Tuesday, 22 October 2019

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT : HÃY TẠ ƠN CHÚA VÌ CON LÀ KẺ CÓ TỘI.




Noi gương bà góa trong bài Tin Mừng tuần trước, chúng ta hãy cầu nguyện liên tục, không được ngừng. Tuần này, bài Tin Mừng mô tả việc hai người Pha-ri-sêu và thu thuế lên đền thờ cầu nguyện. Qua đó, Đức Giê-su không chỉ dậy bảo chúng ta có tinh thần khiêm tốn khi cầu nguyện, mà còn mời gọi chúng ta hãy xem xét lại thái độ và lối sống của mình trước mặt Chúa nữa.

Người Pharisêu được mô tả thật sống động. Ông đứng thẳng người bộc lộ dáng vẻ tự tin, thì thầm với Thiên Chúa. Chúng ta phải thú nhận rằng những việc ông làm, nào là không trộm cắp, không có hành vi bất chính, không ngoại tình, còn tuân thủ việc đóng thuế thập phân cho đền thờ nữa là những việc tốt và rất đáng khích lệ và ông ta đã hành động theo đúng luật Chúa. Ông ta làm được nhiều việc hơn chúng ta. Thật cảm phục cho các tín hữu dám công khai nói như người Pha-ri-sêu hôm nay.

Ông đã tạ ơn Chúa; nhưng cách ông tạ ơn dường như để khoe khoang chứ không để tỏ bầy cử chỉ tôn thờ Thiên Chúa của ông. Sau đó, đã sai ông lại tiếp tục sai khi vịn vào thành tích rồi hợm mình để chê bai người khác. Ông làm như đã trở thành con người hoàn hảo bởi các việc ông làm.

Chúng ta tưởng rằng chỉ mấy ông Pharisêu thời Đức Giêsu mới hành xử như thế. Thật ra trong mọi thời đại và dù bất kỳ sống trong môi trường nào thì lối sống như ộng Pha-ri-sêu vẫn còn hiện diện và được khuyến khích trong các cơ cấu, ngay cả các tổ chức công giáo. Họ là những người tự cho mình là đạo đức, dựa vào công nghiệp và những đóng góp rồi coi kẻ khác không ra gì.

Thật ra, ai trong chúng ta cũng đều biết rằng chúng ta có làm được các việc như thế cũng là hống ân của Chúa ban cho. Tất cả đều là hồng ân, là quà tặng của Chúa trao ban để chúng ta chia sẻ cho người khác. Đó là bổn phận, nếu không hành động thì chúng ta là người có lỗi, lấy gì mà vinh vang.
Nếu ai trong chúng ta có muốn so sánh thì hãy lấy tiêu chuẩn của Tin Mừng ra mà so sánh. Tất cả chúng ta, dù là ai hay dù đang nắm giữ tác vụ nào của Hội Thánh, tất cả đều là tội nhân, là những con người khuyết hẳn vinh quang và sự Thánh Thiện của Chúa nơi mình.

Vì thế, hãy học vẻ đẹp của người thu thuế. Ông biết các công việc của ông, như cộng tác với chính quyền, thu thuế và làm giàu trên xương máu của nhân dân khiến cho ông tuy giầu có nhưng lại bị dân chúng ghét bỏ. Ông nhận ra một sự thật là cho dù liêm khiết và thành thật đến đâu thì ông cũng là người có tội với dân tộc và với dân chúng. Chính vì thế, ông chẳng có gì để hãnh diện hay trình bầy thành tích trước mặt Chúa. Ông đứng tự đàng xa, không dám ngước mắt nhìn ai, nhìn vào cõi lòng, hẳn nhiên khi nhìn vào cõi lòng ông thấy sự uy nghiêm và thánh thiện của Chúa, nên ông đấm ngực mà thân thưa cùng Chúa rằng: “Lậy Thiên Chúa, xin thương xót, con là kẻ tội lỗi.”

