về độ xác thực đó. Sau đó tôi liệt kê một danh sách để giúp nhà tôi thay đổi. Nhưng sau đó tôi lại tự hỏi tại sao tôi cứ phải là người như thế nhỉ? Tại sao lúc nào cũng phải là tôi? 

Điều mà tôi muốn nói ở đây là đôi mắt của tôi nhìn người khác và nhốt họ trong cách suy nghĩ của tôi, không phải là của họ. Vì thế, tôi tưởng là tôi sáng mắt, thật ra tôi mù trong các nhận định thiếu xác thực và không mấy phù hợp với hoàn cảnh và các diễn tiến xẩy ra trong cuộc sống của họ. Tôi cần thay đổi!

Có lẽ tôi cần khám phá Đức Giê-su là ai trong cuộc sống của tôi trước? Tôi có nhận ra tình yêu thương của Đức Giêsu trong tôi không? Bởi vì nếu chúng ta không cảm nhận tình yêu của Người trong cuộc sống mình thì cách cư xử của chúng ta giống như những người láng giềng, những người lãnh đạo, thậm chí giống như cha mẹ của người mù mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay. Họ không nhìn nhận các diễn tiến xẩy ra trong cuộc sống của ông.

Tất cả chúng ta đều bị mù trong cuộc sống. Và trong hoàn cảnh bị mù lòa mà cứ tưởng mình sáng mắt, nên chúng ta dần dần đánh mất tình yêu, tiêu hủy dần dần các mối quan hệ khi chúng ta sống trong sự cạnh tranh, luôn ước ao chiếm vị trí đầu trong mọi công tác để tìm sự tán dương và khen thưởng nơi người khác. Tôi bị sức ép của danh vọng, uy quyền và tiếng khen chi phối. Tôi lầm tưởng rằng những gì chúng ta có được là do cố gắng và năng lực của bản thân mà quên đi bao đóng góp, hy sinh của nhiều người đã gầy dựng và hình thành trong tôi. Trong khi đó, bản thân tôi chỉ góp một phần rất nhỏ bé, thế mà tôi vẫn cứ lừa dối và cho rằng kết quả đó là của mình.

Sau cùng, chúng ta hãy xin Chúa mở mắt để nhận ra sự hiện diện của Đức Giê-su trong cuộc sống mình và có cái nhìn như cái nhìn của Chúa trong cách cư xử với nhau.

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
26/3/20

Tuesday, 10 March 2020

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT : CUỘC GẶP GỠ ÂN TÌNH




Khi suy niệm về bài Tin Mừng hôm nay, tôi chợt nhớ đến câu nói rất quen thuộc của người bạn hay thường nói “nhìn vậy mà không phải vậy.” Thật ra, chúng ta cũng nhận ra có sự khác biệt giữa “những gì chúng ta nhìn thấy” và “sự thật được ẩn dấu sau sự kiện đang xảy ra trước mắt chúng ta.” Và thí dụ sau đây có thể dùng để quảng diễn và hỗ trợ cho nhận định nói trên.

Sự kiện như thế này: Tôi nhìn thấy anh thanh niên chở cô gái xinh đẹp trên chiếc xe gắn máy. Vậy điều gì đã, đang và sẽ xẩy ra giữa họ. Họ có thể là anh em, hay vợ chồng, đang đèo nhau đi đến nhà thờ hay trở về nhà sau khi đi mua sắm. Họ có thể là đôi tình nhân đang trên đường về nhà sau buổi hẹn hò hay đang trên đường đi tham dự một bữa tiệc.

Chưa hết, việc giải thích những gì đang xẩy ra cũng khác nhau. Sự kiện là một anh thương gia trẻ tuổi, rất thành công trên thương trường. Những người đồng nghiệp có óc cạnh tranh sẽ coi anh là một đối thủ. Ông bác sĩ cho rằng người thương gia cứ tiếp tục làm việc như thế thì, sớm hay muộn, anh ta sẽ bị tai biến hay bị nghẽn tim mạch. Mấy chú nhà nghèo thuộc giai cấp cùng đinh lại ghen tương vì ông nhà giầu này đã gặp quá nhiều vận may. Mấy ông cha lại nghĩ ông ta đang làm nô lệ cho của cải chóng qua, thật tội nghiệp!

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật Thứ Tư tuần này thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ xứ Samaria tại bờ giếng Giacóp; nhưng những gì xẩy ra trong lối suy nghĩ và tâm hồn của họ thì vô cùng quan trọng. Đức Giêsu muốn tỏ bầy cho chị nhận ra rằng: cuộc gặp gỡ này sẽ làm thay đổi đời chị. Đức Giêsu sẽ là nguồn nước đem đến cho chị sự sống. Phần chị sẽ không còn bị coi thường, không còn phải sợ hãi về quá khứ mà chị đã trải qua để nhường chỗ cho sự tôn trọng vì nhân phẩm và giá trị con người của chị sẽ được phục hồi. 

Việc xẩy ra vào một buổi trưa, và không ai đi lấy nước vào thời điểm này trong một ngày nóng bức cả, trừ phi người phụ nữ trong câu chuyện không muốn bị những người trong làng bắt gặp. Chị muốn tránh né mọi người vì cảm thấy xấu hổ về cuộc sống của chị. Chị rất cô đơn và đây là nỗi đau khổ nhất trong đời mà chị đã trải qua. Hơn nữa, tự trong thâm tâm chị cảm thấy không ai quan tâm, để ý và thương yêu chị hết. Nỗi đau của cảm giác không được yêu thương này dần dà khiến chị rơi vào tình trạng trống vắng, một cảm giác cô đơn không ai có thể lắp đầy. Vì thế, cách tìm kiếm và lối diễn tả tình yêu của chị thật vụng về. Chị chưa bao giờ được yêu thì lấy gì mà trao ban! Quả thật, chúng ta không lạ gì khi nghe chị thú nhận rằng dù chị đã có năm đời chồng, nhưng trong năm người đó có ai đã là chồng chị hay chưa? Phải chăng họ chỉ là những con tin bị bắt làm tù nhân tình yêu trong mạng lưới tìm kiếm yêu thương của chị. Và người đang sống với chị cũng không phải là chồng chị.

Xét cho cùng, không lẽ một người phụ nữ, do hoàn cảnh, đã phải hay bị chung sống với năm ông khác nhau mà không một ông nào là chồng của chị, cuối cùng lại bị kết án là do tội của chị gây ra hay sao? Người ta dùng luật để lên án, buộc tội rồi xa lánh chị. Chị bị coi thường và rất cô độc. Chị cố gắng giành lấy tình yêu để lắp đầy nỗi trống vắng và tâm hồn cô đơn của chị. Rồi cũng chính chị lại bóp nghẹt và giết chết tình yêu bằng lối sống ‘mò mẫm, vụng về trong yêu thương’ của chị. Sau cùng, giống như tất cả chúng ta, trong nỗi đau khổ tột cùng của cuộc sống, chị chán nản và lâm vào tình trạng ‘trầm cảm’, không còn nhận ra giá trị con người trong cuộc sống của chị nữa. Cho đến ngày hôm nay, ngày chị gặp gỡ Đức Giêsu, Đấng khao khát yêu thương và tìm đường cứu thoát chị.

Và, lần đầu tiên trong đời, chị gặp một người đàn ông tên là Giê-su, một con người chỉ biết yêu và cho đi. Người muốn dùng cuộc gặp gỡ này để mở cho chị một con đường mới, con đường của sự thật, con đường dẫn chị đến việc nhận ra Chúa nơi tha nhân. Đàng sau quá khứ của chị, Đức Giê-su đã nhìn thấy hình ảnh xinh đẹp của một con người. Người mong muốn hình ảnh đó được tái tạo và không cần chị đền đáp hay trả ơn. Người trao ban cho chị món quà tặng nhưng không.

Đức Giêsu bắt đầu cuộc đối thoại bằng cách ngỏ lời xin nước để uống cho đỡ khát. Một lời xin rất thực tế và phù hợp với hoàn cảnh của Đức Giêsu. Đức Giêsu chuyển vai rất khéo, thay vì ban ơn thì Người lại xin chị. Bằng cách này Đức Giêsu tự động đặt bản thân của Người vào một mối quan hệ với người phụ nữ đó. Điều này giúp chị nhận ra rằng sự hiện diện của chị thật có giá trị. Không lẽ đây là lần đầu tiên chị có cảm giác rằng mình thật đáng quí; có người cần đến chị. Đức Giêsu đang ở trước mặt chị.

Người không ở xa. Người đang hiện diện và mời chị bước vào mối tương quan do Người thiết lập. Người biết rõ và chấp nhận quá khứ của chị. Không cần phải lo lắng hay tìm cách để bào chữa nữa. Người thương yêu chị và chính tình yêu này là cánh cửa mở cho chị một cuộc sống mới. Chúa không lên án. Mời chị nhìn nhận sự thật, tạo cho chị thêm can đảm để đối diện với nỗi khao khát thật của lòng và đời chị. Chỉ có như thế, Chúa mới có dịp để lấp đầy.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người đàn bà xứ Sa-ma-ri-a được công bố trong Mùa Chay nhằm nhắc cho chúng ta nhớ rằng Đức Giê-su mong muốn gặp chúng ta. Hy vọng chúng ta mở cửa lòng để đón nhận lời mời của Chúa hôm nay.

Thật vậy, Mùa Chay là cơ hội đặc biệt mà Thiên Chúa dùng để thu hút chúng ta trở về với nguồn suối tình yêu của Người. Chúng ta không ngồi đó, dán mắt nhìn vào cuộc sống của quá khứ, ân hận, than trách rồi để cho mặc cảm tội lỗi đè nén khiến chúng ta không vươn ra khỏi chính mình.

Trái lại, khi tập trung cuộc sống vào tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta thấy rõ hơn tình Chúa thương yêu ta đến dường nào. Người yêu thương chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân. Chúa đang nói với mỗi người rằng: hãy nhìn Thầy! Đừng tập trung và dán mắt nhìn vào cảm giác tội lỗi rồi làm cho chúng ta sợ hãi! Hãy nhảy vào vòng tay yêu thương của Người để cảm nhận tình yêu thương chan chứa của Người dành cho ta! Thiên Chúa chờ đợi và mời chúng ta đi vào mối quan hệ gắn kết và yêu thương của Người. Chúng ta đuợc dựng lên cho Chúa và chỉ có Chúa mới thỏa lấp đuợc nỗi khát khao trong cuộc sống của chúng ta mà thôi!

Thiên Chúa chọn ta trước khi ta đáp trả lời mời gọi của Người. Đức Giêsu chủ động trong việc thiết lập quan hệ với chúng ta. Quá khứ tội lỗi, cuộc sống lộn xộn của chúng ta không làm cho Người thay đổi ý định. Trái lại, cuộc sống của chúng ta càng lộn xộn, chúng ta càng cần tình yêu của Người và Người càng muốn yêu chúng ta hơn.

Đức Giêsu khao khát được ở bên chúng ta, để chúng ta nói chuyện và chia sẻ cuộc sống của mình với Người. Tuy nhiên, cũng có những lúc chúng ta cảm thấy như Thiên Chúa đang ở rất xa. Nhưng, một thứ cảm giác bị bỏ rơi không làm thay đổi niềm mong muốn gắn bó và yêu thương của Thiên Chúa dành cho mình.

Đó là những gì mà người đàn bà xứ Samar-a đã trải qua và ngày hôm Đức Giêsu cũng muốn cho chúng ta bước vào hành trình tìm kiếm để gặp gỡ và cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúa đang đợi ta bên các giếng nuớc của cuộc đời. Tại nơi đó, còn bao nhiêu người đang khát khao chờ chúng ta giới thiệu Chúa cho họ.

Như người đàn bà xứ Samaria, chúng ta cũng đuợc mời gọi đi gặp Chúa, để từ nay sẽ không còn vất vả băn khoăn tìm nước và của ăn hay hư nát, vì Chúa chính là Nguồn suối ân ban vô tận, là cùng đích mà cuộc đời chúng ta nhắm đến. Và một khi đã được no thỏa ân tình vô biên của Chúa, chúng ta khát khao chia sẻ ân tình này cho người khác.

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
10/3/2020

Tuesday, 3 March 2020

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT : HÃY XUỐNG NÚI, VỚI CHÚA ĐI GIÊRUSALEM

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật thứ II thường niên năm A

                                                      HÃY XUỐNG NÚI,
                                        VỚI CHÚA ĐI GIÊRUSALEM
                                      Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT 

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Chay, chúng ta đã chứng kiến việc Đức Giêsu đối diện với các thử thách trong hoang địa. Cuối cùng nhờ sự vâng phục, Người đã chiến thắng quyền lực của sự dữ và trở thành một Adong mới, nêu gương cho chúng ta biết mà đầu phục Ý muốn của Thiên Chúa. Đức Giêsu không chỉ nhận thức mà còn biết rằng chỉ có quyền lực và ý định của Thiên Chúa mới giúp Người và những kẻ thuộc về Người vượt qua mọi thử thách.

Tuy nhiên không phải vì đã vượt qua các thử thách hôm nay mà Đức Giê-su không còn phải đối diện với các cơn cám dỗ nữa. Tất cả vẫn hiện diện chung quanh bản thân và sứ vụ của Người. Đích điểm của mọi cám dỗ đều qui về thời điểm Đức Giêsu bị treo trên Thập Tự giá, bên cạnh Người là hai tên gian phi, một người đã lên tiếng thách thức Người rằng: “Ông không phải là Đức Kitô sao?” Câu nói này có ý ám chỉ rằng nếu ông là Đức Kitô thì hãy tự cứu mình rồi cứu họ nữa. Trong hoàn cảnh kề cận với sự chết như thế ai mà không muốn sống. Nhưng sống mà bị lệ thuộc bởi quyền năng của những kẻ dụ Người làm trái ý Thiên Chúa thì Người không làm. 

Thật vậy, Đức Giêsu đã không tìm lối sống theo ý mình. Trái lại Người chỉ tìm và làm theo ý Cha mà thôi. Người vẫn trung kiên, một lòng trung thành với ý định của Chúa Cha, Đấng muốn Người phải thông qua mọi đau khổ, ngay cả sự chết thì mới vào vinh quang. Thật đúng như lời tuyên xưng của Thánh Phaolô về Đức Giêsu như sau: “Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.” (Dt 6: 6)

Vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay, chúng ta cùng với Đức Giêsu lên một ngọn núi. Lần này, Người không lên núi một mình mà dẫn theo ba môn đệ thân tín trong đó có Phêrô là người lãnh đạo và cũng là người mới tuyên xưng căn tính làm Con Thiên Chúa của Đức Giêsu theo sự hiểu biết và ước muốn của ông. Đến khi Đức Giêsu tỏ cho các ông biết con đường phải đi để chu toàn bổn phận làm Con Thiên Chúa của Người thì ông là người lên tiếng mạnh mẽ nhất để ngăn cản Người. Còn các ông khác đều kinh hoàng khi nghe Đức Giêsu cảnh báo họ rằng con đường theo Người là con đường Thập Giá. Các ông tưởng rằng Thầy lên Giêrusalem để khôi phục vương quyền và xua đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi để dành lại độc lập và sức mạnh uy hùng của dân Thiên Chúa. Ai ngờ, Người lại loan báo về những ngày khổ nạn sắp bắt đầu tại Thánh đô Giêrusalem! 

Với bối cảnh như thế, chúng ta mới nhận ra sự cần thiết và tầm quan trọng của biến cố hiển dung, một cuộc tỏ mình để khẳng định căn tính của Đức Chúa, và để hỗ trợ niềm tin cho các môn đệ có thể cùng với Đức Giêsu tiến về Giêrusalem là nơi mà Người sẽ chịu mọi sỉ nhục, đón nhận muôn vàn đau khổ, thậm chí bị các môn đệ và Cha của Người bỏ rơi và sau cùng là gục ngã bằng cái chết nhục nhã trên Thánh Giá. Làm thế nào mà các môn đệ và chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện và vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện qua những giây phút hoạn nạn, hoàn cảnh đầy khó khăn, trong thung lũng đầy nước mắt và đau thương của cuộc sống hiến dâng của Đức Giêsu như thế!

Như vậy, biến cố hiển dung của Đức Giêsu không chỉ nâng đỡ và hỗ trợ cho các môn đệ đủ can đảm để đối diện với các thử thách và đau khổ trong khi thi hành sứ vụ; nó còn chất chứa một lời mời gọi dành cho tất cả những ai tin vào Chúa là hãy sẵn sàng tham dự vào những gì mà Đức Giêsu đã thực hiện trong cuộc sống. Chúng ta không được phép thụ hưởng, cho dù đó là những giây phút tuyệt diệu nói lên mối dây thân tình giữa ta và Chúa. Nhưng phải ra đi, phải xuống núi mà san sẻ kinh nghiệm đó cho mọi người.

Thật vậy, kinh nghiệm hiển dung hôm nay cho các môn đệ và chúng ta sức mạnh để xuống núi và tiếp tục thi hành bổn phận tuy cao quí nhưng thật gian nan của người môn đệ. Đó là việc làm của Đức Tin. Đức tin không ngừng thách thức, lôi kéo và mời gọi chúng ta đi về phía trước. Muốn đi về phía trước chúng ta cần định hướng. Vì thế, chúng ta không thể quên giây phút hiện tại và biết mình đang ở đâu. 

Hẳn anh chị em vẫn còn nhớ điều mà Chúa Kitô mời gọi chúng ta là hãy vác thập giá của mình và đi theo Người khi Đức Giêsu cũng đang đi đến thập giá của chính Người. Chúng ta còn được mời gọi yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ chúng ta. Chúng ta được lệnh phải hoạt động cho công lý và mưu cầu an bình. Chúng ta buộc phải nuôi ăn những kẻ đói khát và chăm lo cho những ai đang bị tổn thương.

Các điều nói trên, không có điều gì là điều dễ dàng đối với người tín hữu. Con đường của chúng ta đi là con đường hẹp dẫn đến đau khổ và sự chết. Làm thế nào chúng ta có thể làm được các điều đó nếu không có sự phù hộ của Thiên Chúa. Và sự trợ giúp của Thiên Chúa phải được chúng ta cảm nghiệm bằng chính kinh nghiệm gặp gỡ Người trong cuộc sống. Nhưng trên thực tế, những kinh nghiệm gặp gỡ đó lại rất hiếm xẩy ra và nếu có xẩy ra thì cũng rất ngắn ngủi. Vì thế, chúng ta nên trân trọng chúng. Chúng ta nên cố gắng ôn đi ôn lại càng nhiều càng tốt. Chúng ta không nên ốn ào, phô trương thanh thế; trái lại cần bầu-khí linh-thánh để lắng nghe tiếng nói của Chúa. Những khoảnh khắc đó rất cần thiết để cho chúng ta có thêm sức mạnh cho cuộc hành trình.

Sau này, biến cố hiển dung của Đức Giêsu còn đóng một vai trò thật quan trọng trong hành trình đức tin và đời sống của các tín hữu thuộc về các cộng đoàn tiên khởi và chúng ta ngày hôm nay. Quả thật, chúng ta không nên quên thực trạng đời sống của các tín hữu thời sơ khai. Họ đã để lại cho chúng ta một mẫu gương gắn bó với Đức Giêsu và với nhau. Cho dù họ bị chối từ, bị coi thường, bị theo dõi, bị săn lùng và thậm chí bị giết chết; nhưng vẫn quyết tâm và thành tín để trao đổi cho nhau qua việc chia sẻ và nói về Đức Giêsu. Trong số những san sẻ đó có chuyện tích hiển dung hôm nay. 

Khi nói về biến cố này, họ đã cảm nghiệm có một sự thay đổi nơi con nguời của họ. Ánh vinh quang cuả Thiên Chúa đã chiếu toả để cho hình ảnh của Thiên Chúa nơi các tín hữu được rõ ràng hơn. Một con người có Chúa là như thế, dung mạo của họ sẽ toát lên một sức mạnh mà chỉ có nhưng ai ở trong Chúa mới có được. Sự hiện diện của Thiên Chúa là thế!

Sau đây là một kinh nghiệm, có thể gọi đó là ‘kinh nghiệm hiển dung,’ kinh nghiệm mà người bạn tôi đã chia sẻ. Anh là một tín hữu nhiệt thành và ngoan đạo. Trong suốt 30 năm qua, anh đã tham gia các đoàn thể và phong trào trong Giáo xứ như: Hội Đạo Binh Đức Mẹ, phong trào Cursillo, Thánh Linh, Thăng Tiến Hôn Nhân và Hội Đồng Giáo Xứ.

Với lòng nhiệt thành và hy sinh, anh đã được đề cử vào các chức vụ như hội trưởng hội Legio của Giáo xứ, thư ký cấp Giáo Phận; ủy viên các phong trào và sau cùng là thành viên của Ban Chấp Hành của Giáo xứ. Mọi công tác anh đều chu toàn. Anh là người thành công và được nhiều người kính trọng trong Giáo xứ. Thế mà, tự trong thâm tâm, anh vẫn khắc khoải và cảm thấy như vẫn còn thiếu vắng một điều gì cho cuộc sống.

Anh đã ví hành trình tìm Chúa của anh giống như của Giakêu. Anh tưởng rằng việc tham gia các đoàn thể, từ hội này đến phong trào khác là con đường gặp Chúa của anh. Giống như Giakêu, anh nghĩ rằng các vị trí mà anh đạt được là những điểm thuận lợi cho anh nhìn thấy Chúa! Nhưng anh đã lầm! 

Giakêu đã nhìn thấy Chúa khi ở trên cây, nhưng Giakêu chỉ gặp Chúa khi ông ta xuống đất. Và trường hợp của anh bạn tôi cũng thế, anh không nhận ra sự hiện diện của Chúa trong các chức vụ anh đã đạt được. Thế mà, khi trở về cuộc sống bình thường của người tín hũu, không còn bị vướng bận bởi các công tác, không còn bị trói buộc bởi các nhiệm vụ và cũng không còn bị áp lực phải làm gương sáng cho ai nữa. Anh tham gia nhóm gia đình cầu nguyện, khoảng chừng năm đến bẩy gia đình. Hàng tuần họ họp và cầu nguyện chung với nhau. Họ dùng các lời Thánh Vịnh, lập đi lập lại các điệp ca để cho tâm hồn thư thái và chìm đắm trong bầu khí thật linh thánh đó. Và anh đã gặp Chúa.

Cuộc gặp gỡ Chúa của anh và những người bạn trong nhóm cầu nguyện đã thay đổi cuộc đời anh một cách sâu sắc. Nhờ sự gặp gỡ này, anh đã khám ra con đường dẫn anh đi vào mối tương quan mới với Thiên Chúa và những người khác. Anh tôn trọng, hiểu và yêu họ nhiều hơn. Chúa đã tỏ mình cho anh, Chúa đã hiển dung với anh.

Suy niệm về biến cố hiển dung giúp cho chúng ta nhận ra một điều là chúng ta đứng ở ngưỡng cửa của những gì đã xẩy ra và đang mong chờ việc sắp xẩy đến. Hiển dung là như thế. Giây phút chiêm ngưỡng dung nhan vinh hiển mà Đức Giê-su ban cho tuy ngắn ngủi nhưng lại tác động và đòi buộc chúng ta phải thay đổi. Là người tín hữu, chúng ta liên tục được mời gọi bước vào những cuộc phiêu lưu mới mà chưa thấy kết quả. 

Chúng ta được mời gọi trở thành các môn đệ chân chính và hoàn hảo hơn. Chúng ta được mời gọi cho đi nhiều hơn, yêu thương quảng đại và lòng tin sâu sắc hơn. Chúng ta không ngừng được thúc đẩy trở thành môn đệ mà Chúa yêu thương. Chúng ta không bao giờ sẵn sàng để tiến về phía trước. Một mặt, chúng ta cần phải ra đi, mặt khác chúng ta lại khăng khăng giữ lấy những gì quen thuộc. Nói tóm lại, chúng ta được mời gọi tham dự vào khoảnh khắc biến hình đổi dạng, thay đổi và trở thành tinh tuyền và thánh thiện hơn.

Vì vậy, hãy ôn đi và ôn lại những kinh nghiệm đã nhìn thấy Chúa hiển dung, Đấng đã tỏ mình cho ta được chiêm ngưỡng dung nhan vinh hiển của Người. Giữ lấy kinh nghiệm gắn bó và kết hiệp với Chúa mà mình đã trải qua. Tuy nhiên, chúng ta lại được mời gọi sẵn sàng quay đầu xuống núi và tiếp tục chăm chỉ chu toàn bổn phận của người con mà Thiên Chúa ưu ái, bởi vì đó là điều mà Chúa kêu gọi chúng ta làm. 

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
Sydney 03/3/2020