Giống như anh con thứ trong dụ ngôn Tình Phụ Tử, người cha đã không cho phép anh kể hết các tội của mình, không cho phép anh đánh mất mối tương quan khi anh dự định nói rằng mình không xứng đáng là con của ông. Ông đã cắt đứt việc anh con thứ kể lể về tội của anh thế nào thì ở đây cũng thế. Chúng ta không thấy người thu thuế liệt kê các tội của anh. Với thái độ nhìn rõ sự thật và vị trí trong thân phận của một kẻ có tội, anh đã được Thiên Chúa thương và làm cho anh trở nên công chính. Nói khác đi, anh ra về và được khỏi tội.
Thưa anh chị em,
Nơi câu đầu của dụ ngôn, Thánh Luca đã nói mục đich của dụ ngôn này là bài học mà Đức Giêsu muốn trao ban cho một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê kẻ khác. Chúng ta có nằm trong đối tượng mà Đức Giêsu dậy bảo hôm nay hay không?

Tôi thấy cách hành xử của hai người: Pharisêu và thu thuế, đều được tôi lập lại trong cuộc sống hằng ngày. Sống trong một môi trường coi trọng thành tích, chúng ta nói cho nhau nghe các thành tựu, liệt kê một mớ bảng tạ ơn hay trọng thưởng. Chúng ta muốn nói cho người khác biết là chúng ta đang làm rất tốt; rồi từ đó chúng ta cũng nghĩ rằng Chúa đang mong đợi các điều tương tự từ nơi chúng ta, Chúa sẽ có ấn tượng tốt qua các thành công của chúng ta. Bị ảnh hưởng bới các yếu tố đó nên ông Pha-ri-sêu của mọi thời đại đã làm giống như người Pha-ri-sêu trong bài Tin Mừng. Cho dù ông mở đầu bằng lời tạ ơn, nhưng tâm tình tạ ơn của ông đâu chẳng thấy mà chỉ thấy ông khoe thành tích, kể lể công nghiệp hàm ý rằng những gì mà ông đang thụ hưởng là một sự đáp trả mà Chúa phải ban qua các việc ông đã làm. Ông không còn nhận ra những gì mà ông có được là hồng ân từ Chúa thì làm sao ông có thể tạ ơn được.

Chúng ta không cần tạo một ấn tượng tốt nơi Thiên Chúa. Chúa biết rõ chúng ta là ai, và Người còn biết tận tường chúng ta muốn gì. Vì thế, việc nhận ra vị trí và thân phận của chính mình là điều tiên quyết mà chúng ta cần có khi đến với Ngài. Thiên Chúa làm gì còn chỗ đứng nơi những kẻ chỉ biết đến mình. Sự thật giúp chúng ta nhận ra rằng mình là người có tội và chính vì thế chúng ta cần Chúa.

Muốn được như thế, chúng ta cùng nghĩ rằng:
• Bản thân và tất cả những gì chúng ta có được đều thuộc về Thiên Chúa. Đừng nghĩ rằng mình xứng đáng và chiếm hữu nó; trái lại hãy xử dụng mà chia sẻ cho nhau. Như vậy, những gì mà chúng ta có thể làm được cũng là hồng ân của Chúa; chúng ta đâu còn có gì để báo cáo thành tích mà vinh vang.

• Tất cả mọi người, dù già hay trẻ, cao hay thấp, sang hay hèn, cao trọng hay thứ dân, đều được mời gọi để trở nên công chính và thánh thiện. Mức độ thánh thiện không tùy thuộc vào công trạng của con người nhưng tùy thuộc vào mối tương quan giữa Chúa và ta. Khởi điểm của việc thiết lập mối tương quan đó là nhận ra sự thật than phận tội lỗi của mình mà bám víu vào lòng Thương xót của Thiên Chúa. Không vịn vào công trạng mà là một tâm tình phó thác trọn vẹn vào Đấng luôn yêu thương mình.

• Sau cùng, giống như người thu thuế, chúng ta hãy can đảm chấp nhận thân phận tội lỗi của mình, đến với Chúa để xin được tha thứ và tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương và muốn cho mọi người được cứu thoát. Đó chính là khởi điểm của cuộc sống mới. Cuộc sống không bị mặc cảm tội lỗi dầy vò; nhưng qua đó mà chúng ta nhận ra Tình Yêu của Chúa cao cả dường bao. Vì Ngài là tình yêu, và Tình yêu chính là bản chất và sức sống của Thiên Chúa.


Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
23/10/2019







No comments: